Xếp loại các chế độ chính trị

Posted on
  • Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Phan Thành Đạt 
    Giới thiệu chung 
    Chế độ chính trị là một tổng thể bao gồm nhiều yếu tố: Các nguyên tắc về luật pháp như Hiến pháp quy định đặc điểm của thể chế chính trị và các nguyên tắc khác như hệ thống các đảng phái, các cá nhân nắm giữ quyền lực, hệ tư tưởng… Chế độ chính trị thể hiện cách tổ chức các cơ quan trong một Nhà nước nhất định. Mỗi chế độ chính trị đều có các quan điểm khác nhau về chủ quyền, về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, về các nguyên tắc mà nhà lãnh đạo phải tuân theo. Chế độ chính trị quy định nhiệm vụ của các cơ quan công quyền và định hướng các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Chế độ chính trị phản ánh các đặc điểm cơ bản của toàn bộ hệ thống hành chính của mỗi nước.
    Người Hy Lạp trước Công nguyên đã tiến hành xếp loại các chế độ chính trị dựa theo một số tiêu chuẩn về số lượng người tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội ở các thành bang. Các nhà tư tưởng thời Trung cổ như Machiavel, Jean Bodin đã đưa ra các tiêu chuẩn  nhằm đánh giá chế độ quân chủ và chế độ cộng hòa. Các nhà triết học thời kỳ ánh sáng đã tiến hành phân loại các kiểu chế độ chính trị tồn tại trong suốt thời kì Trung cổ đến giai đoạn Cách mạng Pháp 1789. Montesquieu là đại diện tiêu biểu của thời kì ánh sáng, ông đã thành công trong việc phân loại các chế độ khác nhau dựa trên các tiêu chuẩn mới, khác với Aristote.
    Trên thế giới hiện nay có gần 200 quốc gia độc lập, mỗi nước đều có chế độ chính trị riêng. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn lựa và xây dựng thể chế. Ví dụ các nước Ả Rập đều lấy đạo hồi là quốc giáo, các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp dựa theo giáo lí của kinh Coran. Nhà luật học và chính trị học Bernard Chantebout cho rằng các giá trị dân chủ của phương Tây khác với các nguyên tắc của đạo hồi. Cho nên nếu đánh giá thể chế chính trị của các nước Trung Đông dựa theo các tiêu chuẩn của phương Tây, các chuyên gia có thể kết luận rằng các nước hồi giáo không có dân chủ, nhưng các nhà lãnh đạo ở các nước này lại khẳng định các giá trị dân chủ dựa trên tôn giáo vẫn được đảm bảo. Chế độ chính trị ở mỗi nước đều có các đặc điểm khác nhau và quan điểm về dân chủ cũng khác nhau.
    Nền dân chủ phương Tây (Mỹ và Châu Âu) có ảnh hưởng lớn đối với các nước đang phát triển, và là hình mẫu cho các nước này. Bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường… là các điều kiện cơ bản của thể chế chính trị phương Tây. Những đặc điểm nổi bật của chế độ chính trị sẽ chứng minh mỗi nước có dân chủ hay không, dựa trên các phân tích, các nhà nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ tính ưu việt hay bất cập của các thể chế.
    Chế độ chính trị được phân loại theo 3 tiêu chí sau: 
    I. Phân loại chế độ chính trị theo quan điểm truyền thống.
    II. Phân loại chế độ chính trị theo cách xây dựng các thiết chế.
    III. Phân loại chế độ chính trị theo quan điểm xã hội học và triết học hiện đại. 

    I. Xếp loại chế độ chính trị theo quan điểm truyền thống 
    Các nhà triết học thời Hy Lạp cổ đại và thời kỳ ánh sáng xếp loại các thể chế chính trị tồn tại trong giai đoạn họ đã sống, họ có dịp quan sát và đưa ra nhiều đánh giá thú vị về các mô hình nhà nước. Các nhà tư tưởng lớn đã có nhiều công lao, góp phần vào việc hoàn thiện các thể chế chính trị thời cổ đại (A), các công trình của họ có ảnh hưởng lớn đến triết học thời kì ánh sáng, khi các nhà luật học và các nhà chính trị học bàn về đặc điểm của các thể chế chính trị sau này (B), họ đối chiếu với các nguyên tắc đã được xây dựng từ trước. 

    A. Chế độ chính trị theo quan điểm triết học Hy Lạp 
    Từ Polybe đến Platon, các nhà tư tưởng thời Hy Lạp cổ đại đều có ý định xếp loại các chế độ chính trị bằng cách quan sát cách thức tổ chức bộ máy ở các thành bang. Họ phân loại thể chế chính trị theo số lượng người nhiều hay ít, có quyền tham gia vào bộ máy điều hành Nhà nước hay không. Họ đưa ra đánh giá một Nhà nước tốt đẹp hay tồi tệ dựa trên phẩm chất của người có quyền lực và vai trò của họ trong việc ban hành các chính sách quan trọng. Nếu quyền lực thực thi, đem lại lợi cho toàn bộ cộng đồng, đó sẽ là Nhà nước tốt đẹp, nếu quyền lực chỉ để phục vụ lợi ích cho một nhóm người, đó sẽ là nhà nước xấu xa. Aristote nghiên cứu các bản Hiến pháp của 150 thành bang trong thế kỷ thứ IV trước Công nguyên (mỗi thành bang thời Hy Lạp cổ là một Nhà nước riêng biệt). Ông chia ra hai loại Hiến pháp cơ bản: Hiến pháp hư hỏng hay còn gọi là Hiến pháp chệch đường, loại Hiến pháp này trao quyền hành và ban phát lợi ích cho một nhóm người, thiết lập một thể chế chính trị tệ hại. Hiến pháp đúng đắn bảo đảm các lợi ích chung cho toàn thể các nhóm người trong xã hội, nhằm đem lại hạnh phúc cho con người. Loại Hiến pháp này sẽ tạo điều kiện hình thành một chế độ chính trị tốt đẹp. Aristote xây dựng ba kiểu chế độ chính trị:
    -Chế độ quân chủ, do nhà vua đứng đầu, người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành đất nước, ban ra các điều luật buộc mọi người phải tuân theo, người đứng đầu phải luôn hành động vì lợi ích chung của nhân dân. Khi vua không thực hiện tốt bổn phận của mình, chế độ quân chủ sẽ chuyển thành chế độ bạo chúa hay hôn quân.
    -Chế độ quý tộc do một nhóm người điều hành, họ là những người ưu tú được tuyển trọn trong các gia đình có thế lực, họ điều hành đất nước bằng luật pháp nhằm duy trì trật tự và bảo vệ quyền lợi cho chính họ và gia đình sau đó bảo vệ quyền lợi của những nhóm người khác nhau. Chế độ này có thể chuyển hóa thành chế độ đầu sỏ độc tài.
    -Chế độ dân chủ, do nhiều nhóm người lãnh đạo luân phiên nhau, thông qua hình thức lựa chọn bốc thăm, và bầu cử các đại diện cao nhất nắm giữ các chức vụ chủ chốt. Công dân vừa là người lãnh đạo vừa là người phải tuân theo các điều luật của Nhà nước, tuy nhiên mỗi công dân trong đời đều có điều kiện làm lãnh đạo 1 năm theo tính chất luân phiên. Chế độ dân chủ có thể chuyển hóa thành chế độ dân đen lãnh đạo (la populace au pouvoir ou l’ochlocratie) vì nhiều người thiếu hiểu biết vẫn có cơ hội điều hành đất nước, điều này khiến Platon và Aristote luôn tỏ ra nghi ngờ về chế độ dân chủ thời Hy Lạp cổ.
    Các nhà tư tưởng thời kỳ Trung cổ và dưới Chế độ cũ có nhiều công lao hoàn thiện việc xếp loại các thể chế chính trị được các nhà triết học Hy Lạp xây dựng.

    B. Chế độ chính trị theo quan điểm của Montesquieu 
    Nhà luật học Jean Bodin và nhà triết học Thomas Hobbes xây dựng lí thuyết mới để củng cố quyền lực cho chế độ quân chủ chuyên chế. Với mục đích đề cao quyền lực của vua, giúp vua thoát khỏi cái bóng ảnh hưởng của giáo hội La Mã, các nhà tư tưởng thời Trung cổ và thời Chế độ cũ (l’Ancien Régime) định ra các nguyên tắc và các đặc điểm cho chế độ quân chủ: Vua phải luôn hành động vì lợi ích chung để bảo vệ cuộc sống và nền hòa bình của nhân dân cũng như duy trì các trật tự xã hội, do đó quyền hành của vua cao hơn tất cả.
    Ở thời kì ánh sáng, thế kỉ XVII, XVIII, Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần luật, 1748, xây dựng ba kiểu chế độ chính trị: Chế độ quân chủ, đứng đầu là nhà vua, nhân vật này lãnh đạo đất nước bằng danh dự. Chế độ cộng hòa, do một chính quyền đại diện gồm các cá nhân ưu tú được tín nhiệm qua hình thức lựa chọn, chế độ này lãnh đạo đất nước dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức. Chế độ chuyên chế áp bức lãnh đạo đất nước bằng cách gieo rắc sợ hãi để giữ ổn định. Chế độ quân chủ và chế độ cộng hòa đều có thể chuyển thành chế độ độc tài áp bức. Nếu Aristote phân loại thể chế chính trị theo số lượng người nắm giữ quyền lực, Montesquieu tiến thêm một bước xa hơn, bằng cách phân tích các thể chế chính trị dựa trên các thuộc tính vốn có của nó. Quan điểm của Montesquieu có ảnh hướng đến việc phân loại các chế độ chính trị dân chủ và phi dân chủ trong giai đoạn hiện đại. Ví dụ khi nhận định các chế độ theo hệ tư tưởng Đức quốc xã, theo chủ nghĩa fasciste, staliniste hay maïste là các thể chế độc tài được cai trị bằng dối trá và sợ hãi, phân tích của Montesquieu khá đúng, vì trong các thể chế này, hệ tư tưởng và tình cảm sùng bái lãnh tụ được đặc biệt chú trọng. Nếu sự dối trá bị phát hiện, sự sợ hãi sẽ thế chỗ, khiến con người không dám phản kháng và buộc phải ngoan ngoãn tuân theo.
    Chế độ chính trị trong thời kỳ hiện đại rất đa dạng về cách thức tổ chức quyền lực, các nhà nghiên cứu sắp xếp theo các tiêu chuẩn khác nhau, kết quả là có nhiều quan điểm về các thể chế chính trị.

    II. Xếp loại thể chế chính trị theo cách thức tổ chức quyền lực 
    Các học giả người Pháp xếp loại chế độ chính trị bằng cách quan sát cách thức tổ chức quyền lực của các cơ quan nhà nước, từ đó họ nhận biết chế độ chính trị theo nguyên tắc quyền lực tập trung (A) hay chế độ chính trị theo nguyên tắc tam quyền phân lập (B). Đây là phương pháp xếp loại tổng quát, cần có các cách phân tích và xếp loại chi tiết hơn.

    A. Chế độ chính trị theo nguyên tắc quyền lực thống nhất
    Đa số các quốc gia không chú ý phân chia quyền lực minh bạch, rõ ràng, đều theo nguyên tắc thống nhất về quyền lực dưới hình thức dân chủ tập trung, đây là nguyên nhân khiến cả hệ thống chính trị hoạt động thiếu dân chủ. Các cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp không có tính độc lập tương đối, quyền lực không tách biệt do một người hay một nhóm người nắm giữ.
    Các chế độ độc tài hay độc đoán còn được gọi là các chế độ hội nghị có đặc điểm khá giống với chế độ bạo chúa chuyên quyền và chế độ đầu sỏ theo định nghĩa của Aristote và Montesquieu trước đây. Khi quyền lực tập trung không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, các nhà lãnh đạo có xu hướng lạm quyền, kết quả là quyền con người và các giá trị dân chủ bị vi phạm nặng nề. Khi quan sát hệ thống chính trị vẫn đang tồn tại ở một số nước, nếu nhiệm vụ giám sát các đạo luật vi hiến không được tiến hành, hay nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, khi chỉ có một đảng được phép điều hành đất nước mà không có cạnh tranh chính trị, ở các quốc gia đó sẽ không có dân chủ, cho dù quốc hiệu luôn đi kèm với từ dân chủ. Ví dụ khái niệm nền dân chủ nhân dân để chỉ các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết trước đây, hay Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hiện nay.
    Chế độ độc tài có một số đặc điểm sau: Các nhà lãnh đạo có quyền hành pháp và lập pháp, tư pháp không có vị trí độc lập và phụ thuộc vào cơ quan hành pháp. Những người có quyền ban ra các đạo luật và thi hành luật theo kiểu độc đoán, tư pháp trở thành công cụ trong tay họ. Tập trung quyền lực gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xã hội dân sự tồn tại ở mức độ hình thức, vì con người không có không gian riêng, Nhà nước can thiệp vào mọi lĩnh vực. Nền chính trị với sự góp mặt của nhiều đảng phái không tồn tại, chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo, tiếng nói đối lập bị ngăn cản. Con người bị huy động và phải theo các chính sách của Nhà nước được một nhóm người quyết định. Công dân không có quyền phản kháng. Đảng duy nhất cầm quyền trở thành Nhà nước, có sự nhầm lẫn về khái niệm đảng-Nhà nước. Các đặc điểm trên đều dễ nhận thấy trong các chế độ fasciste, Đức quốc xã, hay chế độ chính trị theo hệ tư tưởng Mác-Lênin và Mao.
    Chế độ độc đoán là một giai đoạn chuyển giao từ độc tài sang dân chủ, (không ngoại trừ khả năng thể chế này lại trở lại độc tài như cũ). Tuy nhiên thể chế chính trị này có một số nét khá giống với chế độ độc tài. Quyền lực cũng tập trung trong tay một người hay một nhóm người, các nhà lãnh đạo có quyền quyết định tất cả mọi việc lớn nhỏ của đất nước do cơ chế quyền lực tập trung, thiếu kiểm soát. Có thể có đối lập chính trị, nhưng ảnh hưởng của phe đối lập bị giới hạn. Các quyền tự do cá nhân bị hạn chế đến mức tối đa, một khi các quyền này ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Quyền lực của tòa án bị kiểm soát, các quan tòa không có quyền phê phán tính chính danh của chế độ và vai trò của những người lãnh đạo. Cơ chế giám sát các đạo luật để bảo vệ Hiến pháp không được áp dụng, các nguyên tắc đảm bảo sự tồn tại của Nhà nước pháp quyền không được coi trọng. Tất cả những yếu tố này trở nên vô ích và nguy hiểm đối với nhà lãnh đạo vì quyền lực của họ sẽ bị hạn chế. Chế độ độc đoán còn có điểm tựa là chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, quân đội và tinh thần sùng bái lãnh tụ. Ví dụ trường hợp của Thổ Nhĩ Kì dưới thời Mustafa Kemal Atatürk, Tây Ban Nha dưới thời Franco, Bồ Đào Nha thời Salazar và Chile của Augusto Pinochet…
    Cho dù là chế độ độc tài, độc đoán hay dân chủ, giới cầm quyền đều đưa ra các khẩu hiệu rất hấp dẫn để tạo tính chính danh và lấy lòng nhân dân. Các cơ quan công quyền và các công trình phúc lợi đều gắn nhãn mác “nhân dân” Ví dụ các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây, được gọi là nền dân chủ nhân dân, ở Bắc Triều Tiên có quảng trường nhân dân, thư viện nhân dân, nhà hát nhân dân…Ở các nước tư bản khẩu hiệu được ghi trong Hiến pháp là Nhà nước của dân do dân và vì dân hay chủ quyền thuộc về nhân dân (ví dụ điều 2, Hiến pháp Pháp năm 1958, điều 1, Hiến pháp Ý năm 1947, điều 1, Hiến pháp Tây Ban Nha, năm 1978), nhưng thực tế không phải chính sách nào cũng vì lợi ích của toàn bộ nhân dân mà trước hết vì lợi ích của các tập đoàn kinh tế lớn, vì quyền lợi của các nhóm người có ảnh hưởng trong xã hội tư bản. Tuy vậy quyền con người và các nguyên tắc duy trì nền dân chủ vẫn được đảm bảo ở các quốc gia phương Tây một khi nguyên tắc tam quyền phân lập được tuân thủ.

    B. Các chế độ chính trị theo nguyên tắc tam quyền phân lập 
    Thể chế chính trị của Châu Âu và Mỹ dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập. Cân bằng và phân bổ quyền lực hợp lí giữa các cơ quan luôn được đảm bảo, cơ chế “check and balance” là đặc điểm nổi bật trong thể chế dân chủ. Theo nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để, hay tam quyên phân lập tương đối không có nghĩa là không có sự hợp tác nào giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Hiện nay có ba kiểu chế độ chính trị cùng tồn tại ở hai bờ Đại Tây Dương, bao gồm chế độ tổng thống, chế độ nghị viện và chế độ hỗn hợp. Các nước đang phát triển trên thế giới lựa chọn mô hình chính trị của phương Tây, nhưng do các điều kiện kinh tế chính trị và xã hội chưa đáp ứng được, nên thể chế chính trị tại các nước này đều có ít nhiều biến thái.
    Chế độ tổng thống ở Mỹ có một số nét tiêu biểu, khác với chế độ chính trị của Châu Âu. Tổng thống không có quyền giải tán Hạ viện. Nghị viện (gồm Thượng viện và Hạ viện) không có quyền bãi chức Tổng thống trừ trường hợp phạm tội phản bội đất nước, tham nhũng hay phạm các trọng tội về hình sự (điều 2, khoản 4, Hiến pháp Mỹ, năm 1787). Chính phủ đứng đầu là Tổng thống và Phó Tổng thống không chịu trách nhiệm trước Nghị viện vì nước Mỹ theo nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để. Nếu không có các biện pháp đối trọng gây sức ép như trong chế độ nghị viện, Hiến pháp Mỹ ghi nhận một số ảnh hưởng giữa các cơ quan hành pháp và lập pháp. Tổng thống có quyền phủ quyết các dự luật, trong khi Nghị viện có thể từ chối không thông qua luật ngân sách và phủ quyết các hiệp ước quốc tế mà Tổng thống mong muốn kí kết.
    Trong chế độ nghị viện, chính phủ được đảng phái chiếm đa số tại Nghị viện bầu ra và ủng hộ các chính sách của cơ quan này. Các phương tiện gây sức ép giữa cơ quan hành pháp và lập pháp luôn tồn tại và phải ở vị thế cân bằng, nếu không chế độ sẽ mất ổn định. Nghị viện (thường là Quốc hội hay Hạ viện) có quyền lật đổ chính phủ, một chính phủ mới sẽ được thành lập để đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi từ phía cơ quan lập pháp. Tổng thống hay vua có thể giải tán Quốc hội, để nhân dân bầu lại một Quốc hội mới có đa số ủng hộ chính phủ. Quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm và quyền giải tán Nghị viện là hai thứ vũ khí lợi hại, tạo sức ép lớn lên hai cơ quan hành pháp và lập pháp, buộc hai cơ quan này phải làm tốt nhiệm vụ của mình, nếu không sẽ bị thay thế. Anh, Đức, Tây Ban Nha và các nước Bắc Âu là những nền dân chủ tiêu biểu theo chế độ nghị viện.
    Chế độ hỗn hợp là thể chế chính trị có đặc điểm của chế độ tổng thống và chế độ nghị viện. Các phương tiện gây sức ép giữa Quốc hội và chính phủ chỉ tồn tại trên hình thức. Cơ quan hành pháp được đa số tại Nghị viện ủng hộ. Tổng thống được nhân dân bầu trực tiếp và có vị thế ngang bằng với Quốc hội, điều này khác biệt với chế độ nghị viện truyền thống. Ví dụ tiêu biểu về thế chế chính trị đặc biệt này là mô hình chính trị của nước Pháp (về mô hình thể chế chính trị ở Pháp, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, một số nhà luật học cho rằng, nước Pháp đang theo mô hình chế độ tổng thống, các nhà chính trị theo quan điểm của Maurice Duverger, xếp mô hình chính trị của Pháp theo chế độ nửa tổng thống nửa nghị viện, hay còn gọi là chế độ hỗn hợp, trong bài viết này, chúng tôi tạm xếp nước Pháp theo chế độ hỗn hợp, giống với quan điểm của Maurice Duverger, tuy nhiên cũng còn nhiều điểm phải bàn lại về cách gọi này).
    Thể chế chính trị phương Tây, theo nhà luật học Jean-Louis Quermonne, có 5 đặc điểm cơ bản:
    -Chế độ bầu cử tự do, các đảng phái được phép thành lập trên tinh thần tôn trọng luật pháp và bảo vệ các giá trị dân chủ, các đảng phải lựa chọn ứng cử viên ra tranh cử. Các chiến dịch vận động tranh cử và chương trình hành động của các đảng được các phương tiện thông tin đăng tải, người dân có điều kiện tìm hiểu và xem xét lựa chọn ứng viên phù hợp với mình.
    -Tồn tại đa số nghị sĩ của một đảng hoặc một liên minh giữa các đảng cùng chia sẻ quan điểm chính trị, với mục đích ủng hộ các chính sách của chính phủ.
    -Phe đối lập có quyền phê bình và quyền tranh cử, nếu nhân dân lựa chọn, phe đối lập sẽ có quyền lãnh đạo.
    -Chủ nghĩa hiến pháp được thực thi, các đảng phái buộc phải có thỏa hiệp và đi đến đồng thuận về một số vấn đề quan trọng, các đạo luật được tòa án hiến pháp giám sát chặt chẽ để bảo vệ các giá trị của Hiến pháp. Cơ quan tư pháp giữ vai trò độc lập.
    -Bảo vệ các quyền cơ quản của công dân, chú trọng nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhà nước và công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các cơ quan công quyền phải tuân theo luật pháp.
    Arendt Lijphart, nhà chính trị học người Hà Lan xếp loại thể chế chính trị phương Tây theo chế độ theo đa số và chế độ theo nguyên tắc ưng thuận. Tác giả chọn nước Anh theo nền chính trị theo đa số và Bỉ theo nền chính trị theo nguyên tắc ưng thuận. Cách xếp loại mô hình chính trị của Arendt Lijphart khá độc đáo nhưng không phải là cách xếp loại được các nhà nghiên cứu chú ý.
    Cách xác định các thể chế chính trị theo quan điểm triết học, xã hội học hiện đại được nhiều học giả uyên bác của Mỹ và Tây Âu tiến hành, phương pháp này giúp con người hiểu rõ hơn về bản chất của các thể chế chính trị dân chủ và phi dân chủ.

    III. Chế độ chính trị được xếp loại theo quan điểm xã hội học và triết học
     A. Hannah Arendt và Raymond Arond, hai đại diện tiêu biểu sau chiến tranh. 
    Raymond Aron là một trong những nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho ngành xã hội học trong thế kỷ XX, ông cũng để lại dấu ấn trong lĩnh vực khoa học chính trị. Nhà xã hội học ưu tú này là người giới thiệu các tác phẩm của Max Weber và góp phần làm sáng tỏ quan điểm của Max Weber về chính trị và xã hội. Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Raymond Aron sang Anh, tham gia kháng chiến với tướng De Gaulle. Trong tác phẩm Dân chủ và Độc tài, Démocratie et Totalitarisme, xuất bản năm 1965, ông chia ra làm hai loại thể chế chính trị, điểm khác biệt giữa hai kiểu chế độ này là việc tổ chức các đảng phái chính trị theo cách riêng:
    Chế độ đa đảng thể hiện hệ thống chính trị có nhiều đảng phái cạnh tranh, đây là biểu hiện của dân chủ. Nhà nước chấp nhận sự có mặt của nhiều đảng với điều kiện, các đảng phải tôn trọng Hiến pháp và hoạt động tuân theo các đạo luật hiện hành. Phe đối lập được tôn trọng và có quyền tự do hoạt động, có quyền tranh cử để thay thế đảng đa số cầm quyền, theo nguyên tắc luân phiên. Chế độ chính trị phương Tây hoạt động theo quy định của Hiến pháp. Cạnh tranh chính trị lành mạnh để giành được quyền lãnh đạo tạm thời, quyền này sẽ bị tước đoạt nếu đảng lãnh đạo không đủ năng lực, sẽ không được tín nhiệm. Raymond Aron cho rằng cạnh tranh cũng như căng thẳng chính trị ở thể chế chính trị phương Tây khá khắc nghiệt. Tác giả đặt câu hỏi làm thế nào để đảm bảo đồng thời lợi ích của đa số chiến thắng trong cuộc bầu cử và của thiếu số thất bại? Một số thiếu sót của mô hình chính trị dân chủ vẫn tồn tại như áp dụng không hợp lí vấn đề bầu cử hợp pháp và đúng luật (như một số vẫn không được tham gia bầu cử, hay trong quá trình bầu cử một số cử tri vẫn bị lợi dụng), việc không áp dụng nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái và giữa các nhóm nghị sĩ tại Nghị viện, tính không đại diện của các đảng phái. Đây vẫn là những khuyết điểm của chế độ dân chủ.
    Trái với chế độ đa đảng là chế độ một đảng, thể chế này có thiên hướng cách mạng. Nhà nước được trang bị một hệ tư tưởng, (trong Nhà nước dân chủ, nhiều ý kiến, tư tưởng được lắng nghe và được nghiên cứu, điều này phản ánh sự đa dạng của các nhóm người trong xã hội, nên sẽ không có hệ tư tưởng chung, vì tư tưởng của nhóm này lại không phản án quan điểm và suy nghĩ của nhóm khác). Hệ tư tưởng trở thành nền tảng và động lực của đảng cầm quyền trong chế độ một đảng. Đối lập chính trị không được phép hoạt động. Nguyên tắc bình đẳng, hợp pháp về cạnh tranh chính trị không được tôn trọng. Raymond Aron lập một bảng đánh giá về mức độ của chế độ độc tài: Bản chất về học thuyết của đảng cầm quyền, sức mạnh và khả năng thuyết phục thông qua các chủ trương và chính sách, phương tiện được sử dụng để đạt đến mục đích cuối cùng, lí tưởng kiến thiết xã hội, mức độ bao quát của hệ tư tưởng đối với xã hội, mức độ thống nhất giữa ranh giới Nhà nước và xã hội.
    Hannah Arendt (1906-1975), nhà triết học người Đức gốc Do Thái, chứng kiến sự lớn mạnh của chế độ Đức quốc xã, bà chạy chốn sang Pháp sau đó sang định cư tại Mỹ. Hannah Arendt xây dựng lí thuyết về chế độ độc tài theo quan sát của một nhà triết học. Bà nhận xét chế độ độc tài luôn gắn với nỗi sợ hãi, trong chế độ này không còn khái niệm nhân đạo, xã hội con người bị thế chỗ bởi đám đông quần chúng, không có tình cảm, không có kí ức và không có ý thức phân tích đúng sai.
    Trong tác phẩm Nguồn gốc của chế độ độc tài, Les origines du totalitarisme, 1951, Hannah Arendt phê phán mối liên hệ chính trị giữa nhà lãnh đạo và công dân, bà cho rằng cần phải xem xét lại chính sách dựa trên tự do và tranh luận, cần phải bàn về “không gian riêng tư” và “không gian công cộng” giữa sức sản xuất của nền kinh tế và điều hành chính trị, cần tách biệt với sự quản lí đơn giản. Vượt xa hơn cả một chế độ chính trị thông thường, chế độ độc tài là một hệ thống, là tổng thể các yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau: Đồng thời là một tổ chức xã hội có một quan niệm về vai trò của Nhà nước, có quan điểm về nhìn nhận thế giới. Toàn bộ các mục tiêu của thể chế này cần được áp dụng và kiểm nghiệm qua thực tế, chế độ độc tài được kết hợp với những yếu tố thần thoại và các yếu tố siêu hình. Hannah Arendt nhận định chế độ độc tài hướng đến sự thống trị toàn bộ, thống trị con người về sức lực, tư tưởng và hướng đến nhiệm vụ chinh phục thế giới. Chế độ độc tài dẫn đến chiến tranh hoặc hướng đến một cuộc cách mạng được chuẩn bị theo một chương trình quy mô trên phạm vi toàn thế giới.
    Chế độ độc tài khinh bỉ các đạo luật được ban hành, nhưng luôn tự coi mình hợp pháp hơn cả luật pháp. Tư tưởng của Hitler hướng đến việc thực hiện các đạo luật tự nhiên (cạnh tranh sinh tồn, kẻ mạnh chiến thắng kẻ yếu), tư tưởng của Staline nhằm thực hiện quy luật của lịch sử theo chủ nghĩa Marx. Hannah Arendt sử dụng phương pháp phân tích của Max Weber để xây dựng lí thuyết. Bà quan sát thể chế chính trị thời Đức quốc xã và Liên bang Xô viết dưới thời Staline. Một số tác giả phê phán cách xếp loại thể chế chính trị theo quan điểm triết học này, vì nó không đủ độ sâu và thiếu bằng chứng thuyết phục.
    Bên cạch hai tác giả lớn, cần phải kể đến Claude Lefort (1924-2010), ông là nhà triết học chịu ảnh hưởng tư tưởng của Karl Marx, ông phân tích thể chế chính trị theo cách thức tổ chức các cơ quan trong xã hội. Claude Lefort dựa theo quan sát của Ernst Kantorowicz về hai hệ thống trong Nhà nước quân chủ, hệ thống của nhà vua và hệ thống của nhân dân. Trong hệ thống của nhân dân thường có các yếu tố xung đột, tạo sự chia rẽ, thể chế độc tài chấp nhận điều đó và quản lí xã hội bằng các biện pháp mạnh. Nhưng chế độ độc tài sẽ không thành công để loại bỏ tính đối lập vốn có, vì trong quá trình vận động và phát triển của thể chế, sẽ luôn xuất hiện sự xung khắc và tồn tại các quan điểm đối lập. Hơn nữa, để tổ chức xã hội hoàn thiện, chế độ độc tài buộc phải kiến thiết và tổ chức xã hội tốt hơn bằng cách học theo các nguyên tắc có sẵn trong các thể chế dân chủ, điều này càng làm cho xã hội thêm phân chia sâu sắc. Các mối xung đột luôn thường trực trong thể chế dân chủ vì thể chế này công nhận lợi ích hợp pháp của các nhóm người khác nhau, và chấp thuận sự tồn tại các quan điểm trái ngược.

    B. Xếp loại thể chế chính trị theo quan điểm của Juan José Linz
    Juan José Linz (1926-2013) là nhà chính trị học người Tây Ban Nha, ông là giáo sư đại học ở Mỹ, ông bảo vệ luận án tiến sĩ, dưới sự chỉ dẫn của  Seymour Martin Lipset. Juan José Linz gần gũi với những đại diện tiêu biểu của học thuyết chức năng của Mỹ như Paul Lazasfeld, Robert K. Merton.
    Juan José Linz xa rời phương pháp xếp loại truyền thống các thể chế chính trị dân chủ/ độc tài. Ông xây dựng lí thuyết mới và xếp loại 3 kiểu chế độ chính trị. Trong cuốn sách chế độ độc tài và chế độ độ đoán, Totalitarian and Autoritarian regime, xuất bản năm 2000, ông đưa ra nhận xét, quan điểm về thể chế độc tài và thể chế dân chủ đa đảng trước đây chưa phản ánh hết thực tế các thể chế chính trị đã và đang tồn tại trên thế giới, cần có những đánh giá năng động về các chế độ chính trị vì có mô hình ra đời, sau đó biến mất hoặc thay đổi sang một hình thức khác. Ông phủ nhận phương pháp xác định các thể chế chính trị dựa trên vai trò của các cơ quan công quyền và dựa trên mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực hay cấu trúc của các đảng phái. Điều này chỉ đem lại những quan sát mang tính hình thức về các kiểu chế độ chính trị, chứ không phản ánh đúng bản chất của chúng.
    Ông nêu ra ba loại thể chế chính trị khác nhau: chế độ độc tài, chế độ độc đoán, chế độ dân chủ đa đảng. Ông nhấn mạnh thuyết phát triển (le développementalisme) của Samuel Huntington không đủ sức thuyết phục khi giải thích điều kiện tồn tại các chế độ chính trị theo lí thuyết này. (Phát triển kinh tế đi kèm với quá trình xây dựng và củng cố nền dân chủ, kinh tế sẽ thúc đẩy dân chủ). Juan José Linz nhận xét các nước không có dân chủ vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế liên tục, kinh tế phát triển nhưng chưa chắc đã có dân chủ. Khi quan sát những chuyển đổi của các chế độ chính trị vào cuối thế kỷ XX, Juan José Linz đã xây dựng lại quan điểm của mình về các kiểu thế chế chính trị. Ông phân loại làm 5 kiểu thể chế khác nhau: Chế độ độc tài, chế độ độc đoán, chế độ dân chủ đa đảng, chế độ quân vương và chế độ hậu độc tài, (trong hình thức chính thể cuối cùng này, ông lại xếp thành 5 kiểu thể chế chính trị khác nhau). Những phân tích của tác giả được đánh giá là rất công phu và đầy đủ nhất đến thời điểm hiện tại.
    A.R., P.T.Đ.                                                         
        Tài liệu tham khảo 
    1.    Dictionnaire de la culture juridique, sous la direction de Denis Alland et Stéphane Rials, QUADRIAGE/LAMY-PUF, 2007.
    2.    Les régimes politiques occidentaux, Jean-Louis Quermonne cinquième édition, Éditions du Seuil.
    3.     Régimes totalitaires et autoritaires, Juan José Linz Paris, Armand Colin, 2006.
    Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/21005
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org