Trong Lời
Tựa cuốn "Cội Nguồn Trật Tự Chính Trị" (The Origins of
Political Order), Francis Fukuyama đã viết: "Tác
phẩm có hai nguồn gốc. Cảm hứng đầu tiên đã khởi dậy khi giáo sư cố vấn
Samuel Huntington, Đại Học Harvard, yêu cầu tôi viết lời tựa tái bản cuốn
'Trật Tự Chính Trị Trong Các Xã Hội Đang Thay Đổi', xuất bản năm 1968. Cảm
hứng thứ hai bắt nguồn từ thập kỷ Fukuyama dành nghiên cứu 'các vấn đề
thế giới thực tế của các nhà nước nhược tiểu và thất bại' dẫn đến tác
phẩm 2004 'Xây Dựng Nhà Nước: Quản Trị và Trật Tự Thế Giới trong Thế Kỷ
21'."[1]
CỘI NGUỒN
TRẬT TỰ CHÍNH TRỊ
Khi bàn
về hai nguồn gốc nêu trên, Fukuyama đã tỏ ra khiêm tốn, nếu không muốn nói
thiếu trung thực. Tác giả đã nổi danh nhờ ấn tượng trên khắp thế giới của
bài xã luận 1989 "Chung Cuộc của Lịch Sử?"[2] đăng trong báo chính sách đối
ngoại "Quyền Lợi Quốc Gia"[3] và tác phẩm kế tiếp "Chung
Cuộc của Lịch Sử và Người Cuối Cùng. "[4]
Luận
thuyết của Fukuyama đã kích động một làn sóng tranh luận toàn cầu: "Điều
chúng ta đang chứng kiến có thể không phải chỉ là sự chấm dứt của chiến
tranh lạnh, hay sự trôi qua của một thời kỳ lịch sử hậu chiến nhất định, mà
là sự chấm dứt của chính lịch sử: có nghĩa, điểm cuối của quá trình tiến
hóa trong hệ ý thức của nhân loại và sự phổ quát của mô hình dân chủ tự do
Tây phương như hình thức chính quyền cuối cùng của con người."[5]
Trong
hơn hai mươi năm qua, Fukuyama đã tỏ ra ngày một dè dặt và ôn hòa hơn,
nhưng vẫn luôn duy trì luận cứ của mình. Trong Cội Nguồn Trật Tự
Chính Trị, tập đầu trong dự án hai tập, tác giả đã viết: "Alexandre
Kojève, gốc Nga định cư tại Pháp và là người chú giải tư tưởng của Hegel,
đã lập luận: lịch sử tự nó đã chấm dứt năm 1806 với Trận Đánh
Jena-Auerstadt, khi Napoléon đánh bại đế chế Phổ và mang lại các nguyên tắc
tự do và bình đẳng cho phần Âu châu của Hegel". Và Fukuyama nói tiếp:
"Tôi tin sự quả quyết của Kojève vẫn xứng đáng được tôn trọng. Ba
thành tố của trật tự chính trị hiện đại - một nhà nước mạnh và đủ khả năng,
nhà nước pháp quyền, và chính quyền chịu trách nhiệm trước quốc dân - đều
đã được thiết định một nơi nào đó trên thế giới vào cuối thế kỷ
18."[6]
Trong thực
tế, do tình cờ lịch sử, ba thành tố trên đây lần đầu tiên đã hội đủ ở Anh
quốc, mặc dù các xứ Tây Bắc Âu khác như Hà Lan, Đan Mạch, và Thụy Điển, chịu
ảnh hưởng của Thời Đại Cải Cách, cũng đã thành công trong việc thiết định đủ
ba thành tố - nhà nước, pháp trị, và tinh thần trách nhiệm - vào thế kỷ 19.
Tuy
nhiên, trước khi có sự hội tụ cả ba thành tố ở Anh và các xứ láng giềng vào
thời cách mạng kỹ nghệ và dân chủ, ba thành tố của trật tự chính trị cũng
đã tiến triển riêng rẽ trong các nền văn minh tiền hiện đại khác nhau: Trung
Quốc đã khai triển một Nhà Nước quyền uy sớm nhất; pháp trị đã hiện diện ở Ấn
Độ, Trung Đông, và Âu châu; và ở Anh quốc, chính quyền trách nhiệm đã xuất
hiện trước mọi xứ.
Phần lớn
tác phẩm Cội Nguồn Trật Tự Chính Trị đã được dành để minh
họa câu chuyện: bằng cách nào "nhà nước", "pháp trị", và "trách
nhiệm" tình cờ đã được khai triển riêng rẽ trong nhiều
xứ biệt lập, trước khi hội tụ ở Anh quốc vào thế kỷ 18.
Đã từng
bị lên án theo thuyết định mệnh, giờ đây Fukuyama lại nhấn mạnh vai trò của
yếu tố ngẫu nhiên. Cội nguồn của các định chế chính trị hiện đại khá "phức
tạp và mang tính cảnh ngộ đặc thù"[7]. Chẳng hạn, định
chế đại gia đình - đã sớm mất dần ảnh hưởng ở Âu châu hiện đại, một phần do
quyền lực của Giáo Hội Trung Cổ, như một tổ chức kinh tế tư bản đã trỗi dậy
ở Ý, Anh và Hà Lan, trong thế kỷ 16 - đã không phải khống chế sức đề kháng
của các nhóm có liên hệ gia đình thân thuộc tổ chức thành tổ hợp lớn, với
tài sản kếch sù, cần được bảo vệ như ở Ấn Độ và Trung quốc.
Fukuyama
đã bác bỏ lối giải thích các định chế xã hội và chính trị như chỉ là những
hiện tượng phụ của cơ cấu kinh tế hay công nghệ. Không ai có thể khai triển
bất cứ lý thuyết có ý nghĩa nào về quá trình phát triển chính trị mà không
xem "tư tưởng" như nguyên nhân căn bản của các dị
biệt và phương hướng phát triển đặc thù giữa các xã hội khác nhau. Nhất là
không ai có thể giải thích tôn giáo mà chỉ quan tâm đến các điều kiện vật
chất hiện hữu từ trước.
Vì lý do
đó, tác phẩm Cội Nguồn Trật Tự Chính trị, cũng như các tác phẩm
trước đây của Fukuyama, không thể thích nghi với khuynh hướng đương đại
nâng kinh tế tân cổ điển lên hàng một khoa học xã hội khuôn mẫu. Khuynh hướng
trí thức của Fukuyama gần với các nhà tư tưởng lớn theo truyền thống xã hội
học thế kỷ 19 như Weber, Durkheim, và Marx, cũng như Hegel - người được
Fukuyama nhận diện như một nhà khoa học xã hội trong cuốn"Chung Cuộc
của Lịch Sử?."
Với truyền
thống xã hội học, Fukuyama chia sẻ quan điểm xem chính trị học như một sản
phẩm của lịch sử và tiến hóa, và gạt bỏ tính tuyệt đối trong tư tưởng quyền
tự nhiên, và thuyết thị trường chính thống của Locke, hay thuyết tự do
Manchester. Khác với các tác giả thuộc khuynh hướng tự do như Friedrich
Hayek, tìm cách giải thích xã hội theo Homo economicus (Kinh Tế
Nhân), Fukuyama tin, một nhà nước đủ quyền uy và có khả năng, luôn
là điều kiện tiên quyết cho một nền kinh tế tư bản thịnh vượng.
Rút tỉa
từ các công trình sinh học xã hội gần đây cũng như các phê bình lý thuyết tự
do về quyền tự nhiên trừu tượng, Fukuyama viết: "Con người không
bao giờ hiện hữu trong tình trạng tiền xã hội. Ý tưởng con người vào một thời
điểm trước đây đã hiện hữu như những cá nhân biệt lập, tương tác hoặc qua bạo
lực hổn loạn (Hobbes) hay chẳng biết đến nhau trong hòa bình (Rousseau), là
sai lầm."[8]
Tuy
nhiên, nhiều người có thể nghĩ Fukuyama đã đi quá xa trong việc coi nhẹ
truyền thống quyền tự nhiên đã là cảm hứng của lý thuyết tự do thời Phục
Hưng và Khai Sáng. Ở đây, lý thuyết duy sử của Fukuyama và việc ông nhấn mạnh
chính "tư tưởng" đã định hình trật tự chính trị,
là thiếu nhất quán.
Fukuyama
chấp nhận thần học Ấn Độ Giáo (Brahma) xa xưa như một giải
thích tổ chức xã hội Ấn Độ, nhưng không chấp nhận tư tưởng của Levellers
và Locke trong thế kỷ 17 đã ảnh hưởng đến các cuộc cách mạng Anh,
Hoa Kỳ và Pháp. Tương tự các nhà tư tưởng duy sử thế kỷ 19, chấp nhận phần
lớn xã hội đương đại, trong khi tìm cách truy nguyên nguồn cội các định chế
Tây phương đương đại dựa trên phong tục các bộ lạc Đức hay
các tổ hợp trong xã hội Trung Cổ, Fukuyama có lập trường bênh vực một trật
tự chính trị dân chủ trong khi lập luận các lý thuyết biện minh cho trật tự
nầy , như quyền phổ quát và cá nhân chủ nghĩa mang tính đạo đức và tri thức,
là sai lầm.
Chúng ta
cần chờ xem Fukuyama sẽ làm gì với các tư tưởng định hình Chủ Thuyết Cộng
Hòa của các cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp trong tập hai được hứa hẹn.
Tóm lại, Cội
Nguồn Trật Tự Chính Trị là một nỗ lực chặt chẽ để cấu tạo một cách
nhìn tổng thể về lịch sử nhân loại qua việc tổng hợp các nghiên cứu đa
ngành. Ngay những kẻ nghi ngờ một công trình như vậy có thể thành công hay
không đồng ý với nhiều chi tiết hay kết luận đặc thù, vẫn có thể bị ấn tượng
bởi tính táo bạo của Fukuyama và cảm kích bởi các luận cứ của tác giả.
Đầy tham vọng, uyên thâm, và hùng biện, tác phẩm là một thành công lớn
không thể chối cãi bởi một thức giả đương đại.
TỪ
CHUYÊN CHẾ ĐẾN DÂN CHỦ
Trong
bài xã luận 1989 "Chung Cuộc của Lịch Sử", Fukuyama
đã đưa ra luận cứ: mọi dân tộc trên thế giới, dõi theo vòng cung lịch sử hướng
đến cứu cánh hay mục đích chung cuộc, vào một thời điểm nào đó sẽ có thể ao
ước tự do và xây dựng một xã hội cơ sở trên các giá trị tự do. Từ đó, nhiều
người đã chỉ trích lời tiên đoán bằng cách nêu rõ các xung đột trong xã hội
đương thời cũng như giữa các xã hội khác nhau. Tuy nhiên sự tiên đoán chưa
hề suy sụp, bởi lẽ Fukuyama rõ ràng đã thú nhận phải mất nhiều thế kỷ trước
khi các xã hội có thể tìm được đường hướng chung. Trong lúc chờ đợi, xung đột
luôn xẩy ra, ngay cả các xung đột mang tính diệt chủng.
Một vấn
đề bao quanh luận cứ chung cuộc của lịch sử là tư tưởng chính trị nào, cấu
trúc chính trị đời thường nào, có thể phụng sự số phận hay cứu cánh của
nhân loại? Vì vậy, đó chính là động lực thúc đẩy bên sau "Cội
Nguồn Trật Tự Chính Trị", một cuộc thăm dò sâu rộng nhằm giải
thích tại sao con người lại hành động như đang làm trong địa hạt chính trị.
Với uy tín học thuật và nhiều tham vọng, tác phẩm Cội Nguồn đã
rà soát lại lịch sử tổ chức và nguyên tắc chính trị từ thời tiền sử cho đến
Cách Mạng Pháp. Fukuyama đã cho biết, những tập sau sẽ cập nhật câu chuyện
cho đến thời kỳ đương đại.
Đối với
Kukuyama, chính trị mang tính quyết định. Tác giả tin, phương cách các xã hội
tự quản trị đã tạo ra những lối đi kéo dài hàng thế kỷ, ngay cả hàng thiên
niên kỷ. Khác với các nhà tư tưởng tự do, Fukuyama không tin nhà nước là một
hiện tượng trật tự thứ yếu, đơn thuần chỉ có thể giúp hay bảo vệ những gì
người dân lựa chọn thực hiện trong xã hội dân sự, hay, trái lại, chỉ phá hoại
tự do của con người. Thay vào đó, hình thức nhà nước chọn lựa mang tầm
quan trọng hàng đầu, có thể cho phép con người tiến triển hay cản đường một
cách tàn nhẫn.
Fukuyama
lên án sự mù quáng kỳ lạ của nhiều nhà tư tưởng nghiêm túc, kể cả các kinh
tế gia, đối với "tầm quan trọng của các định chế chính trị".Chẳng
hạn, tác giả ghi nhận kẻ chinh phục nào lên nắm quyền - vào lúc nào
và bằng cách nào - là điều quan trọng đối với số phận một xã hội nhiều hơn
là những đức tính bẩm sinh của dân chúng hay một mô thức hoàn hảo quyền lợi
riêng tư duy lý các học giả ủng hộ.
Quan điểm
trong tác phẩm Cội NguồnTrật Tự Chính Trị không phải là
khuynh hướng tiến bộ liên tục và không thể tránh. Quá trình lịch sử, qua
nhiều thế kỷ, có quá nhiều đổi thay tiến thối đan xen để có thể chấp nhận một
góc nhìn đơn giản như vậy. Nhưng quả thật mãi đến ngưỡng cửa quyết định
1800, Fukuyama đã theo dõi và nhận thức được cấu trúc trật tự chính
trị hiện thực thường khác xa chung cuộc lịch sử.
Thực vậy,
đó là khoảng thời gian Cách Mạng Kỹ Nghệ, ngay cả trong buổi ban sơ, đã giải
phóng các lực lượng sản xuất theo những phương cách chưa bao giờ có thể tưởng
tượng trước đó và đã đem lại trù phú, kể cả trong địa hạt sản xuất thực phẩm.
Nhưng ngưỡng cửa đã không ngừng ở chỗ chỉ thoát khỏi "bẩy
sập đói khổ và nhân mãn Malthus."[9] Fukuyama tin,
trong những năm Cách Mạng Pháp, chính trị cuối cùng đã bắt đầu hình thành
trong trật tự và bền lâu.
Trong thực
tế, trật tự chính trị đã được định hình trước đó, nhưng chỉ chập chờn và
chưa trọn vẹn. Trong nhãn quan của Fukuyama, trật tự chính trị bền lâu chỉ
có thể xuất hiện, và xã hội chỉ có thể phát triển trù phú, khi một nhà nước
đã hình thành, đã sinh hoạt trong pháp trị, và chịu trách nhiệm trước nhân
dân. Ông nói, phải đợi đến ngưỡng cửa 1800 cả ba đặc tính đặc trưng vừa kể
mới xuất hiện cùng lúc.
Theo
Fukuyama, ở TQ xưa cổ, chúng ta đã tìm thấy một nhà nước hùng mạnh và đầy đủ
uy quyền, cơ sở trên luật pháp, một tập hợp những định chế, những quy luật
và cấm kỵ có thể tiên liệu - đúng hay sai, xét cho cùng, cũng là một vấn đề
hoàn toàn khác. Đã hẳn thành quả nầy đã không xuất hiện nhanh chóng, đã phải
cần nhiều thế kỷ, một lò tôi luyện thử thách, trước khi ra đời. Nhưng một
khi đã xuất hiện, nhà nước mạnh, đầy đủ uy quyền, và chịu trách nhiệm trước
nhân dân, đã thực sự trường tồn gần hai thiên niên kỷ. Dĩ nhiên, cần phải
trải qua nhiều gián đoạn, không liên tục, người dân TQ mới mong đạt được một
Nhà Nước đầy đủ trách nhiệm.
Trong thời
gian thử thách, Fukuyama lập luận, các lãnh đạo chuyên quyền và các triều đại
ở TQ, trong môt hình thức nào đó, cũng đã chịu trách nhiệm trước nhân dân,
nhờ ở cơ sở vững vàng của Khổng Giáo. Tuy vậy, luận cứ nầy ít nhiều mang
tính gượng ép. Khổng giáo rất có thể đã giúp chế ngự vài nhà lãnh đạo,
nhưng sự kiềm chế hoàn toàn dựa trên sức thuyết phục mang tính đạo đức của
tư tưởng ít nhiều mang tính tôn giáo, không phải trên nguyên tắc luật định
hay hiến định độc lập. Theo Fukuyama, sự thiếu vắng một chính quyền có
trách nhiệm chân chính đã kiềm chế TQ trong tình trạng"sinh động
ngưng trệ."[10] Văn hóa TQ đã mang lại nhiều
tuyệt tác về nghệ thuật, văn chương, tư tưởng, nhưng tương đối thiếu vắng
triết lý tự do và tiến hóa chính trị.
Fukuyama
ghi nhận một xã hội Á châu khác - Ấn Độ, qua nhiều thế kỷ, cũng đã thành đạt
một nhà nước rất gần với dân chủ trong vùng Nam Á, dù không dễ dàng liên tục.
Nhưng theo Fukuyama, trở ngại chính là hệ thống đẳng cấp[11] và cành rễ của nó - một
hệ thống đã che chở thần dân trước một nhà nước chuyên chế.
Bài học
lịch sử ở TQ và Ấn Độ, theo Fukuyama, là "một hình thức tự do
tốt hơn chỉ xuất hiện sau khi một nhà nước mạnh và một xã hội mạnh
đã hình thành, hai trung tâm quyền lực có khả năng đem lại quân bình và bổ
túc cho nhau."[12]
Trách
nhiệm rõ ràng là đặc tính hiếm hoi và khó kiếm nhất để thành đạt, và theo
Fukuyama, chính là đặc tính giúp nhà nước trở thành một cái gì tốt hơn,
một cơ sở vững chắc hơn, so với một thứ công lý thô bạo, một trật tự
hay mệnh lệnh độc đoán. Ông viết: "chính quyền trách nhiệm có
nghĩa người cầm quyền tin họ chịu trách nhiệm trước nhân dân do họ quản lý
và đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi của chính họ."[13] Tư tưởng nầy cuối
cùng cũng đòi hỏi lãnh đạo phải biết tôn trọng các dân quyền căn bản của thần
dân.
Ý niệm
dân quyền, theo Fukuyama, đã diễn biến ở Âu châu, mặc dù toàn bộ các dân
quyền đã phải đợi một thời gian lâu dài trước khi bám trụ. Ông lập luận,
hai dân quyền căn bản nhất là quyền tư hữu tài sản và quyền bình đẳng trước
pháp luật và công lý. Theo ông, Anh quốc trong thế kỷ 13 là quốc gia đầu
tiên đã đặc biệt công nhận hai quyền vừa nói và mọi vi phạm có thể bị thách
thức, thường khá thành công.
Tưởng
cũng cần ghi nhận tại các quốc gia trên lục địa Âu châu, các quyền căn bản
cũng đã được công nhận. Đặc biệt là ý niệm pháp nhân, nền tảng của khế ước,
hợp đồng, và sau đó, luật thương mãi. Tuy nhiên, trên bình diện nầy, nếu
Fukuyama ít lưu tâm đến những tiến bộ trên lục địa Âu châu trong thời Trung
Cổ, ông ta cũng đã có lý do để chỉ tập trung vào Anh quốc và các xứ Bắc Âu,
nơi các cấp lãnh đạo nhìn xa thấy rộng đã vồ vập ý tưởng chính quyền chịu
trách nhiệm trước nhân dân đầu tiên. Cuối cùng, trách nhiệm khoác hình thức
không những các tòa án vô tư, công bằng, mà cả các nghị viện luôn thách thức
các quốc vương trong nhiều thế kỷ.
Trong mọi
trường hợp, Fukuyama đã ghi nhận, từ những bước đầu của quyền công dân căn
bản đến nhà nước hiện đại và dân chủ, con đường không hề thẳng tắp hay bằng
phẳng.
Khác
với TQ, Âu châu chỉ thống nhất trong nhiều giai đoạn ngắn ngũi, và sự chia
rẽ ly tán đã làm vẩn đục hiện trạng và đổi thay chính trị. Một cách vắn tắt,
các nhà cầm quyền luôn tìm kiếm mọi phương tiện để tăng cường quyền hạn của
chính mình, và nhờ đó, ngăn cản các thành phần cạnh tranh và thù nghịch,
trong nội bộ cũng như từ bên ngoài.
Trong bối
cảnh đó, các nhà nước Âu châu đã tiến hóa qua nhiều hình thức chính trị và
tư tưởng khác nhau. Lần theo những diễn biến và tiến hóa ở Âu châu qua thế
kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, Fukuyama đã nhận diện được những hình thức căn bản: chuyên
quyền tuyệt đối nhưng yếu đuối - weak absolutism, ở Tây Ban Nha và
Pháp; chuyên quyền thành công -successful absolutism, như
ở Nga; thiểu số độc quyền thất bại -failed oligarchy, ở Ba Lan; và chính
quyền trách nhiệm - accountable government, ở Anh quốc, và
Fukuyama còn liệt kê thêm một cách sai lầm: Đan Mạch. Trong thế kỷ 18, Đan
Mạch vẫn chỉ là một nhà nước chuyên quyền tuyệt đối ở Tây Âu.
Theo
Fukuyama, nhà nước, để có thể phồn vinh trong bối cảnh cạnh tranh,
đòi hỏi một hình thức "xây-dựng-nhà-nước hay state-building."
Và trong trường hợp nầy, Fukuyama đã chấp nhận những điều kiện kinh tế như
một tiêu chuẩn. Ông nói, các nhà nước có nhiều khả năng khai thác các tài
nguyên kinh tế của mình đều có thể thượng tồn; những nhà nước thiếu khả
năng đã phải mai một. Ví dụ điển hình ở đây là đế chế Pháp - một thể chế
thượng tôn pháp luật, và một chính quyền trách nhiệm, mỗi thành tố đòi hỏi
quyền uy và đặc lợi của riêng mình. Mặc dù vậy, số phận của đế chế
cũng đã cáo chung.
Theo
Fukuyama, bên sau sân khấu chính trị xuất sắc của Triều Đình Versailles và
trật tự hành chính chặt chẽ, hỗn loạn vẫn lan tràn. Nhà nước có quyền đánh
thuế công dân, nhưng tầng lớp thượng lưu, kể cả giai cấp qúy tộc xưa cũ và
trưởng giả hay viên chức công mới, đã tìm được nhiều phương cách tránh thuế
. Giới thượng lưu lãnh đạo cũng đã không thể tìm được một ý tưởng cải cách
tối cần cho hệ thống.
Kết quả
là sụp đổ, nhường chỗ cho Cách Mạng Pháp, đưa đến một dạng thức nhà nước hữu
hiệu hơn. Mô hình mới nầy, có thể đánh thuế, huy động và trừng phạt tới mức
chưa bao giờ thấy ở Âu châu, gây sốc đối với các chính quyền lân cận buộc họ
phải tự canh tân để thượng tồn. Và chúng ta đã tiến đến ngưỡng cửa hiện đại
và một hình thức chính quyền hiện đại, với kỹ thuật và tổ chức hành chính
tân tiến quen thuộc hiện nay.
Fukuyama
chấm dứt cuốn "Cội Nguồn Trật Tự Chính Trị" với
giọng điệu ôn hòa. Theo ông, các nền dân chủ tự do hiện nay, đặc
biệt là Hoa Kỳ, trong hai thế kỷ vừa qua, đã thành công trong nỗ lực
khám phá một thế quân bình vững chắc - cân bằng quyền lực nhà nước, tình trạng
pháp trị, và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Tuy nhiên, thành công
trong hiện tại, Fukuyama cảnh cáo, không bảo đảm được thành công
trong tương lai.
Ngược
lai, Fukuyama nói: "một xã hội hùng mạnh, ưu việt trong một kỷ
nguyên - như TQ trong thế kỷ thứ 7 - rất có thể cũng là một xã hội
suy sụp trong một kỷ nguyên khác.[14]Theo ông, tính chính đáng tương
lai tùy thuộc ở khả năng duy trì một thế cân bằng thích hợp giữa hành động
mạnh mẽ của nhà nước khi cần và những thứ tự do cá nhân nền tảng của dân chủ
cũng như thuận lợi cho sự tăng trưởng của khu vực tư.
Để kết
luận, Fukuyama hình như đã tỏ ra quá tự tôn với mô hình dân chủ tự do
của Mỹ, một mô hình cơ sở trên nguyên tắc phân quyền giữa ba ngành hành
pháp, lập pháp và tư pháp, kiểm soát lẫn nhau và bổ túc cho nhau. Mô hình nầy,
trên hình thức, có vẻ khá dân chủ và tự do. Tuy nhiên, thực tế lịch sử
trong suốt hai thế kỷ gần đây đã khiến nhiều nhà quan sát quốc tế tỏ ra
ngày một dè dặt.
Thực vậy,
nếu gạt qua một bên giá trị tuyên truyền như những mỹ từ, những khẩu hiệu
hay chiêu bài chính trị, mô hình, trong thực tế, cũng chỉ là một lớp vỏ rỗng
ruột. Hay cụ thể hơn, giá trị dân chủ và tự do của mô hình Hoa Kỳ phải được
hiểu theo quan điểm của giới thượng lưu hay tài chánh ngân hàng Wall
Street, trên dưới 1% dân Mỹ, không phải quan điểm của đại đa số nhân dân,
nói gì đến thế giới bên ngoài. Nói một cách khác, trong cấu trúc chính trị
hiện nay của Hoa Kỳ, cả ba ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp từ lâu đã
chỉ đại diện cho quyền lợi của một phần trăm giàu có trên đỉnh cao xã hội.
Tuy
nhiên, với tiến bộ trong ngành giáo dục trên khắp thế giới, và với cách mạng
truyền thông hiện nay, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng ở một tương lai sáng
sủa, hòa bình, và thịnh vượng, cho nhân dân Hoa Kỳ, và cho nhân loại nói
chung.
© Nguyễn Trường
Irvine,
California, U.S.A.
12-7-2011
[1] This book has two origins. The
first arose when my mentor, Samuel Huntington of Harvard University, asked
me to write a foreword to a reprint edition of his 1968 classic,
'Political Order in Changing Societies'. Its second inspiration was the
decade that Fukuyama spent studying 'the real-world problems of weak and
failed states and that inspired his 2004 book 'State-Building:
Governance and World Order in the 21st Century'.
[2] The End of History?
[3] The National Interest.
[4] The End of History and the Last
Man.
[5] What we may be witnessing is not
just the end of the cold war, or the passing of a particular period of
postwar history, but the end of history as such: that is, the endpoint of
mankind's ideological evolution and the universalization of Western liberal
democracy as the final form of human government.
[6] Alexandre Kojève, the great
Russian-French interpreter of Hegel, argued that history as such had ended
in the year 1806 with the Battle of Jena-Auerstadt, when Napoléon defeated
the Prussian monarchy and brought the principles of liberty and equality to
Hegel's part of Europe. I believe that Kojève's assertion still deserves to
be taken seriously. The three components of a modern political order - a
strong and capable state, the state's subordination to a rule of law and
government accountability to all citizens - had all been established in one
or another part of the world by the end of the 18th century.
[7] ...complex and context-specific.
[8] Human beings never existed in a
presocial state. The idea that human beings at one time existed as isolated
individuals, who interacted either through anarchic violence (Hobbes) or in
pacific ignorance of one another (Rousseau), is not correct.
[9] Malthusian trap of hunger or
overpopulation.
[10] ...suspended animation.
[11] ... caste system.
[12] ...a better form of freedom
emerges when there is a strong state and a strong society, two
centers of power that are able to balance and offset each other.
[13] Accountable government means that
the rulers believe that they are responsible to the people's interests
above their own.
[14] The robust, masterful society of
one era - China in the seventh century, say - may be the collapsed society
of another.
|