Lâm Yến, Chiêu Bình dịch
Khó có thể bắt đầu bài giảng này mà không một lần nữa bày tỏ lòng
tri ân sâu sắc tới Ủy ban Nobel Na Uy vì đã dành cho cá nhân tôi và phong trào
đấu tranh cho các quyền dân sự ở Hoa Kỳ một vinh dự to lớn như vậy. Trong cuộc
sống, đôi khi có những khoảnh khắc hân hoan choáng ngợp không thể nào diễn tả
được bằng những dấu hiệu mà ta gọi là ngôn ngữ. Ý nghĩa của chúng chỉ có thể được
chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ không nói thành lời của trái tim. Chính tại lúc
này đây, tôi đang đắm chìm trong một khoảnh khắc như thế. Tôi đang tận hưởng
giây phút cao quý và hân hoan này không chỉ cho riêng mình, mà còn vì những người
anh em đang cống hiến cho [triết lý] bất bạo động, họ đã và đang dũng cảm chống
lại các thành lũy của tình trạng phân biệt chủng tộc bất công, và là những người,
thông qua quá trình đấu tranh này, đã tìm ra ước định mới cho giá trị người của
chính mình. Nhiều trong số họ là những người trẻ tuổi và có học vấn cao. Một số
khác đang trong tuổi trung niên và thuộc tầng lớp trung lưu. Đại bộ phận là
nghèo và ít được học hành. Tuy thế, tất cả họ đang đoàn kết trong một niềm tin
lặng lẽ, rằng thà chịu khổ nạn trong danh dự còn hơn chấp nhận bị phân biệt
trong tủi nhục. Họ là những anh hùng thực sự của cuộc đấu tranh vì tự do này:
chính vì những con người cao quý đó mà tôi chấp nhận Giải Nobel Hòa bình.
Tối hôm nay tôi muốn được sử dụng diễn đàn cao quý và mang tính lịch sử này để
thảo luận cái mà tôi cho là vấn đề cấp bách nhất của loài người đương đại. Con
người hiện đại đã đem cả thế giới này tới ngưỡng cửa đầy hoang mang của tương
lai. Hắn đã đạt đến những đỉnh cao mới đầy kinh ngạc trong các thành công khoa
học. Hắn đã tạo ra những máy móc biết suy nghĩ và các công cụ dõi theo những
khoảng cách không thể đo đếm được trong không gian của các vì sao. Hắn đã dựng
nên những cây cầu kỳ vĩ bắc ngang qua biển cả và những cao ốc khổng lồ vươn tới
tận trời xanh. Máy bay và tàu không gian của hắn đã thu hẹp khái niệm không
gian, đặt thời gian vào các chuỗi, và phân luồng những xa lộ chạy xuyên qua tầng
bình lưu. Đó là bức tranh sáng lòa về các tiến bộ khoa học và công nghệ của con
người hiện đại.
Tuy thế, mặc cho những bước tiến ngoạn mục trong khoa học và công nghệ, và còn
nhiều những tiến bộ không có giới hạn nữa đang đến, vẫn còn thiếu hụt cái gì đó
cơ bản. Nó thể như một sự nghèo đói về tâm linh đang hiển hiện đối lập với sự dồi
dào về khoa học và công nghệ. Chúng ta càng giàu có về vật chất bao nhiêu thì lại
càng nghèo đói về đạo đức và tâm linh bấy nhiêu. Chúng ta đã học được cách bay
trong không khí như các loài chim và bơi trên các đại dương như cá, nhưng chúng
ta chưa học được cái nghệ thuật đơn giản để sống với nhau như những người anh
em thực sự.
Mỗi người chúng ta sống trong hai thế giới, bên trong và bên ngoài. Cái bên
trong là thế giới của các mục đích tâm linh, được thể hiện ra trong nghệ thuật,
văn học, đạo đức và tôn giáo. Cái bên ngoài là phức hợp công cụ, kỹ thuật, cơ
chế, và các vật dụng khác mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống. Vấn đề ngày hôm
nay của chúng ta là đã đánh mất thế giới bên trong trong cái thế giới bên
ngoài. Chúng ta đã cho phép các công cụ sống vượt xa các mục đích tối hậu của
chính cuộc sống của mình. Phần lớn vấn đề của cuộc sống hiện đại có thể được
tóm tắt trong câu châm ngôn của nhà thơ Thoreau [1] : “Nâng cấp phương tiện cho một mục đích
không được nâng cấp” (Imporved means to an unimproved end). Đây là tình trạng
nan giải trầm trọng, một vấn đề sâu sắc và ám ảnh mà con người hiện đại phải đối
mặt. Nếu chúng ta muốn tồn tại ngày hôm nay, cái “tụt hậu” về đạo đức và tâm
linh này phải được xóa bỏ. Bành trướng sức mạnh vật chất cũng đồng nghĩa với mở
rộng hiểm họa nếu không có sự tăng cùng tỷ lệ của linh hồn. Khi cái “bên ngoài”
trong thiên tính của con người nô dịch cái “bên trong”, thì những đám mây đen của
cơn lôi vũ bắt đầu bao phủ thế giới này.
Vấn đề tụt hậu về tâm linh và đạo đức, cái cấu thành thế tiến thoái lưỡng nan
chính của con người hiện đại, thể hiện ra ở ba vấn đề lớn hơn hình thành từ sự
trẻ dại trong đạo đức của con người. Mặc dù có vẻ tách rời và chẳng liên quan
gì đến nhau, mỗi vấn đề trong số đó lại ràng buộc chặt chẽ với những cái còn lại.
Tôi đang nói đến bất bình đẳng về chủng tộc, nghèo đói và chiến tranh.
Vấn đề đầu tiên tôi muốn đề cập là bất bình đẳng chủng tộc. Cuộc đấu tranh nhằm
xóa bỏ cái ác của bất bình đẳng chủng tộc là một trong những cuộc đấu tranh lớn
nhất trong thời đại của chúng ta. Sự bùng nổ gần đây của người da đen ở Hoa Kỳ
bắt nguồn từ quyết tâm sâu sắc và thiết tha muốn tự do và bình đẳng trở thành một
thực tế “ngay tại đây” và “ngay bây giờ”. Một mặt, phong trào vì các quyền dân
sự ở Hoa Kỳ là một hiện tượng thuần Mỹ, phải được hiểu trong ánh sáng của lịch
sử nước Mỹ, và đặt trong tình huống riêng của Mỹ. Nhưng mặt khác, ở một mức độ
quan trọng hơn, điều gì đang diễn ra tại nước Mỹ ngày nay chính là một phần nhỏ
trong diễn biến [chung] của thế giới.
Triết gia Alfred North Whitehead [2] nói rằng chúng ta sống trong một thời đại
khi mà “văn minh đang thay đổi quan niệm cơ bản của nó: một khúc ngoặt chính của
lịch sử nơi các tiền giả định mà xã hội đã được cấu trúc theo đang được đem ra
phân tích, bị thách thức gay gắt, và được thay đổi sâu sắc.” Cái chúng ta đang
thấy ngày hôm nay là sự bùng nổ tự do, việc hiện thực hóa “một ý tưởng mà thời
đại của nó đã đến” (nói theo cách dùng từ của Victor Hugo [3] ). Tiếng ầm vang sâu rộng của những bất
bình mà chúng ta thấy ngày hôm nay là tiếng sấm của quần chúng bị tước quyền thừa
hưởng, cất lên từ ngục tối của đàn áp và bay cao trên các ngọn đồi tự do. Trong
một dàn hợp xướng hùng vĩ, quần chúng cùng cất lên tiếng hát, bằng ngôn ngữ của
bài ca tự do, “Thôi không để bất kỳ ai làm chùn bước ta đi”. [4] Như một cơn sốt, phong trào tự do đang
lan khắp hoàn cầu, với một sự giải phóng rộng lớn chưa từng có trong lịch sử.
Quảng đại quần chúng đang quyết tâm đấu tranh nhằm chấm dứt sự bóc lột chủng tộc
và đất đai của họ. Họ thức tỉnh và vững bước tiến tới mục tiêu của mình như một
cơn thủy triều. Bạn có thể nghe thấy tiếng ầm vang này ở mọi xóm ngõ, trên các
bến tàu, các ngôi nhà, giữa các sinh viên, trong các tu viện, tại các buổi mít
tinh chính trị. Trong nhiều thế kỷ, vận động lịch sử được hiểu là các dân tộc
và xã hội Tây Âu tiến vào phần còn lại của thế giới nhằm “chinh phục” nhiều mục
tiêu khác nhau. Thời kỳ đó, kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân, đã chấm dứt.
Phương Đông đang bắt kịp phương Tây. Thế giới đang được phân chia lại. Đúng thế,
chúng ta đang “thay đổi các quan niệm cơ bản của mình”.
Những diễn biến này hẳn không làm bất cứ sinh viên sử học nào ngạc nhiên. Quần
chúng bị đoạ đày không thể mãi mãi bị đày đọa. Khát vọng tự do cuối cùng cũng sẽ
tự bộc lộ. Thánh Kinh kể một câu chuyện tuyệt hay về Moses đứng trước triều
đình của Pharaoh nhiều thế kỷ trước và thét vang, “Hãy để dân chúng tôi đi!” [5] Đấy là chương mở đầu của một câu chuyện
dài. Cuộc đấu tranh hiện nay ở Hoa Kỳ là một chương sau của câu chuyện đang tiếp
diễn. Điều gì đó bên trong đã nhắc nhở người Da đen về cái quyền tự do được kế
thừa, và điều gì đó bên ngoài đã nhắc nhở anh ta rằng cái quyền ấy có thể đạt được.
Ý thức rõ hay không rõ, anh ta bị cuốn vào tinh thần thời đại, và cùng với những
người anh em da đen ở Phi châu, da vàng và da nâu ở Á châu, ở Nam Mỹ và
Caribbean, người Da đen ở Mỹ đang khẩn trương tiến bước tới miền đất hứa của
bình đẳng chủng tộc.
May mắn thay, nhiều bước tiến quyết định đã được thực hiện trong cuộc đấu tranh
nhằm chấm dứt đêm dài bất bình đẳng chủng tộc. Chúng ta đã thấy những sự kiện
vĩ đại khi nhiều nước Á châu và Phi châu giành được độc lập. Mới 30 năm trước
đây thôi, Phi châu chỉ có 3 nước độc lập. Nhưng hôm nay, 35 quốc gia đã đứng dậy
từ cảnh nô lệ thực dân. Ở Hoa Kỳ, chúng ta đã thấy sự tan rã từng bước của hệ
thống phân biệt chủng tộc. Quyết định năm 1954 của Tòa án Tối cao cấm bất cứ
hình thức phân biệt nào trong các trường học công là một cú đấm thể chế và pháp
lý chí mạng đối với toàn bộ học thuyết phân biệt nhưng bình đẳng [6] . Tòa Thượng Thẩm đã ra sắc lệnh quy định
rằng các phương tiện dùng riêng có bản chất là bất bình đẳng, và phân biệt một
đứa trẻ dựa vào màu da của nó chính là phủ nhận sự bảo vệ công bằng của pháp luật
đối với đứa trẻ đó. Quyết định này trở thành ánh sáng dẫn đường đem lại hy vọng
cho hàng triệu người bị đối xử bất công. Rồi một ngày tươi sáng đã đến hồi vài
tháng trước, khi dự luật về các quyền dân sự đã trở thành luật trên đất nước của
chúng tôi [7] . Dự luật này, lần đầu tiên được giới thiệu
và vận động bởi Tổng thống Kennedy, đã được thông qua vì sự ủng hộ của tuyệt đại
đa số và kiên trì đấu tranh của hàng triệu người Mỹ, cả Da đen và da trắng. Nó
đến tựa như là giờ nghỉ giải lao sáng sủa trong một cuộc đấu tranh dài và đôi
khi hỗn loạn cho các quyền dân sự: sự khởi đầu của tuyên ngôn giải phóng lần thứ
hai, đem đến nền tảng pháp lý toàn diện cho bình đẳng về cơ hội. Kể từ khi dự
luật này được thông qua, chúng ta đã thấy có nhiều tín hiệu tuân thủ đáng mừng
và đôi khi gây ngạc nhiên. Tôi hạnh phúc được thông báo rằng, nhìn chung, các cộng
đồng khắp miền nam nước Mỹ đang tuân thủ Luật các Quyền Dân sự và tỏ ra có ý thức
tốt rất rõ rệt trong quá trình [tuân thủ] này.
Có thể thấy một dấu hiệu khác của sự tiến bộ trong cuộc bầu cử tổng thống gần
đây của Mỹ. Người Mỹ đã thể hiện sự chín chắn tuyệt vời khi tuyệt đại đa số đã
loại trừ ứng cử viên tổng thống có tư tưởng cực đoan, phân biệt chủng tộc, và
suy đồi [8] . Các cử tri của đất nước chúng tôi đã đã
tung một cú đấm mạnh mẽ với quyền chủng tộc [9] . Họ đã đánh bại các nhân tố trong xã hội
đang tìm cách khiến người da trắng chống lại Da đen và đưa đất nước vào con đường
nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít.
Cho phép tôi không để quý vị có những ấn tượng sai lạc. Vấn đề còn lâu mới được
giải quyết triệt để. Chúng ta vẫn còn một con đường rất dài nữa trước khi giấc
mơ tự do trở thành hiện thực cho người Da đen ở Hoa Kỳ. Nói ví von theo ngôn ngữ
Thánh Kinh, chúng ta đã rời khỏi mảnh đất đầy bụi bặm của Ai cập và vượt qua Biển
Đỏ nơi từ nhiều năm nước đã bị đông cứng bởi các mùa đông dài và rét thấu sương
của cuộc phản kháng rộng lớn. Nhưng trước khi ta đến được bến bờ huyền diệu của
Miền Đất Hứa, thì vẫn còn miền hoang dã gây hoang mang và chán nản ở phía trước.
Chúng ta vẫn phải đối mặt với những đồi cao phản kháng sừng sững và các đỉnh
núi chống đối khổng lồ. Nhưng với quyết tâm kiên định và bền bỉ, chúng ta sẽ tiếp
bước cho tới khi mọi thung lũng tuyệt vọng thăng hoa thành các đỉnh hi vọng,
khi mọi núi đồi của cao ngạo và phi lý bị san bằng bởi sự nhún nhường và tình
thương yêu; cho tới khi các miền đất gồ ghề của bất công được hoán cải thành đồng
bằng phì nhiêu của bình đẳng trong cơ hội; và cho đến khi những khúc quanh co của
định kiến được chuyển đổi bởi quá trình uốn thẳng của trí tuệ minh nhãn.
Những phần chính mà phong trào vì các quyền dân sự ở Hoa Kỳ đang nói đến là đòi
hỏi về nhân phẩm, sự công bằng, việc làm và địa vị công dân sẽ không bị bỏ rơi,
bị pha loãng hay trì hoãn. Nếu điều đó có nghĩa rằng chống đối và xung đột
[thì] chúng ta quyết không chùn bước. Chúng ta sẽ không khiếp nhược. Chúng ta
không còn sợ hãi nữa.
Từ ngữ biểu tượng cho tinh thần và là hình thái bên ngoài của cuộc đấu tranh của
chúng ta là bất bạo động, và, không nghi ngờ gì nữa, nó chính là yếu
tố khiến cho việc tưởng thưởng giải hòa bình cho một người đấu tranh trở
nên thích hợp. Nói rộng, bất bạo động trong đấu tranh vì các quyền dân sự có
nghĩa là không dựa vào vũ khí và sức mạnh. Nó có nghĩa là không hợp tác với các
tục lệ và các luật vốn là các mặt thể chế của một chế độ phân biệt đối xử và nô
dịch. Nó có nghĩa là sự tham dự trực tiếp của quần chúng vào đấu tranh thay vì
dựa vào các phương pháp gián tiếp, vốn thường chẳng hề lôi kéo sự tham gia của
quần chúng.
Bất bạo động cũng có nghĩa rằng người dân của tôi trong các cuộc đấu tranh đau
đớn diễn ra những năm gần đây đã [chấp nhận] gánh lấy khổ nạn thay vì gây ra
cho người khác. Nó có nghĩa, như tôi đã nói, rằng chúng ta không còn sợ hãi và
khiếp nhược nữa. Nhưng ở một mức độ đáng kể, nó cũng có nghĩa rằng chúng ta
không muốn gây ra nỗi sợ hãi cho những người khác hoặc cho xã hội, nơi chúng ta
vốn là một phần trong đó. Phong trào này không tìm cách giải phóng người Da đen
bằng cách nhục mạ và nô dịch người da trắng. Nó không tìm kiếm chiến thắng trên
sự tổn thất của bất kỳ ai. Nó tìm cách giải phóng xã hội Hoa Kỳ và chia sẻ
[công cuộc] tự-giải phóng của tất cả mọi người.
Bạo lực - với tư cách là con đường để đạt đến bình đẳng chủng tộc - vừa không
thực tế, vừa vô đạo đức. Tôi hiểu rằng bạo lực thường đem lại kết quả tức thì.
Các dân tộc thường giành được độc lập bằng chiến thắng trên chiến trường. Nhưng
bất kể các chiến thắng tạm thời, bạo lực không bao giờ đem đến hòa bình vĩnh cửu.
Nó không giải quyết được các vấn đề xã hội: nó chỉ tạo thêm ra các vấn đề mới
và phức tạp hơn. Bạo lực là không thực tế vì nó là chuỗi xoắn đi xuống và kết
thúc ở chỗ tiêu diệt tất cả. Nó vô đạo đức ở chỗ nó tìm cách hạ nhục đối thủ
thay vì đạt được sự giác ngộ của họ: nó tìm cách thủ tiêu thay vì cải tạo. Bạo
lực vô đạo đức vì nó thịnh vượng nơi lòng hận thù chứ không phải tình thương
yêu. Nó hủy diệt cộng đồng và làm tình anh em trở nên bất khả. Nó biến xã hội
thành nơi độc thoại (monologue) thay vì đối thoại (dialogue). Bạo lực kết thúc ở
chỗ tự tiêu diệt mình. Nó tạo ra sự cay đắng nơi những người sống sót và sự bạo
tàn nơi những kẻ hủy diệt.
Theo nghĩa thực, bất bạo động tìm cách cứu rỗi tình trạng tiến thoái lưỡng nan
chủ yếu của con người hiện đại là tụt hậu về đạo đức và tâm linh mà tôi đã nói ở
trên. Nó tìm cách bảo đảm cái đích đạo đức bằng các phương tiện đạo đức. Bất bạo
động là một vũ khí đầy quyền uy và công bằng. Trên thực tế, nó là một vũ khí độc
đáo trong lịch sử, nó cắt nhưng không gây ra vết thương và khiến người sử dụng
nó trở nên cao quý.
Tôi tin vào phương pháp này vì tôi cho rằng nó là cách duy nhất để tái thiết lập
một cộng đồng đã rạn vỡ. Nó là phương pháp hướng tới việc áp dụng các luật công
bằng bằng cách kêu gọi lương tri của số đông có nhân cách - những người thông
qua sự mù lòa, khiếp nhược, ngạo mạn, và phi lý đã chấp nhận để lương tri của họ
ngủ quên.
Những người đấu tranh bất bạo động có thể tóm tắt thông điệp của họ trong cụm từ
sau: chúng ta sẽ tiến hành các hoạt động trực tiếp chống lại bất công, bất chấp
sự thất bại của các cơ quan chính phủ và các cơ quan chính thức khác không phản
ứng trước. Chúng ta sẽ không tuân phục các luật lệ bất công hoặc tham gia vào
các hoạt động bất công. Chúng ta sẽ thực hiện việc này một cách hòa bình, cởi mở,
hồ hởi, vì mục tiêu của chúng ta là thuyết phục. Chúng ta chấp nhận các phương
tiện bất bạo động vì mục tiêu của chúng ta là một cộng đồng hòa bình với chính
mình. Chúng ta sẽ tìm cách thuyết phục bằng ngôn ngữ của mình, nhưng nếu ngôn
ngữ của chúng ta thất bại, thì chúng ta sẽ tìm cách thuyết phục bằng hành vi.
Chúng ta sẽ luôn sẵn sàng đối thoại và tìm kiếm thỏa hiệp công bằng, nhưng
chúng ta sẵn sàng chịu đựng khi cần thiết, và thậm chí sẵn sàng hy sinh cuộc sống
để biến mình thành những chứng nhân cho sự thật.
Cách tiếp cận này đến vấn đề bất bình đẳng chủng tộc không phải là không có những
thành công tiền lệ. Nó đã được dùng một cách tuyệt diệu bởi Mohandas K. Gandhi
khi ông thách thức sức mạnh của Đế chế Anh và giải phóng người dân của ông khỏi
sự thống trị chính trị và bóc lột kinh tế bị áp đặt lên họ hàng thế kỷ. Ông đấu
tranh chỉ với vũ khí của chân lý, sức mạnh tâm linh, không tổn thương và can đảm [10] .
Trong mười năm vừa qua, những người nam và nữ dũng cảm không vũ trang của Hoa Kỳ
đã đem lại một bằng chứng sống động cho sức mạnh đạo đức và tính hiệu quả của bất
bạo động. Bằng hàng ngàn những con người trẻ tuổi, vô danh, không biết mệt mỏi,
cả da trắng và da đen, đã tạm rời các tháp ngà học thuật để tới [đấu tranh phá
bỏ] các rào cản định kiến. Các hoạt động đầy dũng cảm và có kỷ luật của họ đã
trở thành những ốc đảo tươi mát trên sa mạc oi ả với cái nóng bất công. Họ đã
đem cả đất nước chúng tôi trở về những giếng nguồn dân chủ được đào sâu bởi những
người cha mở nước khi soạn thảo Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập. Một ngày nào
đó, tất cả mọi người Mỹ sẽ tự hào với các thành tựu của họ [11] .
Tôi ý thức rất rõ về những yếu kém của con người, những thất bại đang tồn tại,
những nghi kỵ về tính hiệu quả của bất bạo động, và sự vận động công khai cho bạo
lực bởi một số người. Nhưng tôi vẫn tin rằng bất bạo động vừa là con đường thực
tế hiệu quả nhất, vừa là cách tuyệt vời nhất về đạo đức để đấu tranh với các vấn
đề già cỗi về bất công chủng tộc.
Điều tệ hại thứ hai đang quấy rầy thế giới hiện đại là sự nghèo đói. Giống như
một quái vật bạch tuộc, nó vươn các xúc tu của mình tới từng mảnh đất, từng
ngôi làng khắp nơi trên thế giới. Gần hai phần ba dân số thế giới hiện nay hằng
đêm phải đi ngủ với cái bụng đói. Họ thiếu dinh dưỡng, ở nơi chật hẹp tuềnh
toàng và ăn mặc tồi tàn. Nhiều người trong số họ không có nhà cửa hoặc giường
chiếu để ngủ qua đêm. Chiếc giường duy nhất của họ là vỉa hè nơi đô thị hoặc những
con đường đầy bụi bặm nơi thôn quê. Hầu hết trong số những người con của Chúa bị
đọa đày bởi nghèo đói này chưa từng khám bác sĩ hoặc nha sĩ. Vấn đề nghèo đói
này không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ phân chia giai cấp giữa những quốc gia
công nghiệp phát triển cao với những nước được gọi là kém phát triển; nó còn được
nhìn nhận là khoảng cách kinh tế khổng lồ trong chính bản thân các nước giàu. Cứ
xem nước tôi là một ví dụ. Chúng tôi đã xây dựng nên một hệ thống sản xuất tốt
nhất từng biết trong lịch sử. Chúng tôi đã trở thành nước giàu có nhất trên thế
giới. Tổng thu nhập quốc dân của chúng tôi năm nay sẽ đạt con số kinh ngạc là gần
650 tỉ đô la. Thế mà ít nhất gần một phần năm những công dân anh em của chúng
tôi- tức là gần mười triệu gia đình, gồm khoảng bốn mươi triệu người - vẫn bị
trói buộc trong cái văn hóa khốn khổ của nghèo đói. Theo một khía cạnh, sự
nghèo đói của những người nghèo trên đất Mỹ khó chịu hơn nhiều so với sự nghèo
đói ở châu Phi và châu Á. Nỗi khổ của những người nghèo châu Phi hay châu Á là
nỗi khổ chung, một thực tế cuộc sống đối với đại đa số dân chúng; họ cùng nghèo
đói bên nhau sau những năm dài bị bóc lột và kém phát triển. Một tương phản buồn
là người nghèo trên đất Mỹ hiểu rằng họ sống trên một đất nước giàu có nhất
trên thế giới, và rằng mặc dù họ đang héo hon trên hoang đảo của sự nghèo đói,
thì chính hoang đảo đó lại được bao quanh bởi biển cả của sự phồn hoa vật chất.
Họ có thể dễ dàng nhìn thấy từ khu ổ chuột của mình những tòa tháp lộng lẫy bằng
sắt và kính mọc lên hầu như qua đêm. Các phi cơ bay qua đầu khu nhà của họ với
vận tốc trên 600 dặm một giờ; các vệ tinh được phóng lên không gian để nghiên cứu
chi tiết về mặt trăng. Tổng thống Johnson, trong Thông điệp Liên bang [12] đã nhấn mạnh mâu thuẫn này khi ông công
bố “mức sống cao nhất thế giới” của nước Mỹ và xót xa rằng thực tế đó lại đi
kèm với “đảo lộn, thất nghiệp và bóng ma của nghèo đói ngay giữa sự phồn thịnh”.
Cho nên, rõ ràng rằng nếu loài người muốn cứu chuộc sự tụt hậu về đạo đức và
tâm linh, thì họ buộc phải dấn bước để nối liền hố ngăn cách về kinh tế và xã hội
giữa “kẻ có” và “người không” trên thế giới. Nghèo đói là một trong những chủ đề
cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của đời sống hiện đại.
Không có gì mới về nghèo đói. Cái mới hiện nay là chúng ta đã có đủ nguồn lực để
rũ bỏ nó. Hơn một thế kỷ rưỡi trước, loài người bắt đầu phải đối đầu với hai vấn
đề song hành là dân số và sản xuất. Một trí thức người Anh mang tên Malthus đã
viết một cuốn sách [13] trong đó đề cập đến những kết cục đáng
kinh sợ. Ông dự đoán rằng loài người đang dần dần tiến tới nạn chết đói toàn cầu
vì loài người nhân giống nhanh hơn tốc độ sinh sôi của lương thực và vật liệu để
đảm bảo cuộc sống cho họ. Các nhà khoa học về sau này đã bác bỏ kết luận của
Malthus và phát hiện ra ông đã đánh giá quá thấp tài nguyên của Trái đất cũng
như năng lực của con người.
Cách đây chưa lâu, Tiến sĩ Kirtley Mather, một nhà địa chất tại Harvard đã viết
cuốn sách mang tựa đề Đủ và còn dư thừa [14] . Ông đã đưa ra chủ đề cơ bản là nạn
đói là hoàn toàn vô lý trong xã hội hiện đại. Hiện nay, theo đó, câu hỏi được đặt
ra là: Tại sao vẫn còn sự nghèo đói và thiếu thốn trên bất kỳ miền đất nào, bất
kỳ thành phố nào, bất kỳ bàn ăn nào, trong khi con người đã có đủ nguồn lực và
thành tựu khoa học để đảm bảo mọi nhu cầu thiết yếu cho cả nhân loại? Chúng ta
thậm chí có thể dẫn nước vào các hoang mạc và thay thế cả lớp đất bề mặt. Chúng
ta không thể đổ thừa cho việc thiếu thốn đất đai, vì có đến hai mươi lăm triệu
dặm vuông đất có thể canh tác được, và chúng ta mới chỉ sử dụng khoảng dưới bảy
triệu. Chúng ta có những hiểu biết tuyệt vời về vitamin, dinh dưỡng, hóa thực
phẩm và đặc tính của nguyên tử. Chúng ta không thiếu nguồn nhân lực, cái chúng
ta thiếu là ước vọng [xóa bỏ đói nghèo-ND]. Những người có cuộc sống sung túc
và an toàn thường trở nên bàng quan và mù tịt về sự nghèo đói và túng thiếu
xung quanh. Người nghèo trên các đất nước của chúng ta đã bị loại ra khỏi tâm
trí của chúng ta và bị đẩy ra ngoài lề dòng chảy chính của xã hội bởi chúng ta
đã chấp nhận lãng quên họ. Cũng giống như việc các phong trào bất bạo động đã vạch
ra sự xấu xa của bất bình đẳng chủng tộc, tính lây nhiễm và sự bệnh hoạn của
đói nghèo cũng cần phải được khám phá và chữa trị- không chỉ các triệu chứng của
nó, mà phải gồm cả các nguyên nhân gốc rễ. Đây cũng sẽ là một cuộc chiến khốc
liệt, nhưng chúng ta không được ngần ngại mà phải theo đuổi đến cùng phương thuốc
chữa trị căn bệnh này, bất kể nhiệm vụ đó khó khăn đến thế nào.
Thời khắc cho cuộc chiến chống đói nghèo trên khắp thế giới đã đến. Các quốc
gia giàu có phải sử dụng nguồn lực của cải to lớn để thúc đẩy sự phát triển ở
các quốc gia chậm tiến, để đào tạo những người chưa có cơ hội đến trường, và để
cung cấp lương thực cho những nơi thiếu đói. Sau cùng thì một quốc gia được coi
là vĩ đại chính là một quốc gia giàu lòng trắc ẩn. Không một cá nhân hay quốc
gia nào có thể trở nên vĩ đại nếu không quan tâm đến ít nhất một trong những việc
kể trên. Khắc sâu trong truyền thống tôn giáo của chúng ta là lòng tin rằng con
người được tạo ra dưới hình ảnh của Thiên Chúa, và họ là những linh hồn mang
trong mình giá trị trừu tượng vô lượng, là những người thừa kế một di sản về phẩm
giá và các giá trị tốt đẹp. Nếu chúng ta cảm nhận điều này như một thực tế đạo
đức sâu sắc, chúng ta sẽ không thể bàng quan trước đói nghèo, trước việc đồng
loại trở thành những nạn nhân của nghèo đói và bệnh tật khi chúng ta có đủ điều
kiện giúp đỡ họ. Những quốc gia giàu có phải tiến lên để lấp đầy hố sâu ngăn
cách giữa thiểu số giàu có và đa số nghèo túng.
Cuối cùng, người giàu không thể bỏ mặc kẻ nghèo, bởi cả giàu và nghèo đều được
dệt lẫn vào nhau trong tấm thảm định mệnh. Toàn bộ sự sống đều có quan hệ khăng
khít với nhau, và mọi người đều phụ thuộc vào nhau. Sự thống khổ của kẻ nghèo
làm người giàu “nghèo” đi, và sự cứu rỗi của họ sẽ làm người giàu trở nên
“giàu” hơn. Chúng ta chắc chắn là những người anh em trông coi lẫn nhau bởi cấu
trúc tương thuộc của hiện thực. John Donne đã diễn giải chân lý này bằng ngôn
ngữ hình tượng khi ông nói [15] :
Chẳng ai là hoang đảo, riêng biệt một mình;
Mỗi người là một phần của đại lục mênh mông;
Nếu một viên đất bị biển cả cuốn đi, châu Âu sẽ liền nhỏ lại,
Và Promontorie cũng vậy,
Và Trang viên của bạn người, hay của chính người cũng vậy;
Mỗi người chết đi đều làm tổn thương ta,
Bởi ta là một phần của cả loài người;
Vì thế chớ hỏi tiếng chuông nguyện hồn ai,
Chuông nguyện hồn ta đó.
Điều tệ hại thứ ba mà thế giới phải đối mặt là chiến tranh. Những sự kiện gần
đây nhắc nhở chúng ta rằng các quốc gia không những không giảm mà còn tăng cường
khả năng về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Những bộ óc lỗi lạc nhất tại các quốc
gia phát triển cao trên thế giới đang được dùng để nghiên cứu công nghệ quân sự.
Sự phổ biến của vũ khí hạt nhân chưa bao giờ được ngăn chặn, bất chấp tinh thần
của Hiệp ước về Hạn chế Thử Vũ khí Hạt nhân [16] . Ngược lại, việc cho nổ thành công thiết
bị hạt nhân lần đầu tiên bởi một thế lực được coi là chưa phát triển, không phải
người da trắng, không phải người phương Tây, mang tên Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa[17] , đã mở ra trước toàn nhân loại một viễn
cảnh mới với sự khủng bố tiềm ẩn bởi nguy cơ thường trực về thảm họa hủy diệt.
Thực tế là trong phần lớn thời gian, con người đã luôn gạt ra khỏi đầu những
suy nghĩ về bản chất và các nguy cơ của chiến tranh hạt nhân bởi vì nó quá khủng
khiếp và vì vậy “không thể chấp nhận được”. Thực tế này không hề thay đổi bản
chất và nguy cơ của một cuộc chiến tranh như thế. Cơ chế “gạt ra khỏi đầu” này
có thể tạm thời che đậy nỗi âu lo, nhưng không thể đem đến sự bình an trong tâm
hồn và cảm giác an toàn.
Sự thật là thiên hướng của loài người vẫn nghiêng về chiến tranh. Nhưng những
trải nghiệm nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh đã lỗi thời. Đã từng có thời chiến
tranh được coi như một thứ “hàng hóa xấu” [được tiêu dùng] nhằm ngăn chặn sự
lan tràn và sinh sôi của các thế lực đen tối, nhưng ngày nay, sức mạnh hủy diệt
của vũ khí hiện đại đã loại trừ thậm chí cả khả năng coi chiến tranh là hàng
hóa xấu này. Nếu chúng ta cho rằng sự sống là đáng giá, và loài người được quyền
sinh tồn, thì chúng ta phải tìm một phương cách thay thế chiến tranh. Vào một
ngày, khi các phi thuyền lao ầm ầm trên không gian và tên lửa đạn đạo vẽ trên trời
những xa lộ chết chóc xuyên qua tầng bình lưu, thì không một quốc gia nào có thể
tuyên bố chiến thắng trong một cuộc chiến như thế. Cái gọi là chiến tranh cục bộ
sẽ không để lại gì ngoài những di chứng thảm khốc về sự đau khổ của con người,
rối loạn chính trị và những tan vỡ về tâm linh. Một cuộc chiến tranh quy mô
toàn cầu– lạy Chúa tôi! – sẽ chỉ để lại những tro tàn âm ỉ cháy như những chứng
tích câm lặng về [sự từng tồn tại của] loài người: sự điên rồ của họ đã dẫn đến
không gì khác hơn là sự tận thế. Vì vậy, nếu loài người hiện đại vẫn không ngần
ngại tiếp tục lả lơi với chiến tranh, hắn sẽ biến đổi môi trường sống của trái
đất này thành địa ngục hãi hùng đến mức thậm chí Dante cũng không thể tưởng tượng
ra được.
Chính vì thế, tôi liều mạng gợi ý tới tất cả các bạn, tới tất cả những ai nghe
và cuối cùng đọc lấy những dòng chữ này, rằng triết lý và chiến lược bất bạo động
cần ngay lập tức trở thành một chủ đề để học hỏi và những thử nghiệm nghiêm túc
trong mọi trường hợp có mâu thuẫn giữa con người, không loại trừ mâu thuẫn giữa
các quốc gia. Rốt cuộc thì chính các quốc gia đã tiến hành chiến tranh và sản
xuất các loại vũ khí hoặc đe dọa sự tồn tại của nhân loại đều mang trong mình cả
hai tính chất diệt chủng và tự vẫn.
Cũng tại đây, chúng ta phải động đến một thói quen cổ xưa, những cấu trúc rộng
lớn của quyền lực và phải giải quyết những vấn đề phức tạp không thể tưởng tượng
nổi. Nhưng chỉ trừ khi chúng ta cùng từ bỏ nhân tính, chịu khuất phục trước nỗi
khiếp nhược và bất lực trước sự hiện diện của vũ khí do chính chúng ta tạo nên,
còn không sẽ là rất khẩn thiết và cấp bách phải đặt dấu chấm hết cho chiến
tranh và bạo lực giữa các quốc gia, cũng như phải đặt dấu chấm hết cho sự bất
bình đẳng chủng tộc. Bình đẳng với người da trắng sẽ chẳng giải quyết được các
vấn đề của cả hai cộng đồng da trắng và da đen nếu nó là sự bình đẳng trong một
xã hội đắm trong bùa mê khủng bố và một thế giới mang số phận phải bị tuyệt diệt.
Tôi không cầu mong làm nhỏ lại những vấn đề vốn phức tạp và cần phải đối diện để
đạt được thỏa thuận giải trừ quân bị hay hòa bình. Nhưng tôi nghĩ sự thật là
chúng ta sẽ chẳng có ý chí, sự dũng cảm và tầm nhìn để giải quyết những vấn đề
đó, trừ khi chúng ta đã được chuẩn bị để chấp nhận việc xem xét lại về mặt tinh
thần và đạo đức – [chấp nhận] một thay đổi của định hướng cho phép chúng ta
nhìn thấy những thứ dường như thực nhất và mạnh mẽ nhất bỗng chốc trở nên vô thực
và phải được khai tử. Chúng ta cần phải tạo ra những nỗ lực mạnh mẽ để sẵn
sàng, thực ra là nhiệt thành, để bước vào một thế giới mới mà nay đã khả thi,
“một thành phố có những nền móng mà người xây dựng nên nó là Thiên Chúa.” [18]
Chúng ta sẽ không xây dựng một thế giới hòa bình theo cách bị động. Sẽ không
bao giờ là đủ nếu chỉ nói “Chúng ta phải không tiến hành chiến tranh”. Cần phải
yêu hòa bình và chấp nhận hy sinh cho nó. Chúng ta không chỉ dừng ở mặt tiêu cực
là ngăn chặn chiến tranh, mà phải tiến tới mặt tích cực là khẳng định hòa bình.
Có một câu chuyện hấp dẫn được gìn giữ từ kho tàng cổ tích Hy Lạp kể về Ulysses
và những nàng tiên cá. Những nàng tiên cá có giọng hát vô cùng ngọt ngào khiến
cho các thủy thủ không thể cưỡng lại và hướng tàu về phía hòn đảo có giọng hát
thần tiên này. Rất nhiều thuyền đã ghé vào, các chàng trai đã quên hết gia
đình, nhiệm vụ, và danh dự khi họ tự nhảy xuống biển cả để được sa vào những
vòng tay [của các nàng tiên cá] sẽ đưa họ đến cái chết. Ulysses quyết không bị
quyến rũ, và chàng buộc mình vào cột buồm, bịt tai tất cả các thủy thủ bằng sáp
ong. Nhưng cuối cùng chàng và đoàn thuỷ thủ đã học được cách tốt hơn để cứu
chính mình: họ đưa Orpheus, người có giọng hát quyến rũ hơn cả các tiên cá, lên
tàu đi cùng. Và khi Orpheus cất tiếng hát, liệu còn ai quan tâm đến những nàng
tiên cá?
Đã đến lúc chúng ta cần xác định lại tầm nhìn của chúng ta, không chỉ đơn thuần
là thụ động ngăn chặn chiến tranh, mà cần chủ động khẳng định hòa bình. Chúng
ta phải thấy rằng hòa bình đại diện cho một khúc nhạc ngọt ngào hơn, một giai
điệu hài hòa ưu việt hơn nhiều so với tạp âm của chiến tranh. Bằng cách nào đó,
chúng ta phải chuyển động thái đua sức mạnh trên thế giới từ cái tiêu cực là chạy
đua hạt nhân -cái chẳng ai giành thắng lợi- thành cuộc đua tích cực về việc vận
dụng trí tuệ con người vào mục đích biến hòa bình và thịnh vượng thành hiện thực
đối với mọi dân tộc trên thế giới. Tóm lại, chúng ta cần chuyển cuộc chạy đua
vũ khí thành cuộc chạy đua “hòa bình.” Nếu chúng ta có ý chí và sự kiên định để
thực hiện một cuộc đua tranh hòa bình như vậy, chúng ta sẽ mở ra được cánh cửa
hi vọng bấy lâu nay vẫn khóa chặt, và biến khúc bi ca nhân loại sắp xảy ra
thành bản thánh ca toàn thiện sáng tạo.
Tất cả những điều tôi nói có thể tóm lại thành một khẳng định rằng sự tồn tại của
loài người phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc giải quyết các vấn đề về
phân biệt chủng tộc, nghèo đói và chiến tranh; giải đáp cho những vấn đề trên lại
phụ thuộc vào việc vun đắp sự tiến bộ về đạo đức cho kịp bước với sự tiến bộ
khoa học, và học cái nghệ thuật sống một cách hài hòa. Cách đây vài năm, một
nhà văn nổi tiếng đã qua đời. Trong bản thảo của ông, người ta tìm thấy các cốt
truyện gợi ý cho những tác phẩm tương lai, đoạn nổi tiếng nhất trong số đó là:
“Một gia đình bị chia rẽ nặng nề được thừa kế một ngôi nhà mà trong đó họ phải
sống chung với nhau”. Đó cũng là vấn đề lớn đang nóng bỏng của cả loài người.
Chúng ta được thừa kế một ngôi nhà lớn, “ngôi nhà thế giới” vĩ đại, và chúng ta
phải sống chung, người da trắng cùng người da đen, người phương Tây và người
phương Đông, người Do Thái và Phi Do Thái, Tin lành và Công giáo La mã, Hồi
giáo và Hindu, một gia đình bị chia rẽ bởi chính kiến, văn hóa và sở thích, những
người mà - vì chúng ta không thể sống không có nhau được nữa- bằng cách nào đó,
buộc phải học cách chung sống cùng nhau trong thế giới này.
Điều đó có nghĩa là càng ngày lòng trung thành của chúng ta càng phải trở nên gắn
với cả thế giới, thay vì chỉ gắn với cục bộ. Chúng ta phải dành lòng trung
thành tối cao cho loài người nói chung, để bảo vệ giá trị tốt đẹp nhất trong mỗi
xã hội riêng của chúng ta.
Lời kêu gọi cho một tình bằng hữu quốc tế sẽ nâng mức quan tâm tầm gần vượt khỏi
phạm vi bộ lạc, chủng tộc, giai cấp, quốc gia; và thực sự là lời kêu gọi cho một
tình yêu đại đồng và vô điều kiện cho tất cả loài người. Quan niệm thường bị hiểu
sai và diễn dịch sai này từng bị những người [theo chủ nghĩa hư vô] Nietzsches
trên thế giới sẵn sàng loại bỏ vì nghĩ rằng nó là một lực lượng yếu đuối và hèn
nhát, ngày nay đã trở thành một sự cần thiết tuyệt đối cho sự tồn vong của cả
loài người. Khi tôi nói về sự yêu thương, tôi không nói về những phản hồi ủy mị
và yếu đuối, vốn chẳng hơn gì những xúc cảm bậy bạ. Tôi muốn nói về cái lực lượng
mà mọi tôn giáo lớn đều nhìn nhận là nguyên tắc thống nhất tối cao của cuộc sống.
Tình thương yêu, bằng cách nào đó, là chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến hiện thực
tuyệt đối. Các đức tin Hindu, Hồi giáo, Thiên Chúa, Do Thái và Đạo Phật về hiện
thực tuyệt đối có thể tóm lược hoàn hảo bằng những lời trong bức thư thứ nhất của
thánh John [19] :
Hãy để chúng ta yêu thương nhau: vì tình yêu đến từ Thiên Chúa; và mọi người biết
yêu đều do Thiên Chúa tạo ra, và đều biết Ngài; kẻ nào không biết đến yêu
thương thì không biết đến Thiên Chúa; vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Nếu
chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa sẽ sống trong ta, và tình yêu của Ngài sẽ
được hoàn thiện trong ta.
Chúng ta hãy hi vọng rằng tinh thần đó sẽ thành chỉ dẫn hằng ngày. Như Arnold
Toynbee [20] đã nói: “Tình yêu thương có sức mạnh tột
cùng để che chở cuộc sống và những điều tốt lành khỏi sự nguyền rủa của chết
chóc và khổ đau. Cho nên, ước vọng đầu tiên trong chúng ta phải là ước vọng rằng
thương yêu có tiếng nói quyết định”. Chúng ta không còn có thể tôn thờ vị Chúa
tể của lòng hận thù hay cúi đầu trước bàn thờ của triết lý nợ máu trả máu. Những
đại dương lịch sử bị khuấy động bởi những đợt triều dâng liên tiếp của lòng thù
hận. Lịch sử là mớ hỗn độn mảnh vỡ của các quốc gia và con người đang theo đuổi
con đường tự diệt vong của hận thù. Tình yêu thương là nút gỡ cho các vấn đề đó
của thế giới.
Cho phép tôi kết thúc bằng cách nói lên rằng tôi có niềm tin cá nhân rằng loài
người sẽ bằng cách nào đó đối diện được với tình huống này và đưa ra những hướng
đi mới cho cái thời đại đang nhanh chóng lao vào chỗ diệt vong. Mặc cho những
căng thẳng và bất định của thời đại này, một điều gì đó mang ý nghĩa sâu sắc
đang dần xuất hiện. Những hệ thống bóc lột và đàn áp cũ đang chết dần, và trong
tử cung một thế giới mong manh, những hệ thống mới của công bằng và bình đẳng
đang được thai nghén. Cánh cửa cơ hội đang dần mở ra cho những người ở tận đáy
của xã hội. Những con người hoàn toàn vô sản của mảnh đất này đang dần ý thức
được rằng mình là “một ai đó” và đang đục những đường hầm hy vọng xuyên qua những
núi đồi tuyệt vọng tăm tối. “Những người ngồi trong bóng tối đã nhìn thấy ánh
sáng tuyệt diệu”. [21] Chỗ này chỗ kia đã có những cá nhân và
nhóm người dám yêu thương và lên đến tầm cao huy hoàng của giác ngộ đạo đức. Do
đó, đích thực là ta đang được sống trong một thời khắc tuyệt vời. Cho nên, tôi
chưa bao giờ tuyệt vọng trước tương lai. Ngay cả trước thực tế là chủ nghĩa lạc
quan dễ dãi của ngày hôm qua đã trở nên không thể. Ngay cả trước thực tế là những
người tiên phong tranh đấu cho hòa bình và tự do vẫn đang luôn phải đối mặt với
tù tội, và thậm chí cả sự đe dọa đau đớn của cái chết; họ vẫn tiếp tục bị chà đạp
và ngược đãi, dẫn họ tới cảm giác đeo đẳng rằng mình không thể mang vác lâu hơn
những những gánh nặng [trách nhiệm] đó, và sẽ bị cám dỗ bởi ý muốn trốn chạy để
có một cuộc sống yên tịnh và thanh bình hơn. Ngay cả khi thực tế là chúng ta
đang đối mặt với một thế giới khủng hoảng, đẩy chúng ta vào chỗ luôn đứng giữa
biển đời đầy ta thán. Nhưng mọi khủng hoảng đều có những hiểm nguy lẫn thời cơ.
Nó có thể vừa đem lại bất hạnh vừa đem lại sự cứu rỗi. Trong bóng đêm lẫn lộn mịt
mờ của thế giới này, thiên đường của Thiên Chúa có thể vẫn đang ngự trị trong mỗi
trái tim con người chúng ta.
__________ TS. King phát biểu bài này tại thính phòng trường Đại học Tổng hợp Oslo. Lời văn được trích nguyên văn từ Les Prix Nobel em 1964, sau đó được tạp chí New York Timestrích đăng. Bài diễn văn đón nhận [giải Nobel] được trình bày tại cùng địa điểm trên trước một ngày, và được ghi lại đầy đủ cả trong Les Prix Nobel en 1964 và New York Times.
© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas
[1]Henry David Thoreau (1817-1862), Nhà thơ và nhà viết tiểu luận Mỹ.
[2]Alfred North Whitehead (1861-1947). Nhà triết học và toán học Anh, giáo sư tại Đại học Luân Đôn và Đại học Harvard.
[3]"There is one thing stronger than all the armies in the world and that is an idea whose time has come." Có nhiều cách dịch khác nhau; Có lẽ bắt nguồn từ Histoire d'un crime, "Conclusion-La Chute", ch. 10 của Victor Hugo.
[4]“Ain't Gonna Let Nobody Turn Me Around” là đề tựa của một bài nguyện cầu cổ xưa của người theo Baptist.
[5]Exodus 5:1; 8:1; 9:1; 10:3.
[6]"Brown vs. Board of Education of Topeka", 347 U.S. 483, có nói về quyết định ngày 17 tháng Năm, 1954, quy định cấm các tiểu bang phân biệt đối xử trong các trường công. "Bolling vs. Sharpe", 347 U.S. 497, nói về quyết định ban hành cùng ngày quy định trách nhiệm của liên bang trong việc xóa bỏ sự phân biệt trong hệ thống trường công; thí dụ, ở Washington, D.C. "Brown vs. Board of Education of Topeka", Nos. 1-5. 349 U.S. 249, có nói đến ý kiến ngày 31 tháng Năm, 1955, về việc kêu gọi các quyết định đối với 2 trường hợp trên, quy định việc tuyển chọn vào “trường công phải dựa trên việc không phân biệt đối xử chủng tộc với tốc độ nhanh nhất”.
[7]Công Luật 88-352, ký bởi tổng thống Johnson vào ngày 2, tháng Bảy 1964.
[8]Cả Les Prix Nobel và New York Times đều đọc là "retrogress".
[9]Lyndon B. Johnson đánh bại Barry Goldwater trong cuộc phổ thông đầu phiếu với số phiếu 43,128,956 so với 27,177,873.
[10]Xem chú thích về Gandhi, seep. 329, fn. 1.
[11]Tìm hiểu về các hoạt động đấu tranh vì quyền dân sự của cả người da đen lẫn da trắng từ1954 tới 1964, xem Alan F. Westin, Freedom Now: The Civil Rights Struggle in America (New York: Basic Books, 1964), đặc biệt là Phần IV, "The Techniques of the Civil Rights Struggle"; Howard Zinn, SNCC: The New Abolitionists (Boston: Beacon Press, 1964); Eugene V. Rostow, "The Freedom Riders and the Future", The Reporter (June 22, 1961); James Peck, Cracking the Color Line: Nonviolent Direct Action Methods of Eliminating Racial Discrimination (New York: CORE, 1960).
[12]Tháng Một ngày 8, 1964.
[13]Thomas Robert Malthus (1766-1834), An Essay on the Principle of Population (1798).
[14]Kirtley F. Mather, Enough and to Spare: Mother Earth Can Nourish Every Man in Freedom (New York: Harper, 1944).
[15]Donne (1572?-1631), thi sĩ người Anh, trong những dòng cuối cùng của "Devotions" (1624).
[16]Được gọi chính thức là "Hiệp Ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Trong Khí quyển, Không gian và Dưới nước”, ký bởi Nga, Anh, và Mỹ vào Tháng Bảy ngày 25, 1963.
[17]Vào tháng Mười 16, 1964.
[18]Hebrews II: 10.
[19]I John 4:7-8, 12.
[20]Arnold Joseph Toynbee (1889- ), nhà sử học người Anh với công trình vĩ đại là Bộ 10 tập A Study of Story (1934-1954).
[21]Đoạn trích này có thể dựa trên một đoạn trong Luke 1:79, "To give light to them that sit in darkness and in the shadow of death"; hoặc từ Psalms 107:10, "Such as sit in darkness and in the shadow of death"; hoặc từ Mark Twain's To the Person Sitting in Darkness (1901), "The people who sit in darkness have noticed it...".
[2]Alfred North Whitehead (1861-1947). Nhà triết học và toán học Anh, giáo sư tại Đại học Luân Đôn và Đại học Harvard.
[3]"There is one thing stronger than all the armies in the world and that is an idea whose time has come." Có nhiều cách dịch khác nhau; Có lẽ bắt nguồn từ Histoire d'un crime, "Conclusion-La Chute", ch. 10 của Victor Hugo.
[4]“Ain't Gonna Let Nobody Turn Me Around” là đề tựa của một bài nguyện cầu cổ xưa của người theo Baptist.
[5]Exodus 5:1; 8:1; 9:1; 10:3.
[6]"Brown vs. Board of Education of Topeka", 347 U.S. 483, có nói về quyết định ngày 17 tháng Năm, 1954, quy định cấm các tiểu bang phân biệt đối xử trong các trường công. "Bolling vs. Sharpe", 347 U.S. 497, nói về quyết định ban hành cùng ngày quy định trách nhiệm của liên bang trong việc xóa bỏ sự phân biệt trong hệ thống trường công; thí dụ, ở Washington, D.C. "Brown vs. Board of Education of Topeka", Nos. 1-5. 349 U.S. 249, có nói đến ý kiến ngày 31 tháng Năm, 1955, về việc kêu gọi các quyết định đối với 2 trường hợp trên, quy định việc tuyển chọn vào “trường công phải dựa trên việc không phân biệt đối xử chủng tộc với tốc độ nhanh nhất”.
[7]Công Luật 88-352, ký bởi tổng thống Johnson vào ngày 2, tháng Bảy 1964.
[8]Cả Les Prix Nobel và New York Times đều đọc là "retrogress".
[9]Lyndon B. Johnson đánh bại Barry Goldwater trong cuộc phổ thông đầu phiếu với số phiếu 43,128,956 so với 27,177,873.
[10]Xem chú thích về Gandhi, seep. 329, fn. 1.
[11]Tìm hiểu về các hoạt động đấu tranh vì quyền dân sự của cả người da đen lẫn da trắng từ1954 tới 1964, xem Alan F. Westin, Freedom Now: The Civil Rights Struggle in America (New York: Basic Books, 1964), đặc biệt là Phần IV, "The Techniques of the Civil Rights Struggle"; Howard Zinn, SNCC: The New Abolitionists (Boston: Beacon Press, 1964); Eugene V. Rostow, "The Freedom Riders and the Future", The Reporter (June 22, 1961); James Peck, Cracking the Color Line: Nonviolent Direct Action Methods of Eliminating Racial Discrimination (New York: CORE, 1960).
[12]Tháng Một ngày 8, 1964.
[13]Thomas Robert Malthus (1766-1834), An Essay on the Principle of Population (1798).
[14]Kirtley F. Mather, Enough and to Spare: Mother Earth Can Nourish Every Man in Freedom (New York: Harper, 1944).
[15]Donne (1572?-1631), thi sĩ người Anh, trong những dòng cuối cùng của "Devotions" (1624).
[16]Được gọi chính thức là "Hiệp Ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Trong Khí quyển, Không gian và Dưới nước”, ký bởi Nga, Anh, và Mỹ vào Tháng Bảy ngày 25, 1963.
[17]Vào tháng Mười 16, 1964.
[18]Hebrews II: 10.
[19]I John 4:7-8, 12.
[20]Arnold Joseph Toynbee (1889- ), nhà sử học người Anh với công trình vĩ đại là Bộ 10 tập A Study of Story (1934-1954).
[21]Đoạn trích này có thể dựa trên một đoạn trong Luke 1:79, "To give light to them that sit in darkness and in the shadow of death"; hoặc từ Psalms 107:10, "Such as sit in darkness and in the shadow of death"; hoặc từ Mark Twain's To the Person Sitting in Darkness (1901), "The people who sit in darkness have noticed it...".
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5250&rb=0402