Nước Nga thời Tổng thống Putin: Sự hình thành nhà nước KGB mới

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Hoàng Nguyễn dịch
    Buổi tối ngày 22-8-1991, cách đây đúng 16 năm, Alexei Kondaurov, một viên tướng KGB, đứng lặng yên bên khung cửa sổ tối tăm trong văn phòng của mình ở Moscow nhìn đám đông hồ hởi tiến về trụ sở KGB tại Quảng trường Lubyanka. Cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Mikhail Gorbachev đã bị đập tan; viên tướng cầm đầu KGB góp phần dàn dựng cuộc đảo chính đã bị bắt và giờ đây Kondaurov là một trong vài sĩ quan cao cấp nhất còn sót lại trong toà dinh thự nhanh chóng trống rỗng. Trong một thoáng, dường như các đám đông dồn lại ngoài kia đang tiến thẳng về phía ông. 

    Thế rồi cơn giận dữ của họ trút sang bức tượng Felix Dzerzhinsky, vị cha đẻ của tổ chức mật vụ khét tiếng KGB. Vài người đàn ông trèo lên bệ tượng và quàng một sợi dây thừng quanh cổ tượng. Rồi một chiếc cần cẩu giật mạnh pho tượng lên khỏi mặt đất. Đứng nhìn “Felix Bàn tay Sắt” (Iron Felix) bị treo tòng teng trong không khí, ông Kondaurov – từng phục vụ trong KGB từ năm 1972, cảm thấy như mình bị phản bội bởi Gorbachev, bởi Yeltsin, bởi những vị lãnh đạo yếu đuối của cuộc đảo chính. “Ta sẽ chứng minh cho các người rằng thắng lợi của các người sẽ không kéo dài đâu”, ông nhớ đã tự nhủ mình như vậy.

    Cảm giác nhục nhã như bị phản bội ấy cũng là cảm xúc chung của hơn 500.000 nhân viên KGB đang hoạt động trên khắp nước Nga và ở nước ngoài, kể cả ông Vladimir Putin, người mà mới ngày hôm trước đã nộp đơn từ chức trung tá và đã được chấp thuận. Dù vậy, tám năm sau sự kiện đó, có vẻ như những người KGB đã đứng dậy phục thù. Ngay trước khi nhậm chức Tổng thống Nga, ông Putin đã nói với các đồng sự cũ trong Cơ quan An ninh Liên bang FSB, hậu thân của KGB, rằng, “Một tập thể các điệp viên FSB, được bí mật cài cắm vào chính phủ Nga, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”. Ông chỉ nói đùa một nửa thôi.

    Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin, “tập thể điệp viên FSB” đó đã củng cố quyền lực chính trị của mình và trong quá trình đó họ đã xây dựng một kiểu nhà nước tập đoàn mới. Nhân viên FSB và các tổ chức anh em với nó kiểm soát điện Kremlin, chính phủ, truyền thông và phần lớn nền kinh tế, kể cả quân đội và lực lượng an ninh. Theo nghiên cứu của bà Olga Kryshtanovskaya – một nhà xã hội học tại Viện hàn lâm Khoa học Nga, một phần tư những quan chức cao cấp của đất nước là cácsiloviki – tiếng Nga có nghĩa là “những kẻ quyền thế”, bao gồm cả các thành viên của lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh khác chứ không chỉ FSB. Nếu tính cả những người có liên hệ với các cơ quan an ninh thì tỷ lệ này tăng lên một phần ba. Về mặt tâm lý, nhóm người này tiêu biểu cho một tập thể đồng nhất, trung thành với những gốc rễ có từ thời Cheka, tổ chức cảnh sát đầu tiên của chế độ bolshevik. Như ông Putin nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Chưa có cái gì giống như một cựu thành viênCheka”.

    Nhưng có nhiều chỉ dấu cho thấy các ông trùm an ninh ngày nay thụ hưởng một sự kết hợp giữa quyền lực và tiền bạc chưa từng có trong lịch sử nước Nga. Tổ chức KGB thời Xô-viết và các vị tiền bối tiền cách mạng của nó không quan tâm nhiều tới tiền bạc, quyền lực mới là vấn đề. Mặc dù KGB là tổ chức đầy quyền lực nhưng nó chỉ là “bộ phận tác chiến” của Đảng Cộng sản và phụ thuộc vào Đảng Cộng sản. Bề ngoài, KGB vừa là một cơ quan tình báo, vừa là cơ quan an ninh, vừa là tổ chức cảnh sát mật. Nó thường được thông tin đầy đủ nhưng không có quyền tự hành động, nó chỉ có thể đưa ra những “khuyến nghị”. Thậm chí trong các thập niên 1970-1980 KGB không được phép cài người theo dõi các lãnh tụ của Đảng và phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Xô-viết, cho dù đấy là những hoạt động bất lương.

    KGB cung cấp một dịch vụ tối cần thiết là giám sát, theo dõi và đàn áp; đó là một quốc gia bên trong một quốc gia. Tuy vậy, giờ đây tự nó đã trở thành một quốc gia. Ngoài ông Putin ra, “ngày nay không ai có thể từ chối FSB”, ông Kondaurov nhận xét.

    Theo bà Kryshtanovskaya, tất cả mọi quyết định quan trọng ở nước Nga đều được giao cho một nhóm nhỏ những người từng phục vụ bên cạnh ông Putin trong tổ chức KGB và những người đồng hương St. Peterburg của ông. Trong vài tháng tới có thể nhóm này sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm tới sẽ như thế nào. Nhưng cho dù ai sẽ thay ông Putin, quyền lực thật sự vẫn nằm trong tay tổ chức này. Trong tất cả các thể chế của chế độ Xô-viết chỉ có KGB vượt qua được công cuộc chuyển hoá nước Nga sang chủ nghĩa tư bản một cách tốt nhất và trở nên mạnh mẽ nhất. “Ý thức hệ cộng sản đã tiêu vong, nhưng các phương pháp và tâm lý của đội ngũ cảnh sát chìm vẫn còn nguyên”, ông Kondaurov nói. Bây giờ ông đã là nghị viên trong quốc hội.


    Làm bị thương chứ không giết

    Sự kiện ông Putin leo lên đến chức Tổng thống nước Nga là kết quả hàng loạt biến cố đã bắt đầu ít nhất là một phần tư thế kỷ trước, khi ông Yuri Andropov, nguyên là người lãnh đạo KGB, nối nghiệp ông Leonid Brezhnev làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô. Những nỗ lực của ông Andropov nhằm cải tổ nền kinh tế trì trệ của Liên Xô nhằm duy trì Liên bang Xô-viết và hệ thống chính trị của nó có ý nghĩa như là khuôn mẫu cho ông Putin. Ngay trong buổi đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Putin đã khánh thành một tấm biển đồng tại tổng hành dinh FSB trên quảng trường Lubyanka tưởng niệm ông Andropov như là “một gương mặt chính trị xuất sắc”.

    Quy tụ trong đội ngũ của mình những người có học vấn cao và có tinh thần thực tiễn được tuyển mộ từ những thập niên 1960-1970, KGB biết rất rõ tình trạng kinh khủng của nền kinh tế Xô-viết và tình trạng cổ hủ của các lãnh tụ Đảng. Do đó KGB là một trong những lực lượng chính ủng hộ công cuộc perestroika (cải tổ) – cái chính sách lỏng lẻo nhằm tổ chức lại xã hội do ông Gorbachev khởi xướng vào đầu thập niên 1980. Cải tổ perestroika có nghĩa là đem lại cho xã hội Xô-viết một sức sống mới. Khi cải tổ đe doạ chính sự tồn tại của chế độ Xô viết, KGB đã kích động một cuộc đảo chính chống lại ông Gorbachev. Thật khôi hài, điều đó đã đẩy chế độ Xô viết tới sụp đổ.

    Nhưng Felix Bàn tay Sắt đã bật dậy.

    Sự kiện cuộc đảo chính bị đập tan tạo cơ hội lịch sử cho nước Nga loại bỏ tổ chức KGB. Yevgenia Albats, một nhà báo dũng cảm chuyên tường thuật những chương đen tối nhất trong lịch sử KGB, đã viết: “Nếu như ông Gorbachev hoặc ông Yeltsin có đủ can đảm giải tán KGB trong mùa thu năm 1991 họ sẽ gặp rất ít sự chống đối”. Thay vì vậy cả ông Gorbachev và ông Yeltsin đều cố gắng cải tổ nó.

    “Tinh hoa” của tổ chức KGB – Tổng cục 1 chuyên trách phản gián – bị văng ra, trở thành một cơ quan tình báo riêng rẽ. Phần còn lại của KGB bị phân chia thành nhiều bộ phận khác nhau. Thế rồi sau vài tháng bàn bạc về tính cởi mở, công khai, những cánh cửa của cơ quan này đóng sầm lại và người phụ trách công cuộc cải tổ nó, ông Vadim Bakatin, bị sa thải. Tại một hội nghị năm 1993, ông này đưa ra một kết luận buồn rằng, mặc dù huyền thoại bách chiến bách thắng của KGB đã sụp đổ, bản thân tổ chức này vẫn còn sức sống mạnh mẽ.

    Thực tế đúng là như vậy. Bộ An ninh mới thành lập hay mới đặt tên lại tiếp tục “cài cắm” các sĩ quan của “lực lượng dự bị tích cực” vào các cơ quan nhà nước và các công ty thương mại. Chẳng bao lâu sau đó các sĩ quan KGB đã có mặt trong đội ngũ nhân viên thuế vụ và hải quan. Như chính bản thân ông Boris Yeltsin thừa nhận vào cuối năm 1993, tất cả những nỗ lực cải tổ KGB đều rất “hời hợt và chỉ có tác dụng trang điểm”. Trong thực tế tổ chức này không thể cải tổ được. “Hệ thống cảnh sát chính trị vẫn được duy trì và có thể phục hồi được”, ông nói.

    Nhưng mặc dù để cho tổ chức này tiếp tục tồn tại, ông Yeltsin đã không sử dụng nó làm căn cứ quyền lực của mình. Trong thực tế, KGB bị loại ra khỏi công cuộc tái phân chia tài sản thời hậu Xô-viết. Thảm hại hơn nữa, nó bị đẩy vào hậu trường và bị qua mặt bởi một nhóm nhỏ các tay cơ hội chủ nghĩa, nhiều người trong số đó là dân Do Thái (không phải là loại người mà KGB yêu mến), nhóm này được coi là nhóm đầu sỏ chính trị (oligarch). Nhóm người này câu kết với nhau, giành giật phần lớn tài nguyên thiên nhiên của đất nước và những tài sản được tư nhân hoá khác nữa. Các sĩ quan KGB đứng nhìn nhóm oligarch trở nên cực giàu trong khi họ vẫn luôn thiếu tiền, thậm chí có khi không được trả lương.

    Một số sĩ quan KGB vẫn sống khỏe nhưng chỉ bằng việc cung cấp dịch vụ cho nhóm oligarch. Để bảo vệ mình trước tình trạng tội phạm và lừa đảo lan tràn, những ngườioligarch cố gắng tư hữu hoá một số bộ phận của tổ chức KGB. Các bộ phận an ninh to lớn và tốn kém đã quy tụ lại và được điều hành bởi các sĩ quan của tổ chức KGB cũ. Họ còn thuê các quan chức cao cấp của cơ quan này làm “cố vấn”. Fillip Bobkov, thủ trưởng Tổng cục 5 (chuyên trấn áp những người ly khai) thì làm việc cho ông trùm truyền thông Vladimir Gusinsky. Ông Kondaurov, cựu phát ngôn viên của KGB, thì làm việc cho Mikhail Khodorkovsky – người điều hành và sở hữu phần lớn tập đoàn Yukos. Mark Galeotti, một nhà phân tích người Anh chuyên về các cơ quan đặc biệt của Nga, nói rằng: “Những người còn ở lại trong FSB là những người thuộc danh sách B”.

    Những nhân viên cấp bậc thấp hơn thì làm vệ sĩ cho các tỷ phú Nga. (Andrei Lugovoi, nghi can chính trong vụ ám sát ông Alexander Litvinenko tại London năm ngoái, có thời là bảo vệ cho Boris Berezovsky, một oligarch hiện đang sống ở Anh và bị Nga ra lệnh truy nã). Hàng trăm công ty an ninh tư nhân quy tụ các cựu nhân viên KGB mọc lên khắp nước Nga và phần lớn các công ty này, dù không phải là tất cả, đều giữ mối quan hệ ràng buộc với các đồng sự cũ của mình. Theo Igor Goloshchapov, một cựu chỉ huy các lực lượng đặc biệt của KGB bây giờ là phát ngôn viên cho khoảng 800.000 nhân viên an ninh tư nhân, thì “Trong những năm 1990 chúng tôi chỉ có một mục tiêu: tồn tại và duy trì những kỹ năng của mình. Chúng tôi không tự coi mình đã tách ra khỏi những người đang còn trong FSB. Chúng tôi chia sẻ với họ mọi chuyện và chúng tôi coi công việc của mình chỉ là một hình thức khác trong việc phục vụ lợi ích của quốc gia. Chúng tôi biết rằng, sẽ có một ngày chúng tôi được mời trở lại”.

    Giờ phút đó đến vào đêm giao thừa năm 1999 khi ông Boris Yeltsin từ chức và, bất chấp quan điểm của ông đối với KGB, ông đã bàn giao sợi dây cương quyền lực cho ông Putin, người mà ông giao trách nhiệm lãnh đạo FSB năm 1998 và một năm sau thì bổ nhiệm làm thủ tướng.


    Nhóm khống chế

    Khi vị tổng thống mới nhìn thấy sự tình, nhiệm vụ đầu tiên của ông là khôi phục quyền quản lý đất nước, củng cố quyền lực chính trị và trung lập hoá những nguồn tác động có thể thay thế ông. Những nguồn tác động này là các đầu lĩnh, các thống đốc địa phương, truyền thông, quốc hội, các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ. Các bạn thân KGB của ông giúp ông hoàn thành nhiệm vụ này.

    Viên đầu lĩnh tích cực nhất về chính trị, ông Berezovsky, người đã giúp Putin leo lên đỉnh cao quyền lực và ông Gusinsky, bị đẩy ra khỏi nước, các kênh truyền hình của họ bị thâu tóm vào tay nhà nước. Ông Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga, thì cứng đầu cứng cổ hơn. Bất chấp vài lần được cảnh báo, ông ta tiếp tục ủng hộ các đảng chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và không chịu rời bỏ nước Nga. Năm 2003, FSB bắt ông và sau một phiên toà có tính chất trình diễn, họ giam ông ta vào tù.

    Để xử lý các viên thống đốc khu vực ương ngạnh, ông Putin bổ nhiệm các đặc sứ có quyền giám sát và kiểm tra. Phần lớn những đặc sứ này là cựu nhân viên KGB. Các thống đốc bị mất ngân sách và ghế của họ trong Thượng viện Nga. Về sau những người bỏ phiếu để chọn ra họ cũng mất luôn quyền bỏ phiếu.

    Theo bà Kryshtanovskaya, tất cả các quyết định mang tính chiến lược, trước đây và hiện nay, đều được ban ra từ một nhóm nhỏ những người hợp thành một bộ chính trị không chính thức của ông Putin. Nhóm này bao gồm hai phó thủ trưởng văn phòng tổng thống: ông Igor Sechin, người chính thức kiểm soát việc luân chuyển hồ sơ tài liệu nhưng cũng theo dõi những vấn đề kinh tế; và ông Viktor Ivanov, chịu trách nhiệm về nhân sự trong điện Kremlin và cả bên ngoài. Rồi đến ông Nikolai Patrushev, lãnh đạo FSB và ông Sergei Ivanov, nguyên bộ trưởng quốc phòng bây giờ là phó thủ tướng thứ nhất. Tất cả đều đến từ St. Peterburg và tất cả đều đã từng phục vụ trong ngành tình báo hoặc phản gián. Ông Sechin là người duy nhất trong nhóm không quảng bá tiểu sử của mình.

    Sự kiện hai trong số những người có thế lực nhất đó, ông Sechin và ông Viktor Ivanov, giữ vị trí xem ra rất khiêm tốn (cả hai đều là cấp phó) và ít khi xuất hiện trước công chúng thật ra dễ gây nhầm lẫn. Theo thông lệ trong xã hội Xô-viết, chính người phó, có liên hệ với KGB mới là người có nhiều sức nặng hơn vị trưởng theo danh nghĩa. “Những người này cảm thấy thoải mái hơn khi họ ẩn trong bóng tối,” bà Kryshtanovskaya giải thích.

    Trong bất kỳ biến cố nào, mỗi người trong số các cựu chiến binh KGB đều có tầng tầng lớp lớp những người đi theo mình trong tất cả các cơ quan nhà nước. Một trong những người phó cũ của ông Patrushev, cũng xuất thân từ KGB, là bộ trưởng bộ nội vụ, đặc trách cảnh sát. Ông Sergei Ivanov vẫn nắm quyền lực trong bộ tư lệnh quân đội. Ông Sechin thì có quan hệ họ hàng mật thiết với ông bộ trưởng tư pháp. Viện kiểm sát, mà vào thời Xô viết có chức năng kiểm soát công việc của KGB, ít ra là về danh nghĩa, thì nay đã trở thành công cụ của nó, cùng với cơ quan thuế vụ.

    Ảnh hưởng chính trị của những siloviki này được hậu thuẫn bởi (hay là kết quả của) các công ty nhà nước với những nguồn tài chính khổng lồ. Ông Sechin chẳng hạn, là chủ tịch của Rosneft, công ty dầu mỏ quốc doanh lớn nhất nuớc Nga. Viktor Ivanov thì cầm đầu ban giám đốc tập đoàn Almaz-Antei, nhà sản xuất chính các tên lửa phòng không của đất nước, và tập đoàn Aeroflot, hãng hàng không quốc gia. Sergei Ivanov theo dõi các tổ hợp công nghiệp quân sự và phụ trách tập đoàn độc quyền về công nghiệp máy bay mới thành lập.

    Nhưng các siloviki còn vươn xa hơn vào mọi lĩnh vực cuộc sống ở Nga. Có thể tìm thấy họ không chỉ trong các cơ quan thực thi pháp luật mà cả trong các bộ kinh tế, giao thông, tài nguyên thiên nhiên, viễn thông và văn hoá. Nhiều cựu sĩ quan KGB giữ những chức vụ quản lý cao cấp trong Gazprom - tập đoàn lớn nhất nước Nga, và ngân hàng trực thuộc nó, Gzaprombank (vị phó chủ tịch ngân hàng này là cậu con trai 26 tuổi của Sergei Ivanov)

    Alexei Gromov, thư ký báo chí rất được tin cậy của ông Putin, có chân trong ban giám đốc Kênh số 1 (Channel One) – kênh truyền hình chính của Nga. Công ty độc quyền về vận tải đường sắt thì nằm dưới quyền của Vladimir Yakunin, một cựu viên chức ngoại giao từng làm việc trong phái đoàn Nga tại Liên hiệp quốc ở New York và được cho là có chức vụ rất cao trong cơ quan KGB. Sergei Chemezov, một đồng sự cũ của ông Putin tại KGB từ ngày ông Putin còn ở Dresden năm 1985-1990 thì phụ trách Rosoboronexport, một nhánh về vũ khí của nhà nước mà dưới quyền quản lý của ông này đã lớn mạnh thành một tập đoàn kinh doanh vũ khí khổng lồ. Danh sách này còn kéo dài nữa.

    Nhiều sĩ quan trong lực lượng dự bị tích cực đã được biệt phái đi làm việc trong những công ty lớn của Nga, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; họ được hưởng lương ở doanh nghiệp trong khi vẫn tiếp tục lãnh lương của FSB. Một sĩ quan cao cấp của FSB giải thích việc này: “Chúng tôi phải bảo đảm rằng các công ty sẽ không đưa ra những quyết định không phù hợp với lợi ích của nhà nước”. Một sĩ quan FSB khác tâm sự rằng được làm sĩ quan dự bị trong một doanh nghiệp là công việc mơ ước: “Bạn có lương cao nhưng đồng thời vẫn giữ được tấm thẻ FSB”. Một trong những sĩ quan dự bị như vậy là cậu con trai 26 tuổi của ông Patrushev, năm ngoái mới được biệt phái từ FSB sang tập đoàn Rosneft, bây giờ cậu là trợ lý của ông Sechin. (Sau mấy tháng làm việc ở Rosfneft, Andrei Patrushev đã được tổng thống Putin tặng Huân chương Danh dự vì “những thành công trong nghề nghiệp và nhiều năm làm việc tận tuỵ”). Rosneft là chủ nhân chính của khối tài sản của tập đoàn Yukos sau khi tập đoàn này bị huỷ diệt.

    Cuộc tấn công tập đoàn Yukos, đi vào giai đoạn quyết định khi ông Sechin được phái về Rosneft, là ví dụ đầu tiên và hiển nhiên nhất về công cuộc tái phân phối tài sản cho các siloviki, nhưng không phải là trường hợp duy nhất. Mikhail Gutseriev, ông chủ của Russneft, một công ty dầu khí tăng trưởng nhanh, hồi đầu tháng này đã bị buộc phải thôi việc vì bị cáo buộc có những hành vi bất hợp pháp. Đã có thời ông phủ nhận, nhưng như ông giải thích, “họ siết bù-loong” và cơ quan này tiếp theo cơ quan khác – văn phòng tổng kiểm sát, cảnh sát thuế, bộ nội vụ - đã bắt đầu tiến hành kiểm tra ông.


    Từ oligarchy đến spookocracy (những con ngáo ộp)

    Cuộc chuyển giao tài sản tài chính từ giới oligarch sang giới siloviki có lẽ là điều không thể tránh được. Chắc chắn cuộc chuyển giao sẽ không gặp phải sự phản đối của đa số người Nga – những người có rất ít cảm tình đối với bọn “quý tộc ăn cướp”; thậm chí nó có thể làm cho giới siloviki trở nên nổi tiếng hơn. Nhưng giới này có thành công trong việc quản lý những tài sản mà họ mới giành giật được hay không là chuyện rất đáng ngờ. “Họ biết cách phá vỡ một công ty hoặc tịch thu cái gì đó. Nhưng họ không biết cách quản trị doanh nghiệp. Họ sử dụng vũ lực chẳng qua vì họ không biết bất kỳ một phương pháp nào khác”, một cựu viên chức KGB mà nay làm việc trong ngành kinh doanh nhận xét.

    Thật lạ, việc tập trung quyền lực và nguồn lực kinh tế vào tay một nhóm nhỏ các siloviki – những người tự đồng nhất mình với nhà nước - đã không làm cho những nhân viên cấp thấp hơn trong bộ máy an ninh cảm thấy mình bị lợi dụng. Ở đây có một thứ như là “ơn mưa móc”: lương bổng của một điệp viên FSB trung bình đã tăng vài lần trong thập niên qua và họ còn được chấp nhận cho hoạt động tự do hơn. Ngoài ra, nhiều người Nga bên trong và bên ngoài hệ thống an ninh tin rằng việc chuyển giao tài sản từ những bàn tay cá nhân sang các siloviki là phù hợp với quyền lợi của đất nước. Ông Goloshchapov nói: “Họ đang lấy lại những gì thuộc về họ và họ có quyền làm như vậy”.

    Tuy nhiên, quyền của các siloviki thì chẳng liên quan gì tới những quy định chính thức của luật pháp hoặc của hiến pháp. Các siloviki cho rằng họ có một sứ mệnh đặc biệt là phục hồi quyền lực của nhà nước, giữ cho nước Nga không bị phân rã và làm thất bại mọi kẻ thù có thể làm suy yếu đất nước họ. Ông Kondaurov cho rằng, những tình cảm uỷ mị kiểu lý tưởng chủ nghĩa như vậy đang cùng tồn tại với sự nhiệt thành mang tính chất cơ hội và bất chấp đạo lý nhằm lợi dụng tình hình để thu vén cho cá nhân hoặc cho phe nhóm.

    Những người trong ngành an ninh tự thể hiện mình như là một bang hội tổ chức chặt chẽ được phép phá vỡ mọi điều luật để thực hiện sứ mệnh. Những câu nói khoa trương của họ chen đầy những lời báng bổ, chủ nghĩa dân tộc của họ thường trộn lẫn với sự khinh miệt những công dân bình thường. Tuy vậy họ rất trung thành với nhau.

    Phải cạnh tranh quyết liệt mới được đứng vào hàng ngũ này. KGB tuyển dụng người rất cẩn thận. Nhân viên mới được chọn ra từ nhiều học viện và trường đại học khác nhau, sau đó được đào tạo ở những trường đặc biệt của KGB. Ngày nay Học viện FSG ở Moscow thu hút con cái của các siloviki cao cấp; một khu dinh thự mới đang được xây dựng sẽ mở rộng gấp đôi cơ ngơi của học viện này. Theo ông Galeotti, một nhà phân tích người Anh, trọng tâm là ở chỗ “không phải bạn được học những gì mà ở đó bạn sẽ gặp ai”.

    Những người tốt nghiệp Học viện FSB có lẽ cũng đồng ý như vậy. “Mỗi chekist, người của tổ chức cảnh sát Cheka, là một mầm mống”, một cựu tướng lãnh của FSB tiết lộ. Một di sản KGB tốt – nghĩa là có cha, có ông nội từng làm việc cho cơ quan này – sẽ được các siloviki ngày nay đánh giá cao. Hôn nhân giữa các “dòng giống” silovikicũng đang được khuyến khích.

    Viktor Cherkesov, người đứng đầu cơ quan kiểm soát ma tuý của Nga và đến giữa thập niên 1980 vẫn còn săn đuổi các nhà bất đồng chính kiến, đã tóm tắt tâm lý của FSB trong một bài báo sau đó đã trở thành tuyên ngôn của giới siloviki và một lời kêu gọi phải ủng cố.

    “Chúng ta [những siloviki] cần phải hiểu rằng chúng ta là một khối thống nhất. Lịch sử phán định rằng gánh nặng nâng đỡ nhà nước Nga nằm trên vai chúng ta. Tôi tin vào năng lực của chúng ta; mỗi khi chúng ta cảm thấy nguy hiểm, hãy gạt sang một bên những gì vụn vặt và giữ vững lòng trung thành với lời thề của chúng ta”.

    Cũng giống như họ đã khêu gợi chủ nghĩa yêu nước muôn thuở, các ông chủ của lực lượng an ninh Nga có thể dễ dàng tìm thấy đồng minh trong giới tu sĩ. Bên cạnh toà cao ốc của FSB trên quảng trường Lubyanka sừng sững toà giáo đường của dòng tu Trí khôn Thần thánh (Holy Wisdom), được xây dựng từ thế kỷ 17, “được trùng tu vào tháng 8-2001 với sự hỗ trợ rất đáng thèm muốn của FSB” – một tấm bảng đồng trong nhà thờ ghi rõ. Cha Alexander, người dẫn lễ ở đây, nói: “Tạ ơn Chúa, đã có FSB. Tất cả mọi quyền lực đều do Chúa và họ cũng vậy”. Một cựu tướng lãnh KGB cũng đồng ý: “Họ thực sự tin rằng, họ được Chúa Trời chọn lựa và dẫn dắt và ngay cả sự kiện giá dầu mỏ leo thang mà họ đang hưởng lợi cũng là do ý Chúa”.

    Sergei Grigoryants, người thường bị thẩm vấn và đã hai lần bị KGB bỏ tù vì tuyên truyền chống Liên Xô, nói rằng các chỉ huy an ninh tin “rằng họ là những người duy nhất có được bức tranh và sự hiểu biết đúng đắn về thế giới”. Ở trung tâm của bức tranh này là ý thức đã được cường điệu hoá về kẻ thù nhưng chỉ để biện minh cho sự tồn tại của chính họ: không có kẻ thù thì họ tồn tại để làm gì? Bà Kryshtanovskaya nói: “Họ tin rằng họ có thể nhìn thấy kẻ thù ở nơi mà người bình thường không nhìn thấy”.

    “Chỉ vài năm trước, chúng ta đã khuất phục cái ảo tưởng rằng chúng ta không có kẻ thù và chúng ta đã phải trả giá đắt cho điều đó”, ông Putin nói với FSB năm 1999. Quan điểm này được đa số các cựu binh KGB và những người kế tục họ chia sẻ. Mối nguy hiểm lớn nhất đến từ phương Tây, những người mà mục tiêu được cho là làm suy yếu nước Nga và tạo ra bất ổn. Một sĩ quan FSB đương quyền nhận xét: “Họ muốn làm cho nước Nga phải phụ thuộc vào công nghệ của họ. Họ đổ hàng hoá tràn ngập thị trường của chúng tôi. Nhưng nhờ ơn Chúa, chúng tôi vẫn còn vũ khí hạt nhân”. Cái não trạng tù đọng của các siloviki và học thuyết chống Tây phương của họ có sức lay động đối với công chúng Nga. Ông Goloshchapov, phát ngôn viên của một công ty thám tử tư nhân, miêu tả tình trạng đó như thế này: “Thời ông Gorbachev, nước Nga được phương Tây sủng ái, nhưng chúng tôi được gì nào? Chúng tôi lần lượt mất tất cả: Đông Âu, Ukraine, Georgia. NATO đã tiến đến tận biên giới chúng tôi”.

    Từ quan điểm này, bất kỳ ai ở nước Nga làm việc cho phương Tây đều là kẻ nội thù. Được xếp vào dạng người này là những nhà báo cuối cùng có tư tưởng tự do, những tổ chức phi chính phủ cuối cùng được phương Tây tài trợ và một vài nhà chính trị tự do vẫn chia sẻ những giá trị của phương Tây.

    Để cảm nhận được chiều sâu của những cảm xúc này, hãy xem phản ứng của một sĩ quan FSB về vụ ám sát nhà báo Anna Politkovskaya – một nhà báo viết ra những cuốn sách phê phán ông Putin và cuộc chiến tranh tàn ác ở Chechnya được đọc nhiều ở ngoài nước hơn là trong nước Nga. “Tôi không biết ai giết bà ấy, nhưng những bài báo của bà ta làm lợi cho báo chí phương Tây. Bà ta đáng bị như thế”. Và thế là, ông Litvinenko, cựu sĩ quan KGB bị đầu độc bằng chất polonium ở London năm ngoái, cũng chung số phận.

    Trong một không khí như vậy, cái ý tưởng rằng cơ quan an ninh Nga được hành xử một cách tàn nhẫn với kẻ thù của quốc gia, cho dù chúng ở đâu, đã nhận được sự chấp nhận rộng rãi và được hỗ trợ bằng một loạt các luật lệ mới. Một luật lệ nhắm tới “chủ nghĩa cực đoan” cho phép FSB và các cơ quan nội chính khác một phạm vi hoạt động rộng rãi để theo dõi bất kỳ ai có lời nói hoặc hành động chống lại điện Kremlin. Nó đã được viện dẫn để chống lại các nhà báo và các nhà phân tích độc lập. Một luật sư, do than phiền với Toà án Hiến pháp về việc FSB lén lút đặt máy ghi âm một cách bất hợp pháp điện thoại của thân chủ ông, đã bị cáo buộc là tiết lộ bí mật quốc gia. Một số nhà khoa học cộng tác với các doanh nghiệp nước ngoài bị tống vào tù vì tội phản bội.

    Mặc dù trung thành với các gốc rễ Xô-viết cũ, những ông chủ ngành an ninh ngày nay rất khác với các bậc tiền bối của họ. Họ không muốn quay lại với ý thức hệ cộng sản, cũng không muốn đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản mà thành quả của nó chính họ đang thụ hưởng. Họ không hề trải qua sự khổ hạnh của những người tiền bối. Thậm chí họ cũng không cần đàn áp đám đông: ở một đất nước mà nỗi sợ hãi ngấm sâu vào máu, việc tấn công những cá nhân được chọn lọc cũng đủ mang lại hiệu quả cần thiết. Nhưng sự tập trung quyền lực và tiền bạc vào tay những cơ quan an ninh đã không mang lại điều tốt lành nào cho nước Nga.

    Việc tạo ra các kẻ thù có thể giúp xoa dịu những bất đồng về bộ tộc và kích thích chủ nghĩa dân tộc nhưng nó không làm cho đất nước được an toàn hay thịnh vượng hơn. Trong khi FSB báo cáo số lượng các điệp viên nước ngoài không ngừng tăng lên, cáo buộc các nhà khoa học tội phản bội và tôn vinh “tình huynh đệ” của chính mình thì nước Nga vẫn là một trong số những quốc gia quan liêu, tham nhũng và tình trạng tội phạm lan tràn nhất thế giới.

    Trong vụ khủng hoảng tại trường tiểu học Beslan năm 2004, FSB đã rất thành thạo trong việc ngăn cản các nhà báo cố gắng tìm hiểu sự thật. Nhưng họ đã không phong toả được ngôi trường nơi các con tin đang bị giam giữ. Dưới quyền thống đốc của một cựu đồng nghiệp FSB của tổng thống Putin, nước cộng hoà Ingushetia – có biên giới chung với Chechnya, đã lún sâu vào một tấn tuồng chiến tranh mới. Quân đội bị tình trạng tội phạm và chèn ép huỷ hoại. Các nhà doanh nghiệp tư nhân thì bị các cơ quan thực thi pháp luật gây phiền nhiễu. Chính sách ngoại giao của Nga đang biến dạng thành một nền ngoại giao tự mãn nguyện: bằng cách không ngừng tố giác kẻ thù ở mọi mặt trận, họ đã chuyển nhiều quốc gia từ chỗ những người bạn tiềm năng thành những kẻ đối lập bất an.

    Đừng nên ngạc nhiên về cuộc nổi dậy chiếm lấy quyền lực của những cựu viên chức KGB. Theo bà Inna Solovyova, một nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Nga, sự trỗi dậy đó liên quan với những phẩm chất mà người Nga muốn thấy ở lãnh tụ của họ: đó là sự quyết đoán, kiên cường, đầy quyền uy và một chút bí ẩn. “KGB phù hợp với kỳ vọng như vậy, hoặc ít ra họ cũng biết cách làm cho ra vẻ phù hợp”, bà nói.

    Nhưng liệu họ có làm được điều gì tốt đẹp cho đất nước này? Ông Kondaurov nhận xét: “Những người xuất thân từ KGB là những nhà chiến thuật. Chúng tôi chưa bao giờ được học cách giải quyết những nhiệm vụ chiến lược”. Ông và vài người khác cũng thú nhận, vấn đề lớn nhất trong mọi vấn đề là cơ quan này thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Khi nói về hành vi dại dột đầu độc bằng chất polonium ở London, ông đỏ mặt xấu hổ: “Chúng tôi chưa bao giờ xuống cấp đến như thế. Thật là một cú đấm vào danh tiếng quốc gia”, ông thở dài.

    Nguồn:  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11147&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org