Nguyễn
Đức Hiệp [i]
Tóm
tắt : Khoa học hiện đại có những đóng
góp to lớn vào đời sống xã hội con người. Nhưng khoa học là gì và có phải chỉ
có một hay là có nhiều nền khoa học khác nhau tùy thuộc vào vũ trụ quan của một
nền văn hóa hay một nền tảng triết học mà các nhà hậu hiện đại đã đặt ra. Bài
này có mục đích tóm tắt quá trình lịch sử triết học khoa học và những vấn đề
khúc mắc tồn tại từ thời Khai sáng đến nay.
1. Phác hoạ tổng quan
Khoa
học ở Tây phương phát xuất và bùng nổ mạnh từ cuộc tranh đấu giữa tôn giáo và
các "triết gia thiên nhiên" (natural philosophers) trong thời Khai
sáng. Chỉ từ thế kỷ 19 mới có các từ "khoa học" và "khoa học gia"(scientist)
(do William Whewell đặt ra) như ta hiểu hiện nay [ii]. Trước đó, những người
nghiên cứu hiện tượng thiên nhiên và đưa ra các định luật về tự nhiên được gọi
là “triết gia” (philosopher) hay “triết gia thiên nhiên” (natural philosopher).
Francis Bacon là người hệ thống hoá và kêu gọi vận dụng triết lý thực nghiệm
làm nền tảng cho kiến thức. Con người chỉ có thể tìm và biết được sự thật về sự
vận hành của thế giới thiên nhiên qua cảm nghiệm (senses) về thế giới bên ngoài
chứ không từ tâm linh, niềm tin hay thượng đế.
Nền
tảng khoa học phương Tây vì thế dựa trên cảm nghiệm và thực nghiệm. Từ Bacon đến Whewell và đến ngày nay, khoa học
ngày càng phát triển và chia ra nhiều ngành, nhiều nhánh khác nhau.
Khác
với triết lý thực nghiệm (empirical) của Bacon và Whewhell phát triển mạnh ở
Anh, triết lý thực chứng (positivism) của Ernst Mach và sau đó chủ nghĩa thực
chứng lôgích (logical positivism) của Nhóm Vienna phát triển mạnh ở những nước
Âu châu nói tiếng Đức. Tuy vậy, ngay cả ở những nước nói tiếng Anh, nơi triết
lý thực nghiệm phát sinh và làm nền tảng cho việc khám phá ra một số lớn các định
luật tự nhiên trong khoa học, ít ai biết về chủ nghĩa thực chứng vào các thập
niên 1950, 1960. Lý do là vì truyền thống lịch sử triết lý khoa học ở hai nước
khác nhau do đã có lúc các triết gia ở Đức lái triết lý khoa học thực nghiệm của
thời Khai sáng vào một ngã rẽ quan trọng theo con đường của chủ nghĩa lãng mạn. Các triết gia thuộc trường phái lãng mạn và
triết học duy tâm Đức đã đem "siêu hình học" về với triết lý khoa học,
gọi là Naturphilosophie, một hỗn hợp của cảm tính, huyền bí và giả thuyết nửa
khoa học (quasi-scientific). Mục đích của họ là kết hợp nhân bản với khoa học,
một mục đích cao thượng. Tuy nhiên, hậu
quả là sự xuất hiện của các lý thuyết không hoàn toàn "khoa học" mà
sau này Karl Popper gọi là "ngụy khoa học" (pseudo-science). Sự ra đời
của chủ nghĩa thực chứng của Popper là phản ứng lại các lý thuyết trên.
Theo chủ nghĩa thực chứng lôgích, khoa học là
cái gì có thể kiểm chứng được, bằng quan sát, dữ liệu, theo một số quy luật. Những gì không thể kiểm chứng được một cách
lôgích là siêu hình học, hay "ngụy khoa học". Chủ nghĩa thực chứng
sau này bộc lộ nhiều giới hạn. Giới hạn
nổi bật nhất là lắm khi một lý thuyết (thí dụ như thuyết nguyên tử với các điện
tử (electrons)) dù không quan sát được với kỹ thuật đương thời nhưng rồi đã được
kiểm nghiệm với kỹ thuật tiến bộ hơn.
Karl
Popper đã đưa ra quan điểm mới tốt hơn triết lý thực chứng lôgích. Theo ông, để
phân biệt "khoa học thật" sự với "ngụy khoa học" và siêu
hình học, ta cần tiêu chuẩn: một lý thuyết
chỉ mang tính khoa học khi nó có thể chứng nghiệm là sai. Đây là tính phản nghiệm
(falsification) nổi tiếng của Popper, có nhiều ảnh hưởng vào thập niên 1970.
Tuy vậy chủ nghĩa phản nghiệm (falsificationism) có những khúc mắc, nhất là với
những nhà khoa học xã hội. Theo những
người này thì tiêu chuẩn ấy quá cứng nhắc, áp dụng nó một cách rạch ròi thì
ngay cả thuyết tiến hoá của Darwin cũng không là khoa học.
Đối
thủ nổi tiếng nhất của Karl Popper là Thomas Kuhn. Theo Kuhn, ít môn khoa học nào thật sự là
"khoa học" theo tiêu chuẩn của Popper. Kuhn cho rằng chúng ta không thể so sánh lý
thuyết khoa học này với lý thuyết khoa học khác, vì chúng thuộc những phạm trù
khác nhau, với những giới hạn khác nhau.
Theo Kuhn, các lý thuyết khoa học đều tiến hoá theo "bước nhảy cách
mạng" (revolutionary jump). Khi một lý thuyết hoạt động và gặp những giới
hạn hay khủng hoảng (chẳng hạn như khi vật lý Newton gặp những hiện tượng lượng
tử), thì một cuộc cách mạng về cách nhìn là cần thiết. Nói theo Kuhn là cần chuyển sang một "mô
thức" ("paradigm") mới (“paradigm shift” là một cụm từ dấu ấn của
Kuhn). Không thể so sánh các mô thức, dù
với tiêu chuẩn nào, vì chúng thuộc các phạm trù khác nhau. Thuyết của Kuhn được
hồ hởi chấp nhận, nhất là bởi những người theo chủ thuyết tương đối
(relativism) trong các thập niên 1960, 1970 chống lại phái bảo thủ tuyệt đối.
Song
thuyết của Kuhn cũng có nhiều khúc mắc.
Lịch sử khoa học cho thấy hiếm có các chu kỳ lý thuyết như Kuhn mô tả. Ngay vật lý Newton cũng không phải là cách mạng
khoa học (revolution) mà là tiến hóa khoa học (evolution). Paul Feyarabend, bạn của Kuhn, thì mạnh bạo
hơn: ông cho rằng thật sự không có cái gì gọi là "phương pháp khoa học". Theo Feyerabend, chúng ta có thể dùng bất cứ
phương tiện nào miễn là phương tiện ấy giúp hiểu biết vấn đề trước mắt. Dễ thấy, nhiều nhà khoa học đã cho khẳng định
"khoa học là cái gì mà các nhà khoa học làm" như Feyarabend đề xướng
là đi quá xa!
Cơ
bản quan điểm của Kuhn và Feyarabend là phản ứng lại “mô hình cứng” của Popper,
người chủ trương chủ thuyết phản nghiệm như nói trên. Imre Lakatos cũng là một phản ứng khác, nhưng
không quá khích, "vô trật tự" hay "vô chính phủ"
("anarchist") như Feyarabend,
Lakatos không phân chia rạch ròi giữa khoa học duy lý
("rational" science) và khoa học vô duy lý (non-rational
science). Triết gia này kết hợp quan điểm
của Kuhn với phương pháp phản nghiệm (có cải tiến) của Popper, cho rằng khoa học
là một chuỗi những "chương trình nghiên cứu" (research programs), từng
bước tiến lên từ một vấn đề này đến vấn đề khác. Quan điểm của Lakatos có vẻ hợp lý nhất đối với
đa số các ngành khoa học hiện đại (kể cả các ngành khoa học xã hội).
Gần
đây có một cuộc tranh luận là liệu thật sự có một nền khoa học phổ quát
(universal science) hay là có nhiều nền khoa học tuỳ theo vũ trụ quan của một nền
văn minh (thí dụ có “khoa học hồi giáo”, “khoa học Trung quốc”... khác với khoa học hiện đại mà ta nên gọi là
“khoa học Tây phương” không?). Nhiều nhà khoa học cho là chỉ có một nền khoa học
phổ quát (luật khoa học bất biến) chứ không có nhiều loại khoa học tuỳ theo vũ
trụ quan của những văn minh khác nhau.
Steven Weinberg (giải Nobel vật lý) (1), và Alan Sokal (2) là tiêu biểu
trong nhóm này. Mặt khác, một số người
như Jacques Derrida, Helen Verran (3) lại cho rằng khoa học có nhiều loại, có
thể khác với khoa học mà ta vẫn biết hiện nay ở Tây phương.
2. Từ thực nghiệm quy nạp
(induction) đến chủ nghĩa thực chứng lôgích (logical positivism)
Các
phương pháp và triết lý khoa học hiện nay cũng như thành quả của chúng xuất
phát từ sự phát triển triết lý mạnh mẽ ở thời Khai sáng.
(a)
Quy nạp thực nghiệm
Rũ bỏ quan niệm thần quyền theo đó tri thức
phát sinh từ sự tiết lộ của đấng tối cao qua niềm tin và thuyết giáo, nhiều nhà
tư tưởng và triết gia "thiên nhiên" đã tìm hiểu và nghiên cứu về sự
liên hệ giữa thế giới bên ngoài và tri thức. Họ quan sát, nhận thức tự nhiên
qua cảm quan, rồi từ đó, qua phương pháp quy nạp, khám phá ra các nguyên lý và
định luật thiên nhiên. Do đó tất cả các hiện tượng trong thiên nhiên đều có thể
giải thích và hiểu được bằng lý trí, trí tuệ suy xét. Chủ nghĩa duy lý trong thời
Khai sáng cho rằng sự tiến bộ của con người là kết quả của sự thâu thập và tích
lũy tri thức vào kiến thức của con người.
Tiêu
biểu trong giai đoạn này là các khoa học gia và triết gia như John Locke và
Francis Bacon. Theo họ, từ sự quan sát lâu dài các hiện tượng thiên nhiên, ta
có thể dùng quy nạp (induction) để thiết lập định luật chung cho các hiện tượng
ấy. Đây là nền tảng của sự phát triển và bùng nổ kiến thức khoa học trong nhiều
ngành từ thế kỷ 18 cho đến đầu thế kỷ 20. Nước Anh là nơi mà truyền thống khoa
học thực nghiệm phát sinh và phát triển rộng rãi. Cơ học Newton là một thành tựu
lớn lao của khoa học thực nghiệm quy nạp và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà tư
tưởng của thời Khai sáng.
Trong
giai đoạn phát triển của khoa học thực nghiệm quy nạp, một nguyên nhân đưa đến
cuộc cách mạng kỹ nghệ lịch sử, còn có ảnh hưởng của hai nhà triết học Descartes
và Kant.
Descartes
với "triết lý cơ học" cho rằng mọi hiện tượng liên quan đến vật thể
trong thiên nhiên đều có thể hiểu được bằng lý trí: thiên nhiên vận hành qua
các lực đẩy, lực kéo do sự liên tác của các vật thể rắn hay lỏng. Tất cả đều
theo quy luật cơ khí chứ không theo quy luật huyền bí hay mê tín về một đấng tối
cao. Sau thời Khai sáng, triết lý này có ảnh hưởng rất lớn ở thế kỷ 19, trong
các ngành hoá học và nhiệt học được phát triển với giải thích cơ bản dựa vào
các nguyên tử. Tuy vậy, các triết gia theo triết lý cơ học khó chấp nhận vật lý
Newton, vì theo họ thì khó giải thích sức hút hay liên tác giữa các vật thể qua
không gian mà không qua sự tiếp xúc của các vật thể. Tuy có những giới hạn, triết
lý Descartes đã có nhiều đóng góp đáng kể vào khoa học và vẫn còn được áp dụng,
ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh của vật lý Newton.
David
Hume là người đã vạch ra những khó khăn cơ bản của triết lý quy nạp thực nghiệm.
Theo ông, các sự kiện xảy ra kế tiếp nhau ở thế giới bên ngoài mà ta cảm nhận cho
ta ấn tượng là chúng có liên hệ nhân quả. Song, thật ra, có thể chúng không
liên hệ gì nhau, và chưa chắc là các chuỗi sự kiện ấy cũng sẽ như vậy trong
tương lai. Cơ bản là kinh nghiệm của chúng ta chỉ dựa vào cái gì đã qua và hôm
nay, không ai có kinh nghiệm về tương lai. Hume đưa thí dụ: thấy mặt trời mọc
hôm qua và hôm nay, rồi nghĩ là mặt trời sẽ mọc ngày mai, thì thật sự chỉ là một
thói quen. Dùng quy nạp qua cảm nhận thực
nghiệm để thiết lập nguyên nhân và hậu quả vì thế rất đáng nghi ngờ. Tri thức,
lý thuyết khoa học kiểu đó có thể hoàn toàn sai lầm .
Qua
triết lý của Kant, khúc mắc trên được giải quyết ở một mức trừu tượng hơn. Kant
cho rằng chúng ta có thể có nhận thức một cách tiên nghiệm (a priori) các phạm
trù có sẵn trong vật thể. Song, theo ông, dù chúng ta có biết được mọi đặc tính
của các vật thể và sự liên hệ giữa chúng, chúng ta vẫn không thể thực sự biết
chính vật thể đó. Theo Kant, có thể giải
thích hoàn toàn liên hệ giữa các vật thể bằng lý trí thuần tuý (pure reason),
và phương pháp khoa học có thể giải thích được tất cả thế giới hiện tượng. Ông
cũng nghĩ rằng có thể chỉ dùng lý trí thuần tuý mà chứng minh được là luật sức
hút và cơ học Newton.
Kant
cho rằng không gian và thời gian không phải là một bộ phận của thế giới bên
ngoài mà là sản phẩm của tư tưởng. Ý niệm thời gian, theo ông, không phát sinh
từ sự thu nhận qua các giác quan của con người về thế giới bên ngoài. Vì thế,
ta có thể hoàn toàn qua lý trí thuần túy mà phát huy kiến thức về những gì liên
quan đến thời gian. Triết học của Kant do đó khó dung hoà với thuyết vật lý
tương đối của Einstein sau này, qua đó không gian và thời gian là những khía cạnh
thông thường của vũ trụ vật thể, những khía cạnh có thể bị ảnh hưởng bởi chuyển
động và lực hút.
Tư
tưởng duy lý với quy nạp thực nghiệm trong thời Khai sáng bắt nguồn từ mục đích
nhân bản: kiến thức mà lý trí Khai sáng tạo ra là để giải phóng con người bằng
cách nâng con người vượt qua khỏi thế giới hoang dã. Tuy vậy, trong thực tế, việc giảm đi giá trị
tinh thần và niềm tin tôn giáo cũng có nguy cơ đưa đến tư tưởng và chủ nghĩa
duy ý chí cực đoan nhằm tìm ra một xã hội "hoàn hảo" như trong lý tưởng
của cách mạng Pháp, và điều này có thể đưa đến việc áp dụng triệt để chúng trước
khi biết được giới hạn của chúng. Tư tưởng thời Khai sáng đã bị nhiều phong trào theo chủ nghĩa lãng mạn phản
kháng. Họ chủ trương "lý trí đi ngủ" là tốt cho con người. Rousseau
đã kết án văn minh và lý trí đồng thời cổ vũ cho hoang dã thanh liêm, cho việc
trở lại với thiên nhiên và sự hồn nhiên trong sáng để đạt trạng thái không bị
thoái hóa.
Phong trào lãng mạn ở Đức, mặt khác, không quá
cực đoan như lãng mạn kiểu Rousseau. Các triết gia lãng mạn ở Đức cố gắng kết hợp
nhân bản với duy lý. Goethe là một nhà văn, triết gia nhân bản, ông cũng đặt hy
vọng vào khoa học và tin là khoa học giải phóng con người. Bản thân ông muốn
mình là một nhà khoa học tìm hiểu thiên nhiên vì lợi ích nhân loại. Như nói ở
trên, các triết gia ở Đức lái triết lý khoa học thực nghiệm của thời Khai sáng
vào hẳn một ngã khác. Các nhà triết gia trường phái lãng mạn đã mang siêu hình
học trở lại triết lý khoa học, gọi nó là Naturphilosophie, một hỗn hợp của cảm
tính, huyền bí và giả thuyết bán khoa học
(quasi-scientific). Hậu quả là sự ra đời sau này của các lý thuyết không hoàn
toàn "khoa học".
(b)
Chủ nghĩa thực chứng lôgích (logical positivism)
Chủ nghĩa thực chứng vẫn xem quy nạp thực nghiệm
là nền tảng của phương pháp khoa học. Ernst Mach, nhà vật lý và triết gia của
trường phái cuối thế kỷ 19 ở Vienna, đưa triết lý thực chứng vào khoa học vật
lý. Trong tay Mach, thực chứng được dùng như đối trọng và liều giải độc
(antidote) chống lại siêu hình học của Kant và các lý thuyết bán khoa học của phái lãng mạn. Tuy nhiên chỉ
sau thế chiến thứ nhất, khi một nhóm các nhà vật lý, toán học và triết học
thành lập Nhóm Vienna (Vienna Circle) do Moritz Schlick dẫn đầu. thì chủ nghĩa
thực chứng lôgích mới phát triển và có ảnh hưởng rộng rãi. Qua tuyên ngôn “Vũ trụ quan khoa học: Nhóm
Vienna" những người này đưa ra một triết lý mới kết hợp thực chứng của
Mach và lôgích của Russell. Trong bối cảnh chán nản hậu quả chiến tranh và các
quan điểm, tư tưởng tôn giáo, chính trị đầy rẫy đè nặng trong xã hội, thực chứng
lôgích đã được nhiều trí thức xem là như phương tiện giải thoát con người khỏi
lầm than và tranh chấp. Có thể nói đây là khởi đầu của một phong trào, tập
trung từ Trung Âu và phát tán ra các nước bắc Âu, Anh và sau này là Mỹ, chống lại
triết lý trừu tượng. Phong trào này trở
về nguồn với những gì cơ bản, giản dị, lôgích, có thể kiểm nghiệm được, và loại
bỏ những vô nghĩa, siêu hình đã trói buộc và nô lệ hoá con người trong đời sống
xã hội.
Cốt
lõi của thực chứng lôgích là chỉ chấp nhận những gì gọi là khoa học khi có thể
quan sát hay đo được, và do đó có thể kiểm chứng. Đây là nguyên lý kiểm chứng nổi
tiếng mà Alfred Ayer mô tả như sau:
"Chúng
ta nói rằng một câu rất đáng kể có sự thật, dựa trên sự kiện cho bất cứ một người
nào, nếu và chỉ nếu người ấy biết cách kiểm chứng được định đề mà câu đó có ngụ
ý hay mục đích muốn nói lên - nghĩa là người đó biết những quan sát nào, trong
một số điều kiện nhất định, sẽ làm họ chấp nhận định đề đó là đúng, hay không
chấp nhận nó vì nó sai." (28)
Những
gì không quan sát và kiểm chứng được bị xếp vào một loại tương tự với siêu
hình. Các câu như "Bức tranh này đẹp", hay "Có một thượng đế
toàn năng" là vô nghĩa, là siêu hình. Những siêu hình học truyền thống, với
những ước đoán trừu tượng về thế giới bên ngoài, không thể kiểm được bằng quan
sát khoa học và vì thế đều vô nghĩa, vô dụng cho con người. Dùng nguyên lý cơ bản
trên, các nhà triết học theo thực chứng lôgích như Neurath nghiên cứu về triết
lý khoa học, đã phát triển một cách có hệ thống những nguyên lý để tìm hiểu thế
giới thiên nhiên. Một số, như Gregory Bergman, nghiên cứu về triết lý ngôn ngữ
để tiến đến một ngôn ngữ lôgích lý tưởng, hay như Rudolf Carnap, dùng phương
pháp chính thống của lôgích toán học để tìm ra một ngôn ngữ hoàn toàn khoa học
nhằm thể hiện được thế giới thiên nhiên bên ngoài. Các nhà toán học Kurt Godel,
Peter Frank cũng dùng lý luận tinh vi để tìm hiểu giới hạn của lôgích.
Như
Hume, họ cho rằng hiện tượng không có nguyên nhân. Song, khác Hume, họ dùng quy nạp làm cơ sở lý
luận. Cơ bản là chúng ta chỉ biết quá khứ và hiện tại, vì thế dùng quy nạp để
khám phá các định luật khoa học thì liệu định luật ấy có đúng với tương lai? Vì
dùng quan sát để kiểm chứng sự thật, sự kiện khoa học, để biết được sự thật định
luật khoa học, họ đã phải dùng quy nạp và lôgích để biết xác suất của định luật.
Các người chủ trương chủ nghĩa thực chứng lôgích, như Carnap, đã dùng lý luận
và lôgích để chứng minh tiên đoán xác suất sự chính xác và độ tin cậy
(confidence) của các định luật qua quy nạp thực nghiệm với toán học xác suất.
Nhưng mặc dầu đã rất cố gắng, họ vẫn thất bại. Vấn đề cơ bản là quy nạp có nhiều
khó khăn, như Hume đã cho thấy, và cuối cùng không thể tổng quát hoá bằng quy nạp
trong hệ thống thế giới lôgích như thế. Sau này, Popper đã học hỏi và thấy được
giới hạn của thực chứng lôgích khi ông làm việc chung với họ.
Triết
lý thực chứng lôgích có ảnh hưởng đến một số các nhà khoa học vật lý ở thế kỷ
20 như Ludwig von Mises, Werner Heisenberg và đóng góp vào việc phát triển
nguyên lý vô định, không chắc chắn (uncertainty principle), sinh ra từ phân
tích thực chứng lôgích về sự giới hạn khi vừa quan sát vị trí vừa đo động lực
(momentum) của vật thể cùng một lúc. Einstein và Bohr cũng có nhiều liên hệ với Nhóm Vienna.
Nhưng
triết lý này cũng là khuynh hướng đối lập chính chống lại thuyết nguyên tử vào
đầu thế kỷ 20. Các môn đồ của thực chứng lôgích cho là thuyết nguyên tử không
phải là khoa học thực sự bởi vì các nguyên tử không thể quan sát được, và vì thế
không thể kiểm chứng, với những kỹ thuật có thể mường tượng vào thời đó Ngay cả sau này khi thuyết nguyên tử đã được
nhiều người chấp nhận, Mach vẫn cương quyết tranh luận khi viết cho Plank là
".. nếu sự tin tưởng vào sự thật của
các nguyên tử là thiết yếu trong khoa học, thì tôi xin từ nay bỏ đi phương cách
suy nghĩ làm khoa học vật lý. Tôi sẽ không còn là một nhà vật lý chuyên nghiệp
và tôi trả lại hết những danh dự khoa học mà tôi có" (4)
Triết
lý thực chứng không còn hữu dụng khi nghiên cứu về tương lai. Như nhà vật lý Weinberg viết: "Làm sao
chúng ta có thể tạo lập một lý thuyết dựa vào các vật quan sát khi mà không một
khía cạnh nào của kinh nghiệm chúng ta - có thể ngay cả ở không gian và thời
gian tương lai - đã được dùng ở mức cơ bản
nhất của các lý thuyết chúng ta? "(4)
Oái
oăm thay, khi thuyết về hạt tử “quarks” ra đời thì triết lý thực chứng không
còn chỗ đứng trong vật lý, nơi mà nó đã khai sanh và được áp dụng. Theo hai nhà
vật lý Murray Gell-Mann và George Zweig thì tất cả các loại hạt tử (như
electron, neutron, meson, proton, vv) đều được cấu tạo bởi vài hạt tử cơ bản
(elementary) giản dị mà họ gọi là “quarks”. Ngày nay, hầu hết các nhà vật lý đều
chấp nhận lối giải thích này.
Đến
đầu thế kỷ 20, người ta bắt đầu thấy rõ triết lý khoa học thực nghiệm và chủ
nghĩa thực chứng là có nhiều giới hạn trong hầu hết mọi ngành. Ngay cả khi có
những vật thể quan sát được, điểm then chốt của thực chứng cũng đã bị chỉ trích
và phủ định khi nó cho là có những quan sát hoàn toàn độc lập, và trung tính
(neutral) với các lý thuyết, ý niệm, và ngôn ngữ. Ngay trong vật lý học, triết lý thực chứng
cũng bị xem là lạc hậu và được thay thế bởi triết lý phản nghiệm của Popper.
3.
Triết lý phản nghiệm của Karl Popper
Tuy xuất thân từ phái thực chứng,
Popper đã vượt qua những khuyết điểm của phái này và có nhiều đóng góp vào triết
lý khoa học hiện đại. Trái với thực chứng, ông cho rằng tất cả những quan sát
(observations) đều không trung tính, mà đầy lý thuyết (theory laden). Ông nghĩ
rằng không có các môn đề (subject matters) như tâm lý, xã hội, thiên nhiên mà
chỉ có các vấn đề (problems) và ước muốn của chúng ta để giải thích chúng. Đối với Popper, câu hỏi then chốt là: làm sao
chúng ta có thể xác định một lý thuyết là khoa học hay không khoa học (mà ông gọi
là ngụy khoa học). Theo ông, một lý thuyết
được gọi là khoa học khi nó có những điều kiện sau:
(i)
Có thể đưa tới (liable) chứng nghiệm theo dữ liệu. Nói khác đi, thuyết ấy phải cho cơ hội kiểm
nghiệm để chứng tỏ là nó sai;
(ii)
Đưa ra những tiên đoán: thuyết phải “gan dạ”, “táo bạo” tiên đoán những hiện tượng
chưa được quan sát và kiểm nghiệm.
Điều
(i) rất là quan trọng, vì thế thuyết Popper được gọi là chủ nghĩa phản nghiệm
(falsificationism). Theo đó ta có thể có nhiều quan sát (observations) phù hợp
(fit) với lý thuyết đặt ra. Song điều quan trọng là thuyết đó phải cho phép ta
có thể tìm dữ kiện (data) để chứng tỏ là nó sai. Lý thuyết chỉ thật sự là khoa
học khi nó liều lĩnh, táo bạo, "mở cửa" cho nhiều cơ hội kiểm chứng,
chứa nhiều thông tin với bằng chứng có thể phản biện.
Theo
Popper, một lý thuyết khoa học mới chỉ xứng đáng thay thế một lý thuyết đang có
khi lý thuyết mới ấy tổng quát hơn, giải thích được hết những gì lý thuyết cũ
có khả năng giải thích, và hơn nữa, giải thích được nhiều trường hợp mà lý thuyết
cũ đã bị phản nghiệm. Rồi, bản thân lý
thuyết mới ấy tự nó phải cho nhiều cơ hội phản nghiệm. Và sau cùng, khoa học
"thực sự" phải có những tiên đoán về các hiện tượng chưa quan sát
nhưng sẽ xảy ra, và có thể kiểm chứng.
Để
hiểu rõ nguyên nhân sự ra đời của thuyết phản nghiệm, nên biết đôi chút về cuộc
đời và môi trường trí thức của Popper khi ông còn ở Áo (5). Popper, gốc Do
Thái, sinh trưởng ở Vienna, lúc đầu thân cận với nhiều người trong trường phái
thực chứng. Có thời ông là Mác xít, và đã có những kinh nghiệm về sự không định,
thiếu lôgích khoa học của các giải thích hiện tượng xã hội qua các thuyết tâm
lý của Freud và Adler khi ông làm phụ tá cho Adler trong các văn phòng xã hội
giúp trẻ em và thanh niên nghèo ở Vienna. Adler là học trò của Freud và là người
đưa ra lý thuyết xã hội gọi là thuyết Adler (Adlerism), theo đó con người có một
nhu cầu cơ bản trong xã hội: đó là muốn có quyền lực. Khi quyền lực mình mong muốn vượt quá tầm tay của
mình vì các trở lực bên ngoài, thì con người hình thành những tâm trạng, hành động
tâm lý. Những tâm trạng, hành động này được thể hiện qua một mặc cảm tự ti nhằm
che giấu cái yếu, cái bất lực của mình.
Theo
Popper, mọi hành vi đều có thể được diễn giải theo thuyết tâm lý của Freud hay
Adler. Popper đưa ra thí dụ hai hành vi rất khác nhau. Một người đàn ông xô đứa
trẻ xuống nước để nó bị chết đuối, và một người nhảy xuống nước để cứu đứa bé.
Theo thuyết của Freud, thì người thứ nhất bị mắc bệnh kiềm chế một phần phức cảm
Oedipus (Oedipus complex) của mình. Người thứ hai đã đạt được tuyệt đỉnh. Theo
thuyết Adler, thì người đàn ông thứ nhất muốn vượt qua mặc cảm tự ti của mình bằng
sự thách thức chính mình hãy giết đứa trẻ; và người thứ hai cũng muốn chế ngự
được mặc cảm tự ti bằng thử thách chính mình và cứu đứa trẻ. Popper đã tương phản
hai lý thuyết trên với lý thuyết cơ học Newton và tương đối của Einstein, hai
lý thuyết có nhiều bằng chứng để kiểm nghiệm hay phản nghiệm. Đây là hạt nhân
cho sự hình thành và xuất hiện thuyết phản nghiệm của Popper.
Có
hay không các loại khoa học khác nhau tùy theo vũ trụ quan của văn hoá? Nếu theo tiêu chuẩn của Popper thì không.
Theo Popper, khoa học phải tách rời với tất cả, ngay cả những gì liên hệ đến
con người như ngôn ngữ, cảm nhận v.v... Khoa học thực nghiệm theo hệ thống quy
nạp với tri thức tiếp nhận qua giác quan mà khoa học từ Bacon, Newton cho đến
ngày nay phần lớn đã dựa vào, cũng không đúng (mặc dù ông có đồng cảm với tư tưởng
trên)
"Tôi
là một người rất ngưỡng mộ cảm quan kinh nghiệm (common sense), và tôi cho rằng
nó cơ bản rất tự phản biện (self-critical). Tuy vậy, mặc dầu tôi vẫn giữ sự thật
cơ bản cuối cùng tính hiện thực của cảm quan kinh nghiệm (common sense
realism), tôi cho rằng lý thuyết cảm quan về tri thức là một sai lầm chủ quan.
Sự sai lầm này ngự trị triết lý Tây phương đã lâu. Tôi đã cố gắng xoá bỏ nó, và
thay bằng một thuyết khách quan về tri thức chủ yếu qua phỏng đoán. Điều này có
thể là một tuyên bố bạo dạn nhưng tôi không hề xin thứ lỗi cho thuyết này.”(6)
Tất
cả mọi thuyết và phương pháp khoa học phải khách quan. Popper cho là luật thiên
nhiên và vũ trụ là phổ quát, ông tin là lý thuyết khoa học phải cạnh tranh
trong môi trường phản nghiệm. Lý thuyết phải có tính chất phản nghiệm
(falsifiability), mạnh dạn cấp tiến trong tiên đoán và qua nguyên lý phản nghiệm
để có và được thay thế bởi các lý thuyết nào gần với sự thật hơn (Popper gọi là
"versimilitude"). Vì thế, khoa
học là một chuỗi các lý thuyết bị đổ để đến lý thuyết gần hơn với
"versimilitude". Chủ nghĩa thực chứng và thuyết Popper chủ yếu dựa
vào vật lý học như mô hình triết lý khoa học. Trái với các thuyết thật sự khoa
học có tính phản nghiệm và mạnh dạn đứng ra chịu sự thử thách tiên đoán, các
thuyết "ngụy khoa học" hay bán khoa học đều dùng kế hoạch tự phòng thủ
nhằm tránh bị phê bình, chỉ trích, qua các chắp vá, niềm tin mà ông gọi là chiến
thuật miễn nhiễm ("immunizing stratagem").
Quan
điểm của Popper về sự phản nghiệm rất được phổ biến và thường được các nhà khoa
học áp dụng để bác bỏ các lý thuyết ngụy khoa học. Trong thời của Popper, hai đối
tượng chính là tâm lý học theo Freud và triết học Marx về lịch sử mà ông dùng để
phân biệt với khoa học thực sự. Nhưng ngay cả các lý thuyết khoa học ở các
ngành khoa học đã đạt tiêu chuẩn có thể phản nghiệm thì hầu như trong thực tế
khó có lý thuyết khoa học nào mà không bị loại hay chối bỏ (reject) bởi một tập
hợp quan sát (observations) trong một thí nghiệm quyết định, như Kuhn đã cho thấy.
Điều
này cũng xuất phát từ bối cảnh thời
Popper lúc ấy đặt trọng tâm vào việc chống
lại "siêu hình" và "ngụy" khoa học, và nhất là thời huy
hoàng của vật lý khi mà vật lý là trung tâm của khoa học.
Thuyết
phản nghiệm của Popper có vài khuyết điểm dễ thấy. Thứ nhất, nếu mục đích của
khoa học là làm giàu tri thức thì việc "phản nghiệm một giả thuyết là
sai" khó thể xảy ra, và không cho ta thêm tri thức nhiều hơn khi một giả
thuyết khoa học rất có thể đúng và chấp nhận được bị phản nghiệm là sai. Nói
cách khác, phản nghiệm là sai một "ngụy khoa học" hay lý thuyết tồi
không mang lại cho chúng ta điều gì mới để tiến lên. Thứ hai, có những xác định
không thể phản nghiệm (chẳng hạn, làm sao xác định sự hiện hữu của một vật thể
tưởng tượng?). Và quan trọng hơn, Popper tự mâu thuẫn về vấn đề quy nạp. Một
đàng, ông không cho rằng những chứng cớ thực nghiệm (evidence) có thể củng cố
giả thuyết khoa học bằng phương pháp quy nạp (theo ông, quy nạp là vô ích và vô
tác dụng). Đàng khác, ông lại dùng ý niệm "chứng thực thêm"
(corroboration), thật ra không khác ý niệm quy nạp. Đối với Popper, những giả
thuyết khoa học “tốt” là giả thuyết đã được "chứng thực thêm" với các
bằng chứng thực nghiệm.
Nếu
bác bỏ quy nạp thì đa số lý thuyết khoa học đều sai vì bị phản biện, và nếu có
thuyết đúng thì ta cũng không biết là nó đúng. Để tránh bế tắc này, theo
Popper, khoa học không cần dùng phương pháp quy nạp. Khoa học tiến bộ là nhờ sự cạnh tranh giữa
các lý thuyết, lý thuyết nào gần với “verisimilitude” hơn thì được chấp nhận.
Giả thuyết nào chứa nhiều “sự thật” được suy diễn từ giả thuyết, và ít sai (qua
phản nghiệm hay “chứng thực thêm”) hơn giả thuyết khác, thì được chấp nhận. Vì
thế, một giả thuyết khoa học dù có bị phản nghiệm đôi lần, nhưng nếu bị ít hơn
thuyết khác, và có chứa nhiều thông tin,
nhiều “sự thật” hơn, thì nó vẫn có giá trị và được chấp nhận. Ít ra là cho đến khi giả thuyết khác, tốt
hơn, được đề xuất.
Nói
chung nền tảng cơ bản của triết lý khoa học Popper vẫn là máy móc
(mechanistic), thể vật (physical) và khách quan (objective), không khác nhiều với
triết lý thực chứng lôgích, sinh ra để đối lập lại chủ thuyết tâm lý của Freud
và chủ nghĩa Marx. Trong thời kỳ vật lý
là "vua" khoa học, Popper cho là Freud và Marx không thực sự khoa học.
(Theo Popper, lúc đầu chủ nghĩa Marx về lịch sử có khoa học, nhưng sau các tiên
đoán không đúng, đã được chắp vá, sửa đổi thêm nên mang khía cạnh niềm tin và
siêu hình và do đó không còn là khoa học).
Mô
hình này không còn được áp dụng trong
khoa học, ngoài sự hữu dụng của nó hiện nay để chống ngụy khoa học như chiêm
tinh, hay các "khoa học" huyền bí khác, chủ yếu là vì tâm lý học theo
Freud dựa vào sinh lý (sex) đã được cho thấy là không còn thích hợp hay lỗi thời,
không còn được áp dụng, hoặc được thay thế bởi những mô hình khác. Sự chạm
trán, tính "phản" là di sản của thuyết Popper. Sự hữu dụng của nguyên lý phản nghiệm năng hiện
nay đã không còn đóng vai trò lớn trong các ngành khoa học, nó chỉ hữu dụng để
bác bỏ các ngành ngụy khoa học không thể kiểm nghiệm. Thực ra, trong cộng đồng
khoa học thì các ngành và lý thuyết ngụy khoa học này chỉ đứng ngoài và đã
không được coi là khoa học rồi. Như sẽ trình bày dưới đây, quan niệm về khoa học
đã đi đến cái nhìn đa hướng, đa phương pháp để đạt đến tri thức từ mọi khía cạnh
mà các nhà triết học hậu hiện đại sau này đã triển khai và phát triển qua nhiều
quan niệm của các nhà tư tưởng như Kuhn, Feyarabend, Derrida, v.v...
Tuy
vậy, đi từ phản nghiệm, Popper cũng đã có nhiều đóng góp quý báu qua “duy lý luận
phê bình” (critical rationalism) với tác phẩm "The Open Society and its
Enemies" ("Xã hội mở và các kẻ thù của nó")(7). Ông cho rằng
trong cộng đồng khoa học cũng như trong xã hội, để có tiến bộ và phát triển, phải
chấp nhận có phê phán, mở rộng phê bình các lý thuyết, chủ thuyết cạnh tranh
qua duy lý để đi đến "sự thật". Thái độ trong “duy lý luận phê bình”
có thể được diễn tả là "anh có thể đúng, tôi có thể sai, nhưng với một
chút cố gắng, chúng ta có thể đến gần với sự thật". “Duy lý luận phê bình”
mạnh dạn cho rằng có "sự thật" tuyệt đối, và chấp nhận có sự thiếu hiểu
biết trong kiến thức của con người. Nó
kêu gọi cộng tác và cạnh tranh để đưa đến ý niệm mới, kiến thức mới gần với sự
thật, có lợi cho tất cả mọi người trong xã hội qua quá trình chỉ trích không giới
hạn.
4. Triết lý Thomas Kuhn
Thuyết
phản nghiệm của Popper đã có những đóng góp nhất định trong một giai đoạn, như
Kuhn và Lakatos nhận xét. Tuy nhiên, mô
hình "vật lý" quá giới hạn, nếu phủ nhận một lý thuyết khoa học bởi
vì có một hiện tượng không phù hợp với nó. Sự kiện này không đúng với thực tế ở
các ngành khác. Lý thuyết cũ vẫn được dùng trong phạm vi giới hạn của nó. Theo
Popper thì tất cả lý thuyết, phương pháp phải khách quan và phải tách rời khỏi
ngôn ngữ và vũ trụ quan của con người. Kuhn cũng cho là không thực tế.
Triết
lý khoa học của Kuhn được trình bày trong quyển "The structure of
scientific revolutions" ("Cấu trúc của các cách mạng khoa học")
(8). Đối với Kuhn, lịch sử khoa học được thể hiện bởi những cuộc cách mạng về
cách nhìn và phương pháp. Thoạt tiên các
nhà khoa học chấp nhận và hoạt động trong khuôn khổ của một mô thức chính (môi
trường khoa học bình thường) với một số niềm tin sẵn có, được coi như đúng và
truyền đạt trong thế hệ đương thời. Đến khi có những dị thường (anomalies) xảy
ra mà không giải thích được, bế tắc hay trái ngược với gì được mong đợi, là khởi
đầu của khủng hoảng.
Các
nhà khoa học bắt đầu đặt lại câu hỏi về những điểm cơ bản của mô thức
(paradigm) cũ và từ đó các lý thuyết mới được tạo lập, cho đến khi một trong
các lý thuyết này được chấp nhận vì nó có những thành tích mà cộng đồng khoa học
cho là quan trọng, đặt nền tảng cho sự hoạt động và phát triển khoa học trong một
hệ thống mô thức mới. Những thành tích này có thể được gọi là mô thức. Nó là
khuôn khổ cần thiết để nghiên cứu khoa học, nó là một cấu thể đan nhau lại các
lý thuyết và phương pháp của các niềm tin, tư tưởng. Thuyết của Kuhn cho thấy
mô thức (một tập hợp suy nghĩ, văn hoá, vũ trụ quan của một thời) thực tế hơn và đã hiện hữu trong khoa học.
Một
khi một "paradigm" đã được đa số chấp nhận, nó được dùng để phát triển
với nhiều nghiên cứu tăng thêm kiến thức, tăng lên sự tương ứng giữa dữ kiện và
tiên đoán dùng "paradigm" làm nền tảng. Đây là những hoạt động mà
Kuhn gọi là "chiến dịch dọn dẹp" ("mop-up operations").
"Paradigm" bắt đầu trở thành “khoa học bình thường” (normal science).
Nghiên cứu trong “khoa học bình thường” không khác gì giải các câu đố
(puzzles). Thực vậy, một đặc tính của
nghiên cứu trong “khoa học bình thường” là khám phá cái gì đã biết rồi, chứ
không phải hiện tượng hoàn toàn mới lạ.
Trong khuôn khổ ấy, những nghiên cứu
không cho phép tìm thấy những điều mong đợi thì không được công bố. “Khoa học
bình thường” trở thành “bảo thủ” cho đến khi có khủng hoảng và một cuộc cách mạng
mới ra đời.
Theo
Kuhn, thật ra chúng ta không thể có tiêu
chuẩn nào để so sánh các "paradigm", vì mỗi "paradigm" có
các suy nghĩ, cách nhìn và phương pháp hoàn toàn khác nhau. Mỗi "r trong
những hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của chúng. Nói cách khác, các khoa học gia
theo vật lý Newton và khoa học gia theo vật lý Einstein sống riêng rẽ trong thế
giới của nhóm họ. Vì thế, theo Kuhn, ta đều không thể không chấp nhận các mô thức
"paradigm" của các cộng đồng những người nghiên cứu khoa học hoạt động
theo tiêu chuẩn hệ thống "văn hoá" riêng của mỗi cộng đồng.
Đây
chính là chìa khoá mở rộng khoa học đến nhiều thành phần trong xã hội, để khoa
học không còn là “sân chơi” của một thiểu số.
Nó cũng khởi điểm một phong trào dùng thuyết của Kuhn để chỉ trích cái gọi
là “khoa học khách quan”, coi đó chẳng qua chỉ là một hiện tượng xã hội, một thời
trang tri thức. Thuyết của Kuhn đã làm sáng tỏ phương thức hoạt động khoa học,
làm mất đi sự bí ẩn, hào quang và nể sợ trong quần chúng trước đây về sự tìm hiểu,
nghiên cứu khoa học, và từ đó nó mở rộng cho nhiều giới tham gia đề cập cũng
như tranh luận về khoa học.
Điểm
đặc biệt là Kuhn xuất thân là một nhà vật lý nhưng chính triết lý khoa học của
ông lại được dùng làm nền tảng khởi đầu của các nhà xã hội học và hậu hiện đại
nghiên cứu về khoa học như một hiện tượng xã hội. Ngẫu nhiên, Kuhn đã tạo ra một sự chuyển dịch
mô thức ("paradigm shift") từ triết lý khoa học duy lý đến sự nghiên
cứu cấu tạo tri thức qua lăng kính xã hội.
Thuyết
của Kuhn ra đời vào đầu thập niên 1960 khi mà xã hội phương Tây bắt đầu cởi mở
về văn hoá, chính trị với nhiều phong trào phản kháng các nền tảng và trật tự
xã hội hiện hữu. Các nhóm trí thức xã hội học, triết học, đa số từ phe tả chống
lại những gì đại diện cho chính thống trong xã hội, đã dùng thuyết của Kuhn để
nghiên cứu vấn đề xã hội trong sự phát triển khoa học và tri thức. Từ đó một
ngành mới được thành hình song song với
ngành triết lý khoa học và lần lần lấn át ngành triết lý khoa học cổ điển.
Ngành mới này sau được gọi là xã hội học về tri thức khoa học (sociology of
scientific knowledge).
Bản thân Kuhn muốn mình là một triết gia khoa
học, nhưng lý thuyết của Kuhn đã được dùng ngoài dự tính của ông để đánh đổ
chính ngành mà ông muốn tham gia với tư cách đồng nghiệp của các triết gia
trong ngành triết lý khoa học. Nhưng họ đã không chấp nhận ông và cáo buộc ông
đã kéo khoa học và triết lý khoa học xuống tâm lý của đám đông (mob psychology)
và coi ý niệm của Kuhn về cái mà ông gọi "khoa học bình thường" là sỉ
nhục cho hoạt động khoa học. Theo họ, thuyết của Kuhn không đưa ra phương tiện
nào giúp ta chọn lựa một lý thuyết khoa học giữa nhiều lý thuyết khoa học khác
nhau. Chính Kuhn cũng khẳng định ông là người của khoa học, không cực đoan, và
phản đối việc dùng thuyết của ông trong lý thuyết xã hội. Nhưng quá trễ, lý
thuyết của ông đã không còn là của ông nữa mà là của tất cả mọi người trong
khoa học xã hội, trong mọi ngành khoa học. Stephen Jay Gould, nhà cổ sinh vật học,
là một người đã dùng quan niệm chuyển dịch mô thức của Kuhn để đề xuất thuyết
tiến hoá với ý niệm "cân bằng đứt đoạn" ("punctuated
equilibrum"). Trong ngành sinh học
tiến hoá, thuyết của Gould đã bị những người theo thuyết Darwin cổ điển (9) chỉ
trích kịch liệt, một phần cũng vì những quan niệm khác nhau về khoa học và vai
trò của khoa học.
5. Từ Lakatos đến Feyarabend
Lakatos
trước là môn đồ của Popper, ông chấp nhận một số ý niệm của Kuhn nhưng cải thiện
thuyết phản nghiệm của Popper. Cũng như Popper và Kuhn, Lakatos không cho rằng
lý thuyết khoa học bắt nguồn từ quy nạp các dữ kiện. Tuy vậy, ông (cũng như
Kuhn) không cho rằng động cơ của tiến bộ khoa học là sự phủ nhận qua phản nghiệm
các lý thuyết khoa học hiện tại, song là sự phát triển của cái mà ông gọi là những
"chương trình nghiên cứu khoa học". Thật ra "chương trình nghiên
cứu khoa học" cũng tương tự như khái niệm "mô thức" (paradigm) của
Kuhn.
Lakatos
cho thấy thêm những khuyết điểm của thuyết phản nghiệm Popper: một lý thuyết bị
phản nghiệm là sai (do bằng chứng) vẫn có thể được giữ lại nếu có sự thay đổi về
các giả định (assumption) đàng sau bằng chứng ấy. Ông chỉ trích thuyết Popper
vì theo thuyết này thì chỉ cần một phản nghiệm duy nhất có tính quyết định
(crucial) là phải vứt bỏ ngay một giả thuyết khoa học. Kuhn cho đó là ngây thơ
(naive), không chín chắn. Không bao giờ
có một duy lý (rationality) tức thì.
Cho
rằng phản nghiệm của Popper là ngây thơ, Lakatos đưa ra một lý thuyết về phương
pháp mà ông gọi là phương pháp "phản nghiệm tinh vi". Theo phương pháp này, các giả thuyết khoa học
chỉ bị loại bỏ khi về lâu dài chúng không mang lại kết quả, chứ không dựa vào
chỉ một thử nghiệm duy nhất. Ông cho rằng khoa học là sự phát triển có kế tục của
cái mà ông gọi là các "chương trình nghiên cứu" (research programs).
Cụ thể, một chương trình nghiên cứu được cho là có "tiến bộ lý thuyết"
nếu mỗi lý thuyết của chương trình đó hàm chứa nhiều nội dung (content) thực
nghiệm hơn chương trình trước, và "tiến bộ thực nghiệm" nếu một số nội
dung thực nghiệm này được phối hợp kiểm chứng. Nói tóm lại, phản nghiệm kiểu
Lakatos là dựa vào sự liên hệ giữa các thuyết khoa học, trong khi phản nghiệm
kiểu Popper chỉ xem xét một lý thuyết nào đó có khoa học hay không.
Paul
Feyarabend, cũng triết gia người Áo như Popper, trong tác phẩm nổi tiếng
"Against method" ("Chống phương pháp")(10), đi xa hơn nữa. Feyerabend cho rằng không có một phương pháp
khoa học nào là thích hợp cho mọi trường hợp, và hô hào "dân chủ"
trong nghiên cứu khoa học. Ông định nghĩa "khoa học là cái gì mà các nhà
khoa học làm"! Feyarabend kêu gọi
phân chia, tách rời ảnh hưởng khoa học ra khỏi xã hội, giống như tách rời tôn
giáo và nhà nước, để tránh sự độc tôn của một chủ thuyết khoa học trong việc vận
hành xã hội (11).
Ông
cho rằng không một phương pháp hay phương thức nào có thể gọi là chuẩn để tuân
theo trong nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, không nên loại bỏ phương pháp
nào. Kết quả của các nhà khoa học dựa vào các phương pháp không phải lúc nào
cũng thành công. Ta chỉ có thể đánh giá thành tựu sau kết quả của nghiên cứu,
và không thể tiên đoán chắc chắn về sự thành công của các phương pháp. Công
chúng có thể tham gia vào các cuộc tranh luận khoa học, và nếu nó có ảnh hưởng
đến mọi người trong xã hội thì công chúng nên tham gia. Khoa học phải được dân
chủ hoá và những khoa học gia thiểu số có ý kiến, phương thức khác với đa số phải
được bảo vệ.
Theo
Feyarabend, có nhiều loại khoa học khi con người tiếp cận với thế giới bên
ngoài và học hỏi qua nhiều phong cách, quan niệm khác nhau. Thí dụ, ở vùng sa mạc
nam California xưa kia có cả ngàn thổ dân Cuahila mà ngày nay chỉ có một vài
gia đình da trắng có thể ở và tồn tại được. Dân tộc Cuahila sống được là vì họ
có những kiến thức mà họ tiếp thu qua con đường khác phương pháp mà chúng ta gọi
là "khoa học". Khoa học của Tây phương hiện nay chỉ là một trong nhiều
loại khoa học mà thôi. Chúng ta phải chấp nhận và sử dụng thành quả kiến thức của
các xã hội bản địa để phục vụ và làm lợi cho họ chứ không phải áp đặt thay thế
hoàn toàn những kiến thức ấy.
Cơ
bản, khoa học là một hoạt động "vô tổ chức" và nhân bản, Feyarabend
khẳng định. Vì thế, theo ông, nên khuyến
khích, thúc đẩy sự tiến bộ, thay vì ép buộc khoa học vào một khuôn khổ được chỉ
đạo theo "luật lệ và trật tự".
Một nguyên lý duy nhất không ngăn cản sự tiến bộ của con người là: tất cả
đều được cho phép và hoạt động. Feyarabend cho rằng nên bãi bỏ sự phân biệt giữa
bối cảnh (context) của sự khám phá và bối cảnh của sự phản nghiệm, của tiêu chuẩn,
của dữ kiện quan sát. Cố gắng phân biệt chúng sẽ có những kết quả thảm hại
không lường được. Theo Feyarabend, chủ nghĩa duy lý phê phán của Popper thất bại
là vì thế. Trong xã hội dân chủ, khoa học phải được tách rời ra khỏi chính quyền
cũng như tôn giáo đã được tách ra khỏi chính quyền như hiện nay; không một
phương pháp hay một tôn giáo nào được độc tôn trong hệ thống chính quyền xã hội.
6. Hậu hiện đại (postmodernism) và
chủ thuyết tương đối (relativism) trong "chiến tranh khoa học"
Theo
nhà vật lý Weinberg thì trong vài năm gần đây khoa học đã bị tấn công từ nhiều
phía đứng chung dưới bảng hiệu "chủ nghĩa tương đối" (relativism) hay
chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo ông, họ phản bác tuyên bố của khoa học là khám phá
tìm ra sự thật khách quan. Các nhà triết học hậu hiện đại cho rằng khoa học chỉ
là một hiện tượng xã hội, không khác chi những hiện tượng xã hội khác như tôn
giáo, mê tín, nghệ thuật. Theo họ, quá trình tiến tới các tư tưởng khoa học có
nhiều yếu tố chủ quan. Như đã trình bày ở trên, các nhà xã hội học và triết gia
hậu hiện đại đã bị ảnh hưởng lúc đầu bởi ý niệm "mô thức" (paradigm)
của Kuhn, nhưng ta cũng thấy ngay là triết lý của Feyarabend cũng là một phần
chủ yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Khác
với chủ nghĩa lãng mạn (là một phản ứng với một thế giới quan dựa vào lý trí
trong thời Khai sáng, quan niệm rằng con người nên trở về với thế giới thiên
nhiên, dựa vào cảm tính, tình cảm mãnh liệt và sự nhất thời), chủ nghĩa hậu hiện
đại ít nhất vẫn tin vào duy lý trong sự tương đối. Như Wilson (12) đã nói, chủ nghĩa hậu hiện đại
mới chính là phản đề (antithesis) tối hậu của tư tưởng duy lý thời Khai sáng. Sự
khác biệt giữa hai tư tưởng này có thể được tóm tắt như sau: những nhà tư tưởng
khoa học thời Khai sáng cho rằng chúng ta có thể hiểu biết tất cả, còn những
nhà hậu hiện đại tin rằng chúng ta có thể không hiểu biết gì hết.
Quan
điểm trên của chủ nghĩa hậu hiện đại có thể bắt nguồn từ sự giảm tin tưởng vào
khả năng của khoa học trong việc giúp con người hiểu rõ và giải quyết các vấn đề
khó khăn trong đời sống. Trước kia, con người, nhất là từ đầu thế kỷ 20 đến thập
niên 1960, rất tin là khoa học sẽ cho phép hiểu biết cặn kẽ, rõ ràng mọi vấn đề
trong đời sống. Các khám phá khoa học đã ảnh hưởng rất nhiều lên cuộc sống,
nhưng thực tế cho ta thấy có những hệ thống rất phức tạp, không tiên đoán chính
xác được (như kinh tế, thời tiết, môi trường, v.v... ).
Các
nhà xã hội và nhân chủng học của chủ nghĩa hậu hiện đại đã đưa ra luận cứ cho rằng
ngay cả tiến trình thay đổi trong các lý thuyết khoa học là một tiến trình xã hội:
hệ thống thẩm định bài vở giữa các nhà nghiên cứu cùng ngành (peer review) cho
thấy "các sự thật khoa học, thực ra là những thoả thuận xã hội phổ cập và
cái gì là "thật" (real) khoa học, đạt được rõ ràng qua một "tiến
trình khoa học" thương lượng" (13). "Thương lượng để đi đến kết
luận" là điều đã được chứng minh, hay là một thí nghiệm tốt, thì cũng rối
rắm như bất cứ tranh luận nào giữa các luật sư hoặc các chính trị gia.
Chủ
nghĩa hậu hiện đại trở thành phổ biến và phát triển rộng rãi trong văn học, nghệ
thuật và khoa học xã hội vì với cái nhìn tương đối trong việc đánh giá và thưởng
thức các tác phẩm nghệ thuật, nó tỏ ra phóng khoáng và bao gồm. Nó cũng dựa vào
triết lý “hậu cấu trúc luận” (post-structuralism), mà hai triết gia Pháp Roland
Barthes và Jacques Derrida là tiêu biểu.
“Cấu
trúc luận” (structuralism) của Claude Levi-Straus cho rằng bất luận tác phẩm viết
về thiên nhiên, lịch sử hay chủ đề gì, cả chủ đề lẫn ngôn ngữ dùng để cấu tạo tác phẩm cũng phải
được xem xét trên một hệ thống rộng lớn hơn, bao gồm quy ước, hoàn cảnh lịch sử,
xã hội trong thời đại mà tác phẩm ra đời, chứ không chỉ chuyên về chủ đề mà
thôi. Do đó ta có thể dùng hệ thống cấu
trúc cùng ngôn ngữ, lý luận, phương pháp khoa học để khám phá ra sự thật cụ thể.
Mặt
khác, những người hậu cấu trúc luận như Derrida thì cho rằng cả hệ thống cấu
trúc như vậy là tự mâu thuẫn không tưởng, và sụp đổ do sự thiếu nhất quán của
nó. Ngay cả ngôn ngữ diễn đạt dùng trong tác phẩm cũng không hàm chứa sự thật,
và ý nghĩa của bản văn luôn thay đổi chứ không cố định. Derrida cho rằng một cấu
trúc (structure) phải có một “trung tâm” mà các thành phần liên hệ của cấu thể
dựa vào. “Trung tâm” này không thể thay thế được và vì thế không phải là một bộ
phận hoạt động của cấu trúc. Trung tâm vừa nằm trong cấu trúc vừa nằm ngoài cấu
trúc. Điều này có vẻ như mâu thuẫn. Thí dụ Thánh Kinh (Bible) có thể được coi
là trung tâm của đạo Cơ đốc, nhưng nếu ta cho rằng Thánh kinh gồm có hai phần,
Cựu ước và Tân ước, thì trung tâm lại đổi khác. Sự bền vững của cấu trúc vì thế
bị tháo giải ra (deconstruct) và không
còn giá trị hay chỉ còn giá trị tương đối với các khuyết điểm của nó. Để hiểu một
cấu trúc, cần phải phá trung tâm (de-center) và tháo giải (deconstruct).
Derrida
cho rằng tất cả lịch sử khái niệm về cấu trúc trong tư tưởng chỉ là một chuỗi
các sự thay thế của các trung tâm. Trường phái cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận
cũng là sự thay đổi nối tiếp của các trung tâm với các giá trị khác nhau. Mỗi nền
văn hoá là một tập hợp các niềm tin khác nhau, vì thế có các trung tâm khác
nhau. Tất cả đều tương đối. Không có một
ý niệm nào tuyệt đối khách quan về sự thật.
Theo
hậu cấu trúc luận thì không thể nào hoàn toàn định nghĩa một "văn bản",
và không bị giới hạn bởi nghĩa mà chính tác giả đặt định. Nói cách khác, văn bản
có nhiều tự chủ, trong đó nghĩa của nó được tách khỏi sự ràng buộc theo ý muốn
của tác giả. Muốn hiểu nghĩa của văn bản
sao cũng được vì ngữ và nghĩa luôn thay đổi, không cố định.
Từ
vài thập niên gần đây, có nhiều câu hỏi và tranh luận, cũng như đụng độ giữa các khuynh hướng khác nhau về thế
nào là khoa học, và phương pháp khoa học "đích thực" là gì. Quan niệm
về các mô thức của Kuhn, và hậu cấu trúc luận của Derrida như đã trình bày ở
trên, rất ăn khớp với chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo đó mỗi mô thức đều có giá trị
khác nhau và ta không thể so sánh chúng dựa vào tiêu chuẩn chung nào, vì chúng
hoạt động trong một khuôn khổ, môi trường với quan niệm khác nhau.
Ngày
nay có sự phân chia rất sâu đậm giữa khoa học theo Popper (chủ yếu là vật lý)
và các khoa học nhân văn xã hội dựa vào Kuhn, Feyarabend và Derrida. Hố sâu
"văn hoá" đó là rất lớn. Nhà vật lý Weinberg đã công kích các nhóm
khoa học nhân văn (humanity sciences), xã hội văn hoá học (cultural sociology)
theo chủ thuyết hậu hiện đại (post-modernism) khi họ cho rằng khoa học như ta
biết được từ xưa đến nay đều mang ảnh hưởng và cái nhìn văn hoá của nền văn
minh phương Tây và vì thế phủ nhận tính khách quan của mọi khoa học. Weinberg, mặc dù rất phục Kuhn, nghĩ rằng ý
niệm "mô thức" của Kuhn quá mơ hồ và đã bị các nhà hậu hiện đại lạm dụng
để đả phá các ngành khoa học khách quan nhằm lập ra các ngành mới, với ý đồ.
Rất
nhiều người theo chủ thuyết hậu hiện đại tự cho mình là tiên phong
(avant-garde), đã đi vào vật lý cơ học lượng tử (quantum) hay thuyết hỗn loạn
(chaos theory), những lãnh vực rất mới, thời trang để tìm, dẫn thêm, phác họa,
hay để chứng minh tính chất rời rạc và ngẫu nhiên của kinh nghiệm con người và
tính chủ quan của môi trường văn hoá xã hội trong mọi hoạt động của cuộc sống. Cách đây không lâu Sokal (xem phụ đính) đã tạo
một cú sốc đối với nhóm xã hội học (sociology) và hậu hiện đại, cho phép
Weinberg hân hoan tuyên bố rằng tất cả những môn đồ của khoa học xã hội theo hậu
hiện đại quả thật chỉ là một bọn bá láp.
Cuộc
chiến tranh "hai văn hoá" này đã xảy ra trong hơn 30 năm qua. Nó tạo
ra hình ảnh rập khuôn (stereotype) về hai phe: một bên là phe Popper "hữu
khuynh", "khách quan", còn bên kia là phe Kuhn - Derrida thì
"tả khuynh", "chủ quan".
Không ít khoa học gia nằm ở hai chiến tuyến, nhưng cũng có một số nghiên
cứu liên ngành nằm giữa hai gọng kìm: khoa học "cứng" ("hard
science") và khoa học "mềm" ("soft science").
7. Tổng luận về triết lý khoa học
ngày nay
Về
triết lý, sự khác nhau cơ bản của hai trường phái trong "chiến tranh khoa
học" là tri thức của con người được "khám phá" (theo phái khoa học
khách quan) hay là được "tạo ra" (theo phái chủ nghĩa tương đối hậu
hiện đại). Theo đó không có đụng chạm giữa khoa học vật lý và khoa học nhân văn
về phương pháp khoa học và đặc tính chân lý, về sự thật của tính tương đối hay
tuyệt đối trong khoa học ngày nay. Ngay trong ngành sử học của khoa học nhân
văn cũng có khác nhau giữa trường phái khách quan khoa học và chủ quan hậu hiện
đại, và trong ngành sinh học trình bày ở phần trên cũng có sự khác biệt phản
ánh qua cuộc tranh luận về khoa học tiến hoá giữa Gould và những người theo
thuyết Darwin cổ điển.
Thí
dụ gần đây là cuộc thảo luận sôi nổi về việc có hay không tính khách quan trong
nghiên cứu lịch sử tại đại học New South Wales ở Sydney (Úc) vào tháng 8, 2002
(18) có sự tham dự của Richard Evans, một sử gia "trường phái khách
quan" ở đại học Cambridge, tác giả "In Defence of History"
("Bảo vệ lịch sử") từng là nhân chứng chuyên gia cho vụ án David
Irving. (Irving là sử gia theo phát xít Nazi đã phủ nhận vụ thiêu người Do thái
(holocaust) và dùng mập mờ, uốn nắn tài liệu sử học để tô hồng hình ảnh của Đức
quốc xã. Irving bị kiện là đã xuyên tạc lịch sử và xúc phạm nhân bản.) Tại diễn đàn, Evans chỉ trích các nhà sử học
hậu hiện đại khi họ cho rằng không có gì có thể gọi là sự thật khách quan. Ông hỏi lại: vậy thì chính câu hỏi này có là
sự thật khách quan không? Richard Evans
đưa ra thí dụ về vụ Irving để khẳng định là có sự thật khách quan. Ông giải
thích: nếu mọi cách nhìn lịch sử đều là đúng thì sự không có lò thiêu người
(như Irving khẳng định) cũng là đúng sao? Giáo sư Stephen Garton (một sử gia hậu
cấu trúc) ở đại học Sydney nhìn nhận là lịch sử có đúng hoặc sai, cũng như
trong hàng ngũ các nhà hậu hiện đại có người giỏi người dở, nhưng ông cho rằng
một nhà hậu cấu trúc như Foucault có nhiều cống hiến quí báu bằng cách dùng tư
tưởng này để vạch ra các hướng đi mới cho sử học như lịch sử sinh lý học, lịch
sử thực phẩm, y khoa v.v..
Keith
Windshuttle, tác giả "The killing of history: how literary critics and
social theorists are murdering our past" (Ám sát lịch sử: các nhà bình luận
văn học và lý thuyết xã hội đã giết chết quá khứ của chúng ta như thế
nào")(19), phát biểu rằng quan hệ giữa thổ dân và người da trắng trong lịch
sử Úc lúc đầu thường là thân thiện chứ
không phải bao giờ cũng là thù địch, nhằm tiêu diệt nhau. Và việc chúng ta có
thể viết lịch sử một cách khách quan hay không là tùy thuộc vào hệ thống tôn
giáo, chính trị. Giáo sư Dirk Moses ở đại học Sydney phê bình ý kiến này của
Windshuttle, cho rằng khi ông không dùng những tư liệu truyền khẩu của thổ dân
vì đứng trên quan điểm của người da trắng thì đấy là điều rất khách quan, nhưng
điều khách quan này thực sự có màu sắc chính trị, không khách quan.
Behan
McCullagh, giáo sư đại học La Trobe, tác giả "The truth of history"
("Sự thật lịch sử"), theo trường phái lịch sử khách quan, thì hòa hoãn
hơn, cho rằng các sử gia khách quan cũng đã chấp nhận và áp dụng một số điểm
đúng của hậu hiện đại về ảnh hưởng của văn hoá, chính trị khi viết sử. Theo
McCullagh, khó có lịch sử nào hoàn toàn đúng, nhưng không vì thế mà cho là lịch
sử sai khi nó không hợp với thiên kiến của một số người đọc. Ông đưa ra một ý
niệm về thực tiễn, nằm giữa sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối: lịch sử
không hoàn toàn nhưng nó đúng trong những mục đích thực tiễn cốt yếu trong hoàn
cảnh có được. Joy Damoussi, giáo sư đại
học Melbourne, cho rằng tất cả lịch sử đều chủ quan, nhưng đó cũng không phải
là xấu. Rất tốt nếu chúng ta có nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử dưới góc độ
khác nhau của các văn hoá truyền thống, và từ đó có thể tổng hợp đi đến cái gì
gần đúng với sự thật hơn.
Người phương Tây có khuynh hướng phân tích,
máy móc mổ xẻ vấn đề và tiến đến vĩ mô để hiểu tường tận. Phân tích là một bộ
phận quan trọng nhất của nền khoa học phương Tây. Cũng không có gì lạ khi mà
triết lý tổng hợp, hợp nhất hoà đồng, ít được phát triển ở Tây phương. Ngược lại,
ở Đông phương, sự đồng nhất, hợp nhất và khuynh hướng nhìn chủ toàn là yếu tố
quan trọng hơn. Nó thể hiện trong tâm linh, suy nghĩ và phản ánh trong đời sống
xã hội và văn hoá của người phương Đông.
Để
giải quyết sự bế tắc trong cuộc "chiến tranh hai văn hóa" (cũng gọi
là "chiến tranh khoa học") giữa hai quan điểm trên, cần một khái niệm
tổng hợp có ích cho khoa học tự nhiên lẩn khoa học nhân văn. Như đã trình bày
trên, hiện có khuynh hướng của khoa học tìm về triết lý tổng hợp của Đông
phương để bổ sung cho triết lý Tây phương.
Edward
Wilson (12), người sáng lập ngành "sinh học xã hội" (sociobiology),
đã kêu gọi "đình chiến" và đưa ra viễn ảnh hợp nhất khoa học tự
nhiên, thực nghiệm với khoa học xã hội qua khái niệm "đồng hợp"
("consilience"). Có lẽ đây là
khái niệm tổng hợp liên ngành nổi bật nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Đích thân Wilson cố gắng đem sinh học vào
khoa học nhân văn, và kêu gọi các nhà khoa học xã hội mang kiến thức sinh học
vào vấn đề xã hội. Tuy nhiên nhiều nhà khoa hoc không đồng ý với Wilson. Stephen Jay Gould (cổ sinh học) và Nils
Eldredge (sinh học tiến hoá) (20), chẳng hạn, cho rằng xã hội và văn hoá là một
hệ thống vô cùng phức tạp, khó có thể đem hệ thống sinh học vào.
Khuynh
hướng và phương pháp tổng hợp tri thức để tìm và chứng minh một giả thuyết, hay
một tri thức mới, thật sự đã được Whewell đề cập và phát hiện từ thế kỷ
19. Chính Whewell đã đặt ra từ "đồng
hợp" để mô tả phương pháp này. (Nên
nhắc lại, Whewell cũng là người đặt ra "scientist" hay khoa học gia
trong tiếng Anh.) Theo Whewell, khái niệm "đồng hợp" trong đó các hiểu
biết tìm được qua một phương pháp hay một ngành nghiên cứu, nếu có những hội ứng
bổ xung hoặc hỗ tương bất ngờ với những kiến thức biết được qua một ngành
nghiên cứu với phương pháp hoàn toàn khác, sẽ làm ta tin tưởng vào kiến thức và
phương pháp ta đang dùng. Và vì thế giúp ta khám phá được nhiều điều mới lạ
hơn.
Thật
ra gần đây, ngoài những người can dự vào cuộc chiến tranh khoa học, các nhà
nghiên cứu khoa học tự nhiên và nhân văn đã hợp tác hay tổng hợp, dựa vào các kết
quả nghiên cứu của nhau để tìm ra những khám phá mới. Sự khảo cứu phối hợp liên
ngành đòi hỏi các nhà khoa học hiểu biết những kiến thức ngoài chuyên môn của
mình.
Một
thí dụ cho sự khám phá tri thức mới qua cộng tác liên ngành gần đây là công
trình tìm ra được cội nguồn xuất phát của dân tộc Thái qua ngôn ngữ học, khoa học
hệ thống thông tin địa hình GIS (Geographic Information System) và canh nông
(21). Nghiên cứu sinh học di truyền của
cây ngô (bắp) đã cho thấy nơi nào ngô đã được dùng trong canh nông đầu tiên và
giúp các nhà khảo cổ học tìm những địa điểm khảo cổ (22). Ở Việt Nam, nhà sử học
Trần Quốc Vượng là một trong những người đầu tiên đã phối hợp nhiều ngành để giải
đáp nhiều khúc mắc trong lịch sử cổ đại Việt Nam, mà nếu chỉ dựa vào sử liệu
thì là đi vào ngõ cụt. Nhiều nhà khoa học tự nhiên và nhân văn hiện nay cũng có
khuynh hướng này. Baker (23) nghiên cứu về những trận đại hồng thuỷ sau thời kỳ
Băng hà đã dùng những dự kiện địa chất, hải dương học, khí tượng học để nghiên
cứu về các trận hồng thuỷ và cho thấy là có sự hỗ tương không ngờ. Phương pháp
cổ điển dùng quy nạp trong địa chất của Lyell thật sự không phải là phương pháp
để nghiên cứu vấn đề này mà là phương pháp đồng hợp của Whewell với những kiểm
chứng qua những liên hệ bất ngờ và các giải thích ngạc nhiên.
Một
thí dụ khác là công trình của nhà khoa học y khoa Stephen Oppenheimer
(24). Tác giả này đã kết hợp kết quả của nghiên cứu di truyền,
hải dương học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học,v.v. để tìm nguồn gốc và sự phát tán văn minh Đông
Nam Á đến các khu vực lân cận và xa hơn nữa trên thế giới sau thời kỳ băng hà
và việc biển tiến ở vùng đồng bằng Sundaland.
Gần
đây các nhà khoa học tự nhiên đã dùng tri thức về di truyền học để giải đáp về
nguồn gốc con người xuất phát từ Phi châu và toả ra khắp các lục địa. Kết quả
di truyền học thực hiện trên các dân tộc vùng Á Châu đã cho thấy rõ, cũng có
con người đi từ Đông Nam Á đến Trung Quốc góp thành các dân tộc ở Đông Á (25);
điều này hợp với thuyết về nguồn gốc phương Nam của nhiều thành phần truyền thống
văn hoá, văn minh phía Bắc. Các nhà khoa học tự nhiên đã giúp giải đáp các câu
hỏi then chốt trong các ngành khảo cổ, nhân chủng và xã hội học.
Tóm
lại, phương pháp đồng hợp đã bắt đầu có những áp dụng thực tiễn trong nhiều
ngành khác nhau, và đã cho thấy những khám phá bất ngờ. Điểm đặc biệt của
phương pháp này là nó không bó buộc các nhà nghiên cứu phải theo một phương
pháp tiêu chuẩn chung nào. Quan điểm này phù hợp và không trái lại với triết lý
hậu hiện đại. Từ nhiều phương pháp khác nhau, đứng từ quan điểm lịch sử phát
triển riêng của các ngành, "đồng hợp" giúp ta tổng hợp kiến thức và
tăng thêm tin tưởng vào các khám phá khoa học.
Con
người trong xã hội thường sống trong các môi trường cạnh tranh, và mong ước có
một phương tiện điều hòa, một tiêu chuẩn
khách quan để giải quyết tranh chấp. Một trong những phương tiện mà nhiều người
cho là khách quan và gần với sự thật là khoa học. Nhưng như ta đã thấy, khoa học cũng tương đối và tuỳ thuộc vào văn
hoá, thời điểm, và không hoàn toàn khách quan. Từ đó dẫn đến dân chủ trong đa
phương pháp và sau cùng khoa học là "khoa học" được chấp nhận bởi đa
số khoa học gia. Trong số các phương pháp khoa học cạnh tranh nhau, phương pháp
khoa học nào không mang lợi ích cho con người trong việc tìm hiểu hay áp dụng
khoa học sẽ bị loại bỏ, số còn lại sẽ được chấp nhận tùy theo hoàn cảnh áp dụng.
Sau "Hội nghị Thế giới về Khoa học" (World Conference on Science) tổ chức
ở Budapest năm 1999, Hội đồng Khoa học
Thế giới (International Council for Science, ICSU) đã ra thông cáo đánh giá sự
đóng góp vào khoa học và viễn tượng tương lai của tri thức truyền thống bản địa
(traditional knowledge), lập ra chương trình hành động kêu gọi sự liên hệ và hợp
tác giữa khoa học và khoa học truyền thống bản xứ. Tuy nhiên ở Đại hội của Hội
đồng Khoa học Thế giới (ICSU), có những quan tâm đã được nói lên, và Đại hội đã
biểu quyết đồng ý phải phân biệt giữa tri thức truyền thống và khoa học và những
phương pháp tiếp cận khuyến khích ngụy khoa học và phản khoa học (26).
Một
Nhóm Nghiên cứu được thành lập để giải quyết vấn đề khúc mắc này. Dưới sự lãnh
đạo của nhà toán học Na Uy Jens Erik Fenstad, nhóm này quy tụ các nhà khoa học ở
nhiều nước thuộc các ngành khác nhau như xã hội học, triết học khoa học, thảo vật
học, kỹ thuật. Nhiệm vụ của Nhóm Nghiên cứu rất quan trọng vì nếu không cẩn thận, có thể dễ dàng gây ra sự chia rẽ trầm trọng
trong Hội đồng về quan điểm khoa học, như ta đã chứng kiến trong "chiến
tranh khoa học". Năm 2002, Nhóm Nghiên cứu đã ra bản tường trình với các
hướng dẫn về "tiêu chuẩn" dùng tri thức qua các loại "khoa học"
khác nhau, nhất là sự liên quan giữa tri thức truyền thống bản xứ chẳng hạn như y học truyền thống dân tộc (traditional
medicine) và khoa học hiện đại để phân biệt với "ngụy khoa học" ) chẳng
hạn như thuyết "ngụy khoa học" cho rằng thế giới tạo ra bởi thượng đế
(creation science) .
Hướng
dẫn này đưa ra hai phương án để phân biệt khoa học, ngụy khoa học và tri thức
truyền thống bản xứ và được tóm tắt như sau. Mặc dầu không có một tiêu chuẩn
duy nhất chung để phân biệt khoa học với ngụy khoa học nhưng có hai phương án tổng
quát để tiếp cận vấn đề, phương án xã hội và phương án tri thức học. Phương án
xã hội cho rằng ngành ngụy khoa học luôn luôn cạnh tranh công khai, ít hay nhiều,
với một ngành khoa học tương ứng từ lúc khởi đầu của ngành này, và thường không
được đưa ra từ các nhân vật đã được đào tạo trong ngành khoa học đó. Phương án
xã hội phải được bổ túc bằng phương án tri thức học qua đó khoa học có tính
cách hệ thống hơn tri thức thường ngày. Có 6 phương diện để một hệ thống được gọi
là khoa học: nó diễn tả cách nào, nó giải thích ra sao, nó thiết lập được tri
thức bằng cách nào, nó phải có một lý thuyết, trường hợp về sự hoàn toàn, toàn
vẹn, nó mở rộng tri thức ra sao và nó diễn đạt tri thức thế nào. Trong mọi
ngành khoa học, ta có thể thấy khuynh hướng tăng trưởng tri thức có hệ thống ở
mọi hướng, mọi mặt. Trái lại, hầu hết các ngành ngụy khoa học đều không năng động
và dậm chân tại chỗ. Tri thức truyền thống
bản xứ rất dể phân biệt với ngụy khoa học, vì tri thức truyền
thống là một hệ thống tri thức thâu thập từ nhiều thế hệ, với cách làm, thực
hành được gìn giữ, phát triển bởi một sắc dân có lịch sử cộng sinh lâu dài với
môi trường thiên nhiên. Nó có nguồn gốc từ một văn hoá khác với văn hoá Tây
phương và vì thế độc lập và không cạnh tranh với khoa học.
Phụ đính
Hiện
tượng Sokal
Khoảng
cuối năm 1994, nhà vật lý Alan Sokal đã gởi
bài cho Social Text, một tạp chí nghiên cứu văn hoá, xã hội có tiếng ở Mỹ.
Bài của ông được đăng trong số Xuân/Hè 1996, chuyên đề "Chiến tranh Khoa học".
Tựa của bài là "Transgressing the boundaries - Toward a transformative
hermeneutics of Quantum gravity" ("Vượt quá các biên giới - Đi đến một
biến đổi nghiên cứu văn bản của lực hút lượng tử")(14), rất tiêu biểu cho
loại thảo luận, nghiên cứu của tạp chí này và những tạp chí triết học xã hội
tương tự. Ngay cả tựa đề, ngôn từ dùng rất thời trang và khó hiểu (rất nhiều nhà
khoa học phải tra từ điển từ "hermeneutics", một ngành triết học
nghiên cứu nghĩa và diễn giải văn bản (15)). Như nhiều bài khác trong tạp chí,
bài của Sokal cũng đã chỉ trích, bài bác cái gọi là khoa học khách quan, một
giáo điều của thời Khai sáng. Nhưng khác những bài kia, Sokal đã cố ý dùng những
lý luận lệch lạc, viết sai những lý thuyết và sự kiện vật lý nằm trong những
câu văn với những từ ngữ mang màu sắc rất hậu hiện đại.
Sau
khi bài được đăng, Sokal viết một bài trên tạp chí Lingua Franca(2) trong đó
ông tiết lộ là bài ông gởi cho Social Text chứa đầy những sai lầm lý luận, với
những sự kiện vô lý, vô nghĩa trong vật lý học, mà bất cứ ai có vài hiểu biêt về
vật lý cũng có thể thấy rõ là vô nghĩa, cũng có thể ngạc nhiên về sự ngây thơ,
và biết ngay là bài chỉ để đùa cợt, chế nhạo, khôi hài. Thế mà các nhà biên tập
của Social Text đã đăng mà không kiểm trước với các nhà vật lý, chỉ vì bài có ý
và kết luận đúng với ý thức hệ có sẵn và định kiến của Social Text. Sokal còn
cho thấy rõ, cả tạp chí và cộng đồng gọi là khoa học xã hội theo hậu hiện đại
thiếu tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trí thức và đầy ý thức hệ, định kiến sẵn, cố ý
tự mình khép đóng. Họ không bao giờ có tinh thần học hỏi điều nghiên theo tư
cách của các nhà khoa học chân chính, tôn trọng và thẩm định những ý kiến,
nghiên cứu dù khác hoặc trái với tư tưởng và phương pháp của mình.
Bài
của Sokal đã có tiếng vang rộng lớn ngoài cộng đồng triết học, khoa học. Nó làm xôn xao và gây tranh cãi, bình luận
trên nhiều tạp chí và diễn đàn của nhiều ngành, cũng như trên báo chí ở Mỹ, Âu
châu và nhiều nước khác. Sokal, sau đó với sự cộng tác của nhà vật lý và triết
học Bỉ Jean Bricmont, ra quyển sách "Fashionable nonsense: Postmodern
intellectuals's abuse of science" (16) (bản Pháp ngữ là "Impostures
intellectuelles") trình bày cặn kẽ sự lạm dụng các thuyết và từ ngữ trong
toán học và vật lý của một số trí thức hậu hiện đại ở Pháp, như Bruno Latour,
Gilles Deleuze, Jacques Lacan, Julia Kristeva, Luce Irigary, Jean Baudrillard,
và Paul Virilio. Sokal và Bricmont vạch rõ sự vô nghĩa và thiếu hiểu biết toán
học và vật lý trong các bài viết của những người này và cho thấy họ không hiểu
chính những gì họ viết. Quyển sách cũng cho thấy sự rỗng tuếch, dùng sáo ngữ
làm bình phong cho những tư tưởng vô nghĩa của một số triết gia, đa số là thiên
tả, ở Pháp có ảnh hưởng đến các trí thức ở Mỹ. Những từ ngữ thời thượng mang
tính triết học hậu hiện đại rất khó hiểu ngay cả đối với những người trong
ngành, theo Sokal và Bricmont, thật ra chỉ là sáo ngữ che giấu sự thiếu hiểu biết
của chính họ về những đề tài thời thượng. Nhiều nhà triết học và khoa học đã
cho rằng đây là một trong những quyển sách quan trọng nhất về triết học khoa học
trong thế kỷ 20.
Trong
bài đăng ở Social Text, Sokal cũng chế nhạo sự thiếu hiểu biết về vật lý của
các nhà hậu hiện đại khi dùng từ tuyến tính "theo đường thẳng"
(linear) mà theo họ là cũ, không hợp thời, thiếu sáng tạo, trong khi họ nghĩ từ
vô tuyến tính "theo đường cong" (non-linear) là tiên phong và phong
phú hơn. Trong bài ấy Sokal cũng bàn về
tầm quan trọng trên phương diện văn hoá của thuyết lượng tử trọng lực (quantum
gravity), dùng trọng lực trường là một toán tử (operator) "không hoán chuyển"(noncommuting)
và vì thế "theo đường cong". Đó là một phát biểu cố tình sai lầm của
Sokal, vì "không hoán chuyển" không có nghĩa là "theo đường
cong". Ai học vật lý đều biết là
trong cơ học lượng tử có nhiều đặc tính "không hoán chuyển" nhưng đồng
thời cũng có tuyến tính "theo đường thẳng". Thế mà không ai trong ban
biên tập Social Text thấy điều này vì cứ nghĩ rằng không tuyến tính "theo
đường cong" là tiên phong, mới mẻ.
Sokal
là nhà vật lý phái tả, từng tình nguyện đi dạy toán ở Nicaragua trong thời
chính phủ cách mạng Sandinista. Vì thế,
trong bài viết trên Lingua Franca, ông cũng tỏ vẻ buồn là các nhà hậu hiện đại,
đa số là phái tả, đã không dùng lý trí khoa học khách quan để chống lại mê tín
huyền bí như truyền thống phe tả, mà lại đả phá phương pháp khoa học khách quan
để trở về với huyền bí, hỗn độn của nguyên thuỷ.
Sự
tiết lộ về mục đích của Sokal đã gây tranh cãi về quy trình chọn bài. Các nhà
biên tập của tạp chí Social Text giải thích rằng họ nhận đăng bài Sokal là vì họ
thấy đấy là cố gắng của một nhà vật lý tìm kiếm bằng chứng trong triết lý hậu
hiện đại để phát triển ngành của mình, và Social Text không phải là tạp chí
khoa học có hệ thống kiểm bài (peer review) mà là tạp chí ý kiến. Một số nhà xã
hội học như Steve Fuller cũng đã trả lời giận dữ là Sokal đã lạm dụng sự tin tưởng
của ban biên tập và như vậy là thiếu tư cách. Ảnh hưởng và dư âm của sự kiện
Sokal mạnh nhất là ở Pháp, nơi rất nhiều nhà triết học hậu hiện đại tiên phong
bị "lột mặt nạ".
Bên cạnh vấn đề sử dụng hay lạm dụng lý thuyết
khoa học để hậu thuẫn cho những lý thuyết, triết học hậu hiện đại của một số
trí thức, như Sokal và Bricmont đã trình bày,
chính đáng hơn là nghiên cứu xã hội về cách ứng xử trong hoạt động khoa
học của cộng đồng khoa học gia. Harry Collins (17), nhà xã hội học chuyên về
tri thức, kiến thức khoa học, tuy đồng ý với Bricmont rằng các nhà xã hội học,
sử học về khoa học nên biết nhiều hơn về khoa học, vẫn nghĩ rằng vấn đề có thể
đuợc tiếp cận từ một gốc độ khác. Theo Collins, nếu ta phân biệt chủ nghĩa
"tương đối triết học" và "tương đối về phương pháp" như
Bricmont đã luận cứ, thì chính sự tương đối của phương pháp mới là có giá trị. Đó mới chính là điểm cơ bản để thảo luận
trong ngành xã hội học về tri thức khoa học (sociology of scientific
knowledge). Như vậy các nhà xã hội học trước tiên không nên có thành kiến là
không biết nhiều đến các khoa học khác. Nghĩa là họ không nên biết nhiều khoa học
hơn cả các nhà khoa học để nghiên cứu về các hiện tượng xã hội. Đưa ra các thí
dụ trong lãnh vực vật lý như thí nghiệm Michelson-Morley và máy của Dayton
Miller nhằm tìm sự hiện hữu và độ dời của "ether" (ether drift) trong
thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng. Miller được giải thưởng của Hiệp hội Ủng hộ Sự
Tiến bộ của Khoa học Mỹ (American Association for the Advancement of Science),
trong khi Michelson-Morley không tìm được độ dời ether. Sau này các nhà vật lý mới phát giác là
Miller đã sai. Nếu đòi hỏi các nhà khoa
học xã hội nghiên cứu vụ này phải có những kiến thức vật lý mà chính Miller thời
đó cũng chưa đạt được thì thật là vô lý.
Collins
cũng cho rằng việc các khoa học gia trong các lãnh vực hiện được nghiên cứu có
nhiều ý kiến khác nhau, có bất đồng trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, là
thường tình. Ngay cả khi có thêm nhiều dữ kiện, quan sát, tri thức hay lý thuyết
hiện đại hơn, sự bất đồng vẫn còn chưa được giải quyết, ít nhất là thoả đáng giữa
các bên đối nghịch nhau. Điều này có nghĩa là tất cả các tuyên bố gọi là khoa học
đều cần được diễn giải theo ý của cộng đồng khoa học. Trong khoảng thời gian
"ngắn hạn", quan điểm cho rằng
cần có sự đồng thuận, ngay trong ngành "cứng" nhất của khoa học, là một
quan điểm không thực tế. Thực tế cho thấy có nhiều góc cạnh, phương pháp, lý
thuyết khác nhau trong khoa học mà ta chưa thẩm định hết giá trị. Không có
phương pháp nào là tuyệt đối. Đây chính là quan điểm của cái gọi là chủ nghĩa
tương đối phương pháp (methodological relativism).
Tham khảo
(1)
Weinberg, S., "Facing up: Science and its cultural adversaries",
Harvard University Press, 1999.
(2)
Sokal, A., "A physicist experiments with cultural studies", Lingua
Franca, May/June 1996, pp. 62-64.
(3)
Verran, H., "Science and an African logic", University of Chicago
Press, 2001.
(4)
Weinberg, S., "Dreams of a final theory", Patheon books, New York,
1992.
(5)
Popper, K., "Unended quest: an intellectual autobiography",
Routledge, Edition 5, 2002.
(6)
Popper, K., "Objective knowledge, an evolutionary approach",
Clarendon Press, Oxford, 1989
(7)
Popper, K., "The Open Society and its enemies", Routledge & Kegan
Paul, London 1966.
(8)
Kuhn, T., "The structure of scientific revolutions", University of
Chicago Press, 1966.
(9)
Sterelny, K., "Dawkins vs Gould: Survival of the fittest", Totem
Books, 2001.
(10)
Feyarabend, P., "Against method", Verso Books, Edition 3, Sep. 1993.
(11)
Feyarabend, P.,"Explanation, reduction and empiricism", In
Feigl/Maxwell, Scientific Explanation: Space and Time, University of Minnesota
Press, 1962.
(12)
Wilson, E., "Consilience, the Unity
of knowledge", Knopf, 1998.
(13)
Pickering, A., "Constructing Quarks: A sociological history of particle
physics", Chicago, Chicago University Press, 1984
(14)
Sokal, A., "Transgressing the boundaries - Toward a transformative
hermeneutics of Quantum gravity", Social Text, 46/47, 1996, pp. 217-252.
(15)
Weinberg, S., "Sokal 's hoax", The New York Review of Books, Vol
XLIII, nọ 13, pp. 11-15, Aug. 8, 1996.
(16)
Sokal, A., Bricmont, J., "Fashionable nonsense: postmodern intellectuals's
abuse of science", Picador USA, Oct 1999.
(17)
Collins, H., "What's wrong with relativism", Physics World, Apr 1998.
(18)
Keenan, C., "In the right corner..", Sydney Morning Herald, Aug 17 -
18, 2002.
(19)
Windshuttle, K., "The killing of history: How literary critics &
social theorists are murdering our Past", Encounter Books, 2000.
(20)
Eldredge, N., Gould, S., "Biology rules", Civilization 5 (Oct/Nov):
86 - 88.
(21)
Luo W., Hartmann, J.F, Li, J. and Sysamouth V., "GIS Mapping and analysis
of Tai linguistic and settlement pattern of Southern China", Geographic
Information Sciences, 2000, 6(2):129 - 136. (xem thêm ở NASA web
http://earthobservatorỵnasạgov/Study/TaiLanguage)
(22)
Smith, B., "Documenting plant domestication: The consilience of biological
and archaelogical approaches", Proceedings of National Academy of Sciences
(PNAS, Feb. 13 2001, Vol. 98, no 4, pp. 1324-1326.
(23)
Baker, V., "The study of superfloods", Science, 295, 2379 - 2380
(March 29 2002)
(24)
Oppenheimer, S., Eden in the East, the drowned continent of Southeast Asia,
Phoenix, 1998.
(25)
Nguyễn Đức Hiệp, Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Đông Á, Ts
Tư Tưởng, Số 7, trang 9 - 13, 4/2000.
(26)
International Council for Science, ICSU, "Science and traditional
knowledge", Report from the ICSU Study Group on Science and Traditional
Knowledge, March 2002.
(27)
Nguyễn Minh Quân, Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản, Tạp chí Việt,
Số 7, 2001.
(28)
Ayer, A.J., “Language, Truth and Logic”, New York: Dover Publications, 1952.
[i]
Chuyên viên khoa học khí quyển và môi trường, Cơ quan bảo vệ môi trường ở New
South Wales,Australia
[ii]
Từ "science" đã có từ thế kỷ 13,
được các nhà lý luận Pháp dùng rất rộng rãi trong thế kỷ ánh sáng, cũng
như chữ "scientifique" dùng như tính từ. (cf. các trích dẫn trong
Littré) Còn "L'Encyclopédie" của nhóm Diderot, mà quyển đầu ra năm
1751, có tên dài hơn là "
Dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers" . W. Whewell đặt ra từ scientist - tiếng Pháp
là scientifique (danh từ).
Nguồn:
http://www.tapchithoidai.org/