Giáo dục Đài loan: cải cách và thành tựu

Posted on
  • Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Cung Hữu Khánh
    Bước sang thế kỷ XXI, với xu hướng toàn cầu hoá và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, để đáp ứng nhu cầu xây dựng một nền kinh tế tri thức, giáo dục Đài Loan cũng đang tìm những hướng cải cách mới nhằm nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí của mình trong khu vực.
    Trước đây, Đài Loan phải dựa vào kỹ thuật nước ngoài để nâng cao sức sản xuất của mình. Thiết kế sản phẩm cũng do nước ngoài cung ứng, Đài Loan không có nguồn phát minh và sáng kiến nâng cao sức sản xuất. Nhưng từ cuối thế kỷ XX, nền công nghiệp Đài Loan đã chuyển hướng sang kỹ thuật cao. Vì vậy, chính phủ đã ra sức cổ vũ cho việc tăng cường thiết bị trường học và cải tiến tư liệu dạy học để phát triển mô thức giáo dục mở rộng, bồi dưỡng năng lực phát minh cải tiến, suy nghĩ độc lập của học sinh để có thể ứng phó với nhu cầu phát triển của công nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
    Trong mấy chục năm qua, giáo dục Đài Loan không ngừng phát triển, số lượng người có trình độ trung học, cao đẳng, đại học đã được nhân lên hàng chục lần.
    Từ cơ sở này, Bộ Giáo dục và Uỷ ban Kế hoạch Giáo dục Đài Loan hiện nay đang nỗ lực để tiến hành nghiên cứu, cải cách các trường đại học, giúp chúng đóng vai trò quan trọng hơn và đảm bảo khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế trong kỷ nguyên mới.
    1. Những cải cách hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức
    Trong mấy chục năm qua, Đài Loan đã có những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục quốc dân trên tất cả mọi cấp độ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục cao cấp (đại học và sau đại học). Điều này đã đóng góp rất lớn cho việc đào tạo một đội ngũ nhân lực chất lượng cao là cơ sở quan trọng cho sự thành công của nền kinh tế.
    Nhằm chuẩn bị cho bước tiến mới khi bước sang thế kỷ XXI, Đài Loan cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác đang phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt ở giáo dục đại học và sau đại học. Ngay từ những năm cuối thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ Giáo dục Đài Loan đã sớm đề ra mục tiêu chiến lược. Đó là việc phải cải cách, nâng tầm các trường đại học và viện nghiên cứu đạt tới tầm cỡ thế giới.
    Xuất phát từ thực tế số lượng các trường đại học tăng lên, số vốn đầu tư cho giáo dục sau đại học ít hơn, các cố vấn của Viện Nghiên cứu Chính phủ từ năm 2002 đã thiết lập một Uỷ ban Liên bộ để xây dựng kế hoạch tổng thể cho giáo dục đại học và sau đại học của Đài Loan. Uỷ ban gồm 9 thành viên, vào đầu năm 2002, đã đệ trình báo cáo về giáo dục đại học và sau đại học. Bản báo cáo này đã được thông qua và đang được thực hiện. Nội dung chính của Báo cáo đã đưa ra các nhận định và gợi ý quan trọng, bao gồm những vấn đề chính sau:
    a) Việc phân loại các trường đại học
    Sau khi điều tra về đầu tư của Chính phủ cho các trường đại học và cho mỗi đầu sinh viên ở các trường đại học hàng đầu tại Châu Á như Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Hồng Kông, Đại học Quốc gia Xingapo, các chuyên viên đã nhận thấy chi phí của Đài Loan là thấp nhất. Việc cắt giảm đầu tư của Chính phủ ngày càng làm cho yêu cầu về bình đẳng giữa các trường đại học trở lên cấp thiết. Họ mong muốn được chia sẻ các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục của Chính phủ được công bằng và đồng đều hơn. Trong số các trường đại học công lập, phần lớn các trợ giúp của chính phủ là phân bổ theo đầu người. Việc tăng hàng năm vốn cho giáo dục đại học và sau đại học vẫn bị hạn chế và có những chệch hướng do số lượng sinh viên không ngừng tăng lên. Do vậy, Uỷ ban đã gợi ý phân cấp các trường đại học theo 4 mục khác nhau, tuỳ thuộc chức năng của chúng, vốn dành cho các đại học tại mỗi cấp này là khác nhau và dựa trên những yêu cầu thực tiễn.
    - Các trường đại học nghiên cứu
    Áp dụng với một số lượng nhỏ các trường đại học chịu trách nhiệm nghiên cứu. Các thiết bị tân tiến được cấp cho các trường này, giúp các nhà nghiên cứu hàng đầu tạo ra những kiến thức mới, tri thức mới, phát minh ra các công nghệ mới và đào tạo ra những sinh viên, những người sẽ là nhà lãnh đạo tương lai trong trong chuyên ngành họ lựa chọn. Chính quyền Đài Loan rất hy vọng những trường đại học nghiên cứu của họ đạt vị thế quốc tế. Những trường đại học như vậy sẽ rất đắt nên số lượng những trường đại học này sẽ không lớn. Số vốn giành cho các đại học này cùng với sự trợ giúp của các học giả nước ngoài sẽ giúp cho việc lựa chọn ra những trường xứng đáng dựa trên tập hợp đánh giá và chỉ tiêu lựa chọn.
    - Các trường đại học thực nghiệm
    Một số trường đại học chủ chốt của Đài Loan được phân vào cấp này có nhiệm vụ chủ yếu là dạy cho sinh viên những kiến thức hiện đại nhất trong lĩnh vực kiến thức họ lựa chọn và cung cấp những khoá học cơ sở cho các sinh viên đó. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể suy nghĩ độc lập, tự học những kỹ thuật mới để trở thành những công dân tốt, những nhà lãnh đạo cao cấp, bác sĩ, chính trị gia, kỹ sư, các nhân viên ngân hàng, các nhà doanh nghiệp… trong tương lai. Các giáo sư ở các trường này cũng phải thực hiện các nghiên cứu để bản thân mình luôn đứng ở vị trí hàng đầu.
    - Các trường đại học dành cho những mục đích đặc biệt
    Áp dụng với các trường dạy nghề như kỹ thuật viên, y tá và các giáo viên tiểu học đã có những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục Đài Loan trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Chính quyền Đài Loan đã chỉ đạo nâng một số các trường dạy nghề này thành trường cao đẳng hệ 4 năm và các trường đại học bách khoa. Thêm vào đó, có một số ít trường y khoa và các trường đại học nghệ thuật…là cấp thứ ba của các đại học Đài Loan, chúng chiếm một số lượng lớn và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học
    - Đại học cộng đồng
    Đó là những trường cao đẳng hệ 2 năm ở địa phương thay thế cho những trường dạy nghề cũ được thành lập trước đây. Các chỉ tiêu đánh giá cũng được thiết lập cho những trường này. Hơn nữa, để trợ giúp vốn cho các đại học nghiên cứu, chính quyền cung cấp thêm tài chính cho các trường dựa theo nhu cầu thực tế của họ.
    Để thực thi kế hoạch, Uỷ ban đã đề nghị  tăng ngân sách cho giáo dục đại học và sau đại học thêm 5 tỉ USD một năm trong vòng 10 năm kể từ 2002
    b) Những cải cách luật pháp
    Việc cung cấp đủ vốn chỉ là điều kiện cần để các trường đại học Đài Loan trở lên hoàn thiện. Tuy nhiên chính các điều luật chi phối về nhân sự và kế toán làm trì trệ sự phát triển của giáo dục bậc cao. Vì vậy Uỷ ban cũng đã đề nghị cần phải xem xét lại và thay thế các điều luật mới, uyển chuyển hơn, nhằm nâng cao chất lượng học thuật trong các trường đại học.
    - Đại tu hệ thống giáo dục học thuật
    Để có sự thay đổi trong chế độ đãi ngộ với các giáo sư trong cùng một bậc, Uỷ ban này đề nghị thiết lập các mức phân chia cho các giáo sư ở tất cả mọi cấp bậc. Như vậy, sẽ có cạnh tranh để đoạt được những giải thưởng và cấp bậc nghiên cứu tại Uỷ ban Khoa học Quốc gia và điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của những giải thưởng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học ở Đài Loan.
    - Xem xét sự khác biệt giữa các điều luật của các trường Đại học Quốc gia và các luật lệ chung
    Trong lịch sử, các trường đại học quốc gia  thường nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và một phần của chính phủ. Mặc dù trong những năm gần đây, các trường đại học đã được phép tự chủ về tài chính bằng cách thiết lập các quỹ riêng. Tuy nhiên, hệ thống nhân sự tại các trường vẫn còn liên quan chặt chẽ với với chính quyền trung ương về kế hoạch lương và các phúc lợi hưu trí. Do đó các trường đại học phục thuộc vào Bộ Giáo dục thông qua các đơn đặt hàng về thuê khoán nhân sự. Uỷ ban cũng cho rằng nên nhanh chóng xoá bỏ luật này.
    c) Tăng cường mối quan hệ giữa các trường đại học và ngành công nghiệp
    Tại Đài Loan, phần lớn các tài năng có thể giúp cho nghiên cứu công nghệ cao và phát triển sản xuất, sống và làm việc trong các trường đại học. Tuy nhiên, cho tới nay, các ngành công nghiệp chưa quan tâm một cách nghiêm túc vào việc nuôi dưỡng những tài năng này. Nhiều công ty có được sự giúp đỡ của các giáo sư về những vấn đề cụ thể, nhưng chỉ đơn thuần là dưới dạng tư vấn cá nhân để tìm ra giải pháp cho những vấn đề liên quan tới quá trình sản xuất hoặc để có được thông tin về công nghệ mới. Một số công ty liên kết với các giáo sư đại học bằng các hợp đồng nghiên cứu tiến hành cho những dự án xác định nào đó. Các hợp đồng này thường là ngắn hạn. Hầu hết các công ty ở Đài Loan không có các xuất học bổng dành cho sinh viên đại học hoặc các chương trình đồng phối hợp. Uỷ ban Khoa học Quốc gia trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này đã khởi động một chương trình hợp tác đặc biệt, ở đó các công ty tham gia có thể tạo nên mối quan hệ thân thiện với các giáo sư của trường đại học để trao đổi về những nghiên cứu cụ thể. Uỷ ban Khoa học Đài Loan sẽ cung cấp tới  75%  vốn cho các dự án này. Tuy nhiên,  trách nhiệm khởi tạo xuất phát từ cả hai phía công ty và các nhà khoa học. Ở Đài Loan, việc nghiên cứu và phát triển thường được tiến hành tại các trường đại học, do đó trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, các ngành công nghiệp Đài Loan không chỉ nỗ lực mà còn phải cộng tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan khoa học.
    - Mục đích sửa đổi luật
    Thứ nhất, việc cải tổ xuất phát từ sự thiếu thành công của các luật trước đây, nhất là vấn đề khích lệ vật chất cho người lao động. Hệ thống giải thưởng đang tồn tại không cổ vũ các nhà khoa học ở các khoa trong các trường đại học làm việc với ngành công nghiệp, trừ phi các kết quả hợp tác được xuất bản và đánh giá cao.
    Thứ hai, luật lệ của một số lớn các trường đại học lại giới hạn thuê mướn các giáo sư đã từng làm việc trong những ngành công nghiệp mặc dù họ có kinh nghiệm thực tiễn giúp cho sinh viên có những kiến thức tốt hơn. Uỷ ban Khoa học cho rằng luật lệ của các trường đại học cũng như của Chính phủ, có liên quan tới việc hợp tác giữa hai bên phải được nới rộng và có khuôn khổ giúp cho việc chuyển giao kỹ nghệ thành công. Việc tư vấn của các giáo sư có thể giúp cho họ tăng lợi nhuận cá nhân cũng như cấp bậc và danh dự.
    Các trường đại học thúc đẩy thiết lập các chương trình có sự tham gia của các cá nhân thuộc các ngành công nghiệp. Các công ty cũng được yêu cầu cung cấp học bổng cho các sinh viên và bắt đầu các chương trình phối hợp mà trong đó các sinh viên có thể học 1 năm, hoặc làm trong các công ty trong thời gian đang theo học tại trường. Các trường đại học cũng nên cho phép sinh viên tham dự vào các chương trình phối hợp này.
    - Về chuyển giao công nghệ và vấn đề sở hữu trí tuệ
    Một lý do làm cho mối quan hệ giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp ở Đài Loan không chặt chẽ là do sự thiếu kinh nghiệm trong việc thực thi chính sách sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ từ hai phía. Gần đây, Uỷ ban Khoa học Đài Loan đã phát hành một hướng dẫn về quyền sở hữu trí tuệ từ các kết quả nghiên cứu được các giáo sư và sinh viên đại học tiến hành dưới sự trợ giúp của uỷ ban này. Cũng  như vậy, bộ phận hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Kinh tế Đối ngoại đã cung cấp vốn cho một số trường đại học nhằm thiết lập các trung tâm nuôi dưỡng tài năng. Các trung tâm này được thiểt lập nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở phù hợp với nguồn  nghiên cứu và phát triển của các trường đại học, và từ đó khởi tạo những công ty mới dựa trên các công nghệ mới.
    Việc thiết lập các công ty có lợi nhuận phụ trội do các giáo sư hoặc các đại học quốc gia tiến hành trong đó sử dụng nguồn vốn từ chính những trường đại học này có thể được các bên tham gia nghiêm túc bàn tới hơn để tìm ra giải pháp hợp lý. Hơn nữa, những giáo sư của trường đại học được động viên khi họ tiến hành các nghiên cứu nhằm mục đích giúp cho các ngành công nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật cơ bản trong việc phát triển các sản phẩm mới. Các chương trình nghiên cứu có định hướng như trên là rất mới với các giáo sư, chúng yêu cầu các quy định và thời hạn khắt khe hơn. Hiện nay, Bộ Kinh tế Đài Loan đã thiết lập một chương trình mới nhằm đánh giá những thành tựu của các trung tâm nghiên cứu thuộc đại học và phát triển những nghiên cứu như vậy trong ngành học thuật.
    Những hoạt động nhằm cải tổ đã giúp cho các trường đại học có vai trò quan trọng hơn và giúp cho Đài Loan có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức ở kỷ nguyên mới. Các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng thực thi những chính sách toàn diện hơn, họ hy vọng trong những năm sắp tới có thể thiết lập được một trường đại học mang tầm cỡ thế giới ở Đài Loan. Đây cũng là một trọng trách nặng nề của ngành giáo dục hiện đại.
    2. Công nghệ thông tin đưa giáo dục từ xa vào cuộc sống
    Tăng trưởng và tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ phát đang làm cho cuộc sống của con người ngày càng trở lên thuận lợi, trong đó có thể kể đến giáo dục. Hệ thống thông tin điện tử đang ngày càng trở lên nhanh và tin cậy hơn, mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục từ xa. Điều này có thể thấy rõ ở Đài Loan, một hòn đảo có mức sử dụng Internet tương đối cao.
    Như đã biết, thành công của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất thiết bị truyền thông đã được thừa nhận. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi công nghệ thông tin được áp dụng vào nhiều lĩnh vực ứng dụng, thí dụ như giáo dục từ xa có sự hỗ trợ của máy tính. Năm 1994, Bộ Giáo dục (MOE) cùng với một vài trường đại học đã tiến hành một chương trình thí điểm gồm những khoá học trên Internet. Hiện nay, sau hơn 10 năm, dự án này đã được mở rộng với quy mô lớn và những nhà quản trị đang bắt đầu hướng sự chú ý tới việc giáo dục từ xa sẽ có vị trí như thế nào trong tương lai.
    Những trường đại học đầu tiên của Đài Loan đưa ra các khoá học trên trang web là trường Đại học Quốc gia Cheng Chi, trường Đại học Quốc gia Chung Cheng, trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU). Diễn đàn giáo dục Ceiba của các trường này đã đưa ra 1.200 chương trình học trực tuyến từ năm 1997. Chính quyền Đài Loan đã tài trợ cho chương trình này hơn 2.500 USD trang bị cho mỗi một chương trình tham gia  những thiết bị kỹ thuật số cần thiết để đưa  ra các khoá học trực tuyến. Các đơn vị kiểm soát đa điểm, các camera kỹ thuật số, các máy chủ có màn hình video và tất nhiên các máy tính cá nhân là những thiết bị internet cần thiết  để hỗ trợ một hệ thống thu, phát, nghe, nhìn trực tuyến. Để biến giáo dục trực tuyến thành một phương pháp có thể thay thế một cách hữu ích cho việc học tại lớp, Bộ Giáo dục đã phát động Chương trình Phát triển  Giáo  dục từ xa kéo dài 4 năm, bắt đầu từ năm 1998.
    Hiện tại, tỷ lệ sử dụng Internet cao ở Đài Loan cho phép các sinh viên đại học tham gia vào giáo dục từ xa có sự linh hoạt cao. Khi cảm thấy bị gò bó bởi chương trình đã định trên truyền hình, họ có thể truy cập Internet một cách rộng rãi, học tại chính nơi ở của mình và sử dụng bất kỳ một thiết bị học kỹ thuật số, các tài liệu hướng dẫn và các hoạt động nghiên cứu nào mà họ được phép sử dụng.
    Theo trung tâm máy tính, tính đến năm 2003, hơn  65  trường  cao đẳng và đại học trên hòn đảo đã vận hành những website  giáo dục được liên kết với xấp xỉ 500 chương trình có cấp chứng chỉ trong một năm. Con số này không bao gồm một số lượng đáng kể những khoá học trực tuyến không cấp chứng chỉ do các trung tâm giáo dục trực thuộc các trường đại học hoặc các cơ quan đào tạo tập thể.
    Tiêu chuẩn Gigabit Ethemet gần đây đã được áp dụng vào các trường đại học của Đài Loan với vai trò là xương sống của các mạng máy chủ. Điều này đã góp phần làm cho môi trường mạng của họ tiến bộ lên rất nhiều và khuyến khích sự phát triển của giáo dục từ xa. Những hệ thống truyền tải tiên tiến được phổ biến rộng rãi trong các trường đại học, chúng có chức năng T3 hoặc tốc độ chuyển tải cao đang sử dụng chế độ truyền đồng bộ 1 cho các mạng dây dẫn hoặc không dây, cho phép các trường học kết nối liên tục với mạng Academic  Đài Loan (TANet).
    Kết nối với hơn 50 hệ thống mạng thông tin địa phương và thành phố, TANet là một trung tâm thông tin nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu của Đài Loan, nó liên kết tất cả các viện giáo dục trên khắp Đài Loan. Năm 2003, Bộ Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty Sisco Systerm để nâng cấp TANet thành mạng giáo dục lớn nhất ở Châu Á.
    Mặc dù tốc độ và hiệu quả của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp cho phương pháp giáo dục điện tử trở lên rất khả thi ở hòn đảo này, nhưng sinh viên Đài Loan không thể được cấp bằng hoàn toàn chỉ thông qua trên mạng. Điều luật được thông qua năm 2001 quy định rằng không quá một phần ba của một chương trình cấp bằng  nào có thể được hoàn thành chỉ thông qua phương tiện điện tử. Tuy  nhiên, hiện nay, các chuyên gia của MOE đang tìm cách bổ sung những hạn chế này. Ngày càng có nhiều diễn đàn giáo dục trực tuyến ở Đài Loan áp dụng những tiêu chuẩn toàn cầu cho các chương trình và các phương pháp giảng dạy trực tuyến. Đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế như vậy là rất cần thiết.
    Hệ thống mà các kỹ sư quản trị các chương trình cũng như giáo viên đang sử dụng hy vọng có được sự chỉ đạo từ các cấp cao hơn để hình thành công nghệ và luật lệ về giáo dục trực tuyến, đặc biệt là về quản lý khoá học và thiết kế chương trình giảng dạy. Có những bài học quan trọng có thể học hỏi được từ các trường nước ngoài về việc đánh giá các website. Lee Shih Chung, Giám đốc của Khoa công nghệ Trường Đại học Tamkang cho rằng mỗi một trường nên có một trung tâm giáo dục kỹ thuật số của riêng mình. Điều này sẽ chứng tỏ quyết tâm của trường đó đối với phương pháp giáo dục trực tuyến. Ông còn cho rằng MOE phải mở rộng trọng tâm và cung cấp hỗ trợ cho tất cả các cơ quan có liên quan chứ không chỉ một nhóm các trường tham gia vào dự án thí điểm 10 năm trước đây.
    Bộ Giáo dục đã xác định 4 phạm trù nghề nghiệp đang ở trạng thái thiếu cung. Đó là "các nhà quản trị mạng", "các nhà dự án điện tử", "các nhà thiết kế giảng dạy điện tử", và "các thầy cô giáo và trợ giảng điện tử". Để nâng cao vị trí của họ, Bộ đã tài trợ những khoá hội thảo và các hình thức đào tạo khác cho những giáo viên có quan tâm đến vấn đề này. Một số trường đại học công của Đài Loan, bao gồm trường đại học Quốc gia Chiaotung đã bắt đầu đưa ra các chương trình đào tạo về lĩnh vực giáo dục kết hợp với công nghệ để đáp ứng cho nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn này. Bộ Giáo dục hiện đang điều hành một mạng giáo dục trực tuyến cho các sinh viên dự bị đại học. 6 website giáo dục phục vụ cho 9.406 trường học của Đài Loan, từ bậc tiểu học tới trung học, đã cung cấp những nguồn giáo dục ở rất nhiều môn học ví dụ như lịch sử, khoa học, y học và nghệ thuật… Sinh viên ở trên khắp Đài Loan có thể truy cập vào những  nguồn kiến thức này thông qua 12 giao điểm địa phương và các trung tâm giáo dục. Tất cả các học sinh ở những trường này đều được phép sử dụng máy tính cá nhân kết nối với mạng kể trên thông qua các đường truyền thuê bao kỹ thuật số tốc độ cao hoặc trong nhiều trường hợp, các mạng băng rộng tốc độ cao được các trường cung cấp.
    Năm 2003, Đài Loan đã phát động Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia về giáo dục điện tử với vai trò là một phần của Kế hoạch Phát triển năm 2008. Chương trình này tận dụng được sự tiến bộ nhanh chóng của Đài Loan trong lĩnh vực IT (kỹ thuật mạng), cũng như các chính sách tự do về giáo dục từ xa. Cho đến năm 2007, khoản ngân sách 230 triệu USD đã được cấp để xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục điện tử.
    Đặt tên cho kế hoạch là "Giáo dục điện tử cho mọi người", các nhà giáo dục điện tử  và các nhà hoạch định chính sách mong muốn tạo ra một môi trường kỹ thuật số mà mọi người có thể truy cập ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Nhằm vào tỷ lệ sử dụng internet cao để cho thông tin đến càng nhiều người càng tốt, thu hẹp sự cách biệt kỹ thuật số ở Đài Loan là một kế hoạch khả thi. Hy vọng kế hoạch này sẽ thúc đẩy sáng tạo trong công nghệ giáo dục điện tử, bao gồm cải thiện công nghệ các diễn đàn hoạt động trên mạng điện tử, các thiết bị giáo dục được tính năng hoá. Ngoài ra, cũng có những kỹ thuật sử dụng công nghệ giúp cho các cơ quan nghiên cứu tư nhân của Đài Loan thành dễ dàng chia sẻ các nguồn lực của mình. Có như vậy, Đài Loan mới có thể trở thành một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quan trọng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1- Thời đại Châu Á trỗi dậy, Jim Pohwer, Nxb Thống Kê. H-1997.
    2- Vận mệnh Châu Á-Thái Bình Dương, Nội cảnh Châu Á ngày nay, Robert Elegant, Nxb Chính trị Quốc gia, H-1994
    3- Vài suy ngẫm về thế giới trong thế kỷ XX và XX, Hồ Vũ, Nxb chính trị Quốc gia, H-2000.
    4- Bốn mươi năm kinh nghiệm Đài Loan, Cao Hy Quân, Lý Thành (chủ biên), Nxb CTQG, H-1992.
    5- Kỳ tích kinh tế Đài Loan, Nguyễn Huy Quý, Nxb Chính trị Quốc gia, H - 2000.
    6- Taiwan Yearbook 2004, 2005 Education/htm Httm//ecomerce/taipeitimes.com/ yearbook2004.
    7- Education in the Republic of Taiwan Taiwan' Educational development and Presen situation, http//www,bookrags.com.
    8- Ministry of Republic of China. Education systerm-Curent School systerm Wekipedia taiwan.com.
    9- CIA,The World factbook-Taiwan. Education in Taiwan the Republic of China Copyrigh @ 2006 Ministry of Education ,the Republic of China. Tell 886-2-2356-6051.
    10- Compulsory Education. http//Taiwan Education.com.
    11- Education Statiscal Idicators. Education systerm,situation,development…Taiwan Education.co
    12- Taiwan Educational systerm-,overview Education encyclopedia  StateUnivercity.com.
    13- Taiwan Education, Special Education.com

    Nguồn: http://www.inas.gov.vn/544-giao-duc-dai-loanh-cai-cach-va-thanh-tuu.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org