Francis
Fukuyama
Tqvn2004 chuyển
ngữ
Tiến sĩ Francis
Fukuyama là một triết gia người Mỹ, đồng thời là một nhà nghiên cứu kinh tế
chính trị và nhà văn. Ông nổi tiếng với cuốn sách "Điểm Tận của Lịch Sử và
Người Cuối Cùng" (1992), trong đó ông lập luận lịch sử của con người đã đến
"điểm tận cùng", tức là thế chế dân chủ phóng khoáng kiểu phương Tây
chính là hình thức chính phủ tối hậu của loài người.
Thiếu thanh khoản
hay phá sản?
Có một cảm giác
đang lan tỏa ở Washington rằng người ta vẫn chưa đánh giá đúng bản chất và mức
độ của cuộc khủng hoảng mà Hoa Kỳ và thế giới đang phải đối mặt. Chính quyền
Obama dường như vẫn xử lý tình hình dựa trên giả định rằng khu vực tài chính Mỹ
đang gặp vấn đề thiếu thanh khoản [illiquidity], chứ không phải phá sản
[insolvency], và rằng nhiệm vụ [của chính quyền] là phải tạo chỗ
dựa cho các ngân hàng Mỹ trong vài tháng tới, cho tới khi thị trường định giá
những tài sản "độc hại" của họ một cách công bằng hơn.
Cuộc khủng hoảng
của nước Mỹ bắt nguồn từ những yếu tố mang tính nền tảng của học thuyết Reagan.
Sự đồng thuận
ngày càng tăng giữa nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, trái lại, là thị trường đang
phá sản. Sự quay đầu nhanh chóng của nền kinh tế thực, được gia tốc bởi sự tan
vỡ của thị trường tài chính vào mùa thu năm ngoái, đang tấn công ngược trở lại
vào khu vực ngân hàng, khi mà những khoản thế chấp nhà đất chất lượng cao hơn
(như Alt-As), các khoản vay kinh doanh địa ốc, và nợ thẻ tín dụng bắt đầu mất
khả năng chi trả. Người ta có thể dễ dàng nhìn ra tại sao chính quyền không muốn
thừa nhận rằng các ngân hàng đang phá sản, bởi vì điều này đồng nghĩa với việc
họ phải quay lại Quốc Hội xin một vài ngàn tỉ USD nữa để tiếp tục cứu giúp [các
ngân hàng]. Đó chính là những suy nghĩ "chính trị" cản trở Nhật Bản
không xử lý các món nợ xấu [non-performing loan] của mình vào thập niên
1990, và có nghĩa là chúng ta đang đi đúng vào vết xe đổ đó.
Nguyên nhân khủng
hoảng: Chính phủ giảm điều tiết thị trường
Đảng Cộng Hòa, về
phần mình, trốn tránh hoàn toàn những gì xảy ra với quốc gia này khi họ cầm quyền.
Chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của 500 tỷ USD thâm hụt từ bong bóng kinh tế
những năm 2000, nay họ "bỗng nhiên" khám phá ra những mặt tốt đẹp của
việc kiểm soát chặt chẽ tài chính, vào đúng thời điểm của chu trình kinh tế mà
chi tiêu thâm hụt đang là điều cực kỳ cần thiết. Trong nỗ lực tìm kiếm lý do
khiến họ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, nhiều người đã nói rằng,
vấn đề là ở chỗ họ đã lạc lối, rời xa học thuyết Reagan [Reaganism - xem
thêm chú thích (1)]. Rất ít thành viên đảng Cộng Hòa chấp nhận sự thực rằng
chính những nguyên lý cơ bản của học thuyết Reagan -- trong đó phải kể đến, sự
căm ghét của nó đối với việc điều tiết [thị trường], và niềm tin rằng giảm
thuế tức là tự cấp tài chính [self-financing] -- là nguồn gốc của vấn đề
hiện tại của Mỹ. Phải chăng rằng Đảng Dân Chủ cũng là tòng phạm trong vụ này -
Bob Rubin và Larry Summers cũng là những kẻ tin tưởng vào sự giải quy [deregulation
- xem thêm chú thích (2)] trong lĩnh vực tài chính như các thành viên Đảng
Cộng Hòa, đồng thời cũng chính những thành viên Đảng Dân Chủ trong quốc hội đã
bảo vệ cho hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac, nguyên nhân dẫn tới việc cả
đoàn tàu [kinh tế Mỹ] trệch đường ray.
Nhưng những ý tưởng
cơ bản về khả năng tự điều tiết của thị trường và [hạn chế bớt] bàn tay
lông lá của chính phủ chính là của Đảng Cộng Hòa. Cựu Thượng nghị sĩ Phil
Gramm, tác giả của Đạo luật Gramm-Leach-Bliley năm 1999, nhằm bãi bỏ Đạo luật
Glass-Steagal của thời Đại Suy Thoái và làm suy yếu khả năng điều tiết thị trường
chứng khoán phái sinh [derivatives - xem thêm chú thích (2a)] của chính
quyền Mỹ, là một trong những người, cùng với Alan Greenspan, phải chịu trách
nhiệm lớn nhất về việc tạo nền móng cho cuộc khủng hoảng. Vậy mà ông ta vẫn
"dũng cảm" viết một bài trên tờ Wall Street đổ hết trách nhiệm gây ra
khủng hoảng cho Đảng Dân Chủ và sự ủng hộ của đảng này dành cho hai công ty
Fannie và Freddie. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Fannie và Frieddie là nhân
tố đóng góp vào cuộc khủng hoảng. Nhưng rõ ràng không phải lỗi của hai thể chế
này mà AIG mở ra thị trường hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) [credit-default
swaps - xem thêm chú thích (2b)] một cách khinh suất như thế, hay quỹ Washington
Mutual ký kết hợp đồng với người đi vay mà không cần qua thủ tục khảo sát tính
khả thi, hay Merrill Lynch tạo ra những hợp đồng cầm cố được chứng khoán hóa [securitized
mortgages] nhưng không thể nào định được giá, hay hãng Moody's đánh giá AAA
cho các chứng khoán này. Đảng Cộng Hòa sẽ còn lạc lối trên sa mạc, cho tới khi
họ thừa nhận với chính họ rằng, cuộc khủng hoảng khổng lồ lần này là kết quả của
những yếu tố thuộc về bản chất của chủ nghĩa Reagan.
Những lý do khiến
khủng hoảng còn lâu mới dứt
Cả hai Đảng Dân
Chủ và Cộng Hòa dường như hoạt động dưới một giả định rằng sự suy thoái lần này
sẽ chấm dứt ở một thời điểm nào đó vào cuối năm nay, và rằng chúng ta sẽ nhìn
thấy sự khôi phục từ từ, bắt đầu vào năm 2010. Chắc chắn là ngân sách trung hạn
của Obama được dựa trên giả định rằng chúng ta sẽ lại tiếp tục phát triển mãnh
mẽ trong vài năm tới, và sẽ có năng lực để giải quyết các vấn đề dài hạn như sự
thâm hụt ngân sách và các quyền lợi nhà nước dành cho các nhóm [entitlements].
Quan điểm cá nhân của tôi là bi quan hơn nhiều, với những lý do liên quan tới
kinh tế toàn cầu.
Những điều kiện
dài hạn cho cuộc khủng hoảng hiện thời xuất phát từ hành vi của Châu Á, đặc biệt
là Trung Quốc, để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-97. Như
Martin Wolf của tờ Financial Times đã chỉ ra trong cuốn "Sửa chữa Tài
Chính Toàn Cầu", các quốc gia trong khu vực đã quyết định bảo vệ mình
trước sự chập chờn của thanh khoản toàn cầu bằng cách đảo chiều luồng [tài
chính] của mình, và tích lũy dự trữ bằng đồng đô-la Mỹ. Điều này có nghĩa
là từ năm 2001 đến 2008, hơn 5 ngàn tỉ USD tiền tiết kiệm nước ngoài được đổ
vào nền kinh tế giàu có nhất thế giới, nước Mỹ, tạo động lực cho bong bóng tín
dụng và sự lạm dụng phương thức "đòn bẩy" [overleveraging - xem
chú thích (3)] cho cả hộ tiêu dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Mức độ nợ tư
nhân (private debt) sau đó tăng một cách khủng khiếp; trái ngược với thời kỳ
suy thoái những năm đầu thập niên 80, lúc đó nợ tư nhân ở Mỹ chiếm 123% GDP,
năm 2008 số nợ tư nhân ở Mỹ lên tới 290% GDP. Trong đó, nợ của hộ tiêu dùng dịch
chuyển từ 48% lên 100% GDP. Đó là lý do tại sao những nỗ lực của Fed để tăng
tính thanh khoản ở Mỹ sẽ không có mấy hiệu quả; các hộ gia đình và doanh nghiệp
sẽ giải đòn bẩy [deleveraging - xem chú thích (3)] trong một giai đoạn
dài hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Người Mỹ cần phải học lại
cách sống như những người biết tiết kiệm; họ cần phải làm như thế, nhưng tính
tiết kiệm đó sẽ dẫn tới nghịch lý "về sự tiết kiệm" nổi tiếng của
Keynes: tổng cầu sẽ sụt giảm.
Có quá nhiều vấn
đề ở phía cung của nền kinh tế; chúng ta đã mất rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất
của mình, và nền kinh tế dịch vụ, được trông đợi là sẽ bù đắp những thiếu hụt của
nền kinh tế sản xuất, lại là một ảo ảnh. Gretchen Morgenstern chỉ ra rằng
Merrill Lynch, trong 2 năm qua, đã mất số tiền tương đương với số nó làm ra
trong 10 năm trước, dù rằng ban quản trị của nó đã đút túi riêng được hàng tỉ
đô-la từ lương và thưởng. Tại đỉnh điểm của bong bóng, thu nhập của khu vực tài
chính chiếm tới 40% tổng lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ, nhưng bây giờ nhìn lại,
chúng ta thấy con số này không phản ánh giá trị thực sự được đưa thêm vào nền
kinh tế. Khi bạn không chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán ngân hàng, mà nhìn cả
vào các ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực mà khu vực này tạo ra cho toàn bộ nền kinh
tế, năng suất thực mà nó mang lại trong thập niên vừa qua có lẽ sẽ còn thấp hơn
nhiều so với thời điểm mà bong bóng vẫn tồn tại. Chúng ta không nhận ra điều
này lúc đó, bởi vì chúng bị che khuất bởi sự ham muốn nắm giữ tài sản tiền
đô-la Mỹ của các đối tác nước ngoài.
Nhưng một vấn đề
lớn tương đương của tương lai nằm ở phía cầu. Cuộc khủng hoảng đang lan rộng,
xuất phát từ sụt giảm nhập khẩu ở Mỹ, cho thấy mức độ mà nền kinh tế toàn cầu
đang phụ thuộc vào Mỹ, và đặc biệt là người tiêu dùng Mỹ, để tăng trưởng. GDP
quý IV 2008 của các quốc gia công nghiệp hóa giảm mạnh nhất là ở Nhật và Hàn Quốc,
không phải vì họ vung tay quá chán giống như Mỹ, mà bởi họ phụ thuộc quá nhiều
vào xuất khẩu. Trung Quốc cũng rớt thảm hại với cùng nguyên nhân, cho dù tốc độ
không nhanh đến thế. Người tiêu dùng Mỹ sẽ không, và không nên, quay lại với sự
tiêu dùng phóng tay bằng tiền vay nợ trong thời gian gần; nhưng các nền kinh tế
Á Châu vẫn không kích thích tiêu dùng nội địa. Các hộ gia đình Mỹ đang chứng kiến
giá trị tài sản của mình giảm xuống chừng 11,2 ngàn tỉ USD, hay 18%, trong giai
đoạn cuối năm 2008, và tiếp tục sụt giảm trong quý đầu năm 2009. Đặc biệt là
các baby-boomer [xem chú thích (4)], những người mà tài sản của họ tụt giảm
ghê gớm hơn, vì họ nắm giữ nhiều tài sản hơn so với dân số nói chung, sẽ cần phải
xây dựng lại sổ tiết kiệm của mình để dành dụm cho tuổi giả, và sẽ không mở lại
ví tiền của mình ngay cả khi tín dụng dễ dãi quay trở lại. Các quốc gia Châu Á
đã khôi phục tương đối nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng những năm cuối thập
niên 90, bởi cầu trên toàn thế giới vẫn còn rất mạnh mẽ; còn bây giờ, họ sẽ dựa
vào đâu để khôi phục? Hi vọng duy nhất là từ chi tiêu công, cũng giống như gói
kích cầu đầy tai tiếng của chính phủ Mỹ; nhưng ngoài nước Mỹ, vẫn còn tương đối
ít các quôc gia sẵn sàng - và có khả năng - bước con đường này.
Tất cả những điều
trên cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ còn lâu mới chấm dứt, hoặc có thể là một giai
đoạn dài tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng. Chúng ta có thể may mắn lặp lại
"thành tích" của Nhật Bản là tăng trưởng hàng năm từ 0 tới 1% trong
những năm thập niên 90.
Cần một mô hình
tư bản chủ nghĩa mới
Chúng ta cần
nhìn cuộc khủng hoảng với viễn cảnh dài hạn. Thế hệ baby-boom, mà tôi là một thành
viên, đã từng tiêu tiền thái quá và không biết dành dụm, và đã được miễn không
phải đóng thuế (trừ một giai đoạn ngắn trong nhiệm kỳ của Cliton, khi mà chính
phủ đã thành công trong việc tạo ra thặng dư ngân sách). Để thoát ra khỏi cuộc
khủng hoảng mà thế hệ baby-boom tạo ra, sẽ cần phải có rất nhiều tiền, điều này
đồng nghĩa với việc nâng cao mức độ công nợ [public debt], vốn đã rất
cao. Thế hệ baby-boom sẽ không chỉ để lại món nợ này cho con cháu của nước Mỹ,
mà họ còn làm tăng chi phí chăm sóc y tế [vì họ bắt đầu về già],
"đánh chén" một phần lớn GDP tương lai nếu không có sự hạn chế.
Tất cả những điều
này không phải là một thất bại của chủ nghĩa tư bản, nhưng là thất bại của
chính sách công ở Mỹ. Chắc chắn chúng ta không thể tránh được, rằng lòng tin
vào những thứ mà người Mỹ vẫn tôn thờ -- dân chủ tự do và kinh tế thị trường --
sẽ sụt giảm đáng kể sau cuộc khủng hoảng lần này. Những người từ Latvia tới Hàn
Quốc tới Mexico đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ.
Nó bắt nguồn phần lớn từ lòng tin mà người Mỹ đặt vào khả năng tự điều tiết của
thị trường tự do, một khía cạnh quan trọng của cả học thuyết Reagan lẫn cái gọi
là mô hình chủ nghĩa tư bản "Anglo-Saxon". Alan Greenspan đã thừa nhận
vào mùa Đông năm ngoái rằng ông đã ngạc nhiên khi thấy "sự tư lợi" của
cộng đồng tài chính đã không ngăn cản cộng đồng này tạo ra những sai lầm khủng
khiếp. Bây giờ, khi mà khu vực [tài chính] công đang phải è cổ ra dọn dẹp
sai lầm của họ, chúng ta cần chuyển từ "ngạc nhiên" sang một mô hình
tư bản khác, nếu chúng ta muốn sửa chữa nền kinh tế của chính chúng ta, và lấy
lại lòng tin trên khán đài quốc tế.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20090323/nghi-ve-tuong-lai-cua-chu-nghia-tu-ban-my