Thưa
tiến sĩ Adler,
Một
trong những tác phẩm của Gilbert (1) và Sullivan (2) có nói ít nhiều về việc mỗi
người sinh ra thì vốn đã là một người tự do hoặc bảo thủ. Nhưng chính xác thì một
người “tự do” hay “bảo thủ” là gì? Người ta nói với ông kẻ nọ là tay tự do hay
tay bảo thủ, và cho rằng ông sẽ phải tán đồng hoặc phản đối. Nhưng việc cho rằng
ông phải tán đồng hay phản đối nghĩa là gì?
J.H.B.
J.H.B.
thân mến,
Tại
Mỹ ngày nay ít có ai thừa nhận mình là bảo thủ. Hầu hết chúng ta đều muốn người
khác coi mình là người theo chủ nghĩa tự do. Một số lãnh tụ chính trị tự nhận
mình là người“bảo thủ tự do”, hoặc “tự do bảo thủ”,
nhưng họ đều tránh nhãn hiệu “bảo thủ”. Tình thế này khiến ta khó phân biệt ý
người ta muốn nói gì khi dùng các thuật ngữ “tự do” và “bảo thủ”.
Tuy
nhiên, nếu chú ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều
cho rằng chữ “tự do” hàm ý một thái độ cởi mở đối với
cuộc sống và các ý tưởng, một sự sẵn sàng thay đổi, một sự chào đón đối với những
định chế xã hội mới. Và với thuật ngữ “bảo thủ” họ muốn
nói tới những quan điểm cố định, sự gắn bó với đời sống và trật tự xã hội sẵn
có, đối lập với thay đổi, và “sự xơ cứng tù hãm” nói chung.
Hiện
nay chúng ta có xu hướng gắn liền thuật ngữ “tự do” với
việc ủng hộ các hành động táo bạo của chính quyền để bảo đảm an sinh kinh tế và
xã hội. Nhưng trong quá khứ, người tự do là người tin rằng chính quyền không được
can thiệp vào diễn trình “tự nhiên” của đời sống kinh tế
và xã hội. Chủ nghĩa tự do hô hào việc giài phóng khỏi sự can thiệp và kiềm hãm
của chính quyền ngoài mức cần thiết cho trật tự công cộng, sự chừng mực và quốc
phòng. Trong lịch sử chính trị châu Âu, chủ nghĩa tự do đã ủng hộ chính quyền
hiến định chống lại nền quân chủ chuyên chế, và thường chủ trương một xã hội “đa
nguyên” bao dung hơn là kiểu cưỡng bách gắn bó với một mô hình đồng
nhất của các tập tục và niềm tin.
Lời
biện minh của chủ nghĩa tự do truyền thống được F. A. von Hayek (3) trình
bày rất tốt trong tác phẩm The Consitution of Liberty (“Hiến
pháp của tự do”). Ông tin rằng hành động và sự phát triển tự do cá nhân là
phương cách khả dĩ nhất để đạt được lợi ích chung và thực thi các lý tưởng tối
hậu của con người. Ông chống lại sự áp đặt bất kỳ hình thái trật tự xã hội cố định
nào, chống lại việc thủ đắc các đặc quyền, và việc cắt đứt các khả năng mới
trong tương lai.
Kết
quả là, Hayek bác bỏ cả nỗ lực áp đặt một mô hình xã hội mới - như chủ nghĩa xã
hội, chính sách New Deal (4) của Roosevelt (5) hay
hình thức nhà nước phúc lợi – lẫn nỗ lực duy trì các trật tự, định chế và đặc
quyền cũ. Ông tin rằng một xã hội tự do và mở cửa là tốt nhất, bởi vì không phe
nhóm nào đủ hiểu biết để định ra một mô hình xã hội hoặc có quyền áp đặt quan
điểm của họ về việc phải tiến hành những hoạt động của con người ra sao. Sự áp
chế sau cùng sẽ thành sa đọa; tự do sau cùng sẽ thanh tẩy.
Thật
khó để phân biệt kiểu chủ nghĩa tự do này với “chủ nghĩa Tân bảo thủ” được
các tác giả như Russell Kirk và Peter
Viereck ủng hộ. Những người Tân bảo thủ này cũng hô hào một sự
phát triển tự nhiên, “không can thiệp”, cho trật tự xã hội.
Họ cũng chống lại bất kì sự quyết định theo lý thuyết, được vạch sẵn một cách
có ý thức, đối với cấu trúc và tương lai của cộng đồng.
Tuy
nhiên, họ khác biệt với Hayek trong việc nhấn mạnh cộng đồng như một thể đối lập
với cá nhân, truyền thống xã hội và sự thống nhất đối lập với biến dị cá nhân,
trật tự và phân tầng xã hội đối lập với xã hội “rộng mở”. Họ
nhấn mạnh sự khôn ngoan tích lũy thể hiện trong các định chế, tập tục và niềm
tin hiện tồn, và ý thức một cách trực giác hơn là sự nắm bắt thông qua tư tưởng
thuần lý. Những người tự do như Hayek, ngược lại, tôn trọng và tin tưởng lý trí
con người, và xem chủ nghĩa Tân bảo thủ là “thần bí” và “ngu
dân”.
Những
người ủng hộ chính sách New Deal lại có khái niệm khác
về chuyện làm một người tự do là gì. Theo họ, chủ nghĩa tự do ủng hộ sự can thiệp
của chính quyền để giải quyết những vấn đề xã hội bức bách vốn quá lớn đến độ
các cá nhân riêng lẻ không giải quyết được. Họ cho rằng nghĩa vụ của chính quyền
là bảo đảm các quyền chính trị, kinh tế và xã hội căn bản cho mọi người thông
qua sự kiểm soát và hoạch định của chính phủ. Họ đặt trọn niềm tin và ý chí của
đa số dân chúng, vốn biện biệt hoàn toàn với sự xét đoán của một thiểu số nhỏ
bé.
-----------
Nguồn: sách Những tư tưởng
lớn từ những tác phẩm vĩ đại
Chú thích:
(1) W.S.
Gilbert (1836 – 1911): Nhà soạn kịch người Anh.
(2) Arthur
Sullivan (1842 – 1900): Nhà soạn nhạc người Anh.
(3) Friedrich
A.von Hayek (1899 -1992): Nhà kinh tế học người Anh sinh tại Áo,
đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974.
(4) New Deal:
những chính sách cải cách kinh tế và xã hội ở Mỹ những năm 1930 dưới thời tổng
thống Franklin D. Roosevelt.
(5) Franklin
D. Roosevelt (1882 – 1945): Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ, đặc biệt
ông làm tổng thống bốn nhiệm kỳ, lâu hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.