Trách nhiệm và tội phạm chiến tranh

Posted on
  • Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Noam Chomsky
    Nguyễn Khánh Long dịch

    (Dưới đây là một phần cuộc phỏng vấn giáo sư Noam Chomsky do Gabriel Matthew Schivone thực hiện, tại trường Massachusetts Institute of Technology, ngày 25/6/2007)
    Gabriel Matthew Schivone: Ông nghĩ sao về trách nhiệm hình sự và các nhà trí thức? Nuremberg là một tiền lệ thật đáng chú ý.

    Chomsky: Trường hợp Nuremberg là một tiền lệ hết sức đáng chú ý. Trước tiên, các phiên toà Nuremberg – so với tất cả các toà án đã lập ra từ bấy đến nay – theo tôi là những phiên toà nghiêm túc nhất Nhưng, tuy thế, nó cũng có những sai sót nghiêm trọng. Và người ta đã nhìn nhận điều đó. Khi viết về những phiên toà ấy, viên chánh công tố Telford Taylor nhìn nhận có những sai sót, và sở dĩ thế là vì một số lí do căn bản. Một, các phạm nhân chiến tranh Quốc xã bị đưa ra xét xử vì những tội ác vào thời đó chưa được tuyên bố là những tội ác. Cho nên, đó là áp dụng hồi tố. “Nay chúng tôi tuyên bố những gì các người đã làm là những tội ác.” Thế đã là có vấn đề rồi.

    Thứ hai, sự lựa chọn những gì phải coi là tội ác lại dựa trên một tiêu chuẩn hết sức rõ ràng, tức là sự chối bỏ nguyên tắc phổ quát. Nói một cách khác, tại Nuremberg một điều gì đó được gọi là tội ác nếu là do họ gây ra chứ không phải chúng ta.

    Cho nên, tỉ dụ, oanh tạc các đô thị đông dân không bị coi là tội ác. Oanh tạc Tokyo, Dresden, và rồi các thành phố khác – không phải là những tội ác. Vì sao? Vì là do chúng ta gây ra. Vậy nên, đó không phải là một tội ác. Thực tế, có những phạm nhân chiến tranh Quốc xã bị buộc tội đã có thể thoát bị truy tố khi họ chứng minh được rằng người Mĩ và người Anh cũng đã làm y hệt những gì họ đã làm. Đô đốc Doenitz, một viên tư lệnh tàu ngầm liên can đủ thứ tội ác chiến tranh, để biện hộ, đã viện dẫn trước toà một quan chức cao cấp bộ Hải quân Anh và, cứ như tôi nhớ, đô đốc Nimitz của Mĩ, hai vị này chứng nhận rằng, “Phải đó, chúng tôi cũng đã làm như thế.” Và, vì thế, bọn họ đã không bị kết án với những tội ác đó. Doenitz được tha bổng. Và mọi chuyện đã tiếp diễn như thế. Một sai sót rất nghiêm trọng đấy chứ. Tuy vậy, so với tất cả các toà án khác, đó vẫn là toà án nghiêm túc nhất.

    Khi chánh án Jackson, cố vấn trưởng công tố viện, ngỏ lời với toà và giải thích cho họ tầm quan trọng của những gì họ đang thực hiện, ông nói, đại khái thế này: “Chúng ta trao cho các bị cáo này cốc rượu độc, và nếu có bao giờ chúng ta nhấp một ngụm, chúng ta cũng phải chịu cùng những hình phạt như thế, không thì cả phiên toà này sẽ là một trò hề.” Thế thì, ông nhìn lại lịch sử từ bấy đến giờ xem, chúng ta đã nhấp cốc rượu độc bao nhiêu lần rồi, nhưng chưa bao giờ bị coi là tội ác cả. Cho nên, điều đó có nghĩa chúng ta đang nói cả phiên toà ấy là một trò hề.

    Gabriel Matthew Schivone: Thật đáng chú ý, trong lời tuyên bố mở đầu của ông, Jackson khẳng quyết rằng các luật sư bên bị không muốn buộc tội toàn bộ dân tộc Đức, dân tộc từ đấy xuất thân các bị cáo, vì những tội ác họ đã phạm, mà chỉ buộc tội “những kẻ hoạch định và thiết kế” những tội ác ấy, “những kẻ xúi giục và cầm đầu mà nếu không có mưu đồ xấu xa của họ thế giới đã chẳng bị đoạ đày lâu đến thế trong bạo lực và hỗn loạn... của cuộc chiến kinh khiếp này.”

    Chomsky: Đúng đấy. Và đấy là một nguyên tắc khác chúng ta nay thẳng tay chối bỏ. Thế thì, tại Nuremberg, chúng ta không xét xử những kẻ đã liệng người Do Thái vào lò thiêu; chúng ta xét xử những kẻ cầm đầu. Giờ đây hễ có một phiên toà xử những tội ác thì chỉ là xử vài kẻ cấp dưới nào đó – như một tên tra tấn ở [nhà tù] Abu Ghraib - chứ không phải những người đã dựng nên hệ thống cho những kẻ kia điều hành. Và chắc chắn chúng ta không xét xử các lãnh tụ chính trị về tội xâm lược. Chuyện này bất khả nhé. Ta có thể tưởng tượng được trường hợp xâm lược nào rành rành hơn vụ xâm chiếm Iraq không? Đúng ra, căn cứ theo các nguyên tắc Nuremberg, nếu ta đọc kỹ các nguyên tắc ấy, cuộc chiến của Hoa Kì chống Nicaragua là một tội ác xâm lược mà lẽ ra Ronald Reagan phải bị đem ra xử. Nhưng chuyện này ngoài sức tưởng tượng phải không? Ở phương Tây, ta chẳng thể nói ra điều ấy nữa kia. Và lí do là vì chúng ta chối bỏ triệt để những chân lí đạo đức sơ đẳng nhất. Chúng ta thẳng tay chối bỏ những điều hiển nhiên ấy. Chúng ta còn chẳng nghĩ là chúng ta chối bỏ chúng nữa kia, và điều này lại còn tệ hơn là chỉ chối bỏ chúng mà thôi.

    Tôi muốn nói, nếu ta có thể tự nói thẳng ra với bản thân rằng: “Chúng ta hoàn toàn vô luân, chúng ta không chấp nhận những nguyên tắc đạo đức sơ đẳng,” thì một cách nào đó điều ấy sẽ là một thứ lập trường đáng trọng đấy. Nhưng khi mà ta chìm sâu tới mức ta không còn nhận biết ta đang xâm phạm những nguyên tắc đạo đức sơ đẳng cũng như luật pháp quốc tế, điều này thật quá tệ. Thế nhưng bản chất văn hoá trí thức là như thế - không phải chỉ ở Hoa Kì mà thôi – mà ở các xã hội hùng mạnh bất cứ nơi nào.

    Gabriel Matthew Schivone: Ông nhắc việc Doenitz thoát bị truy tố những tội ác của mình. Hai người không thoát bị trừng phạt và thuộc số bị trừng phạt nặng nề nhất tại Nuremberg là Julius Streicher, chủ bút một tờ báo lớn, và – đây cũng là một tỉ dụ đáng chú ý - tiến sĩ Wolfram Sievers thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Quân sự của Hội Ahnenerbe. Những tội ác của Sievers bắt nguồn từ trường Đại học Strasbourg. Cả hai người này đều không thuộc loại ai cũng nghĩ sẽ bị truy tố vì tội ác chiến tranh quốc tế, vì nghề nghiệp dân sự của họ.

    Chomsky: Phải đấy, và có một biện minh cho điều ấy, tức là các bị cáo ấy hiểu được những gì họ làm. Họ hiểu được những hậu quả của công việc họ thi hành. Nhưng, tất nhiên, nếu ta phải chấp nhận cái nguyên tắc phổ quát dễ sợ này, rất nhiều người sẽ bị liên luỵ đấy nhé - các nhà báo, các nhà khảo cứu ở đại học, vân vân.

    Gabriel Matthew Schivone: Xin phép ông cho tôi trích dẫn bản xác minh nhiệm vụ của Sở Khảo cứu Lục quân [Hoa Kì]. Cơ quan khảo cứu “ngoại vi hàng đầu” này của Lục quân tập trung vào “phát triển và khai thác những tiến bộ tân kì để bảo đảm sự ưu thắng công nghệ của quốc gia.” Nó thực hiện nhiệm vụ ấy “bằng cách tiến hành một chương trình khảo cứu khoa học căn bản táo bạo cho Lục quân để các khám phá khoa học sắc bén và kho tàng kiến thức khoa học được sử dụng một cách tối ưu cho việc phát triển và cải tiến các hệ thống vũ khí đem lại sự thống trị cho quân lực trên bộ.”

    Chomsky: Đấy là một cơ quan của Ngũ giác Đài, và họ lo việc của họ. Trong chế độ chúng ta, quân sự dưới quyền kiểm soát của dân sự. Bên dân sự giao phó một công tác nào đó cho bên quân sự: việc của họ là tuân lệnh, và thủ vai trò của họ, không thế thì từ chức. Quân sự dưới quyền kiểm soát của dân sự là như thế. Vậy thì ta thực ra chẳng thể chê trách họ vì bản xác minh nhiệm vụ của họ. Họ làm những gì các nhà chức trách dân sự bảo họ làm. Kẻ có tội, ấy là các nhà chức trách dân sự. Nếu ta không ưa những chính sách ấy (tôi không ưa và ông cũng không ưa), thì ta phải trở ngược lại những kẻ dân sự đã thành hình hệ thống và rồi ban lệnh.

    Cứ theo các tiền lệ Nuremberg, ông có thể bị buộc tội vì tuân thủ những mệnh lệnh bất hợp pháp, nhưng thường thì đó cũng là trường hợp hãn hữu thôi. Kẻ ở vị thế chỉ huy quân sự thực ra đã tuyên thệ tuân thủ những mệnh lệnh của bên dân sự, dẫu họ không ưa những mệnh lệnh ấy. Nếu ông nói thực sự đó là những mệnh lệnh tội lỗi, thì, phải, họ có thể khước từ chúng và rồi bị rắc rối, vân vân. Nhưng đó chỉ là thi hành chức năng họ được lệnh thi hành. Cho nên, ta trở ngược thẳng lại với các nhà chức trách dân sự và rồi với văn hoá trí thức tổng quát, văn hoá cho rằng điều đó là thích đáng và chính đáng. Và thế là ta trở lại với các trường đại học, báo chí, tức là những trung tâm của hệ thống chủ thuyết.

    Gabriel Matthew Schivone: Phần tôi, sự thẳng thắn trắng trợn của bản xác minh nhiệm vụ ấy cũng gây ấn tượng rất mạnh.

    Chomsky: Thì cũng chẳng khác nào đến một kho vũ khí và thấy rằng họ chế tạo những súng ống tối tân hơn. Đấy là những gì người ta nghĩ họ phải làm. Mệnh lệnh họ nhận được là, “Làm cho khẩu súng này tối tân hơn”, và họ làm như thế. Và, nếu họ trung thực, họ sẽ nói, “Phải, chúng tôi làm như thế đấy; đấy là những gì các nhà chức trách dân sự bảo chúng tôi làm.”

    Đến một lúc nào đó, người ta phải đặt câu hỏi, “Tôi có muốn làm một khẩu súng tối tân hơn không?” và thế là ta gặp lại các nan đề Nuremberg. Nhưng ông không thể quá khắc nghiệt chê trách những người thi hành những mệnh lệnh người ta bảo họ thi hành khi mà trong văn hoá chẳng có gì cho họ thấy có gì là sai trái ở đấy. Tôi muốn nói, phải anh hùng lắm mới ý thức điều đó, bứt phá khỏi hệ thống văn hoá và nói, “Này, những gì tôi làm là sai trái.” Như kẻ đào ngũ vì nghĩ rằng chiến tranh sai trái. Đấy không phải là chỗ để buộc tội, tôi nghĩ thế. Hệt như tại Nuremberg. Như tôi đã nói, tại Nuremberg ngưòi ta đã không xét xử lính SS liệng người vào lò thiêu. Họ có thể bị xét xử ở nơi khác, nhưng tại Nuremberg thì không.

    Gabriel Matthew Schivone: Nhưng, trong trường hợp này, kết quả của bản xác minh nhiệm vụ của Sở Khảo cứu Lục quân thu tóm các công trình học thuật nhằm tạo ra những vũ khí tối tân hơn, đó là các giáo sư, học giả, nhà khảo cứu, nhà thiết kế khoa học, vân vân, có những chọn lựa ấy để tập trung nỗ lực trí thức và vậy là để mình bị sử dụng cho những mục đích như thế, và họ không nhất thiết tuân theo mệnh lệnh trực tiếp nào, mà do tự ý nhiều hơn.

    Chomsky: Họ tự ý đấy, nhưng chớ quên là có một văn hoá trí thức tổng quát không nêu lên một phi bác nào.

    Ta hãy coi cuộc chiến Iraq. Người ta đã viết không biết bao nhiêu bài, lập luận, thảo luận về cuộc chiến ấy, đặt câu hỏi “Ta phải làm gì?”, làm thế này thế kia, đủ cả. Tuy nhiên, ta thử tìm xem có ở đâu một câu nói rằng “tiến hành một cuôc chiến tranh xâm lược là tội ác quốc tế tột đỉnh, khác với các tội ác chiến tranh khác ở chỗ nó bao gồm hết những ác hại về sau” (Nuremberg nói đại khái như thế). Thử tìm xem có nơi nào có câu ấy không. Có đầy. Tôi đã viết về điều ấy, và khoảng hai chục người khác trên thế giới đã viết về điều ấy. Nhưng nó có nằm trong văn hoá trí thức không? Liệu ông có thể tìm được điều ấy trên một tờ báo hay một tạp chí nào, hay tại Quốc hội, hay trong một diễn văn nào trước công chúng, bất cứ gì nằm trong sự trao đổi chung các kiến thức và tư tưởng? Tôi muốn nói, sinh viên có học nó tại trường không? Có hay không những khoá trình dạy cho sinh viên rằng “tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược là tội ác quốc tế tột đỉnh, nó bao gồm hết những ác hại về sau”?

    Thế nên, tỉ dụ, nếu chiến tranh giáo phái là một sự tàn bạo kinh khủng, như thực tế đang diễn ra, thì ai phải chịu trách nhiệm? Cứ theo các nguyên tắc Nuremberg, thì đó là Bush, Rumsfeld, Cheney, Wolfowitz, Rice - họ phải chịu trách nhiệm cuộc chiến tranh giáo phái ấy vì họ đã tiến hành tội ác quốc tế tột đỉnh, nó bao gồm hết những ác hại về sau. Thử tìm xem có ai nêu lên điều đó không. Không chứ gì. Bởi lẽ văn hoá trí thức thống trị của ta chấp nhận việc ta đập tan bất cứ ai ta muốn là chính đáng.

    Rồi lại coi Iran. Cả hai đảng chính trị - và hầu như toàn bộ báo chí - chấp nhận là chính đáng, và danh giá nữa kia, rằng “không loại trừ một lựa chọn nào”, hẳn là kể cả sử dụng vũ khí nguyên tử, cứ như Hillary Clinton và ai ai cũng nói. “Không loại trừ một lựa chọn nào” có nghĩa chúng ta đe doạ gây chiến. Có một thứ gọi là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nó đặt ra ngoài vòng pháp luật sự “đe doạ hay sử dụng vũ lực” trong bang giao quốc tế. Có một ai quan tâm không? Thực ra tôi có thấy đâu đó một bài báo của Ray Takeyh, một chuyên gia về Iran thân cận với chính phủ, lưu ý rằng đe doạ là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nhưng những thứ như vậy hiếm lắm, có tìm ra thì cũng chẳng khác tìm ra một viên kim cương trong đống rơm. Chúng không phải một phần của cái văn hoá này. Chúng ta được phép đe doạ bất cứ ai ta muốn - và tấn công bất cứ ai ta muốn. Và, khi một kẻ lớn lên và hành động trong một văn hoá như thế, họ có tội theo một nghĩa nào đó, nhưng tội phạm thì rộng lớn hơn nhiều.

    Tôi vừa đọc cách đây hai ngày một bài bình luận về một cuốn sách mới của Steven Miles [1] , một bác sĩ và cũng là một chuyên gia đạo đức sinh học [bioethicist]; ông ta đã đọc qua 35.000 trang tư liệu về sự tra tấn tại Abu Ghraib ông có được nhờ Luật Tự do Thông tin. Và câu hỏi khiến ông ưu tư là: “Các bác sĩ đã làm gì trong suốt thời gian những vụ việc ấy?” Trong suốt thời gian những buổi tra tấn ấy có những bác sĩ, y tá, những nhà khoa học hành vi [behavorial] và những người tổ chức chúng. Họ đã làm gì khi tra tấn tiếp diễn? Cứ đọc các biên bản rất chi tiết đi, ta sẽ thấy họ hoạch định và cải tiến sự tra tấn. Y hệt các bác sĩ Quốc xã.

    Robert Jay Lifton đã có cả một công trình nghiên cứu về các bác sĩ Quốc xã [2] . Ông cho ta thấy rằng, một cách nào đó, không phải từng cá nhân các bác sĩ ấy mang tội tối hậu, mà là một văn hoá, một xã hội chấp nhận tra tấn và những hành động vô đạo là chính đáng. Điều đó cũng đúng với những tra tấn ở Abu Ghraib. Tôi muốn nói, ta phạm một lỗi lầm nghiêm trọng nếu ta chỉ chú tâm đến họ như thể họ là những kẻ gớm ghiếc. Họ xuất thân từ một văn hoá coi điều đó là chính đáng. Có thể có một vài quá đáng ta thực ra không làm, nhưng tra tấn khi thẩm vấn được coi là chính đáng.

    Hiện giờ người ta ồn ào tranh luận về “Ai là chiến binh thù địch?”, một cuộc tranh luận rất kĩ thuật đấy. Thử giả dụ ta xâm lăng một nước khác và ta bắt được một kẻ bảo vệ nước ấy chống lại cuộc xâm lăng của ta: gọi kẻ ấy là một “chiến binh thù địch” thì nghĩa là gì? Nếu một nước nào xâm lăng Hoa Kì và giả dụ ta bị bắt vì ném đá vào một người lính, thì có phải là chính đáng hay không việc họ giải ta đến một nhà tù tương đương như ở Guantanamo, và rồi tranh luận xem ta là một chiến binh “hợp pháp” hay “bất hợp pháp”? Toàn bộ cuộc tranh luận ấy như thể ở đâu đó trên trời. Nhưng, trong một văn hoá chấp nhận rằng chúng ta nắm cả thế giới trong tay và chúng ta điều khiển cả thế giới, nó lại phải lẽ đấy. Nhưng một lần nữa, ta phải ngược trở lại tận gốc rễ cái văn hoá trí thức hay là đạo đức ấy, chứ không phải chỉ truy tìm những cá nhân trực tiếp liên can mà thôi.

    Gabriel Matthew Schivone: Như ông vừa nói, sinh viên có được dạy những nguyên tắc đạo đức quan trọng không. Tại trường tôi, Đại học Arizona, có những khoá trình về đạo đức sinh học, thực tế là những khoá trình bắt buộc cho sinh viên các bộ môn khoa học tự nhiên - phần lớn chỉ đề cập đến những tình huống coi như những “đe doạ trượt dốc” và những vấn đề có thể nổi lên trong những giới hạn nào đó – nhưng hoàn toàn không có trong các bộ môn khoa học xã hội hay nhân văn. Ông có nghĩ rằng nên có không? Có ích lợi không?

    Chomsky: Có, nếu họ trung thực. Nếu trung thực, họ sẽ nói về những gì chúng ta đang nói đây, và thực hiện các nghiên cứu trường hợp. Rao truyền những nguyên tắc cao thượng chẳng ích lợi gì. Điều đó đâu có gì khó. Cả các bác sĩ Quốc xã cũng có thể làm được.

    Hãy xét từng trường hợp và xem các nguyên tắc ấy áp dụng thế nào – cho Việt Nam, cho El Salvador, cho Iraq, cho Palestine - cứ xét các trường hợp ấy và xem chúng ta có hành động theo các nguyên tắc ấy không. Đấy là những gì quan trọng hàng đầu, và lại là những gì ít được thảo luận nhất.

    Gabriel Matthew Schivone: Để kết thúc, hẳn là có những lầm lạc, những khiếm khuyết nghiêm trọng trong xã hội chúng ta, trong trình độ văn hoá của chúng ta. Theo ý ông, làm thế nào chấn chỉnh được chúng và tạo dựng một trình độ văn hoá mới, trong đó, tỉ dụ, tra tấn không được chấp nhận. (Dẫu sao, chế độ nô lệ cũng như lao động trẻ em đều từng được chấp nhận một thời gian dài và bây giờ không còn được chấp nhận nữa.)

    Chomsky: Hai tỉ dụ ông nêu lên chính là giải đáp cho câu hỏi rồi đó, giải đáp duy nhất cho đến nay. Chế độ nô lệ và lao động trẻ em biến mất đâu phải nhờ phép phù thuỷ nào. Mà do sự tranh đấu can trưòng, bền bỉ, một lòng một dạ của không biết bao nhiêu người. Về tra tấn cũng thế, trước kia nó hoàn toàn chỉ là một chuyện thường tình.

    Nếu tôi nhớ không lầm, nhà tội phạm học lừng danh người Na Uy Nils Christie viết ở đâu đó rằng các nhà tù bắt đầu phát triển tại Na Uy vào đầu thế kỉ XIX. Trước thì nhà tù không cần thiết cho lắm, khi mà người ta trừng phạt kẻ bị buộc tội trộm cướp bằng cách đóng cọc xuyên qua bàn tay y. Nay thì Na Uy có lẽ là xứ văn minh nhất trên trái đất này.

    Nay thì dần dà đã có sự điển chế hoá các hạn chế nhằm vào sự tra tấn, và những hạn chế ấy đã có tác dụng, dẫu còn ít ỏi, ngay từ trước khi Bush trở lui về với man rợ. Cuốn sách của Alfred McCoy [3] điểm lại lịch sử xấu xa này. Tuy nhiên, đã có cải thiện, và sẽ có nhiều cải thiện hơn nếu có nhiều người sẵn sàng nỗ lực, những nỗ lực từng đưa đến sự loại trừ quy mô chế độ nô lệ và lao động trẻ em – dù chưa loại trừ được hoàn toàn. 

    [1]Oath Betrayed: Torture, Medical Complicity, and the War on Terror, 2006 (chú thích của người dịch)
    [2]The Nazi doctors: medical killing and the psychology of genocide, 1986 (ctcnd)
    [3]A Question of Torture: C.I.A. Interrogation, from the Cold War to the War on Terror, 2006 (ctcnd)
    Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11630&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org