Francis Fukuyama
LV chuyển ngữ
Trong hơn 2000
năm qua, hệ thống chính trị của Trung Quốc được xây trên một nền tảng trung
ương quan liêu tinh vi, để trị vì một xã hội to lớn bằng những phương pháp từ
trên xuống. Cái mà Trung Quốc chưa hề xây dựng là một chế độ pháp trị, tức là một
cơ quan pháp lý độc lập để giới hạn sự tuỳ tiện của chính quyền, hoặc trách nhiệm
dân chủ. Cái mà người Trung Quốc dùng để thay thế cho việc giám sát quyền lực
là một hệ thống quan lại được giới hạn bởi luật lệ và phong tục, khiến những
hành xử của nó dễ đoán trước được, cùng với một hệ thống đạo đức Khổng giáo
chuyên dạy dỗ giới lãnh đạo nên nghĩ đến quyền lợi của công chúng hơn là việc
khuyếch trương quyền lực cho bản thân. Vì thế cốt lõi của hệ thống này cũng giống
như hệ thống chính quyền đang vận hành hiện tại, trong đó Đảng Cộng sản Trung
Quốc đang đóng vai Hoàng đế.
Một chính quyền
trung ương chất lượng cao với ít công cụ giám sát quyền lực có thể làm được nhiều
điều phi thường khi có một thành phần lãnh đạo tốt: nó có thể đưa ra những quyết
định lớn lao một cách nhanh chóng vì nó không phải thiết lập liên minh hoặc đợi
chờ sự đồng thuận; nó không bị chất vấn hoặc bị thách thức về mặt pháp lý; và
nó có thể phớt lờ áp lực mang tính dân tuý để tiến hành những chính sách gây
tranh cãi.
Vấn đề mà chính
phủ Trung Quốc chưa bao giờ có thể giải quyết được là điều mà lịch sử từng biết
đến như vấn nạn "Bạo vương": trong khi quyền lực không được
giám sát nằm trong tay của một vị hoàng đế nhân từ và sáng suốt có được nhiều
điểm lợi, bằng cách nào ta có thể bảo đảm được nguồn cung cấp liên tục các Hiền
vương? Hệ thống giáo dục Khổng giáo và quan lại có nhiệm vụ giáo huấn những nhà
cầm quyền, nhưng thỉnh thoảng lại có những kẻ lãnh đạo tồi tệ xuất hiện và đưa
quốc giao vào tình trạng hỗn loạn, như Ác hậu Võ Tắc Thiên, người đã tiêu diệt
hầu hết tầng lớp quý tộc trong triều đại nhà Tần, hoặc Hoàng đế Vạn Lịch thời
Minh, người từng hờn dỗi không chịu ra khỏi cung phủ để phê chuẩn giấy tờ trong
gần suốt một thập niên.
Dưới cái nhìn của
nhiều người Trung Quốc, Bạo vương gần đây nhất từng trị vì Trung Quốc là Mao Trạch
Đông, người trong thời kỳ Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá đã tạo ra sự thống
khổ không kể xiết đối với người dân Trung Quốc, và quyền lực của ông đã không
được kiểm soát cho đến khi ông qua đời vào năm 1976. Những luật lệ hiện tại
giám định bộ máy điều hành và lãnh đạo tối cao của đảng phản ánh kinh nghiệm
này: trách nhiệm được phân chia trong chính thành viên Ban Chấp hành của Bộ
Chính trị, nhiệm kỳ của chủ tịch và thủ tướng được giới hạn trong mười năm;
không ai quá 67 tuổi được cất nhắc vào Ban Chấp hành. Những luật lệ này được
thiết lập rõ ràng để tránh sự đi lên của một Mao Trạch Đông khác, người sẽ dùng
quyền lực cá nhân để một mình thống trị đảng và đất nước.
Hệ thống độc tài
của Trung Quốc thì khác biệt vì nó đi theo những luật lệ liên quan đến việc giới
hạn nhiệm kỳ và thừa kế. Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai Cập hoặc Qaddhafi
của Libya, chưa kể đến những nhà lãnh đạo độc tài ở Châu Phi như Robert Mugabe
hoặc Meles Zenawi, hẳn đã được dân chúng của mình tưởng nhớ nhiều nếu họ chịu
bước xuống sau mười năm đầu cầm quyền và sắp xếp một quá trình chuyển giao quyền
lực có trật tự.
Đấy là vì sao Bạc
Hy Lai lúc chưa bị thanh trừng đã trở thành mối đe doạ đối với hệ thống: với bản
doanh của mình tại Trùng Khánh, ông đã sử dụng giới truyền thông một cách hữu
hiệu để xây dựng quyền lực đầy lôi cuốn của mình vốn đã mạnh mẽ nhờ lý lịch quyền
thế hoặc con trai của một anh hùng cách mạng; ông thẳng tay sử dụng quyền lực của
nhà nước để truy đuổi không những những tội phạm và quan chức tham nhũng mà cả
những doanh nhân hoặc đối thủ nào thu thập quá nhiều quyền thế và của cải; và
ông vực dậy những kỹ thuật vận động quần chúng thời Mao như hát những bài ca
cách mạng tại những cuộc mít tinh quần chúng. Không như những đồng chí buồn tẻ
của mình, ông có tiềm năng thống trị quyền lãnh đạo với một cơ sở quyền lực nếu
ông được đề bạt vào Ban Chấp hành. Vì thế thật dễ hiểu khi Hồ Cẩm Đào và giới
lãnh đạo hiện tại phải sử dụng đến vụ tai tiếng về chuyện che dấu việc giết người
để truất phế ông khỏi danh sách đề bạt và loại bỏ mối đe doạ Bạo vương.
Những bình luận
cho đến nay đã lưu ý rằng sự kiện Bạc Hy Lai đã cho thấy những chia rẽ nghiêm
trọng trong giới lãnh đạo tối cao của đảng, nạn tham nhũng và sa đoạ trong hàng
ngũ của họ, và sự kiểm soát ngày càng yếu đi đối với phương tiện ngôn luận của
người dân Trung Quốc như mạng Sina Weibo. Tất cả những điều này là đúng, nhưng
sự kiện nay còn cho thấy một vấn đề sâu đậm hơn, đó là sự thiếu vắng của những
cơ quan hiến pháp chính thức và hệ thống pháp trị thực sự.
Những luật lệ mà
giới lãnh đạo Trung Quốc đang tuân theo không được đề cập đến trong hiến pháp của
họ, cũng không liên hệ một cách rõ ràng hoặc được thực thi bởi một hệ thống
pháp lý. Chúng đơn giản chỉ là những luật lệ nội bộ của Đảng, vốn thực sự được
suy giải từ cách hành xử của Đảng. Nếu Bạc thành công trong việc tham gia vào
Ban Chấp hành và tăng cường quyền hạn cá nhân của mình, ông có thể dễ dàng bác
bỏ bất kỳ những luật lệ trên. Những tổng thống châu Mỹ La tinh nào muốn lưu lại
vị trí của mình vẫn phải trải qua một quá trình sửa đổi hiến pháp, và đôi khi
chế độ pháp trị đủ mạnh để ngăn cản họ làm điều này (ví dụ như trường hợp gần
đây khi Alvaro Uribe của Colombia đã bị Toà Hiến pháp quốc gia từ chối nhiệm kỳ
tổng thống thứ ba).
Vì thế việc hiến
pháp hoá hệ thống quyền lực Trung Quốc nói chung là một ảo tưởng. Đảng Cộng sản
đã và sẽ không giải quyết được vấn đề Bạo vương cho đến khi nó tạo ra một hệ thống
pháp trị thực sự với toàn bộ tính minh bạch và chính thức hiến pháp hoá mà hệ
thống này đòi hỏi.
Tôi có một cuộc
gặp gỡ hai năm trước tại Bắc Kinh với một quan chức cấp trung đứng đầu một cơ
quan trong Uỷ ban Trung ương, qua bữa ăn trưa kéo dài, ông ta nói với tôi rằng
tôi không thể nào hiểu được Trung Quốc hiện tại nếu không cảm nhận được cuộc
Cách mạng Văn hoá là một thảm trạng thực sự, và hệ thống cầm quyền hiện tại đã
được xếp đặt để ngăn cản nó không xảy ra lần nữa. Nhìn qua những cuốn sách và
đài tưởng niệm của Mao Trạch Đông mà Đảng vẫn dang phát động, tôi hỏi ông sao
việc này có thể xảy ra được ngoại trừ việc Đảng phải thẳng thắn hơn trong việc
nói ra sự thật về di sản của Mao. Thế hệ của ông đã có những kinh nghiệm bản
thân về những sự kiện đau thương nay, nhưng những người lớn lên sau đấy thì
không, và họ có thể bị dẫn dụ đến việc xem nó với lòng luyến tiếc. Chính vì thế
mà Bạc Hy Lai đã lợi dụng sự thiếu vắng hồi tưởng lịch sử ấy. Vị quan chức ấy
đã không có trả lời cho câu hỏi của tôi.
Vì thế cuối cùng
những luật lệ không chính thức đang được một nhóm nhỏ những kẻ trong cuộc tuân
theo không thể thay thế cho một hệ thống pháp luật chính thức. Như ta đã thấy
hiện nay, những nền dân chủ hiện đại bị trói buộc bởi luật lệ và bầu cử thường
sản xuất ra những nhà lãnh đạo tầm thường hoặc yếu kém. Đôi khi những nền dân
chủ cũng sản sinh ra những con quái vật như Adolf Hitler. Nhưng ít nhất những
qui trình chính thức để giám định quyền lực bằng luật pháp và bầu cử cũng đưa
ra được những chướng ngại vật lớn trên con đường của những Bạo vương. Bất chấp
việc đánh dẹp được sự thách thức của Bạc trong giai đoạn ngắn, hệ thống cầm quyền
Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn nạn hiến pháp. Giờ đây nó có một cơ hội
thực sự để làm điều này và chúng ta đang hy vọng giới lãnh đạo mới đang lên cầm
quyền sẽ nắm lấy.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20120716/francis-fukuyama-van-nan-bao-vuong-cua-trung-quoc