Tự do ngôn luận và thể chế dân chủ: tại sao khi nói dân chủ là nói đến tự do ngôn luận

Posted on
  • Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Thanh Thủy
    Bài viết này giới thiệu quan điểm của Alexander Meiklejohn (1872-1964), một nhà triết học người Mỹ, đồng thời là nhà quản trị đại học và một người cổ vũ cho tự do ngôn luận. Những đoạn trích dẫn dưới đây được lấy ra từ bài phát biểu của ông trong buổi điều trần trước tiểu ban về Quyền Hiến định của Hạ viện Mỹ năm 1955, trong đó ông giải thích ý nghĩa của Tu chính hiến pháp thứ nhất về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo. Tuy quan điểm được viết trong bối cảnh nước Mỹ, một nền dân chủ lâu đời, nhưng trong thời điểm hiện nay khi các nhân sĩ trí thức đang kêu gọi trả lại thực chất quyền làm chủ của người dân, các triết lý của Meiklejohn có nhiều điều đáng suy ngẫm và áp dụng cho Việt Nam.

    Meikeljohn cho rằng điều khoản về tự do ngôn luận trong hiến pháp không chỉ đơn giản là một điều luật thể hiện lý tưởng chung chung hay lý thuyết sáo rỗng. Đó là sự bảo vệ rất cụ thể và thực tế cho quyền tự quyết và tự cai trị của nhân dân – nền tảng cơ bản của một nền dân chủ. Từ phân tích thế nào là dân chủ và tự do chính trị, Meiklejohn giải thích những bảo vệ mà tu chính Hiến pháp thứ nhất đảm bảo cho chủ quyền của nhân dân.
    Miekeljohn cho rằng dân chủ là sự “tự kiểm soát” của người dân đối với cuộc sống của họ. Đó là sự tự do lựa chọn và tự chủ trong các quyết định về các công việc chính trị xã hội. Một khi quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp, nó trở thành một cam kết thiêng liêng của công dân một nước trong thực thi tự do chính trị. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử nước Mỹ, vốn giành quyền độc lập tự chủ và thoát khỏi sự cai trị của nền quân chủ Anh quốc. Những thế hệ lập quốc đầu tiên nghi ngờ quyền lực chính trị sẽ xâm lấn quyền tự do và độc lập của họ, do đó là vì sao bản Hiến pháp ra đời để hạn chế quyền lực của Chính phủ liên bang và khẳng định các quyền cơ bản của người dân Mỹ mà các quyền lực chính trị không được xâm phạm.
    Trước hết, quyền tự do ngôn luận bảo đảm quyền của nhân dân chống lại những đàn áp chính trị.
    “Bản Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của nhân dân chống lại sự xâm phạm của cơ quan lập pháp. Quyền tự do đó không phải là „quyền tự do cá nhân‟ được ban phát cho các công dân từ một hành động của cơ quan Lập pháp. Đó cũng không phải là nguyên tắc tự do ngôn luận trừu tượng bắt nguồn từ một quy luật của Tự nhiên hay của Lý trí.
    Quyền tự do đó, một khi được ghi trong Hiến pháp, là biểu đạt của một thoả thuận chính trị cơ bản rằng, nhân dân Mỹ cần cai trị chính họ, như là một phương sách cuối cùng. Để hiểu được ý nghĩa của quyền đó, vì vậy, chúng ta cần phải đào sâu vào những nền tảng cơ bản nhất của tiến trình tự cai trị.
    Chúng ta sẽ tìm thấy ở đó sự thật là một khi con người cai trị chính họ, đó chính là họ - chứ không phải ai khác – cần thông qua các phán xét về chính sách công. Và điều đó có nghĩa rằng trong các cuộc thảo luận quần chúng, các ý tưởng thiếu khôn ngoan cũng như khôn ngoan, các ý tưởng nguy hiểm cũng như an toàn, của người Mỹ hay không phải của người Mỹ, tất cả cần phải được lắng nghe. Bất kỳ lúc nào các công dân, người đáng lẽ phải ra quyết định về một vấn đề nào đó, bị từ chối sự tiếp cận với các thông tin, ý kiến, sự nghi ngại, sự thiếu tin tưởng, hoặc các chỉ trích có liên quan đến vấn đề đó, kết quả sẽ là những quyết định thiếu suy nghĩ, thiếu cân bằng cho lợi ích chung.
    Tu chính Hiến pháp thứ nhất được làm ra là để chống lại sự cắt xén đó của tiến trình suy nghĩ của cộng đồng. Đó là một điều khoản mà không phải cơ quan lập pháp, không phải cơ quan hành pháp, không phải toà án, cũng không phải cả ba cơ quan đó hành động cùng nhau, có quyền vô hiệu hóa. Chúng ta, những công dân Mỹ, đã cùng nhau quyết định rằng trong chính trị, chúng ta tự do.”
    Bác bỏ ý kiến cho rằng quyền tự do ngôn luận đôi khi có thể đe dọa an ninh quốc gia, và rằng khi hai lợi ích này va chạm nhau, chính phủ cần phải cân bằng hai lợi ích đó.
    Meiklejohn khẳng định: “Đó là một niềm tin đúng mực và không thiên vị khi cho rằng, trong một xã hội nguyện theo đuổi sự tự cai trị, xét về lâu về dài, sẽ không bao giờ có chuyện an ninh quốc gia bị đặt vào vòng hiểm nguy vì sự tự do của nhân dân. Bất kể những được hay mất tức thì, những nguy hiểm cho sự an toàn của chúng ta bắt nguồn từ đàn áp chính trị bao giờ cũng nghiêm trọng hơn những nguy hiểm cho sự an toàn bắt nguồn từ tự do chính trị. Đàn áp luôn là ngu xuẩn. Tự do luôn là khôn ngoan. Đó là một niềm tin, một niềm tin thử nghiệm, mà chúng ta, người Mỹ, đã cam kết thực hiện.”
    Meiklejohn còn viện dẫn lịch sử phương Tây, để nêu bật rằng mỗi khi những nhà cai trị tìm cách biện minh cho sự đàn áp của họ, an ninh công cộng luôn là cái cớ được đưa ra. Nhưng đó là thời quân chủ chuyên chế hay quốc giáo lên ngôi. Trong một đất nước mà người dân tự cai trị và tự quyết định vận mệnh của họ, sự biện minh đó không còn cơ sở để được chấp nhận nữa.
    Ngoài chức năng ngăn chặn tiêu cực, quyền tự do ngôn luận còn có mặt tích cực trong việc thúc đẩy các quyền và trách nhiệm chủ động của các công dân tự do. Quyền lực tối cao thuộc về nhân dân; tất cả quyền lực chính trị, dù đã ủy quyền hay không, thuộc về nhân dân. Những người nào nắm quyền lực chính trị, chẳng qua nhân dân đã “cho mượn” quyền lực ấy. Nhân dân được cai trị, một cách trực tiếp hay gián tiếp, bởi chính họ.
    Trong quá trình ủy quyền quyền lực cho các ngành lập pháp, hành pháp hay tòa án, nhân dân giữ lại quyền cơ bản nhất của mọi quyền lực: đó là quyền bỏ phiếu, quyền lựa chọn qua hành động chung, những đại biểu được tín nhiệm để giao phó một phần quyền lực. Để nắm trọn ý nghĩa của quyền này, cần hiểu rõ những gì người ta làm khi bỏ phiếu và cách mà họ bỏ phiếu. Để quyết định chọn ứng viên nào, cử tri cần cân nhắc và quyết định các vấn đề chính sách công.
    Meiklejohn viết: “Khi chúng ta bỏ phiếu, chúng ta làm nhiều hơn là chỉ chọn một số người để đại diện chúng ta. Chúng ta đồng thời phán xét những biện pháp họ đề xuất xem chúng khôn ngoan hay ngớ ngẩn. Qua đó, chúng ta lên kế hoạch cho phúc lợi quốc gia. Tu chính Hiến pháp thứ nhất bảo vệ chính những hoạt động „phán xét‟ đó, qua sự đảm bảo sự tự do khỏi can thiệp của lập pháp [...]. Sự phán xét các vấn đề chung, dù riêng lẻ hay theo nhóm, phải được tự do, độc lập, và phải là của chính chúng ta. Nó phải được thực hiện bởi chúng ta chứ không phải ai khác.
    Thứ hai, chúng ta phải được tự do và độc lập một cách bình đẳng khi bày tỏ, tại điểm bỏ phiếu, các kết luận, niềm tin, mà sự phán xét của chúng ta mang đến. Sự kiểm duyệt suy nghĩ của chúng ta, sự cưỡng ép lá phiếu của chúng ta, bị nghiêm cấm bởi Tu chính Hiến pháp thứ nhất.”
    Nhưng, cụ thể hơn nữa, những hoạt động phán xét và cân nhắc mà điều khoản về tự do ngôn luận muốn bảo vệ khỏi kiểm duyệt và cưỡng ép là gì? Những tiến trình nào của tri thức qua đó những con người tự do cai trị một quốc gia, và vì thế cần được bảo vệ khỏi những can thiệp bên ngoài?
    Meikeljohn cho rằng có ba hoạt động chính. “Thứ nhất, khi chúng ta cố gắng đi đến một quyết định về những vấn đề ảnh hưởng đến phúc lợi chung, thường thường chúng ta tìm đọc về những suy nghĩ và niềm tin của những người khác có liên quan đến các vấn đề đó. Các văn bản đó thường được tìm thấy trong các tài liệu hoặc báo chí, và trong các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại. Cử tri có thể tìm thấy trong nguồn tri thức bao la của ý tưởng và sự việc, của khoa học và giả tưởng, của thơ và văn, của niềm tin và sự nghi ngại, của nhận thức và mục tiêu, của thông tin và lý luận... những yếu tố sẵn sàng hữu dụng giúp cho tiến trình quyết định của họ.
    Thứ hai, chúng ta – những cử tri, thực hiện việc suy nghĩ, không phải chỉ bằng việc đọc và suy ngẫm cá nhân, mà còn qua những buổi thảo luận riêng tư hay công cộng trong những hội đoàn năng động. Chúng ta suy nghĩ cùng nhau cũng như suy nghĩ riêng lẻ. Và trong không gian này, qua hoạt động nhóm cùng những người tâm đầu ý hợp, qua những tranh cãi cùng những tâm trí đối lập, chúng ta lập đảng, thông qua cương lĩnh, tiến hành vận động, tổ chức họp hành, để qua đó những loạt ý tưởng này hay những ý tưởng khác có thể thắng thế, để những biện pháp này hay biện pháp kia có thể bị đánh bại.
    Và thứ ba, khi ngày bầu cử cuối cùng đến gần, cử tri, khi đó được coi là đã có quyết định trong đầu, phải biểu đạt quyết định đó qua lá phiếu. Sau tấm rèm của phòng bỏ phiếu, một mình và độc lập, cử tri ra quyết định của anh ta. Anh ta hành động như một đấng chủ quyền, một trong những lãnh đạo của đất nước anh ta. Dù trên thực tế chúng ta có thể sao lãng, nhưng trên lý thuyết, hành động đó chính là tự do của chúng ta.”
    Như vậy, quyền tự do ngôn luận là điều kiện cần cho một nền dân chủ được thực thi và quyền làm chủ của người dân được đảm bảo. Nói một cách ngắn gọn, nhân dân trao quyền cho những người lãnh đạo cho dân bầu ra, nhưng vẫn giữ chủ quyền tối cao và tiếng nói cuối cùng. Không thể lấy lý do an ninh quốc gia để hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân, vì những nguy hiểm gây ra bởi sự dập tắt chính kiến còn lớn hơn những nguy hiểm có thể xảy đến khi người dân thực thi quyền tự do.
    Quyền tự do ngôn luận là thiêng liêng, vì nó bảo vệ việc tiếp cận những thông tin phong phú và đa chiều, việc hội họp và lập đảng, quá trình bỏ phiếu độc lập và tự do qua người dân thực hiện quyền tự do chính trị và làm chủ của mình. Đó là lý do tại sao một nền dân chủ không có quyền tự do ngôn luận chỉ có thể là một nền dân chủ giả hiệu.
    Nguồn:http://phiatruoc.info/cac-gia-tr%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%B1-do-ngon-lu%E1%BA%ADn-ph%E1%BA%A7n-i-tcpt-s%E1%BB%91-39/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org