Sự trỗi dậy của phần còn lại

Posted on
  • Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Fareed Zakaria
    Khiêm dịch

    Lúc này người Mỹ đang rầu. Không, rầu thiệt đó. Một cuộc thăm dò dư luận mới, hồi tháng Tư, tiết lộ 81 phần trăm người Mỹ tin đất nước đang “trật đường rày”. Trong suốt 25 năm kể từ khi các nhà thăm dò dư luận hỏi câu hỏi này, phản hồi hồi tháng rồi là tiêu cực nhất từ trước tới giờ. Những cuộc thăm dò dư luận khác, hỏi những câu hỏi tương tự, nhận thấy mức độ rầu rĩ còn đáng báo động hơn nữa, thường là ở mức cao nhất trong 30 hoặc 40 năm. Có nhiều lý do để bi quan - hoảng loạn tài chính và suy thoái lởn vởn, cuộc chiến dường như không kết thúc nổi ở Iraq, và mối đe doạ khủng bố tiếp diễn. Nhưng những chuyện trước mắt - các con số thất nghiệp, tỷ suất nhà bị xiết, tử vong do khủng bố - đơn thuần là chưa đủ kinh khủng để giải thích được không khí khó chịu hiện thời. 
    Nỗi băn khoăn của người Mỹ phát xuất từ cái gì đó sâu xa hơn, cái cảm nhận rằng có những lực lớn và gây rối loạn đang lan qua thế giới. Hầu như trong mỗi ngành nghề, mỗi khía cạnh đời sống, dường như các khuôn mẫu quá khứ đang xáo trộn. “Đánh đuổi Zeus xong, bão lốc làm vua,” Aristophane viết 2400 năm trước. Và - lần đầu tiên trong ký ức sống động – nước Mỹ dường như không còn dẫn đầu hàng công. Người Mỹ thấy một thế giới mới đang thành hình, nhưng lo sợ rằng đó là cái thế giới được định hình ở những miền đất xa xôi và bởi người ngoại quốc. 

    Hãy nhìn quanh. Toà nhà cao nhất thế giới nằm ở Đài Bắc, và chẳng bao lâu nữa sẽ nằm ở Dubai. Công ty có số cổ phiếu giao dịch lớn nhất thế giới nằm ở Bắc Kinh. Nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới đang được xây dựng ở Ấn Độ. Phi cơ hành khách lớn nhất thế giới đang được kiến tạo ở châu Âu. Quỹ đầu tư lớn nhất hành tinh nằm ở Abu Dhabi; nền kỹ nghệ điện ảnh lớn nhất là Bollywood, chẳng phải Hollywood. Những biểu tượng từng là tinh tuý Mỹ đã bị người các xứ khác tiếm đoạt. Đu quay lớn nhất nằm ở Singapore. Sòng bài lớn nhất nằm ở Macao, vốn có doanh thu vượt qua Las Vegas hồi năm ngoái. Mỹ không còn thống trị ngay cả món thể thao được ưa thích nhất của nó, mua sắm. Mall of America ở Minesota từng khoa trương rằng nó là thương xá lớn nhất thế giới. Giờ đây nó không lọt nổi vô mười hạng đầu. Trong cuộc xếp hạng gần đây nhất, chỉ có hai người Mỹ trong danh sách mười người giàu nhất thế giới. Mấy thứ hạng này có vẻ tuỳ tiện và kỳ khôi, nhưng hãy nghĩ rằng chỉ mười năm trước đây thôi, Mỹ có lẽ êm ả giật hết hầu như mọi hạng nhất ở mỗi mục này. 

    Những chuyện nhỏ này phản ánh cái chuyển biến địa chấn trong quyền lực và thái độ. Đó là cái tôi cảm được khi tôi đi đây đi đó quanh thế giới. Ở Mỹ, chúng ta vẫn còn tranh luận về bản chất và mức độ của chủ nghĩa bài Mỹ. Một phía nói vấn đề này có thực và đáng lo ngại và chúng ta phải cố tranh thủ thế giới lại. Phía kia nói đây là cái giá chẳng thể tránh được của quyền lực và nhiều người ở những nước này đang ganh tị - và hiểu ngầm là người Pháp – vì vậy chúng ta có thể lờ đi một cách an toàn. Nhưng trong khi chúng ta cãi nhau vì sao họ ghét mình, “họ” tiếp tục tiến bước, và giờ quan tâm tới những phần đất địa cầu khác, năng động hơn hơn nhiều. Thế giới đã chuyển từ bài Mỹ sang hậu Mỹ. 


    I. Sự kết thúc của Pax Americana 

    Suốt thập niên 1980, khi tôi viếng thăm Ấn Ðộ - nơi tôi lớn lên - Mỹ khiến phần lớn người Ấn bị mê hoặc. Mối quan tâm của họ, tôi phải thú thiệt, không phải ở những nhân vật quyền lực quan trọng ở Washington hay những nhà trí thức lớn ở Cambridge. Người ta thường hỏi tôi về… Donald Trump. Ông ta chính là biểu tượng Mỹ - phô trương, giàu có, và hiện đại. Ông ta tượng trưng cho cái cảm giác rằng nếu bạn muốn tìm bất kỳ thứ gì to lớn nhất, bạn phải nhìn qua Mỹ. Giờ đây, ngoài những nhân vật trong ngành giải trí, không còn mối quan tâm tương xứng ở tính cách Mỹ nữa. Nếu bạn thắc mắc tại sao, hãy đọc báo chí Ấn Ðộ hoặc coi ti vi của nó. Có cả chục doanh nhân Ấn giờ còn giàu hơn cả Donald. Người Ấn bị những tỉ phú bất động sản thô tục của họ ám ảnh. Và mối quan tâm ở chuyện của chính họ, mới tìm được đó, đang được sao lại trên toàn thế giới. 

    Nhiều đến mức nào? À, hãy nghĩ đến chuyện này. Trong năm 2006 và 2007, 124 nước gia tăng nền kinh tế của họ trên 4 phần trăm một năm, kể cả hơn 30 nước châu Phi. Suốt hai thập niên qua, những miền đất bên ngoài phương Tây kỹ nghệ đã tăng trưởng ở mức từng không thể nghĩ nổi. Trong khi có lên có xuống, chiều hướng chung là lên rõ rệt. Antoine van Agtmael, nhà quản lý quỹ đầu tư chế ra cái từ “các thị trường mới nổi”, đã nhận dạng 25 công ty hứa hẹn trở thành các công ty đa quốc gia lớn kế tiếp của thế giới. Danh sách của ông ta gồm có 4 công ty cho mỗi nước Brazil, Mexico, Nam Hàn, và Đài Loan; ba cho Ấn Độ; hai cho Trung Quốc; và một cho mỗi nước như Argentina, Chile, Malaysia, và Nam Phi. Đây là cái gì đó rộng lớn hơn là sự trỗi dậy nói rùm beng quá đáng của Trung Quốc hoặc ngay cả châu Á. Đó là sự trỗi dậy của thế giới còn lại. 

    Chúng ta đang sống trong sự chuyển biến quyền lực lớn lần thứ ba trong lịch sử hiện đại. Lần đầu là sự trỗi dậy của phương Tây, khoảng thế kỷ 15. Nó sản sinh ra cái thế giới chúng ta biết được hiện giờ - khoa học và kỹ thuật, thương mại và chủ nghĩa tư bản, các cuộc cách mạng kỹ nghệ và nông nghiệp. Nó cũng dẫn tới sự thống trị chính trị lâu dài của các quốc gia phương Tây. Chuyển biến thứ hai, vốn diễn ra ở những năm kết thúc thế kỷ 19, là sự trỗi dậy của Mỹ. Một khi kỹ nghệ hoá xong, nó nhanh chóng trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Suốt hai mươi năm qua, tư cách siêu cường của Mỹ ở mỗi lĩnh vực phần lớn không hề bị thách thức - một điều chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử, ít ra là từ thời Đế chế La Mã khống chế hết phần thế giới họ biết được hai ngàn năm trước đây. Trong suốt Kỷ Thịnh trị Mỹ (Pax Americana) này, kinh tế toàn cầu đã tăng tốc ngoạn mục. Và sự bành trướng kinh tế đó là lực đẩy phía sau chuyển biến quyền lực lớn lần thứ ba của thời hiện đại - sự trỗi dậy của nhóm còn lại. 

    Ở cấp độ chính trị và quân sự, chúng ta vẫn sống trong một thế giới đơn cực. Nhưng dọc theo mỗi chiều kích khác - kỹ nghệ, tài chính, xã hội, văn hoá - sự phân phối quyền lực đang biến chuyển, thoát ra khỏi sự thống trị của Mỹ. Trong phạm vi của chiến tranh và hoà bình, kinh tế và doanh thương, ý tưởng và nghệ thuật, điều này sẽ sản sinh ra một phong cảnh khác hoàn toàn với cái phong cảnh chúng ta sống trong đó cho tới lúc này - một thế giới được định ra và điều khiển bởi nhiều nơi và nhiều người khác nhau. 

    Cái thế giới hậu Mỹ thì hẳn nhiên là một triển vọng không yên ổn cho người Mỹ, nhưng không nên lo vậy. Đây sẽ không phải là cái thế giới được định nghĩa bằng sự suy thoái của Mỹ mà là sự trỗi dậy của mọi nước khác. Nó là kết quả của một chuỗi các khuynh hướng tích cực diễn tiến suốt hai mươi năm qua, các khuynh hướng vốn đã tạo nên một khí hậu quốc tế thịnh vượng và an bình chưa từng có tiền lệ. 

    Tôi biết. Đó không phải cái thế giới mà người ta nhận thức được. Chúng ta được bảo rằng chúng ta đang sống trong một thời đại nguy hiểm và đen tối. Khủng bố, các quốc gia côn đồ, sự phổ biến vũ khí hạch tâm, các cơn hoảng loạn tài chính, suy thoái, đưa sản xuất và công việc ra nước ngoài, di dân bất hợp pháp, tất cả đang hiện lừng lững trong diễn ngôn cấp quốc gia. Al Queda, Iran, Bắc Hàn, Trung Quốc, Nga tất cả đều là mối đe doạ theo cách này hoặc cách kia. Nhưng, theo lẽ thiệt mà hỏi, thế giới hôm nay dữ tợn đến mức nào? 

    Một nhóm học giả ở Viện Đại học Maryland đã theo dõi số tử vong do bạo lực có tổ chức gây ra. Số liệu của họ cho thấy chiến tranh đủ mọi kiểu đã suy giảm từ giữa thập niên 1980 và chúng ta giờ đang ở mức bạo lực toàn cầu thấp nhất kể từ thập niên 1950. Số tử vong do khủng bố được tường thuật có tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng theo một kiểm nghiệm kỹ lưỡng hơn, 80 phần trăm của số thương vong đó đến từ Afghanistan và Iraq, vốn thực sự là vùng chiến sự với những cuộc nổi dậy đang diễn ra – và con số toàn bộ vẫn nhỏ. Nhìn vô bằng chứng, Steven Pinker, vị giáo sư toán quảng bác của Havard, đã liều suy đoán rằng chúng ta có lẽ đang sống trong “thời đại an bình nhất trong suốt sự tồn tại của loài người.” 

    Tại sao nó không được cảm nhận theo cách đó? Tại sao chúng ta nghĩ mình sống trong một thời đại đáng sợ? Một phần của vấn đề là khi bạo lực đang thoái trào, thông tin lại đang bùng nổ. Hai mươi năm vừa qua đã sản sinh ra một cuộc cách mạng thông tin vốn mang lại cho chúng ta tin tức và, quan trọng hơn, hình ảnh quanh thế giới suốt ngày. Sự tức thời của hình ảnh và cường độ của chu trình tin tức liên tục suốt 24 tiếng kết hợp lại đã sản sinh ra sự cường điệu thường xuyên. Mỗi sự xáo trộn thời tiết là “cơn bão của thập kỷ.” Mỗi trái bom nổ là HUNG TIN. Vì cuộc cách mạng thông tin còn quá mới, chúng ta – nhà báo, nhà văn, người đọc, người xem - giờ đều chỉ cố mường tượng ra làm sao để đặt mọi thứ vô trong toàn cảnh. 

    Chúng ta đã không coi hình ảnh hai triệu người chết ở Đông Dương trong thập niên 1970, hay hàng triệu người mất mạng trong cát sa mạc ở cuộc chiến Iran-Iraq mười năm sau đó hàng ngày. Chúng ta chỉ thấy chút ít cuộc nội chiến ở Congo trong thập niên 1990, nơi hàng triệu người chết. Nhưng hôm nay bất kỳ trái bom nào phát nổ, bất kỳ trái hoả tiễn nào được bắn đi, bất kỳ cái chết nào do mấy chuyện đó gây ra, đều được ai đó ở đâu đó ghi lại và dội lập tức vòng quanh thế giới. Hãy cộng thêm vô điều này những trận khủng bố, vốn tuỳ tiện và tàn bạo. “Đó có thể là mình,” bạn nghĩ. Thực ra, cơ hội bạn bị chết vì khủng bố rất nhỏ - với một người Mỹ, nhỏ hơn chết ngộp trong bồn tắm nhà mình. Nhưng nó không được cảm nhận như vậy. 

    Mối đe doạ chúng ta đối mặt là có thực. Những kẻ Islam thánh chiến là một đám bẩn thỉu – chúng muốn tấn công thường dân khắp mọi nơi. Nhưng càng ngày càng rõ ràng rằng những kẻ nổ bom tự sát và đám dân binh chỉ chiếm một số nhỏ trong số 1.3 tỉ người theo Islam trên thế giới. Chúng có thể gây ra những tổn hại thực sự, đặc biệt nếu chúng rớ tay được vô vũ khí hạch tâm. Nhưng các cố gắng phối hợp của các chính quyền trên thế giới đã đặt chúng vô thế trốn chạy và tiếp tục theo dõi chúng và tiền bạc của chúng một cách hiệu quả. Thánh chiến còn dai dẳng, nhưng những kẻ thánh chiến phải phân tán, làm việc trong những nhóm nhỏ ở địa phương, và sử dụng những vũ khí đơn giản, khó rà soát. Chúng không có khả năng tấn công những mục tiêu biểu tượng, lớn nữa, đặc biệt những cái có liên quan tới người Mỹ. Vì vậy chúng nổ bom trong các quán ăn, chợ, và ga xe điện ngầm. Vấn đề là khi làm vậy, chúng giết người địa phương và làm người theo Islam bình thường xa lánh. Hãy nhìn vô các thống kê. Sự ủng hộ cho bạo lực dưới mọi hình thức đã rớt ngoạn mục suốt năm năm qua ở mọi quốc gia theo đạo Islam. 

    Các nhóm dân binh đã tái tập hợp lại ở những khu vực nhất định, nơi chúng lợi dụng được một vấn đề địa phương cá biệt hoặc có sự ủng hộ của một nhóm sắc tộc hoặc giáo phái ở địa phương, phần lớn là ở Pakistan và Afghanistan, nơi tín lý Hồi giáo cực đoan đã trở nên gắn chặt với chính trị nhãn hiệu Pashtun. Nhưng hệ quả là các nhóm này trở nên có tính địa phương hơn và ít tính toàn cầu đi. Al Qaeda ở Iraq, ví dụ, đã trở thành một nhóm chống Shiite hơn chống Mỹ. Tóm lại là như vầy: sau 9/11, Al Qaeda trung ương, cái băng nhóm do Osama bin Laden điều khiển, đã không thể phóng ra một trận khủng bố lớn nào ở phương Tây hoặc bất kỳ quốc gia Ả rập nào – các mục tiêu nguyên thuỷ của nó. Xưa chúng làm khủng bố, nay chúng làm băng video. Dĩ nhiên một ngày nào đó chúng sẽ lại gặp may, nhưng chuyện chúng đã bốc hơi hầu như suốt bảy năm qua chỉ ra rằng trong trận chiến giữa các chính quyền và các nhóm khủng bố này, các chính quyền không cần phải tuyệt vọng. 

    Một số người chỉ vô các mối nguy phô bày ra bởi các quốc gia như Iran. Những quốc gia côn đồ này trình ra những vấn đề có thực, nhưng hãy nhìn chúng trong toàn cảnh. Nền kinh tế Mỹ lớn gấp 68 lần nền kinh tế của Iran. Ngân sách quân sự Mỹ 110 lần cao hơn ngân sách quân sự của các giáo sĩ. Nếu Iran thủ đắc được khả năng hạch tâm, nó sẽ làm phức tạp thêm địa lý chính trị của vùng Trung Đông. Nhưng chẳng có vấn đề nào mà chúng ta đối mặt có thể so sánh được với các mối nguy phô bày ra bởi một nước Đức đang trỗi dậy trong nửa đầu thế kỷ 20 hoặc một Liên Xô đầu óc bành trướng trong nửa sau. Hai nước đó là những quyền lực toàn cầu lớn ngả về thống trị thế giới. Nếu đây là năm 1938, như một số người tân bảo thủ nói với chúng ta, thì Iran là Romania, không phải là Đức. 

    Những người khác vẻ ra một bức tranh u tối về một thế giới trong đó các kẻ độc tài đang diễu võ dương oai. Trung Quốc, Nga và nhiều loại vua chúa dầu hoả khác nhau đang tràn lên. Chúng ta phải kẻ chiến tuyến ngay bây giờ, họ cảnh cáo, và tiến hành một cuộc tranh đấu vĩ đại giữa ánh sáng và bóng tối mà sẽ định ra thế kỷ tới. Một số lập luận của Mc Cain đã gợi ý rằng ông ta dán chặt vô cái quan điểm khó tiêu và cực độ này. Nhưng trước khi mọi chúng ta ký thuận cho một cuộc chiến tranh lạnh mới, chúng ta hãy hít thật sâu và thâu thêm chút tầm nhìn. Những cường quốc lớn đang lên hôm nay tương đối hiền lành theo các tiêu chuẩn so sánh của lịch sử. Trong quá khứ, khi các quốc gia giàu lên, chúng muốn trở thành các cường quốc quân sự vĩ đại, lật đổ cái trật tự hiện thời, và tạo ra đế chế hoặc vùng ảnh hưởng của riêng chúng. Nhưng từ sự trỗi dậy của Đức và Nhật trong thập niên 1960 và 1970, không nước nào làm chuyện đó, thay vào đó họ chọn làm giàu trong cái trật tự quốc tế đang tồn tại. Trung Quốc và Ấn Độ đang rõ ràng đi theo hướng này. Ngay cả Nga, cường quốc lớn có vẻ muốn kiếm lại tư thế cũ và hung hăng nhất, đã làm được rất ít khi so sánh với các kẻ hung hăn trong quá khứ. Chuyện, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ có thể thách thức ảnh hưởng của Nga ở Ukraine - một quốc gia cách Washington 4800 dặm mà Nga đã khống chế hoặc cai trị suốt 350 năm qua – cho ta biết một số điều gì đó về sự cân bằng quyền lực giữa phương Tây và Nga. 

    Hãy so sánh Nga và Trung Quốc với vị trí chúng từng ở 35 năm trước đây. Lúc đó cả hai (đặc biệt là Nga) là những đe doạ quyền lực lớn, chủ động âm mưu chống lại Mỹ, trang bị cho các phong trào du kích trên toàn cầu, trợ cấp cho các cuộc nổi loạn và nội chiến, ngăn chặn mọi kế hoạch của Mỹ ở Liên hợp quốc. Chúng giờ liên kết chặt chẽ với nền kinh tế và xã hội toàn cầu hơn tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt 100 năm qua. Chúng chiếm cái vùng xám không mấy thoải mái, chẳng là bạn cũng chẳng là thù, hợp tác với Mỹ và phương Tây trong một số vấn đề, cản trở trong một số vấn đề khác. Nhưng tiềm năng gây rối của chúng lớn đến mức nào? Chi phí quân sự của Nga là 35 tỉ đô la, hay 1/20 của Ngũ Giác Đài. Trung Quốc có khoảng 20 hoả tiễn hạt nhân phóng được tới Mỹ. Chúng ta có 830 hoả tiễn, phần lớn với nhiều đầu đạn, có thể phóng tới Trung Quốc. Ai sẽ phải lo ngại ai? Những nền độc tài đang lên khác như Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh là những đồng minh thân cận vốn chịu sự bảo bọc quân sự của Mỹ, mua vũ khí Mỹ, đầu tư trong các công ty Mỹ, và tuân theo nhiều mệnh lệnh của nó. Với tham vọng đang tăng của Iran trong khu vực này, những quốc gia này dường như trở thành những đồng minh còn thân cận hơn nữa, trừ phi Mỹ vô cớ khiến họ xa lánh. 


    II. Tin vui 

    Hồi tháng Bảy 2006, tôi có nói chuyện với một viên chức cao cấp trong chính phủ Israel, chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến với Hezbolla kết thúc. Ông ta thực tình lo ngại về an ninh của nước mình. Hoả tiễn của Hezbollah đã bay sâu hơn vô trong Israel, hơn mức dân chúng tin nó có thể. Phản ứng quân sự đã rõ ràng vô hiệu: Hezbollah đã phóng nhiều hoả tiễn trong ngày cuối, ngang với số hoả tiễn phóng trong ngày đầu. Rồi tôi hỏi ông ta về nền kinh tế - lĩnh vực trong đó ông ta làm việc. Phản ứng của ông ta rất đáng lưu ý. “Đó là sự rối trí cho cả bọn tôi,” ông nói. “Thị trường chứng khoán ở mức cao hơn trong ngày cuối, so với ngày đầu! Đồng shekel cũng vậy.” Chính quyền lo sợ, nhưng thị trường thì không. 

    Hay hãy nghĩ tới cuộc chiến Iraq, vốn tạo ra loạn lạc sâu sắc, kéo dài và sự rối loạn ở quốc gia đó. Hơn hai triệu người tị nạn tràn vô các nước láng giềng. Đó có vẻ là một loại khủng hoảng chính trị bảo đảm sẽ lan tràn. Nhưng khi tôi du hành trong vùng Trung Đông suốt mấy năm qua, tôi bị sốc vì ảnh hưởng rất nhỏ của những rắc rối ở Iraq đến sự mất ổn định của vùng. Ở mọi nơi bạn tới, người ta giận dữ lên án chính sách đối ngoại Mỹ. Nhưng phần lớn các quốc gia Trung Đông đang bùng phát. Hàng xóm của Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, và Saudi Arabia – đang vui hưởng sự thịnh vượng chưa từng có. Các quốc gia vùng vịnh đang bận rộn hiện đại hoá nền kinh tế và xã hội của họ, yêu cầu viện bảo tàng Louvre, Viện Đại học New York, và Trường Y khoa Cornell thiết lập những chi nhánh xa xôi trên sa mạc. Có ít bằng chứng loạn lạc, bất ổn, và tín lý Hồi giáo toàn thống lan tràn. 

    Cái thực tế khuất lấp trên địa cầu là về cái sức sống khổng lồ. Lần đầu tiên, phần lớn các quốc gia trên toàn thế giới đang thực hành kinh tế bằng sự xét đoán hợp lý. Hãy nghĩ đến lạm phát. Suốt 20 năm qua siêu lạm phát, một vấn đề vốn tác oai tác quái nhiều mảng rộng trên thế giới từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Brazil tới Indonesia, đã phần lớn biến mất, được thuần hoá bởi các chính sách tiền tệ và tài chính thành công. Kết quả thì rõ ràng và gây ấn tượng mạnh. Số người sống dưới mức 1 đô la một ngày đã trụt xuống mức 18 phần trăm năm 2004 từ mức 40 phần trăm năm 1981 và nó được ước tính sẽ giảm xuống mức 12 phần trăm vào năm 2015. Nghèo khổ đang giảm ở nhóm nước chứa tới 80% dân số thế giới. Vẫn còn nạn nghèo đói thực sự trên thế giới - phần lớn, đáng lo ngại, nằm ở 50 quốc gia trong rổ nghiên cứu vốn chứa tới 1 tỷ người – nhưng khuynh hướng chung chưa bao giờ đáng khuyến khích hơn. Nền kinh tế toàn cầu tăng kích thước gấp đôi trong vòng 15 năm qua, và đang tiến đến mức 54 ngàn tỷ đô la! Mậu dịch toàn cầu tăng 133 phần trăm trong cùng thời kỳ. Sự bành trướng của chiếc bánh kinh tế toàn cầu đã rất lớn, với rất nhiều quốc gia dự phần, tới mức nó trở thành lực khống chế của kỷ nguyên hiện thời. Chiến tranh, khủng bố, và xung đột nội bộ gây nên những sự rối loạn tạm thời nhưng kết cục chúng bị đè bẹp bởi trận sóng toàn cầu hoá. Những tình thế này có lẽ không kéo dài mãi, nhưng đáng để hiểu được thế giới nhìn ra sao trong vài thập niên qua. 


    III. Chủ nghĩa dân tộc mới 

    Dĩ nhiên, tăng trưởng toàn cầu cũng chịu trách nhiệm cho một số vấn đề lớn nhất trong thế giới hiện thời. Nó đã sản sinh ra hàng đống tiền – cái doanh nhân gọi là khả năng thanh toán – di chuyển quanh thế giới. Sự kết hợp giữa lạm phát thấp và quá nhiều tiền mặt có nghĩa là lãi suất thấp, vốn đến lượt mình khiến người ta hành động tham lam và/hoặc ngu ngốc. Vì vậy chúng ta đang chứng kiến trong hai thập niên qua những chuỗi bể bong bóng - ở các quốc gia Đông Á, cổ phiếu kỹ thuật, nhà, nợ bất động sản thứ cấp, và sở hữu tài sản đầy rủi ro ở các thị trường mới nổi. Tăng trưởng cũng giải thích một trong nhiều sự kiện có dấu ấn của thời đại chúng ta – giá cả hàng hoá tăng vọt. Dầu hoả ở mức 100 đô la một thùng. Hầu như mọi loại hàng hoá đang ở mức cao nhất trong 200 năm qua. Thực phẩm, chỉ vài thập niên trước phải chịu nguy cơ rớt giá, giờ đang giữa cuộc tăng giá đáng sợ. Không thứ nào trong mấy thứ này là do giảm cung. Đó là do nhu cầu toàn cầu đang tăng, vốn đang châm dầu cho mấy thứ giá cả này. Tác động của ngày càng có nhiều người ăn, uống, tắm rửa, lái xe, và tiêu thụ sẽ có những tác động địa chấn trên hệ thống toàn cầu. Những thứ này có lẽ là các vấn đề về phẩm-chất-cao, nhưng tuy thế chúng là các vấn đề sâu sắc. 

    Tác động tức thời của tăng trưởng toàn cầu là sự xuất hiện của các đại gia kinh tế toàn cầu mới trong quan cảnh. Có một tai nạn lịch sử là suốt nhiều thế kỷ qua những quốc gia giàu có nhất trên thế giới đều là những quốc gia rất nhỏ, tính theo dân số. Đan Mạch có năm triệu rưỡi dân, Hà Lan có 16 triệu 6. Mỹ là nước lớn nhất trong số đó và đã thống trị thế giới kỹ nghệ tân tiến. Nhưng những ông khổng lồ thực sự - Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil – đã ngủ vùi, không thể hoặc không muốn gia nhập cái thế giới kinh tế đang vận hành. Giờ chúng đang trên đà chuyển động và, theo lẽ tự nhiên, với cỡ của chúng, chúng sẽ có một dấu chân lớn trên bản đồ của tương lai. Ngay cả nếu người ở những quốc gia này vẫn còn tương đối nghèo, nhưng, như những quốc gia, tổng số của cải sẽ rất to lớn. Hoặc hãy đặt nó theo cách khác, bất kỳ một con số, không thành vấn đề chúng nhỏ như thế nào, khi nhân với 2.5 tỷ sẽ thành một con số lớn kinh khủng. (2.5 tỉ là số dân Trung Quốc và Ấn Ðộ cộng lại.) 

    Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Ðộ thực ra chỉ là sự thể hiện hiển nhiên nhất của một thế giới đang trỗi dậy. Ở một chục quốc gia lớn, một người có thể thấy được cùng nhóm lực đang làm việc - một nền kinh tế tăng trưởng, một xã hội hồi sinh, một nền văn hoá sôi nổi, và cái cảm thức đang tăng về tự hào quốc gia. Lòng tự hào đó có thể hoá thân thành một thứ gì đó xấu xí. Với tôi, điều này được minh hoạ sống động vài năm trước đây khi tôi tán gẫu với một giám đốc trẻ trong một quán cà phê Internet ở Thượng Hải. Anh ta ăn mặc theo lối phương Tây, nói tiếng Anh trôi chảy, và đắm mình trong nền văn hoá đại chúng toàn cầu. Anh ta là sản phẩm của toàn cầu hoá và nói thứ ngôn ngữ về bắt những nhịp cầu và các giá trị thế giới. Ít ra, anh ta là vậy cho tới khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện về Đài Loan, Nhật Bản, và ngay cả Mỹ. (Chúng tôi không thảo luận về Tây Tạng, nhưng tôi chắc chắn rằng nếu chúng tôi làm vậy, tôi có thể thêm Tây Tạng vô danh sách này.) Phản ứng của anh ta liền đầy phấn khích, hiếu chiến, và bất dung. Tôi cảm thấy như thể mình đang ở Đức trong năm 1910, nói chuyện với một chuyên viên Đức trẻ tuổi, người vốn cũng hiện đại ngang ngửa và cũng là một kẻ quốc gia trung kiên như vậy. 

    Khi tài sản kinh tế tăng lên, không tránh được tinh thần quốc gia cũng vậy. Hãy tưởng tượng khi nước bạn còn nghèo và ở bên lề suốt nhiều thế kỷ. Kết cục, sự vật xoay chuyển và nó trở thành một biểu tượng của tiến bộ và thành công kinh tế. Bạn sẽ tự hào lắm, và ước ao dân nước mình có được sự công nhận và kính trọng trên thế giới. 

    Ở nhiều nước tinh thần quốc gia như thế trỗi lên từ sự bực bội dồn nén do chuyện phải chấp nhận cách diễn giải lịch sử thế giới toàn bộ theo lối phương Tây, hoặc lối Mỹ - một trong lối đó là họ không được đặt đúng vai trò hoặc vẫn bị coi là một tay chơi nhỏ. Người Nga lâu nay tức tối cái thể thức mà các quốc gia phương Tây nhớ lại về Đệ nhị Thế Chiến. Diễn giải Mỹ là một, trong đó Mỹ và Anh anh dũng đánh bại các lực lượng phát xít. Cuộc đổ bộ Normandy là cao điểm của cuộc chiến - sự bắt đầu của hồi kết. Tuy nhiên, người Nga chỉ ra rằng trong thực tế toàn bộ mặt trận phía Tây chỉ là màn phụ. Ba phần tư quân lực Đức bị kéo vô mặt trận phía Đông đánh nhau với lính Nga, và Đức chịu tổn thất 70% số thương vong của nó ở đó. Mặt trận phía Đông có số trận đánh trên bộ nhiều hơn tất cả các mặt trận khác cộng lại. 

    Những tầm nhìn quốc gia khác biệt như thế luôn tồn tại. Nhưng ngày nay, nhờ ở cuộc cách mạng thông tin, chúng được khuyếch đại, vang dội, và lan xa. Nơi từng chỉ có những diễn giải đặt ra bởi The New York TimesTimeNewsweekBBC và CNN, giờ có hàng chục mạng lưới và kênh thông tin địa phương - từ Al Jazeera tới New Dehli's NDTV tới Telesur của Mỹ La tinh. Kết quả là “phần còn lại” giờ đang mổ xẻ các giả định và lối diễn giải của phương Tây và cung cấp những cách nhìn khác. Một nhà ngoại gia trẻ Trung Quốc bảo tôi hồi năm 2006, “Khi các anh nói chúng tôi hỗ trợ cho nền độc tài ở Sudan để có được lối vô nguồn dầu của nó, cái tôi muốn nói là ‘cái đó khác ra sao với việc các anh hỗ trợ cho chế độ quân chủ trung cổ ở Saudi Arabia.' Chúng tôi thấy sự đạo đức giả, chúng tôi chỉ chưa nói gì hết.” 

    Chuyện những quốc gia mới trỗi dậy đang khẳng định mạnh mẽ các ý tưởng và quyền lợi của họ thì không thể tránh được trong một thế giới hậu Mỹ. Điều này nêu lên một khúc mắc – làm sao để thuyết phục cái thế giới của nhiều diễn viên để cùng làm việc với nhau. Các cơ chế hợp tác quốc tế truyền thống đang cũ mòn. Thành viên của Hội đồng Bảo an là những kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến đã kết thúc hơn 60 năm. G8 không bao gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, hoặc Brazil – ba nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất trên thế giới – tuy thế lại tuyên bố đại diện cho những lực lắc và đẩy nền kinh tế thế giới. Theo truyền thống, Quỹ Tiền tệ Quốc tế luôn được một người châu Âu đứng đầu và Ngân hàng Thế giới bởi một người Mỹ. “Truyền thống” này, như tục phân cách trong một câu lạc bộ giải trí và xã hội miền ngoại ô ngày trước, có lẽ khiến người trong nội bộ mê. Nhưng với đa số người sống bên ngoài phương Tây, nó có vẻ hẹp hòi. Thách thức của chúng ta là như vầy: Dù vấn đề là tranh chấp mậu dịch hoặc thảm hoạ nhân quyền như Darfur hoặc biến đổi khí hậu, các giải pháp được việc duy nhất là những cái lôi kéo được sự tham gia của nhiều quốc gia. Nhưng đạt đến các giải pháp khi có nhiều quốc gia và nhiều tay chơi phi chính phủ đang cảm thấy mạnh lên sẽ khó hơn bao giờ hết. 


    IV. Thế kỷ Mỹ kế tiếp 

    Nhiều người nhìn vào sức sống của cái thế giới mới nổi này và kết luận Mỹ đã hết thời. “Toàn cầu hoá đang kích ngược trở lại,” Gabor Steingart, một chủ bút ở tạp chí tin tức hàng đầu của Đức, Der Spiegel, viết trong một cuốn sách ăn khách. Khi những nước khác thịnh vượng, ông ta lập luận, Mỹ đã mất những kỹ nghệ chính, người dân của nó ngưng tiết kiệm, và chính quyền của nó trở nên nợ nần nhiều hơn với các ngân hàng trung ương ở châu Á. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời chỉ tiếp sức nhiều hơn cho những mối lo kiểu đó. 

    Nhưng hãy lùi lại một bước. Suốt hai mươi năm qua, toàn cầu hoá đã đạt mức sâu rộng. Mỹ hưởng lợi to tát từ các khuynh hướng này. Nó đã hưởng được sự tăng trưởng chắc chắn không thường thấy, mức lạm phát và thất nghiệp thấp, và nhận hàng trăm tỷ đô la đầu tư. Đây không phải là những dấu hiệu của suy sụp kinh tế. Các công ty của nó đã vô được nhiều nước và nhiều ngành kỹ nghệ với sự thành công to lớn, sử dụng các nguồn cung ứng toàn cầu và kỹ thuật để trụ ở tư thế tiên phong về hiệu quả. Xuất khẩu và ngành chế biến của Mỹ thực ra giữ vững vị trí và dịch vụ bùng nổ. 

    Mỹ hiện thời được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng nền kinh tế cạnh tranh nhất của trái đất. Nó vẫn khống chế nhiều ngành kỹ nghệ tương lai như kỹ thuật na nô, kỹ thuật sinh hoá, và hàng chục lĩnh vực kỹ thuật cao nhỏ hơn. Các viện đại học của nó là thượng hạng trên thế giới, chiếm 8 trong mười hạng đầu và 37 trong năm mươi hạng đầu, theo bảng xếp hạng được biết đến rộng rãi của Viện Đại học Shanghai Jiao Tong. Vài năm trước đây, Viện Khoa học Quốc gia đưa ra một thống kê được thảo luận nhiều và dễ sợ. Trong năm 2004, nhóm đó nói, 950 000 kỹ sư tốt nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Ðộ, trong khi chỉ có 70 000 tốt nghiệp ở Mỹ. Nhưng những con số đó khác xa thực tế. Nếu bạn loại ra thợ máy xe và thợ sửa chữa cơ khí - vốn đều được coi như kỹ sư trong thống kê của Trung Quốc và Ấn Ðộ - con số nhìn khác hoàn toàn. Trên đầu người, hoá ra, Mỹ đào tạo nhiều kỹ sư nhiều hơn bất cứ người khổng lồ nào của châu Á. 

    Nhưng bí mật ẩn tàng của Mỹ là phần lớn các kỹ sư này là di dân. Sinh viên ngoại quốc và di dân hầu như chiếm tới 50 phần trăm tổng số nhà nghiên cứu khoa học ở Mỹ. Trong năm 2006 họ nhận 40 phần trăm số bằng Ph.D. Vào năm 2010, 75 phần trăm số Ph.D trong ngành khoa học ở nước này sẽ được trao cho sinh viên ngoại quốc. Khi những người mới tốt nghiệp này định cư ở Mỹ, họ sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế. Một nửa các công ty mới lập ở thung lũng Silicon có người sáng lập vốn là di dân hoặc thế hệ đầu ở Mỹ. Tiềm năng cho sự bùng nổ mới trong sản xuất của Mỹ tuỳ thuộc không phải ở hệ thống giáo dục hoặc nghiên cứu và thiết kế, mà ở chính sách nhập cư của chúng ta. Nếu những người này được cho phép và khuyến khích ở lại, khi đó sáng chế sẽ xảy ra ở đây. Nếu họ bỏ đi, họ sẽ mang nó theo. 

    Nói rộng hơn ra, đây là sức mạnh vĩ đại - và khó ai vượt được – của Mỹ. Nó vẫn còn là một xã hội uyển chuyển và mở rộng nhất trên thế giới, hấp thụ được những con người khác biệt, văn hoá khác biệt, ý tưởng khác biệt, hàng hoá khác biệt, và dịch vụ khác biệt. Đất nước phát đạt được dựa trên ao ước và khao khát của những di dân nghèo. Đối mặt với các kỹ thuật mới của những công ty ngoại quốc, hoặc những thị trường đang tăng trưởng ở hải ngoại, nó thích nghi theo và điều chỉnh. Khi bạn so sánh động lực này với các quốc gia tôn ti và khép kín vốn từng là các siêu cường, bạn cảm nhận rằng Mỹ khác và có lẽ không lọt vô cái bẫy giàu lên, mập ra, và lười đi. 

    Xã hội Mỹ có thể thích nghi với cái thế giới mới này. Nhưng chính quyền Mỹ có thể thích nghi không? Washington đã quen với một thế giới trong đó mọi con đường đều dẫn tới trước cửa. Nước Mỹ hiếm khi lo lắng về lập các tiêu chuẩn để so sánh với phần còn lại của thế giới – nó luôn đi trước quá xa. Nhưng người các xứ khác đang trở nên giỏi giang trong thực hành chủ nghĩa tư bản, và khoảng cách đang thu hẹp. Hãy nhìn vào sự trỗi dậy của London, giờ đây là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới – vì những thứ Mỹ làm dở ít hơn những cái London làm giỏi, như cải tiến các luật lệ điều tiết và trở nên thân thiện hơn với tư bản ngoại quốc. Hoặc hãy cân nhắc hệ thống y tế Mỹ, vốn đã thành một gánh nặng khổng lồ cho các công ty Mỹ. Những hãng chế tạo xe hơi Mỹ giờ mướn nhiều người ở Ontario, Canada, hơn ở Michigan vì ở Canada chi phí y tế của chúng ít hơn. Hai mươi năm trước, Mỹ có thuế đánh lên các công ty thấp nhất thế giới. Giờ đây họ cao thứ hai. Chẳng phải thuế của chúng ta cao lên. Thuế của các nước khác giảm xuống. 

    Chủ nghĩa thiển cận Mỹ đặc biệt rõ nét trong chính sách đối ngoại. Trên phương diện kinh tế, khi các quốc gia khác tăng trưởng, đa phần cái bánh sẽ nở ra và mọi người đều thắng. Nhưng địa chính trị là một cuộc tranh giành ảnh hưởng: khi các quốc gia trở nên năng động hơn trên trường quốc tế, họ sẽ tìm kiếm nhiều tự do hành động hơn. Điều này, một cách cần thiết, có nghĩa rằng ảnh hưởng ít bị cản trở của Mỹ sẽ suy giảm. Nhưng nếu cái thế giới, vốn đang được tạo ra, có thêm nhiều trung tâm quyền lực hơn, gần như tất cả đều được đầu tư trong trật tự, ổn định, và tiến bộ. Thay vì ám ảnh hẹp hòi về các quyền lợi ngắn hạn và các nhóm quyền lợi, ưu tiên chính của chúng ta là phải mang những lực lượng đang trỗi dậy này vào trong một hệ thống toàn cầu, phải hội nhập họ để nhờ đó khi đến lượt họ mở rộng ra và đào sâu hơn các mối liên hệ văn hoá, chính trị, và kinh tế. Nếu Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga, và Brazil tất cả cảm thấy rằng họ có phần trong cái trật tự toàn cầu đang tồn tại, sẽ ít có nguy cơ chiến tranh, suy thoái, hoảng loạn, và đổ vỡ. Sẽ có nhiều vấn đề, khủng hoảng, và căng thẳng, nhưng chúng sẽ xảy ra trên cái nền của sự ổn định hệ thống. Điều này làm lợi họ nhưng cũng làm lợi chúng ta. Cả hai bên đều thắng lớn. 

    Để mang được những kẻ khác vô trong thế giới này, Mỹ cần làm rõ ràng cái cam kết của chính nó với hệ thống. Cho tới giờ, Mỹ có khả năng có được điều này theo hai chiều. Nó là người tạo ra luật chơi cho thế giới nhưng chẳng phải lúc nào cũng tuân theo luật chơi. Và hãy quên đi các tiêu chuẩn được các kẻ khác tạo ra. Chỉ có ba nước trên thế giới không sử dụng hệ đo lường thập phân quốc tế – Liberia, Miến Điện, và Mỹ. Để Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới, chúng ta cần phải trước hết gia nhập nó. 

    Người Mỹ - đặc biệt là chính quyền Mỹ - chưa thực sự hiểu sự trỗi dậy của phần còn lại. Đây là một trong những câu chuyện hồi hộp nhất trong lịch sử. Hàng tỷ người đang thoát khỏi cái cảnh nghèo tuyệt vọng. Thế giới sẽ giàu lên và sang hơn khi họ trở thành người tiêu dùng, người sản xuất, nhà phát minh, triết gia, kẻ mơ mộng, và kẻ làm nên chuyện. Điều này xảy ra toàn là nhờ ở những ý tưởng và hành động Mỹ. Suốt 60 năm, Mỹ đã thúc đẩy các quốc gia mở cửa thị trường, tự do hoá chính trị, đón nhận mậu dịch và kỹ thuật. Các nhà ngoại giao, doanh nhân, trí thức Mỹ đã thúc giục người ở những miền đất xa đừng e sợ thay đổi, gia nhập vào thế giới tân tiến, học các bí quyết thành công của chúng ta. Tuy nhiên ngay khi họ bắt đầu làm theo vậy, chúng ta đánh mất niềm tin ở các ý tưởng đó. Chúng ta trở nên nghi ngờ mậu dịch, mở cửa, di dân, và đầu tư vì giờ đây không phải người Mỹ ra ngoại quốc nữa mà người ngoại quốc tới Mỹ. Ngay khi thế giới đang mở rộng cửa ra, chúng ta đóng kín lại. 

    Nhiều đời sau, khi các sử gia viết về thời đại này, họ có lẽ ghi chép rằng vào lúc chuyển qua thế kỷ 21, Mỹ đã thành công trong sứ mạng lịch sử vĩ đại của nó – toàn cầu hoá thế giới. Chúng ta không muốn họ viết tiếp rằng, dọc đường chúng ta quên mất toàn cầu hoá chính mình. 

    nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13203&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org