Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  •  Ngô Vĩnh Long
    1. Lời nói đầu
    Bài “Ổn định và phát triển: Trí thức Trung Quốc đang nghĩ gì?” của Trần Hữu Dũng (Thời Đại Mới, số này) rất hữu ích vì không những nó cho biết trí thức Trung Quốc đang nghĩ gì về ổn định và phát triển trên đất nước họ mà còn cho thấy người trí thức nước nầy, tuy không giữ chức vị trong chính quyền, vẫn có những cơ hội và vai trò nhất định để đóng góp cho việc ổn định và phát triển của đất nước.
    Thật ra, trong suốt lịch sử của Trung Quốc từ thời nhà Chu () cho đến thời Mao Trạch Đông, giới trí thức (知識) mà ngày xưa gọi là kẻ sĩ (), thường được coi là quan trọng hàng đầu (sau vua) trong việc trị quốc (zhì guo 治國) và bình thiên hạ (píng tian xìa 平天下).[1] Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-476) chế độ quân chủ (君主) phát triển và ngày càng chuyên chế, gây nên mất ổn định triền miên. Khổng Tử, một trong những nhà “hiền triết” trưởng thành trong giai đoạn nầy, thấy không thể nào dẹp chế độ quân chủ được. Nhưng ông nghĩ rằng nếu có một tầng lớp sĩ phu được trau dồi với những giá trị đạo đức chung (nhân trí , nghĩa , trung , thứ ) để làm cố vấn hay để phò các vị vua thì việc bạo chúa sử dụng bạo lực để “cai trị” sẽ được giảm bớt. Khổng Tử gọi những người có ngũ đức và có học nầy là “quân tử” (君子) và ông khuyên vua chúa nên sử dụng những người như thế. Nếu không thì sẽ có “cách mạng.”[2]
    Cuộc cách mạng trong nửa đầu thế kỷ 20 phần lớn do trí thức lãnh đạo, tuy thành phần nông dân là tuyệt đại đa số. Sau khi cách mạng thành công và đảng Cộng Sản Trung Quốc, do Mao Trạch Đông lãnh đạo, lên nắm chính quyền cuối năm 1949, các thành phần trí thức (kể cả những người theo Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch không bỏ nước ra đi) vẫn còn được trọng dụng. Do đó, tuy có khác nhau về quan điểm, sự đóng góp của các tầng lớp trí thức đã giúp kinh tế và xã hội phục hồi và phát triển rất nhanh chóng trong 7 năm đầu.
    Để vận động các tầng lớp trí thức thi đua tích cực và thẳng thắn phát biểu những ý kiến của mình đối với các chính sách của nhà nước hòng thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, đến cuối năm 1956 và đầu năm 1957 Mao đồng ý phát động phong trào “trăm hoa đua nở” (tiếng Trung Quốc gọi là “trăm hoa vận động” 百花運動). Tên của phong trào nầy được đặt ra từ một câu thơ của Mao mà tiếng Việt dịch ra là: “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” (Tiếng Trung Quốc là: 百花齊放,百家爭鳴 bǎi huā qífàng, bǎi jiā zhēngmíng). Trong câu nầy Mao muốn ám chỉ việc “hàng trăm” (tức là nhiều) nhà hiền triết thời Chiến Quốc đã thi đua trên bình diện ý thức hệ, chứ không phải trên bình diện bạo lực, để tìm ra những tiêu chuẩn tốt cho việc ổn định và phát triển. Mao nghĩ rằng vì các cuộc tranh luận thời Chiến Quốc đã phát sinh ra triết lý Khổng Tử và Lão Tử và bổ sung cho nhau như âm dương cuồn cuộn, thì phong trào “trăm hoa đua nở” cũng sẽ giúp chứng minh tính “hơn hẳn” của chủ nghĩa xã hội và tư tưởng của Mao (được trình bày trong “Mâu thuẩn Luận” và “Thực tiễn Luận” là hai trước tác kinh điển của Mao Trạch Đông.)
    Hàng triệu trí thức và sinh viên (cùng với nhiều phần tử xã hội khác) hưởng ứng nhiệt liệt. Chỉ từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 năm 1957 họ đã gởi cho văn phòng thủ tướng Chu Ân-Lai và các cơ quan chính quyền các cấp mấy triệu bức thư. Nhiều bức thư này chỉ trích các chính sách của chính phủ cũng như sự tham nhũng của cán bộ đảng và quan chức nhà nước khá nặng nề. Thậm chí còn đòi đảng Cộng Sản phải tự giải tán vì nếu đảng nầy còn nắm quyền thì sẽ còn mất tự do dân chủ và trí thức sẽ còn tiếp tục bị ngược đãi. Mao thấy sẽ có nguy cơ cho chế độ nếu cái đà này tiếp tục nên ra lệnh cho dẹp phong trào, nói rằng (dịch nôm na ra tiếng Việt) “trí thức không bằng cục phân.” Đã có nhiều phân tích cho biết tại sao họ Mao nghĩ như thế, tại sao ông ta mở các chiến dịch đàn áp trí thức sau đó, và tại sao việc nầy dẫn đến hậu quả xã hội mất ổn định và kinh tế suy thoái trầm trọng trong gần hai thập kỷ.
    Việc tôi muốn đề cập đến ở đây là theo nghiên cứu và phân tích của Uông Huy (Wang Hui), cùng với nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khác, bắt đầu từ năm 1976 Đặng Tiểu Bình đã cố tình tạo cơ sở cho việc hoàn toàn phủ định những thành quả trong thời kỳ Mao làm tiền đề cho việc ổn định và phát triển trong thời kỳ mới. Để thiết lập một trật tự mới, Đặng Tiểu Bình không những đã triệt tiêu các hình thức trại lính và “nhân dân công xã” mà còn (oái ăm thay!) đưa ra những chính sách đàn áp mới mà cuối cùng đã dẫn đến sự kiện đẫm máu Thiên An Môn năm 1989.
    Trong bài tham luận tại hội thảo “Trách nhiệm xã hội, ổn định và phát triển” tại Nha Trang tháng 7 năm 2008 tôi đã trích Uông Huy khá nhiều trong phần nói về Trung Quốc.[3] Theo trình bày của Trần Hữu Dũng tại hội thảo Nha Trang (cũng như đọc bài đã hoàn chỉnh trong số Thời Đại Mới nầy) về ba trường phái trí thức Trung Quốc hiện nay thì không “ba phải” đi nữa cũng phải công nhận là mỗi trường phái có những quan điểm đúng và sai  ̶  có những quan niệm xây dựng và bổ ích, nhưng cũng có những nhận xét rất nguy hiểm không những cho nhân dân Trung Quốc mà còn cho các dân tộc khác nữa.  Vì thế, nhân bài Trần Hữu Dũng đã hoàn chỉnh và đăng trong số Thời Đại Mới nầy tôi cũng xin trích phần tham luận của tôi về Trung Quốc (bắt đầu từ lúc tôi đề cập đến Uông Huy cho đến cuối bài) tại Nha Trang dưới đây  ̶  một là, để nối kết với bài của Trần Hữu Dũng; và hai là, để độc giả xem cục diện đã có gì thay đổi sau một năm không. Trong “phần viết thêm” (postscript) tôi sẽ đề cập đến một vài số diễn biến và kèm theo những nhận định và phân tích trong năm qua của vài nhà nghiên cứu.
    Tại Nha Trang tôi đã mở đầu phần phát biểu của mình qua cách đặt vấn đề như sau:
    Có quan hệ gì giữa trách nhiệm xã hội, ổn định và phát triển không? Nếu có, thì ai có trách nhiệm chủ yếu? Ổn định như thế nào và với phương thức gì? Và phát triển những gì, cho ai và vì ai?
    Để có thể một phần nào giúp trả lời những câu hỏi trên, trong bài nầy tôi trình bày một số kinh nghiệm của một số nước Á Châu, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh lạnh và toàn cầu hóa. Chúng ta hãy bắt đầu với Trung Quốc  ̶  một là vì Trung Quốc lớn nhất ở Á Châu và có kinh nghiệm “trị quốc” và “bình thiên hạ” lâu nhất, hai là vì việc ổn định hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc trong vài thập kỷ vừa qua đã làm cho một số người tung ra khẩu hiệu “Đồng thuận Bắc Kinh” (Beijing Consensus) để thay cho khẩu hiệu “Đồng thuận Hoa Thịnh Đốn” (Washington Consensus) như là mô hình phát triển tối ưu cho tất cả các nước đang phát triển, và ba là Trung Quốc “núi liền núi sông liền sông” với Việt Nam cho nên những kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc cũng có thể có ảnh hưởng trực tiếp với Việt Nam.

    2. Trích trình bày về Trung Quốc tại Nha Trang
    Theo Uông Huy và một số nhà nghiên cứu khác thì cuộc đấu tranh chính trị trong những năm 1975-1976 phản ánh việc tranh luận sâu đậm về ý nghĩa của sự bình đẳng là phải như thế nào trong xã hội chủ nghĩa và dưới một thể chế do đảng và nhà nước lãnh đạo mà Mao Trạch Đông đã nêu lên trong năm 1974. Đây là vấn đề được gọi là “pháp quyền tư sản” (bourgeois right) trong hệ tư tưởng Mác-xít, tức là quan hệ giữa hệ thống của sự bất bình đẳng xã hội và cơ cấu nhà nước. Đặng Tiểu Bình cho đây là vấn đề giả tạo được đưa ra với mục đích tranh chấp phe nhóm và gây thêm mất ổn định. Đặng Tiểu Bình dùng từ ngữ chính thống Mác-xít để nói lên rằng vấn đề lúc nầy không phải là việc bàn luận về “pháp quyền tư sản” mà là làm sao phát triển các lực lượng sản xuất vẫn còn ở dạng tiềm năng. Bàn về quan hệ sản xuất, theo Đặng Tiểu Bình, là đề cập đến việc còn quá xa vời. Từ đó trở đi vấn đề bất bình đẳng bị đẩy ra khỏi chân trời chính trị của Trung Quốc và việc phát triển các lực lượng sản xuất đã giành được thế thượng phong. Mãi cho đến nay chế độ nhà nước đảng (party-state) Trung Quốc vẫn tự cho mình là đại diện của các “lực lượng sản xuất tiên tiến” gồm đủ các thành phần vô sản và tư bản.[4]

     A. Hai sự kiện quyết định: Phá vỡ “nhân dân công xã” và đàn áp Thiên An Môn
    Để phát triển các lực lượng sản xuất, chương trình hành động của Đặng Tiểu Bình là tìm cách triệt tiêu tất cả các thí nghiệm chính trị về bình đẳng và đàn áp các xã hội dân sự. Để dọn đường cho việc đàn áp các “công xã nhân dân” năm 1976 Đặng Tiểu Bình phục hồi “danh dự” cho Bành Đức Hoài (彭德懷 Péng Déhuai) người được xem là nạn nhân tiêu biểu của chính sách Mao-ít. Mao Trạch Đông đã ủng hộ Bành Đức Hoài trở thành nguyên soái của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Hội nghị Tuân Nghĩa tháng giêng năm 1934. Nhưng tháng 6 năm 1959, tại Hội nghị Lư Sơn, Bành Đức Hoài đã tranh cãi với Mao về Đại Nhảy Vọt; về việc quân đội phải chính quy, chuyên nghiệp và giảm tính chính trị; và về việc triệt tiêu các “nhân dân công xã.”  Theo một cuốn sách có tựa đề Lushan huiyi shilu (Báo cáo trung thực về Hội nghị Lư Sơn), mà tác giả là một người đã ủng hộ Bằng Hoài Đức rất mạnh mẽ,  thì đây không phải là một cuộc tranh chấp giữa một trung thần dám nói lên sự thật và một vị hoàng đế bạo tàn, mà là một cuộc đấu tranh chính trị công khai và trực diện. Lập trường của Bành Đức Hoài lúc đó đơn giản là phải nhất thiết triệt tiêu tất cả các hình thức hợp tác nông nghiệp. Ông ta có gần hai tuần để giải thích quan điểm của mình trước khi ông Mao trả lời ông ta.[5]
    Nhưng mãi đến sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì tình hình mới cho phép bắt đầu triệt tiêu các “nhân dân công xã.” Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã phủ định tất cả các hình thức thí nghiệm chính trị mà cơ chế nhà nước đảng đã ủng hộ, mặc dầu các hình thức hợp tác xã là những thí nghiệm bắt nguồn từ những yêu cầu bức thiết của thực tế ở những vùng nghèo khổ của Trung Quốc. Mao đã nhiệt tình ủng hộ “nhân dân công xã” vì ông ta tin chắc rằng nông dân biết suy nghĩ, rằng họ có quan điểm chính trị, và có năng lực phát minh ra những quan hệ xã hội mới. Chiến lược chính trị của Mao từ những thập kỷ 20 bắt nguồn từ niềm tin nầy.
    Nhưng việc coi nông thôn như là nơi có thể phát minh những hình thái chính trị mới đã tạo thêm trọng trách cho nhà nước đảng. Việc triệt tiêu “nhân dân công xã” cho đến nay được chính thức giải thích là để giúp nông dân thoát ly khỏi những gánh nặng tàn bạo của hợp tác xã. Nhưng trên thực tế là giúp “nhà nước đảng” thoát khỏi trọng trách với nông dân, khỏi trách nhiệm phải xem họ là chủ thể chính trị một cách chủ quan. Đối với Đặng Tiểu Bình vấn đề không phải là nông dân có thể suy nghĩ hay không, mà là làm sao biến nông dân thành lực lượng lao động với giá rẻ mạt. Kết quả là phần lớn nông dân đã mất sở hữu đất đai và hiện nay có khoảng 150 triệu “du dân” (youmin) hay “lưu dân” đi lang thang khắp mọi nơi tìm việc làm. Trong khi đó thì có khoảng 150 triệu người khác làm trong các xí nghiệp quốc doanh với đồng lương rất thấp vì nếu họ tranh đấu đòi lên lương thì họ có thể lập tức bị sa thải và thay thế bởi những người khác đang thất nghiệp. Những người du dân thất nghiệp và bán thất nghiệp sẵn sàng bán sức lao động của mình với giá rẻ mạt nầy đã được Mác gọi là “đạo quân dự trữ công nghiệp.” Việc giải thể các “nhân dân công xã” là việc làm có chủ định để kiềm chế công nhân và các xí nghiệp và để tạo thêm sự phân hóa (bất bình đẳng) giữa thành thị và nông thôn hầu thúc đẩy phát triển kinh tế ở các thành thị.[6]
    Một sự kiện then chốt khác giúp “nhà nước đảng” Trung Quốc dựng lên “trật tự mới” là sự kiện Thiên An Môn. Uông Huy, trong cuốn sách đã dẫn, chứng minh rằng việc đàn áp đẫm máu phong trào tranh đấu năm 1989 là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của “chủ nghĩa tân tự do của Trung Quốc” từ đầu thập kỷ 90. Đây là luận điểm chính của cuốn sách. Luận điểm thứ hai bổ sung cho luận điểm trên là các phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thập niên trước không bắt nguồn từ sự tự phát cá biệt của các quá trình kinh tế được tạo ra do sự rút lui của nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, những phát triển đó đã chỉ có thể xảy ra vì những can thiệp hàng loạt của nhà nước. Hai luận điểm nầy nói lên sự quan hệ giữa chính trị và nhà nước và giữa nhà nước và nền kinh tế. Trọng tâm của phong trào đấu tranh năm 1989 là một sự căng thẳng rất lớn về quan hệ bất bình đẳng trong xã hội. Những chính sách kinh tế của thập kỷ 90 chỉ có thể được thi hành sau khi căng thẳng ấy đã bị triệt tiêu.[7]
    Sự kiện Thiên An Môn đã được trình bày với rất nhiều chi tiết trong cuốn sách tập hợp các văn kiện chính thức gọi là The Tiananmen papers (Những văn kiện Thiên An Môn.)[8] Sách nầy gồm những tài liệu Uông Huy cung cấp trong cuốn sách của ông ta, và những nhận xét của Claudia Pozzana và Alessandro Russo (hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc và cũng là nhân chứng sự kiện Thiên An Môn) đều cho biết rằng cuộc đấu tranh ở Thiên An Môn gồm nhiều phần tử xã hội khác nhau với nhiều đòi hỏi khác nhau. Nhưng ngay khi cuộc đấu tranh chưa lan rộng thì Đặng Tiểu Bình, theo các bản sao các cuộc họp của Đặng Tiểu Bình với Bộ Chính Trị, đã qui kết các cuộc biểu tình của sinh viên là đồng loạn gây mất ổn định và buộc phải đàn áp vô điều kiện. Ông ta cho rằng tất cả các hình thức tổ chức chính trị độc lập đều là nguyên nhân của mất ổn định và phải được dẹp lập tức. Đặng Tiểu Bình đọc từng chữ bài xã luận đăng trên các báo ngày 26 tháng 4 để công bố chính thức là ông ta sẽ đàn áp phong trào đấu tranh. Nhưng trong khi Đặng Tiểu Bình chưa điều động kịp quân đội để đàn áp thì phong trào đã dịu xuống từ giữa tháng 5, số người biểu tình ở Thiên An Môn đã thưa dần. Đến cuối tháng 5 thì hầu hết các nhà báo nước ngoài đã bỏ về nước vì họ cho rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc. Nhưng đối với Đặng Tiểu Bình nếu để cho những người biểu tình còn lại ở Thiên An Môn tự giải tán một cách yên ổn thì không giải quyết được vấn đề là làm sao có thể đàn áp thẳng tay nhằm gây một dấu ấn kinh hoàng trong đầu óc của người dân khiến cho họ không dám màng đến những hoạt động chính trị nữa trong tương lai. Do đó, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng (Thủ tướng chính phủ đương nhiệm) đã ra lệnh cho các tướng lĩnh cố tình gây hàng loạt vụ khiêu khích chết người ngày 2 và ngày 3 tháng 6 để kéo dân chúng trở lại Thiên An Môn. Sau đó lấy cớ đàn áp một cách tàn bạo từ ngày 4 tháng 6 trở đi. Công nhân là những người bị đàn áp tàn nhẫn nhất vì họ có tổ chức.[9]

     B. Đàn áp và Phát triển sau sự kiện Thiên An Môn
    Như đã đề cập ở trên, Uông Huy đã chứng minh rất rõ là trong những tháng sau sự kiện Thiên An Môn chính quyền Trung Quốc thi hành hàng loạt các biện pháp kinh tế chống bình đẳng mà đã không thể thông qua được trước đó. Luận điểm chính của Uông Huy là cuộc đàn áp phong trào đấu tranh năm 1989 đã giúp đẩy mạnh chủ nghĩa tân tự do. Uông Huy cho biết là không có sự khác biệt giữa các nhóm “tân tự do” và các phe nhóm của “nhà nước đảng,” cả hai đều không khoan nhượng nhất là trong việc dùng bạo lực để đàn áp. Trên thực tế có sự liên minh chặt chẽ giữa các nhóm nầy; và các lực lượng kinh tế chóp bu của Trung Quốc chưa bao giờ độc lập đối với “nhà nước đảng.” Đảng Cộng Sản Trung Quốc bảo đảm trật tự tuyệt đối, không ai có thể nhúng tay vào các hoạt động của nhà nước từ bên ngoài, và chính trị là lĩnh vực biệt lập của tầng lớp thống trị. Do đó, trong 20 năm qua tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bóp chẹt tất cả các nguyện vọng đổi mới trong hầu hết mọi lĩnh vực, trừ lĩnh vực tăng trưởng kinh tế một cách vô tội vạ.[10]
    Nhưng tăng trưởng kinh tế như thế nào, cho ai, và có mầm móng bền vững không? Theo nhiều nghiên cứu thì cuộc đổi mới theo chủ nghĩa tư bản “mang màu sắc Trung Quốc” trong 20 năm qua đã đưa Trung Quốc, vốn là một nước liệt vào hạng thu nhập thấp nhất thế giới, trở thành một nước có cách biệt giàu-nghèo cao nhất thế giới. Thu nhập ở Thượng Hải cao gấp 8 đến 10 lần thu nhập tại các địa phương khác.[11]  Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã phải công nhận rằng sự cách biệt giàu-nghèo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cao nhất thế giới, trong đó mức thu nhập ở các thành thị cao hơn nông thôn gấp 6 lần.[12] Đến năm 2006, trong khoảng trên dưới 10 năm, hơn 70 triệu hộ nông dân đã bị tước đoạt toàn bộ ruộng đất và khoảng 30 triệu hộ nữa đang trong danh sách sắp bị truất hữu.[13] Trong khi đó, để có được tăng trưởng GDP với tỷ lệ trung bình là 10% trong 20 năm qua, Trung Quốc đã gây ô nhiễm rất lớn và đã sử dụng cạn kiệt các nguồn nguyên liệu và nhiên liệu trong nước.[14]
    Hơn thế nữa, theo phân tích của nhiều kinh tế gia trên thế giới, con số tăng trưởng GDP được chính phủ Trung Quốc đưa ra là giả tạo, là trong thực tế tỷ lệ tăng trưởng chỉ khoảng 5% nếu không có đầu tư rất cao của tư bản toàn cầu.[15] Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cho rằng các số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã được thổi phồng quá lớn, phải trừ ít nhất là 2% ra khỏi các báo cáo chính thức. Họ cũng trừ thêm 3% khỏi tỷ lệ tăng trưởng GDP vì cho là việc nông dân bỏ đất đai trồng trọt để lên thành thị kiếm việc làm chỉ có thể kích thích phát triển kinh tế trong tạm thời, nhưng lâu dài sẽ gây rất nhiều khó khăn xã hội. Nếu không có đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI, Foreign Direct Investment), đến năm 2004 đã lên đến 60 tỷ Mỹ kim, thì kinh tế Trung Quốc đã có thể bị suy thoái liên miên.[16] Một đều lạ nên được lưu ý là mặc dầu những con số chính thức của Trung Quốc cho biết là trong 20 năm qua GDP tăng trưởng trung bình 10% một năm, tỷ lệ tăng việc làm chỉ trung bình có 1% một năm trong suốt thập kỷ 90. Trên thực tế số người có việc làm chỉ tăng trong khu vực kinh tế không chính thức, trong khi chất lượng việc làm giảm sút trầm trọng.[17] Số người thất nghiệp hiện nay rất lớn. Một số nghiên cứu cho biết là trong 10 năm tới Trung Quốc phải tìm việc làm mới cho 300 triệu người hầu mong có thể ngăn chặn được một sự bùng nổ của khủng hoảng xã hội.[18]

     C. “Phát triển khoa học, xã hội hài hòa”?
    Theo những con số chính thức chính quyền Trung Quốc đưa ra thì đã có những “sự cố” lớn bùng nổ trong nông thôn vì một số lý do như đất đai bị quan chức địa phương cướp: Năm 1993 có 8,700 vụ biểu tình và nổi loạn của nông dân, năm 1999 có 32,000 vụ, năm 2003 có 58,000 vụ, năm 2004 có 74,000 vụ, và năm 2005 có 87,000 vụ.[19] Đầu năm 2006 bộ trưởng an ninh công cộng của Trung Quốc, ông Zhou Yongkang (周永康 Chu Vĩnh Khang), công nhận là hàng năm có hàng vạn “sự cố lớn” (mass incidents) và những cuộc biểu tình nổi loạn đã tăng 10 lần trong thời gian 10 năm. Ông Zhou Yongkang cũng cho biết thêm rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bắt đầu truyền bá các “tiêu chuẩn đạo đức” của Khổng Tử hòng kiềm chế các sự bùng nổ khủng hoảng xã hội.[20] Hồ Cẩm Đào cũng đã thường phải đề cập đến “bình đẳng xã hội”, phát triển một cách khoa học để xây dựng một “xã hội hài hòa,” và một “nông thôn xã hội chủ nghĩa mới.” Nông dân được cam kết giáo dục sẽ miễn phí, y tế và các phương tiện công cộng sẽ tốt hơn, và bao cấp của nhà nước cấp sẽ lớn hơn. Nhưng quyền sở hữu đất đai mà nông dân đang cầy cấy thì không có trong danh sách hứa hẹn ấy vì Hồ Cẩm Đào phải làm vừa lòng các thế lực tư bản trong và ngoài nước.[21] Không có quyền cơ bản nầy thì nông thôn sẽ không có thể chui vào con lốc của quyền lực và lợi nhuận hiện nay tại Trung Quốc. Sự phân cấp xã hội-kinh tế sẽ tiếp diễn và sẽ không cho phép Hồ Cẩm Đào thực hiện lời hứa xây dựng một “xã hội hài hòa” cho Trung Quốc.
    Thật ra Hồ Cẩm Đào và hầu hết các lãnh tụ của “nhà nước đảng” Trung Quốc chỉ muốn cho “xì hơi” bớt để tránh bùng nổ và để cho hệ thống thống trị có thể tiếp tục hoạt động. Nếu không cải thiện, sự căng thẳng nầy sẽ đẩy một số công ty đa quốc gia chuyển đầu tư sang các nước khác ở Châu Á và sẽ tạo điều kiện cho các nước nầy có cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào dùng khẩu hiệu xây dựng một “nông thôn xã hội chủ nghĩa mới” và “phát triển khoa học, xã hội hài hòa” như là chiêu bài đấu tranh quyền lực với các nhóm tư bản thành thị, nhất là nhóm Thượng Hải. Từ khi trở thành chủ tịch nước năm 2002 Hồ Cẩm Đào đã cố gắng củng cố quyền lực của chính quyền trung ương và thiết lập một trật tự mới mà nhiều nghiên cứu cho rằng áp bức hơn tất cả các chính quyền nào khác từ thời Mao Trạch Đông.[22]
    Thế thì tại sao các chính quyền phương Tây, đặc biệt là Hoa Thịnh Đốn, đã hô hào là Trung Quốc càng ngày càng dân chủ và đã đối đãi với Trung Quốc đặc biệt hơn tất cả các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương? Đó là vì có các thế lực công ty đa quốc gia giựt dây phía sau, nhất là sau cuộc khủng hoảng tiền tệ/kinh tế năm 1997-98. Những năm phát triển “thần kỳ” đã giúp cho các nước Đông Nam Á có năng lực và thế cạnh tranh tốt hơn. Sau cuộc khủng hoảng thì các nước nầy và Hàn Quốc có cơ hội trở thành những nước dân chủ hơn, là những nước có nhiều tài nguyên; và sau các cuộc cải cách do áp lực của IMF cũng đã có thể cạnh tranh tốt hơn nhờ chi phí lao động còn rẻ. Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn hơn cả vì có một chính quyền có thể ra tay trấn áp nhân dân lao động mạnh nhất và có chính sách thương mại khá thông thoáng. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng 4 năm 2006 ông Hồ Cẩm Đào cam kết sẽ mở cửa rộng thêm hơn nữa cho đầu tư nước ngoài vào vì ông ta biết rằng đối với các chính quyền tư bản, đặc biệt là Hoa Kỳ, vấn đề có hàng tiêu dùng rẻ vẫn quan trọng hơn những giá trị căn bản nhưng trừu tượng như là tự do và nhân quyền.

     D. Càng phát triển càng tự do?
    Mô hình phát triển của Trung Quốc là dùng tăng trưởng kinh tế để đè bẹp tự do và dân chủ. Đặng Tiểu Bình đã nói: “Làm giàu là vinh quang.” Nhưng làm giàu cho ai? Ai vinh quang? Theo số liệu chính thức của Trung Quốc thì từ năm 1980-1997, tức là những năm nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, tỷ lệ bất bình đẳng tăng 50%. Sau đó, tốc độ còn tăng nhanh hơn; để rồi đến năm 2006 hơn 60% giá trị của tất cả của cải và tài sản nội địa Trung Quốc đã thu gom vào tay của dưới 1% tổng số hộ gia đình.[23] Gần 30% số hộ nông thôn không dủ ăn, thu nhập trung bình dưới 1 Mỹ kim một ngày.[24] Số người ăn xin trong các thành phố tăng lên gấp bội vì các chính quyền địa phương bất lực và vì chính sách hộ khẩu không còn có thể kiểm soát các luồng dân nông thôn chảy vào thành phố để kiếm việc làm.[25] Mặt khác, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu dùng xa xí phẩm nhiều thứ ba trên thế giới.[26]
    Lý do chính cho sự cách biệt trên là chính trị chứ không phải kinh tế. Nếu người dân Trung Quốc có tiếng nói chính trị thì sự cách biệt nầy đã không xảy ra lớn và nhanh như vậy. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu mô hình phát triển kiểu Trung Quốc nầy có thể tồn tại lâu dài và đem đến “an cư lạc nghiệp” cho nhân dân Trung Quốc không? Antonio Gramsci, nhà tư tưởng chính trị người Ý theo truyền thống Mác-xít, nói rằng bất cứ một chính quyền nào cũng cần có hai vòng đai bảo vệ: Vòng ngoài là vòng “thiết giáp của trấn áp”; vòng trong là vòng đồng thuận (vòng ý thức hệ) được thiết lập để củng cố vòng ngoài và để biện minh hay chính thống hóa sự trấn áp của chính quyền. Vòng trong được cấu tạo với xã hội dân sự và là vòng đai bảo vệ quan trọng nhất của chính quyền.[27] Vì “nhà nước đảng” Trung Quốc hiện nay chủ yếu chỉ có một vòng đai, vòng đai trấn áp bằng vũ lực, họ đã và đang phải cố gắng hô hào và cổ vũ cho một loại chủ nghĩa dân tộc (chủ yếu là chủ nghĩa Đại Hán) để tạo nên một ý thức hệ đồng thuận có thể dùng làm vòng đai phía trong. Chủ nghĩa dân tộc nầy được nhào nặn và sử dụng bằng nhiều hình thức mà một số nhà nghiên cứu đã phân tích.[28] Những thể hiện hết sức nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc nầy trong các lĩnh vực quân sự và ngoại giao cũng đã được người viết bài nầy phân tích trong một số nghiên cứu đăng trên các tạp chí nước ngoài.[29] Nếu Trung Quốc không thể giải quyết những mâu thuẫn trong nước bằng bạo lực được thì Trung Quốc sẽ có thể dùng vũ lực để xuất khẩu các mâu thuẫn đó ra bên ngoài như Nhật Bản đã áp dụng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 dưới học thuyết “phú quốc cường binh” hay không? Các nước khác ở châu Á có nên bắt chước mô hình phát triển Trung Quốc không?

    3. Phần viết thêm (Postscript)
    Trong năm qua tình hình kinh tế xã hội của Trung Quốc chỉ xấu thêm chứ không khá hơn. Theo các công bố chính thức của chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng 3 năm 2009 thì trong 5 tháng trước đó đã có hơn 20 triệu công nhân trong các xí nhiệp đã bị mất việc và đã phải chạy về nông thôn. Đây là một con số lớn bằng tổng dân số của Australia. Cũng theo các báo cáo chính thức, Trung Quốc cần tăng trưởng GDP khoảng 9-10% mới có thể cung cấp việc làm cho khoảng 24 triệu người đến tuổi lao động mỗi năm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố là GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 8% năm 2009.[30] Nhưng theo phân tích của nhiều kinh tế gia nước ngoài thì GDP Trung Quốc sẽ tăng tối đa khoảng 6,5% vì một số lý do như sau. Lý do thứ nhất là tuy chính phủ Trung Quốc đã công bố (ngày 9 tháng 11 năm 2008) một chương trình kích cầu với tổng số tiền là 586 tỷ Mỹ kim cho 2 năm 2009-10 (khoảng 7,5% GDP mỗi năm), trong thực tế thì chính quyền Trung Ương chỉ hứa sẽ bỏ ra khoảng 175 tỷ Mỹ kim mà thôi. Số còn lại là do đầu tư của địa phương và tư nhân.
    Khó mà hiểu được trong lúc tình trạng kinh tế trong nước và thế giới sa sút như trong năm qua thì làm sao địa phương và tư nhân muốn đầu tư thêm. Nên nhớ rằng 40% GDP của Trung Quốc là từ công nghiệp chế biến, 40% GDP là do xuất khẩu; và xuất khẩu ròng (tức xuất siêu) là 12% GDP năm 2007-2008. Đầu tư cho sản xuất các năm trước trung bình khoảng 45% GDP và vì thế đã giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu sang Mỹ, chẳng hạn, khoảng 20% mỗi năm. Nhưng các con số trao đổi mậu dịch song phương Trung-Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2009 đã cho thấy là xuất siêu của Trung Quốc đối với Mỹ đã giảm gần đến số không. Năm 2007 xuất siêu Trung Quốc sang Mỹ là 252 tỷ Mỹ kim, tức khoảng 100 tỷ Mỹ kim nhiều hơn số tiền mà chính quyền Trung Ương Trung Quốc nói là sẽ dành cho kích cầu trong hai năm 2009-2010.
    Nếu Trung Quốc vẫn dựa vào xuất khẩu để phát triển thay vì tìm cách tăng mại lực của nhân dân, nhất là cho những người có thu nhập thấp, thì kinh tế Trung Quốc khó mà phục hồi nhanh chóng. Vì Trung Quốc không có quỹ an sinh xã hội, người dân Trung Quốc phải để dành, khoảng 20% thu nhập, để phòng những lúc khó khăn hay rủi ro. Các xí nghiệp lớn của Trung Quốc cũng để dành tiền. Cho nên tổng số tiền để dành của Trung Quốc là khoảng 45-50% GDP. Chính phủ lấy tiền nầy để đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu. Đó là lý do tại sao tỷ lệ đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu chiếm khoảng 45% GDP. Phần lớn tiền để dành của các xí nghiệp quốc doanh là tiền dự trữ ngoại tệ giữ ở nước ngoài để cho nước ngoài vay mua hàng của Trung Quốc.
    Theo một bài nghiên cứu đăng trong tờ The Wall Street Journal thì phần lớn của cải của Trung Quốc đang nằm trong tay của 140 tổng công ty quốc doanh.[31] Từ năm 2003-2008 tài sản (assets) của các tổng công ty nầy mỗi năm tăng trung bình khoảng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1.5 trillion yuan) và giá trị hàng bán ra (sales) mỗi năm tăng trung bình khoảng 1,3 nghìn tỷ. Các công ty nầy được các ngân hàng quốc doanh cho vay 1,08 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm 2009, con số lớn hơn tổng số cho vay năm 2008. Trong khi đó chưa đến 5% của số tiền nầy được cho các xí nghiệp nhỏ và vừa vay. Phần lớn các xí nghiệp nhỏ và vừa nầy là của tư nhân và chính phủ Trung ương ngăn cấm họ hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có lợi nhuận lớn nhất.
    Cũng theo bài báo trên thì người giàu càng ngày càng giàu thêm và người nghèo càng ngày càng nghèo thêm. Hiện nay tại Trung Quốc có khoảng 300 nghìn người có tài sản trên 10 triệu đồng nguyên mỗi người. Trong khi đó thì thu nhập của nông dân và công nhân (hơn 65% của tổng số 1,3 tỷ người) đã giảm xuống đến 41,4% GDP năm 2006—tức năm cuối cùng có số liệu chính thức—so với 53% năm 1998. Ở các nước phát triển như Nhật và Mỹ thu nhập của công nhân và nông dân thường là từ 50-60% GDP. Thêm vào đó y tế và giáo dục cho nông dân và công nhân một là, không có, hai là, nếu có, thì rất tồi tệ. Theo báo cáo năm 2008 của Bộ Y Tế có khoảng 200 triệu công nhân và nông dân mắc bệnh từ những công việc làm của họ.
    Không phải giới cầm quyền Trung Quốc không biết là khoảng cách giàu-nghèo đã đến mức trầm trọng. Trong một bài báo đăng ngày 26 tháng 6 năm 2009 một tác giả khác cho biết là trước đó vài ngày một thành viên của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc công bố một vài con số chính thức về phân cấp giàu-nghèo như sau: 70% của tất cả của cải tài sản tại Trung Quốc tập trung trong tay của 0,4% dân số (tập trung cao hơn tại Mỹ). Hay nói cách khác, 99,6% tổng dân số Trung Quốc chỉ hưởng có 30% của cải của nước họ.[32] Giới cầm quyền Trung Quốc biết là phân cấp giàu-nghèo nầy, chủ yếu là qua tham nhũng và lạm quyền của quan chức các cấp, đã và sẽ gây thêm nhiều cuộc nổi dậy của quần chúng mà họ dùng mỹ từ “sự kiện đại chúng” để gọi. Vì thế, giới cầm quyền Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn  ̶  từ làm “công tác tư tưởng” đến đàn áp bằng vũ lực  ̶  để “trị an.”[33] Theo Perry Link và Joshua Kurlantzick, hai học giả về Trung Quốc, “Điều rất đáng lo ngại hơn là chính phủ [Trung Quốc] đang chuyển sự thành công của họ trong nước ra thành sự thành công ở nước ngoài, nơi mà “mô hình Trung Quốc” về chủ nghĩa tư bản độc đoán đang rất ăn tiền. Chính phủ các nước từ Syria đến Việt Nam đang ca ngợi Trung Quốc.”[34]
    Nhiều người đang quan tâm, nếu không nói là quan ngại, trước thái độ khâm phục Trung Quốc của một số lãnh tụ và trí thức Việt Nam hiện nay cũng như trước các hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông Nam Á như vây quanh hay va chạm chiến thuyền của Mỹ và bắt  ngư dân Việt Nam buộc Mỹ gần đây phải đưa ra hàng loạt chính sách cụ thể để chứng tỏ rằng Hoa Kỳ vẫn còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của họ cũng như của những quốc gia khác trong khu vực.[35] Đây là vấn đề khá phức tạp và ngoài phạm vi bài nầy. Nhưng cũng đã có một số phân tích về chính sách hiện nay của Mỹ và Trung Quốc trên một số diễn đàn khác.[36]
    Tháng 7-2009
    Ngô Vĩnh Long
    Chú thích
    [1] Hai tên gọi, Trung Quốc (中國 zhongguó) và Trung Hoa (中華 zhonghuá), đã được sử dụng từ thời nhà Chu () — từ thế kỷ thứ 10 đến năm 221 trước công nguyên — để phân biệt với “thiên hạ” (天下 tian xìa), tức là những nước và dân tộc chưa được nhà Chu thôn tính và khai hóa.
    [2] Ngay sau khi nhà Chu vừa mới thôn tính nhà Thương () thì Chu Công đã nói là người ta có thể chiếm một nước trên lưng ngựa nhưng không có thể giữ nước đó trên lưng ngựa được. Nghĩa là không có thể dùng vũ lực và bạo lực để cai trị một cách ổn định được.
    Để trị an, Chu Công quan niệm rằng phải có một ý thức hệ bao trùm tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là trong các tầng lớp cai trị. Vì thế, Chu Công và các vị vua đầu tiên của triều đại Tiền Chu hay Tây Chu (1122-771 trước công nguyên) giới thiệu hai khái niệm đi đôi với nhau là “Thiên” ( ) và “Đức” ().
    Thiên là một động lực đạo đức bao quát cai quản toàn thể vũ trụ và loài người và được nhà Chu dùng để thay thế “Thượng Đế” (  ), ông tổ của nhà Thương và cũng là vị thần làm mưa làm gió. Đức là hành động đứng đắng của con người, hài hòa với các nguyên lý đạo đức của vũ trụ. Thiên ngồi trên phán xét, một cách không thiên vị, các hành động của người cầm đầu thiên hạ và cho người nầy có quyền, gọi là “thiên mạng” ( ), để làm trung gian giữa thiên ý và nhân mạng, tức là vận mạng của con người. Người có thiên mạng để cai trị (thiên tử  ) là người phải có Đức, tức là phải có trách nhiệm đối với xã hội loài người bằng cách làm cho dân chúng được “an cư lạc nghiệp.” An cư lạc nghiệp có nghĩa là xã hội ổn định và kinh tế phát triển cho hạnh phúc của quần chúng. Khái niệm trên được coi như là một khế ước giữa trời và người (thiên và thiên hạ) và trời không có quyền tự hủy cái giao kèo đó. Khi có “thiên tai” làm cho con người bị đau khổ, đó không phải là vì trời thất hứa mà là vì giới cầm quyền không có chính sách đứng đắng và hài hòa với các nguyên lý đạo đức của vũ trụ nên mới gây mất ổn định. An lạc là nguyên lý trọng tâm. Nếu dân chúng bị đau khổ, vì thiên tai hay là vì chính sách không đứng đắng của nhà cầm quyền, thì quần chúng có quyền “cách mạng” ( ).
    Hai luận điểm trên được nhà Chu phát triển như là một ý thức hệ giúp cho triều đại nầy cai trị ổn định mấy trăm năm. Sáu trăm năm sau giai đoạn Chu Công thi hành hai luận điểm trên thì Khổng Tử dùng chúng làm cốt lõi cho hệ thống tư tưởng của ông. Sau đó, các trường phái Nho học, đặc biệt dưới thời Hán, thể chế hóa các luận điểm nầy thành nền tảng của ý thức hệ cai trị mà các triều đại đế chế Trung Quốc đã liên tục sử dụng để ổn định xã hội và bảo vệ chính quyền. Một tầng lớp sĩ phu đã được đào tạo và liên tục trưởng thành trong hơn hai nghìn năm để điều hành và củng cố các thể chế đặt ra.
    Vị trí của “Sĩ” phản ánh qua câu:
    Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
    Dân hữu tứ Sĩ vi chi tiên
    Có giang sơn thì Sĩ đã có tên
    Thời Chu Hán vốn Sĩ nầy là quí…
    (Kẻ Sĩ—Nguyễn Công Trứ)
    [3] Bài tham luận đó có tựa đề là: “Một vài nhận xét về quan hệ giữa ‘trách nhiệm xã hội, ổn định và phát triển’ trong lịch sử một vài nước Á Châu.” Vì lý do kỹ thuật, chỉ có phần nói về Trung Quốc đã được đưa lên mạng hội thảo trước và hiện nay còn nằm tại đây: http://hoithao.viet-studies.info/2008_NgoVinhLong.pdf. Trong bài tham luận của tôi tại hội thảo tôi đã dùng hơn một nửa thời gian trình bày diễn tiến của mô hình phát triển Hàn Quốc từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước cho đến năm 2007. Sau hội thảo tôi đã phát triển phần Hàn Quốc nầy đến gần 50 trang và hiện nay còn đang hiệu đính để có thể cho xuất bản.
    [4] “China’s New Order and Past Disorders…”, như trên, trang 348-349.
    [5] Như trên, trang 339. Li Rui, Lushan huiyi shilu (Báo cáo trung thực về Hội nghị Lư Sơn). Changsha: Hunan jiaoyu chubanshe, 1989.
    [6] “China’s New Order and Past Disorders…”, như trên, trang 341-342.
    [7] Wang Hui, như trên. “China’s New Order and Past Disorders…”, như trên, trang 330-331.
    [8] Perry Link and Andrew Nathan, eds. The Tiananmen Papers. New York: Public Affairs, 2001.
    [9] “China’s New Order and Past Disorders…”, như trên, trang 330-339. Muốn có thêm chi tiết, xin xem The Tiananmen Papers.
    [10] Xem: William H. Thortorn, “Hu Goes There? Sino-globalism and the Ghost of Tiananmen,” ZNet, ngày 25 tháng 4 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.zmag.org/content/print_article.cfm?itemID=10153&sectionID=103
    [11] Richard Baum, “Where is China Going?” UCLA Asia Institute, ngày 13 tháng 12 năm 2002. Bài nầy có thể tải về từ: http://international.ucla.edu/asia/print.asp?parentid=2799.
    [12] Richard Spencer, “China Rich-Poor Gap is World’s Worst,” Telegraph, ngày 17 tháng 2 năm 2004. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.telegraph.co.uk.
    [13] Jim Yardley, “Farmers Being Moved Aside by China’s Real Estate Boom,” The New York Times, ngày 8 tháng 12 năm 2004. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.nytimes.com/2004/12/08/international/asia/08china.html
    [14] Jim Yardley, “Bad Air and Water, and a Bully Pulpit in China,” The New York Times, ngày 25 tháng 9 năm 2004. Bài nầy có thể tải về từ:http://www.nytimes.com/2004/09/25/international/asia/25fprofile.html
    [15] Xem: Thomas G. Rawski, “What’s Happening to China’s GDP Statistics?” China Economic Review 12:4 (2001), Bài nầy có thể tải về từ:http://www.pitt.edu/~tgrawski/papers2001/gdp912f.pdf.  Arthur Waldron, “China’s Economic Façade,” Washington Post, ngày 21 tháng 3 năm 2002. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.taiwandc.org/wp-2002-01.htm
    [16] William H. Thornton, “Sino-Globalization: Politics of the CCP/TNC Symbiosis,” New Political Science, Volume 29, Number 2, June 2007, trang 217.
    [17] Như trên.
    [18] Guy Ryder, “Whose Miracle in China?” New Perspectives Quarterly 23:1 (2006). Bài nầy có thể tải về từ:http://www.digitalnpq.org/archive/2006_winter/ryder.hmtl
    [19] “Sino-Globalization…”, trang 219.
    [20] “Who Should Own the Good Earth of China,” The Christian Science Monitor, ngày 15 tháng 3 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ:http://www.csmonitor.com/2006/0315/p08s01-comv.html
    [21] Jim Yardley, “China Unveils Plan to Aid Farmers, but Avoids Land Issue,” The New York Times, ngày 23 tháng 2 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.nytimes.com/2006/02/23/international/23rural.html
    [22] Xem: Robert Marquand, “Hu Sets Out Blueprint for China’s Future,” The Christian Science Monitor, ngày 6 tháng 10 năm 2005. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.csmonitor.com/2005/1006/p06s02-woap.htm. Minxin Pei, “The Chinese Communist Party,” Foreing Policy,September/October 2005. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.foreignpolicy.com/story/cms.php?story-id=3174&print=1.
    [23] C. T. Kurien, “Giants of the East,” FrontLine 23:26, ngày 30 tháng 12 năm 2006—ngày 12 tháng giêng năm 2007. Bài nầy có thể tải về từ:http://www.hinduonnet.com/fline/fl2326/stories/20070112000507400.htm.
    [24] Pranab Bardhan, “Does Globalization Help or Hurt the World’s Poor?” ScientificAmerican.com, ngày 26 tháng 3 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.sciam.com.
    [25] Jim Yardley, “China is Paying a Price of Modernization: More Beggars,” The New York Times, ngày 7 tháng 4 năm 2004. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.nytimes.com/2004/04/07/international/asia/07beggars.html.
    [26] Zijun Li, “Luxury Spending: China’s Affluent Entering ‘Enjoy Now’ Phase of Consumption,” World Watch Institute, ngày 16 tháng 12 năm 2005. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.worldwatch.org/features/chinawatch/stories/20051216-1.
    [27] Antonio Gramsci, Selections from the Prison Notebooks. London: Lawrence and Wishart (1971), trang 124, 238, 263, 363.
    [28] Một ví dụ là: William A. Callahan, “History, Identity, and Security: Producing and Consuming Nationalism in China,” Critical Asian Studies38: 2 (2006), trang 179-208.
    [29] Một số bài tiếng Việt đã đăng trên Tạp Chí Thời Đại Mới: http://tapchithoidaimoi.info.
    [30] “Wen says China to grow about 8% despite crisis.” Bài nầy có thể tải về từ trạm:http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific_business/view/413312/1/.html.
    “PM Wen says China faces ‘unprecedented’ challenges over crisis.” Tải về từ trạm:http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific_business/view/413202/1/.html.
    [31] Willy Lam, “Rich China, Poor Peasants: A Country where weatlh trickles up,” The Wall Street Journal, July 24, 2009. Bài nầy có thể tải về từ: http://online.wsj.com/article/SB10001424052970203946904574301110723410346.
    [32] Alice Poon, “"A Country Whose People Are Poor Cannot Be Called a Rich
    Country." Nguyên văn câu tiếng Anh như sau: “A few days ago, Politburo member 蔡繼明 quoted a report issued by the authorities that says presently 0.4 percent of China’s population controls about 70 percent of the country’s wealth – the degree of wealth concentration is higher than in America. In other words, the remaining 99.6 percent of China’s citizens share only 30 percent of its wealth.” Bài nầy có thể tải về từ:http://www.asiasentinel.com/index2.php?option=com_content&task=view&id=1951&pop=1&page=0&Itemid=324.
    [33] Xem: Hugo Restall, “China Enters a Period of Eruptions,” Far Eastern Economic Review, July 2009. Bài nầy có thể tải về từ:http://www.viet-studies.info/kinhte/china_period_of_eruption.htm.
    [34] Perry Link và Joshua Kurlantzick, “China's Modern Authoritarianism: The Communist Party's ultimate goal is to stay in power, not to liberalize,” The Wall Street Journal, May 25, 2009. Bài nầy có thể tải về từ:http://online.wsj.com/article/SB124319304482150525.html#printMode.
    Nguyên văn tiếng Anh: “Even more worryingly, the government is translating its success at home into success abroad, where the "China model" of authoritarian capitalism is gaining currency. Governments from Syria to Vietnam have sung its praises.”
    [35] Những tài liệu về chính sách của Mỹ gần đây cũng như những bài vở về hoạt động của Trung Quốc tại Việt Nam và khu vực trong những tháng quacó thể tải về từ trạm: http://www.viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm.
    [36] Một ví dụ là bài phỏng vấn Radio France Internationale (RFI) tại đây: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4360.asp.
    Nguồn:http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai16/200916_NgoVinhLong_TQ.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org