Thưa
tiến sĩ Adler,
Những
phát ngôn nhân Cộng sản luôn trích dẫn Karl Marx như là cấp thẩm quyền tối hậu
cho những quan điểm của họ. Nhưng tôi tự hỏi Marx nguyên thủy thì ra sao. Có phải
ông ấy đã phát kiến ra ý tưởng công hữu các tư liệu sản xuất? Có nhà tư tưởng
nào khác đã đề ra ý tưởng về một xã hội phi giai cấp không?
G.P.
G.P.
thân mến,
Ý
niệm công hữu tư liệu sản xuất, mà tôi cho rằng bạn muốn nói tới các công xưởng,
máy móc, và các phương tiện sản xuất khác, hoàn toàn không phải một phát minh của
Karl Marx, mà cũng chưa có ai nhận điều này là của mình. Quyền sở hữu và kiểm
soát chung đã được biện hộ trong tác phẩm Republica (Cộng hòa ) của Plato ở thế
kỷ 5 trước CN, Utopia (Cõi không tưởng ) của Thomas More năm 1516 và The City
of God (Thành phố của Thượng đế ) năm 1612. Ý niệm công hữu được các tác giả
trên gắn liền với công bằng, bác ái, bình đẳng giữa người và người, và phúc lợi
cho cộng đồng như một đối kháng với lợi ích cá nhân. Họ tin rằng nếu các phương
tiện để sinh sống và hạnh phúc nằm trong tay cộng đồng, thì toàn cộng đồng sẽ
hưởng lợi từ những phương tiện đó.
Lý
thuyết Marx vốn cho rằng các giai cấp xã hội tất yếu sẽ dẫn đến đấu tranh giai
cấp cũng đã được nói rõ trong Republica của Plato:
Vì thực ra bất kỳ thị quốc nào, dù nhỏ đến
đâu, cũng bị chia làm hai, một là thị quốc của người nghèo, và một của người
giàu: họ luôn có chiến tranh với nhau .
Chính
vì để tránh cuộc chiến đó mà Plato nhất định rằng những người cầm quyền của quốc
gia lý tưởng này không được có tài sản riêng, mà phải sống chung trong cộng đồng,
chia sẻ mọi thứ, thậm chí là ăn uống chung trong những đại sảnh công cộng. Nếu
những người cầm quyền, hoặc kẻ bảo vệ, có tài sản, thì quốc gia, theo Plato, sẽ
bị đối mặt với sự sụp đổ. Ông viết:
Nhưng
nếu họ có được nhà cửa hoặc đất đai hoặc tiền bạc riêng cho họ, họ sẽ trở thành
những quản gia hay ông chồng thay vì là người bảo vệ, sẽ là những kẻ th ù và bạo
chúa thay vì là đồng minh của các công dân; họ sẽ thù ghét và bị thù ghét, âm
mưu và bị mưu phản, họ sẽ sống cuộc đời trong nỗi kinh hoàng vì các kẻ thù
trong nước, hơn là kẻ thù từ bên ngoài, và giờ phút sụp đổ cho chính họ và cho
cả quốc gia, sẽ gần trong tầm tay .
Nhiều
tác giả cổ và hiện đại trước Marx, tạm kể một ít như Aristotle, Plutarch,
Rousseau, Montesquieu và Gibbon, đã nói về đấu tranh giai cấp như một hệ quả tất
yếu của sự phân chia quốc gia thành những người giàu và những người nghèo.
Trong thế kỷ 17 và 18, có những nhà tư tưởng riêng lẻ đề xuất ý tưởng tập thể
hóa các công xưởng, máy móc và các tư liệu sản xuất khác như một giải pháp cho
vấn đề này. Nhưng đến cuối thế kỷ 18 thì trào lưu công hữu hóa mới bắt đầu lớn
mạnh. Có hai lý do cho sự việc này: cuộc Cách mạng Pháp và những mặt xấu hiển
nhiên của hệ thống xí nghiệp và trào lưu công nghiệp hóa. Grachus Babeuf[187]
và những lãnh đạo cánh tả khác của Cách mạng Pháp hô hào chủ nghĩa Cộng sản,
bình đẳng kinh tế và tiêu hủy tài sản cá nhân. Claude Henry Saint- Simon và
Charles Fourier cũng ủng hộ nền kinh tế công hữu, giống như Robert Owen bên
Anh, một nhà từ thiện và sản xuất rất thành đạt đã đi theo chủ nghĩa Cộng sản.
Tất cả những chuyện này đã xảy ra nhiều thập niên trước khi Marx và Engels định
hình lý thuyết của họ. Engels từng nói rằng hầu hết những tư tưởng lớn của chủ
nghĩa xã hội đều có thể tìm thấy ở những người xã hội chủ nghĩa không tưởng
hàng đầu Saint Simon, Fourier và Owen. Về phần Marx, hai khám phá mà ông nhận
là của mình là quan niệm duy vật về lịch sử và bí mật của sản xuất tư bản chủ
nghĩa thông qua giá trị thặng dư. Tuy nhiên, Engels chứng tỏ rằng Owen đã đi
trước chủ nghĩa Marx trong việc nói rằng công nhân bị bóc lột dưới chế độ tư hữu
về tư liệu sản xuất.
Ngay
cả thuyết duy vật lịch sử lý thuyết cho rằng các yếu tố kinh tế điều khiển lịch
sử cũng có nhiều kẻ tiền hô. Tuy nhiên cũng phải nói rằng chính sự triển khai
lý thuyết của Marx đã lần đầu tiên tạo cho nó một tầm cỡ. Chính những gì Marx
đã làm với những ý tưởng đề xuất bởi các tác giả trước đó đã tạo ra ảnh hưởng
như ta thấy ngày nay. Marx tiếp thu lý thuyết về đấu tranh giai cấp, lý thuyết
về [nguồn gốc] lao động của giá trị, và những hậu thuẫn căn bản cho lý thuyết của
mình từ kinh tế gia người Anh David Ricardo[188], nhưng rút ra những kết luận
hoàn toàn khác. Cuốn Principles of Economics and Taxation (Các nguyên lý của
kinh tế học và thuế khóa ; 1817) của Ricardo mà Marx đã sử dụng rất nhiều, là
tác phẩm phân tích và biện hộ mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa Tư bản. Cuốn Capital
(Tư bản) của Marx, 50 năm sau, lại là một lý giải sâu rộng về chủ nghĩa Tư bản,
với kết luận bằng một tiên đoán rằng chủ nghĩa này tất yếu sẽ sụp đổ và bị thay
thế bằng chế độ công hữu và công quản. Như triết gia A.N. Whitehead đã từng
nói, những tư tưởng quan trọng nhất thì đã được đề cập từ trước bởi nhiều người
mà họ vốn không vạch ra hết được các hệ quả và nhìn thấy hết tầm quan trọng của
các tư tưởng đó. Thành quả của Marx là ở chỗ đã tổng hòa những tư tưởng của người
khác với những tư tưởng của chính mình và đề xuất được một chương trình cách mạng
mà nó, vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới.
Nguồn:
sách Các tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại