Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Đó là một bài phát biểu chính trị hiếm hoi khiến tôi phải
dừng lại suy nghĩ. Nhưng đó chính xác là điều đã diễn ra mùa hè này khi tôi đọc
được một bài phát biểu đáng chú ý của Viktor Orbán, vị thủ tướng
ngày một chuyên chế của Hungary.
Orbán hiếm khi thu hút được nhiều sự chú ý từ bên ngoài đất
nước của ông. Lần cuối cùng ông đưa ra một bài phát biểu đáng chú ý như bài
phát biểu hồi mùa hè này là từ 25 năm trước, khi ông còn trẻ và giúp đánh bại
chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Phát biểu tháng 6 năm 1989 trong lễ cải táng Imre
Nagy, người lãnh đạo Hungary trong cuộc nổi dậy chống Liên Xô năm 1956, Orbán
giận dữ yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Hungary.
Thế nhưng mùa hè này Orbán đưa ra một ý kiến hoàn toàn
khác. Ông phát biểu ủng hộ cái mà ông gọi là “nhà nước phi tự do,” dẫn ra năm
ví dụ về “những hệ thống phi phương Tây, phi tự do, phi dân chủ tự do, và có thể
thậm chí cả phi dân chủ” thành công. Nga và Trung Quốc là hai trong số đó. Cứ
như thể Bức mành Sắt và những chiếc xe tăng từng nghiền nát chính phủ của Nagy
– chưa nói đến chàng thanh niên Orbán – chưa từng bao giờ tồn tại.
Nga và Trung Quốc có thể không còn là các quốc gia cộng sản,
nhưng họ chắc chắn là phi tự do và tuyệt đối là phi dân chủ. Nga đứng ở đâu đó
giữa chủ nghĩa chuyên chế và toàn trị; và bất chấp tất cả các tiến bộ kinh tế gần
đây của Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy này của châu Á dứt khoát tiếp tục ở
cùng một phe [với Nga].
Phát biểu của Orbán cùng những thông báo tiếp theo về kế
hoạch thực hiện tầm nhìn về “một nhà nước phi tự do” của ông đã gây sốc. Làm
sao ông có thể tuyên xưng những quan điểm như vậy với tư cách là nhà lãnh đạo của
một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, thậm chí khi ông còn làm đầy ngân khố
của chính phủ mình bằng những khoản trợ cấp đến từ EU?
Thực ra Orbán chỉ đơn thuần là đang lặp lại một cuộc
tranh cãi đang lan rộng (dù cuộc tranh cãi đó thường được thể hiện một cách
tinh tế hơn). Sáu năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, nhiều
người bắt đầu đặt ra những câu hỏi khó chịu. Làm thế nào để các nền dân chủ tự
do tiếp tục có sức cạnh tranh trên toàn cầu? Phải chăng các nền dân chủ phương
Tây đã đánh mất sự tự tin và khả năng cung cấp một cuộc sống tốt hơn cho công
dân của họ? Có phải Mỹ và châu Âu đang suy thoái, tiều tụy và sống bằng hào
quang của quá khứ?
Những gì mà Orbán mô tả là “nền dân chủ tự do” ở Mỹ và
châu Âu quả thực đang bị nhiều vấn đề nội bộ đè nặng. Ở Mỹ, chính trị phân cực,
các khu vực cử Quốc hội bị điều chỉnh gian lận (gerrymander), và một bản hiến pháp dường như để kiểm soát hơn
là để đối trọng, đã cản trở cải cách và khiến đất nước dường như đang trôi dạt
trên những vùng nước xoáy. Tầng lớp trung lưu đang bị bòn rút, và những cuộc
phiêu lưu nước ngoài thất bại đã làm nản lòng “quốc gia không thể thiếu” trong
việc gánh vác vai trò lãnh đạo toàn cầu. Mỹ vẫn là quốc gia không thể thiếu;
nhưng hỡi ôi, nó đã để tình trang “chưa sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ” bén rễ.
Đồng thời, châu Âu dường như không có khả năng duy trì
các khế ước xã hội vốn là nền tảng cho sự bùng nổ kinh tế thời kỳ hậu chiến. Đức,
nền kinh tế thành công nhất châu lục, khăng khăng đòi các đối tác phải tuân
theo chủ nghĩa bảo thủ tài khóa (fiscal conservatism – tức thắt lung buộc bụng
– NBT) của mình, ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế vốn sẽ giúp việc thực hiện các
cuộc cải cách đau đớn dễ dàng hơn.
Với những nền dân chủ thành công nhất thế giới bị ám ảnh
bởi những thất bại gần đây, chính trị quốc tế đã trôi dạt về phía những kết cục
tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Răn đe hợp lý, những nỗ lực cải cách thể chế quốc
tế mạnh mẽ, và sự sẵn sàng hoàn thành trách nhiệm, tất cả đã trở thành nạn
nhân của cảm giác thất bại và bế tắc chính trị bị thổi phồng của phương Tây.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nền dân chủ phương Tây dường
như ít có khả năng hành động, họ vẫn bị đòi hỏi nhiều hơn. Không nước nào trong
số các quốc gia Orbán nêu ra mang lại một tầm nhìn thay thế về trật tự thế giới.
Ngược lại, các vấn đề trong nước của họ đang đe dọa biến sự bất ổn thành hiểm họa.
Nga sẽ phải đối mặt với những tác động của việc giá dầu sụp đổ gây ra cho nền
kinh tế dựa trên dầu lửa của nó. Nhiều doanh nghiệp lớn đang phải cầu xin trợ cấp
chính phủ để vượt qua khó khăn. Đồng rúp đang tụt dốc không phanh. Đây sẽ là một
mùa đông khắc nghiệt đối với Moscow và St. Petersburg.
Ngay cả quá trình tăng trưởng “siêu thanh” của Trung Quốc
cũng đang bắt đầu chậm lại; một số nhà kinh tế, trong đó có Larry Summers, đang dự đoán rằng nó có thể dừng lại đột ngột.
Dù thế nào, con đường phía trước nhiều khả năng sẽ là gập ghềnh, với các mâu
thuẫn do chính trị cọ xát kinh tế gia tăng. Ở trong nước (đáng chú ý nhất là tại
Hồng Kông) và ở nước ngoài, Trung Quốc đang gây ấn tượng rằng từ “thỏa hiệp”
không hề tồn tại trong từ điển tiếng Trung.
Các hình mẫu chính trị của Orbán nhiều khả năng sẽ trở
nên khó chịu và mang tính chủ nghĩa dân tộc hơn nữa trong chính sách đối ngoại
do họ cố gắng duy trì sự ủng hộ trong nước. Để đảm bảo hòa bình ở hậu phương,
các nhà lãnh đạo sẽ nhắm đến kẻ thù, dù có thật hay tưởng tượng, ở tiền tuyến.
Các nền dân chủ tự do trên thế giới một lần nữa phải bắt
đầu tin tưởng vào chính mình. Họ phải chứng minh những phát biểu của Orbán chẳng
có nghĩa lí gì ngoài những lời khoa trương vô nghĩa. Nếu chúng ta muốn “hòa
bình trên thế giới và hạnh phúc dịu êm” như bài hát mừng Giáng sinh của chúng
ta hứa hẹn, chúng ta cần nỗ lực chăm chỉ hơn và tự tin hơn để đạt được chúng.
Chris Patten là Thống đốc người Anh cuối cùng của
Hồng Kông, nguyên ủy viên về quan hệ đối ngoại của EU, và là Hiệu trưởng Đại học
Oxford.
Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2015/01/08/duong-dau-voi-chu-nghia-phi-tu/