Cuộc nổi dậy của cánh tả ở đâu rồi?

Posted on
  • Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Phan Ba dịch từ Der Spiegel
    Nhà chính trị học người Mỹ Francis Fukuyama, trước đây là nhà tư tưởng dẫn đầu của những người Tân Bảo thủ, tin rằng những thái quá của Chủ nghĩa Tư bản và toàn cầu hóa sẽ gây nguy hại cho nền dân chủ Phương Tây

    Với một sự sôi nổi bất ngờ, người Mỹ thảo luận trong cuộc tranh cử này về những khác biệt quá rõ ràng trong thu nhập giữa những người siêu giàu ở hàng đầu và giới trung lưu đang cố chống lại sự tụt dốc xã hội. Một trong những người dẫn đầu của cuộc thảo luận này là nhà chính trị học Francis Fukuyama, 59 tuổi. Ông đã nổi tiếng thế giới qua bài tiểu luận "Sự chấm dứt của lịch sử" năm 1989. Bài viết triết học-lịch sử này tôn vinh Chủ nghĩa Tư bản dân chủ như là điểm cuối cho tất cả các phát triển xã hội. Hiện giờ Fukuyama cho rằng hình thức nhà nước đang thống trị của các quốc gia công nghiệp Phương Tây đang bị đe dọa và yêu cầu giới chính trị phải thay đổi cách suy nghĩ.
    SPIEGEL: Thưa giáo sư, sau lần tan rã của Liên bang Xô viết, ông đã tuyên bố rằng nền dân chủ tự do của Phương Tây sẽ trở thành hệ thống xã hội sống còn duy nhất. Bây giờ, ông lại lo ngại rằng Chủ nghĩa Tư bản và toàn cầu hóa có thể phá hoại nền dân chủ. Xin ông hãy giải thích cho chúng tôi bước ngoặc này.
    Fukuyama: Xin hãy cẩn thận với các khái niệm! Vẫn còn chưa có được một sự lựa chọn nào khác cho Chủ nghĩa Tư bản. Cái mà tôi đang suy nghĩ là tìm kiếm một tăng trưởng kinh tế công bằng hơn. Các mô hình xã hội Phương Tây của chúng ta đang chịu áp lực nặng nề vì tầng lớp trung lưu suy giảm. Ví dụ như biến đổi công nghệ đã khiến cho nhiều việc làm trong giới trung lưu trở nên thừa thải.
    SPIEGEL: Vì thế mà các nước Phương Tây như Hoa Kỳ và Liên hiệp Anh đã tuyên truyền cho xã hội dịch vụ.
    Fukuyama: Nhưng chính vì vậy mà chúng ta lại tạo ra nhiều vấn đề. Chúng ta đã nghĩ rằng chúng ta có thể làm chủ được toàn cầu hóa bằng cách hoàn toàn không sản xuất ra gì cả và thích chào mời dịch vụ hơn. Trong lúc đó, chúng ta đã quên rằng Chủ nghĩa Xã hội không phải là một đề tài lớn ở Hoa Kỳ chính vì luôn luôn có đủ người bước vào tầng lớp trung lưu đang thịnh vượng này. Bây giờ thì không còn như thế nữa, vì những người đó đã làm việc trong những ngành nghề mà chúng ta đã giao lại cho những nước như Trung Quốc.
    SPIEGEL: Ngày nay, ai trong giới trung lưu còn có việc làm thì thu nhập thực tế không nhiều hơn là trước đây 30 năm. Khoảng cách thu nhập lớn chưa từng có. Điều đấy có những tác động nào đến cuộc sống cộng đồng trong xã hội của chúng ta?
    Fukuyama: Rất đơn giản: Nó không tốt cho nền dân chủ. Khi thu nhập được phân chia tương đối đồng đều thì người dân tin tưởng lẫn nhau hơn – và không có một nhóm tinh hoa nhỏ có đặc quyền tiếp cận với giới chính trị gia, để mà qua đó có thể đẩy mạnh lợi ích của họ…
    SPIEGEL: … cái về lâu dài sẽ giết chết nền dân chủ.
    Fukuyama: Chính xác, một nền dân chủ không có giới trung lưu mạnh sẽ có khuynh hướng dân túy, nó hướng đến tranh cãi, nó không còn có thể quyết định một cách hợp lý rằng ai cần được hưởng cái gì, nó bị bế tắc. Trong Hoa Kỳ, chúng ta đã thấy được sự trở lại của Chủ nghĩa Dân túy, điều kỳ lạ là từ cánh hữu của giới chính trị. Nếu như người ta hỏi một thành viên của phong trào Đảng Trà cực đoan, rằng họ nghĩ gì về chính phủ, thì cảm giác của họ rất rõ rệt: Họ căm ghét nó. Họ cảm thấy bị giới tinh hoa bỏ rơi. Các nghiên cứu cho thấy rằng sự vươn lên về mặt xã hội hiện giờ ở châu Âu dễ dàng hơn ở Mỹ nhiều. Giấc mơ Mỹ, từ người rửa bát trở thành nhà triệu phú, ngày càng chính là như vậy: một giấc mơ.
    SPIEGEL: Có phải vì thế mà đề tài công bằng xã hội đã trở thành một đề tài tranh cử thống trị hay không?
    Fukuyama: Vấn đề là ở Hoa Kỳ người ta nhanh chóng bị đóng dấu là một kẻ đấu tranh giai cấp khi nói đến những vấn đề đấy. Tổng thống Barack Obama vừa phải trải qua chính điều đó: Trong bài diễn văn của ông ấy về tình hình quốc gia, ông ấy đã yêu cầu tăng thuế người giàu, ngay lập tức, ông ấy đã bị dán cho cái nhãn "người của Chủ nghĩa Xã hội châu Âu". Vì thế mà hết sức khó khăn trong việc tạo thành một phong trào cánh tả mạnh mẽ. Cho tới nay, điều đấy thành công chỉ có một lần trong lịch sử của nước Mỹ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào đầu những năm ba mươi.
    SPIEGEL: Những gì chưa thể thì vẫn còn có thể: Cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi thường hay được so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
    Fukuyama: Nhưng cuộc nổi dậy của cánh tả ở đâu rồi? Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu ở Phố Wall, nó đã có thể xảy ra vì sự kiểm soát các thị trường tài chính đã bị hủy bỏ một cách có hệ thống – như các nhà tư tưởng Mỹ luôn đòi hỏi. Nó có tác hại hết sức trầm trọng đến người dân bình thường, trong khi các nhân viên giàu có của khu vực tài chính nhờ sự giúp đỡ của chính phủ mà trở thành những người hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng. Nếu như điều đấy không dẫn đến một cuộc nổi dậy của phe cánh tả thì còn điều gì nữa đây? Tôi đã chờ đợi một phong trào giống như Đảng Trà cánh tả.
    SPIEGEL: Phong trào Chiếm Phố Wall có thể là một dấu hiệu báo trước hay không?
    Fukuyama: Không. Tôi không xem trọng phong trào này. Đấy phần lớn cũng chính là những người đã biểu tình chống tổ chức thương mại thế giới năm 1999 ở Seattle. Chống Chủ nghĩa Tư bản mà không có ý tưởng gì mới.
    SPIEGEL: Điều gì đã ngăn cản sự huy động của một cánh tả mới?
    Fukuyama: Ngân hàng Trung ương Mỹ và Bộ Tài chính đã nổ lực can thiệp vào trong cuộc khủng hoảng vừa rồi và không để cho nó dẫn đến các thái quá của những năm ba mươi. Thời đấy, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã có thể tách các ngân hàng lớn ra – và không một ai dám phản đối, vì sự khốn khó vô cùng to lớn. Tôi tin là bây giờ người ta lại phải tách Goldman Sachs, Citigroup hay Bank of America ra để sắp xếp mới khu vực tài chính. Chúng phải được chia ra thành những đơn vị nhỏ mà rồi có thể phá sản nếu như hoạt động kinh doanh kém. Chúng không còn "too big to fail" nữa, chính điều này khiến cho chúng hiện giờ tuồng như là không thể động chạm tới được nữa. Rất đáng tiếc là đã không có một bước đi can đảm như thế.
    Description: image004_3.jpg

    Tổng thống Obama tại một bài diễn văn về cuộc khủng hoảng bất động sản ở Las Vegas 2011: "bị dán cho cái nhãn người của Chủ nghĩa Xã hội châu Âu". Ảnh: Ethan Miller / AFP
    SPIEGEL: Tổng thống Obama đơn giản là không đủ mạnh?
    Fukuyama: Obama đã có một cơ hội vào đầu của cuộc khủng hoảng, khi cả tờ Newsweek cũng chạy tít "Bây giờ tất cả chúng ta là người của Chủ nghĩa Xã hội". Lúc đấy lẽ ra ông ấy đã có thể quốc hữu hóa tất cả các ngân hàng lớn và bán chúng đi từng phần một. Nhưng ngay thời đó, thế giới quan của chính phủ ông ấy đã mang dấu ấn của ý muốn các ngân hàng Wall Street lớn rồi.
    SPIEGEL: Nói cách khác: Obama và những người tư vấn quan trọng nhất của ông ấy như Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner – một người nổi tiếng của Ngân hàng Trung ương – cũng là một phần của chính một phần trăm đấy, một phần trăm mà sự chống đối ngày nay đang hướng đến đó?
    Fukuyama: Tất nhiên là họ thuộc vào một phần trăm đấy, và bạn bè của họ cũng thế. Sếp Goldman Sachs Lloyd Blankfein đã bàn bạc với Geither hàng chục lần trong thời gian của cuộc khủng hoảng tài chính. Điều đấy vẫn còn có ảnh hưởng đến những cuộc tranh luận trong Tòa Nhà Trắng ngày nay.
    SPIEGEL: Ông có thật muốn nói rằng người của Đảng Cộng hòa ít thân thiện với Phố Wall hơn?
    Fukuyama: Hoàn toàn không phải thế. Phố Wall đã bỏ túi những người bảo thủ rồi. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: Tại sao chính những người đi bầu không giàu có cho lắm lại bỏ phiếu cho cánh hữu – mặc dù họ hoàn toàn không hề đếm xỉa đến lợi ích của những người đấy? Điều đấy phải bắt nguồn từ tư tưởng chống nhà nước, có gốc rễ sâu trong lịch sử của Mỹ. Nhiều người đi bầu đơn giản là thích người của Đảng Cộng hòa làm ầm ỉ chống lại giới tinh hoa – thế là họ bầu cho những người đó, ngay cả khi qua đó mà họ giúp giới tinh hoa trong kinh tế.
    SPIEGEL: Tại sao Tổng thống Obama không đến được với những người đã chán nản đấy?
    Fukuyama: Vì ông ấy không đưa ra được một viễn cảnh cho một trật tự kinh tế mới. Obama lúc nào cũng nói về việc quay trở lại với một nhà nước an sinh cánh tả kinh điển, như thể chúng ta vẫn còn sống trong những năm bảy mươi: nhiều nhà nước hơn, nhiều công đoàn hơn, toàn cầu hóa là xấu xa.
    SPIEGEL: Thế thì ông ấy phải làm gì?
    Fukuyama: Tôi nói điều này không phải là vì các anh làm việc cho một tờ tạp chí Đức: Nhưng mô hình kinh tế của Đức cũng có thể là một gương mẫu cho nước Mỹ. Nước Đức vẫn tiếp tục sản xuất thành công trong chính đất nước của mình những sản phẩm mà phần còn lại của thế giới muốn mua. Qua đó các anh đã bảo vệ giới trung lưu của mình tốt hơn là chúng tôi.
    SPIEGEL: Chương trình hành động 2010 của Gerhard Schröder [cựu thủ tướng Đức] cần phải là gương mẫu cho cánh tả của Hoa Kỳ?
    Fukuyama: Những người Dân chủ Xã hội Đức đã tạo nên một thị trường lao động linh hoạt hơn và làm cho nhà nước an sinh có khả năng cạnh tranh. Câu thần chú cũ "Nhiều nhà nước hơn" không còn tồn tại dưới hình thức đấy trong nước Đức nữa. Đấy đã là một thành quả – và một điều tương tự như thế không xảy ra ở Ý hay ở Pháp cũng là một trong các nguyên nhân cho cuộc khủng hoảng euro hiện giờ.
    SPIEGEL: Để bảo vệ giới trung lưu, người ta có cần đến một hình thức mới của chế độ bảo hộ hay không?
    Fukuyama: Lẽ ra Phương Tây không bao giờ được phép để cho Trung Quốc trở thành công xưởng của toàn thế giới. Người Trung Quốc đã khéo léo kích các quốc gia Phương Tây kình chống lại lẫn nhau và qua đó mà thu được công nghệ của họ với giá hời. Nước nào cũng nghĩ rằng: "Nếu tôi còn muốn kiếm một ít tiền thì bây giờ tôi phải kinh doanh với họ, ngay cả khi họ lừa bịp tôi và đánh cắp những cải mới của tôi." Lẽ ra, chúng ta không được phép xuất hiện một cách hèn nhát như thế trước Trung Quốc.
    SPIEGEL: Còn có thể đảo ngược được xu hướng này nữa không?
    Fukuyama: Ít nhất là ở Hoa Kỳ thì đã quá muộn rồi. Tất cả các ngành công nghiệp chế biến đã nằm trong tay Trung Quốc từ lâu.
    Description: image006.jpg

    Người Mỹ thất nghiệp trên đường tìm việc làm: "Mô hình kinh tế Đức có thể là gương mẫu" Ảnh: Xinhua / Eyevine / Picture Press.
    SPIEGEL: Cả các chính khách châu Âu cũng có vẻ tương đối bất lực trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Chính khách trong các nền dân chủ Phương Tây nói chung là còn có thể lãnh đạo được nữa hay không – hay các thị trường tài chính đầy quyền lực ấn định con đường đi?
    Fukuyama: Lãnh đạo chính trị trở nên khó khăn đến như thế không phải chỉ vì các thị trường tài chính. Tất cả các nền dân chủ hiện đại đều có một điểm yếu lớn: Mỗi một nhóm lợi ích đều đấu tranh không khoan nhượng cho ý muốn của mình. Các anh cứ nhìn sang Hy Lạp – dược sĩ, bác sĩ hay kiến trúc sư ở đấy đã có thể tự quyết định lấy giá cả của mình và qua đó mà hốt bạc. Đồng thời thì họ lại trốn thuế. Điều đấy tất nhiên sẽ dẫn đến sự phá sản của nhà nước.
    SPIEGEL: Những người kỹ trị và tư vấn, những người không do ai bầu ra, bây giờ lại có trách nhiệm phải dẹp gọn cái hệ thống luộm thuộm đấy của Hy Lạp. Việc đấy nói chung là có còn dân chủ nữa hay không?
    Fukuyama: Tôi đánh cược là chẳng bao lâu nữa Hy Lạp sẽ rời khối euro. Mặc cho người ta có khéo léo cho tới đâu: Sau một thời gian, người dân Hy Lạp sẽ hiểu mỗi một sự can thiệp là một cưỡng ép về chính trị mà họ không muốn có. Hay các anh thật sự tin là người Hy Lạp sẽ bất thình thình lình trở thành giống như người Đức?
    SPIEGEL: Châu Âu nói chung là còn có thể dân chủ nữa hay không trong cố gắng tuyệt vọng cứu đồng euro?
    Kukuyama: Nó đã có từng lần nào chưa? Lúc nào giới tinh hoa cũng quyết định quá trình hợp nhất của châu Âu. Bằng chứng tốt nhất: Cứ mỗi lần có một đất nước từ chối các kế hoạch tiếp tục hợp nhất trong một cuộc trưng cầu dân ý …
    SPIEGEL: … thì đơn giản là được bỏ phiếu lại.
    Fukuyama: Chính xác. Giới tinh hoa của Liên minh châu Âu nói với người dân nổi dậy của họ: "Ồ, các anh vẫn còn chưa hiểu đúng điều đấy. Chúng ta cứ đơn giản là tiếp tục bỏ phiếu, cho tới khi các anh chấp nhận điều đó." Hầu như trong mỗi một nước châu Âu hiện giờ đều có những đảng phái chống đối thuộc phe hữu, từ Hungary cho tới Na Uy. Họ chống lại Liên minh châu Âu, chống lại những người nhập cư, chống lại giới tinh hoa của châu Âu – và họ thành công, vì nhiều người đi bầu không còn cảm thấy được đại diện bởi những chính trị gia của họ nữa.
    SPIEGEL: Ngược lại, các hệ thống độc quyền dường như ngày càng được ưa thích nhiều hơn. Khi doanh nhân Đức đi thăm Trung Quốc, họ ca ngợi lúc trở về, rằng ở đấy quyết định được đưa ra nhanh đến chừng nào.
    Fukuyama: Doanh nhân Mỹ cũng thế. Tất nhiên là họ có ấn tượng, khi nhìn thấy những lời cam kết cho các dự án đầu tư khổng lồ được đưa ra trong những khoảng thời gian ngắn nhất ở Bắc Kinh. Nhất là khi chính trị gia ở châu Âu và Hoa Kỳ dường như không còn có khả năng đưa ra những quyết định như thế nữa.
    SPIEGEL: Tức là mô hình chuyên quyền của Trung Quốc cũng là một gương mẫu mới cho cả thế giới – điều mâu thuẫn một cách cơ bản với luận điểm của ông về dân chủ, sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Phương Tây từ "Sự chấm dứt của lịch sử".
    Fukuyama: Phản đối: Mô hình của Trung Quốc không thể là gương mẫu cho cả thế giới được. Hệ thống Phương Tây của chúng ta có những điểm yếu hết sức rõ ràng, nhưng hệ thống của Trung Quốc cũng không thể hoạt động được. Nó quá ư là bất công bằng và phi đạo đức. Bất cứ một người dân nào cũng đều có thể bị tước đoạt tất cả mọi thứ trong vòng vài giây đồng hồ mà không thể làm gì để chống lại được. Tham nhũng khắp mọi nơi, đã có phản đối ở khắp mọi nơi trong Trung Quốc rồi …
    SPIEGEL: … cái lại khiến cho chính phủ lo sợ một Mùa Xuân Trung Quốc.
    Fukuyama: Ngay khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu tê liệt thì sự bất bình đấy sẽ vỡ đập. Không, nền dân chủ Phương Tây vẫn còn là mô hình thành công duy nhất trên toàn cầu, mặc cho những điểm yếu.
    SPIEGEL: Giáo sư, chúng tôi xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.
    Dịch từ Der Spiegel 05/2012 (30/01/2012)
    Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20120206/cuoc-noi-day-cua-canh-ta-o-dau-roi
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org