Liên minh phi tự do giữa Hungary và Ba Lan

Posted on
  • Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Biên dịch: Đào Duy Tùng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
    Trong thập niên đầu nắm quyền lực ở Liên Xô, Stalin đã ủng hộ ý tưởng “chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia,” nghĩa là, cho đến khi điều kiện chín muồi, chủ nghĩa xã hội chỉ dành cho Liên Xô. Khi thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố hồi tháng 7 năm 2014 ý định xây dựng một “nền dân chủ phi tự do,” nhiều người cho rằng ông đang tạo ra “chủ nghĩa phi tự do trong một quốc gia.” Hiện nay, Orbán và Jarosław Kaczyński, lãnh đạo Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan, người kiểm soát chính phủ nước này (dù không giữ chức vụ nào), đã tuyên bố một cuộc phản cách mạng với mục tiêu biến Liên minh Châu Âu thành một dự án phi tự do.
    Sau một ngày vui vẻ, nồng nhiệt, và thân thiện tại Hội nghị Krynica năm nay, lấy phong cách như một diễn đàn Davos của khu vực, nơi vinh danh Orbán là “Nhân vật của năm,” Kaczyński và Orbán tuyên bố rằng họ sẽ dẫn dắt 100 triệu dân châu Âu trong một nỗ lực tái tạo EU theo những ranh giới dân tộc chủ nghĩa/tôn giáo.
    Người ta có thể hình dung cảnh Václav Havel, một người từng được vinh danh, đội mồ sống dậy nếu nghe được tuyên bố này. Và cựu thủ tướng Ukraina Yuliya Tymoshenko, cũng là một người từng được vinh danh, chắc hẳn phải rất kinh hoàng: đất nước của bà đang bị tàn phá bởi nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, giáo hoàng của chủ nghĩa phi tự do và hình mẫu của Kaczyński và Orbán.
    Hai người này có ý định nắm bắt cơ hội mà cuộc trưng cầu dân ý Brexit của nước Anh đem lại, thứ chứng minh rằng trong EU ngày nay, mô thức diễn ngôn của những nhà dân chủ phi tự do – dối trá và bôi nhọ – có thể rất hiệu quả về mặt chính trị và thăng tiến nghề nghiệp (cứ hỏi tân ngoại trưởng của nước Anh, Boris Johnson, một người ủng hộ Brexit hàng đầu thì biết). Kỹ năng của hai người kết hợp lại có thể biến họ thành một mối đe dọa tiềm năng lớn hơn những gì mà nhiều người châu Âu sẵn sàng tin.
    Điều Orbán mang lại cho quan hệ đối tác này là rất rõ ràng: một loại hình chủ nghĩa dân túy “thực dụng.” Ông đã liên kết Đảng Fidesz của mình với Đảng Nhân dân châu Âu, điều này giữ cho ông nằm trong nền chính trị dòng chính một cách chính thức và biến Thủ tướng Đức Angela Merkel thành một đồng minh mang lại sự bảo vệ chính trị, bất chấp nền quản trị phi tự do của ông. Tuy nhiên, Kaczyński lại chọn liên kết PiS với Đảng Liên minh Bảo thủ và Cải cách châu Âu (AECR) ngoài lề, và gần như không ngừng tranh cãi với Đức và Ủy ban châu Âu.
    Hơn nữa, Orbán có tính cách gần gũi hơn so với đối tác người Ba Lan của ông. Giống Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan nay là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông chơi bóng đá với các chính trị gia khác. Ngược lại, Kaczyński có gì đó như một ẩn sĩ, sống một mình và dành cả tối xem đấu bò Tây Ban Nha trên TV. Ông dường như sống ngoài xã hội, trong khi những người ủng hộ ông dường như xếp ông trên cả điều đó, coi ông là đấng cứu thế khổ hạnh cho sự tái sinh của Ba Lan.
    Sự nhiệt tình thần bí đó là thứ mà Kaczyński bổ sung cho mối quan hệ đối tác giữa ông với một Orbán cơ hội chủ nghĩa. Đó là một niềm tin vào đấng cứu thế sinh ra từ lịch sử Ba Lan – một cảm giác rằng dân tộc này có một nhiệm vụ đặc biệt mà Chúa đã giao phó cho họ, với bằng chứng được tìm thấy trong lịch sử đặc biệt bi thương của Ba Lan. Các cuộc nổi dậy, chiến tranh, những cuộc chia cắt: đó là những thứ mà một người Ba Lan nghĩ về mỗi ngày.
    Bản sắc cứu thế có lợi cho một kiểu lãnh đạo nhất định – một nhà lãnh đạo, như Putin, dường như lấy sinh khí từ một ý thức trách nhiệm (trong trường hợp của Putin, đó là sứ mệnh của các Nga hoàng: Chính thống giáo, chế độ chuyên quyền, và dân tộc tính). Vì vậy, trong khi Orbán là kẻ hoài nghi thì Kaczyński là kẻ cuồng tín, với ông chủ nghĩa thực dụng là dấu hiệu của sự yếu đuối. Orbán sẽ không bao giờ hành động đi ngược lại lợi ích của chính mình; còn Kaczyński thì đã làm như vậy rất nhiều lần. Ví dụ, bằng việc tấn công các thành viên trong chính phủ liên minh của mình, Kaczyński đã đánh mất quyền lực vào năm 2007, chỉ hai năm sau khi ông giành được nó. Dường như ông không có một kế hoạch nào. Thay vào đó, ông có những tầm nhìn – không phải cải cách tài khóa hay tái cấu trúc nền kinh tế, mà về một hình mẫu mới của Ba Lan.
    Orbán không tìm kiếm thứ gì như thế. Ông không muốn tạo ra một Hungary mang hình mẫu mới; mục tiêu duy nhất của ông là duy trì quyền lực trong suốt phần đời còn lại, giống như Putin. Từng cai trị như một nhà tự do chủ nghĩa trong những năm 1990 (mở đường cho Hungary gia nhập cả NATO và EU) và đã thua, Orbán coi chủ nghĩa phi tự do như phương tiện giành chiến thắng cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.
    Chủ nghĩa phi tự do của Kaczyński là chủ nghĩa phi tự do của linh hồn. Ông gọi người ngoài phe mình là “những kẻ tệ nhất của Ba Lan.” Homo Kaczyńskious [con người kiểu Kaczyński] là một người Ba Lan ám ảnh với số phận của đất nước mình, nhe răng dè chừng những kẻ chỉ trích và bất đồng, đặc biệt là người ngoại quốc. Người đồng tính thì không thể là người Ba Lan đúng nghĩa. Mọi yếu tố phi Ba Lan tại đất nước này đều bị nhìn nhận như một mối đe dọa. Chính phủ của Đảng PiS chưa tiếp nhận một người tị nạn nào trong con số rất nhỏ – chỉ 7.500 người – mà Ba Lan, một quốc gia gần 40 triệu dân, đã đồng ý với EU là sẽ tiếp nhận.
    Bất chấp những động cơ khác nhau trong việc theo đuổi chủ nghĩa phi tự do, Kaczyński và Orbán đều đồng ý rằng, trên thực tế, nó có nghĩa là xây dựng một nền văn hóa quốc gia mới. Truyền thông được nhà nước tài trợ không còn mang tính công chúng, mà đúng hơn “mang tính quốc gia.” Bằng cách xóa bỏ các kỳ thi tuyển công chức, các cơ quan hành chính có thể được lấp đầy bằng những người trung thành và theo chân Đảng. Hệ thống giáo dục đang bị biến thành một phương tiện thúc đẩy sự đồng cảm với một quá khứ vinh quang và đau thương. Chỉ những tổ chức văn hóa ca ngợi dân tộc mới được nhận đầu tư công.
    Với Kaczyński, chính sách đối ngoại là một chức năng của chính sách lịch sử. Ở đây, hai người có sự khác biệt: trong khi chủ nghĩa thực dụng của Orbán giúp ông không làm mếch lòng các đối tác châu Âu và Hoa Kỳ của mình một cách quá đáng, Kaczyński lại không quan tâm đến toan tính địa chính trị. Suy cho cùng, một đấng cứu thế thì không cắt gọt niềm tin của mình hay khấu đầu trước người khác; ông sống để nói ra sự thật.
    Do vậy, phần lớn chính sách đối ngoại của Kaczyński là một bài học lịch sử có tính toán. Ba Lan đã bị phương Tây phản bội. Sức mạnh của nó – ngày nay và mai sau – đến từ niềm tự hào, phẩm giá, lòng can đảm, và tự lực tuyệt đối. Thất bại của nó là những chiến thắng đạo đức chứng minh sức mạnh và sự can đảm của dân tộc, cho phép nó, giống như Chúa Kitô, trở về từ cõi chết sau 124 năm vắng bóng trên bản đồ châu Âu.
    Câu hỏi dành cho châu Âu bây giờ là mối lương duyên giữa chủ nghĩa dân túy cứu thế và cơ hội sẽ trở thành chủ lưu và lan rộng ra khắp Liên minh, hay vẫn bị giam hãm tại Trung Âu. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, vốn để mắt đến việc trở lại chính trường vào năm 2017, đang áp dụng một vài lời nói và thái độ của trục Kaczyński/Orbán. Về phần mình, Johnson đã thể hiện một thái độ ưa thích đối với phương thức của họ. Những người khác liệu có đi theo?
    Sławomir Sierakowski, người sáng lập phong trào Krytyka Polityczna (Phê bình Chính trị), là giám đốc Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Warsaw.
    Hình: Orban (trái) v à Kaczyński.
    Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2016/10/14/lien-minh-phi-tu-do-hungary-va-ba-lan/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org