Đỗ Kim Thêm dịch
Larry Diamond
Trong thập kỷ sau thời Chiến
tranh Lạnh, nền dân chủ phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới chưa từng thấy.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn những tiến bộ này đã bị xói mòn dần.
Từ năm 2000 cho đến năm 2015, nền dân chủ bị phá vỡ tại 27 quốc gia, trong đó
có Kenya, Nga, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng trong thời gian đó, một số “các quốc
gia khác đang chuyển đổi” trong toàn cầu, nhờ dân số đông và kinh tế quy mô lớn,
mà họ có thể tác động lan rộng hơn về tương lai của nền dân chủ trong toàn cầu,
nhưng cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Theo ước lượng của Freedom
House, một cơ quan phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ, thì các chỉ số về tự do chính trị bị
thu hẹp trong gần một nửa trong số các quốc gia này.
Trong khi đó, nhiều chế độ độc
tài hiện nay đã trở nên ít cởi mở, minh bạch và đáp ứng cho dân chúng. Họ im lặng
trước các bất đồng chính kiến trên mạng Internet bằng cách kiểm duyệt, điều tiết
và bắt giữ những người mà họ cho là mối đe dọa. Ví dụ như nhiều chế độ đang cố
gắng kiểm soát Internet bằng cách thông qua các đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp
nước ngoài lưu trữ các dữ liệu của người dân trong nước. Dù không trực tiếp
trên mạng, các nước cũng đang kìm hãm xã hội dân sự bằng cách hạn chế khả năng
của các tổ chức này khi họ hoạt động, giao tiếp, và gây quỹ. Từ năm 2012, các
chính phủ trên toàn cầu đã dự thảo hoặc ban hành hơn 90 luật hạn chế quyền tự
do hiệp hội hoặc hội họp.
Thêm vào vấn đề này, nền dân chủ
chính nó dường như đã mất đi sự thu hút. Nhiều nền dân chủ mới nổi đã không đáp
ứng được các kỳ vọng của người dân về tự do, an ninh, và tăng trưởng kinh tế;
ngay cả hoạt động của các nền dân chủ đã định hình trong thế giới ngày càng rối
loạn chức năng, trong số này có cả Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, qua nhiều
thập kỷ tăng trưởng kinh tế đã chứng minh rằng một nhà nước không cần phải tự
do hóa mới mang lại thịnh vượng.
Không phải tất cả các xu hướng là
xấu. Những người lạc quan có thể đề cập đến trường hợp Nigeria, nơi mà lần đầu
tiên trong lịch sử vào tháng Năm năm 2015 quyền lực dân chủ thực sự đã chuyển
giao, khi đảng cầm quyền đã bị phe đối lập đánh bại; hoặc như tại Sri Lanka,
nơi mà một nền dân chủ có bầu cử vào tháng Giêng năm 2015 đã trở lại sau năm
năm với bầu cử theo chế độ chuyên chế. Nền dân chủ Ả Rập đầu tiên trong nhiều
thập kỷ đã nổi lên tại Tunisia và Myanmar (còn gọi là Miến Điện), một chính phủ
được bầu theo lối dân chủ hiện nay, cùng chia sẻ quyền lực đáng kể với quân đội.
Mô hình độc tài của chủ nghĩa tư bản cũng đã mất một số điểm sáng chói, khi
tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt và sự sụt giảm của giá dầu đã làm
suy yếu nước Nga và các nước sản xuất dầu hoả khác.
Những người ủng hộ dân chủ hành động
một cách cuồng nhiệt để tận dụng các cơ hội khác nhau. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và
Đồng minh có thể mở ra một làn sóng mới của tự do trên toàn cầu, đặc biệt là ở
các nước đang trổi dậy ở châu Á. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ đó, chế độ
chuyên quyền sẽ tiếp tục phát sinh, dẫn đến nhiều tình trạng bất ổn và ít tự do
hơn.
Trào lưu hướng nội
Một trong những thách thức lớn nhất
đối diện với nền dân chủ hiện nay là Hoa Kỳ, một nhà quán quân lớn nhất của nền
dân chủ, không còn quan tâm để thúc đẩy dân chủ. Trong một cuộc khảo sát vào
năm 2013 của tổ chức Pew, thì 80 phần trăm người Mỹ được thăm dò đồng ý rằng đất
nước của họ “không nên nghĩ quá nhiều về tình trạng quốc tế” và thay vì thế họ
nên “tập trung hơn vào các vấn đề quốc gia [của Mỹ].” Chỉ có 18 phần trăm bày tỏ
tin tưởng rằng việc cổ vũ dân chủ phải là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách
đối ngoại. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi không ai trong số các ứng cử
viên tổng thống hiện tại đã xem thúc đẩy dân chủ là nền tảng trong của chiến dịch
tranh cử của mình.
Washington đã tiếp tục hỗ trợ những
nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ. Quốc hội gia tăng các chuẩn chi cho Quỹ
Quốc gia vì Dân chủ (the National Endowment for Democracy), một quỹ phi lợi nhuận
nhằm tài trợ cho các nhóm ủng hộ dân chủ ở nước ngoài, từ 115 triệu trong năm
2009 lên đến 170 triệu USD vào năm 2016. Tuy nhiên, phần lớn các hỗ trợ của
công chúng cho việc thúc đẩy dân chủ đã suy giảm và tài trợ cho việc cổ vũ đã bị
đình trệ. Trong cùng thời gian này, các kinh phí của chính phủ Hoa Kỳ về dân chủ,
nhân quyền, và các chương trình quản trị (chủ yếu là thông qua Cơ quan Phát triển
Quốc tế Hoa Kỳ – USAID) đã giảm gần 400 triệu USD. Thậm chí, nếu không kể sự
tài trợ cho Afghanistan và Iraq suy giảm, thì tình trạng tài trợ cho các chương
trình như vậy ở các nước khác không còn nhiều.
Trong khi Hoa Kỳ tụt hậu thì vài
nước khác đã tiến bước. Các nỗ lực liên chính phủ tham vọng nhất để thúc đẩy
dân chủ là Cộng đồng các nền Dân chủ (Community of Democracies), một liên minh
thành lập vào năm 2000, họ thiếu các nguồn lực và viễn kiến để có nhiều tác động
hơn. Các tổ chức khu vực không hoạt động tốt hơn. Ví dụ như Liên Âu tuân thủ phần
lớn các chuẩn mực dân chủ trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại coi thường.
Khi Liên Âu tuyệt vọng để bảo đảm sự giúp đỡ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn
dòng người tị nạn Syria, họ đã đồng ý để làm sống lại các cuộc đàm phán về vai
trò thành viên của Ankara, ngay cả khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip
Erdogan đã gia tăng nỗ lực đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Mặc dù một số nước châu Âu, chẳng
hạn như Thụy Điển và Vương quốc Anh, đã tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình
song phương quan trọng để thúc đẩy dân chủ và cải thiện quản trị, ngân sách của
Quỹ châu Âu vì Dân chủ (European Endowment for Democracy), được thành lập vào
năm 2013, chỉ đạt 11 triệu USD hồi năm ngoái. Tổ chức Westminster vì Dân chủ
thuộc Vương quốc Anh (United Kingdom’s Westminster Foundation for Democracy),
đang có một ngân sách công 5 triệu USD. Trung tâm Quốc tế của Canada cho Nhân
quyền và Phát triển Dân chủ (Canada’s International Centre for Human Rights and
Democratic Development) đóng cửa vào năm 2012. Các nền dân chủ đang phát triển
như Brazil, Ấn Độ và Indonesia đã do dự để đóng góp nhiều hơn, thay vì thế họ tập
trung nhiều cho các vấn đề quốc nội.
Các nhà lãnh đạo độc tài đã tận dụng
khoảng trống này bằng cách xuất khẩu các giá trị không liên hệ đến tự do và các
công nghệ giúp cho đàn áp. Iran đã sử dụng ảnh hưởng quân sự, chính trị và tài
chính để định hình hoặc làm mất ổn định các chính quyền tại Iraq, Lebanon,
Syria và Yemen. Nga đã sử dụng bạo lực, đe dọa và tung tiền để hỗ trợ cho các
phong trào đòi ly khai và thân Nga, các lực lượng chính trị chống cải cách ở
Georgia và Ukraine. Hơn nữa, Nga đã xây dựng một tổ chức tự do trên Internet
tên là Access Now, một “khối thịnh vượng chung của các quốc gia giám sát” bằng
cách xuất khẩu các công nghệ kiểm soát mạng điện tử tinh vi khắp Trung Á. Theo
một nguồn tin thì Trung Quốc cũng cung cấp cho Ethiopia, Iran, và một số chế độ
độc tài ở Trung Á – Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan – với các công nghệ kiểm
soát Internet và viễn thông để giúp họ đàn áp và theo dõi dân chúng.
Hình thức tốt nhất của chính phủ
Mặc dù việc thúc đẩy dân chủ có
thể đã giảm trong các ưu tiên của công chúng Hoa Kỳ nhưng những nỗ lực này còn
lại trong các lợi ích quốc gia. Các nước dân chủ sử dụng ít bạo lực hơn đối với
dân chúng và bảo vệ nhân quyền nhiều hơn. Các nước không gây chiến nhau. Họ có
nhiều khả năng để phát triển một nền kinh tế thị trường, và những nền kinh tế
có nhiều khả năng hơn để đạt ổn định và thịnh vượng. Dân chúng được hưởng mức
tuổi thọ cao và tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và bà mẹ thấp hơn so với người
dân sống dưới các chế độ khác. Vì thế mà các nước dân chủ cũng là các đồng minh
tốt.
Như Michael McFaul, cựu Đại sứ
Hoa Kỳ tại Nga, đã viết: “Không phải mọi nền dân chủ trên thế giới đã hoặc đang
là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, nhưng không có nền dân chủ nào trên thế giới
mà họ đã hoặc là kẻ thù của Hoa Kỳ. Tất cả những đồng minh lâu đời nhất của Hoa
Kỳ đã và vẫn giữ nền dân chủ.”
Ngược lại, các chế độ độc tài, vốn
dĩ đã luôn bất ổn, vì phải đối mặt với một tình thế khó khăn chủ yếu trong tiến
thoái. Nếu một chế độ toàn trị thành công đem lại cho dân chúng giàu có và giáo
dục, dân chúng sẽ xây dựng một xã hội dân sự, mà sẽ không sớm thì muộn gì họ
cũng sẽ đòi hỏi thay đổi chính trị. Nhưng nếu một chế độ chuyên chế không thành
công để đem lại tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống, thì chế độ này sẽ chịu
sụp đổ.
Hoa Kỳ vẫn có những công cụ để
phát huy dân chủ, thậm chí ngay như khi họ thiếu ý muốn. Như Thomas Carothers,
Phó Chủ tịch của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for
International Peace), đã chứng minh là trong hơn một phần thế kỷ qua, hỗ trợ bầu
cử Hoa Kỳ đã phát triển từ các loại công việc phiến diện, nhất thời, ngắn hạn
cho đến một mối quan hệ hợp tác sâu xa hơn với các tổ chức trong nước. Hỗ trợ
cho các xã hội dân sự đã lan toả ra ngoài không đơn thuần là giúp cho giới trí
thức tại các thủ đô quốc gia. Những nỗ lực để thúc đẩy các tinh thần trọng pháp
đã mở rộng vượt ra ngoài các khoá huấn luyện kỹ thuật ngắn hạn cho các thẩm
phán và luật sư, mà còn tập trung vào các vấn đề rộng hơn như về trách nhiệm giải
trình và nhân quyền.
Những nỗ lực này dường như đã được
đền bù. Một nghiên cứu vào năm 2006 về ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong việc viện trợ
cho nước ngoài liên quan đến dân chủ đã chỉ ra rằng 10 triệu trong kinh phí phụ
trội của USAID tạo ra số lượng thay đổi dân chủ gấp năm lần tại một nước dự kiến
sẽ đạt được các chuẩn mực dựa theo cơ quan Freedom House.
Hãy để tự do lên tiếng
Hoa Kỳ có thể và nên hành động
nhiều hơn nữa. Vị Tổng thống kế nhiệm nên thúc đẩy dân chủ là một trụ cột của
chính sách đối ngoại. Washington có thể làm như vậy trong một cách hòa bình, đa
phương và không mất nhiều kinh phí mới và tốn kém.
Trước hết, theo đuổi một chính
sách như vậy đòi hỏi họ cẩn trọng để tránh việc làm cho quyền toàn trị trở nên
chính thống. Trong chuyến thăm vào tháng 7 năm 2015 tại Ethiopia, Tổng thống
Barack Obama đã làm điều ngược lại, khi ông đã hai lần gọi chính phủ này là “được
bầu cử một cách dân chủ”, mặc dù nó đã tổ chức các cuộc bầu cử giả tạo trước đó
trong cùng năm. Khi ông đến thăm Kenya trên cùng chuyến đi, ông Obama bày tỏ hy
vọng rằng chế độ bán độc tài và tham nhũng sẽ “tiếp tục theo đuổi con đường dẫn
đến một nền dân chủ mạnh mẽ, toàn diện, trách nhiệm và dân chủ, minh bạch hơn”.
Các chế độ này nắm lấy các loại ngôn ngữ như vậy, sử dụng sự xác nhận bảo chứng
của Hoa Kỳ ngầm để bóp nghẹt tự do ngôn luận và các hoạt động chống đối trong
nước.
Năm 1981, George H.W. Bush, khi
còn làm Phó Tổng thống, đã đến thăm Manila và nói với nhà độc tài là Ferdinand
Marcos là: “Chúng tôi yêu sự tuân thủ nguyên tắc dân chủ của Ngài.” Trong vòng
vài năm sau, lạm quyền của Marcos càng nhiều hơn, và đối thủ chính của ông
trong nền đối lập dân chủ là Benigno Aquino, Jr., bị ám sát.
Washington cũng nên nắm bắt cơ hội
để tái khẳng định sự cam kết của Hoa Kỳ đối với các nền dân chủ ở nước ngoài.
Trong năm 2015, Hoa Kỳ nắm quyền lãnh đạo của Cộng đồng các nền Dân chủ
(Community of Democracies), mà họ sẽ tổ chức cuộc họp lưỡng niên kế tiếp tại
Washington vào năm 2017, một vài tháng sau khi tổng thống được kế nhiệm. Vị tổng
thống tương lai nên nói chuyện tại hội nghị để nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ
chức và minh xác các giá trị này.
Tổng thống kế nhiệm cũng nên tăng
cường hỗ trợ tài chính cho các nền dân chủ còn mong manh. Các quốc gia đang trải
qua quá trình chuyển đổi chính trị chẳng hạn như Myanmar, Tunisia và Ukraine –
họ bị tổn thương quá nặng nề do những ảnh hưởng ngoại lai. Vì vậy, hỗ trợ của
Hoa Kỳ có thể tác động có tầm vóc ở những nơi như vậy. Quốc hội đã tăng cường
trợ giúp cho Tunisia từ 61 triệu USD trong 2015 lên đến 142 triệu USD trong năm
nay, và cho Ukraine từ 88 triệu USD trong 2014 lên đến 659 triệu USD hiện nay.
Viện trợ này có thể làm và nên làm nhiều hơn cho các nước này, và cho các nền
dân chủ khác đang nổi lên và còn mong manh (dù nhỏ ví dụ như Senegal và lớn như
Indonesia). Nhưng một phần của các thương thảo cho việc tăng cường viện trợ
kinh tế phải là sự cam kết nghiêm túc của các nhà lãnh đạo của các quốc gia
trong việc chống tham nhũng và nâng cao phẩm chất quản trị.
Các nước kề cận với các nền dân
chủ có xu hướng phát triển theo chiều hướng dân chủ, trong khi các nước kề cận
với các chế độ độc tài có xu hướng hướng về toàn trị. Do đó, Washington cần phải
phát triển một chiến lược toàn diện để nhắm mục tiêu tới các quốc gia, nơi mà
tiến trình dân chủ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Các quốc gia đông dân
có xu hướng tạo ảnh hưởng nhiều hơn, do đó, tổng thống kế nhiệm nên tìm cách để
thúc đẩy các quốc gia như Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Nigeria, Pakistan,
Philippines, Nam Phi hướng tới tình trạng quản trị có hiệu quả, trách nhiệm dân
chủ hơn. Đồng thời, vị tổng thống tương lai, dù nam hay nử, không nên khinh xuất
các nền dân chủ nhỏ hơn như Georgia, Senegal và Tunisia.
Trong lĩnh vực sau thời kỳ Xô Viết,
ở Tây Phi và trong thế giới Ả Rập, các tác nhân chính trị và dân sự nên theo
dõi chặt chẽ những thử nghiệm chuyên nghiệp này. Trong mỗi trường hợp, các
thành công có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa đáng kể. Hoa Kỳ cũng nên tập trung
vào những nơi có bước đột phá để khai thông. Ví dụ như Venezuela đã sẵn sàng
cho một tiến trình chuyển đổi dân chủ kể từ cuối năm 2015, khi đảng đối lập
đánh bại đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử lập pháp, làm suy yếu trầm trọng quyền
lãnh đạo theo chế độ xã hội chủ nghĩa khoảng hai thập kỷ. Việt Nam biểu hiện một
cơ hội đầy hấp dẫn, do xã hội dân sự đang hình thành, là thành viên trong Quan
hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, và mong muốn rõ ràng là gần gũi hơn với Hoa Kỳ
để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc.
Bất kỳ chính sách nào để thúc đẩy
dân chủ phải bao gồm những nỗ lực táo bạo, thông minh hơn để chống tham nhũng,
mà nó làm duy trì phần lớn các chế độ độc tài. Trong thập kỷ qua, Washington đã
đạt được tiến bộ trong việc xác định, theo dõi và tịch thu các tài sản bất
chính – một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại trào lưu khủng bố và
buôn bán ma túy mà còn có thể thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nhưng Hoa Kỳ cần
phải làm nhiều hơn nữa để xác định các tài sản quốc tế của các nhà độc tài và
thân tộc của họ, truy tố họ về các hoạt động rửa tiền và trả lại tài sản lớn của
họ cho dân chúng bị bỏ quên. Chính quyền kế nhiệm cần chỉ đạo cho USAID tạo ưu
tiên cho các chương trình giúp các nước nhằm xây dựng các cơ quan hành chánh
chuyên nghiệp và các cơ quan tự trị có khả năng kiểm toán các tài khoản của
chính phủ và truy tố tham nhũng. Chính quyền sẽ giúp các nhóm xã hội dân sự và
các phương tiện truyền thông trong những nỗ lực để theo dõi các quỹ bị đánh cắp
và buộc các công chức giải trình.
Là một phần của một nỗ lực để
ngăn cản việc tham nhũng, vị tổng thống kế nhiệm cần đẩy mạnh việc sử dụng các
phương sách luật pháp và các công cụ để tịch thu các tài sản của các nhà độc
tài nằm trong lãnh thổ của Hoa Kỳ. Kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến thu hồi
các tài sản chế độ đạo tặc trong năm 2010, các luật sư và các nhà điều tra của
Bộ Tư pháp, Bộ Nội an và FBI đã mang lại 25 vụ kiện để chống lại 20 quan chức
nước ngoài, tìm cách thu lại 1,5 tỷ USD các khoản thu bất chánh, bao gồm các bất
động sản của nhà độc tài quá cố Nigeria Sani Abacha và Gulnara Karimova, con
gái của Tổng thống Uzbekistan. Washington cũng đã đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn
chặn luồng tiền bất hợp pháp chảy vào các ngân hàng Hoa Kỳ. Tổng thống kế nhiệm
nên tăng các nguồn lực và khả năng chính trị cho những nỗ lực như vậy nhiều
hơn, cả trong nước và quốc tế, để đảm bảo rằng chính giới đạo tặc không có tìm
thấy nơi trú ẩn an toàn.
Tổng thống kế nhiệm, dù nam hay nữ,
nên khuyến khích các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ cho nền dân chủ thành một ưu
tiên quan trọng trong công tác cơ bản của họ. Các đặc sứ này có thể sử dụng đặc
quyền miễn tố trong quy chế ngoại giao của họ, để bảo vệ các nhà hoạt động khi
họ bị bắt giữ hoặc để tạo khó khăn hơn cho chế độ khi họ đề ra mục tiêu nhằm bắt
giữ họ, như trong trường hợp hỗ trợ ngoại giao của Mỹ và châu Âu đối với Las
Damas de Blanco (Ladies in White), phong trào đối lập mà người vợ bất đồng
chính kiến bị tù và phụ nữ khác được thành lập ở Cuba. Trong trường hợp cực
đoan, họ có thể và nên cho phép các nhà bất đồng chính kiến trú ẩn trong các
toà đại sứ và lãnh sự của họ, như các trường hợp toà đại sứ Hoa Kỳ đã làm cho
các nhà khoa học và bất đồng chính kiến của Trung Quốc Phương Lưu Chi trong chiến
dịch đàn áp những người biểu tình Thiên An Môn sau năm 1989.
Các nhà ngoại giao cũng có thể tiếp
xúc với các nhà lãnh đạo địa phương, qua đó cung cấp cho họ một cơ hội duy nhất
để thúc đẩy giới chuyên quyền phải hướng về cải cách. Ở một đất nước đang chuyển
mình sang nền dân chủ, thí dụ như Nam Phi vào cuối năm 1980 và đầu những năm
1990, hay Myanmar ngày nay, sự tham gia như vậy có thể giúp nuôi dưỡng và duy
trì quyết tâm cho sự thay đổi dân chủ.
Trong trường hợp một chế độ toàn
trị quá mạnh, tự tin và bám chặt như ở Trung Quốc hiện nay, thì có thể xem những
nỗ lực đó là vô vọng. Nhưng phần lớn các chế độ toàn trị có các phần tử dung
hoà và thực dụng, đó là những người có thể nhìn thấy sự cần thiết phải cởi mở
chính trị. Trung Quốc là không thể khác hơn. Giới người ôn hoà ít ỏi ngày nay
cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai.
Trong khi đó, chính quyền tương
lai phải ủng hộ quyền tự do dùng Internet và kỹ thuật số – đó là một nỗ lực
quan trọng đặc biệt trong chiều hướng của những gì mà Edward Snowden tiết lộ
các rò rĩ trong việc giám sát của chính phủ Hoa Kỳ qua Internet và liên lạc qua
điện thoại vốn đã làm hại cho uy tín của Hoa Kỳ. Trong cách này, các chính phủ
nên bắt đầu bằng cách chỉnh lại biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2014 trong lệnh
trừng phạt chống lại Iran, Washington đã cho miễn trừ về việc xuất khẩu phần mềm
cho “thông tin liên lạc cá nhân trên Internet, chẳng hạn như nhắn tin cấp thời,
trao đổi qua hình thức chat và email, nối kết qua mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh
và phim, trình duyệt web, và viết blog”. Ngoại lệ miễn giảm như vậy, cũng như
phân phối miễn phí phần mềm để phá vỡ kiểm duyệt Internet và cho phép bất đồng
chính kiến để giao tiếp an toàn, nên trở thành một phần tiêu chuẩn trong bất kỳ
các nỗ lực trừng phạt của Hoa Kỳ, kể cả đối với Bắc Hàn. Các chế độ toàn trị cần
gạn lọc thông tin và kiểm soát thông tin liên lạc để duy trì sự cai trị của họ,
và làm suy yếu sự kiểm soát này là một trong những cách tốt nhất mà Hoa Kỳ có
thể thúc đẩy sự thay đổi dân chủ.
Tổng thống kế nhiệm cũng có thể sử
dụng các hiệp định thương mại để thúc đẩy dân chủ. Các nghiên cứu xác nhận rằng
khi hiệp định tự do thương mại có điều kiện buộc các chính phủ phải có những biện
pháp cụ thể để bảo vệ quyền con người, thì các cải thiện quan trọng sẽ xãy ra.
Nhà Trắng đã báo cáo rằng trong quá trình đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương đã thúc đẩy Brunei ký kết và Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc
về chống tra tấn, trong khi cũng khuyến khích cải thiện các nhân quyền khác tại
hai nước này và Malaysia.
Kết hợp các đảm bảo mạnh mẽ cho
nhân quyền (bao gồm cả các quyền lao động) vào các hiệp định thương mại trong
tương lai cung cấp một lợi ích hổ tương: nuôi dưỡng cải cách dân chủ ở các nước
đối tác và giúp làm giảm các cáo giác là hiệp ước thương mại của Hoa Kỳ tạo một
sân chơi không công bằng cho người lao động và các công ty Mỹ. Không cần phải
nói, thành công của các quy định này sẽ phụ thuộc vào việc Washington sẵn sàng
mang lại hành động pháp lý chống lại các nước thành viên vi phạm.
Vâng, chúng tôi có thể
Trên hết, bất kỳ sự thúc đẩy cho
một nền dân chủ nào ở nước ngoài cũng phải bắt đầu từ trong nước. Thực tế đáng
buồn là nền dân chủ của Mỹ không còn tạo nguồn cảm xúc ngưỡng mộ hoặc thi đua.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã hé lộ một trào lưu sâu rộng về tình trạng tha
hoá và sự phẩn nộ của công chúng hiện nay tại Washington dường như không thể lắng
dịu. Các việc thu xếp ở các điạ phương tranh cử cho Quốc hội, các luồng tiền bất
chính tràn ngập trong các chiến dịch bầu cử và sức mạnh ngày càng tăng của nhóm
lợi ích gây tìm cách áp lực đã làm phân hoá chính trị ở một mức độ chưa từng
có, tất cả dẫn đến chuyện lo các khoảng chi xuất sao cho ít hơn, làm băng hoại
việc thiết lập chính sách đối ngoại cho lưởng đảng và làm tê liệt các sinh hoạt
thường xuyên của chính phủ.
Những thất bại chính trị này đã tạo
thêm vũ khí cho các kẻ thù của dân chủ. Ví dụ như Tổng thống Nga Vladimir Putin
đã cáo buộc rằng “không có dân chủ thực sự” tại Hoa Kỳ, và ông Mahmoud
Ahmadinejad, cựu Tổng thống Iran, đã chỉ trích cuộc bầu cử của Hoa Kỳ là “một
chiến trường cho nhà tư bản.”
Chính quyền kế nhiệm có thể tạo
ra một số biện pháp để đối phó với các cáo giác đó và khôi phục lòng tin của
người dân trong nền dân chủ Mỹ. Đối với Quốc hội, chính quyền cần cải cách luật
tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và đòi hỏi phải công bố thông tin nhanh
chóng và đầy đủ của tất cả các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử, thậm chí
cần đến cái gọi là ủy ban độc lập biểu quyết. Chính quyền cũng nên khuyến khích
các chính quyền tiểu bang thêm sinh lực cho tinh thần cạnh tranh trong chính trị,
ví dụ bằng cách chấm dứt các thu xếp, các loại bầu theo lối lựa chọn cho Quốc hội
và các cơ quan nhà nước, và loại bỏ các luật ngăn chặn ứng cử viên sơ bộ bị
thua cuộc khi họ là ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử.
Các bước này, nếu kết hợp lại, có
thể cải thiện nền dân chủ tại Hoa Kỳ và các nước ngoài ít nhiều trong vấn đề
không liên hệ đến các chi phí. Các biện pháp này có thể giúp khôi phục lại vai
trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới và mang nền dân chủ của thế giới ra khỏi
tình trạng suy tàn triền miên và đi tới một giai đoạn mới của sự tiến bộ.
_________
Larry
Diamond là chuyên gia cao cấp của Hoover Institution và Freeman
Spogli Institute for International Studies, thuộc Đại học Stanford.
Nguyên tác: Democracy in Decline – How Washington Can Reverse the Tide –
July/August 2016
Nguồn:http://phiatruoc.info/lam-sao-de-washington-co-the-dao-nguoc-duoc-trao-luu-dan-chu-dang-suy-tan-ii/