Thomas Jefferson
Cao
Hùng Lynh dịch
Một
số người nhìn vào hiến pháp với thái độ sùng bái, đồng thời xem hiến pháp như
là hòm chứa pháp điển mang tính chất thiêng thánh đến độ bất khả xâm phạm. Họ
gán một sự thông thái phi phàm cho những người thuộc thời đại trước và cho rằng
những gì các vị ấy đã thực hiện thì không thể tu chính. Tôi biết rõ thời đại ấy;
tôi đã thuộc về nó và nỗ lực vì nó. Nó xứng đáng được đất nước ghi công. Nó rất
giống với hiện tại, nhưng lại không có cái kinh nghiệm của hiện tại; và kinh
nghiệm bốn mươi năm chấp chính có giá trị bằng một thế kỷ đọc sách; và đây
chính là điều mà tự họ sẽ thốt lên nếu như họ sống lại. Chắn chắn tôi không phải
là kẻ tán thành sự thay đổi luật pháp và hiến pháp một cách thiếu cân nhắc. Tôi
cho rằng cần phải thừa nhận có sự bất toàn nào đó luôn tồn tại trong bản hiến
pháp, bởi vì như thế, chúng ta mới có thể thích nghi với nó và tìm ra biện pháp
thực tế để tu chỉnh các tác động xấu của nó. Nhưng tôi cũng biết rằng luật pháp
và các định chế của nó luôn song hành với sự tiến bộ của tâm thức nhân loại.
Khi yếu tố tâm thức ấy được phát triển và khai sáng đến một mức độ cao hơn, khi
các phát kiến tân kỳ được hình thành, khi các chân lý mới mẻ được phơi lộ, và
khi tập quán và các quan điểm nhìn nhận đổi thay cùng với sự thay đổi của hoàn
cảnh, thì các định chế đó cũng phải tiến bộ để bước cùng một nhịp với thời đại.
Có thể nào chúng ta buộc con người tiếp tục khoác chiếc áo mà anh ta từng
bận thuở còn bé, một khi xã hội văn minh đương thời vẫn còn chịu sự tác động của
cái thể chế do tổ tiên hung tàn của nó dựng lên. Chính quan niệm phi lý này gần
đây đã nhận chìm Âu châu trong biển máu. Thể chế quân chủ của họ, thay vì khôn
ngoan thoái nhượng trước sự đổi thay của hoàn cảnh, cũng như thay vì ủng hộ
khuynh hướng tiến bộ, lại bám chặt vào các biện pháp bạo lực lạc hậu, cố thủ đằng
sau thành lũy tập quán, và buộc thần dân của nó lao vào hàng loạt những biến cố
binh đao và các cuộc cách tân tàn hại, những thứ mà nếu như được giải quyết bằng
sự sáng suốt của số đông và bằng các biện pháp tranh luận ôn hòa thì có lẽ đã
chuyển thành các hình thức cải cách tốt đẹp và đáng được hoan nghênh. Chúng ta
đừng đi theo những vết xe đổ như thế, cũng như đừng tin rằng thế hệ này không
có đủ khả năng bằng thế hệ kia trong việc tự giải quyết những vấn đề của chính
mình. Chúng ta hãy, như các tiểu bang thân hữu đã từng, tận dụng lý trí và kinh
nghiệm của mình để điều chỉnh các luận thuyết thô sơ về các hội đồng dẫu sáng
suốt, trung chính và có thiện chí, nhưng vẫn còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm.
Và cuối cùng, chúng ta hãy đưa các biện pháp tu chính cho bản hiến pháp của
mình vào các giai đoạn được định sẵn. Các giai đoạn này nên phù hợp với sự tuần
hoàn của tự nhiên. Căn cứ theo các bảng thống kê của Âu châu về tỷ lệ tử vong của
người trưởng thành tại bất cứ thời điểm nào, thì đa số những người trưởng thành
ấy sẽ qua đời sau khoảng mười chín năm. Như vậy, cho đến cuối giai đoạn mười
chín năm đó, một thế hệ mới sẽ xuất hiện. Mỗi một thế hệ đều có một chỗ đứng biệt
lập so với mọi thế hệ trước đó. Thế nên, thế hệ mới này hoàn toàn có quyền lựa
chọn một mô thức chính quyền mà nó tin rằng có khả năng mang lại sự hạnh phúc,
để rồi từ đó, thích nghi với hoàn cảnh mà trong đó nó tìm ra được chính nó, một
thế hệ nối bước tiền nhân, và đứng về phía hòa bình và sự chân thiện của nhân
loại. Một vận hội chính thức để cho cứ mỗi mười chín hoặc hai mươi năm thì điều
này có thể được thi hành cần phải được hiến pháp ghi nhận; có như thế, bản hiến
pháp mới được tiếp nhận mãi mãi, với sự tu chính định kỳ, từ thế hệ này đến thế
hệ khác. Tính đến nay, bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi bản hiến pháp của
Virginia ra đời. Các bản thống kê nói trên cho chúng ta biết rằng trong khoảng
thời gian này, hai phần ba số người trưởng thành đã chết. Khi đó, phải chăng một
phần ba còn lại vẫn có quyền, nếu họ muốn, bảo lưu ý chí và hệ thống luật pháp
mà trước đây họ thiết lập cùng với hai phần ba kia, những người, cùng với chính
họ, tạo nên khối quần chúng trưởng thành hiện thời? Nếu họ không làm, thì ai
làm? Người chết ư? Nhưng người chết thì đâu còn khả năng hành xử quyền lợi của
mình. Họ là hư vô, và hư vô không thể có năng lực thực thi quyền sở hữu của
mình. Quả đất cụ thể và hữu hình này, nơi mà vạn vật ngụ cư, thuộc về thế hệ của
những cư dân hữu hình hiện thời. Chỉ họ mới có quyền chi phối những gì nằm
trong mối ưu tư của chính họ; chỉ họ mới có quyền ban bố luật pháp liên quan đến
sự chi phối đó, và sự ban bố này chỉ có thể được thực hiện bởi đa số. Thế nên,
đa số luôn có quyền đề cử đại biểu của mình tham gia một hội nghị và có quyền
biến hiến pháp thành cái mà họ nghĩ sẽ là tốt nhất cho lợi ích của họ. Nhưng
làm thế nào để thu thập tiếng nói của họ? Đây mới thực sự là một vấn đề khó
khăn. Nếu được triệu tập để phát biểu tại các hội nghị của quận hạt hoặc các tổ
chức tư, các phe nhóm đại diện này sẽ trở nên quá to lớn, và vì thế, chỉ một số
ít có thể tham gia. Từ đó, tiếng nói của họ sẽ sai lạc hoặc thiếu tính toàn diện.
Từ đây, do vậy, có thể lợi điểm của phân chia thành các khu vực trưng cầu ý kiến
mà tôi đã có lần đề nghị. Người đứng đầu mỗi khu vực sẽ triệu tập cử tri thuộc
khu vực của mình để lấy ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý về một vấn đề nào đó, rồi
chuyển chúng đến tòa án quận hạt và tòa án sẽ tập hợp tất cả các ý kiến của mọi
khu vực để trao cho cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Do đó, tiếng nói của toàn bộ
dân chúng có thể được diễn tả, thảo luận và định đoạt một cách công bằng, đầy đủ
và ôn hòa bởi lương thức của toàn xã hội. Nếu người ta làm ngơ trước phương thức
này, thì nó sẽ có cách, thông qua võ lực, làm cho tiếng nói của người dân được
lắng nghe; khi đó, như các quốc gia khác, chúng ta sẽ quay cuồng trong vòng luẩn
quẩn: áp bức, nổi loạn và cách mạng.
Nguồn:
http://www.talawas.org/?p=24840