Tác giả: Puangthong
Pawakapan | Biên dịch: Vũ Trọng Toàn
Vào ngày 22/7/2014, hai tháng sau
cuộc đảo chính quân sự, quân đội Thái Lan ban hành một bản Hiến pháp tạm thời
được ký bởi nhà vua Bhumibol Adulyadej. Với quyền lực tối thượng được đặt trong
tay tướng Prayuth Chan-Ocha, người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc
gia (NCPO), lời mở đầu của bản hiến pháp tạm thời hứa hẹn sẽ nhổ tận rễ nạn
tham nhũng, mang đến “cải cách” và sau đó là “nền dân chủ thực sự” cho xã hội
Thái Lan.
Bản hiến pháp tạm thời có thể được
đánh giá là chống lại các nhà chính trị dân túy và nền chính trị dựa trên bầu cử,
những thứ vốn từng gây ra cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Dù cuộc đảo chính
năm đó không thể mãi mãi loại trừ phe cánh của Thaksin ra khỏi nền chính trị
Thái, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia hứa hẹn với phần lớn những người ủng
hộ của họ thuộc tầng lớp trung lưu thành thị rằng họ sẽ chấm dứt nền chính trị
tham nhũng ở Thái Lan dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, với việc tập trung rất hẹp
vào tình trạng tham nhũng của các chính trị gia, câu hỏi còn bị bỏ ngỏ là liệu
hiến pháp tạm thời có thể mang lại một nền dân chủ thực sự, sự ổn định và “hạnh
phúc” cho một xã hội Thái Lan bị chia rẽ hay không.
Sự tập trung quyền lực
Bản hiến pháp tạm thời có tất cả
48 điều, nhưng có thể nói chỉ có 46 điều trong số đó có hiệu lực. Trong khi Điều
3 tuyên bố rằng quyền lực tối cao thuộc về người dân Thái Lan và Điều 4 thừa nhận
các quyền con người, sự tự do, và sự bình đẳng của người dân trên cơ sở chính
quyền dân chủ của Thái Lan và các nghĩa vụ quốc tế, thì các điều khác của hiến
pháp đã vô hiệu hóa nội dung của 2 điều trên.
Ví dụ như Điều 44 trao cho thủ
lĩnh chính quyền quân sự, tướng Prayuth, quyền lực tối thượng trong việc ban
hành luật lệ và thực hiện bất cứ thứ gì mà Hội đồng thấy cần thiết bất chấp các
quy tắc lập pháp, hành pháp và tư pháp, “vì lợi ích của cải cách trong mọi lĩnh
vực và tăng cường sự thống nhất và đồng thuận của công chúng, hoặc để ngăn cản,
chấm dứt và trấn áp mọi hành động làm xói mòn hòa bình và trật tự của công
chúng hoặc an ninh quốc gia, nền quân chủ, nền kinh tế hoặc nền hành chính quốc
gia, bất kể hành động đó phát sinh trong hoặc ngoài vương quốc”.
Bản hiến pháp bảo đảm rằng những
mệnh lệnh của tướng Prayuth là hoàn toàn “hợp pháp, hợp hiến và mang tính quyết
định”, vì vậy làm cho các cơ chế kiểm soát quyền lực trở nên không cần thiết.
Vì bản hiến pháp không quy định về việc liệu Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc
gia có giải thể sau khi bản hiến pháp chính thức được ban hành (theo thông tin
là vào cuối năm 2015) hay không, quyền lực rộng khắp của người đứng đầu hội đồng
có thể sẽ tiếp tục được bảo đảm trong bản hiến pháp mới theo cách này hay cách
khác.
Kể từ cuộc đảo chính vào ngày 22
tháng 5, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia đã được hưởng quyền lực rộng
rãi, điều này đã dẫn tới tới sự xâm phạm về quyền con người. Tới cuối tháng 7,
Hội đồng đã triệu tập 565 cá nhân và bắt giữ 233 người.[1] Họ bao gồm những nhà
bảo vệ nhân quyền, các học giả, những người hoạt động xã hội, nhà báo, sinh
viên, nhà văn và người biểu tình.
Trong khi đó, Hội đồng cấm công
chúng tụ tập, thi hành chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với các cá nhân, các
nhóm và phương tiện thông tin đại chúng, ban hành các mệnh lệnh mang tính đàn
áp, hủy bỏ hộ chiếu của những người từ chối trình diện Hội đồng và những người
đã bay ra nước ngoài. Những ai bị buộc tội sẽ bị xét xử ở tòa án binh. Bản hiến
pháp tạm thời cũng tuyên bố việc sử dụng quyền lực của Hội đồng Hòa bình và Trật
tự Quốc gia là trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời nêu ra rằng những hành
động của những người phản đối đảo chính là bất hợp pháp.
Khi tướng Prayuth tuyên bố thiết
quân luật 2 ngày trước cuộc đảo chính, ông ta khẳng định rằng ông sẽ chịu trách
nhiệm giải trình đối với các hành động của quân đội. Nhưng trách nhiệm giải
trình này lại thể hiện dưới dạng một cuộc ân xá cho tất cả lãnh đạo của cuộc đảo
chính vì đã tiếm quyền chính phủ được bầu chính thức của bà Yingluck vào ngày
22 tháng 5 (xem Điều 48).
Tất nhiên, thật mỉa mai là một dự
thảo luật ân xá trước đây để xóa tội cho Thaksin lại làm những người tham gia
phong trào chống Thaksin giận dữ vì (được cho là) vi phạm pháp quyền và coi nhẹ
nguyên tắc trách nhiệm giải trình, gây ra những cuộc biểu tình kéo dài. Sau khi
lật đổ Thủ tướng Yingluck và xóa bỏ ảnh hưởng trực tiếp của Thaksin khỏi chính
trường Thái Lan, phong trào chống Thaksin hiện nay đã không áp dụng những chuẩn
mực tương tự như thế đối với việc ân xá cho các thành viên Hội đồng.
Tiến đến một nền dân chủ phản bầu
cử
Bản hiến pháp tạm thời cũng báo
hiệu sự kháng cự lại các chính trị gia và nền chính trị dựa trên bầu cử. Nó quy
định thành viên nội các được hình thành sau đảo chính (Điều 20), thành viên của
Nghị viện Lập pháp quốc gia (Điều 8) và các thành viên của Ủy ban Soạn thảo Hiến
pháp (Điều 33) không được là thành viên của của các đảng phái chính trị trong 3
năm trước ngày được bổ nhiệm. Trong khi đó, nó chuyển quyền lực chính trị sang
cho các thành viên Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, các sĩ quan quân sự
và quan chức chính phủ. Thái Lan được cho rằng đã quay trở lại nền chính thể
quan liêu, nơi mà quân đội, các quan chức và nhóm lợi ích của doanh nghiệp
giành quyền điều khiển đối với những người đại diện dân cử.[2]
Quan điểm tiêu cực đối với các
chính trị gia và nền chính trị bầu cử là không bất ngờ vì nó đã hiện hữu trong
quảng đại tầng lớp trung lưu đô thị. Sự bất tín nhiệm đối với các chính trị gia
đã lớn lên dần dần từ đầu những năm 1980 khi chính trị dân chủ và chính phủ dân
cử bắt đầu bám rễ vào hệ thống chính trị. Khi tướng Prem Tinnasulanond, đương
kim chủ tịch của hội đồng cơ mật hoàng gia, mất chức thủ tướng sau cuộc bầu cử
năm 1988, vai trò của quân đội Thái Lan và các công chức dân sự trong nền chính
trị dần dần giảm sút. Tướng Chatichai Choonhavan sau đó trở thành thành nghị sĩ
dân cử đầu tiên nắm giữ chức thủ tướng kể từ năm 1976.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2,5 năm
của ông, chính phủ Chatichai thường bị nhạo báng bởi truyền thông như là một nội
các tham nhũng cao. Kết quả là khi chính phủ của ông bị lật đổ trong cuộc đảo
chính quân sự năm 1991, công chúng Thái hầu như không phản đối sự nắm quyền của
quân đội. Chính phủ dân cử sau năm 1992 đã kết thúc trước khi hết nhiệm kỳ bởi
vì những vụ tham nhũng đình đám. Trên thực tế, Thaksin là nghị sĩ dân cử duy nhất
phục vụ hết nhiệm kỳ của mình trong vai trò thủ tướng kể từ khi Thái Lan chuyển
từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Các quan chức tham nhũng và việc
mua phiếu tràn lan, đặc biệt là ở các vùng nông thôn miền bắc và đông bắc Thái
Lan, được nhìn nhận là hậu quả của nền chính trị tiền bạc nói chung mặc dù những
lời kêu gọi xây dựng nền chính trị “trong sạch” bởi các nhân vật có ảnh hưởng
trong công chúng và các nhóm dân sự đã có ảnh hưởng lớn trong nền dân chủ có sự
tham gia của người dân kể từ những năm 1980.[3]
Những cuộc can thiệp của quân đội
vì thế được xem là một phương pháp hữu hiệu để chấm dứt chính phủ tham nhũng.
Trong khi đó, các cơ quan tư pháp và các cơ quan độc lập,[4] những cơ quan có
trách nhiệm hoạt động như một cơ chế kiểm soát quyền lực đối với mọi cơ quan
nhà nước, đã được sử dụng về mặt chính trị để chống lại các chính phủ dân cử kể
từ cuối những năm 1990.
Các lực lượng chính trị – xã hội:
Sự chia rẽ nông thôn – thành thị
Thắng lợi bầu cử liên tiếp của
các đảng phái thân Thaksin và sự thất bại của Đảng Dân chủ được chống lưng bởi
quân đội đã dẫn tới nhận thức của giới thượng lưu thành thị rằng nền chính trị
bầu cử là một cánh cửa giúp các chính trị gia tham nhũng điều khiển đất nước.
Tuy nhiên, sự ủng hộ rộng rãi mà các đảng phái thân Thaksin nhận được từ các cử
tri nông thôn không cho phép những người chỉ trích Thaksin loại bỏ sự ảnh hưởng
của cựu thủ tướng khỏi chính trường Thái Lan.
Theo những người chỉ trích
này, “trâu đỏ”, từ miệt thị dành cho những người áo đỏ ủng hộ Thaksin, không
nên được trao những quyền tương đương với tầng lớp trung lưu có giáo dục. Kết
quả là, nguyên tắc một người một phiếu không nên được áp dụng. Những ý tưởng
như vậy được ủng hộ mạnh mẽ bởi phong trào chống Thaksin bắt đầu sau khi dự thảo
luật ân xá (cho Thaksin) được thông qua vào tháng 11 năm 2013.
Các chính trị gia, các học giả và
những nhân vật có danh tiếng công khai lăng mạ những cử tri nông thôn tại các
diễn đàn của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) được lãnh đạo bởi thủ lĩnh
Đảng Dân chủ Suthep Thugsuban, Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì Cải cách của
Thái Lan (NPRST), đảng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD – còn được gọi
là Phong trào Nhân dân Lật đổ sự Thống trị của Thaksin) và các nhóm Phật giáo.
Họ nhắc lại địa vị thấp kém của những người nghèo thiếu giáo dục và những cử
tri nông thôn cũng như hệ lụy nguy hiểm của nguyên tắc một người một phiếu. Những
lời buộc tội như vậy là lý do để họ phá hoại tiến trình bầu cử được lên kế hoạch
vào ngày 2/2/2014.
Ý tưởng rằng các cử tri nông
thôn, những người chiếm số đông trong tầng lớp dân chúng ủng hộ Thaksin, không
đủ phẩm chất để bỏ phiếu bắt nguồn từ quan niệm rằng những người nghèo ở nông
thôn sẽ bán các lá phiếu của họ để đổi lấy các lợi ích cá nhân ngắn hạn hoặc
các khoản tiền nhỏ. Các thành viên của tầng lớp trung lưu thành thị được giáo dục
cao có xu hướng đổ lỗi cho sự thiếu giáo dục của cử tri nông thôn và sự thiếu
hiểu biết đúng đắn về dân chủ như là một phần lý do dẫn đến sự thất bại của nền
dân chủ Thái Lan. Rất nhiều trí thức và các nhóm dân sự tranh cãi không dứt rằng
tổ chức các cuộc bầu cử không có nghĩa là phải trung thành với các nguyên tắc
dân chủ, và vì vậy cố gắng làm xói mòn sự hợp pháp của nền chính trị bầu cử và
nguyên tắc một người một phiếu.
Nghiên cứu gần đây khẳng định rằng
việc mua phiếu không còn là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Hành vi của cử tri nghèo và cử tri nông thôn ngày càng bị tác động bởi các dự
án phát triển cộng đồng,[5] nhưng họ vẫn tiếp tục bị nhìn nhận là dễ dàng bị
mua chuộc bởi các chính sách dân túy. Quan điểm về việc “mua phiếu” trở thành
luận điệu đơn giản thái quá nhưng là một vũ khí chính trị dễ gây kích động chống
lại những cử tri nông thôn. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu thành thị tin tưởng
rằng các chính sách dân túy sẽ gây ra thiệt hại về lâu dài cho nền kinh tế Thái
Lan. Tuy nhiên, họ cứng lưỡi không thể lý giải cách các dự án hàng triệu baht
phục vụ lợi ích của cư dân thành thị và các nhà tư bản công nghiệp đã góp phần
vào sự phát triển bất bình đẳng và tình trạng lạm dụng tiền nộp thuế như thế
nào.
Đối với đa số những người dân
thành thị đó, một hệ thống chính trị đáng ngưỡng mộ không cần thiết phải giống
với nền dân chủ kiểu phương Tây với sự tôn trọng tự do và bình đẳng của mọi
công dân, nhưng nó phải trong sạch, không bị lũng đoạn bởi các chính trị gia
tham nhũng, và vì vậy, nên được cai trị bởi những người có tư cách đạo đức.[6]
Kết quả là ác cảm đối với Thaksin
và các chính trị gia tham nhũng, thành kiến với nền chính trị bầu cử và các
chính sách phát triển nông thôn được thể hiện rõ ràng tại Điều 35 của Hiến pháp
tạm thời. Điều này chỉ ra phạm vi của hiến pháp mới mà Ủy ban Soạn thảo Hiến
pháp phải đưa vào:
- Một cơ
chế hiệu quả để chống, kiểm tra và loại trừ tham nhũng trong các lĩnh vực
công và tư, bao gồm một cơ chế nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước được thực
thi duy nhất vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng;
- Một cơ
chế hiệu quả để ngăn chặn một cách nghiêm ngặt bất cứ ai không được nắm giữ
bất cứ vị trí chính trị nào nếu người đó bị một phán quyết hoặc mệnh lệnh
pháp lý cho rằng đã phạm phải một hành vi tham nhũng bất kỳ hoặc đã làm
xói mòn sự đáng tin cậy hoặc sự công bằng của một cuộc bầu cử.
- Một cơ
chế hữu hiệu giúp tạo điều kiện cho các quan chức nhà nước, đặc biệt là những
ai nắm giữ các vị trí chính trị, và các đảng phái chính trị để thực hiện
trách nhiệm hoặc các hoạt động của họ một cách độc lập và không bị tác động
bất hợp pháp bởi bất cứ người hoặc nhóm người nào;
- Một cơ
chế hữu hiệu để tăng cường pháp quyền và nâng cao đạo đức, phẩm hạnh và quản
trị tốt ở mọi lĩnh vực và mọi cấp độ;
- Một cơ
chế hữu hiệu để tái cơ cấu và lèo lái nền kinh tế và hệ thống xã hội vì mục
tiêu tăng tưởng toàn diện và bền vững, đồng thời ngăn chặn bất cứ chính
quyền dân túy nào có thể phá hoại nền kinh tế quốc gia và đời sống công
chúng về lâu dài;
- Một cơ
chế hữu hiệu để chi tiêu có trách nhiệm ngân sách nhà nước, phục vụ cho lợi
ích công cộng và phù hợp với tình trạng tài chính của quốc gia, cũng như một
cơ chế hiệu quả để kiểm toán và minh bạch hóa việc chi tiêu ngân sách nhà
nước.
Sự bất tín nhiệm của Hội đồng Hòa
bình và Trật tự Quốc gia đối với nền chính trị bầu cử là rõ ràng. Vào ngày 3/7,
Hội đồng “hướng dẫn” cho cấp dưới của họ phải đưa vào bản hiến pháp chính thức
các phương pháp ngăn chặn các chính sách dân túy có thể gây nguy hại đến nền
kinh tế Thái Lan.[7] Vào 15/7/2014, Hội đồng ban hành một sắc lệnh trì hoãn các
cuộc bầu cử hành chính ở cấp địa phương trên toàn quốc, bao gồm các Tổ chức
hành chính cấp tỉnh, Tổ chức hành chính cấp xã và hội đồng cấp quận của
Bangkok. Thay vào đó, các thành viên hiện tại của các cơ quan này sẽ được thay
thế bởi các quan chức do chính phủ chỉ định khi nhiệm kỳ của họ kết thúc.[8]
Hệ thống chính quyền hành chính địa
phương được thiết lập thông qua Hiến pháp năm 1997 và Luật Phân quyền năm 1999.
Từ năm 2001, ngân sách dành cho các cơ quan hành chính địa phương tăng lên
nhanh chóng. Đến năm 2014, các cơ quan này được phân phối 622 tỷ Baht và chiếm
27,37% ngân sách của của chính quyền trung ương.[9]
Hơn nữa, vào ngày 29/7/2014, Hội
đồng chấm dứt một số dự án tăng quyền cho địa phương được bắt đầu bởi chính phủ
Yingluck bởi chúng được cho là mang tính dân túy. Các dự án này bao gồm Quỹ
phát triển cộng đồng hoặc Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ hỗ trợ
doanh nghiệp địa phương và Quỹ phát triển đô thị vùng miền. Hội đồng cũng chuyển
đổi Quỹ phát triển phụ nữ sang chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ và Hội nông dân
sang chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác. Cả hai chương trình này sẽ
tiếp tục được đánh giá xem chúng có nên được chấm dứt hoàn toàn hay không.[10]
Mặc dù một số nghiên cứu khẳng định
sự tiến bộ của dịch vụ địa phương và chất lượng sống cũng như nhận thức của người
dân trong việc giao thiệp với các cơ quan địa phương, nhưng các phương tiện
thông tin đại chúng, các học giả chống dân chủ và các cơ quan chống tham nhũng
lại tập trung chủ yếu vào tình trạng tham những lan tràn và gia đình trị trong
các cơ quan hành chính địa phương và các dự án cộng đồng. Hội đồng Hòa bình và
Trật tư Quốc gia không quy định rõ thời gian trì hoãn các cuộc bầu cử hành
chính địa phương là bao nhiêu. Tuy nhiên, sẽ không bất ngờ nếu chúng bị bãi bỏ
hoặc bị thay thế bởi chế độ bổ nhiệm dưới hiến pháp mới.
Mặc dù bản Hiến pháp của Hội đồng
là tạm thời, nhưng các mục tiêu của nó chắc chắn sẽ được kế thừa trong bản Hiến
pháp chính thức. Quyền lực của Hội đồng chắc chắn sẽ chi phối công việc của Nghị
viện Lập pháp Quốc gia (NLA). Rốt cuộc, các Điều 6 và 30 cho phép Hội đồng bổ
nhiệm tất cả thành viên của NLA và Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC); và cả Hội
đồng cùng NLA và NRC sẽ bổ nhiệm Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp. Điều này cho thấy
nhiều khả năng mục tiêu của hiến pháp tạm thời sẽ áp đảo trong bản Hiến pháp mới.[11]
Trong số 200 thành viên của NLA
có 105 tướng lĩnh quân đội đã về hưu hoặc tại ngũ, 9 quan chức cảnh sát, những
quan chức dân sự hàng đầu, các nghị sĩ bảo hoàng cũ, các nhân viên của các tổ
chức phi chính phủ (NGO)[12] và các hiệu trưởng và học giả tại các đại học theo
xu hướng bảo hoàng. Động thái của Hội đồng để kiểm soát các chính trị gia và nền
chính trị bầu cử bằng cách tăng cường quyền lực cho quân đội và những công chức
cấp cao được dựa trên quan điểm rằng những công chức cấp cao đó là trong sạch
và trung thực. Nhưng trên thực tế, nạn tham nhũng là một hiện tượng phổ biến và
lan rộng khắp bộ máy quan liêu nhà nước.
Hơn nữa, Hội đồng phải thuyết phục
cử tri Thái Lan rằng các lực lượng vũ trang và bộ máy công chức nhà nước sở hữu
tầm nhìn và năng lực cần thiết để điều hành đất nước cũng như một nền kinh tế
toàn cầu hóa. Ví dụ như các “chương trình hạnh phúc” của Hội đồng Hòa bình và
Trật tự Quốc gia. Một vài ngày sau cuộc đảo chính, Hội đồng ban hành 2 sắc lệnh
để giải quyết tình trạng lao động ít kỹ năng nhập cư trái phép. Hai sắc lệnh
khiến khoảng 40.000 lao động Campuchia chạy trốn khỏi đất nước và nhiều người
trong số đó bị ép buộc hồi hương bởi quân đội.
Tổ chức Nhân quyền và Phát triển
Campuchia đã ra một tuyên bố lên án cách đối xử đó sau khi họ được nhân chứng
thông báo rằng có tới 9 lao động Campuchia bị giết trong quá trình trục xuất và
có sự đánh đập từ phía các lực lượng vũ trang Thái Lan.[13] Sau đó Hội đồng đã
phủ nhận cáo buộc này. Sự đối xử tồi tệ đối với các lao động nước ngoài nảy
sinh một phần từ quan điểm hẹp hòi của quân đội coi họ là một mối đe dọa quốc
gia chứ không phải là một sự đóng góp quan trọng đối với các ngành công nghiệp
cần nhiều lao động.
Một ví dụ khác là sắc lệnh của Hội
đồng yêu cầu Bộ Giáo dục phải quảng bá chủ nghĩa yêu nước và lợi ích quốc gia,
tình yêu đối với quốc vương, lòng tự hào về lịch sử dân tộc Thái và tổ tiên
cũng như vun đắp trong dân chung sự biết ơn đối với quốc gia.[14] Trên thực tế,
đây đã là một phần trọng yếu trong nền giáo dục Thái Lan kể từ khi nhà nước
Thái Lan bắt đầu cung cấp giáo dục phổ cập. Điều này không chỉ sản sinh ra các
thế hệ học sinh Thái Lan đánh mất hứng thú đối với giáo dục mà còn làm suy giảm
khả năng của sinh viên trong việc trở thành những người có suy nghĩ sáng tạo và
biết phản biện. Tuy nhiên, đối với những người bảo thủ của Thái Lan, con đường
hiệu quả nhất dẫn tới một xã hội hạnh phúc và hòa bình là nhồi nhét cho giới trẻ
những niềm tin tương tự nhau và khiến họ coi những quan điểm, nhu cầu, và giá
trị đa dạng như là những thứ xấu xa và có hại cho xã hội.
Kết luận: Hạnh phúc cho ai?
Mặc dù chính quyền quân sự khẳng
định sẽ hành động độc lập nhưng nó lại được cho là có thành kiến đối với phe áo
đỏ vì phần lớn những người bị triệu tập, giam giữ và buộc tội là những người gắn
liền với hoặc có thiên hướng ủng hộ phe áo đỏ. Ngay cả khi hệ thống bầu cử mà hội
đồng quân sự mong muốn thiết lập thực sự tăng cường cơ chế kiểm soát và cân bằng
quyền lực như đã hứa, nó cũng sẽ chắc chắn làm giảm sức nặng lá phiếu của các cử
tri. Nó không tạo cơ hội cho những cử tri đa số ở nông thôn có được tiếng nói
cuối cùng trong việc quyết định ai sẽ điều hành quốc gia.
Kể từ cuộc đảo chính 2006, các
tiêu chuẩn kép được nhận thấy từ hệ thống tư pháp và các tổ chức độc lập chống
lại các đảng phái thân Thaksin đã gây ra sự giận dữ trong các cử tri ủng hộ dân
chủ. Đã có những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn yêu cầu cần phải có các cải cách thực
sự đối với các tổ chức này nhằm khiến chúng có trách nhiệm hơn với người dân.
Tuy nhiên, các tổ chức này có thể sẽ không bao giờ được cải cách một khi chúng
còn là công cụ của giới tinh hoa thủ cựu để chống lại phong trào dân chủ. Hạnh
phúc mà chính quyền quân sự đang tạo ra sẽ dành cho một số người chứ chắc chắn
không phải dành cho tất cả.
Puangthong Pawakapan là Phó Giáo
sư tại Bộ môn Quan hệ quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn.
Bà hiện là Nghiên cứu viên khách mời cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
(ISEAS), Singapore.
————-
[1] “Số liệu thống kê về những
người được triệu tập, bắt giữ và phóng thích tính đến tháng 7/2014” Ilaw
<http:ilaw.or.th/node/319>
[2] Fred W.Riggs, Thailand:
the Modernization of a Bureaucratic Polity, Honolulu: East-west Center
Press, 1966
[3] Thongchai Winichakul,
“Toppling Democracy”,, Jounal of Contemporary Asia, 38:1, 11-37
[4] Hệ thống tư pháp và các tổ chức
độc lập ở Thái Lan bao gồm Tòa án Hiến pháp, Tóa án hành chính,Tòa hình sự
đối với những người nắm giữ chức vụ, Ủy ban bầu cử, Văn phòng thanh tra, Ủy ban
chống tham nhũng quốc gia, Ủy ban quyền con người quốc gia và Ủy ban kiểm toán
quốc gia.
[5] Ví dụ, Andrew Walker, Thailand’s
Political Peasants: Power in the Modern Rural Economy, Wisconsin Madison:
University of Wisconsin Press, 2012, Charles Keyes, Finding their
Voices: Northeastern Villagers and the Thai state, Chiangmai: Silkworm Book
2014;
[6] Thongchai Winichakul, sđd, 26
[7] “NCPO eyes populist policy
ban” Bangkok Post. 4/7/2012 <http://www.bangkokpost.com/news/
politics/418810/ncpo-eyes-populist-policy-ban>
[8] “Military Leader Further
Centralise Power by Suspending Local Elections”, Khaosod English,
17/7/2014
[9] Department of Local
Administration.
<http://www.ppb.moi.go.th/midev02/upload/9.%20Policy%20-%206%20Sep%202013.pdf>
[10] “NCPO suspends SML fund and
two populist schemes”, ASTV Manager Online. 29/7/2014 ,
<http://www.manager.co.th/Politics/ViewNews.aspx?NewsID=9570000085985>
[11] Bản hiến pháp tạm thời quy định
rằng thành viên của NLA và NRC sẽ lần lượt không vượt quá 220 và 250 người.
[12] Ở Thái lan, quan điểm của
các NGOs chủ yếu là chống chính trị và toàn cầu hóa. Họ đã luôn chủ động quảng
bá quan điểm bảo hoàng về nền kinh tế tự cung, tự cấp.
[13] “Rights Groups Slam Thai
Junta Deportation of Cambodian Workers” Radio Free Asia, 13/6/2014
http://www.rfa.org/english/news/cambodia/workers-06132014145627.html>
[14] “Fall into Line Youngster”
Bangkok Post, 20/7/2014, <http://www.bangkokpost.com/print/421370/>
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2014/08/21/hien-phap-tam-thoi-cua-thai-lan/