Phan Chu Trinh
Thưa các anh em đồng bào!
Anh em đồng bào thấy tôi là người
tuổi tác, ở lâu năm bên Pháp về, anh em đồng bào có lòng quá yêu, nhường cho
tôi bước đầu lên diễn đàn nhà hội "Việt Nam" ta đây, để tỏ ý kiến là
hy vọng của tôi đối với xã hội Việt Nam ta từ ấy đến giờ, thì tôi rất lấy làm cảm
tạ vô cùng.
Không nói, tưởng anh em đồng bào
cũng đã biết tôi vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam mà phải lăn lóc đến mười tám
năm nay. Trong khoảng 18 năm đó (hơn 14 năm ở Pháp) thường mong mỏi được gặp mặt
anh em đồng bào cố hương, đặng tỏ chút ý kiến về những sự đã được nghe thấy
trong khi tôi trôi nổi nơi đất khách quê người. Không ngờ giấc mộng được thành,
trở về nơi chôn nhau cắt rốn, giáp mặt anh em đông đủ thế này. Tôi mừng quá.
Thưa anh em đồng bào, nay tôi đã
được gặp anh em đông đủ ở đây, tôi xin anh em cho phép tôi được giải bày đôi
chút ý kiến về "Đạo đức luân lý Đông Tây" mà mong rằng anh em để ý hiểu
cho. Đáng lẽ theo thời nay, không thiếu chi vấn đề rất quan trọng làm rung động
các dân tộc trên toàn cầu, tôi có thể nói chuyện cùng anh em được, thế mà tôi lại
không lựa đến mấy vấn đề mới mẻ ấy, chỉ chọn lấy cái vấn đề "Đạo đức và
luân lý" rất tầm thường mà rất cũ kỹ thế này.
Tôi chọn lấy vấn đề này, là vì
tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu
vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc
trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ sức mạnh thôi, mà phải nhờ cái đạo đức
làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị
người đè lên trên thì lại cần có một đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh
hơn mình.
Câu chuyện đạo đức tôi sẽ giải ra
sau này không cao xa gì, mà cũng không như câu chuyện đạo đức các ông thuộc về
phái thủ cựu thường đã nói. Đạo đức đây chỉ là: "Phàm đã là một
dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một lịch sử chính đáng, thì phải giữ gìn
những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình", nghĩa là giữ lấy những
đức hay tính tốt mấy trăm nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nuớc nào dân tộc
nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại là một cái tính chất của
một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt
nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được.
***
Thưa các anh em đồng bào!
Tôi lâu nay lưu lạc, bây giờ trở
về mới liếc mắt trông qua vài hiện trạng của mước nhà ta, tôi rất lấy làm buồn
lắm. Than ôi! Cái đạo đức cũ đã mất từ bao giờ không khác gì trái cây khô, mà đạo
đức mới cũng chưa hình thành gì cả. Thử xem các ông cựu học thì bo bo nói rằng
phải buộc bọn thiếu niên tân tiến theo đạo đức cũ. Nhưng chán thay, các ông chỉ
nói thế thôi, xét ra thì những lễ, nghĩa, liêm, sỉ các ông bỏ mất không biết gì
đến rồi, mà đạo đức cũ ông cha ngày xưa để lại cũng theo dòng nước chảy xuôi,
Đó là nói các ông không biết giữ gìn đó thôi, chớ như đem ngay cái luân lý cũ kỹ
mấy nghìn năm trước mà so sánh với luân lý của thế giới ngày nay thì cũng trái
ngược lắm rồi. Còn các bạn thiếu niên thấy ông lù khù như thế lại càng làm giàu
thêm cái tính kiêu căng, học được chút ít đã vội tưởng mình hơn các cụ già rồi,
không giữ gìn tính nết, thành ra cách ăn ở Tây không ra Tây, mà Nam cũng không
ra Nam. Điều này không chỉ tôi nói ra đây mà thôi, chính người Pháp ở thuộc địa
lâu ngày viết sách chê đến đã nhiều.
Anh em ta đây tất cũng thấy người
ta thường nhóm năm nhóm bảy với nhau rằng cái tính của người Tây kiêu ngạo hay
khinh người, nhưng ta hãy tự hỏi ta điều đó, ta xem cách ta ăn ở có đáng cho
người ta kính trọng không? Sự đó không thiếu gì là gương cũ ta có thể kể ra được.
Đã mấy mươi năm nay, nhờ cái phong trào của thế giới xô đẩy mà trong nước ta
cũng có đảng Thủ cựu, đảng Duy tân, đảng Hòa bình, đảng Kịch liệt làm ồn ào cả
lên mà rút cục lại chẳng thành hiệu quả gì. Đến khi đổ vỡ ra thì thấy toàn những
đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho
người ta trông vào thấy thế càng khinh dễ thêm, càng vày đạp thêm.
Ông Khổng nói rằng: "Tài giả
bồi chi, khuynh giả phúc chi" nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm
cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. Ông Mạnh cũng nói rằng:
"Nhân tất tự vũ nhi hậu nhân vũ" nghĩ là mình có tự khinh mình thì
người ta mới khinh mình. Vậy không trách mình thì còn trách ai! Bữa nay tôi chọn
cái vấn đề này mà nói chuyện cùng anh em đồng bào, chính là vì cái chính ý đó.
Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng
thôi, ít khi chịu tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm.
Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức
là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần
trong đạo đức mà thôi. Đã là người thì cần có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần,
kiệm. Nhân là có lòng thương người, nghĩa là làm việc phải, lễ là ăn ở cho có lễ
độ, trí để làm việc cho đúng, tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin
mình mới làm được việc, cần là làm việc siêng năng, kiệm là ăn ở dành dụm trong
lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v.. Người có đạo đức là
người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức như thế thi không có mới có cũ, có
đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được cái đạo
đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu
chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hắc cộng sản nữa, cũng không
tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức nghĩa là đạo đức thì không bao giờ
thay đổi được.
Luân lý thì không thế. Luân lý có
thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mỗi khác. Thí dụ như nước ta về
thời nhà Đinh lập được năm bà Hoàng Hậu mà đến các đời sau như Lê, Lý, Trần,
Tây Sơn, Nguyễn, thì chỉ lập có một hoàng hậu mà thôi; như đời Trần thì người
trong họ được lấy nhau mà tục ấy đời sau lại cấm. Đời nhà Trần khi nào trong nước
có giặc thì vua triệu những bậc phụ lão trong nước vào điện để bàn bạc, mà đến
đời sau thì chỉ một lũ vua tôi làm chuyên chế với nhau mà thôi.
Lại thí dụ như xứ này hễ cha mẹ
chết thì đem ăn thịt hoặc đốt đi, mới gọi là hiếu, mà xứ kia thì phải làm đám
táng có kèn trống linh đình mới phải đạo làm con. Xem những cớ đó thì đủ biết rằng
luân lý có phải là thứ thiên niên bất dịch đâu mà kỳ thật có thể tùy thời mà
thay đổi vậy. Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức.
Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn là luân lý như cái áo
tùy người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái áo đi, chí như đạo
đức là như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người dẫu muốn thay đổi
cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức giả.
Tôi giải rõ hai chữ luân lý và đạo
đức khác nhau như thế là cốt ý sẽ bàn về sự thay đổi luân lý của nước ta và đề
phòng khi anh em đông vào nghe đến "thay đổi luân lý" khỏi lấy làm giật
mình. Trước khi tôi chưa giải rõ nghĩa hai chữ luân lý đạo đức, nếu tôi nói:
"Ngày nay ta phải bỏ quân chủ lập dân chủ mới họp thời" thì chắc cũng
có mấy ông hiểu lầm hai chữ luân lý là đạo đức đều ứng lên mà la rằng: "Bỏ
quân chủ thì nền đạo đức cũ của nhà Nam ta cũng đổ nát theo còn gì!" Nhưng
bây giờ thì anh em cũng không đến nỗi hiểu lầm như thế nữa.
Vậy tôi xin
bàn qua hai chữ luân lý Đông Tây:
Luân lý của người Âu Tây dạy cho
con trẻ phải thờ cha kính mẹ, thương yêu bà con họ hàng, tưởng cũng còn hơn cái
luân lý của ta dạy bằng "Tam Tự Kinh" và "Tam Thiên Tự".
Luân lý của họ cũng không khác gì mình, duy theo pháp luật thì con trai con gái
họ đến 21 tuổi là tuổi trưởng thành, thì có thể lìa cha mẹ mà độc lập được,
nghĩa là "đến tuổi có nghĩa vụ mà trách nhiệm đối với luân lý quốc gia tất
nhiên phải nhẹ gánh gia đình đi". Người mình thấy luân lý của người ta
khác mình và có lẽ lại sơ lược hơn mình thì cho là mọi rợ, chớ biết đâu khi xưa
họ cũng như mình. Song từ khi cái tư tưởng quốc gia của họ đã tiến lên thì cái
tư tưởng gia đình lần lần nhẹ bớt đi, ấy cũng là lẽ tiến hóa tự nhiên ... Cũng
như ngày nay cái phong trào xã hội bên châu Âu mạnh quá, khiến cho lắm nhà triết
học đã nghĩ đến cách làm thế nào phá tan cái vòng gia đình chật hẹp kia, cho mọi
người trong nước được bình đẳng, nghĩa là kẻ giàu người nghèo đều được giáo dục
và sinh hoạt như nhau, không đến nỗi như ngày nay xa nhau một trời một vực, phá
cái thành "phân cách" chặn ngang các hạng người như thế, là cốt giữ
gìn trật tự trong xã hội và ai ai cũng được bình đẳng như nhau.
Nói về quốc
gia luân lý châu Âu
Quốc gia luân lý châu Âu phát đạt
từ hồi trung cổ nghĩa là từ thế kỷ thứ XVI nền quân chủ đang thịnh. Vua của họ
hồi ấy cũng như vua của ta, nghĩa là tự thánh tự thần làm chuyên chế quá cho
nên mới nảyra nhiều nhà đại triết học thuyết minh vua là gì, nước là gì, nói ra
có giới hạn, rất phân minh, khiến cho ai nấy đều hiểu quốc gia có quan hệ mà nhẹ
bớt gia đình.
Thứ hai là từ thời có dân tộc ở
châu Âu đều có tính háo chiến cho nên thường lấy sự thắng trận làm vinh, thua
trận mà làm nhục đánh nhau lung tung. Vì tính háo chiến đó, cho nên dân các nước
bên châu Âu về thời đó, đều có một nền quốc gia luân lý rất bền chặt vững vàng.
Ấy, quốc gia luân lý của họ mà
thành là vì hai cớ đó.
Đến bây giờ thì thời cuộc thịnh
như đã suy, từ khi bốn năm đại chiến như vừa rồi, nước thua dân bị lầm than thì
đã đành, mà nước được dân cũng lắm nỗi khốn thành ra trăm việc đều hư nát mà
nào có ích cho ai! Vì thế nên mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại giáo dục
đều biết rằng cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì được nữa đành phải
bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy. Tuy nước nào cũng có một đảng thủ cựu phản
đối kịch liệt, nhưng cái phong trào xã hội bây giờ cuồn cuộn như nước nguồn
đang đổ, thì làm sao ngăn lại được nữa. Cuộc đại thắng của xã hội luân lý sau
này cũng là một việc dĩ nhiên.
Ấy là bước tiến lên, bỏ quốc gia
luân lý mà bước lên xã hội luân lý, cũng như khi bỏ gia đình luân lý mà tiến
lên quốc gia luân lý vậy.
***
Xã hội không phải là cái luân lý
cường quyền của chính phủ đối với dân, cũng không phải là sức mạnh của nước nọ
đối với nước kia, mà chính là trong nước thì lấy người này đối với người kia,
suy rộng ra thế giới thì lấy loài người đối với loài người.
Trong buổi quốc gia luân lý bên
Âu châu đang thịnh, có câu nói rằng: Một người đối với một người thì có
công lý, còn một dân tộc đối với một dân tộc thì không có công lý, ngày
nay lòng người xu hướng về xã hội luân lý thì lại có câu nói trái lại rằng:Một
người đối với một người đã có công lý thì mấy trăm nghìn, mấy ức triệc người nhập
lại thành một nước, tài nào lại không có công lý.
Đó là tôi tỏ ra rằng chủ nghĩa xã
hội luân lý hiện nay bên châu Âu đã mở mang như thế. Muốn cho dễ hiểu câu
"trong nước người này với người kia" nghĩa là: người có giúp cho người
không, người mạnh giúp cho người yếu như là: bên nước họ mấy nhà giàu bỏ tiền lập
nhà thương, trường học cho con nhà nghèo; những kẻ đi đường thấy người yếu bị
đè nén thì hết sức bênh vực v.v... Nói tóm lại xã hội luân lý là sự suy tự lòng
công đức mà công đức là suy ở tư đức mà ra.
Vì sinh kế, vì lợi quyền, người
bên Âu châu họ cũng tranh giành nhau dữ dội lắm, song giành nhau cũng ở trong
vòng pháp luật mà thôi. Chí như công đức là giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng quyền
lợi cho nhau thì họ vẫn không bỏ. Tôi nói như thế chắc anh em nghĩ cho tôi bên
Tây lâu rồi nên tán tụng như thế chăng. Xin thưa bên Âu châu họ cũng xấu chán,
dân đức của họ cũng chưa đến nỗi hoàn toàn, song dân nào cho dù có 30% hoặc 50%
biết giữ luân lý thì tưởng cũng đủ gọi là họ có rồi. Phong tục họ có xấu mặc
lòng, nhưng trong nước họ còn có đảng Thượng lưu biết lo đời, như mấy nhà đại
chính trị, đại triết học, đại văn hào, đại giáo dục, đứng lên hô hào nào làm
sách, nào viết kịch, nào làm báo, nào diễn thuyết. Cốt phá bỏ những chứng hư tật
xấu của người đời, rồi bọn thiếu niên xã hội, bọn thiếu niên dân chủ cũng tán
thành ó ré theo để lo cứu chữa những đồi phong ác tục trong nước. Chẳng những họ
lo ở trong nước họ mà thôi, họ còn lo đến cả thế giới nữa.
Lấy một việc đó mà so với người
mình quanh năm trọn tháng chỉ lo cho cái xác thịt, cái tuổi già mà vẫn không
xong thì cũng đủ xấu hổ rồi; huống hồ là nói đến việc xã hội nhân quần, họ hơn
ta xa như thế thì làm sao ta không kính trọng họ cho được?
Bây giờ tôi xin đem cái luân lý của
ta so sánh với luân lý của Tây-Âu.
Trên tôi đã nói luân lý của ta có
năm mà thuộc về gia dình hết ba, nghĩa là cha con, anh em, vợ chồng. Nếu nói
theo trí tưởng luân lý từ xưa để lại mà làm cho đúng thì tưởng cũng không còn
chỗ nào chỉ trích được. Như ông Khổng nói: "Cha con có thân, vợ chồng có
biệt, anh em có thứ lớp" nếu ta theo thế mà diễn dịch ra, dẫu gia đình
luân lý của ta hẹp hòi, không được rộng rãi chăng nữa, thì đáng lẽ phải tốt lắm
mới là phải, chớ đâu có tồi bại thế này! Cái nền luân lý ở Á Đông, nhất là ở nước
ta ngày nay đổ nát như thế là bởi các nhà vua chuyên chế làm sai hết cả đạo Khổng
mà ra.
Chẳng những vua quan chuyên chế
mà thôi, họ còn lập mưu khép cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy
nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn
thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nỗi truyền bá ra để trói buộc dân
gian. Như là: "Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiên địa chi
gian", nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách
ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ có cái huy hiệu là ông vua thì
các ông đội lên thôi! Các ông đã tôn vua lên, tất nhiên các ông phải tôn cha
lên mà nói: "Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu" nghĩa
là trong trời đất không có cha mẹ nào quấy. Ôi hủ nho! Hủ nho! Cũng vì mấy câu
tà thuyết của các ngươi mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến
thế này.
Tôi xin kể ra đây một chuyện rất
tầm thường, mắt ta thường thấy, nhưng tưởng ít ai chủ ý đến. Chuyện ấy là chuyện
bài ca và mấy bức tranh Nhị Thập Tứ Hiếu lòe loẹt trên nóc nhà người Nam ta
ngày nay, những bức tranh gai mắt ấy, những câu ca rười tai ấy tả ra câu chuyện
rất vô lý dị đoan bày rõ một cái án tội nhân của đạo đức Khổng Mạnh. Kẻ tốt
quá, người xấu quá đã không nhằm vào đâu, mà những việc tả ra đó y như là quỷ
thuật, không phải là sự ăn ở thật của loài người. Các anh em nghĩ thử bụi tre
mùa đông lá đã rụng khô hết, khóc thế nào mà mọc được măng; nằm trên giá thế
nào mà cá nhảy lên được? Những chuyện hoang đàng ấy tự là Quách Thủ Chính đời
Minh làm ra chớ không phải đã lâu. Nhiều người mắc mưu của Thủ Chính đem các bức
tranh ấy treo vào vách thay mặt cho đạo Nho, thế mà không ai dám chê bai đến.
Luân lý gia đình như thế thì làm sao mà càng ngày càng không lụn bại cho được.
Ta thử nghĩ xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của
mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo
việc đời, thì cũng không muốn cho con lo việc đời, cha mẹ không muốn đi xa nên
cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các ông lớn này, ông lớn nọ
để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là
cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy
con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà
không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi
còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường
học thì thở cái không khí trong trường học (tính mình hay thích giao con cho một
ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ,
chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc
trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.
Trong luật ta cho cha mẹ và chồng
có quyền nhiều. Đạo cha con xem ra thì chỉ còn thấy những kẻ tay lấm chân bùn
còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha nuôi mẹ, chí như bọn thượng lưu trung lưu
thì ta không còn thấy chữ hiếu nữa.
Bọn ấy thường nhiều mượn những lốt
lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào để che miệng thế gian, chớ không
có một chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào
là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yếu đuối gì đâu, chỉ
đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy
giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật
lòng.
Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là
"Phu xướng phụ tùy" là "Thiếu phụ dĩ thuận vi chính" hoặc
"xuất giá tùng phu" song ta rút cuộc lại nhà nào thuận hòa tức là vợ
chồng nhà ấy có đạo đức có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ
khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. Xem đó thì cũng đủ biết rằng cái sự gầy dựng ra
không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến
đâu cũng không buộc người ta theo được.
***
Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi
xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân
lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến
"dân và nước" vì dân không được bàn đến việc nước!
Vua là gì? Vua là người cầm quyền
chính trong nước, là người đầu sỏ trong bộ lạc ấy hoặc là người anh hùng thấy
dân đồ thán ra đánh đổ cường quyền, khôi phục lấy đất nước của ông cha để lại rồi
tự đặt lên làm chúa tể cả muôn người; hoặc người gian hùng nhân thời ly loạn
dùng mưu quỷ chước thần đánh đổ con cháu một dòng vua rồi tự đặt mình lên cái địa
vị ấy; hoặc người cùng một nước đánh nhau đặng cầm quyền chuyên chế; hoặc người
nước ngoài lấy sức mạnh đến đánh đặng cầm lấy chìa khóa quyền lợi. Nói tóm lại
vua là người lấy quyền người làm quyền mình, lấy công quyền làm quyền tư, lấy đất
người làm đất mình, lấy đất công làm đất tư vậy.
Tôi là gì? Tôi là người tùng phục
vua (vua chư hầu) hoặc là ngươi làm nô lệ cho vua, hoặc là người làm công cho
vua. Đem mình ra đầu tên mũi đạn đổi lấy một mảnh giấy vàng, một dấu ấn đỏ;
dang đầu ra giữa trận mưa dầu nắng lửa để đổi lấy chung rượu lạt, tiếng ban
khen. Nói tóm lại, tôi là người tôi mọi, bán rẻ vừa hồn lẫn xác cho vua vậy.
Quốc gia luân lý của ta từ xưa đến
nay chỉ gồm có thế, cho nên dân trong nước không biết quyền dân là gì, nghĩa vụ
là gì. Vua của ta ngày xưa là thế, tôi của ta ngày xưa là thế, sử sách của ta gọi
nước là thế! Cho nên dân không biết vua và nước có có cái giới hạn gì khác nhau
không. Vì thế cho nên dân chỉ biết tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc, gặp
vua tử tế làm nhiều công bình thì dân thương, dân liều chết ra đánh giặc giúp
vua; gặp vua tàn bạo làm nhiều điều độc ác thì dân ghét, muốn rửa hờn mở cửa
thành cho giặc vào. Thí dụ như hồi nước Pháp đánh Bắc Kỳ chỉ có 90 tên lính mà
trong 24 giờ thì hạ được bốn thành, mà lính Nam không ai bắn trả lại một phát
súng. Hồi ông Nguyễn Huệ kéo quân ở Huế ra Thăng Long, Nguyễn Chính có quân
đóng ở đó, song chưa đánh đã thua, khiến vua Chiêu Thống phải chạy, đi đường bị
dân bóc lột. Ông Mạnh có nói rằng: "Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi
vua như người đi đường", đã coi như người đi đường thì còn luân lý gì. Việc
gì mà chẳng bóc lột.
Xem như thế thì xưa nay nước ta
không có quốc gia luân lý, chỉ có một cái luật vua tôi bắt buộc dân phải theo.
Vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp
nhau lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy.
Trừ ra đời nhà Trần thì vua với
dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những phụ lão đều dự bàn việc
nước, và những vua đã truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử rồi thì thường đi khắp nhân
gian xem xét phong tục, chính trị để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của
dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy
phen hiệp sức để giúp vua mới thắng trận một cách vẻ vang như thế.
Ngày nay đọc một đoạn vinh dự sử
của nhà Trần đều lấy làm vui; ta đọc đến khúc bi thảm sử của nhà Lê, nhà Nguyễn
thì đều lấy làm buồn, nhưng có mấy khi ta chịu xét đến cái gốc rễ của lẽ thắng
bại đâu.
Người nào có học chữ Pháp một
chút thì cũng biết rằng trong sách ấu học hoặc sách tiểu học, bắt đầu đều dạy:
phải thương nhà, thương người đồng loại; thế mà ngày nay không có ai dám mở miệng
ra nói một tiếng "thương nước" thì nghĩ có đáng chán không! Hơn sáu
mươi năm nay ở dưới quyền một nước bảo hộ rất văn minh, rất tự do mà cái mầm tự
do không nẩy ra được là bởi tự đâu?
Không phải cái độc chuyên chế từ
xưa đã thâm căn cố đế trong óc người nước ta rồi đấy ư? Tiếng thương nước
đã có luật Gia Long cấm (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Những kẻ học
trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo việc nước.
Thương nước thì phải tù tội (!)
cho nên những nhà thế phiệt giữ mình cho đến nỗi uốn nắn con từ trong nhà, lấy
sự lo việc đời, sự thương nước làm sợ. Sợ quá! Hình như nói đến sự đó thì phải
bị khinh, bị nhục như kẻ cắp kẻ trộm vậy. Rất đỗi bây giờ người Nam đã ở dưới
chính trị Pháp là giống người cho sự thương nước làm tính tự nhiên của loài người
mà cũng không ai dám nói tới; xem chừng còn lo sợ hơn khi còn ở dưới quyền
chuyên chế nữa. Có người cho lời tôi nói là chuyện chiêm bao, cãi lại rằng: ở
bên Pháp người ta dạy thương nước như thế, chớ bên này thì người ta không dạy
như thế đâu. Hễ ai nói đến thương nước thì trong sổ kín của sở mật thám đã ghi
tên vào rồi; họ cho là phản Tây làm loạn, như thế bảo người Nam không sợ sao được?
Việc đó tôi cũng đã biết chán,
tôi xin thưa rằng cái lỗi ấy bởi ông cha ta để lại. Cái "dây xiềng sắt"
ấy chính tay ông cha ta đã làm ra để buộc ta. Người ta nhân lấy đó mà cột mình,
nào có phải người ta bày đặt ra hay là mang ở bên Pháp qua mà cột mình đâu! Họ
làm như thế vì họ thấy mình không trả lời được. Nay mình trả lời như thế này
thì họ cấm sao được: "Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một
thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt
để vỡ vạt ra, thành ra một nước lưu truyền từ bốn nghìn năm đến giờ, thì cho
phép được hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó chết chôn đó, giàu
nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm không ai cấm đoán được. Loài dân ấy
không đến nỗi như dân Do Thái ở châu Âu, không đến nỗi như bọn hắc nô ở Mỹ châu
đi tới đâu cũng bị chết chóc, thì cũng không khi nào chịu quên ơn miếng đất mà
chúng nó thường gọi là "Tổ Quốc" của chúng nó bao giờ. Một loài như
thế mà bảo chúng đừng thương "Tổ Quốc" thì bảo chúng thương ai?".
Nếu ta trả lời hẳn hoi như thế thì dầu gặp kẻ tàn bạo thế nào cũng không thể bỏ
ta được. Thế thì sao ta không dám nói thương nước?
Cái thương nước tôi nói đây không
phải là xúi dân "tay không" nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước
khác để phá hoại trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong
tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau,
mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau. Hễ
người ta làm việc gì bất công thì mình phải hiệp sức nhau lại mà chống, còn làm
việc gì phải chăng thì mình cũng phải nhìn nhận, chớ có thấy chính quyền mình mất
rồi mà đem lòng căm tức không kể đến việc hay của người ta. Thế thì lòng thương
nước của dân Việt Nam có làm gì hại đến quyền lợi người Pháp không? Tôi xin
thưa rằng: không! Dân Việt Nam thấy người nào làm hại cho nước nó thì nó ghét, ấy
là lẽ tự nhiên.
Theo ý tôi tưởng, chẳng qua dân
Việt Nam mình hèn hạ nên người ta mới đè nén, nếu dân Việt Nam biết thương nước
Việt Nam nhờ thì người ta tất cũng phải kiếm đường xúi giục cho người mình càng
biết thương nước hơn, vì có biết thương nước mới biết chọn nước nào làm lợi, nước
nào làm hại cho nó. Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu
thương không phải đường thì đã không giúp gì cho ai mà lại còn làm hại sinh
linh nữa. Nay ta nói thương nước, nhưng thương bằng lỗ miệng, nằm ỳ ra đó kêu
người đến thì có khác gì đem đầu đi làm đầy tớ với anh khác. Tôi dám tưởng nếu
người Pháp họ không cho ta thương nước, để ta nằm ỳ mãi ra đó thì đã không lợi
gì mà lại khiến cho ta chán nản, không tội gì trung thành một cách vô ích với họ
nữa, thế thì sự thương nước cũng có lợi cho người Pháp.
Tôi nói đây thật chưa hết nhưng
đã dài lắm rồi, vậy xin anh em cho phép tôi tóm lại đoạn đã nói ở trên.
"Từ nay dân Việt Nam ta phải
biết thương nước là tính tự nhiên trời đã phú cho, không thù nghịch gì với người
Pháp. Phải có quốc gia luân lý in sâu vào óc thì sự ước ao tự do độc lập của
dân tộc ta sau này mới thành tựu được. Tôi ở Pháp về mà nói như thế chắc anh em
lấy làm lạ, vì nay người bên Âu châu đã đào sâu chôn chặt cái ái quốc chủ nghĩa
rồi, nay tôi lại đem về tuyên bố trong dân gian hóa ra trái ngược với phong
trào bên ấy lắm ru? Xin thưa rằng không phải.
Chúng ta phải biết rằng: "Một
loài dân trong một nước cũng như bọn học trò trong trường học, phải có thứ lớp,
phải tuần tự mà tiến tới, phải qua lớp dưới mới lên lớp trên, không bao giờ nhảy
lớp được, nghĩa là phải do gia đình luân lý tiến lên quốc gia luân lý, rồi do
quốc gia mà tiến lên xã hội vậy." Thế thì chúng ta cũng phải bước qua cái
nền quốc gia luân lý trong đôi ba mươi năm đã, rồi mới có thể mong tiến lên xã
hội luân lý được.
***
Xã hội luân lý thật trong nước ta
tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt
nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lý được, cho nên
không cần cắt nghĩa làm gì.
Tuy trong sách Nho có câu:
"Sửa nhà trị nước rồi mới yên thiên hạ". Hai chữ "thiên hạ"
đó tức là xã hội. Ngày nay những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ
đó nhưng chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi. Cái chủ ý bình thiên hạ mất
đi đã từ lâu rồi.
Cái chủ nghĩa xã hội bên Âu châu
rất thịnh hành như thế, thế mà người bên ta điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì
là gì. Thương hại thay! Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với
loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả.
Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền
lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống
cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe.
Vì sao mà người ta làm được như
thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng
nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực
ấy đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học
xét kỹ thấy xa như thế, còn nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy,
ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt
cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không liên quan đến mình.
"Đã biết sống thì phải bênh
vực nhau" ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu:
"Không ai bẻ đũa cả nắm" và "Nhiều tay làm nên bộp." Thế
thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng có
góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ
như ngày nay.
Dân không biết đoàn thể, không trọng
công ích là bởi bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền
tước, ham bã vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết
có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị
mình được giữ mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc
dân.
Dầu trôi nổi, dầu cực khổ thế nào
mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưỡng ngồi trên, có kẻ áo rộng
khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi!
Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những
thế mà thôi, "một người làm quan một nhà có phước", dầu tham, dầu
nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy
lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người
ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú
quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan đời xưa đời nay của ta là
thế đấy! Luân lý của bọn thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho
anh em dễ hiểu mà thôi - ở nước ta là thế đấy!
Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học
đã đỗ được cái bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được
cái chức ký lục thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm
quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn
là lũ ăn cướp có giấy phép vậy.
Những kẻ ở vườn thấy quan sang,
quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy
ngược, nào chạy xuôi, dầu cố ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cầu được lấy
chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì
mới thôi. Những kẻ như thế mà không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ
thay! Thương ôi! Làng có một năm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức
mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả. Đó là nói người trong
một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc
hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng
làm sao được!
Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt
Nam ta không có là cũng vì thế (xã hội chủ nghĩa ở đây Phan Chu Trinh dùng theo
nghĩa tinh thần và ý thức xã hội, khác với cụm từ XHCN của đảng CSVN-HVCD).
Nay muốn một ngày kia nuớc Việt
Nam được độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có
đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam
này.
Nói về đạo đức
Âu châu và đạo đức Á Đông
Mới xem ngoài mặt thì ta đều cho
dân Âu châu là một dân tộc háo thắng, độc ác, dữ tợn; nhưng không, ta lầm đấy,
ta ở lâu mới thấy họ có nền đạo đức cao hơn ta nhiều. Nền đạo đức của họ cao
hơn ta là nhờ họ đã thâm những tư tưởng tự do truyền bá từ đời Hy Lạp, La Mã trở
xuống. Họ cũng trải qua một hồi chuyên chế nhưng dân khí họ không như dân khí
ta. Dân khí của họ rất phấn phát, nguời của họ rất anh hùng. Càng chuyên chế
bao nhiêu càng nẩy ra những nhà hiền triết làm ra sách để truyền bá tư tưởng trọng
dân bấy nhiêu. Dẫu hành hình khổ sở cũng không làm họ khiếp sợ, cho nên tên tuổi
của họ mới sống tượng đồng bia đá đến ngày nay. Anh em đây ai đã đi qua Paris một
lần tất cũng đã xem thấy những cái hình đồng mấy nhà triết học chống lại với đạo
Gia Tô vậy.
Nói đại khái thì về thế kỷ XVII
như ông Jean Jacques Rousseau làm ra "Dân ước" (Contrat social), ông
La Fontaine làm ra "Ngụ ngôn" (Fables), ông Montesquieu làm ra
"Pháp ý" (L'Esprit des lois), ông Pascal, ông Voltaire v.v... đều là
những tay kiếm hết cách mở cái chìa khóa chuyên chế để giúp đồng bào ra chỗ tự
do. Tôi kể bấy nhiêu ông đó là chỉ tỏ rằng trong đời chuyên chế mà vẫn còn có
người ra lo việc đời như thế, chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự
do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì người ra lo việc nước, việc đời bên họ
biết là bao nhiêu.
Đem so với Á Đông đời xưa duy có
mấy ông trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc bên nước Tàu như là ông Khổng, ông Mạnh,
ông Mặc, ông Lão, ông Trang có thể ngang được với mấy ông kia, còn từ Tần trở về
sau thì cả Á Đông cũng không có người như thế nữa, chớ đừng nói đến nước Việt
Nam ta.
Trong nước ta bây giờ có ông nào
gọi là nhà đạo đức không? Nói xa hơn nữa thì trong triều nhà Lê có ông nào gọi
là nhà đạo đức như mấy ông tôi đã kể không? Thế mà đời nào cũng có người được
triều đình khen, được làm miễu thờ.
Rút lại, những tôi tớ nhà vua đã
tôn lên thì không ai dám đè xuống, mà những kẻ vua đã đè xuống thì không ai dám
tôn lên. Làm như thế thì trách nào những nhà đạo đức nước ta không chóng mất
sao được? Người có tư tưởng tự do chẳng những ai cũng cho làm lạ, mà như vua thấy
thế cũng sợ hại đến quyền chuyên chế của mình nên lập mưu đập chết đi. Ở trong
một dân tộc như thế thì những đứa nịnh hót không càng ngày càng nhiều sao được?
Ông Montesquieu có nói: "Dân
sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy
thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức."
Ấy, chúng ta muốn nước ta có nhà
chân đạo đức thì nên nhân dịp này phá tan dây xích chuyên chế đã ràng buộc ta
hơn nghìn năm nay và thu nhập tư tưởng tự do của Âu châu để làm một phương thuốc
cho người nước ta vậy. Được như thế thì nhà đạo đức mới có thể xuất hiện trong
đất nước này. Tôi không muốn thí dụ nhiều, tôi chỉ xin kể chuyện ông Trần Quý
Cáp trong năm 1908 thì anh em sẽ biết chế động quân chủ ở nước ta có hại cho
nhà có luân lý đạo đức là thế nào.
Ông Trần là người rất thảo thuận,
học hành rộng, tính nết tốt, làm giáo thọ ở Nha Trang, chỉ theo việc bổn phận
mình là ông thầy, khuyên dân mở thêm trường học mà bị tên Phạm Ngọc Quát bố
chính ở tỉnh ấy, nhân loạn bắt ông, trong 24 giờ thì chặt đầu. Cái thảm trạng ấy
há không phải ở quyền chuyên chế mà ra sao?
Đạo đức lớn ta không có đã đành,
nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng:
Không! Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể
nào sinh sản được.
Tôi thường thấy người mình, kẻ
nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút đỉnh thuần chỉ nói dối.
Đứa "ăn cắp có giấy" làm minh bạch đã xong mà đứa ăn cắp chưa cấp bằng
cũng đều một mực như thế cả. Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học
thức không hơn ai, mhắm lại mình chưa khỏi hai chữ "đầy tớ người" mà
khi ra đối với người đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo ta là thầy đây!
Ta là ông đây! Chớ không có tự nghĩ cho rằng: Thầy đây, ông đây đã làm được điều
gì ích lợi cho bọn "dân Việt Nam" tay lấm chân bùn kia chưa? Tôi cũng
đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức luân lý nước nhà trụy lạc,
nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các
ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không dám theo các ông cũng
phải (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh).Huống chi luân lý các ông
giảng đó tự tệ tục của chính thể chuyên chế tạo nên, thành ra, không chính
đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không thấy gì làm lạ vậy.
Bây giờ ta
đem đạo đức luân lý Âu châu về có gì chống với đạo Khổng Mạnh chăng?
Từ nãy đến giờ tôi chỉ trích luân
lý của ta, khen ngợi luân lý Âu Tây, chắc anh em nghe lạ tai, cho tôi là người
bội đạo Khổng Mạnh chăng? Xin thưa rằng từ khi tôi hiểu chút ít đạo đức của Khổng
Mạnh thì tôi rất sùng bái lắm. Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ
ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sách sử Việt Nam này
chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, là vì nước Nam, nước Tàu bỏ mất
đạo ấy đã lâu rồi.
Đạo Khổng Mạnh không phải là cách
chuyên chế của các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy"quân
dân tịnh trọng" (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân
đều cần đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua
cũng suy lòng đó mà yêu dấu dân như con đỏ vậy.
Trong sách Đại Học thầy Tăng Sâm
dẫn lời đức Khổng rằng: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai sĩ tu
thân vi bổn": Từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa
mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, chẳng là
bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là
cái chính thể quân dân cộng trịmà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến
vậy.
Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và
nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho
nên quyền vua cũng đã tiến giảm bớt nhưng dân cũng thương vua mà vua vẫn yêu
dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi
cũng tới nơi vậy.
Đến đời ông Mạnh, các vua chư hầu
chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên cái chủ nghĩa dân chủ. Như ông nói rằng:
"Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là dân quý hơn hết,
đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể
của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả.
Thế thì cái văn minh Âu châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng Mạnh đâu. Đức Khổng
đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không
thương dân, dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói
rằng: Dân quý mà vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà
dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi
Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào
hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất nước; vua công bình thì dân
theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm thì là mấy chục năm,
thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết
con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua không
còn gì là đạo lý luân thường nữa.
Đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, nay ta
muốn nước ta có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức
đem cái chủ nghĩa dân chủ Âu châu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất
thần diệu để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức
là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm
nước thường ngày; như kính trọng cha mẹ; như thương người đồng loại, chớ không
phải mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì
mà lại còn làm cho rỡ ràng đạo Khổng Mạnh ra.
Tôi nhắc lại một lần nữa rằng: "Đem
văn minh đây là cái chân văn minh Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á
Đông," chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi ở mấy anh Tây học
lem nhem mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy ngoài môi của các nhà Hán học
dở mùa đâu.
Cứ theo lời tôi đã nói thì anh em
đồng bào cũng hiểu rằng: vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc như thế cho nên
hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo tà nho đều yếu hèn và phải mất một
cách nhục nhã. Như nước Cao Ly, hễ Mãn Châu tới thì theo Mãn Châu, Mông Cổ tới
thì theo Mông Cổ, đến khi Nhật Bản tới thì Nhật Bản lấy. Như nước Tàu thì nhà Tống
mất bởi nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh mất bởi nhà Thanh (Mãn Châu). Chao ôi!
Nước Tàu bị Mãn Thanh, Mông Cổ lấy nước, Cao Ly bị Nhật Bản lấy không phải là tội
nơi những kẻ tà nho hủ bại của nước Tàu, nước Cao Ly đấy ư?
Một nước bao nhiêu triệu dân mà
chỉ giao phó quyền chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được
ông vua thông minh còn e lo chưa hết bổn phận thay, huống là gắp phải anh vua u
mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân có ăn học không được lo việc nước (chữ
in đậm do HVCD nhấn mạnh), thì dân khốn khổ biết bao, và còn ai dám ra mà gánh
vác. Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai lo chủ trương, thì nhà
nước ấy làm sao không tan không mất được.
Nước Tàu mà mất ấy, nước Cao Ly
mà mất ấy cũng là lẽ tự nhiên, Nói đến nước ta lại càng đau đớn lắm nữa. Vua Lê
Thánh Tông đem luật nhà Minh về chưa đầy 50 năm thì bị nhà Mạc đánh đổ. Nhà Trịnh
lên khôi phục cũng chỉ có tiếng khôi phục đấy thôi, vua Lê cũng bị giết lên giết
xuống, còn quân thần gì đâu, còn luân lý gì đâu! Đến vua Gia Long nhà Nguyễn thỉnh
luật Càn Long về lại càng chuyên chế hơn nữa. Chưa đầy 80 năm đã bị mất nước một
cách hèn hạ.
Mất nước một cách hèn hạ nhục nhã
như thế há không phải tại vua tôi nhà Lê nhà Nguyễn đấy ư?
Mới đây Cao Ly đã thâu nạp được
văn minh Âu Mỹ nên năm 1919 mới có cuộc độc lập vận động. Nước Tàu cũng thế, xướng
ra việc bài ngoại vận động làm cho Anh Pháp đều phải nể mặt không dám hung hăng
như ngày xưa. Xem như thế thì đủ biết rằng cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra
trong đầu người Tàu, người Cao Ly rồi vậy.
Người nước ta thì sao? Người nước
ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở
mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy
đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì
khác.
Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa
may tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi, trừ hại, tự
cường, tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng mơ nước ngoài
tràn vào mà thôi.
Dân tộc Nhật
Bản được giàu mạnh như ngày nay là chỉ theo cái văn minh hình thức của Âu châu
hay có sửa đổi gì luân lý không?
Người nước ta thường tự xưng là đồng
loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản; thấy họ tiến thì nức nở khen chớ không
khi nào chịu xét vì sao mà họ được tiến tới như thế? Họ chỉ đóng tàu đúc súng
mà được giàu mạnh hay là họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như
ngày nay? Ai có đọc đến lịch sử Nhật Bản mới biết họ cũng bồi đắp nền đạo đức của
họ lắm. Từ lúc Minh Trị duy tân cho đến 24 năm sau hạ chiếu lập hiến trong nước
Nhật biết bao nhiêu người lo khuynh Mạc Phủ lo lập hiến pháp, biết bao nhiêu kẻ
đổ máu rát cổ mới gây dựng nên một nước tân tiến rất giàu rất mạnh như bây giờ.
Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật Bản về! Không biết họ qua bển
làm gì!? Người ta có câu: "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Sao những
kẻ sang Nhật sao không đem cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu
thêm cái tính nô lệ như thế? Rất đỗi những việc hèn hạ một người dân tầm thường
không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết
trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý
của người chăng? Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có
thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng? Lấy lịch sử mà nói thì dân
Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc
không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm mà vẫn còn
mê mê muội muội, bít mắt vinh tay không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy
cái hay cái khéo của người?
Có người nói rằng tại Pháp họ đè
nén mình không cho mình học làm súng ống, làm máy bay, tàu ngầm, nên dân mình mới
ngô nghê như thế! Những người nói câu ấy là những người không học lịch sử Pháp
hoặc có tính yêu mình thái quá, nên chỉ biết trách người mà không biết tự trách
mình. Sao không nhớ khi Pháp sang, sợ mình theo Tàu, cho người mình sang Pháp học
mà mình vẫn khư khư không chịu sang bên đấy ư? Người Pháp cho mình 2.000 khẩu
súng, 5 chiến thuyền mà mình không dám thuê lấy một người Pháp trông nom, để
lính mình làm xằng bậy mà hư hỏng hết đấy ư? Tôi nói thế không phải là khen người
Pháp có lòng tốt, nhưng chỉ lối ngoại giao của người ta khôn khéo là thế, mà
mình dở dang là thế, cho anh em đồng bào biết đấy thôi. Phải chi lúc đó ta biết
nhân dịp sang nước người học tập lấy vài khéo của người ta, thì bây giờ so sánh
tuy không kịp nước Nhật nhưng so với Phi Luật Tân, với Xiêm La cũng không đến nỗi
xa lắc như thế này.
Ngày xưa nhắm mắt lại, một là văn
minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí không đã đành, đến
ngày nay đã hé mắt ra thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát như gửi du
học sinh khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ, lập dân chủ, mà cũng an nhiên bất động,
nhất thiết chẳng biết gì là gì. Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang
Tàu về nói láo, nói linh, chê người nọ, hạch người kia mà tự mình xem ra cũng
không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính đủ phục. Có anh bạo gan chê cả Tôn
Văn là người đại biểu văn minh cho nước Tàu đời nay, mà không biết rằng anh ta
đem cái sự nghiệp của anh ta, cái tài năng của anh ta mà so sánh có bằng mảy
may của Tôn Văn không? Những tính chất của người Tàu các anh không hề học đến,
mà các anh khéo đem về một cái láu lĩnh và một cái bao tử trống mà thôi. Thế mà
biết hồn luân lý đạp đức của người mình bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để
nguyên lại một cái tính nô lệ thôi. Đạo đức mất trước, nước mất sau thật cũng
không phải là lời nói ngoa vậy.
Có một vài người anh hùng không
chịu đi xem xét, mê tín lịch sử đời xưa, trọng chủ nghĩ trung quân, chủ nghĩa
phục thù, tìm mưu kiếm kế phỉnh phờ cho dân dậy lên, nhưng than ôi! Một con
dao, một đoạn tre thì có làm gì. Cái nỗi thảm hại, đưa đầu ra cho người bắn,
đem thịt ra cho người bằm nghĩ cũng đáng thuơng, nhưng công việc làm nào có ích
gì! Chẳng qua làm cho dân đức của ta trụy lạc, khiến những bọn nô lệ kia, bọn
vô sỉ kia lấy đó mà dọa nạt, mà hà hiếp dân lành thôi.
***
Luân lý của
ta mất thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không?
Có người hỏi luân lý của ta mất
thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng:
không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới
về thì biết đặt vào đâu?
Vẫn biết phép chắp cây của người
Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây tươi tốt như cây luân lý ở các nước
bên Âu Tây kia a mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam
ta thì tưởng không tài nào sinh tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau
được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng
nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cố mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý
cũ của ta, rồi đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy.
Luân lý của
Âu châu có tốt trọn không? Ta muốn theo thì phải làm thế nào?
Nói rằng luân lý Âu châu tốt hơn
thì tốt nhiều. Nói rằng luân lý Âu châu trọn tốt thì không dám nói rằng trọn được.
Là vì: Dân tộc nào cũng thế, cắt nghĩa theo luân lý đạo đức thì dễ, nhưng làm
theo luân lý đạo đức thì khó, không sao trọn vẹn được. Bên Âu châu họ cũng có
nhiều cái dở, như nam nữ tự do thái quá, ly ly, hợp hợp, rất thường, thành ra
đường sinh sản kém lần mà dân số không thêm; như giàu nghèo cách biệt thái quá,
người ngồi không, kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư bản xung đột
nhau mà trong nước không yên. Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái
quá yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang họa chiến tranh mãi mãi.
Trọng trí dục hơn đức dục, chuộng ngoại giao hơn thành thật, cho nên thường
sinh ra xâu xé nhau mà mất sự thái bình. Ấy là kể sơ lược, chớ kể hết tưởng
cũng còn nhiều lắm. Bệnh họ tuy nhiều nhưng họ đã có thầy có thuốc chữa ngay,
nghĩa là có những nhà triết học, những nhà giáo dục lo ra trừ tệ, canh cải sửa
sang cho nền đạo đức luân lý mỗi ngày mỗi cao lớn, tốt đẹp thêm, chớ không phải
như mước ta tốt khoe, xấu che làm cho một ngày thêm một xấu (chữ
in đậm do HVCD nhấn mạnh). Vậy nay ta qua thâu cái luân lý Âu Tây để đem về
truyền bá cho dân Việt Nam, thì ta phải nên chủ ý lắm, lừa lọc lắm mới được, những
điều gì đáng đem về thì ta hãy đem.
***
Thưa các anh chị em đồng bào!
Tôi nói từ nãy đến giờ thật cũng
nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta
mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ
dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp
đạo đức của ta.
Anh em ta hãy gắng sức mà làm đi.
(Cử tọa đều vỗ tay. Cụ Phan uống
hết tách nước, đứng lên nói thêm mấy câu):
Thưa anh em,
Tôi cũng biết rằng muốn khôi phục
lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là
việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết
bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải nói con phải
làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho
vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời
nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây, như tôi đã
nói vậy. Đạo ấy ở trong câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (giết
người học trò được, mà làm nhục thì không được), phú quý bất năng dâm,
bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (giàu
sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không
buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu) ...
Nếu ta giữ được một ít đạo đức của
ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem điều hòa lại, rồi khuếch trương
luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều
biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những được nước Việt
Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến
ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày
nay nữa.
Nguồn:http://icevn.org/vi/DucDuc/Dao-Duc-Va-Luan-Ly-Dong-Tay