Sửa đổi hiến pháp Nhật bản và những ảnh hưởng của nó

Posted on
  • Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Nguyễn Ngọc Nghiệp
    Một trong những sản phẩm quan trọng bậc nhất mà quân đồng minh đứng đầu là Mỹ tạo ra trong thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1952 chính là bản hiến pháp được nghị viện Nhật Bản thông qua và được Thiên Hoàng phê chuẩn ngày 3/11/1946, có hiệu lực từ 3/5/1947.
    Những quy định trong hiến pháp Nhật Bản năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một nhà nước Nhật Bản hiện đại, làm cho Nhật Bản từ một nước bị chiến tranh tàn phá, vươn lên trở thành một cường quốc trên thế giới với một tiềm lực kinh tế mạnh và trình độ khoa học tiên tiến. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong và ngoài nước, một số quy định trong hiến pháp hiện hành không còn phù hợp, thậm chí trở thành rào cản đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của Nhật Bản. Do vậy, Nhật Bản muốn sửa đổi hiến pháp để phù hợp với những thay đổi trong nước, đồng thời cũng nhằm thực hiện được những nhiệm vụ và tham vọng mới trước những biến động trong khu vực và trên thế giới. Bài viết này sẽ đề cập đến tiến trình đề xuất sửa đổi hiến pháp Nhật Bản từ trước đến nay cũng như triển vọng của việc sửa đổi, đồng thời cũng nêu ra những ảnh hưởng đối với Nhật Bản và thế giới nếu như  nước này sửa đổi  hiến pháp.
    1. Những đề xuất và sự chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp
    Từ khi chính thức có hiệu lực (3/5/1947) đến nay, hiến pháp hoà bình của Nhật Bản chưa một lần được sửa đổi. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng từ trước đến nay người Nhật chưa đề cập đến vấn đề sửa đổi hiến pháp mà trái lại, đã nhiều lần vấn đề sửa đổi hiến pháp được đặt ra. Từ cuối năm 1952 khi thời kỳ chiếm đóng chấm dứt, Nhật Bản giành lại được chủ quyền, những người bảo thủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp với lý do viện dẫn là “Nhật Bản bị bắt buộc phải chấp nhận hiến pháp” hoặc “những quy định trong hiến pháp đã lỗi thời”. Những người này muốn sửa đổi hiến pháp với mục đích làm cho nó “Nhật Bản” hơn bởi vì hiến pháp có nguồn gốc nước ngoài. Trước đó (trong thời kỳ bị chiếm đóng) cũng đã có nhiều tranh luận về nguồn gốc nước ngoài của hiến pháp. Nổi bật nhất trong những yêu cầu đòi sửa đổi hiến pháp là việc loại bỏ Điều 9. Mục đích kiên định của những người bảo thủ là kiên quyết loại bỏ mệnh đề hoà bình. Tuy vậy, những nỗ lực nhằm sửa đổi hiến pháp của những người này đã bị thất bại vì một số lý do mà một trong số đó là khó đạt được số phiếu cần thiết để thông qua việc sửa đổi hiến pháp tại nghị viện. Theo quy định của hiến pháp thì bản dự thảo sửa đổi phải được thông qua bởi ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của cả hai viện trước khi được đưa ra trưng cầu dân ý. Trong khi đó, các đảng đối lập chiếm hơn 1/3 số ghế trong nghị viện đều khẳng định quan điểm ủng hộ hiến pháp và yêu cầu giữ nguyên mà không cần sửa đổi gì. Điều đó dẫn đến việc không thể đạt được số phiếu cần thiết để thông qua dự thảo sửa đổi tại nghị viện theo quy định của hiến pháp.
    Trước những thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước cũng như khu vực và thế giới, trong những năm gần đây Nghị viện Nhật Bản cũng đã có những động thái hướng tới việc sửa đổi hiến pháp thông qua việc thành lập Uỷ ban nghiên cứu hiến pháp vào ngày 17/2/2000 ở cả hai viện của quốc hội với mục đích nghiên cứu để hiểu biết sâu rộng về hiến pháp và tiến tới sửa đổi hiến pháp. Uỷ ban được trao quyền trong giai đoạn 5 năm để chuẩn bị báo cáo xem xét lại quá trình liên quan đến việc thông qua hiến pháp, xem xét những tranh luận liên quan đến sửa đổi hiến pháp đã và đang diễn ra rồi rút ra kết luận và đệ trình lên Quốc hội. Trong báo cáo mà Uỷ ban nghiên cứu hiến pháp của Hạ nghị viện đưa ra lý do về sự cần thiết phải sửa đổi Điều 9 hiến pháp đó là sự khác nhau quá lớn giữa quy định trong hiến pháp và thực tế, thêm vào đó là những thay đổi trong nước cũng như quốc tế. Những thay đổi đó là sự kiện 11/9, chương trình vũ khí của Cộng hoà dân chủ nhân dân(CHDCND) Triều Tiên và sự tăng lên về nhu cầu cần đóng góp tích cực cho hợp tác quốc tế của Nhật Bản. Khi đề cập đến Điều 9 là linh hồn của bản hiến pháp hoà bình năm 1946 Uỷ ban của Hạ nghị viện cho rằng “việc sử dụng một lực lượng tối thiểu cho phòng vệ cần phải được công nhận” và thông qua ý kiến đa số về việc sửa đổi Điều 9 hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ và đảm bảo sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ. Để đi đến kết luận này đã xảy ra tranh luận giữa các nhóm trong uỷ ban. Nhóm theo truyền thống ủng hộ hiến pháp thì cho rằng Điều 9 hiến pháp như là một sự cam kết của nhà nước Nhật Bản về trách nhiệm đối với chiến tranh nên không cần sửa đổi và họ kêu gọi duy trì và tuân thủ Điều 9. Tuy nhiên, nhóm này bị áp đảo bởi nhóm những người yêu cầu sửa đổi chiếm đa số trong uỷ ban. Nhóm những người yêu cầu sửa đổi đòi đưa vào hiến pháp những quy định rõ ràng về quyền phòng vệ cũng như  sự tồn tại của lực lượng phòng vệ.
    Tháng 8 năm 2005 Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã đề xuất việc sửa đổi hiến pháp nhằm mục đích nâng cao vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế. Dự thảo sửa đổi hiến pháp được đảng Dân chủ Tự do (LDP) đưa ra vào 22/11/2005. Những đề xuất sửa đổi được đưa ra bao gồm:
    -Viết lại lời nói đầu và dự định thay đổi tên chương II “Từ bỏ chiến tranh” thành “Đảm bảo an ninh” ( security guarantee)
    - Khoản 1 của Điều 9 về từ bỏ chiến tranh được giữ lại và khoản 2 với nội dung “ngăn cấm duy trì hải, lục không quân và các tiềm năng chiến tranh khác” sẽ được thay thế bằng quy định khác cho phép lực lượng phòng vệ dưới quyền kiểm soát của Thủ tướng được thực hiện việc phòng vệ quốc gia và có thể tham gia vào các hoạt động quốc tế. Trong khoản 2 mới này sẽ sử dụng thuật ngữ “Gun”(quân đội) trong tiếng Nhật hoặc thuật ngữmilitary hay army trong tiếng Anh là thuật ngữ không được phép sử dụng trong hiến pháp hiện hành.
    - Sửa đổi từ ngữ trong Điều 13 đề cập đến vấn đề tôn trọng các quyền cá nhân.
    - Thay đổi Điều 20 và Điều 89 là những điều liên quan đến tôn giáo và mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước.
    - Thay đổi từ Điều 92 đến Điều 95 là những điều quy định về chính quyền tự trị địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương
    - Thay đổi Điều 96 liên quan đến những quy định về sửa đổi hiến pháp. Theo dự thảo mới thì việc sửa đổi hiến pháp sau khi được nghị viện thông qua vẫn phải đưa ra trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, sự khác biệt trong dự thảo lần này là số phiếu tối thiểu cần đạt được để dự thảo sửa đổi hiến pháp được thông qua tại nghị viện sẽ giảm hơn so với yêu cầu trong hiến pháp hiện hành của Nhật Bản. Từ chỗ yêu cầu phải được thông qua bởi ít nhất 2/3 tổng số thành viên trong mỗi viện của quốc hội sang chỗ chỉ cần được thông qua bởi đa số thành viên ở mỗi viện tương ứng.
    Việc sửa đổi Điều 9 hiến pháp được cựu Thủ tướng Koizumi đề xuất với lý do là Điều 9 đã cản trở Nhật Bản ứng phó với những cuộc khủng hoảng. Có thể nói việc sửa đổi Điều 9 không phải đến thời kỳ cựu Thủ tướng Koizumi cầm quyền mới được đề xuất mà trước đó cũng đã được đề cập đến, song, đến thời ông Koizumi với tư tưởng cải cách mạnh mẽ đã được đưa ra như là một vấn đề ưu tiên trước mắt. Ông Koizumi là vị Thủ tướng đầu tiên tuyên bố rõ ràng rằng lực lượng phòng vệ là một tổ chức quân đội. Ông ta đề cập đến lực lượng phòng vệ như là lực lượng bảo vệ quốc gia và chúng nên được xác định như là quân đội của một quốc gia. Ý kiến của ông cũng được chia sẻ bởi số đông những thành viên của đảng Dân chủ. Đảng này còn đệ trình lên Uỷ ban nghiên cứu về hiến pháp đề nghị đưa vào sử dụng quyền phòng vệ tập thể sau khi đổi tên Lực lượng phòng vệ thành “Lực lượng có trang bị vũ trang để tự vệ” với mục đích loại trừ những ràng buộc để Lực lượng phòng vệ có thể được sử dụng như là quân đội của quốc gia trong liên minh với Mỹ.
    Không chỉ ông Koizumi và Đảng Dân chủ Tự do của ông mà đa số các chính trị gia đều gợi ý rằng hiến pháp Nhật Bản nên được sửa đổi. Tuy nhiên, về chương II của hiến pháp thì các chính trị gia đều nhất trí cho rằng khoản 1 Điều 9 không nên thay đổi còn khoản 2 thì cần thay đổi để cho phép Nhật Bản tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình ở nước ngoài và tham gia vào phòng vệ tập thể với Mỹ.
    Như vậy, có thể thấy rằng một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong những vấn đề cần sửa đổi trong hiến pháp đó là sửa đổi Điều 9. Trước những biến đổi trong khu vực, đặc biệt là tình hình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mà chính phủ Nhật Bản đã phải đề cập đến việc phòng thủ đất nước bằng cách nâng cấp lực lượng phòng vệ của mình lên. Theo đó thì Bộ quốc phòng được thành lập thay thế cho Cục phòng vệ, đi cùng với điều đó là việc thay đổi tên của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành quân đội. Lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, thuật ngữ “quân đội” dự kiến được sử dụng để thay cho thuật ngữ “lực lượng phòng vệ”. Cụ thể là Điều 9 được dự định thay đổi như sau: “Để đảm bảo hoà bình và độc lập của đất nước chúng ta cũng như đảm bảo an ninh cho nhà nước và nhân dân thì lực lượng quân đội với mục đích phòng vệ sẽ được duy trì với thủ tướng nội các là tổng tư lệnh tối cao”. Việc dự kiến sửa đổi này đã ngày càng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của công chúng trong những năm gần đây. Hiện nay, cục phòng vệ Nhật Bản đã được nâng cấp lên thành Bộ quốc phòng(tháng 1 năm 2007). Do vậy, trong tương lai khi hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi thì Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được đổi tên thành quân đội Nhật Bản.
    Khi ông Abe lên thay ông Koizumi, với quyết tâm sửa đổi hiến pháp trong vòng 6 năm, ông này đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình sửa đổi hiến pháp. Ông coi việc sửa đổi hiến pháp là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Ông đã trình bày trước quốc hội Nhật Bản kế hoạch để ông có thể nắm giữ một vai trò mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế. Ông Abe cho rằng “hiến pháp của Nhật Bản nên dành cho các nhà lãnh đạo nhiều quyền hạn hơn để giải quyết các thách thức trong vòng 50 đến 100 năm tới”. Mục đích của ông Abe là muốn xây dựng một nước Nhật Bản xinh đẹp và mạnh mẽ hơn và ông cho rằng muốn đổi mới đất nước thì trước hết cần thảo luận sâu sắc hơn về vấn đề sửa đổi bản hiến pháp hiện hành của Nhật Bản. Theo ông Abe thì những vấn đề mà Nhật Bản cần thảo luận sửa đổi là những gì mà Mỹ đã áp đặt lên Nhật Bản khi nước này là nước bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai. Một trong những vấn đề đó là việc ngăn cấm Nhật Bản duy trì quân đội cũng như sử dụng lực lượng quân sự trong bất mục đích nào ngoại trừ nhiệm vụ phòng vệ. Cũng theo Ông Abe thì đã đến lúc cần phải mạnh dạn xét lại nội dung bản hiến pháp để Nhật Bản đóng vai trò quốc tế lớn hơn trong tình hình thế giới hiện nay và người dân Nhật Bản nên viết lại bản hiến pháp của mình cho phù hợp với thế kỷ XXI. Bởi lẽ, hiến pháp hiện nay của Nhật Bản được viết trước khi Nhật trở thành một quốc gia độc lập sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
    Trên cương vị thủ tướng Nhật Bản trong một thời gian ngắn ông Abe đã tích cực thúc đẩy quá trình sửa đổi hiến pháp và kết quả đáng ghi nhận cho nỗ lực này là quốc hội Nhật Bản đã thông qua được Luật trưng cầu dân ý cho việc sửa đổi hiến pháp. Đây là một bước đi có ý nghĩa lịch sử trong quá trình chuẩn bị để tiến tới sửa đổi bản hiến pháp hoà bình của Nhật Bản. Sở dĩ nói là bước đi có ý nghĩa lịch sử là vì trong 61 năm qua, kể từ khi hiến pháp hiện hành của Nhật Bản được ban hành nhưng Nhật Bản vẫn chưa có luật trưng cầu dân ý. Một trong những yêu cầu đặt ra cho việc sửa đổi hiến pháp được quy định trong Điều 96 đó là dự thảo sửa đổi phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua lại không có luật nào liên quan đến trưng cầu dân ý cho những vấn đề sửa đổi hiến pháp được ban hành. Do vậy, việc ban hành luật lần này đã mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp trong tương lai. Bản dự thảo Luật trưng cầu dân ý được Hạ viện thông qua ngày 13/4/2007 sau đó được gửi lên Thượng viện để thông qua. Thượng viện Nhật Bản khi đó với đa số ghế của liên minh cầm quyền đã dễ dàng thông qua dự luật trong một phiên họp toàn thể vào ngày 20/5/2007. Luật này sẽ có hiệu lực sau 3 năm kể từ ngày ban hành, điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 2 năm tới sẽ không có một sự sửa đổi nào của hiến pháp được thông qua. Có chăng chỉ là việc thành lập các uỷ ban thẩm tra dự thảo sửa đổi hiến pháp trong cả hai viện của quốc hội và những bước chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp được tiến hành.
    2. Triển vọng và ảnh hưởng của việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản
    Triển vọng của việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản trong tương lai phụ thuộc vào hai yếu tố trong và ngoài nước. Ngoài nước tuy có gặp một chút phản ứng từ các nước láng giềng châu Á nhưng lại gặp thuận lợi đó là được sự hậu thuẫn từ phía Mỹ. Mỹ rất muốn Nhật Bản sửa đổi hiến pháp để cho phép quân đội Nhật Bản có thể được tự do ra nước ngoài tham gia các hoạt động quân sự, để có thể thực hiện quyền phòng vệ chung, chia sẻ gánh nặng quân sự trong khu vực đồng thời có thể sát cánh bên lực lượng quân sự Mỹ trong các vụ tấn công quân sự mà Mỹ cho là chống khủng bố.
    Việc Mỹ hối thúc phía Nhật Bản gia hạn Luật chống khủng bố đặc biệt để tàu Nhật Bản trong lực lượng phòng vệ trên biển của nước này có thể tiếp tục công việc tiếp nhiên liệu cho các tàu liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Ấn độ dương là bằng chứng cho thấy Mỹ rất muốn Nhật Bản tháo dỡ những rào cản pháp lý để Lực lượng phòng vệ của nước này có thể sát cánh bên cạnh quân đội Mỹ trong các cuộc chiến chống khủng bố. Trái ngược với sự ủng hộ từ phía Mỹ thì Nhật Bản sẽ gặp phải sự phản ứng của các nước láng giềng châu Á. Việc Nhật Bản có ý định sửa đổi hiến pháp đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đã từng bị quân đội Nhật Bản xâm lược trước chiến tranh thế giới thứ hai đó là Hàn Quốc, Trung Quốc….Tại Seoul, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc tỏ ý lo ngại về ý định sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản, một số học giả Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản sửa đổi hiến pháp sẽ cho phép nước này có điều kiện để quay lại thời kỳ chủ nghĩa quân phiệt trước đây. Họ nghi ngờ rằng Nhật Bản viện cớ tham gia vào giữ gìn hoà bình và tham gia vào liên minh Nhật - Mỹ để khôi phục sức mạnh quân sự nhằm quay trở lại thời kỳ quân phiệt trước đây. Việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp tuy là vấn đề nội bộ của nước này nhưng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của sửa đổi hiến pháp đối với hoà bình trong khu vực cũng như quốc tế. Do vậy, Nhật Bản sẽ gặp phải phản ứng không tích cực từ các nước láng giềng châu Á, từ đó sẽ dẫn đến ảnh hưởng về mặt quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực. Có thể thấy rõ điều này qua trường hợp của CHDCND Triều Tiên. Việc nước này thử tên lửa và vũ khí hạt nhân là vấn đề của riêng họ nhưng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận quốc tế, đặc biệt là từ các nước trong khu vực trong đó có Nhật Bản. Do đó, việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp cũng khó tránh khỏi phản ứng từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trở ngại này không phải là không thể vượt qua. Trở ngại lớn nhất đối với việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản hiện nay chính là thái độ của Mỹ đối với vấn đề này. Tuy vậy, như trên đã nói, Mỹ lại rất ủng hộ Nhật Bản sửa đổi hiến pháp.
    Trong nước thì việc sửa đổi hiến pháp phụ thuộc vào việc có đạt được hai điều kiện theo quy định của Điều 96 hay không: Về điều kiện thứ nhất là phải đạt được ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành ở cả hai viện của quốc hội sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử thượng viện và hạ viện trong những năm tới. Trong trường hợp kết quả bầu cử quốc hội nghiêng về đảng Dân chủ Tự do thì việc tiến hành sửa đổi hiến pháp sẽ dễ dàng. Ngược lại, nếu cán cân lực lượng không nghiêng hẳn về một đảng nào ở cả hai viện của quốc hội thì phải có sự đồng thuận trong việc sửa đổi hiến pháp giữa các đảng chiếm đa số trong 2 viện của quốc hội thì mới tiến hành thông qua dự thảo sửa đổi được. Nếu không sẽ không thể thông qua theo quy định của Điều 96. Như vậy ở một khía cạnh nào đó có thể nói rằng các cuộc bầu cử hạ viện và thượng viện trong những năm tới như là một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp.
    Về yêu cầu thứ hai tức là bản dự thảo sửa đổi hiến pháp sau khi được quốc hội thông qua phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Bản dự thảo có vượt qua được cuộc trưng cầu dân ý hay không phụ thuộc vào thái độ của nhân dân Nhật Bản đối với việc sửa đổi hiến pháp vào thời điểm đưa ra trưng cầu dân ý. Điều này có nghĩa rằng thái độ của nhân dân Nhật Bản đối với những vấn đề được đề cập đến trong dự thảo sửa đổi như thế nào sẽ quyết định dự thảo sửa đổi có được thông qua và trở thành hiến pháp mới hay không. Nếu nội dung dự thảo sửa đổi phù hợp với sự quan tâm của đa số dân chúng Nhật Bản thì sẽ dễ dàng được thông qua, ngược lại nếu đề cập đến những vấn đề không hoàn toàn hợp lòng dân sẽ gặp khó khăn trong việc giành được số phiếu cần thiết trong cuộc trưng cầu dân ý*.
    Như vậy, có thể nói rằng việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản phụ thuộc vào cán cân lực lượng của các đảng phái trong quốc hội Nhật Bản sau cuộc bầu cử nghị viện sắp tới (cả bầu thượng viện và hạ viện) và phụ thuộc vào diễn biến tình hình trong khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới. Trong tương lai không xa nhiều khả năng Nhật Bản sẽ sửa đổi được bản hiến pháp của mình sau khi Luật trưng cầu dân ý có hiệu lực. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay, đa số người Nhật Bản ủng hộ việc sửa đổi các điều khoản khác của hiến pháp, chỉ một vấn đề trong hiến pháp mà nếu sửa đổi sẽ gặp phải sự phản ứng không nhỏ của dư luận trong nước đó là sửa đổi Điều 9. Tuy nhiên, nếu như tình hình căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á không được giải quyết ổn thoả và sự phát triển ngày càng mạnh của lực lượng quân sự của CHDCND Triều tiên và Trung Quốc với những khoản đầu tư rất lớn cho ngân sách quốc phòng của những nước này thì sự phản đối sửa đổi Điều 9 của người dân Nhật Bản sẽ giảm đi đáng kể bởi vì khi đó người Nhật Bản cũng muốn nước mình có một lực lượng quân sự đủ mạnh để giữ vững độc lập dân tộc. Trong trường hợp tình hình khu vực Đông Bắc Á diễn biến theo chiều hướng xấu đi thì an ninh của Nhật Bản sẽ không được đảm bảo nếu như Nhật Bản chỉ dựa vào sự bảo trợ của Mỹ mà không hiện đại hoá lực lượng quân sự để tự mình có thể đối phó với những de dọa luôn rình rập hàng ngày từ các phía xung quanh Nhật Bản chứ không chỉ riêng phía CHDCND Triều Tiên. Điều này sẽ tác động đến người dân Nhật Bản bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp trong đó có sửa đổi Điều 9, thậm chí còn tác động đến cả cuộc bầu cử hai viện của quốc hội Nhật Bản vì khi đó người dân Nhật Bản sẽ cân nhắc và quyết định bỏ phiếu cho đảng nào đề ra được chính sách quốc phòng tốt hơn trở thành đảng chiếm đa số ghế ở cả hai viện của quốc hội và trở thành đảng cầm quyền để đảm bảo một tương lai ổn định hơn cho họ trước những đe doạ từ bên ngoài.
    Nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp sẽ tác động như thế nào đối với Nhật Bản và khu vực. Như đã đề cập trong dự thảo sửa đổi trước đây của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền thì việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản liên quan đến nhiều vấn đề, từ vấn đề tôn trọng tự do cá nhân đến vấn đề tôn giáo; tự trị của chính quyền địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; thay đổi điều kiện để sửa đổi hiến pháp dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thậm chí đã có những đề xuất cho việc sửa đổi những quy định về địa vị của Thiên hoàng, trao cho Thiên hoàng Nhật Bản quyền lực thực sự chứ không phải chỉ là tượng trưng như hiện nay. Nếu như tất cả những vấn đề như đã nêu trên được sửa đổi thì rõ ràng là tác động đến đời sống trong nước của Nhật Bản và góp phần giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra của Nhật Bản trong thời gian qua. Chẳng hạn như vấn đề tôn giáo, với nguyên tắc chính giáo phân ly(tách rời giữa tôn giáo và nhà nước) mà các cơ quan nhà nước hoặc các quan chức chính phủ nếu dính líu đến các hoạt động tôn giáo sẽ bị phản đối, thậm chí bị kiện ra toà do vi phạm hiến pháp. Điển hình là việc thăm đền Yasukuni của các chính khách thì không những bị dư luận ngoài nước phản đối mà ngay cả những người trong nước cũng lên tiếng phản đối vì họ cho rằng đã vi phạm hiến pháp. Nay, nếu Điều 20 và Điều 89 trong hiến pháp liên quan đến tôn giáo được sửa đổi theo hướng cho phép những hoạt động trong phạm vi nghi lễ được chấp nhận thì sẽ giải quyết được vấn đề gây tranh cãi trong nước cũng như ngoài nước liên quan đến hoạt động tôn giáo của các chính khách. Một điều nữa có thể nhận thấy sự tác động rõ rệt đối với Nhật Bản khi nước này sửa đổi Điều 9 hiến pháp. Nếu sửa đổi thì Nhật Bản có căn cứ pháp lý để phát triển quân đội, trước hết là tự bảo vệ mình sau nữa là nâng vị thế của Nhật trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để đổi lại việc có một lực lượng quân sự hùng mạnh để đưa Nhật Bản có đủ khả năng đối trọng với các nước lớn là việc Nhật Bản không thể tập trung hoàn toàn cho việc phát triển kinh tế và sẽ phải đầu tư cho ngân sách quốc phòng lớn hơn hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc kinh phí cho các hoạt động khác sẽ bị cắt giảm dẫn tới chất lượng cuộc sống có thể sẽ giảm sút so với hiện nay nếu như Nhật Bản đầu tư quá mạnh cho phát triển quân sự nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đối với khu vực và thế giới, nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp để mở đường cho tái vũ trang sẽ kéo theo sự phát triển quân sự  của các nước láng giềng châu Á. Với khả năng và tiềm lực kinh tế của Nhật Bản và những nước trong khu vực châu Á, việc Nhật Bản phát triển quân sự vô hình trung tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí trong khu vực. Chỉ Mỹ là được lợi trong hoàn cảnh này, bởi vì nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp cho phép lực lượng quân sự của Nhật tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài thì đương nhiên sẽ thực hiện được quyền phòng vệ chung với Mỹ, chia sẽ gánh nặng chiến tranh với Mỹ. Mối quan hệ đồng minh Nhật- Mỹ sẽ được thắt chặt hơn, thêm vào đó, Mỹ sẽ yên tâm không phải đầu tư nhiều quân vào vùng châu Á để đối phó với các nước trong khu vực như Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên vì đã có lá chắn Nhật Bản.
    Như vậy có thể nói rằng Nhật Bản đang từng bước tiến tới việc sửa đổi hiến pháp của mình để phù hợp hơn với hoàn cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế mới. Với diễn biến trong khu vực và thế giới như phân tích ở trên thì trong tương lai không xa, Nhật Bản sẽ sửa đổi hiến pháp của mình nhằm cho phép nước này có thể phát triển quân sự để thực hiện nhiệm vụ và các tham vọng khác của nước này khi tình hình trong nước cũng như khu vực đang thay đổi. Một quốc gia có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển như Nhật Bản lại đầu tư cho phát triển quân sự thì sẽ gây sự chú ý không chỉ cho các nước trong khu vực mà cho cả cộng đồng quốc tế .Việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản, đặc biệt là sửa đổi Điều 9 không chỉ là vấn đề riêng của nước này mà còn là vấn đề có tính thời sự của cả khu vực và thế giới bởi vì nó không chỉ tác động đến Nhật Bản mà còn tác động mạnh đến khu vực và thế giới.
    TÀI LIỆUTHAM KHẢO
    1. http://www.drc-jpn.org
    2. http://japanfocus.org.
    3. http://www.froginawell.net.
    4. http://www.existenz.co.jp
    5. http://www.jca.apc.org
    6. http://www.vnexpress.net.
    7. http://www.servat.unibi.ch
    8. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946
    9. Hiến pháp Minh Trị năm 1889.


    * Theo những điều tra của những năm trước đây thì tuy có nhiều người ủng hộ sửa đổi hiến pháp nhưng số nguời phản đối việc sửa đổi cũng không ít. Đặc biệt là việc sửa đổi Điều 9 thì có rất nhiều người phản đối vì người Nhật Bản vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng của hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai do vậy việc sửa đổi Điều 9 cho phép Nhật Bản phát triển quân đội và triển khai quân đội ra nước ngoài sẽ gặp phải trở ngại lớn khi đưa ra trưng cầu dân ý

    Nguồn:http://www.inas.gov.vn/474-sua-doi-hien-phap-nhat-ban-va-nhung-anh-huong-cua-no.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org