Myanmar chọn thay đổi – Những thách thức phía trước

Posted on
  • Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Tác giả:      Igor Blaževič
    Dịch giả:    Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]
    Igor Blaževič là một nhà hoạt động nhân quyền sống tại Prague, thủ đô Cộng hòa Czech, song dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình ở Yangon (một thành phố lớn của Myanamar). Ông là nhà sáng lập và là giám đốc của One World Human Rights Documentary Film Festival ở Prague, ông cũng là cựu thành viên trong ban điều hành của World Movement for Democracy. Từ đầu năm 2011, cùng với một tổ chức phi chính phủ địa phương là Educational Initiatives, ông tiến hành mở các khóa học về chuyển đổi dân chủ cho các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự ở Myanmar. Năm 2009, ông được Đại sứ quán Mỹ ở Prague trao giải Alice Garigue Masaryk về nhân quyền.
    Quá trình dân chủ hóa mở ra ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ độc tài quân sự dường như là một câu chuyện cổ tích mà ngay cả những người ủng hộ dân chủ lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến. Nó bắt đầu bằng việc tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế khá bất ngờ vào tháng 8 năm 2011 của chính quyền của tổng thống Thein Sein (một cựu tướng lĩnh và thành viên của nhóm sĩ quan cai trị) và Đảng Liên minh vì sự thống nhất và phát triển (Union Solidarity and Development Party – USDP) của ông. Quá trình này đạt đến đỉnh điểm khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 11 năm 2015, được hầu hết các nhà quan sát coi là tự do, khá công bằng, và hòa bình. Liên minh quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy – NLD) của Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo với 79,4% số ghế, và chiếm đa số cao ở cả hai viện của quốc hội (255/323 ở Hạ viện và 135/168 ở Thượng viện), cũng như trong hầu hết các nghị viện của các bang và khu vực.1 Chiến thắng lớn lao này giúp NLD có thể đơn thương độc mã lựa chọn người phát ngôn ở cả thượng viện và hạ viện của quốc hội, chỉ định hai trong số ba phó tổng thống, và lựa chọn một trong số ba người này (thông qua việc bỏ phiếu ở quốc hội) làm tổng thống mới.
    Chiến thắng long trời lở đất của phe đối lập dẫn theo một thiện chí đáng ngạc nhiên của giới quân sự (Tatmadaw) về sự chuyển giao quyền lực. Than Shwe, lãnh tụ tối cao của nhóm sĩ quan quân sự trước kia, thậm chí còn ủng hộ Suu Kyi làm “nhà lãnh đạo tương lai” của quốc gia, dù ông từng có ác cảm rõ rệt đối với người giành giải Nobel hòa bình này. Do đó, một lần nữa, cuộc chuyển giao mang tính đối thoại dường như đã trở nên khả thi, mà nhiều nhà quan sát vốn tin rằng đây là giải pháp tốt nhất cho Myanmar nhưng lại không được thực hiện dưới thời tổng thống Thein Sein.2
    USDP và NLD có lập trường đối lập, USPD hứa hẹn sự kế tục còn NLD hứa hẹn sự thay đổi. Đảng cai trị USDP vận động bằng hình ảnh của một đảng gìn giữ sự ổn định và cải cách từ từ, phát triển có kiểm soát, và tự thể hiện là đảng bảo vệ cho “quốc gia và tôn giáo”. Trong khi đó, NLD đơn giản hứa hẹn “sự thay đổi”, mà không có thêm bất cứ mô tả hay chính sách cụ thể nào – nhưng chỉ bằng đó là đủ. Các cử tri chọn nghiêng về phe “thay đổi” một cách áp đảo, dù song song với lựa chọn này là vô vàn những bất ổn và rủi ro. Tiến triển này – tức chiến thắng của NLD và sự chấp nhận của giới quân sự khi đồng ý để NLD nắm quyền – được miêu tả là một sự kiện quan trọng đáng kinh ngạc và có tính lịch sử. Tuy nhiên, ngay cả khi tiến trình bầu cử diễn ra êm thuận và mang lại các kết quả lạc quan tức thời, thì vẫn còn một số vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, khiến cho tương lai của nền dân chủ Myanmar vẫn không chắc chắn.
    Khi xét tới các lợi ích và biện pháp lâu dài mà Tatmadaw dùng để bảo vệ chính nó trước khi thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực năm 2011 (từ nhóm sĩ quan quân sự sang một chính quyền dân sự giả tạo của các cựu tướng lĩnh), thì sự êm thuận của cuộc tổng tuyển cử năm 2015 cũng như của giai đoạn hậu bầu cử chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chính các tướng lĩnh đã thừa nhận rằng hệ thống độc tài của Myanmar – vốn thiếu tính chính danh cả ở trong nước và ở nước ngoài, phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, và cai trị một cách yếu kém – không chỉ không trụ vững được mà còn kìm giữ đất nước giàu tài nguyên này mãi nghèo nàn, kém phát triển, và lạc hậu. Các tướng lĩnh cũng muốn hiện đại hóa quân đội với các vũ khí, thiết bị và sự đào tạo tốt hơn. Sự trừng phạt của phương Tây cộng với gánh nặng cai trị khiến điều này trở nên bất khả thi.
    Hơn nữa, trong hơn hai thập kỷ qua, đã có một biến đổi quan trọng trong đội ngũ cấp cao của Tatmadaw. Thế hệ các tướng lĩnh hàng đầu trước kia bị chi phối bởi cái huyền thoại về cuộc chiến giành độc lập và cái niềm tin vào “con đường Myanmar” tiến tới chủ nghĩa xã hội, cũng như kinh nghiệm trực tiếp chiến đấu chống lại các tổ chức vũ trang thiểu số (EAOs). Tuy nhiên, ngày nay nhiều quan chức hàng đầu hay các thành viên gia đình của họ lại sở hữu các tập đoàn kinh doanh. Hai tập đoàn lớn nhất đất nước – Union of Myanmar Economic Holdings Limited và the Myanmar Economic Corporation – do quân đội sở hữu và kiểm soát nhiều đất đai, nhà máy, quyền cấp phép, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Myanmar. Quân đội và các đối tác của nó cũng sở hữu hay kiểm soát hầu như mọi mỏ đá quý cũng như các nguồn lực tự nhiên khác như khí gas, gỗ, và khoáng sản. Các ngân hàng, mỏ quặng, dự án xây dựng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, ngành du lịch, thương mại đều nằm trong tay giới chóp bu về kinh tế được hình thành trong thời quân đội cai trị. Do đó, việc mở cửa Myanmar cho việc đầu tư, nguồn vốn, và kỹ nghệ nước ngoài không còn chỉ vì lợi ích của quốc gia mà còn vì lợi ích của giới chóp bu và cơ hội kinh doanh tư nhân của họ.
    Do đó xuất hiện cái ý nghĩ thịnh hành rằng kế hoạch cải cách đầy tham vọng của Thein Sein, một quá trình thay đổi từng bậc theo kiểu từ trên xuống từ chế độ độc tài quân sự sang dân chủ và từ nội chiến sang hòa bình, là một kế hoạch lầm lạc. Dân chủ không phải là kết quả được trù định. Thay vào đó, các nhà chiến lược của nhóm sĩ quan cai trị đang hướng tới sự chuyển dịch sang một chế độ lai kiểu pháp quan (thời La Mã), trong đó giới quân sự sẽ giám sát phía sau hậu trường, và đảng cai trị gồm các quan chức quân sự đã về hưu sẽ luôn thắng cử. Người chiến thắng cốt yếu trong một cuộc chuyển dịch như vậy sẽ là giới chóp bu kinh tế và chính trị, vốn được hình thành từ thời cai trị của nhóm sĩ quan quân sự, cũng như các thế hệ quan chức quân sự trong tương lai. Các thế hệ này, sau khi về hưu không còn đảm nhiệm các chức vụ quân sự, có thể tham gia vào các vị trí trong chính quyền và quốc hội với vô số khả năng kiếm chác thông qua sự ảnh hưởng chính trị của mình.
    .....................................
    Để đọc tiếp các phần sau, tải file theo link sauhttp://tinhthankhaiminh.org/myanmar-chon-su-thay-doi-nhung-thach-thuc-phia-truoc/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org