Hướng tới củng cố dân chủ

Posted on
  • Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Larry Diamond
    Lâm Yến, Khải Minh dịch

    Trong làn sóng dân chủ hoá toàn cầu lần thứ ba này, không hiện tượng nào thu hút trí tưởng tượng của các học giả, nhà quan sát và các nhà hoạt động hơn là "xã hội dân sự". Liệu còn gì gây xúc động hơn là những nhóm sinh viên, nhà văn, nghệ sĩ, linh mục, giáo viên, công nhân và các bà mẹ dũng cảm dám thách thức sự lập lờ, tham nhũng và ách thống trị bạo tàn của các nhà nước độc tài? Liệu có bất kì một biểu tượng nào gợi hứng cho những nhà dân chủ hơn là cái ta đã chứng kiến ở Manila năm 1986, khi hàng trăm ngàn công dân được tổ chức lại, tràn ngập các đường phố để đòi lại cuộc bầu cử bị đánh cắp và buộc Ferninand Marcos rời ngôi vị qua "quyền lực nhân dân" không bạo động?
    Tuy nhiên, trên thực tế, việc lật đổ các chính quyền độc tài qua đối lập dân chủ được vận động rộng khắp, dựa vào quảng đại quần chúng chưa trở thành một thông lệ [vào thời điểm Diamond viết bài này-ND]. Hầu hết các quá trình chuyển tiếp dân chủ đều kéo dài và thông qua thương nghị (nếu không phải là được kiểm soát từ bên trên bởi các nhà độc tài đang tại vị). Tuy nhiên, kể cả trong những chuyển tiếp có thương nghị và được kiểm soát như thế, động năng của dân chủ hoá, và đặc biệt là áp lực hoàn thiện tiến trình đó, thường đến từ "sự trỗi dậy của xã hội dân sự", sự tái cấu trúc không gian công, và vận động mọi tổ chức đối lập và các phong trào cơ sở (grassroots) bằng mọi phương pháp [1] .
    Nếu như sự quan tâm mới hồi sinh về xã hội dân sự có thể được truy nguyên nguồn gốc lý thuyết về Alexis de Tocqueville, thì có vẻ như quan tâm ấy lại mang nợ Jean-Jacques Rousseau về cảm hứng và tinh thần, bởi sự lãng mạn hoá "nhân dân" như là một lực lượng vì lợi ích chung, vùng dậy để khẳng định ý chí dân chủ chống lại nền độc tài hẹp hòi và xấu xa. Hình ảnh về sự vận động rộng khắp đã thấm đẫm tư tưởng đương đại về thay đổi dân chủ khắp châu Á, Mỹ Latinh, Đông Âu, và Phi Châu-và điều này hoàn toàn không phải vô cớ.
    Ở Hàn Quốc, Đài Loan, Chile, Ba Lan, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Nam Phi, Nigeria, và Benin (mới chỉ là một danh sách không đầy đủ), cuộc vận động xã hội dân sự rộng khắp là một nguồn sức ép cơ bản cho những thay đổi dân chủ. Các công dân thách thức nền độc tài không với tư cách cá nhân, mà với tư cách là thành viên của các phong trào sinh viên, nhà thờ, hội nghề nghiệp, tổ chức phụ nữ, công đoàn, các tổ chức nhân quyền, các nhà sản xuất, báo chí, các tổ chức dân sinh và vân vân.
    Giờ đây, đã hiển nhiên là để hiểu những đổi thay dân chủ trên toàn thế giới, người ta không thể không nghiên cứu xã hội dân sự. Dù thế, những nghiên cứu như vậy thường cung cấp cái nhìn một chiều và sai lạc. Để hiểu vai trò của xã hội dân sự trong việc kiến tạo nền dân chủ đòi hỏi một lý thuyết phong phú hơn, và khái niệm hoá (conceptualization) phức tạp hơn. Sự đối lập đơn giản giữa nhà nước và xã hội dân sự, bị khoá chặt trong thế anh thắng tôi thua, sẽ không giải quyết được vấn đề. Chúng ta cần xác định rõ hơn xã hội dân sự là gì và không là gì, để xác định những biến thể vốn rất đa dạng trong hình thức và đặc điểm của nó. Chúng ta không những phải hiểu những kênh đa dạng mà xã hội dân sự có thể đóng góp vào nền dân chủ, mà còn phải hiểu những mâu thuẫn và căng thẳng mà nó tạo ra và chứa đựng. Chúng ta cần suy nghĩ về những đặc điểm của xã hội dân sự có nhiều khả năng giúp ích nhiều nhất cho sự phát triển và củng cố của nền dân chủ. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta phải tạo lập một bức tranh thực tế hơn về giới hạn của tiềm năng đóng góp của xã hội dân sự vào dân chủ, và vì vậy, về mức độ chú tâm mà nhà dân chủ phải đặt vào nhiệm vụ xây dựng xã hội dân sự trong vô số các thách thức của việc củng cố nền dân chủ.

    Xã hội dân sự là gì và không là gì
    Xã hội dân sự ở đây được hiểu là một mảng của đời sống xã hội có tổ chức, mang tính tự nguyện, tự tái tạo, (hầu như) tự tài trợ, độc lập với nhà nước, và gắn bó với nhau bằng một trật tự pháp lý hay một số nguyên tắc chung. Nó khác với "xã hội" nói chung ở chỗ nó gồm các công dân hành động tập thể trong môi trường công (public sphere) để thể hiện các lợi ích, quan tâm và các ý tưởng của họ, cũng như trao đổi thông tin, giành các mục tiêu chung, yêu sách với nhà nước, và trông chừng các quan chức. Xã hội dân sự là một thực thể trung gian, nằm giữa môi trường tư (private sphere) và nhà nước. Như vậy, nó loại trừ đời sống cá nhân và gia đình, các hoạt động nhóm hướng nội (ví dụ như thể thao, giải trí hay tâm linh), các hoạt động kiếm lời của các doanh nghiệp, và các nỗ lực chính trị nhằm giành quyền kiểm soát chính quyền. Các nhân vật trong xã hội dân sự cần sự bảo vệ bởi một trật tự pháp luật được thể chế hoá nhằm bảo đảm quyền tự trị của họ và quyền tự do hành động. Do đó, xã hội dân sự không chỉ hạn chế sức mạnh nhà nước mà còn đem lại chính nghĩa cho quyền lực nhà nước, khi quyền lực đó dựa trên pháp quyền (rule of law). Khi bản thân nhà nước lại không có luật lệ và coi thường quyền tự trị của cá nhân và các nhóm, xã hội dân sự vẫn có thể tồn tại (dù chỉ dưới hình thức sơ khai hay hoang tàn) nếu như các thành tố của nó vận hành theo một nhóm các nguyên tắc được chia sẻ (thí dụ như những [nguyên tắc] tránh sử dụng bạo lực và tôn trọng đa nguyên). Đây là điều kiện không thể tối giản trong chiều cạnh "dân sự" của nó [2] .
    Xã hội dân sự bao gồm một dải rất rộng các tổ chức chính thức và không chính thức. Chúng gồm tổ chức mang tính: 1) kinh tế (các hiệp hội và mạng lưới sản xuất và thương mại); 2) văn hoá (tôn giáo, đạo đức, cộng đồng và các thiết chế và tổ chức khác bảo vệ các quyền, giá trị, niềm tin, tín ngưỡng, biểu tượng của tập thể); 3) thông tin và giáo dục (cho việc tạo ra và phát tán-dù là vụ lợi hay phi vụ lợi- những kiến thức, ý tưởng, tin tức và thông tin công (public); 4) dựa trên lợi ích (thiết kế để thúc đẩy hay bảo vệ những lợi ích căn bản hay lợi ích vật chất chung của các thành viên, có thể là công nhân, cựu chiến binh, người hưởng lương hưu, chuyên gia v.v.); 5) phát triển (các tổ chức kết hợp nguồn lực cá nhân để cải thiện hạ tầng, thể chế, và chất lượng cuộc sống của cộng đồng); 6) hướng vấn đề (các phong trào bảo vệ môi trường, quyền phụ nữ, cải cách ruộng đất, hay bảo vệ người tiêu dùng); 7) công dân (tìm các phương tiện phi đảng phái để cải thiện hệ thống chính trị và dân chủ hoá nó thông qua việc theo dõi nhân quyền, giáo dục và vận động cử tri, theo dõi bầu cử, các nỗ lực chống tham nhũng v.v.)
    Hơn nữa, xã hội dân sự bao gồm "thị trường ý thức hệ" và một dòng chảy thông tin và ý tưởng. Nó bao gồm không chỉ truyền thông độc lập mà còn các tổ chức thuộc về một không gian rộng hơn, gồm các hoạt động văn hoá và tri thức độc lập-các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà xuất bản, nhà hát, các xưởng phim, và các mạng lưới của giới nghệ sĩ.
    Từ trên đây, ta sẽ thấy rõ rằng xã hội dân sự không phải là một nhóm "còn lại", đồng nghĩa với xã hội, hay trùng với những gì không thuộc nhà nước hay hệ thống chính trị chính thức. Ngoài tính chất tự nguyện, tự tái tạo, tự trị và tuân theo quy định, các tổ chức của xã hội dân sự cũng khác với các tổ chức xã hội khác ở nhiều mặt. Một là, như nhấn mạnh ở trên, xã hội dân sự quan tâm đến các mục tiêu công, chứ không phải mục tiêu tư. Hai là, xã hội dân sự liên quan đến nhà nước theo cách nhất định, nhưng không nhằm mục đích giành quyền lực hay địa vị chính thức trong bộ máy nhà nước. Thay vào đó, các tổ chức xã hội dân sự tìm kiếm ở nhà nước tính khả tín và những nhượng bộ, những thay đổi, giảm nhẹ hay sửa chữa các chính sách. Các tổ chức công dân và các phong trào xã hội mong muốn thay đổi bản chất của nhà nước vẫn có thể được xếp vào xã hội dân sự, nếu những cố gắng của chúng bắt nguồn từ quan tâm đến lợi ích chung, và không từ tham vọng tự thân là giành quyền lực nhà nước cho mình. Vì thế, các phong trào hoà bình [đấu tranh] cho chuyển đổi dân chủ thường nảy sinh từ xã hội dân sự.
    Một điểm phân biệt nữa là xã hội dân sự thể hiện đa nguyên và đa dạng. Nếu một tổ chức-chẳng hạn như cực đoan tôn giáo, sô-vanh chủng tộc, cách mạng hay các phong trào cứu thế-mà tìm cách độc quyền hoá một khu vực chính trị hay chức năng trong xã hội, xác quyết rằng nó đại diện con đường duy nhất đúng, thì nó mâu thuẫn với bản chất đa nguyên và hướng thị trường của xã hội dân sự. Liên quan đến điểm này là chiều cạnh thứ tư, tính bộ phận (partialness), tức là không một nhóm nào trong xã hội dân sự muốn đại diện có toàn bộ lợi ích của một cá nhân hay một cộng đồng. Thay vào đó, các nhóm khác nhau đại diện cho các lợi ích khác nhau.
    Xã hội dân sự không chỉ khác và độc lập với nhà nước và xã hội nói chung, mà còn độc lập với mảng thứ tư của hành động xã hội, xã hội chính trị (tức là, về cơ bản, là hệ thống đảng phái). Các tổ chức và mạng lưới trong xã hội dân sự có thể liên minh với các đảng, nhưng nếu chúng bị lũng đoạn bởi các đảng, hay phục tùng chúng, thì các tổ chức ấy đã chuyển trọng tâm vào các hoạt động trong xã hội chính trị và mất phần lớn năng lực để thực hiện những chức năng trung gian và xây dựng dân chủ độc đáo của mình.

    Các chức năng dân chủ của xã hội dân sự
    Chức năng đầu tiên và căn bản nhất của xã hội dân sự là cung cấp "cơ sở cho việc giới hạn quyền lực nhà nước của xã hội, vì thế, cho việc kiểm soát nhà nước bởi xã hội, và do đó, cho các thể chế chính trị dân chủ với tư cách là công cụ thực thi việc kiểm soát đó một cách hữu hiệu nhất" [3] . Chức năng này có hai chiều: để giám sát và kiềm chế việc thực thi quyền lực của các nhà nước dân chủ, và để dân chủ hoá các nhà nước độc tài. Vận động xã hội dân sự là một biện pháp chính để vạch ra sự lạm dụng và làm xói mòn tính chính thống của các chính quyền độc tài. Đây là chức năng được phát huy một cách đầy kịch tính trong nhiều quá trình chuyển đổi dân chủ trong hai thập niên qua, đến mức nó đã đẩy xã hội dân sự lên tuyến đầu trong tư tưởng dân chủ. Tất nhiên lối suy nghĩ này chỉ tân trang ý tưởng thế kỷ 18 về xã hội dân sự như là trong thế đối lập với nhà nước, và, như tôi sẽ chỉ ra, nó chứa đựng những nguy cơ nếu đi quá xa [4] .
    Xã hội dân sự cũng là một công cụ tối quan trọng để kiềm chế quyền lực của các nhà nước dân chủ, trông chừng sự lạm dụng và vi phạm pháp luật tiềm ẩn của chúng, và đặt chúng dưới sự giám sát của công chúng. Thật vậy, một xã hội dân sự sống động thậm chí còn thiết yếu cho việc củng cố và duy trì nền dân chủ hơn cả việc khởi xướng nền dân chủ. Không có thay đổi nào nguy hại hơn với tính chính nghĩa của các nền dân chủ non trẻ hơn là tham nhũng chính trị tràn lan và trắng trợn, đặc biệt là trong các giai đoạn đau đớn nhằm tái cấu trúc kinh tế, mà trong đó nhiều nhóm và cá nhân bị đòi hỏi phải chịu đựng những khó khăn to lớn. Các nền dân chủ mới, nối tiếp các thời kì cai trị tuỳ tiện và tập quyền, thường thiếu các phương tiện luật pháp và bộ máy quan liêu để kiểm soát tham nhũng ngay từ đầu. Không có báo chí và các nhóm dân sự mạnh, được tự do trông chừng [nhà nước-ND] để thúc đẩy các cải cách thể chế, tham nhũng thường sẽ bùng phát.
    Hai là, một đời sống liên đới lành mạnh sẽ bổ sung cho vai trò của các chính đảng trong việc khuyến khích tham gia chính trị, tăng tính hướng đích và kỹ năng chính trị của các công dân trong chế độ dân chủ, và thúc đẩy nhận thức về nghĩa vụ cũng như các quyền của công dân dân chủ. Với quá nhiều người Mỹ (mà chỉ một nửa trong số họ còn bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống), thì đây có vẻ như là một bài giảng xa lạ và kỳ cục. Tuy nhiên, một thế kỷ rưỡi trước, sự tham gia tự nguyện của các công dân vào đủ loại liên đới bên ngoài nhà nước đã gây ấn tượng mạnh cho Tocqueville như là hòn đá tảng của văn hóa dân chủ hoá sự sống động về mặt kinh tế của Hợp Chủng Quốc non trẻ. Các tổ chức tự nguyện "do đó có thể được coi là các trường học độc lập lớn, mà trong đó mọi thành viên của cộng đồng đến học lý thuyết chung về liên đới", ông đã viết [5] .
    Xã hội dân sự còn có thể là một vũ đài quan trọng cho sự phát triển các thành tố dân chủ khác, như khoan dung, ôn hoà, sẵn sàng nhượng bộ, và tôn trọng các quan điểm trái ngược. Các giá trị và chuẩn mực này trở nên ổn định nhất khi chúng nổi lên thông qua kinh nghiệm, và tham gia vào các tổ chức trong xã hội dân sự, cung cấp bài học thực hành quan trọng về ủng hộ và cạnh tranh chính trị. Thêm vào đó, nhiều tổ chức dân sinh (như Conciencia, một mạng lưới các hiệp hội phụ nữ, được thành lập đầu tiên ở Argentina và từ đó đã lan sang 14 nước Mỹ Latinh khác) đang làm việc trực tiếp với các trường học và cùng với các nhóm thành niên khác, để phát triển các thành tố dân chủ này thông qua các chương trình tương tác mô tả quá trình động nhằm đạt tới đồng thuận trong một nhóm, chứng minh khả năng có thể tồn tại tranh luận nghiêm túc giữa các quan điểm cạnh tranh nhau, và các cách hợp tác để giải quyết các vấn đề trong cộng đồng của chính họ [6] .
    Cách thứ tư mà xã hội dân sự có thể đóng góp cho dân chủ là tạo ra các kênh nằm ngoài các đảng phái chính trị để biểu đạt, tập hợp và đại diện các lợi ích. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong việc đem lại khả năng tiếp cận quyền lực cho các nhóm mà trước đây bị gạt ra lề: phụ nữ và các sắc tộc hay chủng tộc thiểu số, vốn luôn bị từ chối trong "nấc thang bên trên của thể chế" trong chính trị chính thống. Thậm chí, ở những nơi mà phụ nữ đã từng đóng vai trò, qua nhiều phong trào và tổ chức (như ở Mỹ La tinh), nền chính trị và hành chính sau chuyển đổi thường quay lại mô thức đặc quyền và hẹp hòi trước đó. Ở Đông Âu, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự sút giảm địa vị xã hội và chính trị của phụ nữ sau chuyển đổi. Chỉ bằng các sức ép có tổ chức và lâu dài từ dưới lên, từ xã hội dân sự, thì quyền bình đẳng xã hội và chính trị mới được đẩy mạnh, và chất lượng, năng lực phản hồi và tính chính thống của nền dân chủ mới được nâng lên [7] .
    Xã hội dân sự cung cấp một nền tảng đặc biệt vững cho dân chủ khi nó tạo cơ hội tham gia và ảnh hưởng ở mọi cấp quản lý nhà nước, nhất là cấp địa phương. Bởi vì chính ở cấp địa phương mà các nhóm từng bị gạt ra lề trong lịch sử có nhiều cơ hội nhất để tác động vào chính sách công và phát triển cảm nhận về tính hướng đích (sense of efficacy) cũng như các kĩ năng chính trị thực tế. Do đó, dân chủ hóa chính quy hoá địa phương đi đôi với sự phát triển của xã hội dân sự là một điều kiện làm cho dân chủ và "quá trình chuyển tiếp từ quan hệ chủ tớ sang công dân" trở nên sâu sắc hơn ở Mỹ Latinh cũng như các nơi khác trong thế giới đang phát triển và hậu cộng sản [8] .
    Năm là, một xã hội dân sự đa nguyên sinh động, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển cao, sẽ có xu hướng tạo ra một dải rộng các lợi ích đan chéo, và do đó làm dịu bớt những sự phân cực cơ bản của xung đột chính trị. Trong khi các tổ chức dựa trên các giai cấp mới hình thành và các phong trào hướng-vấn đề (issue-oriented) khởi lên, chúng cũng lôi kéo các thành phần mới, cắt ngang qua các đường ranh giới về đảng phái, sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ. Khi lật đổ nền độc tài cộng sản (và các nền độc tài khác), những cấu trúc mới này có thể tạo ra một loại hình công dân hiện đại xuyên thấu các chia rẽ về lịch sử và ngăn chặn sự trỗi dậy của các xung lực dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. Trong chừng mực mà các cá nhân có quan tâm đa dạng và tham gia vào đủ loại tổ chức khác nhau để theo đuổi và thúc đẩy các lợi ích đó, họ sẽ liên kết với nhiều loại người khác nhau, những người có các lợi ích và quan điểm chính trị không đồng nhất. Những sức ép đan chéo này sẽ có khuynh hướng làm mềm sự quyết liệt trong quan điểm của chính họ, và hình thành các quan điểm chính trị rộng mở và tinh tế hơn, và vì thế sẽ khuyến khích sự khoan dung những khác biệt và sẵn sàng hơn cho nhượng bộ.
    Chức năng thứ sáu của một xã hội dân sự dân chủ là tuyển lựa và đào tạo các lãnh tụ chính trị mới. Trong một vài trường hợp, đây chính là mục đích của các tổ chức dân sinh. Ví dụ, Quỹ Evelio B. Javier ở Philippines có các chương trình đào tạo trên cơ sở phi đảng phái cho các ứng cử viên và quan chức thắng cử vào các vị trí địa phương và quốc gia, tập trung không chỉ vào các kỹ năng hành chính và kỹ thuật, mà còn vào các quy phạm mang tính chuẩn tắc về trách nhiệm công và tính minh bạch [9] . Thông thường hơn, việc tuyển lựa và đào tạo chỉ là một phụ phẩm dài hạn của việc vận hành thành công các tổ chức xã hội dân sự mà ở đó, các nhà hoạt động và lãnh tụ của các tổ chức này học được các kỹ năng và sự tự tin, những thứ trang bị sẵn sàng cho họ, để phục vụ trong chính quyền và nền chính trị đảng phái. Họ học cách tổ chức và khơi cảm hứng cho người khác, tranh luận, gây và quản lý quỹ, lập ngân sách, quảng bá nghị trình, quản lý nhân sự, vận động sự ủng hộ, và xây dựng các liên minh. Cùng lúc đó, công việc của họ nhân danh những người ủng hộ, hay nhân danh những thứ mà họ thấy là thuộc về lợi ích công cộng, và sự minh biện (articulation) của họ về các phương án khác nhau, rõ ràng và thuyết phục, cho một chính sách, có thể đem lại cho họ sự ủng hộ chính trị rộng lớn hơn. Các nhóm lợi ích, các phong trào xã hội và các nỗ lực của cộng đồng đủ loại do đó có thể đào tạo, tôi luyện và giới thiệu cho công chúng một lớp các nhà lãnh đạo chính trị tiềm năng đa dạng hơn (và mang tính đại diện hơn), những người có thể được các chính đảng thu nhận. Vì sự thống trị truyền thống của nam giới trong các kênh quyền lực, xã hội dân sự là một căn cứ đặc biệt quan trọng để đào tạo và thu nhận phụ nữ (và thành viên của các nhóm bị gạt ra lề khác) vào các vị trí của nền chính trị chính thống. Khi mà việc tuyển lựa các lãnh tụ chính trị trong các chính đảng cũ trở nên hẹp hòi hay bế tắc, chức năng này của xã hội dân sự có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng sức sống cho nền dân chủ và hồi sinh tính chính đáng của nó.
    Bảy là, nhiều tổ chức dân sự có các mục đích xây dựng dân chủ rõ ràng không chỉ giới hạn trong việc đào tạo khả năng lãnh đạo. Các nỗ lực phi đảng phái nhằm giám sát bầu cử đã và đang giữ vai trò quyết định trong việc ngăn chặn gian lận [trong bầu cử] và nâng cao niềm tin của cử tri, khẳng định tính hợp hiến của kết quả, và trong nhiều trường hợp (như ở Philippines năm 1986 và Panama năm 1989) chứng minh chiến thắng của phe đối lập bất chấp sự gian lận của chính quyền đương nhiệm. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử bản lề như các cuộc bầu cử đã khai sinh các nền dân chủ ở Chile, Nicaragua, Bulgaria, Zambia, và Nam Phi. Các tổ chức và viện nghiên cứu dân chủ đang làm việc ở nhiều nước để cải cách hệ thống bầu cử, dân chủ hoá các chính đảng, phi tập trung hoá và mở rộng chính quyền, tăng sức mạnh cho lập pháp, và củng cố tính khả tín của chính quyền. Và thậm chí sau chuyển đổi, các tổ chức nhân quyền vẫn tiếp tục đóng vai trò sống còn trong việc theo đuổi các cải cách luật pháp và tư pháp, cải thiện điều kiện trong nhà tù, và làm cho việc tôn trọng các quyền tự do cá nhân và quyền của người thiểu số được thể chế hoá rộng rãi hơn.
    Tám là, một xã hội dân sự sôi động sẽ lan truyền thông tin rộng rãi, do đó trợ giúp các công dân trong việc cùng nhau theo đuổi và bảo vệ quyền lợi và các giá trị của họ. Trong khi các nhóm của xã hội dân sự có thể đôi lúc thắng thế một cách tạm thời bởi con số thô (như trong các cuộc bãi công và biểu tình), họ thường không hiệu quả trong việc tranh cãi với các chính sách của nhà nước hay bảo vệ lợi ích của mình, trừ khi họ nắm được thông tin. Điều này đặc biệt đúng trong các tranh luận về chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia, khi mà bên dân sự ở các nước đang phát triển thường thiếu những kiến thức căn bản nhất. Báo chí tự do chỉ là một kênh cung cấp cho công chúng thông tin và các quan điểm thay thế. Các tổ chức đối lập có thể cung cấp cho các công dân những thông tin khó kiếm về các hoạt động của chính phủ mà không cần dựa vào cái nhà nước nói là nó đang thực hiện. Đây là một kỹ thuật căn bản của các tổ chức nhân quyền: bằng cách công kích các tuyên bố chính thức, họ làm cho nhà nước khó khăn hơn trong việc che giấu sự đàn áp và lạm dụng quyền lực.
    Sự lan truyền của thông tin và các tư tưởng mới là thiết yếu cho việc đạt được cải cách về kinh tế trong một nền dân chủ, và đây là chức năng thứ chín của xã hội dân sự. Trong khi các chính sách ổn định kinh tế trong các tình huống khủng hoảng phải được giới lãnh đạo trúng cử thực thi một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và đơn phương, thì các cải cách kinh tế mang tính cấu trúc sâu hơn, như tư nhân hoá, tự do hoá thương mại và tài chính- có vẻ như sẽ có hiệu quả lâu dài và rộng khắp hơn (và trong nhiều nước hậu cộng sản, là cách duy nhất) nếu chúng được thực thi qua một tiến trình mang tính dân chủ.
    Cải cách kinh tế thành công đòi hỏi sự ủng hộ của các liên minh chính trị trong xã hội và trong lập pháp. Những liên minh như thế không phải là tức thì, chúng phải được tạo lập dần dần. Ở đây, vấn đề chính không phải là quy mô, tính độc lập hay nguồn lực của xã hội dân sự, mà là sự phân phối của nó giữa các lợi ích. Các lợi ích cũ xác lập từ trước, những cái có nguy cơ bị mất đi do cải cách, thường được tổ chức thành các cấu trúc như các công đoàn trong khu vực quốc doanh và các mạng lưới kết nối các giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước hay chủ các ngành công nghiệp được ưu đãi với các ông chủ trong đảng cầm quyền. Đây chính là những lợi ích sẽ cản đường cải cách kinh tế, vốn sẽ đóng cửa các ngành công nghiệp không hiệu quả, giảm sự can thiệp của nhà nước và mở nền kinh tế ra cho cạnh tranh nội địa và quốc tế mạnh mẽ hơn. Các lợi ích mới và phân tán hơn, vốn sẽ được hưởng lợi từ cải cách -ví dụ như nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, và người tiêu dùng- thường là có tổ chức yếu hơn và thông tin kém hơn về các chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến họ. Ở Châu Á, Mỹ Latinh, và Đông Âu, những diễn viên mới trong xã hội dân sự- như là các viện nghiên cứu kinh tế, phòng thương mại, và các phóng viên, nhà bình luận và hãng truyền hình chuyên sâu về kinh tế học- đang bắt đầu vượt qua những rào cản về thông tin và tổ chức, đang vận động sự ủng hộ (và vô hiệu hoá những chống đối) cho các chính sách cải cách.
    Cuối cùng, có một chức năng thứ mười của xã hội dân sự- cái tôi đã đề cập trước đây- bắt nguồn từ sự thành công của chính chức năng trước. "Tự do liên kết", Tocqueville triết lý, có thể, "sau khi khuấy động xã hội một thời gian, ... cuối cùng sẽ làm cho nhà nước mạnh lên" [10] . Bằng việc nâng cao tính khả tín, tính phản hồi, bao dung, hiệu quả và do đó tính chính đáng của hệ thống chính trị, một xã hội dân sự sống động sẽ đem lại cho các công dân một sự tôn trọng nhà nước và sự tham gia tích cực vào đó. Thêm nữa, một những liên kết đa dạng có thể còn làm nhiều hơn là nhân thêm các đòi hỏi cho nhà nước; nó còn có thể nhân lên năng lực của các nhóm để tự cải thiện phúc lợi của chính mình mà không cần đến nhà nước. Các nỗ lực phát triển ở cấp cơ sở do đó có thể đỡ bớt gánh nặng các kỳ vọng đặt lên vai nhà nước, và do đó giảm bớt vai trò của chính trị, đặc biệt là ở mức quốc gia.

    Các đặc điểm của xã hội dân sự dân chủ
    Không phải mọi xã hội dân sự và tổ chức xã hội dân sự đều có tiềm năng như nhau trong việc thực hiện các chức năng xây dựng dân chủ nêu trên. Năng lực đó phụ thuộc vào một loạt các đặc điểm trong cấu trúc nội tại và tính chất của chúng.
    Điểm đầu tiên là các mục tiêu và phương pháp của các nhóm trong xã hội dân sự. Cơ hội xây dựng một nền dân chủ ổn định sẽ tăng đáng kể nếu xã hội dân sự không bao gồm các nhóm lợi ích cực đoan, bất thoả hiệp, hoặc các nhóm theo đuổi các mục tiêu và phương pháp phản dân chủ. Nếu tồn tại một nhóm tìm cách cướp chính quyền, hoặc tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, hoặc không tôn trọng pháp quyền (rule of law) và quyền lực của nhà nước dân chủ, thì nhóm đó không còn là một bộ phận của xã hội dân sự nữa. Tuy nhiên nó vẫn gây ra nhiều tổn hại đến khát vọng dân chủ. Các nhóm lợi ích có vũ trang và tiềm lực mạnh thường kéo các đảng theo hướng dân tuý (populist) và các cam kết chính trị cực đoan, phân cực hoá hệ thống đảng phái, và có nhiều khả năng khiến chính quyền tiến hành đàn áp trên diện rộng và không phân biệt, làm suy yếu hoặc cực đoan hoá các nhân tố dân chủ hơn trong xã hội dân sự.
    Đặc điểm quan trọng thứ hai của xã hội dân sự là mức độ thể chế hoá tổ chức. Cũng giống như các đảng chính trị, các nhóm lợi ích được thể chế hoá sẽ đóng góp vào sự ổn định, tính đoán định được và tính khả quản (governability) của chế độ dân chủ. Các lợi ích được tổ chức một cách quy củ và ổn định sẽ tạo điều kiện cho thương thuyết và đẩy mạnh sự phát triển của các mạng lưới hợp tác. Các lực lượng xã hội không phải đối mặt với chi liên miên để tổ chức nên các cấu trúc mới. Và nếu một tổ chức hi vọng hoạt động liên tục trong xã hội trên một khoảng thời gian đủ dài, thì có lẽ các lãnh tụ của họ cần phải có trách nhiệm, biết lắng nghe những người ủng hộ mình, phải biết nhìn xa trông rộng khi xác định các lợi ích và chính sách của nhóm thay vì tập trung vào việc tối đa hoá các lợi ích ngắn hạn theo lối bất thoả hiệp.
    Thứ ba, tính dân chủ nội bộ của chính xã hội dân sự sẽ ảnh hưởng đến mức độ xã hội hoá các thành viên của nó vào các hình thức cư xử dân chủ (hoặc phi dân chủ). Nếu các nhóm và tổ chức cấu thành của xã hội dân sự muốn vận hành như những "trường học dân chủ miễn phí" thì các quá trình ra quyết định nội bộ và chọn lựa lãnh đạo phải được thực hiện một cách dân chủ. Một tổ chức với các yếu tố như tính hợp hiến, đại diện, minh bạch, khả tín và luân phiên lãnh đạo trong các hiệp hội tự trị sẽ có tác dụng lớn trong việc giúp các thành viên của họ khắc sâu các giá trị và thói quen dân chủ .
    Thứ tư, một xã hội dân sự càng đa nguyên hơn mà không bị chia cắt thì càng có lợi cho dân chủ. Đa nguyên ở một chừng mực nào đó là cần thiết theo định nghĩa của xã hội dân sự. Đa nguyên giúp các nhóm trong xã hội dân sự tồn tại, khuyến khích họ hợp tác và hoà đàm với các nhóm khác. Đa nguyên trong một khu vực cụ thể, thí dụ như nhân quyền hoặc lao động, còn có nhiều lợi ích khác nữa. Một thí dụ là nó làm cho khu vực đó khó bị thương tổn hơn (mặc dù có thể phải đánh đổi bằng việc suy yếu thế mặc cả); một tổ chức bị giải tán hoặc bị đàn áp sẽ không đồng nghĩa với dấu chấm hết của tất cả các hình thức đại diện có tổ chức. Cạnh tranh cũng sẽ giúp giữ vững tính khả tín và tính đại diện thông qua việc cho phép các thành viên chuyển sang tổ chức khác nếu nhóm ban đầu của họ không hoạt động tốt.
    Cuối cùng, xã hội dân sự sẽ đóng góp tốt nhất cho nền dân chủ khi nó dày đặc, tạo điều kiện cho cá nhân tham gia nhiều hiệp hội và các mạng lưới không chính thức cùng một lúc, ở nhiều mức độ khác nhau trong xã hội. Càng có nhiều hiệp hội tồn tại trong xã hội dân sự, thì càng có khả năng họ sẽ chuyên biệt hoá các nghị trình và mục tiêu của mình thay vì xây dựng một khung tổ chức-chứa đựng-tất cả và nuốt chửng cuộc sống các thành viên của mình trong đó. Tham dự đa nhóm cũng có xu hướng phản ánh và củng cố mô thức đan chéo của các mâu thuẫn.

    Một số cảnh báo quan trọng
    Chúng ta phải đưa thêm vào danh sách các chức năng dân chủ của xã hội dân sự nêu trên một số cảnh báo quan trọng. Đầu tiên, các hiệp hội và truyền thông đại chúng chỉ có thể thực hiện vai trò xây dựng dân chủ nếu chúng có sự độc lập với nhà nước ít nhất là về tài chính, hoạt động, và địa vị pháp lý. Hiển nhiên, có nhiều cách rất khác nhau để hình thành đại diện của các lợi ích trong một nền dân chủ. Các hệ thống đa nguyên bao gồm "các [hiệp hội lợi ích] tự nguyện, cạnh tranh, tổ chức không theo nguyên tắc phân thứ bậc, tự quyết... các hiệp hội này không được cấp phép đặc biệt, được tổ chức, tài trợ, thừa nhận, hoặc kiểm soát bởi nhà nước". Ngược lại, các hệ thống hợp tác (corporatist systems) có các hiệp hội lợi ích thuần nhất, không cạnh tranh, tổ chức theo nguyên tắc phân thứ bậc, phân tách theo khu vực; các hiệp hội này thực thi độc quyền đại diện của mình và thừa nhận trên thực tế các hạn chế mà nhà nước áp đặt cho mình trong việc tuyển chọn lãnh đạo, cũng như phạm vi và mức độ mà họ có thể thường xuyên đòi hỏi nhà nước đáp ứng" [11] . Một số quốc gia Bắc Âu đã vận hành hệ thống hợp tác này trong khi vẫn duy trì thành công nền dân chủ (đôi khi còn tốt hơn, cả về kinh tế và chính trị, so với hệ thống đa nguyên). Mặc dù các dàn xếp hợp tác đang bị xói mòn dần tại nhiều nền dân chủ bền vững, vẫn có nhiều sự khác biệt trong mức độ cạnh tranh giữa các nhóm, tính đa nguyên, sự phân tách theo khu vực, tổ chức theo thứ bậc, và vân vân.
    Trong khi mô hình hợp tác do dàn xếp hoặc hợp đồng giữa nhà nước và các nhóm lợi ích nổi trội có thể đem lại sự ổn định nhất định trong quản lý kinh tế vĩ mô, các dàn xếp kiểu này đem lại nguy cơ trầm trọng cho nền dân chủ trong các thể chế chuyển đổi hoặc các thể chế hiến trị mới được xác lập. Nguy cơ này lớn nhất trong các quốc gia có lịch sử tồn tại nhà nước hợp tác (state corporatism) toàn trị - ví dụ như Mexico, Ai Cập và Indonesia - nơi nhà nước đã tạo dựng, tổ chức, cấp phép, tài trợ, chỉ đạo và kiểm soát các nhóm "lợi ích" (và đồng thời đa số các phương tiện thông tin đại chúng mà nó không trực tiếp sở hữu và kiểm soát), với mục đích vô hiệu hoá, đàn áp, và thống trị thay vì thương thuyết trong trật tự. Trái lại, việc chuyển đổi sang hình thức dân chủ của hệ thống hợp tác "có vẻ như phụ thuộc nhiều vào một quá khứ đa nguyên-tự do", cái mà tuyệt đại đa số các nhà nước đang phát triển hoặc hậu cộng sản không có [12] . Kinh tế kém phát triển hoặc không tồn tại hệ thống thị trường đã phát triển đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ rằng chủ nghĩa hợp tác bóp nghẹt xã hội dân sự dù ở trong khuôn khổ chính thức là dân chủ, vì sẽ ít có nguồn lực độc lập và các lợi ích có tổ chức trong xã hội.
    Bằng cách vô hiệu hoá, ngăn chặn hoặc giới hạn các nguồn nguy hiểm nhất của những thách thức tiềm tàng cho sự thống trị của nó (và vì thế, giảm thiểu mức độ đàn áp thực tế mà nó phải sử dụng), chế độ nhà nước hợp tác có thể kéo dài đời sống toàn trị. Tuy nhiên, những chế độ như vậy cuối cùng cũng sẽ chịu áp lực từ các lực lượng xã hội, kinh tế và dân số. Thành công trong phát triển kinh tế-xã hội, ví dụ như ở Mexico và Indonesia, đem đến sự nở rộ các nhóm xã hội dân sự đích thực và các nhóm này sẽ đòi hỏi tự do chính trị trong khuôn khổ luật pháp. Tương tự, lụn bại về kinh tế-xã hội, kèm theo tha hoá chính trị tràn lan sẽ làm suy yếu nhà nước hợp tác toàn trị, làm xói mòn tính hợp lý của các hiệp hội mà nó tài trợ, và có thể dẫn đến các phong trào cách mạng như các mặt trận Hồi giáo chính thống ở Ai cập và Algeria, những phong trào này hứa hẹn con đường cứu rỗi toàn dân thông qua một hình thức quyền lực nhà nước mới.
    Tuy nhiên, tự trị xã hội có thể đi quá xa, ngay cả khi vì các mục tiêu của nền dân chủ. Nhu cầu cần phải có những giới hạn đối với quyền tự trị này là cảnh báo thứ hai; cùng với cảnh báo đầu tiên, nó gây ra những căng thẳng nghiêm trọng trong sự phát triển dân chủ. Một xã hội dân sự quá hiếu động, thích đối đầu, và liên tục tìm kiếm lợi ích cục bộ có thể sẽ lấn át một nhà nước yếu và dễ bị can thiệp bằng sự đa dạng và mức độ của các yêu sách mà xã hội dân sự đòi hỏi; tước đi hầu hết các nguồn lực của khu vực "công cộng" thực sự cần cho phúc lợi chung của toàn xã hội. Bản thân nhà nước cũng cần có đủ quyền tự quyết, tính hợp hiến, khả năng, và sự ủng hộ cần thiết để điều tiết giữa các nhóm lợi ích khác nhau và cân bằng các yêu sách của họ. Sẽ là một thế tiến thoái lưỡng nan hết sức khó khăn cho các nền dân chủ mới được thiết lập khi họ phải tiến hành các cải cách kinh tế cấp thiết trong tình trạng chịu áp lực đối lập mạnh mẽ từ phía các nghiệp đoàn, những người hưởng trợ cấp, từ giai cấp tư sản được nhà nước bảo vệ, đó là lý do tại sao các lực lượng đối lập trong xã hội phải được đào tạo và huy động, như tôi đã thảo luận ở trên.
    Nhiều nền dân chủ mới còn có những vấn đề trầm trọng hơn, bắt nguồn từ xuất xứ của xã hội dân sự hình thành từ sự phản kháng mạo hiểm, qua giận dữ, và thậm chí vô tổ chức chống lại nhà nước thối nát và ngược ngạo. Đây là vấn đề mà nhà kinh tế người Cameroon Célestin Monga đã gọi là "thâm hụt dân sự":
    "Ba mươi năm dưới sự thống trị của chế độ toàn trị đã định hình một khái niệm cho rằng phi nguyên tắc là một phương pháp đấu tranh của đám đông. Để tồn tại và chống lại các luật lệ bị cho là không còn hợp thời, dân chúng đã phải dựa vào sự giàu tưởng tượng của mình. Trong điều kiện đời người là một cuộc chiến đấu dài chống lại nhà nước, trí tưởng tượng tập thể đã dần dần kết lại để coi thường tất cả mọi thứ biểu trưng cho quyền lực nhà nước." [13]
    Trên nhiều mặt, chủ nghĩa hoài nghi, vô kỷ luật, và xa lánh quyền lực nhà nước - thực ra là xa lánh tất cả những gì thuộc về chính trị - đã được sản sinh bởi nhiều thập kỷ cộng sản thống trị ở Đông Âu và Liên Xô cũ, mặc dù nó dẫn đến các hình thức bất đồng và chống đối tương đối khác (như ở Ba Lan thì các hình thức này còn được tổ chức trên quy mô rộng hơn nhiều). Ở một số nước, thí dụ như Ba Lan, Hungary, các phần đất Czech, các nhà nước Baltic, các truyền thống dân sự trước đó có thể khôi phục lại. Những nước này nói chung đã có những tiến bộ đáng kể nhất (mặc dù vẫn khá dở dang) hướng tới tái cấu trúc quyền lực nhà nước trên một nền tảng dân chủ trong khi bắt đầu xây dựng một xã hội dân sự hiện đại, đa nguyên-tự do. Những nước có nền tảng dân sự yếu nhất và nền thống trị hà khắc nhất - Romania, Nga, các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, và hầu hết các nước Phi Châu quanh sa mạc Sahara - phải đối mặt với khó khăn gấp bội, với các xã hội dân sự vẫn bị chia cắt và các nền kinh tế thị trường mới trỗi dậy vẫn còn chủ yếu nằm ngoài khung khổ luật pháp.
    Cái thâm hụt dân sự này chỉ ra điều cảnh báo thứ tư khi nói về giá trị tích cực của xã hội dân sự đối với nền dân chủ. Xã hội dân sự phải độc lập với nhà nước, nhưng không tách rời khỏi nó. Nó phải giám sát, nhưng tôn trọng, quyền lực nhà nước. Hình ảnh về một xã hội dân sự-cao quý, thận trọng, có tổ chức-giám sát từng bước đi của nhà nước tư lợi, luôn cách xa vòng tay tha hoá của nhà nước, là một hình ảnh hết sức lãng mạn, và không có nhiều tác dụng trong việc xây dựng một nền dân chủ vững bền.
    Điều cảnh báo thứ tư liên quan đến vai trò của nền chính trị. Các nhóm lợi ích không thể thay thế được các chính đảng có tổ chức chặt chẽ, có cơ sở ủng hộ thường xuyên và rộng khắp hơn trong quần chúng. Vì các nhóm lợi ích không thể quy tụ các lợi ích từ nhiều nhóm xã hội và các vấn đề chính trị một cách rộng khắp được như các đảng chính trị. Chúng cũng không thể đem đến trật tự cần thiết để thiết lập và duy trì các chính phủ và lập pháp. Về mặt này (và không chỉ mặt này), có thể đặt câu hỏi cho giả thuyết rằng một xã hội dân sự mạnh sẽ bổ trợ hữu hiệu cho các cấu trúc chính trị và nhà nước của một nền dân chủ. Trong chừng mực mà các nhóm lợi ích làm suy yếu, chi phối, hoặc đẩy bật các chính đảng (là những công cụ truyền tải và tổng hợp các lợi ích khác biệt), chúng có thể gây trở ngại cho việc củng cố nền dân chủ. Barrington Moore đã có một giả thuyết nổi tiếng "không có tư sản, không có dân chủ", nay chúng ta cũng có thể thêm vào một hệ quả "không có hệ thống chính đảng vững chắc, không có nền dân chủ ổn định". Và trong một thời đại mà các phương tiện truyền thông điện tử, khả năng cơ động tốt hơn, cùng với sự nở rộ và phân hoá của các lợi ích riêng biệt đang xói mòn dần các cơ sở tổ chức cho các chính đảng và hệ thống chính đảng mạnh, đây là thứ mà các nhà dân chủ khắp nơi cần phải bận tâm đến [14] .

    Củng cố nền dân chủ
    Trên thực tế, có thể đưa ra một khái quát hoá -mạnh hơn và rộng hơn: yếu tố quan trọng nhất và cấp thiết nhất trong việc củng cố nền dân chủ không phải là xã hội dân sự mà là sự thể chế hoá chính trị. Củng cố là một quá trình theo đó tính chính đáng của dân chủ trở nên sâu rộng trong các công dân và hầu như không còn khả năng bị phá vỡ. Nó liên quan đến những thay đổi mang tính thể chế và hành vi, bình thường hoá nền chính trị dân chủ và thu hẹp tính biến động của nó. Sự bình thường hoá này đòi hỏi sự mở rộng khả năng tiếp cận của công dân, sự phá triển văn hoá và quyền công dân dân chủ, mở rộng sự tuyển lựa và đào tạo lãnh đạo, và các chức năng khác mà xã hội dân sự thực hiện. Nhưng quan trọng nhất, và cấp thiết nhất, là đòi hỏi việc thể chế hoá chính trị.
    Mặc cho sức sống đầy ấn tượng trong nhiều năm (trong một số trường hợp là cả một thập kỷ hoặc hơn) trong bối cảnh xung đột xã hội, bất ổn và suy thoái kinh tế, nhiều nền dân chủ mới ở Mỹ La tinh, Đông Âu, Á Châu và Phi Châu sẽ đổ vỡ trong trung hoặc ngắn hạn, trừ phi họ có thể giảm bớt mức nghèo khổ, bất bình đẳng và bất công xã hội đáng kinh hãi của họ, và thông qua các cải cách theo hướng thị trường, đặt được nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với các vấn đề trên cộng với những thách thức chính sách khác, không chỉ các chính đảng mạnh mà còn các thể chế nhà nước có hiệu quả trở nên sống còn. Chúng không bảo đảm các chính sách thông minh và đầy hiệu năng, nhưng ít ra chúng cũng bảo đảm rằng chính phủ có thể đưa ra và thực hiện các chính sách nào đó thay vì khoanh tay, bất lực và bế tắc.
    Để đạt được cải cách kinh tế trong điều kiện dân chủ, cần phải có các thể chế chính trị vững. Một ngành hành pháp mạnh, được tổ chức tốt, được sự dẫn dắt của các chuyên gia giỏi, ít nhiều được miễn khỏi các áp lực chính trị hàng ngày, sẽ tạo khả năng thực thi các giải pháp cải tổ đầy đau đớn. Các hệ thống chính trị ổn định và có sức tập hợp (thay vì dễ thay đổi và bị phân hoá) - trong đó một hoặc hai đảng ôn hoà có cơ sở rộng, liên tục chiếm đa số hoặc gần đa số phiếu bầu - sẽ dễ dàng chống lại các lợi ích giai cấp hoặc cục bộ và duy trì được tính liên tục trong cải cách kinh tế qua các chính quyền nối tiếp nhau. Các hệ thống lập pháp hữu hiệu đôi khi lại gây cản trở cải cách kinh tế, nhưng nếu chúng được hợp thành bởi các chính đảng mạnh và vững, với khuynh hướng ôn hoà, thì cuối cùng chúng có thể cân bằng giữa cải cách kinh tế với dân chủ bằng cách tạo ra một cơ sở ủng hộ chính trị và những phương thức để hấp thụ và điều hoà sự phản kháng trong xã hội. Cuối cùng, các hệ thống pháp lý độc lập, chuyên nghiệp, có cơ cấu nhân sự tốt là yếu tố không thể tách rời trong việc bảo đảm pháp quyền.
    Những cảnh báo trên là những gáo nước lạnh giúp thức tỉnh, nhưng chúng không vô hiệu hoá giả thuyết chính của tôi. Xã hội dân sự có thể, và thường thì phải, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ. Vai trò của nó không phải quyết định, thậm chí không phải quan trọng nhất, ít ra là lúc đầu. Tuy nhiên, một xã hội dân sự càng hoạt động mạnh, đa nguyên, nhiều nguồn lực, được thể chế hoá và dân chủ bao nhiêu; một xã hội dân sự càng có khả năng cân bằng các căng thẳng giữa nó với nhà nước - giữa tự trị và hợp tác, giữa bài bác và trung thành, giữa hoài nghi và tin tưởng, giữa thô bạo và văn minh - tốt bao nhiêu thì nền dân chủ càng có khả năng ra đời và trường tồn.
    Các ghi chú:
    Bài báo này xuất phát từ một dự án nghiên cứu kéo dài hai năm trên "Kinh tế, Xã hội và Dân chủ" được tài trợ bởi Trung tâm Phát triển Quốc tế, và từ các bài giảng và các bài phát biểu tại hội thảo tại Kennedy School of Government, Gorée Institute in Senegal, Human Science Research Council tại Nam Phi, và Institute for Democratic Alternative, cũng tại Nam Phi. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với tất cả những ai đã đóng góp ý kiến tại các buổi gặp gỡ này, và tới Kathleen Bruhn, trợ lý nghiên cứu của tôi trong bản nháp trước.
    Về tác giả: Giáo sư Larry Diamond, đồng tổng biên tập Tạp chí Dân chủ, đồng tổng biên tập Diễn đàn Quốc tế về Nghiên cứu Dân chủ, tác giả và chủ biên của nhiều công trình khoa học chính trị như Văn hoá chính trị và dân chủ ở các nước đang phát triển (1993) và Chủ nghĩa dân tộc, xung đột sắc tộc và dân chủ (sắp in, 1994, cùng Marc F. Plattner), từng là cố vấn cho Paul Bremer, người đứng đầu cơ quan quản lí dân sự lâm thời tại Iraq sau chiến tranh (CPA). Là học giả nghiên cứu cao cấp (Senior Fellow) tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Larry Diamond cùng với những nhà nghiên cứu như Francis Fukuyama, Michael Rubin... được coi là những đại diện của phái (Tân) Bảo thủ đã và đang đặc biệt phát huy ảnh hưởng dưới thời của George W. Bush. Ông đã thỉnh giảng tại trên 20 quốc gia và được coi là chuyên gia về dân chủ và chuyển đổi.
    © 2005 Duy Tân Trẻ
    © 2005 talawas
    Nguồn: Larry Diamond and Marc F. Platter: "The Global Resurgence of Democracy"; Second Edition (The John Hopkins University Press, 1996), 227-240.
    [1]Guillermo O'Donnell và Philippe C. Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies (Baltimore: John Hopkins University Press, 1986), ch.5.
    [2]Định nghĩa các khái niệm này được rút ra từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng ảnh hưởng chính là từ Naomi Chazan. Xem cụ thể trong Chazan, "Africa's Democratic Challenge: Strengthening Civil Society and the State," World Policy Journal 9 (Spring 1992): 279-308. Xem thêm Edward Shils, "The Virtue of Civil Society," Government and Opposition 26 (Winter 1991): 9-10, 15-16; Peter Lewis, "Political Transition and the Dilemma of Civil Society in Africa," Journal of International Affairs 27 (Summer 1992): 31-54. Marcia A.Weigle và Jim Butterfield, "Civil Society in Reforming Communist Regimes: The Logic of Emergence," Comparative Politics 25 (October 1992): 3-4; và Philippe C. Schmitter, "Some Propositions about Civil Society and the Consolidation of Democracy" (Báo cáo tại một hội thảo về "Reconfiguring State and Society," University of California, Berkeley, 22-23 April 1993).
    [3]Samuel Huntington, "Will More Countries Become Decocratic?" Political Science Quarterly 99 (Summer 1984): 204. Xem thêm Seymour Martin Lipset, Political Man (Baltimore: John Hopkins University Press, 1981), 52.
    [4]Bronislaw Geremek, "Civil Society Then and Now," Journal of Democracy 3 (April 1992): 3-12.
    [5]Alexis de Tocqueville, Democracy in America, 2 vols. (New York: Vintage Books, 1945 [orig. publ 1840]), 2:124.
    [6]María Rosa de Martini và Sofía de Pinedo, "Women and Civic Life in Argentina," Journal of Democracy 3 (July 1992): 138-46 và María Rosa de Martini, "Civic Participation in the Argentine Democratic Process," in Larry Diamond, ed., The Democratic Revolution: Struggles for Freedom and Pluralism in the Developing World (New York: Freedom House , 1992), 29-52.
    [7]Georgina Waylen, "Women and Democratization: Conceptualizing Gender Relations in Transition Politics," World Politics 46 (April 1994): 327-54. Mặc dù O'Donnell và Schmitter nói về các nguy cơ của việc huy động quần chúng quá mức trong quá trình chuyển đổi, chỉ trích của bà đối với khoa học về dân chủ nói chung-rằng môn khoa học này đã coi nhẹ vai trò của xã hội dân sự-đã xuất phát từ chỗ khái quát hóa một cách không công bằng và hẳn nhiên là không thể áp dụng cho Phi Châu. Hơn thế, chấp nhận quan điểm thách thức của bà rằng xã hội dân sự đóng vai trò trung tâm trong quá trình dân chủ hóa không đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận quan điểm khăng khăng của bà trong việc định nghĩa dân chủ bao gồm cả các quyền kinh tế, xã hội và chính trị.
    [8]Jonathan Fox, "Latin America's Emerging Local Politics," Journal of Democracy 5 (April 1994): 114.
    [9]Dette Pascual, "Organizing People Power in the Philippines," Journal of Democracy 1 (Winter 1990): 102-9.
    [10]Tocqueville, Democracy in America, 2:126.
    [11]Philippe C. Schmitter, "Still the Century of Corporatism?" in Wolfgang Streeck and Schmitter, eds., Private Interest Government: Beyond Market and State (Beverly Hills: Sage Publications, 1984), 96, 99-100.
    [12]Ibid., 126.
    [13]Célenstin Monga, "Civil Society and Democratization in Francophone Africa" (paper delivered at Harvard University, 1994).
    [14]Juan J. Linz, "Change and Continuity in the Nature of Contemporary Democracies" in Gary Marks and Larry Diamond, eds., Reexaming Democracy: Essays in Honor of Seymour Martin Lipset (Newbury Park, Calif.: Sage Publications, 1992), 184-90.
    Nguồn: http://www.vdlc.org/node/170
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org