Cái chết của Chủ nghĩa Tự do - Tinh Thần Khai Minh

Cái chết của Chủ nghĩa Tự do

Posted on
  • Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Biên dịch: Lê Hoàng Giang
    Chủ nghĩa tự do đã chết. Hay ít nhất thì cũng đang bị tròng dây vào cổ. Mặc dù đã đứng trên đỉnh vinh quang từ cách đây một phần tư thế kỉ, khi nền dân chủ tự do dường như đã chiến thắng dứt khoát trước những xứ thiên đường độc tài đẫm máu, song giờ đây chủ nghĩa tự do đang bị tấn công từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
    Chủ nghĩa dân tộc & chủ nghĩa chuyên quyền, được trợ đỡ bằng công nghệ, đã cùng nhau thiết đặt những hình thức kiểm soát & thao túng mới lên loài người, vì sau cùng thì sự mềm yếu của loài người trước lòng tham, định kiến, ngu xuẩn, chi phối, phục tùng, và sợ hãi đâu có biến mất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
    Khi Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, khi những xã hội khép kín buộc phải mở cửa, khi kỉ nguyên toàn cầu hóa nhanh chóng bắt đầu, và khi Hoa Kỳ giành được danh hiệu “siêu cường quốc” (“hyperpower”), thì như Francis Fukuyama lập luận vào năm 1989, sẽ là hợp lý nếu tin rằng “Thắng lợi của phương Tây, của tư tưởng phương Tây, đã được thể hiện rõ ràng trước hết là qua việc đã hoàn toàn chẳng còn lý thuyết có hệ thống nào có thể thay thế được Chủ nghĩa Tự do phương Tây”. Do vậy, theo Fukuyama, điểm kết thúc của lịch sử đã được đánh dấu bằng “sự phổ biến hóa nền dân chủ tự do phương Tây như là hình thức chính thể cuối cùng của loài người”.
    Lập luận này là khá hợp lý. Hàng trăm triệu người bị nô dịch trong đế chế Xô-viết đã được giải phóng. Họ biết – tất cả đều biết – là hệ thống nào hiệu quả hơn. Vấn đề là loài người luôn luôn chỉ giữ lấy được lý trí trong thời gian ngắn.
    Nhìn lại lịch sử loài người, ta sẽ thấy rằng thử nghiệm dân chủ tự do – với niềm tin xuất phát từ thời đại Khai Sáng cho rằng cá nhân có những quyền bất khả xâm phạm nhất định cho phép họ tự do kiến tạo nên vận mệnh của mình bằng cách biểu đạt ý chí – chỉ kéo dài chốc lát. Phần lớn thời gian còn lại trong lịch sử là thời đại của quyền lực tối thượng bất khả kháng, của đặc quyền tối cao do Chúa ban, của sự cai trị và bị trị, và của sự khuất phục trước cái mà Isaiah Berlin gọi là “những lực lượng mù quáng huyền ảo phản lý trí”.
    Những lực lượng phản lý trí như thế ngày nay hiện diện khắp nơi – ở nước Mỹ của Donald Trump, ở nước Pháp của Marine Le Pen, ở nước Nga của Vladimir Putin, ở phần lớn Trung Đông, ở Bắc Triều Tiên. Chính thể đại diện với nền pháp quyền đã trở nên chán ngắt trong thời đại chìm ngập trong những hình ảnh hoành tráng về quyền uy và bạo lực lưu truyền qua mạng xã hội hay game online.
    Berlin, rất lâu trước Fukuyama, đã nhận ra một yếu điểm tiềm ẩn của chủ nghĩa tự do. Trong cuốn “The Crooked Timber of Humanity” [tạm dịch: Thanh gỗ cong của nhân loại],* ông đã viết: “Lời thuyết giảng của chủ nghĩa tư do, trong đó đề xướng những cơ chế nhằm ngăn cản người ta làm hại lẫn nhau, tạo điều kiện cho từng nhóm người có thể đạt được những mục đích cụ thể, độc nhất, riêng biệt của nhóm mà không xâm hại quá mức đến những mục đích của nhóm người khác, thì không phải là một tiếng thét lâm trận đủ nhiệt huyết để kêu gọi người ta hi sinh quên mình và làm nên kỳ tích”.
    Không, nhưng giống như những người soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ hiểu rõ, những cơ chế lấy cảm hứng từ chủ nghĩa tự do như thế là cách tốt nhất để người dân có thể phòng vệ lâu dài trước ách bạo quyền chuyên chế.
    Tuy nhiên, tự do đòi hỏi một số thứ nhất định. Chủ nghĩa tự do đòi hỏi phải chấp nhận những khác biệt giữa con người với nhau, và điều hòa những khác biệt đó thông qua các thể chế dân chủ. Nó đòi hỏi phải chấp nhận hàng loạt những thực tế có thể xung khắc với nhau. Trong thời đại khoa trương và la ó, thời đại phân hóa và gièm pha, thời đại mà chính trị bị mang ra mua bán và phải phục tùng một cách xảo quyệt trước lĩnh vực giải trí giả dối, thì sự trỗi dậy của Trump chẳng có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù rất đáng sợ.
    Chẳng có gì khó hiểu khi Putin chết mê hắn. Nền độc tài chuyên chế Nga hoàn toàn dựa vào cái vẻ bề ngoài uy quyền hầm hố và sự xu nịnh của đám đông được bợ đỡ qua truyền thông của một nhân vật có dáng dấp Sa Hoàng. Berlin nhận thấy có “phần đúng” trong quan điểm của học giả bảo thủ Joseph de Maistre rằng “ham muốn được tự dâng hiến bản thân, được chịu đựng, được vái lạy một quyền uy, hay đúng ra là một quyền lực cao hơn, bất kể khi nào, và ham muốn được thống trị, được thể hiện uy quyền, được theo đuổi quyền lực vì bản thân quyền lực” là những thế lực mà “trong lịch sử thì mạnh không kém gì ham muốn hòa bình, thịnh vượng, tự do, công lý, hạnh phúc, bình đẳng”.
    Và vì thế nên lịch sử không kết thúc. Nó cứ lặp đi lặp lại mà thôi.
    Thất bại to lớn của Mùa Xuân Arab – phong trào tự do lớn nhất kể từ năm 1989, một nỗ lực tự giành quyền của các dân tộc Arab – là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do không có thành phần nào trong các xã hội Arab, từ Ai Cập đến Libya, có tư tưởng tự do chủ nghĩa. Thậm chí một quốc gia có tầng lớp trung lưu đông đảo như Ai Cập cũng chưa sẵn sàng chấp nhận điều hòa những quan điểm khác nhau thông qua các thể chế dân chủ. Thế là quyền lực lại rơi vào tay tướng lĩnh quân sự, và những người theo chủ nghĩa Hồi giáo – ngay cả những người trung dung trong số đó – đều bị kết án tù đày hoặc còn tệ hơn.
    Ở Nga, và giờ thì ở những nước từ Hungary đến Ba Lan, và ở Trung Quốc, những hình thức chuyên quyền đang trỗi dậy và chủ nghĩa tự do (hay thậm chí là tự do hóa ở mức khiêm tốn) đều đang thoái lui. Ở Trung Đông, Nhà nước Hồi giáo đang che phủ cái bóng khổng lồ và số hóa của nó lên mọi thứ. Ở những xã hội phương Tây, đang loay hoay với bất bình đẳng ngày càng gia tăng (kinh tế học tân tự do cũng đã hủy hoại hết những phẩm chất của chủ nghĩa tự do), thì những cuộc đàm thoại, tranh luận ở các trường đại học hay nói nhảm trên mạng xã hội về chính trị đều cho thấy có sự mất kiên nhẫn trước những quan điểm trái chiều, có sự bất dung nạp và miễn cưỡng không muốn thỏa hiệp, những thứ vốn là thiết yếu để một nền dân chủ tự do có thể tồn tại.
    Đe dọa cho những xã hội tự do chủ nghĩa phương Tây nằm ở cả bên ngoài lẫn bên trong. Chủ nghĩa tự do có thể là một tiếng thét lâm trận yếu ớt, nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với phẩm cách loài người.
    Roger Cohen là nhà báo & tác giả, hiện đang làm việc cho The New York Times.
    Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/19/cai-chet-cua-chu-nghia-tu-do/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org