Tư hữu là cốt lõi của tự do

Posted on
  • Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Ron Paul [1]
    Phạm Nguyên Trường dịch
    Quyền riêng tư là cốt lõi của tự do. Không có nó thì các quyền cá nhân không thể tồn tại được. Quyền riêng tư và quyền sở hữu liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu cả hai quyền này đều được bảo vệ thì chẳng cần nói nhiều về những quyền tự do dân sự khác. Nếu nhà ở của một người, nếu nhà thờ hay doanh nghiệp của người đó là pháo đài của anh ta, và sự riêng tư của anh ta, thư từ và đồ đạc của anh ta được bảo vệ một các vững chắc, thì tất cả các quyền mà người ta mong muốn trong một xã hội tự do sẽ được bảo đảm. Bảo vệ một cách cẩn thận quyền riêng tư và quyền sở hữu tài sản cũng là bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do chính trị, cũng như nền kinh tế thị trường tự do và đồng tiền mạnh. Coi thường quyền riêng tư thì tất cả những quyền khác sẽ bị đe dọa ngay lập tức.
    Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc tấn công có hệ thống và phổ biến vào quyền riêng tư của công dân Mỹ, một cuộc tấn công sẽ làm suy yếu các nguyên tắc về quyền sở hữu tài sản tư nhân. Hiểu rõ lý do vì sao cuộc tấn công vào quyền riêng tư lại đang mở rộng nhanh chóng và nhận thức đươc sự cần thiết đảo phải ngược xu hướng này là nhu cầu cấp bách, nếu muốn bảo vệ nước Cộng hòa của chúng ta.
    Việc hoàng gia Anh không tôn trọng quyền riêng tư và tài sản của người dân thuộc địa ở Mỹ là một động lực mạnh mẽ cho cuộc Cách mạng Mỹ và dẫn đến Tu chính án IV, được diễn đạt một cách mạnh mẽ và rất rõ ràng. Trong đó nhấn mạnh rằng,việc khám xét và thu giữ đều bị cấm, trừ khi lệnh được ban hành với lí do chính đáng, được khẳng định bằng lời thề hay tuyên thệ, với các chi tiết về vị trí, người và đồ vật bị tịch thu. Điều này là khác xa với những vụ bắt giữ của chính phủ liên bang và việc tịch thu tài sản đang thường xuyên diễn ra hiện nay. Thư tín của chúng ta không còn được xem là tài sản cá nhân và bí mật thư tín đã được loại bỏ. Tài sản tư nhân bị các cơ quan chính phủ khám xét mà không cần lệnh của bất kì ai. Chính phủ đã thu những khoản tiền phạt khổng lồ khi dường như những đạo luật của liên bang đã bị vi phạm, còn người dân thì phải  chứng minh rằng mình vô tội, đấy là nói nếu họ muốn đưa tình trạng lạm dụng ra tòa và không bị phạt nặng.
    Tám mươi ngàn cảnh sát vũ trung liên bang và cán bộ của các cơ quan thi hành pháp luật đang tuần tra đất nước và các cơ sở kinh doanh của chúng ta. Các nhóm tôn giáo bị nghi ngờ bị theo dõi và đôi khi bị giải tán không theo trình tự của pháp luật, với ít hoặc không có bằng chứng về những việc làm sai trái của họ. Khi FBI đã nhảy vào thì tòa án địa phương và trung ương chẳng còn mấy giá trị.  Ngày nay, chính phủ tịch thu một cách bất hợp pháp tài sản đã trở thành chuyện thường ngày, các nạn nhân phải chứng minh rằng mình vô tội thì mới lấy lại được tài sản. Họ thường thất bại vì chi phí quá cao và những rào cản pháp lý ngăn cản các nạn nhân.
    Mặc dù cử tri trong những năm 1990 đã lên tiếng đòi hỏi một sự thay đổi định hướng và đòi một chính phủ nhỏ hơn, ít chỉ đạo hơn; nhưng những cuộc tấn công của Quốc hội, chính quyền, và tòa án vào quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Người ta đã đưa ra kế hoạch thực hiện chứng minh thư trong toàn quốc, ngân hàng dữ liệu y tế toàn quốc, ngân hàng dữ liệu về các bác sĩ cá nhân, những ông bố không chịu trả tiền cấp dưỡng, và những chương trình theo dõi tất cả các giao dịch tài chính của chúng ta.
    Số an sinh xã hội được lập ra như biện pháp nhận diện cho tất cả mọi người. Hiện nay số an sinh xã hội thường được sử dụng cho tất cả mọi thứ: giấy khai sinh, mua xe ô tô, gặp bác sĩ,  nhận việc, mở tài khoản ngân hàng, nhận bằng lái xe, mua hàng thường xuyên, và, tất nhiên là giấy chứng tử. Từ khi sinh ra đến khi chết, sự giám sát của chính phủ ngày càng phổ biến hơn và chặt chẽ hơn. Cuộc tấn công vào quyền riêng tư không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên hay một sự kiện không có lý do nào hết. Nó là kết quả của một triết lý biện minh cho nó và đòi hỏi nó. Chính phủ không dành hết sức mình cho việc bảo vệ tự do thì nhất định - do bản chất của nó – sẽ để cho quyền lợi quý giá này bị xói mòn.Một chính phủ được lập ra nhằm bảo vệ đời sống, bảo vệ tự do và tài sản phải bảo vệ quyền riêng tư của tất cả công dân; điều này không thể xảy ra trừ khi tài sản và thành quả lao động của một người, của mỗi công dân, được bảo vệ, không để cho những tên côn đồ trên đường phố cũng như những người trong cơ quan lập pháp của chúng ta tước đoạt.
     Những người ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào đời sống riêng tư của chúng ta thường sử dụng những sáo ngữ nhằm bảo vệ việc làm của họ. Luận cứ phổ biến nhất là nếu không có gì để che giấu, thì tại sao phải lo lắng? Thật là lố bịch. Trong nhà hay trong phòng ngủ của chúng tôi không có gì phải che giấu, nhưng điều đó không phải là lý do vì sao Anh Cả[i] lại được phép theo dõi chúng tôi bằng một camera giám sát.
    Cũng có thể nói như thế về nhà thờ của chúng ta, về việc kinh doanh của chúng ta, và về tất cả những hành động hòa bình mà chúng ta có thể làm. Các hoạt động cá nhân của chúng ta là của riêng chúng ta, không phải là việc của bất kì người nào khác. Chúng ta có thể chẳng cần phải che giấu, nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể mất rất nhiều – đấy là quyền được ở một mình của chúng ta…

    [1]Ron Paul, là thành viên sáng lập và cố vấn nổi tiếng của Viện Mises, sẽ tổ chức sinh nhật thứ 78 trong tuần này. Đoạn văn dưới đây được lấy từ bài phát biểu tại Hạ viện vào năm 1999, trong đó Ron Paul chỉ rõ tại sao sở hữu tư nhân và quyền riêng tư là rất cực kì cần thiết nhằm bảo vệ quyền tự do dân sự. Đây cũng là một phần của Chương 10 tác phẩm Chính sách đối ngoại tự do (A Foreign Policy of Freedom) của Ron Paul.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org