Nho Giáo: Một hệ tư tưởng nguy hiểm (2/2)

Posted on
  • Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Hà Huy Toàn
    Khổng Tử đã dạy rằng: vua chúa phải yêu thương dân chúng cũng như dân chúng phải yêu thương vua chúa. Nhưng nếu vua chúa không yêu thương dân chúng thì dân chúng phải làm sao? Tiếc thay! Khổng Tử đã không trả lời câu hỏi đó. Mạnh Tử cũng dạy rằng: dân quý mà vua khinh. Nhưng nếu vua bảo rằng: vua quý mà dân khinh, thì dân chúng phải làm sao? Tiếc thay! Mạnh Tử cũng đã không trả lời câu hỏi đó. Đó chính là tử huyệt cho Nho giáo. Trong khảo luận triết học về “Đạo đức và Luân lý Đông Tây” được xướng ngôn tại Sài gòn vào ngày 19 Tháng Một 1925 [14], Chí sỹ Phan Châu Trinh đã chỉ rakhuyết tật chết người trong Nho giáo.
    Nho giáo chủ trương xây dựng một xã hội ổn định bằng Tam Cương, tức là lấy ổn định xã hội làm mục đích đồng thời lấy Tam Cương làm phương tiện để thực hiện hoặc theo đuổi mục đích. Nhưng vì không lường được bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc khiến Tam Cương chỉ gây nên sự hỗn độn cho xã hội, tức là phương tiện mâu thuẫn với mục đích, nên Nho giáo không những không đạt được hoặc không thực hiện được mục đích mà còn tạo ra hệ quả trái ngược với mục đích để bị vong thân, tức là mâu thuẫn giữa mục đích với phương tiện làm cho Nho giáo trở thành một hệ tư tưởng vong thân. Vậy theo quá trình vận hành bằng Tam Cương, Nho giáo chỉ tạo ra kết quả thực tế trái ngược hoàn toàn với mục đích lý tưởng; thay cho việc đưa xã hội vào trật tự ổn định, Nho giáo lại chỉ đẩy xã hội vào tình trạng rối ren mà thôi. Muốn duy trì sự ổn định nhất thời cho xã hội, Tam Cương đòi hỏi phải được bảo đảm thực hành bằng bạo lực làm cho Nho giáo có tính chất hung bạo được ngụy trang tinh vi bởi cái vẻ bề ngoài hết sức tao nhã y như quả đấm thép bọc nhung! Tiên Lễ – Hậu Binh, tức là trước mặt uốn lưỡi giảo hoạt nhưng sau lưng lại thủ sẵn nắm đấm làm cho Nho sỹ rất dễ trở mặt mỗi khi bất mãn.
    Việc sinh đẻ vốn dĩ chỉ có tác dụng bảo tồn làm cho nhân loại tự bảo tồn mình, theo đó cha mẹ sinh ra con cái chẳng qua chỉ nhằm bảo tồn mình mà thôi, chứ không hề có bất cứ công lao gì về đạo đức. Nhưng Nho giáo đã gán ghép khiên cưỡng một công lao to lớn nhất cho việc sinh đẻ làm cho việc sinh đẻ miễn cưỡng phải trở thành công lao sinh thành để bắt buộc con cái phải phục tùng cha mẹ bằng cái được gọi là Hiếu, rồi mở rộng Hiếu để bắt buộc tôi tớ phải phục tùng vua chúa bằng cái được gọi làTrung, Trung cũng như Hiếu lại đòi hỏi vợ phải phục tùng chồng bằng cái được gọi là Nghĩa để tất cả tôi tớ đều phải phục tùng vua chúa. Tôi tớ phục tùng vua chúa dựa vào Ba nền tảng căn bản: con cái phụ thuộc vào cha mẹtôi tớ phụ thuộc vào vua chúa, và vợ phụ thuộc vào chồng, cấu thành logic nội tại choTam Cương. Tam Cương tồn tại bằng chính công lao sinh thành vốn chỉ có giá trị ngoại lai được gán ghép khiên cưỡng cho việc sinh đẻ làm cho việc sinh đẻ có một ý nghĩa mơ hồ (đầy tư biện hoặc không thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm). Ý nghĩa đó làm cho Nho giáo có một niềm tin mù quáng cho rằng: nếu có thể sinh đẻ được thì sẽ có Hiếu (công lao to lớn!?) nhưng nếu không thể sinh đẻ được (tuyệt tự) thì sẽ không có Hiếu (bất hiếu, tội lỗi tày trời!?). Niềm tin này có thể mang lại lợi lộc cho người nào có thể sinh đẻ được nhưng chắc chắn sẽ mang lại tai hoạ cho người nào không thể sinh đẻ được; hơn nữa, vì Nho giáo đòi hỏi vợ phải phụ thuộc vào chồng dẫn đến trọng nam – khinh nữ nên niềm tin này có thể mang lại lợi lộc cho người nào sinh đẻ được nam nhi nhưng lại có thể mang lại thua thiệt cho người nào chỉ sinh đẻ được nữ nhi thôi. Vậy rất rõ ràng, cái công lao sinh thành vốn dĩ chỉ có giá trị ngoại lai được gán ghép khiên cưỡng cho việc sinh đẻ đã mang lại tác dụng tai ác nhất cho Nho giáo. Vì cấu thành cơ sở nội tại cho Tam Cương nên cái công lao đó mà bị làm cho tiêu tan bởi nhận thức đúng đắn sẽ làm cho Tam Cương bị mất cương (hết thiêng!).
    Muốn bảo tồn được mình, cha mẹ còn phải khai minh cho con cái chứ không được áp đặt cho con cái, tức là phải giáo dục con cái bằng kiến thức đúng đắn chứ không được giáo dục con cái bằng kiến thức sai lầm, làm cho giáo dục chỉ nhằm khai minh chứ không phải nhằm áp đặt. Nhưng Nho giáo lại làm cho giáo dục không phải nhằm khai minh mà chỉ nhằm áp đặt, theo đó: “cha mẹ đặt đâucon cái phải ngồi đấy”, để rồi dẫn đến: “quân xử thần tửthần bất tử bất trungphụ xử tử vongtử bất vong bất hiếuphu xướng phụ tùyphụ bất tuỳ bất nghĩa”, tức là nếu vua chúa bắt buộc tôi tớ chết thì tôi tớ phải chết, nếu tôi tớ không chết thì chứng tỏ tôi tớ không trung thành (Bất Trung) với vua chúa; nếu cha bắt buộc con chết (đòi lại công lao sinh thành!?) thì con phải chết, nếu con không chết thì chứng tỏ con không có hiếu (Bất Hiếu) với cha; nếu chồng bắt buộc vợ theo thì vợ phải theo, nếu vợ không theo thì chứng tỏ vợ không có nghĩa (Bất Nghĩa) với chồng. Đối với Nho giáo, nghĩa vụ chỉ có một chiều bắt buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ với người kia mà không bắt buộc người kia phải thực hiện nghĩa vụ với người này, tức là Nho giáo hoàn toàn không có ý niệm gì về nghĩa vụ với nhau (nghĩa vụ thống nhất với quyền lợi) hoặc không hề đòi hỏi người ta phải thực hiện nghĩa vụ với nhau (nghĩa vụ song hành với quyền lợi) làm cho giáo dục chỉ nhằm áp đặt mà không phải nhằm khai minh. Chính vì chỉ nhằm áp đặt cho con cái phải phục tùng cha mẹ, vợ phải phục tùng chồng, tôi tớ phải phục tùng vua chúa, nên giáo dục bằng Nho giáo chỉ củng cố Tam Cương để đẩy đưa người ta đến sự vong thân mà thôi. Vậy Nho giáo không thể bảo tồn nhân loại mà chỉ có thể huỷ diệt nhân loại hoặc ít nhất cũng chỉ có thể làm cho nhân loại bị đau khổ thôi.
    Nho giáo có tính chất hiểm độc thể hiện ẩn ngầm qua việc gán ghép khiên cưỡng công lao to lớn nhất cho việc sinh đẻ làm cho việc sinh đẻ miễn cưỡng phải trở thành “công lao sinh thành” rồi dùng quan hệ gia đình vào việc củng cố chính thể chuyên chế bằng chính Tam Cương vốn chỉ tồn tại được bằng “công lao sinh thành” làm cho người ta bị tha hoá rồi bị vong thân. Không hiểu được tính chất này sẽ không hiểu được đúng đắn về Nho giáo.
    Khổng Tử suốt đời hô hào vận động người ta thực hành Nho giáo bằng nhiều giáo huấn hoa mỹ. Nhưng khi nói rằng: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tức là nếu mình không muốn điều gì thì đừng làm điều đó cho người khác (sách Luận Ngữ), Khổng Tử đã không thể hình dung được rằng: nếu mình không muốn điều gì mà người khác lại muốn điều đó thì mình có thể nên làm điều đó cho người khác! Vậy Khổng Tử chỉ biết mình muốn gì mà không biết người khác muốn gì, hoặc thậm chí ông chỉ biết mình không muốn cái gì mà không biết người khác lại có thể muốn cái đó, sâu xa hơn nữa ông không hề biết bản tính vị kỷ hiện hữu ở mọi cá nhân. Chưa kể Khổng Tử khi hành nghề cúng bái thường khóc lóc thảm thiết đối với những người quá cố thuộc về tầng lớp quý tộc nhưng lại thản nhiên như không có chuyện gì đối với vô số nô lệ bị chôn sống theo chủ nhân quá cố. Phải chăng thói đạo đức giả ở các Xã hội Nho giáo bắt nguồn từ đó?
    Vì chỉ lấy quân tử làm căn bản cho mình (không thấy được sự giống nhau giữa người với người mà chỉ thấy được sự khác nhau giữa người với người) nên Nho giáo đã bảo vệ chính thể chuyên chế bằng một hệ thống giá trị hết sức nghiệt ngã như đã được trình bày ở trên. Chính thể này vốn chỉ có mâu thuẫn đối kháng mà không hề có mâu thuẫn thống nhất làm cho Nho giáo càng bộc lộ rõ ràng mâu thuẫn đối kháng vốn có ngay từ nội tại.
    Nếu chưa tính đến Nho giáo vào các giai đoạn sau, như Hán Nho hoặc Tống Nho, v. v., thì Nho giáo Nguyên thủy đã chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn đối kháng về nguyên tắc lập luận; ví dụ, Khổng Tử chủ trương “lấy dân làm gốc” nhưng lại đặt để dân thành “tiểu nhân”, v. v.. Do chỉ có mâu thuẫn đối kháng như vậy đồng thời chỉ được dùng vào việc bảo vệ chính thể chuyên chế vốn cũng chỉ có mâu thuẫn đối kháng nên theo quá trình vận hành bằng Tam Cương, Nho giáo luôn luôn gây nên sự tha hoá: quân tử tha hoá thành tiểu nhântrung thành tha hoá thành phản trắcchính danh tha hoá thành loạn danhv. v., làm cho các Xã hội Nho giáo lúc nào cũng lộn xộn cùng cực với nhiều tai hoạ khủng khiếp. Đặc biệt nó làm cho người ta khinh bỉ nhau hoặc thậm chí thù ghét nhau rồi triệt hạ lẫn nhau bằng nhiều thủ đoạn thâm độc nhất. Quả thật, cái mâu thuẫn đối kháng ngay từ nội tại đã giải thích được tại sao Nho giáo dễ dàng được dùng làm nền tảng tư tưởng (hệ tư tưởng chính chống) cho chính thể chuyên chế vốn hết sức nghiệt ngã ở một số nước thuộc về Đông Á châu với hình mẫu điển hình nhất thuộc về nước Tàu, chính thể này lại làm cho các nho sỹ tranh nhau làm đầy tớ hạng nhất cho Vua chúa hoặc các nhà cầm quyền chuyên chế rồi đẩy các nho sỹ vào các cuộc đấu đá chí chết với nhau trong cuộc tranh giành đó khiến họ phải dùng các thủ đoạn thâm độc nhất để triệt hạ lẫn nhau. Chính hệ quả này đã làm cho người ta thường nói rằng: “thâm nho” hoặc “thâm như nho”!
    Một số chuẩn mực đạo đức, bao gồm cả Ngũ Thường lẫn Tứ Đức, có thể tốt nhưng lại chỉ được dùng làm phương tiện chính trị để bảo tồn cả Tam Cương lẫn Tam Tòng, tức là chỉ phục vụ việc cai trị hoặcbảo vệ các quan hệ bất bình đẳng mà thôi. Chính vì chỉ được dùng làm phương tiện chính trị để bảo vệ các quan hệ bất bình đẳng nên các chuẩn mực đạo đức nói trên bị mất hết nội dung thực chất rồi chỉ làm cái hình thức trái ngược cho các chuẩn mực phản đạo đức. Nhân chỉ để Bất Nhân, Nghĩa chỉ để Bạc Nghĩa, Lễ chỉ để Vô Lễ, Trí chỉ để Loạn Trí, Tín chỉ để Bội Tín; hoặc Công chỉ để Lãn Công, Dung chỉ đểLộn Dung, Ngôn chỉ để Lộng Ngôn, Hạnh chỉ để Vô Hạnh, v. v.. Chẳng hạn, vua chúa có thể cũng yêu dân chúng nhưng chẳng qua cũng chỉ như chủ chăn yêu đàn cừu mà thôi: nuôi cừu chỉ để ăn thịt cừu! Chính Mao Trạch Đông cũng như các vua chúa trước đó ở nước Tàu đã chứng tỏ rõ ràng như vậy. Do có mâu thuẫn đối kháng ngay từ nội tại nên dù được áp dụng vào bất cứ nước nào, Nho giáo cũng chỉ gây nên tai hoạ cho nước đó. Quả thật, được dùng làm nền tảng tư tưởng cho chế độ chuyên chế, Nho giáo làm tê liệt khả năng nhận thức rồi dẫn dắt người ta đi từ tai hoạ này đến tai hoạ khác. Nhật bản thay thế kinh tế tự túc bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế thị trường như vẫn thường gọi từ khoảng giữa thế kỷ XIX nhưng vẫn giữ nguyên chế độ chuyên chế lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng. Chính vì chỉ cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị hoặc không xoá bỏ chế độ chuyên chế nên Nhật bản đã phát sinhnhà nước quân phiệt để rồi lao vào một cuộc chiến tranh tự huỷ diệt từ năm 1941 đến năm 1945 với một kết cục bi thảm: hai quả bom nguyên tử được ném xuống Nhật bản bởi Quân đội Mỹ. Chỉ đến lúc đó Nhật bản mới thật sự thức tỉnh hoặc được giải thoát khỏi Nho giáo. Nước Tàu vẫn chưa được giải thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn theo cách mạng bạo lực từ nền chuyên chế này đến nền chuyên chế khác, ở đó nền chuyên chế cộng sản về bề ngoài có vẻ đối nghịch với nền chuyên chế nho giáo nhưng về thực chất lại tương đồng với nền chuyên chế nho giáo hoặc cả hai nền chuyên chế đó đều chuyên chế như nhau, Đảng Cộng sản Tàu đang từ bỏ dần dần Chủ nghĩa Marx (Marxism) để quay trở về Nho giáo, họ đang xây dựng rất nhiều Học viện Nho giáo trên khắp nước Tàu; sự thể này cho thấy nước Tàu từ năm 1978 đến nay đang tái diễn Nhật bản từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, việc này đang làm cho cả thế giới lo sợ, Khu vực Đông Á châu đang nóng lên từng ngày. Bắc Triều tiên phải làm một vệ sỹ bất đắc dỹ cho nước Tàu. Còn Việt nam đang bị lôi cuốn theo nước Tàu về cả ba mặt: kinh tế, chính trị và văn hoá – tư tưởng, nhưng chẳng những không đe doạ được ai mà còn bị đe doạ bởi chính nước Tàu!
    Các chuẩn mực đạo đức nói trên, bao gồm Ngũ Thường cùng với Tứ Đức, chỉ thật sự có giá trị tích cựctrong chính thể dân chủ mà thôi: pháp luật nghiêm minh bắt buộc mọi cá nhân đều phải biết hành xử theo đạo đức làm cho Nhân phải thành Nhân, Nghĩa phải thành Nghĩa, Lễ phải thành Lễ, Trí phải thànhTrí, Tín phải thành Tín, v. v.. Thực tế sinh động đã xác nhận sự thể này. Quả thật, chính nhờ có chính thể dân chủ từ năm 1946 đến nay mà Dân tộc Nhật bản đã biết hành xử thuần thục theo đúng các chuẩn mực đó. Một số dân tộc khác, như Đài loan cũng như Nam Triều tiên, cũng chỉ nhờ có chính thể dân chủ mà đang tiến triển nhanh chóng theo chiều hướng như vậy, nếu không bị hãm hại bởi chế độ độc tài ở nước Tàu cũng như Bắc Triều tiên thì các dân tộc đó cũng sẽ thăng hoa như Dân tộc Nhật bản.
    Làm nền tảng tư tưởng cho chính thể chuyên chế, Nho giáo ắt phải mang những đặc điểm cơ bản sau đây:
    Một, sùng bái bạo lực thể hiện qua “Dũng”, một trong ba đức phải có ở người quân tử. Tuy nhiên “kẻ nào có Dũng mà ghét cảnh bần hàn tất sẽ làm loạn” như đã được xác quyết chắc chắn bởi chính Khổng Tử, làm cho các Xã hội Nho giáo phải thường xuyên trải nghiệm cách mạng bạo lực.
    Hai, lập trường đế quốc thể hiện qua thái độ tự tôn đối với chính mình hoặc thái độ coi khinh đối với các dân tộc khác. Khổng Tử nói: “các nước Di cũng như Địch dù có vua nhưng cũng không bằng Hoa hạ(Trung hoakhông có vua”. Lập trường này được dùng làm nền tảng tư tưởng cho chính sách bành trướng.
    Ba, nô dịch nữ giới thể hiện qua việc đặt để nữ giới vào địa vị phụ thuộc, từ đó dẫn đến thái độ khinh bỉ đối với nữ giới: “chỉ hạng đàn bà cũng như tiểu nhân thường khó dạy bảogần họ sẽ làm cho họ nhờn,xa họ sẽ làm cho họ oán hờn” (Khổng Tử), làm cho nữ giới thường có ảo tưởng thảm hại về chính mình. Cứ lặng lẽ quan sát các nước chuyên chế lấy Nho giáo hoặc một tư tưởng tương tự làm hệ tư tưởng chính thống, sẽ thấy nhiều phụ nữ bị đau khổ cùng cực nhưng vẫn cứ tin tưởng rằng mình đang được sung sướng nhất trên đời!
    Bốn, thái độ bất dung thể hiện qua nguyên tắc độc đoán; do làm công cụ tư tưởng cho một người cai trị mọi người theo nguyên tắc chuyên chế nên Nho giáo không chấp nhận các quan điểm khác biệt với mình đồng thời chủ trương trừng phạt nghiêm khắc đối với mọi tư tưởng khác.
    Năm, tiêu diệt sự sống không chỉ thể hiện qua việc áp bức nghiệt ngã đối với từng cá nhân nhất định mà còn thể hiện qua việc ngăn cách phá hoại đối với sự giao kết hài hòa giữa nam giới với nữ giới, sự giao kết đó vốn tuyệt đối cần thiết để bảo tồn nhân loại nhưng lại bị ngăn cách phá hoại bởi một quan niệm tai ác nhất: “nam nữ thụ thụ bất thân”!? Quan niệm này không chỉ chống lại nhân loại mà còn chống lại cả tự nhiên nữa, không chỉ chống lại đạo người mà còn chống lại cả đạo trời nữa. Thật mâu thuẫn quay quắt: một hệ tư tưởng nhân danh đạo trời lại chống lại cả đạo trời!
    Vân vân.
    Với các đặc điểm đó, Nho giáo cũng chỉ thuộc về tư tưởng vong thân như đã nói ở trên làm cho mọi nho sỹ đều có thể bị bạc đãi như một hệ quả tất yếu từ logic nội tại cho Nho giáo. Ngay cả Khổng Tử cũng không ngoại lệ.
    Quả thật, Nho giáo được trọng dụng nhưng Khổng Tử lại bị bạc đãi. Khổng Tử bị bạc đãi thể hiện cái tất yếu nội tại cho chính Nho giáo. Vì Nho giáo làm nền tảng tư tưởng cho chính thể chuyên chế vốn chỉ tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháphành pháp và tư pháp, vào một cá nhân duy nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ nên theo bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân, nếu Nho giáo mà được trọng dụng thì Khổng Tử ắt phải bị bạc đãi: Khổng Tử được trọng dụng ắt sẽ trở thành Đế vương làm cho kẻ nào trọng dụng Khổng Tử hoặc a – dua theo Khổng Tử sẽ phải làm nô lệcho Khổng Tử. Làm nô lệ bị giết dễ hơn làm chủ nô! Chính vì hiểu được rõ ràng như vậy nên tất cả các Đế vương đều bạc đãi Khổng Tử: họ càng trọng dụng Nho giáo, họ sẽ càng bạc đãi Khổng Tử. Chưa kể Khổng Tử đề cao Nhà Chu làm cho các Đế vương càng bạc đãi Khổng Tử. Khổng Tử chỉ có thể được trọng dụng sau khi đã chết. Vì đóng góp công lao nhiều nhất vào việc phát triển Nho giáo làm nền tảng tư tưởng cho chính thể chuyên chế nên Khổng Tử không thể được trọng dụng khi đang sốngmà chỉ có thể được trọng dụng khi đã chết làm phương tiện tinh thần để bảo vệ chính thể chuyên chế. Các Đế vương chỉ có thể trọng dụng Khổng Tử đã chết mà không thể trọng dụng Khổng Tử đang sống. Lưu Hiểu Ba đã tỏ ra tinh tế đặc biệt khi hình dung Khổng Tử như một con chó lang thang không nhà khi đang sống nhưng lại trở thành một con chó giữ cửa khi đã chết [15].
    Nho giáo rất dễ dàng xâm nhập đời sống thực tế không phải nhờ được diễn dịch công phu như ở đây mà chỉ nhờ được đơn giản hóa thô thiển thành một nguyên tắc đơn giản nhất: làm gì tùy ý nhưng con phải phục tùng chavợ phải phục tùng chồngdân chúng phải phục tùng vua chúa bất kể vua chúa đúng đắn hay sai lầm!? Nguyên tắc này hiểm độc cùng cực đương nhiên không cần người tiếp nhận phải thông minh uyên bác mà chỉ cần người tiếp nhận phải ngu sy trì độn để kẻ nào càng ngu sy trì độn sẽ càng dễ dàng tiếp nhận Nho giáo.
    Tuyệt đối không được đồng nhất Tam Cương với Mầu nhiệm Ba Ngôi vốn chỉ thuộc về Chúa giáo màphải thấy được sự xung khắc như nước với lửa giữa Tam Cương với Mầu nhiệm Ba Ngôi: nếu Mầu nhiệm Ba Ngôi chủ trương một trật tự cân bằng để bảo tồn trật tự đó thì Tam Cương lại chủ trương một trật tự xiêu lệch để củng cố trật tự đó (xin hãy xem lại chú thích 2). Muốn làm cho Tam Cương dẫn đến một trật tự cân bằng, nhất thiết cần phải làm thay đổi triệt để Tam Cương về cả nội dung lẫn hình thức, theo đó người lãnh đạo phải được ưng chuẩn bởi người bị lãnh đạo thông qua bầu cử tự do cũng như con phải bình đẳng với cha đồng thời vợ phải bình đẳng với chồng. Nhưng làm như vậy sẽ không còn Nho giáo nữa. Vậy cần phải từ bỏ Nho giáo như người ta phải vượt qua giai đoạn trẻ thơ trong cuộc đời vậy.
    Nói đến Nho giáo lại cần phải nói đến Pháp gia. Pháp gia cũng xuất sinh tại nước Tàu gần như cùng thời với Nho giáo. Bề ngoài Pháp gia rất khác biệt với Nho giáo nhưng thực chất lại rất tương đồng với Nho giáo: Pháp gia cũng chủ trương tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháphành pháp và tư pháp, vào một cá nhân duy nhất nắm toàn quyền cai trị để rồi cũng dẫn đến tình trạng vong thân y hệt như Nho giáo. Pháp gia nhấn mạnh ưu thế cho nhà nước so với cá nhân bất chấp cá nhân phải làm hạt nhân cho nhà nước với mọi hình thức. Theo Pháp gia, mỗi cá nhân riêng biệt không có các quyền cá nhân hoặc bất kỳ quyền nào thuộc về cá nhân cũng phải bị hạn chế để tăng cường sức mạnh cho vua chúa cai trị. Đặc biệt, Hàn Phi Tử, rất nghiêm khắc đối với những khái niệm về quyền cá nhân. Từ một quan điểm nền tảng như vậy, Pháp gia gán sự ngu ngốc cho những người bình dân đồng thời gán tác hại cho những hành động của họ. Ổn định xã hội ở đất nước pháp gia có nghĩa rằng người dân không bao giờ thoát khỏi sự trừng phạt. Ví dụ, nhà Tần đã sử dụng dân chúng vào giám sát lẫn nhau để nếu nhà này xảy ra chuyện gì thì tất cả các nhà khác đều bị liên quan. Chính sách này cuối cùng cũng làm cho pháp gia cắn xé lẫn nhau. Thương Ưởng ủng hộ quyền cho phép nhà nước trừng phạt cả thế tử để cuối cùng khi thế tử lên ngôi vua làm Huệ Công cho nhà Tần (r. 338 – 311 BC) đã quay lại chống đối ông. Ông đã từng dùng quyền lực để trục xuất những kẻ đối nghịch (nhằm ngăn chặn các chỉ trích cá nhân) ra những vùng biên giới nhưng rồi cuối cùng chính ông bị xé ra từng mảnh bằng xe ngựa bởi chính vua chúa. Tương tự như thế, Hàn Phi Tử cũng bị ép buộc phải uống độc dược bởi chính đồng môn cũ là Lý Tư. Nhưng đến lượt mình, Lý Tư cũng bị giết bởi Tần Nhị Thế theo cái luật pháp mù quáng đã được thiết đặt bởi chính Lý Tư. Trước đó, chính Lý Tư đã đưa Tần Nhị Thế lên ngôi vua.
    Pháp gia đã có ý niệm về sự công bằng nhưng chưa có ý niệm về sự phân quyền, cũng tức là chưa có ý niệm về chính thể dân chủ. Chính vì Pháp gia chưa có ý niệm về sự phân quyền nên sự công bằng theo Pháp gia chỉ biểu hiện sự công bằng trong xiềng xích và nô lệ. Nó chủ trương pháp luật mù quáng hoặc pháp luật chưa tự tạo ra được cơ chế tồn tại cho mình. Nó đối lập hẳn với chủ nghĩa pháp quyền ở Tây phương vốn chủ trương pháp luật nghiêm minh hoặc pháp luật theo chính thể dân chủ.
    HÀ HUY TOÀN
    Tiểu luận này được công bố nhằm kỷ niệm: 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Lần thứ Hai; 70 năm Cách mạng Tháng Tám 1945; 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt nam.
    Ghi chú:
    [14] Ngày 19 Tháng Một 1925 có thể được diễn đạt thành 19/11/1925. Trong tiểu luận này, tác giả gọitháng thứ mười một trong năm bằng Tháng Một cũng như gọi tháng đầu tiên trong năm bằng Tháng Giêng, đồng thời cũng gọi tháng thứ mười hai trong năm bằng Tháng Chạp.
    [15] Lưu Hiểu Ba: Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa – bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay. Nguyên tác: “昨日家狗 今日看当下中国的孔子”, được đăng tải trên mạng boxun vào ngày 2 Tháng Chín 2007. Bản dịch Việt ngữ được đăng tải lần đầu tiên trên mạng Procontra (http://www.procontra.asia/?p=1225).
    Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150810/ha-huy-toan-nho-giao-mot-he-tu-tuong-nguy-hiem-2
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org