Biên dịch: Lâm
Minh Đạt | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Sau các cuộc tấn
công khủng bố 11 tháng 9 ở Mỹ, cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” được phát
động. Nhưng những cuộc xâm lược quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và Iraq chỉ
là một phần của câu chuyện; nhiều nước cũng đẩy mạnh việc giám sát và theo dõi
truyền thông trong nước và dân thường. Các chính phủ tuyên bố rằng tự do ngôn
luận và quyền riêng tư cá nhân phải được hạn chế vì lợi ích an ninh quốc gia.
Thiệt hại thể hiện
đặc biệt rõ ở Nga, nơi các quy định chống khủng bố thường được sử dụng như một
công cụ để bóp nghẹt tiếng nói của những người có quan điểm độc lập hoặc khác
biệt, đặc biệt là những quan điểm chỉ trích chính quyền Tổng thống Vladimir
Putin. Bằng cách lấy an ninh làm cái cớ để coi thường đạo luật truyền thông của
Nga, trong đó có việc bảo vệ các nhà báo khỏi kiểm duyệt, chính phủ đã làm suy
yếu đáng kể ngành báo chí.
Đạo luật đó dựa
trên luật pháp châu Âu và quốc tế, và thể hiện sự chiến thắng của dân chủ ở
Nga. Nhưng sự toàn vẹn của nó đã dần bị xói mòn bởi những sửa đổi làm hạn chế tự
do ngôn luận và khả năng tác nghiệp mà không bị cản trở của các nhà báo, và bằng
cách áp dụng không đồng đều những quy định hiện hành.
Hãy xem xét “đạo
luật về chống các hoạt động cực đoan,” thứ hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội
họp, và lập hội. Được ban hành năm 2012, trong bối cảnh biểu tình chống bầu cử
gian lận nổ ra toàn quốc, nó được dùng thường xuyên nhất để chống lại các nhà
báo và blogger.
Galina Arapova,
giám đốc Trung tâm Bảo vệ Truyền thông Đại chúng (cũng từng bị nhắm đến), nhận
xét rằng đạo luật này có thể được áp dụng bất cứ khi nào sự chỉ trích nhắm vào
toàn bộ các nhóm hoặc hệ thống. Điều này nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của các đạo
luật chống chủ nghĩa cực đoan: “chủ nghĩa cực đoan” là một thuật ngữ quá rộng để
đảm bảo các đạo luật như vậy thật sự được dùng để phòng chống các cuộc tấn công
khủng bố.
Sự mơ hồ tương tự
cũng xuất hiện quanh các thuật ngữ khác có liên quan, như “phỉ báng” và “ngôn
ngữ kích động hận thù.” Phỉ báng – được định nghĩa với những mô tả rộng hơn như
“bôi nhọ” và “gây thiệt hại cho danh tiếng” – một lần nữa được xem là hành vi tội
phạm vào năm 2012, với quy định chỉ rõ rằng “phỉ báng thẩm phán, hội thẩm, kiểm
sát viên, và các quan chức thực thi pháp luật” là hành vi phải chịu hình phạt
nghiêm khắc.
Những đạo luật
như vậy khiến việc điều tra tham nhũng của các quan chức trở nên khó khăn hơn
nhiều đối với các nhà báo độc lập, những người thường bị các quản lý cấp cao và
quan chức nhà nước đưa ra tòa chỉ đơn giản vì đã đưa tin về lối sống xa hoa của
họ.
Nhưng trong những
năm gần đây, sự phổ biến của các vụ kiện phỉ báng đã giảm, trái ngược với sự
tăng lên những cáo buộc về tội cực đoan và kích động hận thù. Bây giờ, việc đào
sâu vào tham nhũng của cảnh sát địa phương tương đương với việc kích động hận
thù chống lại “nhóm xã hội” (cảnh sát) đó, và các “chuyên gia” ngôn ngữ học
cũng cho thấy các nhà báo đã “kích động hận thù” chống lại các nhân viên chính
quyền, thẩm phán, và các cơ quan khác của địa phương.
Đôi khi, những đạo
luật như vậy có thể được áp dụng theo những cách thức vô cùng kỳ lạ, chỉ để cản
trở hoạt động của truyền thông tin tức. Ví dụ, một tờ báo có thể bị cáo buộc
truyền bá hận thù và bị đưa ra tòa vì đăng ảnh cờ Đức Quốc xã cùng một bài báo
về Thế chiến II.
Và số lượng các
điều luật đang ngày càng tăng lên. Trong những thập niên gần đây, hơn 20 đạo luật
và quy định mới về truyền thông đã được đưa ra, hầu hết đều mang tính hạn chế
(tự do báo chí). Những biện pháp này không chỉ giới hạn những chủ đề mà các nhà
báo có thể điều tra một cách an toàn, mà còn hạn chế việc tài trợ cho truyền
thông độc lập, bằng cách áp đặt giới hạn lên đầu tư và quảng cáo của nước
ngoài. Những đạo luật như vậy đã khiến nhiều tổ chức truyền thông phải chuyển
toàn bộ hoạt động lên mạng, hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Truyền thông
truyền thống không phải là nạn nhân duy nhất. Để đối phó với các ấn phẩm trực
tuyến, bao gồm blog, Nga đã áp đặt các quy định mới về việc sử dụng Internet. Bất
kỳ trang web nào có hơn 3.000 người truy cập mỗi ngày – một con số không quá
cao – đều được coi là một “kênh truyền thông” và do đó phải tuân thủ những đạo
luật hạn chế. Hơn nữa, các blogger không còn có thể ẩn danh, và truyền thông trực
tuyến có thể bị cấm mà không cần cảnh báo.
Cái gọi là “đạo
luật Yarovaya,” được Putin ký mùa hè năm ngoái, đã đưa sự đàn áp này đi xa hơn.
Bên cạnh những quy định khác, nó buộc các nhà cung cấp mạng điện thoại và
Internet phải lưu giữ hồ sơ của mọi thông tin liên lạc trong sáu tháng và mọi
siêu dữ liệu (metadata) trong ba năm; họ cũng phải giúp các cơ quan tình báo giải
mã các thông điệp được mã hóa. Và nó cũng áp đặt những hình phạt khắc nghiệt
hơn đối với “chủ nghĩa cực đoan” (thực chất: phê bình) và “gây rối quần chúng”
(thực chất: biểu tình).
Một điều luật hiếm
khi được áp dụng là điều 144 bộ luật hình sự, nhằm bảo vệ các nhà báo khỏi sự
sách nhiễu và các hành động khác gây cản trở “các hoạt động chuyên môn hợp
pháp” của họ. Kết quả là, theo Glasnost Defense Foundation, các quyền của nhà
báo bị xâm phạm hàng chục lần mỗi tháng ở Nga.
Các nhà báo phải
đối mặt với đe dọa, tấn công, thiệt hại thiết bị tác nghiệp, các khoản tiền phạt
không công bằng, bị sa thải, cấm đoán, và các hình thức kiểm duyệt khác, thường
là ngay sau khi xuất bản một số ý kiến chỉ trích chính quyền địa phương, cơ
quan thực thi pháp luật, hoặc các doanh nhân giàu có. Biết rằng tiến hành các
biện pháp pháp lý chống lại chính quyền hoặc những người có ảnh hưởng đã đe doạ
mình sẽ không đem lại kết quả, nhiều nhà báo đã tự kiểm duyệt.
Cuộc tấn công của
chính phủ Nga lên truyền thông độc lập gần như đã cấm đoán mọi phân tích sâu và
tin tức điều tra vốn cần thiết cho một nền dân chủ hoạt động. Vậy nhưng bất cứ
sự phản đối nào cũng đều yếu ớt; trên thực tế, có rất ít người thảo luận về sự đàn
áp. Và điều đó, suy cho cùng, chính là mấu chốt: thiếu sự tham gia của công
chúng – không kể đến sự thiếu hợp tác và đoàn kết nghề nghiệp giữa các nhà báo
– đồng nghĩa với việc chính quyền Nga có thể dễ thở hơn.
Nadezda
Azhgikhina là phó chủ tịch Liên đoàn Nhà báo châu Âu (EFJ) tại Nga.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/07/cuoc-chien-chong-lai-tu-bao-chi-cua-dien-kremlin/