Chế độ nghị viện, chế độ tổng thống, lựa chọn nào thích hợp cho Việt Nam?

Posted on
  • Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Phan Thành Đạt
    Chế độ nghị viện, chế độ tổng thống, lựa chọn nào thích hợp cho Việt Nam?
            Tam quyền phân lập là điều kiện đầu tiên của một Nhà nước tự do
                          (Điều 19 Hiến pháp Pháp, ngày 04 tháng 11 năm 1848)

    Trên thế giới hiện nay có ba thể chế chính trị phổ biến, chế độ nghị viện ở Châu Âu, chế độ tổng thống ở Châu Mỹ và chế độ độc đoán ở các nước thiếu dân chủ. Chế độ nghị viện và chế độ tổng thống được xây dựng dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, đa đảng, có nền tư pháp độc lập và tôn trọng quyền con người. Chế độ độc đoán hay độc tài hoạt động theo nguyên tắc quyền lực tập trung trong tay một người duy nhất hay một nhóm người. Chế độ chính trị thiếu dân chủ không chấp nhận tam quyền phân lập, các quyền cơ bản của con người có thể bị vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu nhà lãnh đạo nhận thấy các quyền đó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự do mình thiết lập ra, hoặc có hại đến sự sống còn của hệ thống chính trị. Các nước theo học thuyết Mác-Lênin và các nước chọn đạo Hồi là giáo lí chính thống đều phủ nhận thể chế chính trị phương Tây.
    Thể chế chính trị phương Tây được phổ biện rộng rãi ở nhiều nước vì đảm bảo được các quyền cơ bản của con người và là động lực phát triển kinh tế xã hội. Dân chủ đã trở thành khát vọng của các dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thể chế chính trị phương Tây được nhiều nước ở Châu Phi, Châu Mỹ la tinh…áp dụng.
    Chế độ nghị viện là hệ thống chính trị thuần túy của Tây Âu, nguyên tắc tam quyền phân lập tương đối được thể hiện bằng hai phương tiện chính trị hiệu quả: quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm và quyền giải tán Quốc hội. Chế độ nghị viện được chia thành hai kiểu, chế độ nghị viện chịu trách nhiệm đơn (moniste) và chế độ nghị viện chịu trách nhiệm kép (dualiste). Trong chế độ nghị viện có trách nhiệm đơn, Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Nghị viện, trong chế độ nghị viện trách nhiệm kép, Chính phủ chịu trách nhiệm đồng thời trước Nghị viện và Tổng thống.
    Trong chế độ tổng thống (tiêu biểu là mô hình chính trị của nước Mỹ), hai phương tiện gây áp lực chính trị là bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội không tồn tại. Vì thế, chế độ tổng thống ở Mỹ được xếp loại là thể chế chính trị theo nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để. Chế độ chính trị Mỹ được Hiến pháp 1787 quy định cụ thể. Các nhà lập hiến Mỹ tham khảo mô hình chính trị ở Anh, họ theo quan điểm của Montesquieu về tổ chức quyền lực để đảm bảo tính độc lập tương đối giữa các cơ quan (chương 7, Hiến pháp Anh, Tinh thần luật, 1748).
    Chế độ nghị viện phổ biến tại nhiều nước Châu Âu. Đặc điểm chung của mô hình này như sau: Tổng thống được Hiến pháp trao cho các quyền mang tính tượng trưng, trong khi đó, Thủ tướng nắm giữ quyền hành pháp thực sự. Thủ tướng là lãnh tụ của các đảng phái chiếm đa số ghế tại Nghị viện và nhận được sự ủng hộ của Nghị viện, để thực thi các chính sách của Chính phủ. Chế độ nghị viện đảm bảo khá tốt các nguyên tắc dân chủ, tuy nhiên chế độ này cũng bộc lộ một số nhược điểm. Để hình thành được một tập hợp đa số tại Nghị viện, các đảng phái buộc phải liên minh, khi đó nhiều bất đồng về quan điểm chính trị dễ xảy ra, liên minh trở nên mong manh và có thể tan vỡ. Điều này dễ nhận thấy ở các nước dân chủ mới tại Đông Âu. Ở các nước như Anh, Pháp, Đức hạn chế này đã khắc phục được.
    So với chế độ nghị viện, chế độ tổng thống đảm bảo ổn định chính trị tốt hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới theo chế độ tổng thống đúng nghĩa. Các nước Châu Phi và Nam Mỹ theo mô hình tổng thống, nhưng thể chế này bị áp dụng sai lệch và chuyển hóa thành chế độ độc đoán, ví dụ Vénézuéla với Hugo Chavez, Bolivia với Evo Morales, Zimbabwe với Robert Mugabe…
    Liệu các thể chế dân chủ tiêu biểu này có thể trở thành mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai? Việt Nam là đất nước có nền văn hiến lâu đời.  Các di sản văn hóa cùng với truyền thống tốt đẹp được tổ tiên gìn giữ trong mấy nghìn năm lịch sử sẽ là điểm tựa để tiếp thu và chọn lọc những tiến bộ của thế giới. Liệu các giá trị dân chủ phương Tây có thể kết hợp được với những giá trị dân chủ truyền thống của Việt Nam được lưu giữ ở các làng quê Việt Nam qua nhiều thế hệ? Chính tâm hồn và trí tuệ Việt Nam phản ánh các giá trị dân chủ của người Việt Nam. Áp dụng thể chế chính trị của phương Tây sẽ góp phần làm tỏa sáng hơn nền văn hóa Việt Nam, sẽ tạo đà cho Việt Nam phát triển hay sẽ khiến Việt Nam rơi vào hỗn loạn như cảnh báo của một số bài viết trên các trang báo của Nhà nước?
    Để trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta sẽ phân tích những điểm khác biệt giữa thể chế nghị viện và thể chế tổng thống (I) đồng thời tìm ra những điểm chung của hai chế độ này (II). Dựa trên những phân tích đó, chúng ta sẽ có một quyết định đúng đắn để chọn lựa một thể chế chính trị thích hợp cho đất nước (III), nhằm đảm bảo tự do, hạnh phúc, thực sự cho các thế hệ mai sau.

    I. Đặc điểm khác biệt giữa chế độ nghị viện và chế độ tổng thống
    Chế độ nghị viện hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập tương đối (A), trong thể chế này, các cơ quan quyền lực luôn cộng tác với nhau. Chế độ tổng thống vận hành theo nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để (B). Tuy nhiên, các cơ quan vẫn liên hệ với nhau trong những giới hạn nhất định để đảm bảo cân bằng quyền lực.

    A. Tam quyền phân lập tương đối, đặc điểm cơ bản của chế độ nghị viện
    Tam quyền phân lập trong chế độ tổng thống hay chế độ nghị viện luôn gắn liền với cân bằng quyền lực, có sự hợp tác hài hòa giữa các cơ quan quyền lực. Mỗi cơ quan có thẩm quyền riêng, cơ quan hành pháp không thể lấn quyền của cơ quan lập pháp và ngược lại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có mối liên hệ nào giữa các cơ quan, bởi vì các chức năng quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư pháp sẽ không thực hiện được, nếu thiếu sụ hợp tác hiệu quả trong một giới hạn nhất định.
    Khi một cơ quan lạm quyền bằng cách lấn át thẩm quyền của cơ quan khác, điều này sẽ gây ra bất ổn chính trị và đe dọa nền dân chủ. Chế độ chính trị có thể bị sụp đổ, nhà lãnh đạo chỉ có thể duy trì quyền lực dựa trên sự dối trá và sợ hãi. Cần có các phương tiện hữu hiệu để cân bằng quyền lực, “Để con người không thể lạm dụng quyền lực, bằng các biện pháp sẵn có, quyền lực cần ngăn chặn quyền lực” (Montesquieu), vũ khí để ngăn ngừa việc lợi dụng và thao túng quyền lực luôn tồn tại trong chế độ nghị viện.
    Hai phương tiện gây sức ép hiệu quả trong chế độ nghị viện là bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội. Hai vũ khí này cần được sử dụng trong hoàn cảnh thực sự cần thiết, và luôn cùng tồn tại để phủ định lẫn nhau. Nếu thiếu một trong hai phương tiện này, sẽ dẫn đến bất ổn chính trị. Nếu quyền giải tán Quốc hội không tồn tại, chế độ nghị viện sẽ có quyền lực tuyệt đối, ví dụ nền cộng hòa đệ tam và đệ tứ ở Pháp từ 1875 đến 1940. Nghị viện trong giai đoạn này có thể thông qua tất cả các đạo luật mà không vấp phải bất kì sự phản đối nào, Nghị viện có thể lật đổ Chính phủ vào mọi thời điểm. Nếu quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm không có tính thực tế, cơ quan hành pháp sẽ có nhiều quyền quan trọng, và chế độ chính trị có nguy cơ chuyển thành chế độ tổng thống có quyền lực tuyệt đối. Ví dụ hoàn cảnh chính trị ở hầu hết các nước Châu Phi, sau khi giành độc lập vào những năm 60, thế kỉ XX. Những nước này có Hiến pháp dân chủ, thiết lập chế độ nghị viện theo mô hình của Anh và Pháp, nhưng do các điều kiện kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được với mô hình dân chủ, thể chế chính trị ở các nước này chuyển hóa thành chế độ độc tài, quyền lực nằm trong tay Tổng thống mà không hề có cơ chế giám sát và ngăn ngừa lạm quyền.
    Trong thể chế nghị viện, các thành viên Chính phủ và các nghị sĩ có sáng kiến đưa ra các dự luật. Nghị viện sẽ thảo luận các dự luật, đồng thời sửa đổi và bổ sung thêm các văn bản đó (ở các nước Bắc Âu, Nghị viện chỉ gồm một viện duy nhất, Nghị viện gồm hai viện ở các nước liên bang và các nước lớn). Tại Pháp 90 % các đạo luật được ban ra theo sáng kiến của Chính phủ. Cơ quan hành pháp và lập pháp hợp tác chặt chẽ trong quá trình làm luật. Tuy nhiên quyết định cuối cùng để đạo luật được thông qua vẫn thuộc về Nghị viện.
    Chính phủ trong trường hợp khẩn cấp, có thể yêu cầu Nghị viện đồng ý cho phép một nghị định có giá trị ngang với một đạo luật được phép lưu hành trong một thời gian ngắn (điều 38, Hiến pháp Pháp năm 1958), nghị định khi đó có giá trị như một đạo luật tạm thời, với sự chấp thuận của Nghị viện. Nghị định sẽ hết giá trị, ngay khi một đạo luật có cùng nội dung được thông qua. Giải pháp này sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhanh hơn các chính sách của mình, vì nếu chờ đợi một đạo luật, để cho phép Chính phủ thực hiện các chính sách, sẽ mất rất nhiều thời gian. Mối liên hệ giữa cơ quan hành pháp và lập pháp đảm bảo cho các thể chế vận hành hiệu quả hơn.
    Hợp tác giữa các cơ quan công quyền còn được thể hiện qua thủ tục xét xử Tổng thống và các thành viên Chính phủ: Nghị viện chuyển thành Tòa án tối cao đặc biệt để luận tội Tổng thống. Nếu các bộ trưởng thiếu trách nhiệm vi phạm luật pháp, các nghị sĩ và thẩm phán của Tòa án tối cao sẽ tiến hành xét xử (các điều 68, 68-1, 68-2, Hiến pháp Pháp năm 1958). Nghị viện trong tình huống đặc biệt này kiêm thêm vai trò tư pháp, nhằm xét xử các viên chức cao cấp trong bộ máy nhà nước. Thủ tục xét xử các nhà lãnh đạo (l’impeachment) cũng được thiết lập trong chế độ tổng thống (Điều 1, khoản 6, Hiến pháp Mỹ năm 1787).
    Tam quyền phân lập tuyệt đối sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc, khiến các cơ quan nhà nước không vận hành được. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sụp đổ cả hệ thống chính trị. Ví dụ, Hiến pháp Pháp năm 1791 thiết lập nguyên tắc tam quyền phân lập tuyệt đối, Quốc hội và cơ quan hành pháp đứng đầu là vua Louis XVI đều phủ định vai trò của nhau, xung đột chính trị đã diễn ra vì bất đồng quan điểm giữa nhà vua và các đại biểu của nhân dân.
    Tam quyền phân lập triệt để trong mô hình chính trị của nước Mỹ có nhiều ưu điểm. Nếu không có các phương tiện gây sức ép chính trị, chế độ tổng thống có các giải pháp khác, để các cơ quan quyền lực gây ảnh hưởng lẫn nhau.

    B. Tam quyền phân lập triệt để, đặc điểm cơ bản của chế độ tổng thống
     Nguyên tắc tam quyền phân lập là đặc điểm nổi bật trong thể chế dân chủ, tuy nhiên, nguyên tắc này thực sự luôn được tôn trọng trong thực tế, hay chỉ tồn tại trên lí thuyết khi mà quyền lập pháp vẫn luôn lấn át quyền hành pháp và ngược lại? Montesquieu, nhà tư tưởng thời kì Ánh sáng, luôn lo lắng về thói đam mê quyền lực của con người và xu hướng lạm quyền của các nhà lãnh đạo. Ông cho rằng cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo cân bằng quyền lực (le checks and balances), nếu không, các quyền tự do của con người sẽ bị chà đạp. Luật pháp phải xuất phát từ bản chất của sự vật, luật pháp cần tạo ra những giới hạn mà con người không thể vi phạm. Montesquieu quan sát thể chế chính trị ở Anh, dựa theo đó, ông xây dựng nguyên tắc tam quyền phân lập. Thể chế chính trị nước Anh hướng đến sự ổn định, Vua và Nghị viện hợp tác với nhau trong công tác lập pháp.
    Tam quyền phân lập triệt để trong thể chế tổng thống vẫn gây nhiều tranh cãi. Dù Nghị viện không thể lật đổ Chính phủ và Tổng thống không có quyền giải tán một trong hai viện (đây là đặc điểm khác biệt nhất giữa thể chế ở Châu Âu và Mỹ), nhưng vẫn có các thiết chế gây sức ép giữa cơ quan hành pháp và lập pháp.
    Tổng thống có quyền phủ quyết các dự thảo luật ở Thượng viện và Hạ viện. Nhưng Tổng thống không có quyền đưa ra sáng kiến để xây dựng các dự luật. Nhiệm vụ này thuộc về Nghị viện, tuy nhiên, Tổng thống vẫn có thể tác động đến quá trình hình thành các dự luật, bằng cách đề nghị các nghị sĩ thuộc đảng mình đưa ra các ý tưởng để xây dựng các đạo luật phù hợp với các chính sách đang thực thi.
    Tổng thống là người trực tiếp ban hành các chỉ thị và nghị định quan trọng. Mỗi năm, Tổng thống ban hành khoảng 50.000 nghị định và chỉ thị ở Mỹ. Tổng thống có quyền bổ nhiệm các viên chức cao cấp trong bộ máy hành chính; bổ nhiệm các quốc vụ khanh, các đại sứ, thẩm phán ở Tòa án tối cao… Tổng thống có thể đem quân ra nước ngoài trong một thời hạn nhất định trước khi có ý kiến của Thượng viện và Hạ viện. Sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Nghị viện thông qua một đạo luật cho phép Tổng thống áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hoạt động khủng bố, kể các việc áp dụng các biện pháp có thể vi phạm đến quyền công dân, nếu điều đó là cần thiết. Dù Tổng thống được luật pháp ban cho nhiều quyền, nhưng khi có bất đồng chính trị giữa người đứng đầu cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp, Nghị viện vẫn lấn át Tổng thống. Các chính sách của Tổng thống dễ rơi vào bế tắc và không thực hiện được, vì một số nghị sĩ có quan điểm đối lập, đặc biệt là các nghị sĩ bảo thủ tại Thượng viện.
    Tổng thống Wilson là người đưa ra ý tưởng thành lập Hội Quốc Liên, tổ chức quốc tế tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Thượng viện không chấp nhận kế hoạch này, vì các thượng nghị sĩ vẫn trung thành với chính sách biệt lập có từ thời Tổng thống Washington và Monroe. Kết quả là, nước Mỹ đưa ra ý định xây dựng một tổ chức quốc tế vì hòa bình, sau đó lại quyết định rút lui vì một thiểu số theo quan điểm bảo thủ ở Thượng viện. Năm 2000, Thượng viện Mỹ không chấp nhận việc phê chuẩn hiệp ước quốc tế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, kết quả là Tổng thống Georges W Bush đã từ chối ký hiệp ước này. Tổng thống Barack Obama mong muốn siết chặt quyền sử dụng súng, được điều sửa đổi thứ hai trong Hiến pháp Mỹ công nhận, nhưng dự luật bị cả Thượng viện và Hạ viện bác bỏ. Bằng các chính sách phong tỏa tại Nghị viện, Tổng thống Mỹ trở thành con lừa vô dụng. Cân bằng quyền lực nhằm ngăn chặn lạm quyền, lại dẫn đến bế tắc trong những hoàn cảnh đặc biệt.
    Thượng viện có quyền phản đối việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp, nếu Thượng viện không chấp thuận, Tổng thống buộc phải nhượng bộ vì không muốn có xung đột bất lợi với cơ quan này. Thông thường, Thượng viện nhân nhượng và phê chuẩn lựa chọn của Tổng thống. Nghị viện có quyền kết tội Tổng thống và các nhân vật cao cấp trong bộ máy hành chính theo thủ tục impeachment. Khi Tổng thống và các viên chức cao cấp phản bội tổ quốc, tham nhũng, hay lạm dụng quyền lực… Hạ viện sẽ tiến hành điều tra, Thượng viện sẽ trở thành Tòa án đặc biệt để kết tội Tổng thống và các quan chức cao cấp. Tổng thống Nixon vì nghe trộm tin tức, trong vụ Wategate năm 1973, bị báo chí phát hiện, Hạ viện tiến hành điều tra và Thượng viện chuẩn bị luận tội Tổng thống. Nhưng vụ việc bị gián đoạn giữa chừng, vì Nixon từ chức trước khi bị kết tội. Tổng thống Bill Clinton cũng bị xét xử trong vụ Monica Lewinski, nhưng ông được Thượng viện xử trắng án, vì vụ việc không đủ nghiêm trọng!
    Nghị viện có quyền thông qua ngân sách. Điều này rất quan trọng, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách của Tổng thống. Không có sự đồng ý của Nghị viện về các khoản chi tiêu cho ngoại giao, quốc phòng, an ninh… Tổng thống và toàn bộ cơ quan hành pháp không thể giải quyết được mọi việc. Cơ quan lập pháp luôn có ảnh hưởng và gây sức ép với cơ quan hành pháp trong thể chế tổng thống. Cân bằng quyền lực chỉ có giá trị tương đối. Nhưng điều này không trái với quan điểm của Montesquieu. Vì khi ông quan sát chế độ chính trị ở Anh, quyền lập pháp thuộc thẩm quyền của Vua và hai Viện. Ba đại diện này làm ra luật, Chính phủ là người thi hành luật và tuân theo pháp luật, cơ quan tư pháp giám sát quá trình thực hiện công việc của hai bên và thực hiện vai trò xét xử theo luật định. Vì lí do đó, cơ quan lập pháp luôn ở vị thế quan trọng hơn và là cơ sở cho hai cơ quan khác tồn tại.
    Hệ thống chính trị của Mỹ và Châu Âu được xây dựng theo khuôn mẫu của nước Anh, vì vậy hai mô hình này có nhiều điểm chung. Cùng với thời gian, mỗi nước đều cố gắng xây dựng một chế độ chính trị hoàn hảo, thích hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của mình. Không có một chế độ nghị viện duy nhất tại Châu Âu, nhưng có nhiều thể loại chế độ nghị viện. Ngược lại, có chế độ tổng thống tiêu biểu ở Mỹ và các chế độ chính trị theo mô hình nước Mỹ trên thế giới, nhưng đã có nhiều biến thái.

    II. Đặc điểm chung giữa chế độ nghị viện và chế độ tổng thống 
    Tất cả sẽ dẫn đến thất bại, nếu một người duy nhất, một nhóm người duy nhất, hay đó là các nhà quý tộc, hoặc quần chúng, cùng nắm trong tay ba quyền cơ bản: Quyền làm ra các đạo luật, quyền thi hành các nghị quyết, quyền xét xử các trọng tội hoặc các xung đột giữa các cá nhân.                                                            
                                                            (Montesquieu, Tinh thần luật, 1748)
    Chế độ nghị viện sơ khai xuất hiện ở Anh, từ thế kỷ XIII, thể chế này hoàn thiện vào thế kỷ XVIII, bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được tiến hành đối với Chính phủ của Lord North. Do thất bại quân sự của Anh tại 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ, Nghị viện Anh gây sức ép buộc Chính phủ phải giải tán. Chế độ chính trị Anh trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà lập hiến Mỹ và Châu Âu (A). Hai thể chế chính trị được xây dựng và củng cố suốt hơn hai thế kỷ và trở thành mô hình đảm bảo khá tốt quyền con người và các giá trị dân chủ trong giai đoạn hiện nay (B).

    I. Các nhà lập hiến Mỹ và Châu Âu xây dựng chế độ chính trị theo mô hình của nước Anh 
    Sau khi giành độc lập, những người sáng lập ra nước Mỹ học theo cách tổ chức nhà nước ở Anh, nhưng họ có một số thay đổi cho phù hợp với điều kiện chính trị và lịch sử của nước Mỹ. Nước Anh theo chế độ quân chủ lập hiến, vua có quyền tối cao, truyền thống lãnh đạo trong nhà nước quân chủ được kế thừa từ nhiều đời. Vua vừa có quyền hành pháp vừa có quyền lập pháp. Nước Mỹ mới được khai sinh, và không biết đến chế độ quân chủ, các nhà lập hiến đã chọn Tổng thống giữ vai trò điều hành đất nước. Quyền lập pháp ở Anh thuộc về Hạ viện, nơi tập hợp các đại biểu của nhân dân ở các thành phố và các khu vực nông thôn. Thượng viện, nơi tập hợp các nhà quý tộc và các chức sắc tôn giáo. Các nhà lập hiến Mỹ cũng lập ra hai viện. Thượng viện gồm các đại biểu đến từ các bang, bảo vệ quyền lợi cho các bang, Hạ viện tập hợp các dân biểu địa phương. Khác với nước Anh, Nghị viện Mỹ là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để được đề cao, nhằm loại bỏ chồng chéo về quyền lực, vì dễ dẫn đến khủng hoảng chính trị.
    Trước đây, thể chế chính trị ở Anh được tổ chức theo cơ chế hành chính tập trung, nhưng hiện nay các quyền về chính trị, kinh tế, giáo dục… ở Anh được chuyển giao cho các vùng miền. Nhưng nước Anh về cơ bản vẫn là Nhà nước có nền hành chính tập trung và đồng nhất, quyền lực quan trọng vẫn nằm trong tay các cơ quan đầu não ở trung ương. Nước Anh trao nhiều quyền cho các địa phương, theo chính sách chuyển giao quyền lực dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Tuy nhiên, Anh không phải là Nhà nước liên bang.
    Các nhà lập hiến Mỹ xây dựng Nhà nước liên bang, theo hình thức phân quyền theo chiều dọc. Nhà nước liên bang nắm giữ các quyền quan trọng nhất như quốc phòng, ngoại giao, tài chính… Các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, các chính sách phát triển ở đại phương thuộc về Nhà nước liên bang cấp dưới. Ngoài ra còn có quyền lực cạnh tranh thuộc về Nhà nước trung ương và các bang, quyền lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, cơ sở hạ tầng… Nếu quyền lực cạnh tranh được Nhà nước liên bang đảm nhiệm tốt hơn trong một lĩnh vực cụ thể, quyền này sẽ thuộc về Nhà nước liên bang và ngược lại. Nếu Nhà nước liên bang và các bang đều có năng lực để đảm nhận quyền lực cạnh tranh, ưu tiên luôn thuộc về Nhà nước liên bang.
    Luật cơ bản Đức năm 1949 (Hiến pháp Đức) xây dựng Nhà nước liên bang theo cách thức tổ chức hành chính của Mỹ. Xây dựng nước Mỹ theo mô hình liên bang đã đem lại nhiều thành tựu cho đất nước này. Các nhà luật học cho rằng lựa chọn này khẳng định tài năng vượt bậc của các nhà khai sáng ra nước Mỹ. Thực tế chứng minh lựa chọn này do hoàn cảnh lịch sử quyết định, vì nước Mỹ bao gồm 13 thuộc địa mới giành được độc lập, các đại biểu trong Đại hội Philadelphie đều muốn bảo vệ lợi ích của vùng do mình làm đại diện. Để bảo vệ quyền lợi của các vùng và quyền lợi chung cho tất cả, cần xây dựng một kiểu Nhà nước đáp ứng đòi hỏi của đa số đại biểu. Nhà nước liên bang sơ khai là giải pháp thích hợp nhất. Cùng với thời gian, lựa chọn ngẫu nhiên này đã góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và đảm bảo nền dân chủ ở Mỹ. Nước Mỹ khi mới thành lập chỉ có diện tích bằng 1/10 so với diện tích hiện nay, dân số khoảng 4 triệu người. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, nước Mỹ đã sở hữu thêm những vùng đất mới bằng chính sách quân sự, hoặc bằng cách mua lại các vùng đất rộng lớn. Ví dụ, nước Mỹ đã mua lại vùng Louisanne có diện tích hơn 2 triệu km từ tay người Pháp. Napoléon đã bán vùng này cho Mỹ với khoản tiền 15 triệu đô la để chi phí cho chiến tranh. Thế kỉ XIX cũng là thời kì di dân từ Châu Âu đến Mỹ, khoảng 50 triệu người đã bỏ các làng quê và các đô thị nghèo, có những nơi như ở Iceland, toàn bộ dân làng đều di cư sang Mỹ để tránh nạn đói. Mô hình nhà nước liên bang rất thích hợp đối với các nước lớn, nơi có nhiều cộng đồng người và có nhiều nền văn hóa đa dạng cùng chung sống.
    Tocqueville, trong tác phẩm nổi tiếng Bàn về nền dân chủ ở Mỹ, Paris, 1838 đưa ra nhận xét: “Nhà nước liên bang là sáng tạo tuyệt vời nhất của nền dân chủ”. Thực ra, vào thời điểm đó, các nhà lập hiến Mỹ cũng không hiểu rõ về chế độ tổng thống và mô hình nhà nước liên bang, bởi vì tất cả đều mới và chưa có thời gian trải nghiệm để biết đúng sai, nhiệt tình và trách nhiệm đã thôi thúc họ tìm ra một thể chế chính trị ổn định hơn mẫu hình của nước Anh lúc bấy giờ. Họ cố gắng tạo ra một thể chế hợp lí để đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho con người. Chế độ tổng thống và mô hình nhà nước liên bang sơ khai liệu có đảm bảo thực sự lợi ích cho nước Mỹ trong tương lai hay không? Bản thân họ cũng không chắc chắn, nhưng họ tin rằng đó là thể chế ổn định hơn mô hình của nước Anh. Trải qua 226 năm tồn tại và phát triển, chế độ chính trị ở Mỹ trở nên hoàn thiện, và trở thành mẫu hình của 22 nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay nước Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoàng về Hiến pháp và khủng hoảng về thể chế. Để khắc phục điều này, người Mỹ cần sửa đổi Hiến pháp và cải cách bầu cử, cải cách hành chính, cần loại bỏ một số điều khoản được Hiến pháp quy định gây nhiều tranh cãi, như quyền sử dụng súng.  Hiến pháp Mỹ hiện nay đã trở nên cũ kỹ và cần được bổ sung, nhiệm vụ này, dường như không thực hiện được.
    Chế độ nghị viện du nhập vào Pháp năm 1814, vua Louis XVIII, trong thời gian sống lưu vong tại đây, đã tìm hiểu về thể chế chính trị ở Anh. Ông nhận thấy nền chính trị ở Anh hoạt động khá hiệu quả, do luôn có cơ chế tạo cân bằng quyền lực. Chế độ quân chủ ở Pháp lẽ ra có thể trụ vững sau cuộc cách mạng năm 1789, nếu như nhà vua chấp nhận chuyển giao quyền lực cho Quốc hội hay nếu như vua và Quốc hội hợp tác với nhau, hai bên có thể tránh được xung đột. Điều kì lạ ở chỗ, vua đại diện cho chế độ quân chủ chuyên chế, lại là người thiết lập thể chế nghị viện, một mô hình chính trị thể hiện nền dân chủ đại diện và chủ quyền quốc gia. Hiến pháp năm 1814 công nhận cơ quan lập pháp gồm hai viện, theo mô hình nước Anh. Thượng viện tập hợp các đại diện là giới quý tộc và các thành viên trong gia đình hoàng tộc được chính vua bổ nhiệm. Một số người sẽ giữ vai trò Thượng nghị sĩ đến suốt đời giống như ở Anh. Quốc hội là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra. Một số quyền của nhà vua được trao cho Nghị viện, các lợi ích của giai cấp quý tộc được đảm bảo.
    Sau Cách mạng 1789, một giai đoạn đầy biến động về các thể chế chính trị tại Pháp bắt đầu diễn ra: Nền cộng hòa đệ nhất do phái cực tả thiết lập năm 1793, nền cộng hòa đệ nhị năm 1848, hai lần nước Pháp theo đế chế thời Napoléon I và Napoléon III. Chế độ quân chủ cũng được thiết lập trở lại vào các năm 1814 và 1830. Sau thất bại trong trận chiến Sédan trước quân Đức, đế chế Napoléon III sụp đổ. Nền cộng hòa đệ tạm ra đời, thời kỳ này ghi dấu những bước tiến quan trọng về dân chủ ở Pháp. Chế độ nghị viện Pháp trở thành thể chế chính trị duy nhất thời kỳ cộng hòa đệ tam và đệ tứ. Nền chính trị Pháp trong giai đoạn từ 1873 đến 1958 theo chế độ nghị viện mất cân bằng (Ngoại trừ giai đoạn 1940 đến 1944, nước Pháp theo chế độ độc tài, hợp tác với Đức Quốc xã). Quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm thường xuyên được Nghị viện sử dụng để lật đổ Chính phủ, trong khi đó quyền giải tán Quốc hội, phương tiện tạo thế cân bằng trong chế độ nghị viện không còn được sử dụng, kể từ tuyên ngôn của Jules Grévy trước Nghị viện năm 1879 (Hiến pháp Grévy), nội dung chính của bản tuyên ngôn của người đứng đầu cơ quan hành pháp thể hiện lời hứa phục tùng của cơ quan hành pháp đối với cơ quan lập pháp: Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng sẽ luôn tránh xung đột với Nghị viện và sẽ chấp nhận tất cả các yêu cầu của Nghị viện. Quyền giải tán Quốc hội, vũ khí lợi hại trong tay người đứng đầu cơ quan hành pháp sẽ không được sử dụng. Ngược lại, quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm giải tán Chính phủ được Nghị viện sử dụng tối đa. Bất ổn chính trị diễn ra trong suốt một thời gian dài. Trung bình cứ 10 tháng lại có một Chính phủ bị lật đổ. Dưới nền Cộng hòa đệ tứ, từ 1945 đến 1958, trong giai đoạn 13 năm, đã có 24 Chính phủ phải ra đi.
    Để tránh tình trạng lấn quyền trong chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối, Charles de Gaulle lập nên nền cộng hòa đệ ngũ. Hiến pháp 1958 quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan lập pháp (điều 34) và thẩm quyền của cơ quan hành pháp (điều 37). Nghị viện không được phép lấn quyền của Chính phủ và ngược lại. Hội đồng hiến pháp được lập ra với vai trò ban đầu là giám sát quyền lực được phân chia theo quy định của Hiến pháp. Hội đồng Hiến pháp sẽ trừng phạt cơ quan vi phạm nguyên tắc phân quyền. Để củng cố quyền lực cho người đứng đầu cơ quan hành pháp, Tổng thống Charles de Gaulle còn đi xa hơn, khi ông quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để hợp thức hóa ý tưởng “nhân dân sẽ bầu trực tiếp Tổng thống”. Người dân ủng hộ sáng kiến này, kết quả là Hiến pháp được sửa đổi theo ý của Charles de Gaulle, chế độ nghị viện truyền thống vì thế cũng chuyển thành chế độ nửa nghị viện nửa tổng thống (theo cách gọi của nhà luật học Maurice Duverger). Tổng thống có quyền lực ngang bằng với Nghị viện, và trở thành trọng tài để giải quyết các tranh chấp chính trị giữa Quốc hội và Chính phủ, quyền giải tán Quốc hội tồn tại song song với quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm. Cân bằng quyền lực vì vậy lại xuất hiện, ổn định chính trị được đảm bảo.
    Chế độ nghị viện ở Pháp đã chuyển hóa thành chế độ chính trị đặc biệt. Nếu đa số tại Nghị viện có quan điểm chính trị đối lập với Tổng thống, khi đó cơ chế hoạt động của Nhà nước vận hành theo thể chế nghị viện, Tổng thống chỉ có các quyền tượng trưng được Hiến pháp công nhận, thực quyền nằm trong tay Thủ tướng được đa số tại Nghị viện ủng hộ. Tổng thống buộc phải chọn thủ lĩnh của đảng chiếm đa số ghế tại hai viện làm Thủ tướng. Một số bất đồng về chính trị giữa hai nhân vật quan trọng này có thể xảy ra, nhưng mỗi người thực hiện bổn phận của mình theo Hiến pháp quy định. Nếu đa số tại Nghị viện có cùng quan điểm chính trị với Tổng thống, (khi Tổng thống và các nghị sĩ chiếm đa số đều là thành viên một đảng, hoặc cùng một liên minh chính trị vững chắc), Nhà nước vận hành theo thể chế tổng thống.  Tổng thống có thể tiến hành các chính sách cải tổ mà không vấp phải kháng cự nào, vì luôn có đa số tại Nghị viện ủng hộ. Hai phương tiện gây sức ép là bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội khi đó chỉ tồn tại trên lí thuyết và không còn tác dụng trong thực tế. Phe thiểu số tại Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để bày tỏ quan điểm đối lập đối với Tổng thống, nhưng biện pháp này không buộc Chính phủ phải giải tán, vì phe đối lập không tập hợp đủ số phiếu cần thiết. Bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ là cách thể hiện thái độ không hài lòng của những người có quan điểm chính trị khác.
    Bầu cử lập pháp hiện nay được tiến hành sau bầu cử Tổng thống, điều này tạo điều kiện cho việc hình thành đa số tại Nghị viện ủng hộ Tổng thống. Vì một lí do đơn giản, khi nhân dân chọn Tổng thống từ một đảng phái chính trị, nhân dân cũng sẽ chọn các Nghị sĩ có cùng đảng phái với Tổng thống, để hình thành đa số ủng hộ Tổng thống. Sự có mặt của đa số tại Nghị viện cùng một chính đảng với Tổng thống đảm bảo ổn định chính trị, giúp Tổng thống dễ dàng thực hiện các chính sách của mình. Nền chính trị tại Pháp hiện nay vận hành theo mô hình thể chế tổng thống đặc biệt.
    Chế độ chính trị ở Mỹ và Châu Âu được xây dựng trên nền tảng dân chủ, hình thành từ thời kì Ánh sáng.

    B. Chế độ nghị viện, chế độ tổng thống đảm bảo các nguyên tắc dân chủ có từ thời kì Ánh sáng   
    Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp luôn luôn hiện diện trong Nhà nước hiện đại. Các đại biểu thực thi quyền lực sau khi được nhân dân bầu ra. Một định nghĩa nổi tiếng về dân chủ được Abraham Lincoln đưa ra trong bài diễn văn Gettysburg, tháng 11 năm 1863: “Dân chủ là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Giáo sư Jean-Louis Quermone làm rõ nghĩa quan điểm về dân chủ của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln khi đưa ra nhận xét: “Nhà nước của dân, do đa số lãnh đạo, và thực hiện các chính sách theo tinh thần tôn trọng luật pháp, đảm bảo quyền lợi của thiểu số vì vai trò đối lập của thiểu số được Nhà nước pháp quyền tôn trọng”. Nền dân chủ gắn liền với đa đảng, tôn trọng phe đối lập, bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của công dân, bầu cử tự do có cạnh tranh.
    “Ở mỗi Nhà nước dân chủ, không ai được phép đứng trên luật pháp, các công dân đều bình đẳng trước luật pháp. Hòa bình, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vừa là điều kiện vừa là kết quả của nền dân chủ. Ở đây có mối liên hệ mật thiết giữa hòa bình và phát triển, giữa xây dựng Nhà nước pháp quyền và tôn trọng quyền con người.” (Quốc hội Pháp). Dân chủ phải được đảm bảo bằng một nền tư pháp độc lập với sự góp mặt của Tòa án Hiến pháp. Nếu tư pháp bị cơ quan hành pháp và lập pháp lấn át, Nhà nước sẽ có sức mạnh của kẻ áp bức, khi đó quyền con người sẽ bị vi phạm nặng nề. Tam quyền phân lập vì thế đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì nền dân chủ, nếu nguyên tắc này không được tôn trọng, tất cả sẽ dẫn đến thất bại. Đây chính là điều Montesquieu luôn cảnh báo.
    Hiến pháp của Nhà nước độc đoán ghi nhận quyền con người. Nhưng bản khế ước tối cao này chỉ có giá trị thông báo vì nền tư pháp không có vị trí độc lập. Nguyên tắc dân chủ tập trung là rào cản trong việc đảm bảo các quyền tự do cho con người. Nếu Nhà nước có thể can thiệp vào các vụ án, thẩm phán không thể có cái nhìn khác quan và xét xử đúng người đúng tội. Thẩm phán khi đó trở thành công cụ trong tay những người nắm giữ quyền lực. Họ không phải là cái miệng của luật pháp mà trở thành cái loa của những người có chức quyền. Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây được gọi là những nền dân chủ nhân dân đã phản ánh thực tế đó. Các nước này đều có Hiến pháp đề cao quyền con người và quyền làm chủ của nhân dân trên lí thuyết, nhưng tổ chức quyền lực chồng chéo và việc áp dụng mô hình dân chủ tập trung đã triệt tiêu xã hội dân sự. Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành học thuyết chính trị chi phối mọi hoạt động của Nhà nước, cuộc sống trở nên ngột ngạt, khiến nhiều người phải trốn chạy sang các nước Tây Âu, với hi vọng cuộc sống sẽ tốt hơn.
    Các nhà tư tưởng lớn trong thời kì Ánh sáng, thể kỷ XVII, XVIII đã góp phần hoàn thiện các thể chế dân chủ và đề cao giá trị quyền con người. Các đại diện tiêu biểu như John Locke, Jean-Jacques Rousseau, Emmanuel Kant, Voltaire, Montesquieu đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Tư tưởng của họ giải phóng con người khỏi các giáo lí của nhà thờ. Quan điểm về triết học, chính trị, luật pháp của thời kỳ Ánh sáng được phản ánh qua các văn bản  quan trọng như Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1774, Hiến pháp Mỹ năm 1787, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789. John Locke đề cao các quyền dân sự. Công dân và Nhà nước kí kết một khế ước xã hội, Nhà nước buộc phải tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, khế ước xã hội ra đời để đảm bảo tốt hơn các quyền đó. Emmanuel Kant mơ ước về một nền hòa bình vĩnh viễn, bằng ý tưởng lập ra các tổ chức quốc tế. Các nước tôn trọng luật quốc tế để tránh chiến tranh. Montesquieu luôn lo lắng vì tình trạng lạm dụng quyền lực của nhà lãnh đạo, ông mong muốn thiết lập một Nhà nước, ở đó quyền lực được phân chia hợp lí và có kiểm soát. Voltaire đề cao các quyền cá nhân, ông phản đối ảnh hướng quá lớn của Giáo hội trong đời sống chính trị, văn hóa. Ông đối lập với Jean-Jacques Rousseau, vì Rousseau khẳng định con người chỉ có tự do trong tình trạng tự nhiên và phủ nhận quyền sở hữu.
    Hiến pháp Mỹ năm 1787 cùng với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789 ghi nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Hai văn bản quan trọng này cũng bàn về cách thức tổ chức Nhà nước. Các tác phẩm của John Locke và Montesquieu đã thu hút các nhà lập hiến Mỹ và Pháp. Cũng cần nhấn mạnh rằng tư tưởng của hai thiên tài này hoàn toàn đối lập với quan điểm của Karx Marx. Tư tưởng của Montesquieu và John Locke phủ định tư tưởng của Karx Marx, quan điểm của Karx Marx trái với suy nghĩ của hai nhà triết học này, cho dù họ sống cách nhau hàng thế kỷ. Montesquieu cảnh báo nguy cơ khi quyền lực tập trung trong tay một người hay một nhóm người, đó sẽ là một khoảng trống nguy hại cho dân chủ. Ông mong muốn con người cần tôn trọng luật pháp và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, con người cần thoát khỏi những định kiến của mình, do những yếu kém mà chính bản thân không phát hiện ra. Montesquieu muốn xây dựng Nhà nước được kế thừa giữa truyền thống và hiện đại, ông ủng hộ các quan điểm chính trị khác nhau. Karl Marx dự báo về một Nhà nước không có giai cấp và luật pháp sẽ biến mất, vì luật pháp là công cụ của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị, Nhà nước cũng sẽ không tồn tại, khi xã hội phát triển ở mức cao. Xã hội lí tưởng của Karx Marx rất giống với xã hội trong tình trạng tự nhiên theo quan điểm của Jean-Jacques Rousseau, người có cùng quan điểm cực tả như Karx Marx. Montesquieu ủng hộ quyền lực được chuyển giao bằng thương lượng hòa bình, Karx Marx dự báo về một cuộc cách mạng làm rung chuyển xã hội để thiết lập nền chuyên chính vô sản, “Giai cấp vô sản sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Montesquieu là nhà quý tộc, ông cũng như John Locke, Voltaire đề cao quyền sở hữu, Jean-Jacques Rousseau, Karx Marx khuyến khích việc quốc hữu hóa tài sản, quan điểm này đã được áp dụng ở thành bang Sparte, Nhà nước cộng sản đầu tiên, tồn tại từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI trước công nguyên, Montesquieu phê phán thể chế chính trị của Sparte.
    Trong tác phẩm trí tuệ nhất của thời kì Ánh sáng, Tinh thần luật, 1748, Montesquieu luôn đưa ra các quan điểm khái quát, khiến các trí thức sau này có thể tiếp tục phát triển tư tưởng của ông. Các tác phẩm của Karx Marx đạt đến mức hoàn hảo, với lối tư duy chặt chẽ, khiến các trí thức khi đọc Karx Marx có thể mất hết tư duy độc lập, vì những gì cần suy nghĩ, cần sáng tạo Karx Marx đã nghĩ hết cả rồi, chỉ cần nắm lấy và vận dụng theo phương pháp của Karx Marx. Jean-Paul Sartre, người từ chối giải Nobel văn học, đã có nhận xét khá sâu sắc về tư tưởng của Karx Marx: “Chủ nghĩa Mác là chân trời không thể vượt qua” (le marxisme est un horizon indépassable), Karx Marx đã dành cả cuộc đời để viết, rất hiếm có tác giả nào viết nhiều như ông. Điều này khẳng định trí tuệ của Karx Marx, nhưng thiên tài, không có nghĩa là không có sai sót. Raymond Aron, một trí thức uyên bác và là bạn cùng khóa tại trường sư phạm với Jean-Paul Sartre, trong cuốn sáchThuốc phiện của giới trí thức (l’opium des intellectuels) đưa ra nhận xét rằng quá nhiều trí thức và học giả nghiên cứu về Karx Marx, ông đặt ra câu hỏi vì sao ít người quan tâm đến các tác giả tiến bộ như Montesquieu, Tocqueville… bản thân ông vẫn gắn bó với tư tưởng của Montesquieu.
    Montesquieu và Karx Marx ai là người có lí? Tư tưởng của Montesquieu vẫn còn tòa sáng đến ngày hôm nay. Hiến pháp Mỹ năm 1787 tổ chức Nhà nước theo quan điểm của Montesquieu, vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, chính trị ở Mỹ và tại các nước dân chủ mới. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789, với điều 16 “Ở mỗi xã hội mà quyền con người không được bảo đảm, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, sẽ không có Hiến pháp”. Nguyên tắc này khái quát tư tưởng của Montesquieu. Tam quyền phân lập trở thành điều kiện cần thiết để xây dựng và duy trì nền dân chủ ở mỗi nước. Nhiều nhà luật học có thể phê phán hoặc bổ sung nguyên tắc này, nhưng họ không thể phủ nhận nó. Tư tưởng của Karx Marx được phản ánh lần đầu tiên trong Tuyên ngôn đảng cộng sản, năm 1848Le Manifeste du Parti communiste (Manifest der Kommunistischen Partei), văn bản này ra đời đúng 100 năm, sau tác phẩm Tinh thần luật của Montesquieu. Bản tuyên ngôn này trở thành kim chỉ nam của tất cả các đảng cánh tả và cực tả, nơi tập hợp những người lao động nghèo, đặc biệt là công nhân. Karx Marx quan sát cuộc nổi dậy của những người vô sản ở Pháp, họ lập ra Công xã Paris, Karx Marx tin tưởng Công xã Paris sẽ là nơi thực hiện đầu tiên mô hình xã hội của mình. Công xã Paris đã thất bại, Karx Marx lặng lẽ viết mấy câu dưới đâu: “Tôi muốn bổ sung một điều rất quan trọng, điều này sẽ làm thay đổi toàn bộ nội dung của bản Tuyên ngôn đảng cộng sản, văn bản này từ nay không còn áp dụng được nữa”, (theo giáo sư Jacques Ellul, Học viện nghiên cứu chính trị Bordeaux, (Tư tưởng Marxiste, 1992, la pensée marxiste). Jacques Ellul đánh giá Karx Marx không phủ nhận nền dân chủ với một nền chính trị đa dạng. Viện sĩ hàn lâm Jean-François Revel, nhà triết học thuộc cánh hữu lại cho rằng tư tưởng của Karx Marx dẫn đến bế tắc.
    Xây dựng Nhà nước dân chủ bằng cách áp dụng chủ nghĩa Mác có nhiều mâu thuẫn. Làm sao con người có thể tạo ra được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, khi những nguyên tắc đảm bảo cho dân chủ đã tồn tại và được hoàn thiện từ 2500 năm không được chú ý đến.
    Thể chế chính trị phương Tây đã được du nhập vào Việt Nam từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam thiết lập chế độ nghị viện, nhưng bản khế ước xã hội quan trọng này chưa bao giờ được thực thi. Bản Hiến pháp chết yểu 1946 đánh dấu một thời kì đầy biến động của đất nước. Ở miền Nam Việt Nam, người Mỹ muốn thiết lập chế độ tổng thống cho Việt Nam Cộng hòa, Nhà nước này đã tồn tại được 20 năm trong thời kỳ chiến tranh. Như vậy, chế độ nghị viện và chế độ tổng thống không phải là thể chế xa lạ với người Việt Nam, điều ngạc nhiên là, một số điều khoản của Hiến pháp năm 1946 vẫn hiện diện trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Các văn bản luật tối cao này chịu ảnh hưởng sâu sắc Hiến pháp Liên bang Xô viết năm 1936 và Hiến pháp năm 1977. Khi tìm hiểu Hiến pháp các nước Đông Âu trước đây và Hiến pháp Cuba năm 1976, sửa đổi năm 2002 đang được áp dụng hiện nay, các nhà luật học nhận thấy các văn bản này rất giống nhau, có những điều giống nhau đến từng câu, từng chữ, bởi lẽ Đế chế Liên bang Xô viết áp đặt thể chế chính trị của mình cho Đông Âu và nhiều nơi khác cũng chịu ảnh hưởng theo.
    P.T.Đ. 
    Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/19017
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org