Tại sao Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ các chế độ chuyên chế?

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Robert Kagan
    Nguyên Trường dịch
    Ngay từ thế kỉ XVIII, khi nền tự do vừa mới xuất hiện, cuộc xung đột không thể tránh khỏi của nó với các chế độ chuyên chế đã góp phần định hình nền chính trị thế giới. Đây là cái mà James Madison gọi là “cuộc đấu tranh vĩ đại của thời đại giữa nền tự do và chế độ chuyên chế” kéo dài gần hết thế kỉ XIX và phần lớn thế kỉ XX, khi các lực lượng tự do liên kết thành một mặt trận chống lại các hình thức độc tài khác nhau cả dưới hình thức chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh.

    Nhiều người tin rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc sau năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản, một chế độ vẫn tự nhận là chuyên chính “chính đáng”, cáo chung và mối ác cảm tôn giáo, chủng tộc và văn hoá đã trở thành nguồn gốc chính của các cuộc xung đột quốc tế, điều đó có vẻ như đã được khẳng định bằng sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 và sự nổi lên của phong trào Hồi giáo cực đoan. 

    Nhưng giai đoạn hiện nay có thể được coi, bên cạnh những sự kiện khác, là một hiệp mới trong cuộc xung đột giữa chủ nghĩa tự do và chế độ chuyên chế. Những kẻ thủ vai chính bên phía chuyên chế không phải là các chế độ độc tài nhỏ bé ở Cận Đông mà học thuyết của ông Bush nhắm tới. Họ chính là Nga và Trung Quốc, hai siêu cường độc tài, những nhà nước đang đặt ra những thách thức cũ mà mô hình “chiến tranh chống khủng bố” chưa nhận thức được. 


    Nếu điều này có làm ai đó ngạc nhiên thì cũng chỉ bởi vì không nước nào trong hai siêu cường trên đi theo đường lối mà đa số các nhà quan sát từng dự đoán. Trong những năm cuối thập kỉ 90, mặc dù Boris Yeltsin có gặp một số thất bại, chính sách đội nội và đối ngoại của Nga về đại thể có vẻ như là theo phương Tây, dân chủ hoá. Còn Trung Quốc, cho đến năm 2002 vẫn được coi là đang đi theo hướng dân chủ hoá về mặt đối nội và hội nhập mạnh hơn vào thế giới tự do về mặt đối ngoại. Các nhà Trung Hoa học và các chính trị gia đều cho rằng dù muốn dù không các nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn phải làm như thế vì đấy là yêu cầu tất yếu để đưa Trung Quốc vào nền kinh tế thị trường. 


    Hiện nay các giả định như thế trở thành đáng ngờ ngay đối với tác giả của chúng. Những cuộc thảo luận về dân chủ hoá và hội nhập trong thời gian sắp tới của nước Nga đã thưa thớt dần. Dmitri Trenin gần đây nói rằng Moskva “đã bỏ quĩ đạo Tây phương và lao vào chuyến bay tự do”. Trung Quốc tiếp tục hội nhập vào trật tự kinh tế thế giới nhưng ít nhà quan sát còn nói đến tính tất yếu của quá trình tự do hoá chính trị nữa. Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc kiên trì ủng hộ chế độ cai trị độc đảng, nền kinh tế của họ đã có những bước phát triển vượt bậc. Người ta bắt đầu nói đến “mô hình Trung Quốc” trong đó nền chính trị độc tài song hành với phát triển kinh tế. Các nhà lãnh đạo Nga cũng thích mô hình này, song ở đây phát triển kinh tế lại dựa vào nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt tưởng như không bao giờ cạn của họ. 

    Cho đến nay chiến lược của phương Tây tự do là cố gắng đưa hai siêu cường này hội nhập vào trật tự thế giới, cải tạo họ và làm cho các nước này trở thành khu vực an toàn đối với thế giới tự do. Những người đặt ra chiến lược như thế kì vọng rằng các nước này sẽ biến đổi một cách liên tục và bền vững thành các xã hội tự do. Nhưng nếu trong nhũng thập kỉ tới đây Trung Quốc và Nga không làm như thế mà sẽ trở thành trụ cột vững chắc của nền độc tài chuyên chế, đứng vững và có thể còn phồn thịnh nữa thì không thể hi vọng gì vào việc họ sẽ chia sẻ quan điểm của phương Tây về sự tiến hoá không gì cưỡng lại được của nhân loại theo hướng dân chủ hoá và sự cáo chung của các chế độ độc tài. Dĩ nhiên là họ sẽ làm những điều mà các chế độ độc tài luôn luôn làm: vì sự tồn tại lâu dài của chính mình họ sẽ tìm mọi cách kháng cự lại sự bành trướng của chủ nghĩa tự do. 

    Nga và Trung Quốc đang làm như thế, các thí dụ tuy nhỏ nhưng rất rõ ràng. Họ tiếp tục cản trở các cố gắng của phương Tây trong việc áp đặt lệnh cấm vận đối với Sudan và Iran; họ ủng hộ các nhà độc tài ở Bạch Nga, Uzbekistan, Zimbabwe và Miến Điện, thách thức dư luận chung của những người có tư tưởng tự do trên thế giới. Các hành động này có thể được giải thích một cách đơn giản là nhằm phục vụ những quyền lợi vật chất ích kỉ của họ. Trung Quốc cần dầu mỏ của Sudan và Iran; Nga cần hàng trăm triệu dollar từ tiền bán vũ khí và các lò phản ứng hạt nhân. Nhưng các quyết định như thế không chỉ bao hàm những quyền lợi vật chất nói trên. Việc bảo vệ các chính phủ đó chống lại áp lực của phương Tây tự do phản ánh những mối quan tâm căn bản của họ về thực chất là những mối quan tâm của các chế độ độc tài. 


    Mối quan tâm của họ chẳng có gì là khó hiểu Thí dụ vấn đề cấm vận. Như đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã nói: “Nói chung, về nguyên tắc chúng tôi luôn có một số khó khăn khi thảo luận về cấm vận, dù đấy là trường hợp này (Sudan) hay những trường hợp khác”. Có thể là như thế nếu ta biết rằng họ vẫn còn chịu nhiều đau khổ vì bị thế giới tự do cấm vận suốt 17 năm qua. Trung Quốc muốn rằng cộng đồng thế giới chấm dứt hoàn toàn việc cấm vận dưới bất cứ hình thức nào và đối với bất kì ai. Nga cũng muốn như thế. Theo lời Pavel Baev thì Nga phản đối cấm vận Sudan “không phải chỉ vì Sudan” mà nước này “chống lại việc cấm vận… để đưa việc áp dụng phương tiện này của Liên Hiệp Quốc đến mức tối thiểu”. 


    Cả Nga và Trung Quốc đều không ưa những cố gắng của phương Tây trong việc quảng bá các hệ thống chính trị tự do trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với họ. Phản ứng đầy ngờ vực và thù địch của họ đối với các cuộc “cách mạng màu” ở Ukraine, Georgia và Kyrgystan là hoàn toàn có thể hiểu được. Những người có tư tưởng tự do ở phương Tây coi những chấn động chính trị ở các nước này là sự đột biến của một quá trình tiến hoá theo hướng tự do hoá và dân chủ hoá. Nhưng người Nga và người Trung Quốc lại không coi đấy là những sự kiện tự nhiên mà cho rằng đấy chỉ là những cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn để tăng cường ảnh hưởng của phương Tây tại những khu vực có ý nghĩa sống còn về mặt chiến lược đối với họ. 

    Họ lầm lẫn đến thế sao? Liệu công cuộc tự do hoá thành công của Ukraine, được các nền dân chủ phương Tây cổ vũ và ủng hộ, có phải là khúc dạo đầu của việc liên kết quốc gia này với NATO và EU, nói một cách ngắn gọn là sự bành trướng của bá quyền dân chủ phương Tây hay không? Như Trenin nhận xét: “Điện Cremli chuẩn bị cho ‘cuộc chiến giành Ukraine’ một cách cực kì công phu”, họ hiểu rõ rằng việc Aleksander Lukashenko rời bỏ quyền lực ở Bạch Nga sẽ “đẩy Minsk vào con đường Ukraine-NATO-EU”. 

    Như đã từng xảy ra trong những giai đoạn xung đột giữa dân chủ và độc tài, mối bận tâm về chiến lược và tư tưởng của cả hai phía có xu hướng hoà nhập, đan xen vào nhau. Vì thế ta có thể hiểu được sự lo lắng của Trung Quốc về vấn đề cung cấp dầu mỏ trong trường hợp đối đầu với Mĩ. Do đó nước này tìm cách cải thiện quan hệ với Sudan và Angola, cả hai đều không được phương Tây ưa chuộng; họ cải thiện quan hệ với Hugo Chavez ở Venezuela; và với chính phủ Miến Điện bằng cách cho nước này sử dụng các hải cảng của mình. Họ luôn phải đấu tranh giành phiếu ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc để tăng sức ép vớii Đài Loan và Nhật Bản nên họ phải ve vãn một nhà độc tài khác là Ronert Mugabe, lãnh tụ Zimbabwe, nhân vật bị phương Tây ghét cay ghét đắng. Mặc dù một số người theo đường lối can thiệp có tư tưởng tự do, thí dụ như Mark Leonard đã phê phán việc Trung Quốc sẵn sàng “ủng hộ một cách vô điều kiện về chính trị, giúp đỡ về kinh tế và vũ khí cho những chế độ độc tài, nếu không… thì những kẻ đó sẽ phải có thái độ khác trước áp lực của cộng đồng quốc tế rồi”, nhưng người ta cũng có thể tự hỏi tại sao Trung Quốc lại phải làm khác? Liệu một chế độ độc tài có thể hi sinh quyền lợi của nó để tham gia cùng với phương Tây trong việc lên án một chế độ độc tài khác hay không? 

    Điều nực cười là người châu Âu phải tôn trọng thái độ của Nga và Trung Quốc khi họ tuyên bố trung thành với nguyên tắc căn bản nhất của thế giới tự do, đấy là mọi hành động mang tính quốc tế đều phải được uỷ nhiệm bởi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thực ra đây chính là cách phá hoại ngầm một mục tiêu quan trọng khác của phong trào tự do quốc tế: thúc đẩy quyền con người, dù đôi khi phải chống lại các chính phủ, nếu các chính phủ này đàn áp dân chúng. Trong suốt hai thập kỉ qua, khi Mĩ và châu Âu tìm mọi cách nhằm thiết lập “tiêu chuẩn” tự do mới, cho phép can thiệp vào các khu vực như Kosovo, Rwanda và Sudan thì Trung Quốc và Nga luôn luôn sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn. Xem ra các cuộc xung đột như vậy sẽ còn tiếp tục xảy ra trong tương lai. 


    Thế giới quả là phức tạp, chẳng thể chia một cách đơn giản thành hai khối tự do và độc tài luôn luôn tranh chấp với nhau. Nga và Trung Quốc không phải là các đồng minh tự nhiên. Cả hai đều cần thị trường phương Tây. Và cả hai đều có chung một số lợi ích với các nước phương Tây. Nhưng hai nước độc tài này lại có chung một số quyền lợi, cũng như có chung quyền lợi với các nước độc tài khác. Trong thời đại bành trướng của chủ nghĩa tự do hiện nay, các nước này đều rơi vào tình trạng bị bao vây. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bỗng xuất hiện “liên đoàn các nhà độc tài” dù không chính thức, được Moskva và Bắc Kinh hậu thuẫn và ủng hộ hết mình. Vấn đề là Mĩ và châu Âu sẽ phản ứng như thế nào. Thật không may là al-Queda có thể không phải là thách thức duy nhất của nền tự do, càng không phải là thách thức lớn nhất. 

    Robert Kagan là cộng tác viên khoa học của Quĩ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) và cộng tác viên của Quĩ Marshall (German Marshall Fund), ông giữ mục câu chuyện hàng tháng trên tờ The Post
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7276&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org