Phan Thành Đạt
(Các trí thức và các nhà
chính trị ủng hộ cải cách đã có công thiết lập chế độ dân chủ, nhưng chính nhân
dân mới là người tạo ra nền cộng hòa)
Người dân Pháp trong tuần
vừa qua đã bị sốc vì hai vụ khủng bố tại Paris, nhiều người hoang mang lo lắng
và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, họ đã có những hoạt động thiết
thực để thể hiến chính kiến của mình. Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết và quyết
tâm bảo vệ nền dân chủ lại mạnh mẽ như lúc này ở Pháp. 3,7 triệu người đã xuống
đường để ủng hộ tự do ngôn luận. Họ bày tỏ tình cảm đối với các nhà báo của
Charlie Hebdo và với các nạn nhân Do Thái. Các cuộc tuần hành diễn ra ở khắc
các thành phố ở Pháp, người dân ở nhiều nước trên thế giới cũng xuống đường ủng
hộ người dân Pháp. Nhiều người giơ cao biểu ngữ tôi là Charlie, chúng
ta cùng bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa, Tự do ngôn luận…
50 nguyên thủ quốc gia
đã có mặt tại Paris vào chủ nhật ngày 11 tháng 01 để tuần hành thể hiện quyết
tâm chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ các giá trị tự do. Không có nghi lễ
đón tiếp các nhà lãnh đạo như thường thấy tại điện Elysée, không có cảnh tượng
những đoàn xe hộ tống như trong các hội nghị quốc tế, vì chuyến viếng thăm của
họ hoàn toàn bất ngờ và không được chuẩn bị từ trước. Các nhà lãnh đạo đứng xếp
hàng để lên xe bus đi từ điện Elysée đến quảng trường cộng hòa. Thủ tướng
Israel Netanyahu đã nhỡ bus và phải đợi chuyến sau. 50 nhà lãnh đạo đợi xe bus
giống như những học sinh đợi xe để đến trường, là hình ảnh hiếm thấy. Tổng thống
François Hollande đã phát biểu: “Paris hôm nay trở thành thủ đô của thế giới“.
Tổ chức Phóng viên không biên giới và một số nhà báo độc lập đã lên tiếng chỉ
trích sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo đến từ các nước mà ở đó tự do ngôn luận
không được tôn trọng.
3,7 triệu người Pháp xuống
đường tuần hành là sự kiện hiếm thấy kể từ ngày giải phóng, thời kì chiến tranh
thế giới thứ 2. Khi đó, hàng triệu người Pháp đã xuống đường đón chào quân đồng
minh, họ mang theo rượu vang, phô mai và hoa để tặng những người lính đến giải
phóng châu Âu. Một số lính Mỹ nhận những chai rượu vang và họ uống như uống
coca cola.
Trong đoàn người diễu hành
ngày chủ nhật, có nhiều gương mặt quen thuộc trong giới chính khách Pháp,
Martine Aubry thị trưởng Lille, Eric Woerth cựu bộ trưởng ngân sách, Valérie
Pécresse cựu bộ trưởng giáo dục và nghiên cứu, cùng với tất cả các cựu thủ tướng
dưới thời François Mitterand, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy. Không phân biệt
đảng phái chính trị, không cần lời kêu gọi, họ đã xuống đường để bảo vệ tự do
ngôn luận, một giá trị cơ bản của nền cộng hòa Pháp. Cựu tổng thống Jacques
Chirac vì lí do sức khỏe đã không tham gia tuần hành nhưng ông đã phát biểu: “Nền
cộng hòa là đúng đắn nhưng không được khoan nhượng với những kẻ khủng bố làm bẩn
những giá trị của nó và kích động những người Pháp chống lại lẫn nhau“. Cựu
bộ trưởng tư pháp Robert Badinter khẳng định với báo chí “cần phải khẳng định
mạnh mẽ các giá trị của nền cộng hòa“. Chính phủ của thủ tướng Manuel Valls
đã họp với các đại diện của ngành giáo dục để bàn về giảng dạy các giá trị của
nền cộng hòa cho học sinh. Theo các chính khách Pháp, sẽ không thể chấp nhận
khi có những thiếu niên coi việc tàn sát người Do thái là chiến thắng, hay việc
một số học sinh tại Saint-Denis sur Seine đã từ chối tưởng niệm các nạn nhân
trong các vụ khủng bố ở Paris.
Các nguyên tắc của nền cộng
hòa cần được người Pháp tôn trọng (I) vì đó là một bản khế ước xã hội để đảm bảo
sự tồn tại của chế độ dân chủ. Người Pháp được hưởng các quyền lợi của nền cộng
hòa nhưng họ phải thực hiện những nghĩa vụ vì quyền và nghĩa vụ luôn đi kèm với
nhau. Trong từng giai đoạn lịch sử và từng hoàn cảnh cụ thể, nước Pháp luôn có
những thuận lợi cũng như khó khăn để bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa (II).
I. Các nguyên tắc của nền
cộng hòa Pháp
Nền cộng hòa là chế độ
chính trị quy định quyền lực không được truyền ngôi từ tay người này sang tay
người khác. Nền cộng hòa đảm bảo một số quy định chung và trở thành những giá
trị chuẩn mực, phổ quát cho các công dân. Chế độ cộng hòa trở thành mô hình chính
trị phổ biến trên thế giới. 131 quốc gia xây dựng nền cộng hòa. Nhưng không có
nghĩa cứ chọn nền cộng hòa là trở thành nước dân chủ. Nước Pháp theo chế độ cộng
hòa và là nước dân chủ. Khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái trở thành các điều
kiện cơ bản của nền cộng hòa (A). Các giá trị như thống nhất, dân chủ, thế tục
đảm bảo cơ chế vận hành của thể chế chính trị ở Pháp (B).
A. Đề cao khẩu hiệu Tự
do, Bình đẳng, Bác ái
Khẩu hiệu này đã xuất hiện
dưới thời nền cộng hòa đệ nhất năm 1792, sau cách mạng Pháp 1789. Các giá trị
tiến bộ này đã trở thành nền tảng của chế độ cộng hòa. Tuyên ngôn nhân quyền và
dân quyền năm 1789, lời tựa của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1958 đề nhằm bảo vệ
ba nguyên tắc này. Các giá trị này đã trở thành biểu tượng của nước Pháp, từ các
cơ quan công quyền như tòa thị chính, Quốc hội, Thượng viện đến các trường học
đều có khẩu hiệu này…
Tự do là có thể làm tất
cả những gì không hại đến người khác. Tự do là quyền tự nhiên của mỗi người,
quyền này cũng có giới hạn là làm sao quyền tự do của mình không làm hại đến
quyền tự do của người khác. Nghĩa là mình có tự do nhưng cũng phải bảo đảm cho
người khác có tự do. Giới hạn ấy chỉ có thể quy định bằng luật pháp (Điều 4,
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789). Condorcet cho rằng quyền tự do của
của mỗi người sẽ dừng lại khi chạm đến quyền tự do của người khác. Nghĩa là tự
do cũng cần tôn trọng những điều kiện do luật pháp đặt ra. Tự do là quyền được
làm những gì luật pháp cho phép. Tuy nhiên luật pháp phải có cơ sở nhằm đảo bảo
tốt hơn các quyền và lợi ích của công dân, luật pháp không phải là sự áp đặt ý
muốn của nhà cầm quyền nhằm duy trì quyền lực lâu dài của họ. Luật pháp phải dựa
theo ý muốn của đa số nhân dân. Đây chính là tự do đích thực trong Nhà nước có
kỉ cương. Nếu tự do không có giới hạn sẽ là tự do trong môi trường tự nhiên hay
trong một quốc gia vô chính phủ, ở đó sức mạnh bạo lực và tính hoang dã thay thế
cho luật pháp.
Các quyền cơ bản của con
người được nền cộng hòa đảm bảo như tự do đi lại, tự do tôn giáo và tín ngưỡng,
tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do bầu cử và thành lập các đảng phái chính
trị theo quy định của pháp luật. Nếu ngăn cấm các quyền này là trái với quy luật
tự nhiên hoặc Nhà nước đó không phải là thể chế dân chủ.
Bình đẳng là nguyên tắc
được đề cao và phổ biến nhất trong xã hội Pháp. Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền năm 1789, lời tựa của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp năm 1958 nhiều lần khẳng
định giá trị bình đẳng. Trước cách mạng 1789, xã hội Pháp chia ra thành ba giai
tầng khác nhau : Quý tộc, tăng lữ và tầng lớp bình dân. Sau cách mạng, các
đặc quyền của hai giai tầng là quý tộc và tăng lữ bị bãi bỏ, mọi người trong xã
hội đều có quyền và trách nhiệm như nhau vì không còn hai tầng lớp ăn trên ngồi
trốc nữa. Bình đẳng trở thành giá trị tiêu biểu nhất của nền cộng hòa. Điều này
tạo ra điểm khác biệt giữa nền dân chủ Mỹ luôn đề cao tự do và nền dân chủ Pháp
đề cao bình đẳng. Con người sinh ra luôn tự do và bình đẳng trước pháp luật (điều
1, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789), công dân đều bình đẳng về cơ hội,
mỗi người đều có quyền có vị trí và được tiếp cận với các chức vụ cũng như công
việc trong các cơ quan nhà nước. Sự phân biệt chỉ có thể dựa theo đức hạnh và
tài năng của mỗi người (điều 6, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789).
Luật pháp đảm bảo phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới trong tất cả mọi lĩnh
vực. Nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng cho trẻ em và người lớn trong các điều kiện
được hưởng chế độ giáo dục và các thành quả về văn hóa (lời tựa của Hiến pháp
năm 1946). Nhà nước đảm bảo cho mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,
không phân biệt nguồn gốc, dân tộc hay tôn giáo (điều 1, Hiến pháp năm 1958).
Bình đẳng tạo sự công bằng và cơ hội cho mọi người trong xã hội. Nếu mỗi người
cố gắng và có năng lực trong một lĩnh vực riêng biệt sẽ có may mắn thành
công nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, bình đẳng sẽ hạn chế bất công và góp phần cho
xã hội tốt đẹp hơn.
Bác ái thể hiện sự chia
sẻ và giúp đỡ của Nhà nước đối với công dân trong các vấn đề an sinh xã hội.
Nhà nước bảo đảm cho trẻ em, phụ nữ, người già được hưởng bảo hiểm xã hội, được
chăm sóc y tế khi đau ốm. Những người tàn tật được chăm sóc sức khỏe và được trợ
cấp suốt đời. Bác ái thể hiện tính nhân đạo cũng như tinh thần đoàn kết của người
dân theo nguyên tắc “Mình vì mọi người và mọi người vì mình” vì những chi phí của
Nhà nước cho an sinh xã hội đều xuất phát từ các khoản đóng thuế của công dân.
Các công dân có quyền
tham gia các tổ chức công đoàn, các hoạt động xã hội, có quyền lao động và bảo
vệ lợi ích của mình nhờ các tổ chức công đoàn tự do và các tổ chức xã hội dân sự.
Bác ái thể hiện tinh thần đoàn kết của công dân trong các hoạt động chính trị
xã hội vì hạnh phúc của mình và mọi người.
Tự do, Bình đẳng, Bác ái
trở thành ba nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa. Ba yếu tố này được bổ sung
thêm nhờ một số các quy định khác.
B. Xây dựng nền cộng hòa
thống nhất, dân chủ và thế tục
Điều 1, Hiến pháp năm
1958 ghi nhận nước Pháp là một nước cộng hòa thống nhất và không thể phân chia.
Nước Pháp theo nguyên tắc thế tục, tôn trọng các giá trị dân chủ và xã hội.
Theo nguyên tắc không thể phân chia, nước Pháp không phải là Nhà nước liên
bang, quyền lực tập trung ở các cơ quan trung ương, các vùng miền chỉ có quyền
lực giới hạn. Luật pháp được thực thi trên toàn bộ lãnh thổ Pháp tại chính quốc
và các vùng hải ngoại. Dân tộc và quốc gia là một thể thống nhất, chỉ có dân tộc
Pháp, không có các dân tộc khác, các quan điểm li khai và cực đoan đều trái với
nguyên tắc không thể phân chia do Hiến pháp quy định. Hội đồng Hiến pháp đã bác
bỏ quan điểm gọi người dân xứ Corse là dân tộc Corse, chỉ có duy nhất dân tộc
Pháp, không có dân tộc Basque hay Breton nhưng có văn hóa Basque và Breton.
Nguyên tắc này bảo vệ tốt hơn các giá trị của nền cộng hòa.
Dân chủ là Nhà nước của
dân do dân và vì dân theo định nghĩa về dân chủ của Abraham Lincoln trong bài
diễn văn Gettysburg năm 1863. Quan điểm này được khẳng định lại trong điều 2,
Hiến pháp Pháp năm 1958. Trong chế độ dân chủ, quyền lực chỉ có thể đạt được nhờ
bầu cử tự do minh bạch, kết quả bỏ phiếu chỉ có giá trị nếu được đa số nhân dân
chấp nhận. Các cơ chế đảm bảo dân chủ ở Pháp luôn được tôn trọng và được Hội đồng
Hiến pháp giám sát chặt chẽ trong mỗi dịp bầu cử. Cơ chế bầu cử tự do chỉ có được
khi mỗi cử tri có quyền chọn lựa ứng cử viên theo ý mình, các đảng phái được cử
người tranh cử, báo chí được phép tường thuật trực tiếp về quy trình bầu cử.
Ngoài ra, công dân còn có quyền bày tỏ quan điểm chính trị thông qua hình thức
trưng cầu dân ý. Tôn trọng quyền bầu cử sẽ đảm bảo chủ quyền của nhân dân. Báo
chí cùng các phương tiện thông tin khác không chịu sự độc quyền của Nhà nước sẽ
là cơ hội cho công dân được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, giúp cho
trình độ nhận thức của họ cao hơn, vì người dân không bị nhồi nhét thông tin
theo định hướng của nhà cầm quyền. Điều kiện này rất quan trọng ở các nước theo
chế độ dân chủ. Tất cả những yêu cầu khắt khe về dân chủ đều được thực hiện khá
tốt ở Pháp.
Các nguyên tắc dân chủ của
Pháp giống với các đặc điểm dân chủ trong chế độ quân chủ ở Anh, Đan Mạch, Thụy
Điển hay Tây Ban Nha. Các quốc gia này không theo chế độ cộng hòa, nhưng thể chế
chính trị lại vận hành theo phương thức dân chủ, về một mức độ nào đó, có thể
khẳng định những nước này có chế độ chính trị hoạt động tốt hơn so với chế độ cộng
hòa ở Pháp. Như vậy, nền cộng hòa không nhất thiết gắn liền với dân chủ vì thực
tế nhiều quốc gia có tên cộng hòa nhưng lại theo chế độ độc tài toàn trị, ví dụ
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa
Cuba, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa hồi giáo Iran…
Thế tục là nguyên tắc
riêng của nền cộng hòa ở Pháp, các nước khác không quy định điều này, có duy nhất
trường hợp của Thổ Nhĩ Kì học theo nguyên tắc thế tục của Pháp. Điều này công
nhận chính trị và tôn giáo luôn tách rời nhau. Nhà nước không can thiệp vào các
vấn đề tôn giáo nhưng tôn trọng tất cả các tôn giáo và tạo điều kiện cho các
tín đồ được thực hành tôn giáo của mình vì Nhà nước đảm bảo tự do tôn giáo tín
ngưỡng, không coi trọng tôn giáo này hơn tôn giáo khác. Về phía các chức sắc
tôn giáo, họ có quyền bày tỏ ý kiến của mình đến các chính sách của Nhà nước
nhưng không được phép tạo ảnh hưởng đến chính trị. Luật tách rời vị trí của tôn
giáo và chính trị đã được ban hành từ 1905 đến nay vẫn có hiệu lực. Theo nguyên
tắc thế tục, Nghị viện Pháp đã ban hành một số đạo luật cấm các biểu hiện tôn
giáo thái quá tại các cơ quan công sở và nơi công cộng. Ví dụ luật năm 2004 cấm
học sinh không được mặc trang phục hay mang theo biểu tượng có tính tôn giáo đến
trường phổ thông công lập, vì trường học là cơ sở giáo dục, không phải là nơi
thực hành tôn giáo. Luật năm 2010 cấm phụ nữ hồi giáo không được phép đeo mạng
che kín mặt ở những nơi công cộng, (la burqa và la niqad, là trang phục của một
số phụ nữ hồi giáo, khi mặc la burqa, người phụ nữ che kín toàn thân, hai con mắt
cũng bị che bằng một tấm lưới, nhưng vẫn nhìn được, còn khi mặc la niqad, người
phụ nữ cũng che kín toàn thân, chỉ để hở hai con mắt. Trước đây lực lượng hồi
giáo Taliban ban hành luật bắt buộc phụ nữ ở Afganistan phải mặc trang phục
này).
Chế độ cộng hòa góp phần
làm cho xã hội Pháp công bằng và dân chủ. Thực hiện tốt các nguyên tắc của nền
cộng hòa thể hiện sự hòa nhập của công dân vào các hoạt động xã hội, nhất là đối
với các công dân nhập cư. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, đặc biệt là với
cộng đồng hồi giáo đến từ các nước Ả Rập do các điều kiện về tôn giáo và văn
hóa khác biệt quá lớn khiến sự hòa nhập khó hơn. Dù hòa nhập nhưng nhiều cộng đồng
khác nhau vẫn luôn mong muốn giữ gìn bản sắc và ngôn ngữ riêng của mình, điều
này không dễ nhất là đối với thế hệ thứ hai và thứ ba sinh ra tại Pháp, sống xa
quê hương của ông bà cha mẹ, đối với họ, các giá trị của nền cộng hòa vừa là điều
kiện thuận lợi vừa là thách thức trong quá trình hội nhập. Giữ gìn bản sắc văn
hóa và ngôn ngữ riêng của mình luôn là khó khăn lớn nhất.
II. Những thuận lợi và
khó khăn để củng cố và bảo vệ nền cộng hòa ở Pháp
Các chính khách Pháp,
các nhà văn hóa hay các nhà luật học từ lâu đã rất chú ý đến việc giảng dạy các
giá trị của nền cộng hòa. Họ coi đó là những thành tựu lớn về dân chủ, tự do.
Những thành quả này có được sau một quá trình đấu tranh lâu dài, phải trả giá bằng
máu và nước mắt. Họ trân trọng các biểu tượng của nền cộng hòa (A) và mong muốn
duy trì lâu bền các giá trị đó (B).
A. Các biểu tượng của nền
cộng hòa
Từ hơn 2000 năm nay, nước
Pháp luôn là quốc gia của những người nhập cư, các nhóm người Germain, Celte,
Romain, Viking, Tsigane, Do Thái… đã đến xứ Gaule sinh sống. Người Gaulois đã học
được nhiều điều từ họ. Trong suốt thời kì Trung cổ, châu Âu là một quốc gia bao
gồm nhiều tỉnh dưới quyền kiểm soát của giáo hội La Mã. Châu Âu gần như không
có biên giới, các nhóm người di chuyển khắp nơi để sinh sống. Trong thế kỉ XX,
nước Pháp đã đón nhận nhiều cộng đồng người đến đây lập nghiệp. Để tất cả các cộng
đồng này thống nhất, đoàn kết nhằm tạo nên sức mạnh cho nước Pháp, cần có những
biểu tượng chung để kết nối họ với nhau, các biểu tượng của nền cộng hòa trở
thành phương tiện cần thiết để người dân Pháp gắn bó với nhau, đó chính là bản
khế ước xã hội nhằm duy trì một nước Pháp ổn định và phát triển. Nhà nước tạo mọi
điều kiện để con người phát huy tài năng, tham gia đóng góp nhiều hơn cho xã hội,
đổi lại, mỗi công dân cần biết tôn trọng các nguyên tắc của nền cộng hòa thông
các các biểu tượng:
Các biểu tượng của nền cộng
hòa Pháp
Lá cờ ba màu và quốc ca
Pháp: Lá cờ ba màu trắng xanh đỏ xuất hiện lần đầu tiên sau cách mạng Pháp
1789. Màu trắng tượng trưng cho chế độ quân chủ, màu xanh và đỏ là màu trên tấm
gia huy, biểu tượng của Paris. Năm 1792, những người đại diện chính quyền Paris
đã trao phù hiệu cờ ba màu cho nhà vua. Ông đã chấp nhận và cài lên mũ. Trước
cách mạng 1789, nước Pháp chỉ có lá cờ trắng có hình những bông huệ vàng biểu
tượng cho chế độ quân chủ.
Quốc ca Pháp do Rouget
de Lisle, một sĩ quan trong quân đội sông Rhin sáng tác ở Strasbourg. Năm 1792
khi Pháp tuyên chiến với Áo, những người lính ở Marseille đã lên đường đến giải
cứu Paris. Họ hát bài của Rouget de Lisle để cổ động tinh thần chiến đấu cho
nhau, từ đó bài hát có tên hành khúc của người Marseille, la
Marseillaise. Năm 1795, bài hát chính thức trở thành quốc ca Pháp. Dưới thời
đế chế thứ nhất 1804-1815, bài hát Tiếng ca lên đường, le chant du
départ trở thành quốc ca của đế chế Napoléon. Từ thời nền cộng hòa thứ
3, năm 1870, bài hát la Marseillaise lại được chọn là quốc ca cho đến hôm nay.
Dưới thời thống chế Pétain (1940-1944), nước Pháp hợp tác với Đức quốc xã, bài
hát phổ biến khi đó là bài Maréchal, nous voilà (Thưa thống chế, có
chúng tôi), thay thế cho la Marseillaise. Từ lâu, quốc ca Pháp
và lá cờ ba màu đã trở thành hai biểu tượng quan trọng của nền cộng hòa.
Tượng Marianne
(Marie-Anne), là bức tượng người phụ nữ đầu đội mũ đỏ có từ năm 1792. Ở mỗi tòa
thị chính đều có tượng bán thân Marianne, có nơi, Marianne đội trên đầu cành
nguyệt quế. Marianne là người phụ nữ đại diện cho tầng lớp bình dân sau cách mạng
1789. Vào thời kì đó, nhiều phụ nữ có tên là Marianne, có người đã nhận mình là
hình tượng Marianne. Marianne cũng là biểu tượng của tính phồn thực. Có người
cho rằng Marianne chính là chân dung của một người phụ nữ Paris làm nghề thợ giặt…
Sau năm 1945, chân dung Marianne được lấy hình mẫu từ các diễn viên điện ảnh nổi
tiếng như Brigitte Bardot, Catherine Deneuve hay Sophie Marceau…
Hình tượng con gà trống
cũng trở thành biểu tượng của nước Pháp, vì những đồng tiền cổ thời xưa có in
hình con gà trống. Gallus trong tiếng latinh có nghĩa là gà trống và Gaulois.
Ngày phá ngục Bastille 14 tháng 07 cũng trở thành ngày biểu trưng cho tự do và
là ngày có nhiều ý nghĩa đối với người Pháp. Các giá trị cũng như những biểu tượng
của nền cộng hòa được nhiều người nhắc đến mỗi khi nước Pháp phải trải qua thời
kì khó khăn, đặc biệt là giai đoạn hiện nay do khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã
hội, nhất là hai vụ khủng bố mới đây. Bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa, cũng
chính là bảo vệ các quyền cơ bản của con người như tự do bầu cử, ứng cử, tự do
hội họp và thành lập các đảng phái chính trị… Trong các giá trị cơ bản của nền
cộng hòa, tự do ngôn luận được nhắc đến nhiều nhất vì đây là quyền quan trọng bậc
nhất trong chế độ dân chủ, ở đó con người được nói ra những gì mình nghĩ vì tự
do ngôn luận là tối thượng, hay chẳng là gì cả (Luc
Ferry).
Bảo vệ các quyền tự do gắn
với việc duy trì lâu dài nền cộng hòa, tuy nhiên điều này không hề đơn giản.
B. Những trở ngại để thiết
lập và duy trì lâu dài nền cộng hòa
Các nền dân chủ lớn trên
thế giới như Anh và Mỹ được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận hay chuyển giao quyền
lực theo cách ôn hòa. Chế độ quân chủ chuyên chế ở Anh đã chuyển thành chế độ
nghị viện theo cách này. Hoàng gia Anh chỉ giữ lại các quyền lực mang tính tượng
trưng. Chế độ tổng thống ở Mỹ lại tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Hiến
pháp 1787. Các xung đột quyền lực được giải quyết theo tinh thần của Hiến pháp.
Bối cảnh chính trị ở Pháp khác biệt với Anh và Mỹ, kể từ các mạng 1789, nền
chính trị Pháp luôn có các biến cố. Pháp đã trải qua 5 nền cộng hòa: Nền cộng
hòa thứ nhất (1792-1804) diễn ra trong bạo lực, không khí khủng bố và sợ hãi
bao trùm khắp nơi, nhiều người tài năng đã bị đưa lên máy chém. Một trong những
người sáng lập nền cộng hòa đầu tiên cho nước Pháp là Saint-Just đã tuyên bố: “Không
thể đem tự do cho những tên là kẻ thủ của tự do“. Nền cộng hòa đầu tiên kết
thúc khi Napoléon Bonaparte trở thành hoàng đế và thiết lập đế chế năm 1804. Nền
cộng hòa thứ 2 tồn tại từ 1848 đến 1852, chấm dứt bằng một cú đảo chính của
Napoléon III. Nền cộng hòa thứ ba được xây dụng từ năm 1875 đến 1940 sau chiến
thắng khó khăn của những người cộng hòa trước phe bảo hoàng và phe theo quan điểm
chính trị của Napoléon. Nghị viện lấn át quyền lực của cơ quan hành pháp, cứ 10
tháng, Nghị viện lại bỏ phiếu bất tín nhiệm để loại bỏ chính phủ mới. Nền cộng
hòa thứ 3 kết thúc khi các nghị sĩ trao quyền lãnh đạo tuyệt đối cho thống chế
Pétain bằng luật hiến pháp năm 1940. Nền cộng hòa thứ 4 kéo dài từ 1945 đến
1958, do mất cân bằng quyền lực, chính phủ thường xuyên bị giải tán dưới sức ép
của Nghị viện. Nước Pháp, trong giai đoạn này, có nhiều bất ổn chính trị. Nền cộng
hòa thứ 5 được xây dựng từ 1958 đến nay có phần ổn định hơn, quyền lực của các
cơ quan được bố trí hợp lí theo Hiến pháp 1958, tuy nhiên có ý kiến cho rằng cần
thiết lập nền cộng hòa thứ 6 để đổi mới chính trị đem lại sức mạnh mới cho nước
Pháp.
Các đặc điểm cơ bản của
chế độ cộng hòa ở Pháp chỉ có thể được duy trì trong một cơ chế chính trị ổn định.
Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện kinh tế xã hội. Hiện nay nước
Pháp đang trải qua giai đoạn rất khó khăn. Nếu thời kì này tiếp tục kéo dài,
trong khi các nhà lãnh đạo không có những giải pháp thích hợp, những tác động về
kinh tế xã hội sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chính trị, vì vậy, không có gì đảm bảo
là những biến động chính trị sẽ không thể xảy ra trong tương lai. Ví dụ như đảng
mặt trận dân tộc của Marine Le Pen có thể cầm quyền trong thời gian tới, khi đó
các giá trị của nền cộng hòa sẽ buộc phải xem xét lại đối với mỗi cộng đồng người
trong xã hội Pháp.
Một thách thức khác là
quá trình hội nhập của một số người trong xã hội Pháp về cơ bản không đạt được
do những khác biệt quá lớn về văn hóa và tôn giáo cộng thêm rào cản về ngôn ngữ.
Hơn nữa, nền cộng hòa vẫn chưa đảm bảo tốt nguyên tắc bình đẳng giữa các nhóm
người khác nhau trong xã hội. Tự do, Bình đẳng, Bác ái là những giá trị rất
hay, nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Paris,
ngày 16 tháng 01 năm 2015
P.T.Đ.
Nguồn:
http://www.boxitvn.net/bai/32288