Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc

Posted on
  • Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Tác giả:      Andrew J. Nathan
    Dịch giả:    Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]
    Andrew J. Nathan là Giáo sư ngành Khoa học chính trị ở Đại học Columbia. Ông là tác giả và là chủ biên của hai mươi cuốn sách bàn về Trung Quốc và Đông Á, trong số đó có cuốn “Quá trình tìm kiếm an ninh của Trung Quốc” [China’s Search for Security] (đồng tác giả với Andrew Scobell, 2012) và “Liệu Trung Quốc có tiến tới dân chủ hóa?” [Will China Democratize?] (đồng chủ biên với Larry Diamond và Marc F. Plattner, 2014).

    Tôi chưa bao giờ gặp Seymour Martin Lipset; lúc tôi đến Đại học Columbia thì ông đã không còn làm việc ở đây. Thật thú vị khi đọc những giãi bày của ông về quá trình trở thành nghiên cứu sinh ở Đại học Columbia hồi 1943 trong cuốn tự truyện “Lao động bền bỉ”. Ông đã nhận được học bổng của khoa xã hội học của City College, và học bổng này yêu cầu người nhận phải đăng ký làm sinh viên sau đại học tại một trường bất kỳ nào đó. Vì trường đại học Columbia chỉ cách đó tầm một dặm, đi xuống một quả đồi và lên một quả đồi khác, nên ông đã đăng ký ở đó1. Tôi ước gì ngày nay người ta cũng có thể chọn một chương trình sau đại học dễ dàng như vậy. 
    Trong vai trò một sinh viên sau đại học và một trợ giảng trẻ tuổi ở Đại học Columbia, Lipset được làm việc với những nhân vật lớn như Robert Merton và Paul Lazarsfeld, những người thiết lập nền tảng cho ngành xã hội học chính trị hiện đại. Khi tôi tốt nghiệp đại học hồi giữa những năm 1960, công trình của Lipset là tài liệu đọc bắt buộc cho các bài kiểm tra chất lượng trong chương trình tiến sĩ. Ngày nay, khi đã thích nghi với công việc giảng dạy cao cấp, tôi thường phàn nàn rằng sinh viên không đọc các tác phẩm kinh điển của ngành học. Nhưng tác phẩm “Con người chính trị” [Political Man] của Lipset, được xuất bản lần đầu vào năm 1960, là một ngoại lệ. Công trình đặc biệt có sức ảnh hưởng là tiểu luận nổi tiếng của ông, “Một số điều kiện xã hội tất yếu của nền dân chủ: Sự phát triển kinh tế và sự hợp pháp chính trị”, được xuất bản vào năm 1959. Tiểu luận này về sau được trình bày thành một chương trong cuốn “Con người chính trị”, với tiêu đề “Sự phát triển kinh tế và nền dân chủ”, hàm chứa cái luận điểm của Lipset rằng “một quốc gia càng giàu có, thì khả năng duy trì nền dân chủ của nó càng cao”2. (Thừa nhận sự ảnh hưởng từ tư tưởng Aristotle, Machiavelli, và Marx), Lipset khẳng định rằng sự phát triển kinh tế sẽ làm mở rộng giai cấp trung lưu, và giai cấp này luôn ủng hộ cho nền dân chủ.
    BÀI GIẢNG [VINH DANH] SEYMOUR MARTIN LIPSET
    VỀ DÂN CHỦ TRÊN THẾ GIỚI
    Vào ngày 20 tháng Mười năm 2015 tại Đại sứ quán Canada ở Washington, D.C, và vào ngày 13 tháng Mười tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế ở Trường Các Vấn đề Toàn cầu Munk ở Đại học Toronto, Andrew J. Nathan đã phát biểu bài giảng Seymour Martin Lipset về Dân chủ trên Thế giới hàng năm lần thứ mười hai. Tiêu đề bài giảng của ông là “Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc”.
    Seymour Martin Lipset qua đời vào cuối năm 2006. Ông là một trong những nhà khoa học xã hội và học giả về dân chủ có tầm ảnh hưởng nhất suốt nửa thế kỉ qua. Lipset là người thường xuyên đóng góp cho Tạp chí Dân chủ [Journal of Democracy] và cũng là thành viên sáng lập thuộc ban điều hành của tạp chí này. Ông giảng dạy ở các trường đại học Columbia, California-Berkeley, Harvard, Stanford, và George Mason. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách quan trọng, như Con người chính trị [Political Man], Quốc gia mới đầu tiên [The First New Nation], Nền chính trị vô lý [The Politics of Unreason], Chủ nghĩa biệt lệ của người Mỹ: Một con dao hai lưỡi [American Exceptionalism: A Double-Edged Sword]. Ông là người duy nhất từng giữ chức vụ chủ tịch của cả Hiệp hội khoa học chính trị Mỹ (1979 – 1980) lẫn Hiệp hội Xã hội học Mỹ (1992 – 1993).
    Tác phẩm của Lipset bao trùm nhiều chủ đề đa dạng: các điều kiện xã hội cho nền dân chủ, gồm sự phát triển kinh tế và nền văn hóa chính trị; các nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, cách mạng, biểu tình, định kiến, chủ nghĩa cực đoan; sự xung đột, cấu trúc, và tính chuyển động giai cấp; sự chia rẽ xã hội, hệ thống đảng phái, và liên minh bầu cử; và công luận và niềm tin của công chúng vào các thiết chế. Lipset là người tiên phong trong việc nghiên cứu về chính trị học so sánh, và chưa ai có thể so sánh hai nền dân chủ vĩ đại ở Bắc Mỹ một cách xuất sắc như ông đã trình bày trong các công trình của mình. Nhờ lối phân tích sâu sắc mà Lipset đã thể hiện chi tiết trong cuốn Chia rẽ lục địa [Continental Divide] (1990) khi so sánh Canada với Liên bang Mỹ, người ta đã phong ông là “Tocqueville của Canada”.
    Bài giảng Lipset được đồng tài trợ bởi Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Quốc gia và Trường Munk, với sự hỗ trợ tài chính trong năm nay từ Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins, Đại sứ quán Canada ở Washington và Quỹ tài trợ Canadian Donner. Để xem các video về Bài giảng Lipset, vui lòng truy cập trang web www.ned.org/events/seymour-martin-lipset-lecture-series.
    Người ta đã tranh luận rất nhiều rằng làm thế nào để diễn giải lý thuyết này3 một cách chính xác, song mọi người đã đồng thuận ở những điểm mà chính tôi cũng tán thành, ấy là: Thứ nhất, giai cấp trung lưu có xu hướng thích dân chủ hơn, nếu nền dân chủ đã tồn tại thì họ sẽ ủng hộ nó, còn nếu chưa thì họ sẽ kỳ vọng nó xuất hiện – dù không nhất thiết bằng hành động. Những khuynh hướng ủng hộ dân chủ này bắt nguồn từ sự tổng hòa của những mối quan tâm vật chất như quyền sở hữu doanh nghiệp và tài sản – những thứ mà giai cấp trung lưu muốn được nền pháp quyền bảo vệ, và các giá trị văn hóa như cảm quan về sự tự tôn cá nhân và niềm ưa thích sự tự do tư tưởng và ngôn luận, vốn đi cùng với nền kinh tế độc lập và sự tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, điểm thứ hai là, sự tồn tại của giai cấp trung lưu không nhất thiết làm cho sự chuyển dịch đến nền dân chủ chắc chắn diễn ra; sự chuyển dịch như vậy còn tùy thuộc vào lập trường của các giai cấp khác cũng như sự cân bằng quyền lực trong chế độ cai trị, và diễn tiến của những cuộc khủng hoảng khó lường. Thứ ba, dù bài báo năm 1959 của Lipset sử dụng những ví dụ từ phương Tây, Mỹ Latin, và các quốc gia nói tiếng Anh ngoài châu Âu trong những năm 1940 và đầu 1950, thì các lý luận trong luận điểm của nó vẫn được dự tính áp dụng – và đã chứng tỏ rằng chúng có thể áp dụng – cho các khu vực khác trên thế giới cũng như cho cả những giai đoạn sau này, khi mà giai cấp trung lưu đã phát triển.
    Trong bối cảnh này, giai cấp trung lưu của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề gây bối rối. Đúng là như thế, thi thoảng giai cấp này lại đòi hỏi dân chủ: trong suốt phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989, lan ra khắp hơn ba trăm thành phố, với sự tham gia không chỉ từ giới sinh viên mà còn từ mọi tầng lớp dân cư thành thị; trong nhiều phong trào địa phương “không được ở trong sân nhà tôi” (Not In My Backyard – NIMBY) nhằm phản đối các lò đốt rác và các nhà máy hóa chất; trong những cuộc biểu tình chống các mặt hàng tiêu dùng độc hại, các vụ ô nhiễm môi trường, và các thảm họa như vụ nổ nhà máy hóa chất vào tháng 8 năm 2015 tại Thiên Tân; và trong cuộc đấu tranh của những phong trào như “bảo vệ các quyền con người” và phong trào “công dân mới”, phong trào nam nữ bình quyền, và các nhóm khác nhằm thúc đẩy không gian xã hội dân sự.
    Dựa trên những ví dụ như vậy, nhiều học giả – cả phương Tây lẫn Trung Quốc – đã dự đoán rằng giai cấp trung lưu, một khi lớn lên, sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho sự tự do hóa.4 Chính sách thân thiện với Trung Quốc của phương Tây được biện minh một phần dựa trên niềm tin này, với hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của giai cấp trung lưu, và từ đó giai cấp trung lưu sẽ thúc đẩy dân chủ.
    Tuy nhiên, giai cấp trung lưu của Trung Quốc thường không hành động như kỳ vọng. Hầu hết các thành viên của giai cấp trung lưu tránh xa việc thách thức chế độ; khi rơi vào những vụ xung đột với chính quyền, họ lại sử dụng chiến lược can gián nhằm khẳng định sự trung thành của họ với các nguyên tắc và chính sách của chế độ, và chĩa sự chỉ trích vào sự thi hành của các quan chức cấp dưới.
    Các cuộc khảo sát lặp đi lặp lại cho thấy giới trung lưu ủng hộ hệ thống độc đoán của Trung Quốc ở mức cao. Thành phố Thiên Tân gần đây đưa tin rằng mức độ tin tưởng đối với chính quyền, Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP), hệ thống toà án, và lực lượng cảnh sát là trên 80 phần trăm. Trong cuộc khảo sát sau đó, Bruce Dickson đã chỉ ra rằng “sự hài lòng với chính quyền trung ương” đạt trung bình 7.58 điểm trong thang đo 10 bậc, trong đó sự ủng hộ cao hơn đến từ các cư dân thành thị và những người có mức thu nhập cải thiện. Cuộc khảo sát và phỏng vấn của Jie Chen được tóm tắt trong cuốn sách Giai cấp trung lưu không dân chủ [A Middle Class Without Democracy] xuất bản năm 2013, cùng với một loạt các nghiên cứu khác, đã đưa ra những kết quả tương tự: giai cấp trung lưu ở Trung Quốc ủng hộ chế độ một cách rộng rãi và có cái nhìn kém thiện chí đối với nền dân chủ hơn so với các giai cấp khác, điều này khiến cho giai cấp trung lưu hầu như không thể là tác nhân cho sự thay đổi hướng đến dân chủ vào lúc này.5
    Điều gì đang xảy ra? Liệu Trung Quốc có là “ngoại lệ” (để viện dẫn các chủ đề ưa chuộng của Giáo sư Lipset, mà dĩ nhiên ông chỉ áp dụng cho Mỹ chứ không phải cho Trung Quốc)? Liệu có một “mô hình Trung Quốc” nào khiến cho giai cấp trung lưu Trung Quốc hành động khác với giai cấp trung lưu ở nơi khác? Trong thực tế, cách tiếp cận của Lipset, vốn gắn liền với bối cảnh lịch sử và xã hội, rất phù hợp với Trung Quốc. Ấy là bởi giai cấp trung lưu của Trung Quốc được đưa vào phê phán một cách khác biệt so với cái cách mà Lipset đã nghiên cứu, rằng nó ứng xử khác biệt ở một số khía cạnh nào đó, chứ không phải là toàn bộ.

    Ai được xếp vào giai cấp trung lưu của Trung Quốc
    Trước khi đi vào phân tích tình trạng của giai cấp trung lưu, chúng ta cần phải chỉ ra giai cấp này gồm những ai. Theo Lipset, không phải cứ những ai tự nghĩ rằng họ là giai cấp trung lưu thì họ là giai cấp trung lưu. Chẳng hạn, vào năm 2008 Asian Barometer Survey (ABS) đã đưa ra một cuộc khảo sát, lấy mẫu đại diện cho toàn bộ dân số (cả thành thị lẫn nông thôn) ngoại trừ Tây Tạng, yêu cầu mọi người tự đặt mình vào một thang mười bậc từ nhóm có địa vị thấp nhất đến địa vị cao nhất trong xã hội. Kết quả là, 58,2% số người được hỏi đã tự xếp họ vào nhóm giữa, từ 5 đến 7. Sẽ dễ hiểu được kết quả này nếu chúng ta biết rằng 77.2% số người được khảo sát nói rằng điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình họ tốt hơn so với vài năm trước đây. Chẳng hạn, người ta có thể hiểu rằng, khi một công nhân nhà máy đã có thể gửi tiền về quê giúp gia đình xây dựng nhà ngói và mua xe máy, thì cô ấy có đủ lý do để coi chính mình đang dần đứng vào hàng ngũ giai cấp trung lưu. Nhưng theo cách hiểu của Lipset, chúng ta sẽ không lưu tâm đến cái gọi là giai cấp trung lưu của những người này.
    Mức thu nhập cũng không phải là một tiêu chí đúng đắn để xác định giai cấp trung lưu của Trung Quốc; thu nhập đang thay đổi quá nhanh đến nỗi không thể dùng nó làm một tiêu chí để xác định các giai cấp một cách rõ ràng. (Ngoài ra, nhiều gia đình Trung Quốc có những nguồn thu nhập khác nhau mà chính họ cũng không thể trả lời chính xác xem họ kiếm được bao nhiêu, còn nhiều người lại không sẵn lòng làm điều ấy). Theo cách định nghĩa dựa trên thu nhập, năm 2005 có hơn 800 triệu người Trung Quốc có thể được xem như thuộc giai cấp trung lưu – khoảng 57% dân số.6
    Nhưng đây không phải là giai cấp trung lưu mà chúng ta đang tìm kiếm, giai cấp sẽ ủng hộ nền dân chủ theo như lý thuyết của Lipset. Lipset giải thích cái sở thích ủng hộ dân chủ của giai cấp trung lưu bằng cách dựa vào địa vị xã hội của các thành viên trong giai cấp ấy, như các ông chủ đồn điền ở nông thôn, các doanh nhân nhỏ ở đô thị, và giới cổ cồn trắng độc lập – những vai trò xã hội điển hình của con người trung lưu tại thời điểm và địa điểm nơi ông thực hiện nghiên cứu. Họ có cả của cải vật chất lẫn tài sản trong chính các kỹ năng và phẩm giá của họ, giúp cho họ được bảo vệ khỏi sự cai trị tùy tiện và trao cho họ cái quyền được phát biểu và được lắng nghe.
    Hóa ra các nhà xã hội học Trung Quốc, những người đang cố gắng thấu hiểu cấu trúc xã hội của đất nước họ – có lẽ chịu ảnh hưởng từ cách hiểu riêng của họ về Lipset – cũng sử dụng tiêu chí nghề nghiệp của người dân như chỉ dẫn chính cho sự phân tầng xã hội. (Điều thú vị là họ từ chối sử dụng từ “giai cấp” [Jieji] bởi cái hàm ý mang tính Mác-xít của nó về sự bóc lột và đấu tranh giai cấp, vốn được coi là không phù hợp trong “xã hội hài hòa” ngày nay. Vì vậy họ thay nó bằng từ “tầng lớp” [Jieceng] để chỉ điều tương tự với cái mà Lipset coi là giai cấp).

    Loại hình phân tầng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc được đưa ra bởi nhà xã hội học quá cố Lu Xueyi và các đồng nghiệp của ông ở Viện hàn lâm Trung Quốc về Khoa học Xã hội. Họ xác định mười nhóm nghề nghiệp, từ các lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp, vốn đứng trên giai cấp trung lưu, cho tới các công nhân nhà máy, nông dân, và người thất nghiệp, vốn được xếp dưới giai cấp trung lưu. Những người thuộc tầng lớp trung lưu “chủ yếu dựa vào lao động tinh thần, sống bằng tiền công và tiền lương, có thể kiếm được những việc làm chuyên nghiệp với mức thu nhập tương đối cao và môi trường làm việc tương đối tốt, ở đó mức tiêu dùng gia đình tương xứng với đời sống rỗi rãi, và họ phần nào được tự do trong nghề nghiệp, cùng với sự tự nhìn nhận bản thân như là những công dân có đức hạnh công”7. Những người này làm những công việc như các nhân viên chuyên nghiệp và chuyên môn trong nhà nước, trong Đảng và trong các doanh nghiệp, hoặc làm nghề quản lý thuộc giới cổ cồn trắng, và những người điều hành sở hữu các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp thương mại tư nhân quy mô nhỏ.
    ....................
    Để đọc tiếp các phần sau, tải file theo link sau: http://tinhthankhaiminh.org/van-de-nan-giai-ve-giai-cap-trung-luu-o-trung-quoc/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org