Thanh Thủy
TỰ DO NGÔN
LUẬN VÀ CUỘC TÌM KIẾM SỰ THẬT
Thuyết sự thật cho rằng tự do
ngôn luận góp phần vào việc tìm ra sự thật. Đại diện cho trường phái này là
John Stuart Mill với tác phẩm On Liberty[1] (Bàn
về tự do) xuất bản năm 1849 và John Milton với Aereopagitica[2] xuất
bản năm 1644.
John Stuart
Mill – về tự do tư tưởng và tự do thảo luận
Mill cho rằng tự do ngôn luận là
cần thiết cho sự lành mạnh tinh thần của nhân loại. Chính tự do tư tưởng, tự do
quan điểm và tự do thảo luận quan điểm giúp con người tiến gần đến sự thật.
Quan điểm của ông dựa trên bốn lập luận chính: con người luôn có thể sai lầm; một
ý kiến dù sai lầm vẫn có thể đóng góp vào việc tìm ra sự thật; sự cạnh tranh và
va chạm giữa các ý kiến khác nhau khiến tính đúng đắn của một quan điểm càng
thuyết phục hơn; và sự cạnh tranh và va chạm đó bảo vệ sự thật khỏi bị lãng
quên hoặc lu mờ.
Tự do ngôn luận là cần thiết vì
không ai nắm giữ chân lý. Ngay cả khi chỉ có một người có ý kiến khác biệt
trong toàn thể nhân loại, nhân loại không thể ngăn chặn tiếng nói của anh ta,
cũng như anh ta, dù quyền lực cách mấy, không thể chặn tiếng nói của toàn nhân
loại. Nếu ý kiến khác biệt đó là đúng, ngăn chặn ngôn luận đồng nghĩa với việc
đánh đổi sự thật lấy sai lầm. Nếu ý kiến khác biệt đó sai, nhân loại vẫn được lợi
khi để người đó lên tiếng, vì sự thật sẽ càng được nhận định sáng tỏ hơn, càng gây
ấn tượng sống động hơn khi vượt qua thử thách là đối chọi với sai lầm để sáng tỏ.
Con người luôn có thể sai lầm và
không ai độc quyền nắm chân lý. Những mưu toan nhằm hạn chế hoặc dập tắt ngôn
luận bắt nguồn từ sự tự mãn về sự bất khả chiến bại, rằng một người hoặc một
nhóm người có thể biết chắc chắn mọi thứ. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng niềm
tin của một thời đại có thể bị thời đại tiếp theo chứng minh là phi lý, cũng
như các ý kiến được coi là ý chí tập thể của một thế hệ có thể bị bác bỏ bởi thế
hệ sau.
Chính quyền có quyền lực để hạn
chế ngôn luận, với lý do bảo vệ người dân khỏi các quan điểm độc hại và sai lầm.
Thế nhưng, một quan điểm chính thống là đúng vì trụ vững qua các cuộc tranh cãi
và thách thức là một chuyện. Một quan điểm được cho là đúng vì các ý kiến trái
chiều bị ngăn chặn lại là chuyện khác. Một chính phủ tự cho mình đúng thì cần
phải để quan điểm đó được cọ xát và thử thách với các ý kiến khác nhau trong xã
hội. Sự tự do tuyệt đối trong việc phủ nhận và tranh cãi một ý kiến là điều kiện
cần để ý kiến đó được cho là đúng và chuyển biến thành hành động. Không còn con
đường nào khác để con người – với những khả năng có hạn – có thể đảm bảo họ
đúng.
Điều kiện này cũng đúng với các
quan điểm cá nhân. Tại sao sự phán xét của một cá nhân xứng đáng được tin cậy?
Bởi vì anh ta cởi mở với các phê bình về quan điểm và hành vi của anh ta.
Bởi vì anh ta thực sự lắng nghe tất cả các ý kiến chỉ trích có thể có, để có thể
tận dụng được các phần đúng trong các chỉ trích đó, và, khi có dịp, có thể giải
nghĩa cho anh ta cũng như cho người khác sự sai lầm trong những gì đã từng là
sai lầm. Bởi vì anh ta hiểu rằng rằng cách duy nhất để một người tìm cách tiếp
cận sự hiểu biết tổng thể về một chủ đề là lắng nghe tất cả những gì có thể được
nói về chủ đề đó bở vì tất cả mọi người, với tất cả các ý kiến đa dạng, và học
hỏi mọi phương cách để nhận định về chủ đề đó với tất cả các khả năng của trí
óc. Đó là cách duy nhất để một người uyên bác đạt được sự thông thái của mình.
Ngay kể cả khi chúng ta không đạt được sự hoàn hảo trong hiểu biết, chúng ta đã
làm tất cả trong khả năng giới hạn của con người cho phép, bởi chúng ta đã
không chối từ Sự thậtbất kỳ một cơ hội nào để tiếp cận với chúng
ta.
Đối với những cá nhân có quan điểm
khác biệt, thiểu số và không chính thống, đàn áp và dập tắt tiếng nói của họ
không chỉ là một điều xấu cho họ, mà còn là một tai họa cho chính chúng ta. Khi
ngăn chặn các tiếng nói đổi mới, dù các ý kiến có táo bạo và khó nghe đến mấy,
cái giá chúng ta phải trả cho sự “ổn định” tri thức chính là hi sinh sự can đảm
về tinh thần của trí tuệ con người, vì rằng chúng ta từ bỏ yếu tố giúp trí tuệ
được mở mở mang và mạnh mẽ hơn: “dám” suy xét một cách tự do và táo bạo về các
chủ đề lớn lao nhất.
Tự do ngôn luận cần thiết cho sự
thật, vì sự thảo luận thường xuyên về một quan điểm được thừa nhận là đúng sẽ
giữ cho sự thật đó sống động, chứ không phải là một giáo điều chết. Tước bỏ sự
thách thức và bảo vệ sự thật một cách liên tục qua thảo luận là biến một quan
điểm đúng thành một định kiến ràng buộc trí óc, một niềm tin không được củng cố
bằng lý luận. Đó không phải là cách mà sự thật được nắm bắt bởi một con người
có lý trí. Đó không phải là nắm bắt sự thật. Sự thật trong trường hợp chẳng là
gì khác ngoài một điều mê tín tình cờ níu bám được vào các ngôn từ diễn đạt một
sự thật khác.
Nếu một sự thật không được liên tục
thảo luận, thách thức hoặc bảo vệ, không chỉ các căn cứ của sự thật đó mà cả ý
nghĩa của nó cũng sẽ bị lãng quên. Bởi vì, có nhiều sự thật mà con người ta chỉ
có thể hiểu thấu khi bản thân họ trải nghiệm để cảm nhận được sự thật đó. Nhưng
còn hơn thế, sự hiểu cặn kẽ đó sẽ khắc sâu vào tâm trí với ấn tượng mạnh mẽ hơn
nếu người đó quen với việc nghe thấy các ý kiến ủng hộ và phản đối của những
người đã hiểu quan điểm ấy. Xu hướng chết người của con người là ngừng ngẫm
nghĩ về một điều gì đó khi không còn gì nghi ngờ về nó nữa – đó chính là nguyên
do của một nửa những sai lầm của của con người.
Có một lý do nữa khiến sự đa dạng
trong ngôn luận và quan điểm là một điều có lợi. Thông thường, không phải chỉ
có sự va chạm giữa các quan điểm sai và các quan điểm đúng mới góp phần làm sự
thật được hiểu sâu hơn và cảm nhận sâu hơn. Trên thực tế, các lý thuyết đối lập
với nhau thường chia sẻ với nhau một phần sự thật. Các quan điểm không đồng thuận
khác luôn là cần thiết để bổ sung các khía cạnh còn chưa được khám phá của sự
thật. Sự thật, trong các vấn đề thực tế nhất của đời sống, phần nhiều là sự
dung hòa và tổng hợp các quan điểm đối lập nhau, và rằng rất ít người, dù học vấn
cao, có khả năng và sự công minh để điều chỉnh một quan điểm cho đúng đắn hơn.
Vì vậy, sự thật chỉ có thể được đạt tới qua một tiến trình đấu tranh giữa những
người năng nổ bảo vệ cho các quan điểm khác nhau.
Như vậy, trong quan điểm của
Mill, tự do tư tưởng và tự do bày tỏ tư tưởng là cần thiết để tiến gần đến chân
lý, vì ai cũng có thể có quan điểm sai lầm, vì sự va chạm giữa các quan điểm
trái ngược nhau sẽ chỉ làm cho chân lý, một khi được tìm ra, thuyết phục hơn.
Liên tục thảo luận, thách thức, bảo vệ một quan điểm đúng đắn sẽ khiến quan điểm
đó là một sự thật sống động được chứng tỏ qua lý trí, và sự thật đó, thay vì chỉ
là một giáo điều cứng nhắc được lặp đi lặp lại vì nghĩa vụ, sẽ được mỗi người cảm
nhận một cách sâu sắc hơn và tin tưởng hơn.
John Milton
– về vấn đề kiểm duyệt và tự do xuất bản
Lý do thường được đưa ra để biện
hộ cho kiểm duyệt là nỗi lo về những tư tưởng xấu xa có thể lan rộng. Milton
cho rằng, trong trường hợp đó, tất cả những kiến thức và các vấn đề còn được
tranh cãi sẽ bị ngăn cấm, các tác phẩm tiên phong nhất sẽ không bao giờ có cơ hội
được đọc và thảo luận. Thế nhưng, chính những quan điểm mới và gây tranh cãi đó
lại thường xuyên là những quan điểm đúng đắn hơn cả và được lịch sử chứng minh.
Thêm vào đó, những điều được cho là xấu có thể được lan rộng bằng hàng ngàn
phương cách khác ngoài sách vở. Kiểm duyệt những chủ đề được coi là “xấu” không
phải là cách để làm điều xấu ngừng tồn tại trong xã hội. Những người kiểm duyệt
sẽ làm thế nào để kiểm soát hàng ngàn hàng vạn những cách thức truyền tải thông
tin trong cuộc sống xã hội đa dạng đây? Kiểm duyệt những đề tài “xấu” không làm
cho một người xấu trở nên tốt đẹp hơn, cũng như tước đoạt toàn bộ của cải của một
người tham lam không vì vậy mà làm họ bớt tham lam hơn.
Nếu những người đầu tiên đón nhận
các tác phẩm mới là những người uyên bác và thông thái, và nếu cho rằng họ cũng
sẽ là những người đầu tiên truyền bá những sai lầm và xấu xa (nếu có) trong các
tác phẩm đó, tại sao chúng ta có thể đặt niềm tin vào những người thực hiện kiểm
duyệt, trừ phi chúng ta cho rằng, hoặc họ tự nhận rằng họ là những người thông
thái và uyên bác hơn hết thảy những người khác, rằng họ không bao giờ sai lầm
và không bao giờ có thể bị mua chuộc? Thế nhưng, Milton tin rằng một người
thông thái có thể tìm thấy những giá trị từ những điều tưởng như vô dụng, trong
khi những kẻ điên rồ vẫn luôn là điên rồ kể cả khi họ có những cuốn sách hay nhất
hoặc chẳng có cuốn sách nào. Vậy tại sao chúng ta tước đoạt từ những người
thông thái những điều có lợi cho sự khôn ngoan của họ, trong khi tìm cách ngăn
chặn những kẻ điên rồ khỏi những thứ không hề là vật cản khiến họ điên rồ hơn.
Việc kiểm duyệt như vậy sẽ chẳng mang lại lợi ích mong muốn. Sự thật tự bản thân
nó khéo léo và tài tình hơn bất kỳ phương tiện hoặc phương pháp nào có thể được
sử dụng để ngăn chặn nó.
Đặt giả thuyết rằng kiểm duyệt có
thể đạt được mục tiêu là ngăn chặn những điều “xấu” lan tràn trong xã hội.
Trong trường hợp này, đồng thời với việc ngăn chặn điều “xấu,” kiểm duyệt sẽ phải
quét sạch những điều tốt – vì chúng luôn là hai mặt của cùng một vấn đề. Con
người học được những điều tốt đẹp từ những trải nghiệm sai lầm. Tạo hóa làm ra
mọi vật với các khía cạnh trái ngược nhau là vì như vậy.
Như vậy, trong quan điểm của
Milton, kiểm duyệt là một điều phản tự nhiên và điên rồ – vì kiểm duyệt sẽ
không bao giờ đạt được mục tiêu nó mong muốn, hoặc nó đạt được mục tiêu với cái
giá phải trả là những điều tốt đẹp trong xã hội cũng sẽ bị kiểm duyệt như một hệ
luỵ. Sự thật, cùng tự do, sẽ tài tình và khéo léo vượt qua mọi phương cách âm
mưu ngăn chặn nó.
Nguồn:http://phiatruoc.info/cac-gia-tr%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%B1-do-ngon-lu%E1%BA%ADn-ph%E1%BA%A7n-i-tcpt-s%E1%BB%91-39/