Những luận cương liên bang – A.Hamilton, J.Madison, J.Jay (P3/3)

Posted on
  • Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • V. NGÀNH HÀNH PHÁP
    1. Bản tính tổng quát
    HAMILTON
    Bây giờ chúng ta hãy xem xét phần dự thảo Hiến pháp nói về ngành hành pháp. Có lẽ trong bản Hiến pháp không có phần nào được dự thảo công phu như phần này, và có lẽ cũng không có phần nào lại bị chỉ trích một cách hồ đồ như phần này.
    Đối với phần này, những người chỉ trích dự thảo Hiến pháp hình như đã lao lực rất nhiều để tỏ rõ tài xuyên tạc của họ. Lợi dụng lòng thù ghét của dân chúng đối với chế độ quân chủ, họ đã khêu gợi tất cả những tình cảm đố kỵ và lo ngại của dân chúng để công kích Tổng thống mà dự thảo Hiến pháp trù liệu sẽ có, cho rằng Tổng thống sẽ trở thành một vị vua chúa thực sự. Để xuyên tạc sự thực, họ đã không ngần ngại bịa đặt những chuyện hoang đường. Tổng thống là một nhân viên ngành hành pháp có nhiều quyền lực, trong số đó có nhiều quyền lực lớn hơn và cũng có nhiều quyền lực nhỏ hơn quyền lực của vị Thống đốc của tiểu bang Nữu Ước. Thế mà họ phóng đại sự thực, dám cho là những quyền lực của Tổng thống chẳng khác gì uy quyền của một bậc hoàng đế vậy. Họ nói rằng Tổng thống sẽ được trọng vọng và xa hoa hơn cả Anh hoàng, ngồi trên ngai vàng giữa một bầy tôi cận thần và cung nữ để tiếp kiến đại sứ của ngoại quốc, oai vệ không kém gì một vị hoàng đế vậy.
    Những sự xuyên tạc vô lý và kỳ lạ như vậy bắt buộc chúng ta phải nhận định một cách xác thực về bản chất và hình thức của ngành hành pháp, không những là để tìm hiểu sự thực mà còn để vạch rõ những quan điểm gian trá đã xuyên tạc sự thực một cách thâm độc như vậy.
    Trong một trường hợp, và đây chỉ là một thí dụ mà tôi xin kể ra để tượng trưng cho quan điểm của những người chỉ trích, họ đã cả gan gán cho Tổng thống một quyền lực mà trong Hiến pháp đã quy định một cách rõ ràng là thuộc về chính quyền hành pháp của các tiểu bang. Đó là quyền lực bổ nhiệm những thượng nghị sĩ khi thiếu hụt trong Thượng Nghị viện.
    Sự bịa đặt liều lĩnh này để thử thách sự hiểu biết của đồng bào là công trình của một văn sĩ có một địa vị quan trọng trong đảng của ông1. Dựa trên sự bịa đặt đó, ông đã đưa ra nhiều nhận xét khác sai lầm không kém. Chúng ta hãy đối chiếu quan điểm của ông ta cùng sự thực và xem ông sẽ tự bào chữa như thế nào.
    Đoạn 2, khoản 2, điều 2 của dự thảo Hiến pháp cho phép Tổng thống Hiệp Chủng Quốc:
    “Đề cử và chiếu theo ý kiến và với sự thoả thuận của Thượng Nghị viện, bổ nhiệm các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, các vị thẩm phán Toà án Tối cao, và tất cả các công chức mà sự bổ nhiệm không được Hiến pháp quy định rõ ràng thể thức, và sự bổ nhiệm này sẽ được chính thức hoá bằng các đạo luật”.
    Ngay sau đoạn đó, dự thảo Hiến pháp đã ghi đoạn sau đây:
    “Tổng thống sẽ có quyền lực bổ nhiệm nhân viên vào những chức vụ thiếu người trong thời gian mà Thượng Nghị viện không nhóm họp, bằng cách cấp những uỷ nhiệm trạng sẽ hết hạn vào cuối kỳ họp tới”.
    Chính do đoạn sau này mà người ta đã nghĩ lầm rằng Tổng thống có quyền lực bổ nhiệm Thượng Nghị sĩ khi khuyết nhân viên. Chúng ta chỉ chú ý một chút tới các đoạn trên là cũng có thể hiểu rõ được ý nghĩa của các đoạn đó.
    Đoạn đầu rõ ràng có nghĩa rằng hiến pháp trù liệu một thể thức để bổ nhiệm những công chức “mà sự bổ nhiệm không có ghi rõ trong Hiến pháp bằng một thể thức nhất định, và sự bổ nhiệm đó sẽ được chính thức hoá bằng những đạo luật”. Cố nhiên là sự bổ nhiệm đó không thể áp dụng được cho trường hợp những Thượng nghị sĩ mà sự bổ nhiệm đã được ghi rõ trong Hiến pháp phải theo một thể thức nhất định (xem Điều 1, khoản 1, đoạn 1), sẽ được chính thức hoá do Hiến pháp, và không cần phải chính thức hoá bằng những đạo luật nữa. Điểm này thật là rõ ràng không thể chối cãi được.
    Đoạn thứ hai cũng thật là rõ ràng, không thể bị hiểu lầm là liên quan tới sự bổ nhiệm Thượng nghị sĩ vì những lý do sau đây: Lý do thứ nhất chỉ có nghĩa là đoạn thứ hai trù liệu một thể thức bổ nhiệm khi không thể áp dụng thể thức chung. Quyền lực bổ nhiệm thường được giao phó chung cho Tổng thống và Thượng Nghị viện và như vậy quyền lực đó chỉ có thể sử dụng được trong trường hợp mà Thượng Nghị viện đang họp. Nhưng chúng ta không thể bắt buộc Thượng Nghị viện lúc nào cũng họp, vì vậy, trong khi Thượng Nghị viện nghỉ họp, có những chức vụ cần phải bổ nhiệm mà không thể trì hoãn được và Tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm mà không cần phải chiếu theo ý kiến của Thượng Nghị viện nhưng “uỷ nhiệm trạng đó sẽ hết hạn vào cuối kỳ họp tới”. Lý do thứ hai: Nếu đoạn sau bổ trợ cho đoạn trước thì phải hiểu là những chức vụ bị trống nhân viên không có nghĩa là chức vụ của những thượng nghị sĩ được. Lý do thứ ba: Quyền bổ nhiệm của Tổng thống chỉ có hiệu lực trong khi Thượng Nghị viện nghỉ họp, và hiệu lực của uỷ nhiệm trạng chỉ kéo dài cho tới khi hết hạn khoá tới, như vậy thì nhất định là sự bổ nhiệm đó không phải là sự bổ nhiệm các Thượng nghị sĩ mà do Quốc hội của các tiểu bang, vậy chẳng lẽ câu này lại áp dụng cho Thượng Nghị viện của các tiểu bang hay sao? Câu này chỉ nói tới Thượng Nghị viện của Quốc hội Liên bang, vậy sự bổ nhiệm chỉ liên quan tới những chức vụ mà quyền bổ nhiệm đã được giao phó cho tổng thống cùng với Thượng Nghị viện. Lý do sau cùng để không hiểu lầm được về cái đoạn trên có thể tìm thấy trong đoạn 1 và đoạn 2 của khoản 3 trong điều 1. Đoạn 1 nói rằng “Thượng Nghị viện Hiệp Chủng Quốc sẽ gồm có hai Thượng nghị sĩ của mỗi tiểu bang, được chọn lựa do Quốc hội của tiểu bang và nhiệm kỳ sẽ là 6 năm”. Đoạn 2 nói rằng nếu trong việc này mà khuyết một ghế Thượng nghị sĩ vì sự từ chức hay vì một lý do khác, sự khuyết ghế đó xảy ra trong khi Quốc hội tiểu bang nghỉ họp thì Thống đống của tiểu bang sẽ bổ nhiệm một Thượng nghị sĩ lâm thời, có hiệu lực cho tới khi Quốc hội tiểu bang họp và bổ nhiệm một Thượng nghị sĩ chính thức khác”.
    Đoạn này ghi rõ ràng cho phép Thống đốc tiểu bang được quyền bổ nhiệm một Thượng nghị sĩ lâm thời. Như vậy, tức là quyền bổ nhiệm đó không hề được giao phó cho Tổng thống Liên bang. Quan điểm của những người xuyên tạc sự thực rõ ràng chỉ có ý lừa dối dân chúng.
    Tôi đã cố ý lấy thí dụ này để vạch rõ những mánh khoé mà người ta đã dùng để xuyên tạc dự thảo Hiến pháp khiến cho dân chúng không nhận thấy được những tinh hoa trong Hiến pháp. Tôi không ngần ngại chút nào nếu cần để cho những người thẳng thắn và chân thật, dù họ phản đối dự thảo Hiến pháp, xét đoán xem nên dùng những danh từ nào để áp dụng cho những thủ đoạn vô lương như trên để xuyên tạc sự thật và lừa dối dân chúng nước Mỹ.
    HAMILTON
    Bây giờ tôi xin nói về những đặc tính thực sự của ngành hành pháp, theo đúng tinh thần của dự thảo Hiến pháp, nhằm vạch rõ những sự sai lầm mà người ta đã cố ý gây ra để xuyên tạc dự thảo Hiến pháp.
    Điều đầu tiên mà chúng ta nhận thấy là phần lớn quyền lực hành pháp đều được giao phó cho một người độc nhất. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta có thể so sánh với những trường hợp tương tự. Về điểm này, người ta có thể so sánh Tổng thống Hợp Chủng Quốc với Anh hoàng, hoặc với vua nước Tartare, hoặc với bất cứ một ông vua nào khác, hoặc ngay với ông Thống đốc của tiểu bang Nữu Ước.
    Tổng thống được bầu cử giữ chức vụ trong 4 năm và có thể được dân chúng bầu lại nhiều lần1 nếu được dân chúng tín  nhiệm. Trong trường hợp này, Tổng thống hoàn toàn khác Anh hoàng, vì Anh hoàng là một vị vua mà chức vị được cha truyền con nối, coi như là một di sản mà ông cha để lại cho con cháu vậy. Đặc điểm này khiến cho chúng ta nhận thấy rằng Tổng thống có nhiều điểm tương tự hơn với ông Thống đốc của tiểu bang Nữu Ước. Thống đốc được bầu cử cho nhiều nhiệm kỳ khác nhau. Nếu chúng ta hiểu rằng muốn gây được ảnh hưởng tại một tiểu bang, thời gian cần thiết sẽ mau chóng hơn là thời gian cần thiết để gây ảnh hưởng trên toàn quốc, thì chúng ta phải kết luận rằng nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống không đáng sợ như nhiệm kỳ 3 năm của Thống đốc tiểu bang Nữu Ước.
    Tổng thống Hiệp Chủng Quốc, nếu phạm tội lạm dụng chức vụ, có thể bị xét xử, và nếu bị kết tội về phản quốc, hối lộ hay những trọng tội khác sẽ bị cách chức và sau đó sẽ bị đem xử và trừng phạt theo đúng pháp luật. Trái lại, Anh hoàng là một người bất khả xâm phạm và tự coi như thần thánh thiêng liêng. Không có một tòa án nào có quyền xử Anh hoàng và không có một sự trừng phạt nào có thể áp dụng cho Anh hoàng mà lại không tạo ra một cơn khủng hoảng cho toàn quốc. Về phương diện trách nhiệm của chức vụ Tổng thống không có một ưu thế lớn hơn Thống đốc của tiểu bang Nữu Ước, và có lẽ còn nhỏ hơn cả ưu thế của Thống đốc tiểu bang Maryland hoặc tiểu bang Delaware.
    Tổng thống Hiệp Chủng quốc có quyền trả lại Quốc hội một dự thảo luật để Quốc hội xem xét lại dù Quốc hội đã chấp thuận đạo luật đó rồi. Nhưng dự thảo luật đó sẽ trở thành một đạo luật chính thức nếu cả hai Viện của Quốc hội, sau khi xét lại lần thứ hai, vẫn chấp thuận nó với đa số 2 phần 3 của mỗi viện. Anh hoàng, trái lại có toàn quyền bãi bỏ những đạo luật mà cả hai viện của Nghị viện Anh đã chấp thuận. Tuy vậy, Anh hoàng ít khi sử dụng quyền lực đó và sẽ tìm cách khác để giành lại đa số ở một trong hai viện, vì nếu sử dụng quyền đó có thể sẽ gây nên một cơn khủng hoảng chính trị trong nước. Quyền lực phủ nhận ý kiến Quốc hội của Tổng thống không được rộng lớn như quyền lực của Anh hoàng nhưng cũng lớn ngang với quyền lực của Thống đốc tiểu bang Massachusetts. Dự thảo Hiến pháp liên bang đã dựa theo Hiến pháp của bang Massachusetts khi dự liệu quyền lực của Tổng thống.
    Tổng thống sẽ là:
    “Tổng tư lệnh lục quân và thủy quân của Hiệp Chủng quốc và quân đội của các tiểu bang khi quân đội các tiểu bang được triệu tập để phụng sự Hiệp Chủng quốc. Tổng thống có quyền giảm tội hoặc ân xá cho những người phạm tội đối với Hiệp Chủng quốc, trừ phi trong trường hợp lạm dụng công quyền; quyền đề nghị Quốc hội xem xét những thủ tục mà Tổng thống nhận định là cần thiết và thực tiễn; quyền triệu tập, trong những trường hợp bất thường, cả hai viện của Quốc hội hoặc một trong hai viện, và trong trường hợp hai viện không thỏa thuận được về thời gian mãn khóa, sẽ ra lệnh cho hai viện nghỉ họp trong thời gian mà ông cho là thích hợp; quyền định liệu làm thế nào để các đạo luật sẽ được thi hành triệt để; và quyền uỷ nhiệm những nhân viên hành pháp của Hiệp Chủng quốc”.
    Về phần lớn các đặc điểm trên, quyền lực của Tổng thống vừa có thể so sánh với quyền lực của Anh hoàng mà lại vừa có thể so sánh với quyền lực của Tổng thống tiểu bang Nữu Ước. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt như:
    1. Tổng thống chỉ có quyền tư lệnh về quân đội của các tiểu bang trong trường hợp phải triệu tập quân đội đó để phụng sự Hiệp Chủng quốc. Anh hoàng và Thống đốc tiểu bang Nữu Ước lúc nào cũng có toàn quyền tư lệnh quân đội trong lãnh thổ thuộc quyền của mình. Như vậy, trong điều khoản này, quyền lực của Tổng thống có một phạm vi hẹp hơn quyền lực của Anh hoàng hoặc của Thống đốc tiểu bang Nữu Ước.
    2Tổng thống là tổng tư lệnh lục quân và hải quân của Hiệp Chủng quốc. Trên phương diện lý thuyết, quyền lực của Tổng thống tương tự như quyền lực của Anh hoàng nhưng thực sự thì ít hơn quyền lực của Anh hoàng. Quyền lực của Tổng thống chỉ là quyền chỉ huy tối cao của lục quân và hải quân, trong khi quyền lực của Anh hoàng gồm thêm quyền tuyên chiến, quyền thành  lập và quy định các đạo quân và chiếm hạm; những quyền này trong Hiến pháp là thuộc quyền Quốc hội. Hiến pháp các tiểu bang cũng chỉ giao phó quyền chỉ huy lục quân hay hải quân cho các vị Thống đốc mà thôi.
    3. Quyền lực của Tổng thống về vấn đề ân xá có hiệu lực trong tất cả các trường hợp, trừ trường hợp lạm dụng công quyền. Thống đốc tiểu bang Nữu Ước có quyền ân xá trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp lạm dụng công quyền nhưng ngoại trừ trường hợp phản quốc và sát nhân. Như vậy, về phương diện chính trị, quyền lực của Thống đốc lại không lớn hơn quyền lực của Tổng thống hay sao? Tất cả các âm mưu nếu chưa phát triển thành một hành động phản quốc thật sự đều có thể tránh được sự trừng phạt do quyền lực ân xá. Nếu Thống đốc tiểu bang Nữu Ước đứng đầu một âm mưu như vậy thì trừ trường hợp âm mưu đó đã được tổ chức thành một hành động phản quốc thật sự, Thống đốc có thể che chở cho đồng loã khỏi bị trừng phạt. Tổng thống trái lại, dù có quyền ân xá một kẻ phản quốc nhưng nếu lạm dụng công quyền vẫn có thể bị xét xử và bị kết tội. Như vậy, viễn cảnh không bị trừng phạt chẳng lẽ lại không phải là một yếu tố khuyến khích âm mưu chống lại sự tự do của nhân dân hay sao? Nhưng nếu người có quyền lực ân xá một kẻ phản quốc mà cũng có thể bị xét xử vì lạm dụng công quyền, thì hỏi là khi đã bị cách chức rồi, người đó còn có quyền để ân xá cho đồng loã hay không? Để có một nhận định rõ hơn về tội trạng này, chúng ta hãy nhớ rằng tội phản quốc là tội “chiến đấu chống lại Hiệp Chủng quốc, kết thân với địch, trợ giúp và uý lạo kẻ địch”. Luật pháp tiểu bang Nữu Ước cũng định nghĩa tội này như vậy.
    4. Tổng thống chỉ có quyền bãi bỏ khoá họp của Quốc hội trong một trường hợp duy nhất khi hai viện bất đồng ý kiến về thời gian nghỉ họp. Anh hoàng có quyền kéo dài phiên nhóm của Nghị viện và có cả quyền giải tán Nghị viện. Thống đốc tiểu bang có quyền kéo dài kỳ họp của Quốc hội trong một thời gian có hạn định, một quyền lực có thể sử dụng cho những mục đích rất quan trọng.
    Tổng thống có quyền, chiếu theo ý kiến và với sự thỏa thuận của Thượng nghị viện, ký kết các hiệp ước nếu hai phần ba các thượng nghị sĩ hiện diện tán thành. Anh hoàng, trái lại, là người đại diện độc nhất và toàn quyền của quốc gia trong những cuộc bang giao với ngoại quốc. Anh hoàng có quyền tùy ý ký kết những hiệp ước hòa bình, thương mại, liên minh hoặc về những vấn đề khác. Có những người cho rằng quyền lực của Anh hoàng, tuy vậy, không mang tính chất quyết định, và những hiệp ước do Anh hoàng ký kết cần phải có sự duyệt y của Nghị viện nhưng chỉ mới được đưa ra gần đây để chống đối dự thảo Hiến pháp mà thôi.
    Tổng thống có quyền được tiếp kiến đại sứ và những đại diện khác của ngoại quốc. Tuy có nhiều người chỉ trích quyền lực này nhưng đây không phải là một quyền lực mà chỉ là một lễ nghi để tăng thêm uy quyền của Tổng thống mà thôi. Lễ nghi này không có ảnh hưởng gì khác trong việc hành chánh, vả lại, nếu cần phải nhóm họp Quốc hội mỗi khi tiếp kiến một vị đại diện của ngoại quốc thì thật là phiền phức.
    Tổng thống có quyền đề cử, với ý kiến và sự thỏa thuận của Thượng Nghị viện, bổ nhiệm các đại sứ và các nhân viên hành chánh khác, các vị Thẩm phán Toà án Tối cao và tất cả các nhân viên chính quyền khác mà thể thức bổ nhiệm không ghi sẵn trong hiến pháp. Anh hoàng, về phương diện này, có thể nói là có toàn quyền. Không những Anh hoàng có quyền bổ nhiệm nhân viên vào các chức vụ đã lập từ trước, mà còn có quyền tạo ra những chức vụ mới. Anh hoàng có quyền tùy ý phong chức tước. Quyền lực của Tổng thống quả là thua kém quyền lực của Anh hoàng rất nhiều, không những thế lại còn thấp kém hơn cả quyền lực của Thống đốc tiểu bang Nữu Ước, nếu chúng ta hiểu hiến pháp tiểu bang này không phải trên phương diện lý thuyết nhưng trên phương diện thực hành, quyền lực bổ nhiệm tại tiểu bang Nữu Ước được giao phó cho một hội đồng gồm có Thống đốc và bốn hội viên là những Thượng nghị sĩ do Nghị viện ủy nhiệm. Thống đốc có quyền đề cử và có quyền bỏ phiếu bổ nhiệm. Như vậy, quyền đề cử Thống đốc ngang với quyền đề cử của Tổng thống, còn quyền bổ nhiệm thì lớn hơn. Nếu Thượng Nghị viện Hiệp Chủng Quốc chia rẽ thì sự bổ nhiệm sẽ không thành. Trái lại, nếu hội đồng của tiểu bang Nữu Ước chia rẽ, thống đốc có quyền bỏ lá phiếu quyết định trong việc bổ nhiệm. Nếu chúng ta so sánh hai phương pháp bổ nhiệm của liên bang và của tiểu bang, chúng ta nhận thấy là ảnh hưởng của một Thượng Nghị viện có đông hội viên và ảnh hưởng của một hội đồng gồm có bốn hội viên mà thôi, và hơn nữa, trong thực tế, hội đồng đó thường chỉ có hai hội viên tới họp, thì chúng ta nhận thấy là uy quyền của Thống đốc rất lớn và sự quyết định của ông ta rất dễ dàng.
    Như vậy, quyền lực của Tổng thống Hiệp Chủng Quốc, ngoại trừ vấn đề các hiệp ước với ngoại quốc, nói chung, về tất cả các vấn đề không có gì là rộng lớn hơn quyền lực của Thống đốc tiểu bang Nữu Ước. Còn so sánh với Anh hoàng, cố nhiên là không thể nào ví quyền lực của Tổng thống với quyền lực của Anh hoàng được. Để nhận định được rõ ràng hơn về sự phân biệt đó, chúng ta hãy phân chia quyền lực đó ra thành từng loại.
    Tổng thống là một nhân viên chính quyền do dân chúng bầu cử cho một nhiệm kỳ là một năm; Anh hoàng là một ông vua suốt đời và cha truyền con nối. Tổng thống có thể bị trừng phạt và chịu nhục nếu bị kết tội; Anh hoàng là một người thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Tổng thống có quyền phủ nhận các đạo luật của Quốc hội nhưng quyền đó bị nhiều điều kiện hạn chế; Anh hoàng có quyền tuyệt đối phủ nhận quyết định của Nghị viện. Tổng thống có quyền chỉ huy lục quân và hải quân; Anh hoàng, ngoài quyền chỉ huy đó, còn có quyền tuyên chiến, tạo lập và quy định quân đội và chiến hạm. Tổng thống có quyền cùng với Quốc hội ký kết hiệp ước với ngoại quốc; Anh hoàng có toàn quyền ký kết cùng ngoại quốc. Tổng thống có quyền cùng với Quốc hội bổ nhiệm nhân viên vào các chức vụ; Anh hoàng có toàn quyền tự ý bổ nhiệm. Tổng thống không có quyền ban đặc ân; Anh hoàng có quyền cho ngoại kiều nhập tịch, ban cho kẻ thường dân chức tước quý tộc, cho các xí nghiệp những đặc quyền kinh tế. Tổng thống không có quyền quy định các đạo luật về thương mại và tiền tệ trong nước; Anh hoàng có toàn quyền quy định về thương mại, cho phép mở chợ và mở hội, quy định đơn vị đo lường, ra lệnh phong tỏa kinh tế, đúc tiền, cấm tiền ngoại quốc lưu thông trong nước. Tổng thống không có quyền lực lập pháp và tôn giáo; Anh hoàng, trái lại, là giáo chủ của quốc giáo.
    Ai là người có thể nói là hai vị nguyên thủ đó giống nhau? Ai là người đảm bảo là chính thể mà chính quyền ở trong tay của nhân dân bầu cử chỉ là công bộc của nhân dân, là một chính thể của giai cấp quý tộc, của quân chủ, của độc đoán?
    HAMILTON
    Coi như tất cả những người có lý trí đều công nhận ngành hành pháp cần phải có uy quyền cương quyết, vậy chúng ta hãy xem những yếu tố nào là những yếu tố làm cho ngành hành pháp có uy quyền cương quyết? Làm thế nào để phối hợp những yếu tố đó cùng những yếu tố bảo vệ tinh thần cộng hòa của chính thể? Và làm thế nào để có thể nhận định rằng Dự thảo Hiến pháp đã phối hợp được những yếu tố trên?
    Những yếu tố làm cho ngành hành pháp có uy quyền cương quyết trước hết, là sự đơn nhất; thứ hai là sự lâu dài; thứ ba, những dự liệu thích hợp để bảo vệ uy quyền; thứ tư, những quyền lực thích hợp.
    Những yếu tố để bảo vệ tinh thần cộng hòa của chính thể: trước hết, là sự phụ thuộc của chính quyền đối với nhân dân; thứ hai là một tinh thần tắc trách.
    Những chính trị gia công nhận những nguyên tắc trên là đúng đều chủ trương rằng ngành hành pháp chỉ nên có một nguyên thủ, còn ngành lập pháp nên có nhiều hội viên. Họ nhận thấy rằng uy quyền cương quyết rất cần thiết cho ngành hành pháp và uy quyền đó chỉ có thể có được khi tập trung trong tay một người độc nhất. Đồng thời, họ cũng nhận thấy rằng ngành lập pháp có đông người thì mới thảo luận kỹ lưỡng và khôn ngoan, vừa đáng để cho nhân dân tín nhiệm, vừa thích hợp để duy trì quyền lợi của nhân dân.
    Đơn nhất là yếu tố cần thiết để có quyền, điều đó thì quá rõ ràng. Tính chất nhất quyết, hoạt động, bí mật, mau chóng chỉ có thể có được tới tột độ khi quyền lực tập trung ở một người chứ không phải bị phân tán ở một số người.
    Khi hai hoặc nhiều người kết tụ cùng nhau để thực hiện một công cuộc chung thì luôn luôn sẽ có những sự bất đồng ý kiến. Nếu là một chức vụ mà họ đều có chức tước và quyền hành ngang nhau thì lại e là họ sẽ ganh nhau và thậm chí đố kỵ nhau nữa. Dù sao đi nữa thì cũng sợ sẽ có những sự chia rẽ gay go giữa những người đó, và khi có sự chia rẽ, giá trị của họ sẽ bị tổn thương, quyền hành của họ sẽ bị suy nhược, chương trình hoạt động sẽ bị sao nhãng. Nếu tình trạng đó có thể xảy ra, trong một hội đồng tối cao của ngành hành pháp của một nước, thì sẽ có ảnh hưởng tai hại cho những quyết định quan trọng nhất của chính phủ, nhất là những trường hợp khẩn trương nhất của quốc gia. Nguy hại hơn nữa là tình trạng đó có thể chia rẽ quốc gia thành nhiều bè phái chống đối nhau bằng bạo động, mỗi bè phải ủng hộ một cá nhân trong hội đồng chỉ đạo ngành hành pháp…
    HAMILTON
    Nhiệm kỳ lâu dài đã được kể ở đoạn trên là điều kiện thứ hai cần thiết để làm cho ngành hành pháp có đủ uy quyền cương quyết. Điều kiện này ảnh hưởng tới hai điểm: sự cương quyết của Tổng thống trong việc sử dụng những quyền lực mà hiến pháp đã giao phó mình, và sự vững chãi cần thiết của một hệ thống hành chính mà Tổng thống đã chấp thuận áp dụng. Về điểm thứ nhất, dĩ nhiên là nhiệm kỳ của Tổng thống càng lâu dài thì sự cương quyết của Tổng thống lại càng được vững chãi. Bản tính của loài người là việc chú trọng nhiều hay ít tới một vật hoặc một chức vụ tùy theo việc người ta giữ được vật hay chức vụ đó lâu hay không.  Người ta sẽ không ưa thích một chức vụ nếu chỉ được hưởng trong một thời gian ngắn ngủi và cố nhiên là người ta chẳng dại gì mà hao công tốn lực cho một chức vụ mà người ta không giữ được lâu dài. Nhận xét này đúng cho không riêng một chức vụ mà cả cho những đặc quyền chính trị, những phẩm tước danh dự, hay bất cứ một vật sở hữu nào. Một vị Tổng thống, nếu nhiệm kỳ quá ngắn sẽ nhận thức là trong ít lâu nữa ông sẽ mất chức vụ và sẽ không muốn cương quyết thi hành quyền lực để thực hiện chính sách của mình để rồi làm phật lòng một phần lớn dân chúng hoặc một nhóm lớn trong Quốc hội Lập pháp. Nhất là trong trường hợp mà Tổng thống nhận thức là mình sẽ mất chức vụ trong một thời gian ngắn và nếu muốn tiếp tục giữ chức vụ đó thì cần có sự ưng thuận của những người bầu cử cho mình thì tham vọng cùng lòng sợ hãi của Tổng thống sẽ làm suy giảm tính thanh liêm và trí cương quyết của ông ta.
    Có những người chủ trương ngành hành pháp cần phải chiều theo những trào lưu trong dân chúng hoặc trong Quốc hội thì mới là một ngành hành pháp tốt. Những người đó không biết gì về lý do thành lập chính phủ, bộ máy phát triển những phương tiện nâng cao nền hạnh phúc của nhân dân. Nguyên tắc của một chính thể cộng hòa quy định rằng những người mà nhân dân đã giao phó quyền lực quản trị quốc sự phải luôn luôn nghĩ tới quyền lợi của nhân dân nhưng như vậy không có nghĩa là bắt buộc họ phải hoàn toàn chiều theo tất cả các ý muốn nhất thời, những dục vọng bộc phát của nhân dân, khi nhân dân bị những kẻ xu nịnh xúi giục để đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Thường thường nhân dân bao giờ cũng mong muốn những điều công ích. Nhưng cũng có những trường hợp nhân dân sai lầm vì bị những kẻ ỷ lại, những kẻ ăn bám vào xã hội, xu nịnh nhân dân, mua chuộc được lòng tin của nhân dân. Trong trường hợp mà quyền lợi của nhân dân trái ngược với ý thích hoặc mong muốn của nhân dân, bổn phận của những người mà nhân dân đã bầu cử ra để đảm nhiệm chức vụ bảo vệ quyền lợi của nhân dân là phải cương quyết ngăn chặn những đòi hỏi nhất thời đó để cho nhân dân có thời giờ tỉnh ngộ và suy nghĩ chín chắn. Chúng ta có thể kể lại rất nhiều trường hợp mà thái độ cương quyết của chính quyền đã cứu vãn nhân dân khỏi những kết quả nguy hại của những sai lầm của nhân dân, và sau này dân chúng đã biết ơn những người đã có can đảm phụng sự dân chúng dù là phải đi ngược lại ý muốn nhất thời của dân chúng và bị dân chúng thù ghét trong một thời gian.
    Nếu chúng ta có thể nói chắc chắn rằng ngành hành pháp có những lúc cần phải không hoàn toàn chiều theo ý muốn của dân chúng, chúng ta không dám hoàn toàn quyết định rằng ngành hành pháp cũng phải không nên hoàn toàn chiều theo ý muốn của ngành lập pháp. Có nhiều trường hợp mà Tổng thống và Quốc hội có thể có những ý kiến bất đồng trong khi nhân dân có một thái độ trung lập. Nhưng trong trường hợp nào cũng vậy, ngành hành pháp vẫn nên can đảm hành động theo ý kiến của mình, hành động một cách cương quyết và tin tưởng.
    Những nguyên tắc đã giúp cho chúng ta nhận thấy cần phải phân định các ngành quyền lại cũng giúp cho chúng ta nhận thấy phải làm thế nào để cho các ngành hoàn toàn độc lập với nhau. Phân biệt các ngành hành pháp, tư pháp và lập pháp để làm gì nếu trong khi đã được phân định rồi mà ngành hành pháp và tư pháp vẫn phải phụ thuộc vào ngành lập pháp? Nếu đã phân định rồi mà hãy còn có sự phụ thuộc thì sự phân định đó chỉ là tượng trưng mà không thể nào thực hiện được những mục tiêu của sự phân định đó. Ngành hành pháp và tư pháp cần phải tuân theo các đạo luật, nhưng như vậy không có nghĩa là phải chiều theo ý muốn của cơ quan lập pháp. Nếu ngành này vẫn còn phụ thuộc vào ngành nọ thì tức là đã đi ngược lại nguyên tắc căn bản của một chính phủ tốt, tức là mặc dù có hiến pháp nhưng tất cả các ngành quyền vẫn tập trung vào một cơ quan. Khuynh hướng của ngành lập pháp muốn chi phối các ngành quyền khác là một khuynh hướng có thể tìm thấy trong nhiều chính thể. Trong một chính thể thuần túy cộng hòa, khuynh hướng đó rất mạnh. Những đại diện của dân chúng trong một hội đồng nhân dân nhiều khi tưởng tượng rằng mình chính là toàn dân và sẽ tỏ vẻ bực mình khi thấy các ngành quyền khác chống đối lại ý chí của mình, cho như vậy tức là tổn hại tới danh dự và đặc quyền của mình. Họ có khuynh hướng kiểm soát độc đoán những hoạt động của các ngành khác và vì họ được nhân dân ủng hộ nên nhiều khi họ đã gây khó khăn cho việc phân quyền cân bằng trong chính quyền theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
    Người ta có thể hỏi là tại sao nhiệm kỳ thiếu lâu dài của nhân viên ngành hành pháp lại là một yếu tố khiến cho ngành hành pháp không hoàn toàn duy trì được sự độc lập của mình đối với ngành lập pháp. Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta có thể nhắc lại nhận xét mà chúng ta đã nói tới ở đoạn trên rằng nếu một người chỉ được giữ một chức vụ trong một thời gian ngắn thì người đó sẽ không chăm chú tới chức vụ của mình và không muốn vì chức vụ của mình mà phải mang phiền lụy vào thân khi cần phải cương quyết tranh đấu. Sau nữa, chúng ta nhận thấy là cơ quan lập pháp có ảnh hưởng lớn tới dân chúng, vậy nếu một người dám cả gan chống đối lại cơ quan lập pháp thì cơ quan lập pháp sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với dân chúng để làm cho dân chúng thù ghét người đó.
    Người ta lại cũng có thể hỏi rằng nhiệm kỳ bốn năm có đủ để thực hiện những mục tiêu dự liệu hay không? Và nếu trả lời là không thì tại sao lại không chỉ định một nhiệm kỳ ngắn hơn, vì với một nhiệm kỳ ngắn, nhân viên ngành hành pháp sẽ không thể lợi dụng chức vụ để trở nên độc đoán.
    Chúng ta có thể trả lời rằng nhiệm kỳ bốn năm hay bao lâu cũng vậy, không thể đủ để thực hiện hoàn toàn những mục tiêu đã trù liệu nhưng dù sao đi nữa thì thì nhiệm kỳ bốn năm cũng được coi là đủ để ảnh hưởng tới tinh thần và chí cương quyết của chính phủ. Thời gian sau khi nhiệm kỳ bắt đầu và trước khi nhiệm kỳ kết thúc dù sao cũng là một giai đoạn mà Tổng thống chắc chắn sẽ không bị lật đổ, và trong thời gian đó, một người có tài đức sẽ có hy vọng làm cho dân chúng nhận thấy chính sách của mình có nhiều điểm tốt đẹp và có thể nêu được những thành tích khả quan. Và ngay cả khi nhiệm kỳ của Tổng thống càng gần tới ngày kết thúc, cố nhiên là sức tự tin và chí cương quyết của Tổng thống sẽ dần dần bị suy giảm, nhưng nếu Tổng thống đã làm được tốt đẹp trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống vẫn có thể hy vọng là dân chúng sẽ nhận xét thuận lợi cho mình, vẫn có thể tin tưởng là dân chúng quý mến, kính nể mình vì tài vì đức, trí minh mẫn và lòng thanh liêm của mình. Tuy bốn năm là một khoảng thời gian mà Tổng thống có thể thi hành cương quyết chính sách của mình nhưng thời gian đó không đáng để cho dân chúng lo ngại là Tổng thống sẽ lợi dụng nhiệm kỳ của mình để đàn áp hoặc xâm phạm tới tự do của nhân dân. Nếu Hạ Nghị viện Anh khi bắt đầu chỉ là một hội đồng có rất ít quyền lực, chỉ có một quyền lực là tán thành hoặc không tán thành sự định đoạt một thứ thuế mới, thế mà sau này đã bành trướng một cách mau chóng đến nỗi hạn chế được các uy quyền của hoàng gia các đặc quyền của giới quý tộc và đã trở thành một nghị viện tượng trưng cho một chính thể dân chủ tự do, và gần đây đã có một uy lực mạnh lớn đến nỗi trong một thời gian đã phá hủy được chế độ quân chủ và hệ thống quý tộc, làm đảo lộn các quy luật của quốc gia lẫn của quốc giáo. Nếu một nghị viện khi mới thành lập chỉ có một quyền lực tầm thường như nghị viện Anh thế mà ngày nay có thể làm cho Anh hoàng phải hoảng sợ vì những sự cải cách do nghị viện này quyết định, thì tại sao chúng ta lại phải lo ngại về quyền lực của một vị tổng thống mà nhiệm kỳ chỉ có bốn năm, và quyền lực đó chỉ là một quyền lực có hạn chế rõ ràng? Chúng ta chỉ nên lo ngại có một điều là Tổng thống sẽ không có đủ uy lực để thi hành nhiệm vụ mà Hiến pháp đã ủy nhiệm cho Tổng thống mà thôi. Tôi chỉ xin nói thêm một điều là nhiệm kỳ bốn năm đáng để cho chúng ta lo ngại là thời gian đó không đủ để giúp cho Tổng thống có đầy đủ một tinh thần cương quyết, và nhiệm kỳ đó không đáng để làm cho chúng ta lo ngại là Tổng thống sẽ lạm dụng quyền lực của mình để làm tổn hại tới nền tự do của dân chúng.
    2. Quyền phủ quyết của Tổng thống
    HAMILTON
    Yếu tố thứ ba để xây dựng nghị lực vững chắc của ngành hành pháp là những dự liệu đầy đủ để ngành này có đủ khả năng tự lập. Điều này là một điều dĩ nhiên vì nếu không có yếu tố này thì sự phân định quyền lực giữa ngành hành pháp và ngành lập pháp chỉ là một sự phân định có danh mà không có thực. Ngành lập pháp, nếu có quyền chỉ định lương bổng và lợi lộc của Tổng thống, sẽ có thể làm cho Tổng thống phải quy lụy ngành lập pháp. Lúc đó, Quốc hội Lập pháp hoặc làm cho Tổng thống bị thiếu thốn trong sự sống còn của Tổng thống hoặc sẽ dùng bả danh lợi để quyến rũ Tổng thống. Như vậy sẽ làm cho Tổng thống phải đầu hàng Quốc hội và tuân theo ý muốn của Quốc hội. Có những hạng người không ai mua được hoặc đàn áp được để sao nhãng nhiệm vụ của mình, nhưng hạng người đó không có nhiều. Nếu chúng ta có thể chi phối được cuộc sống của một người thì tức là chúng ta đã kiểm soát được ý chí của người đó rồi. Nếu cần phải dẫn chứng cho nhận xét này, chúng ta có thể tìm thấy một cách dễ dàng rất nhiều chứng cớ, và ngay tại nước này, những thí dụ đó không phải là không có. Đã có rất nhiều trường hợp mà nguyên thủ ngành hành pháp đã từng bị nghị viện ngành lập pháp quyến rũ hoặc khủng bố bằng những phương tiện tài chính.
    Vì những lý do kể trên, chúng ta phải hoan hỉ khi nhận thấy dự thảo Hiến pháp đã chú trọng đặc biệt tới vấn đề này, dự thảo Hiến pháp đã quy định rằng:
    “Tổng thống Hiệp Chủng Quốc sẽ được hưởng lương trong những kỳ hạn nhất định để bù thưởng công lao của mình, một số lương bổng không tăng và cũng không giảm trong suốt thời gian mà ông được bầu cử để giữ chức vụ; và trong đó, ông sẽ không được nhận bất cứ một bổng lộc nào khác của Hiệp Chủng Quốc hoặc của một tiểu bang nào”.
    Chúng ta không thể tìm thấy một quy định nào lại hợp lý một cách vững chắc hơn quy định này. Quốc hội, sau khi đã bổ nhiệm Tổng thống, sẽ tuyên bố chỉ định một lần mà thôi về số lương bổng bù hưởng công lao của Tổng thống, áp dụng trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống. Sau khi quyết định về số lương bổng đó, hoặc tăng hoặc giảm, cho tới khi một nhiệm kỳ khác bắt đầu sau một cuộc Tổng tuyển cử. Quốc hội sẽ không có quyền làm suy giảm quyền cương quyết của Tổng thống bằng cách chi phối sự sinh sống của Tổng thống, và cũng không có quyền lung lạc lòng thanh liêm cương trực của Tổng thống bằng cách khêu gợi lòng gian tham biển lận của Tổng thống. Toàn quốc hay bất cứ một tiểu bang nào đều không có quyền cho Tổng thống một bổng lộc nào, và Tổng thống cũng không có quyền nhận bất cứ một số lương bổng nào khác ngoài số lương bổn mà quyết định đầu tiên của Quốc hội đã chỉ định một lần mà thôi. Có vậy thì Tổng thống mới có thể không vì lợi mà từ bỏ tinh thần độc lập mà hiến pháp đã quyết định là Tổng thống phải có.
    Yếu tố cuối cùng để xây dựng uy lực của ngành hành pháp là những quyền hạn thích hợp để ngành này sử dụng khi cần duy trì một tinh thần độc lập. Chúng ta hãy xem những quyền hạn thích hợp đó là những quyền hạn nào.
    Quyền hạn thứ nhất mà chúng ta nhận xét trước tiên là quyền hạn của Tổng thống để phủ nhận những đạo luật hoặc những quyết định của hai viện của Quốc hội, hay nói một cách khác, quyền gửi trả trở lại, cùng những khuyến nghị của Tổng thống, tất cả những dự luật mà Quốc hội gửi cho Tổng thống để Quốc hội xem xét một lần nữa, và những dự luật này sẽ không được coi là những đạo luật nếu sau khi xem xét lại lần thứ hai, hai viện của Quốc hội không thông qua với một đa số hơn hai phần ba của mỗi viện.
    Trong một bài trước, chúng ta đã từng bàn luận về khuynh hướng của Quốc hội Lập pháp hay vượt qua giới hạn quyền lực của ngành lập pháp và xen vào phạm vi quyền lực của các ngành khác. Chúng ta lại cũng đã từng có lần nhận xét về sự cần thiết của việc phân định quyền lực của các ngành, tới sự cần thiết của việc dự liệu cho mỗi ngành những quyền hạn cần thiết để tự vệ chống lại sự xâm phạm của các ngành khác. Từ những nguyên tắc không thể sai lầm được mà chúng ta đã tìm thấy, chúng ta có thể kết luận rằng ngành hành pháp cần phải có một quyền phủ quyết, hoặc toàn quyền, hoặc có điều kiện hạn chế, những dự luật của ngành lập pháp. Nếu không có quyền phủ quyết đó, ngành hành pháp sẽ không thể nào tự bảo vệ được trước sự xâm phạm của ngành lập pháp. Tổng thống mà không có quyền phủ quyết sẽ dần dần bị tước hết các quyền lực, hoặc do nhiều đạo luật liên tiếp, hoặc do một cuộc biểu quyết độc nhất của Quốc hội. Như thế chẳng bao lâu sau, tất cả cảc quyền lực sẽ được tập trung trong tay một cơ quan độc nhất. Suy luận như vậy để chúng ta nhận thấy là không nên để cho một ngành quyền lực nào phải lo sợ các ngành quyền lực khác sẽ xâm phạm tới phạm vi quyền lực của mình, và mỗi ngành cần phải có một quyền lực thích hợp cũng như có khả năng tự bảo vệ.
    Quyền phủ quyết của Tổng thống còn có một công dụng khác nữa. Không những quyền phủ quyết là một quyền lực để cho ngành hành pháp tự bảo vệ mà nó còn là một phương tiện an toàn để ngăn ngừa sự thông qua những dự luật không hợp lý hoặc hấp tấp. Quyền phủ quyết của Tổng thống là một phương tiện rất tốt để kiềm chế Quốc hội Lập pháp, ngăn ngừa ảnh hưởng của các đảng phái, những quyết định vội vàng, những hành động có hại tới công ích mà có nhiều khi đa số trong Quốc hội đã mắc phải.
    Có nhiều người phản đối quyền phủ quyết của Tổng thống cho rằng chẳng lẽ một người mà lại có thể khôn ngoan và đạo đức hơn nhiều người, rằng ý kiến Tổng thống lại đáng coi trọng hơn ý kiến của cả hai viện của Quốc hội ư? Nếu nhận thấy rằng đa số luôn đúng hơn thiểu số thì chúng ta không nên cho Tổng thống bất cứ một quyền hạn nào để kiểm soát Quốc hội Lập pháp.
    Ý kiến đó, nếu xét cho kỹ, sẽ thấy là không đúng. Vấn đề quyền phủ quyết của Tổng thống không phải vấn đề so sánh ý kiến của một người và ý kiến của một hội đồng, không phải vấn đề cho rằng một người mà lại có thể khôn ngoan hơn nhiều người. Quyền phủ quyết của Tổng thống đã được nêu lên vì thực tế cho thấy Quốc hội không phải lúc nào cũng hoàn toàn có lý, rằng Quốc hội có khi vì quá tham quyền cho nên đã xâm phạm tới phạm vi quyền lực của một ngành khác, rằng tinh thần đảng phái có khi có thể ảnh hưởng tới quyết định của một nghị viện, rằng những cuộc thảo luận hấp tấp có khi có thể đưa Quốc hội tới những quyết định mà nếu cuộc thảo luận có nhiều thì giờ hơn hoặc có cơ hội để nhận định kỹ lưỡng hơn thì Quốc hội sẽ hủy bỏ những quyết nghị hấp tấp lúc đầu.
    Lý do thứ hai để Tổng thống quyền phủ quyết là để giúp Tổng thống có thể tự vệ được. Lý do thứ ba là để ngăn ngừa việc thông qua những dự luật hấp tấp, thiếu chặt chẽ, hoặc bị ảnh hưởng bởi đảng phái. Một dự luật mà càng tinh vi thì càng ít sai lầm. Sự sai lầm có nguyên nhân chỉ vì thiếu thảo luận kỹ lưỡng và nhiều lần thì lại càng tinh vi và  không bị sai lầm. Sự sai lầm do những nguyên nhân có thể chỉ vì thiếu thảo luận kỹ lưỡng, hay vì ảnh hưởng của những đảng phái vụ lợi, hoặc vì ảnh hưởng của những dục quyền vụ lợi hay  những dục vọng bộc phát nhất thời. Nếu phân định các ngành quyền rõ ràng thì chúng ta có thể tin tưởng là chẳng lẽ những ý kiến sai lầm lại có thể ảnh hưởng tất cả các ngành quyền cùng một lúc hay sao? Và chúng ta cũng có thể tin tưởng được rằng không một ngành nào, sau khi đã có một ý kiến sai lầm, lại có đủ lực lượng để bắt buộc các ngành khác phải tuân theo ý kiến sai lầm đó…
    Dự thảo Hiến pháp, trong khi cho Tổng thống quyền phủ quyết, đã nghĩ ra một cách để giúp Tổng thống có thể thi hành dễ dàng quyền này và trông đợi Quốc hội sẽ giúp đỡ để quyền này có hiệu lực. Quyền phủ quyết của Tổng thống không phải là toàn quyền, một quyền lực vô hạn, mà chỉ là một quyền lực có điều kiện hạn chế. Nếu Tổng thống có toàn quyền phủ quyết một dự luật thì Tổng thống sẽ không cần phải gửi trả dự luật đó cho hai viện của Quốc hội xem xét lại, và sẽ không cần phải e ngại là dự luật đó sẽ có thể trở thành một đạo luật dù Tổng thống đã phủ quyết, sau khi đa số hai phần ba của mỗi viện đã chấp thuận lần thứ hai đạo luật này. Với quyền phủ quyết của mình, Tổng thống chỉ có thể hy vọng rằng nhờ sự phản đối của Tổng thống mà các nghị sĩ sẽ xem xét dự luật kỹ lưỡng hơn, và thiếu số phản đối dự luật chỉ cần hơn một phần ba tổng số nghị sĩ ủng hộ ý kiến là có thể khiến cho dự luật bị bãi bỏ. Một quyền phủ quyết vô hạn, không điều kiện sẽ làm cho Quốc hội và dân chúng tức giận, trái lại, nếu quyền phủ quyết đó chỉ là một quyền phản đối gián tiếp, kêu gọi Quốc hội hãy tranh luận nhiều hơn nhưng vẫn để cho Quốc hội quyền tán thành hoặc không tán thành thì quyền phủ quyết có điều kiện đó sẽ có thể thi hành được một cách dễ dàng và có hiệu lực thiết thực. Chúng ta hy vọng rằng Quốc hội sẽ không bao giờ có những ý kiến sai lầm, và sau khi bị Tổng thống phủ quyết dư luận sai lầm, sẽ không khăng khăng quyết định thông qua dư luật sai lầm đó với đa số hơn hai phần ba của mỗi viện. Dù sao thì trường hợp đó cũng khó xảy được với đa số hai phần ba, chứ không phải với đa số thông thường. Quyền phủ quyết của Tổng thống sẽ có một ảnh hưởng quyết định quan trọng, tuy là kín đáo. Khi những người toan tính những dự định không tốt biết trưóc rằng họ sẽ gặp cản trở lại một ngành quyền mà họ không thể kiểm soát được, họ sẽ dè dặt, không dám ồ ạt chủ trương những điều mà họ biết là sẽ bị ngăn cản….
    HAMILTON
    Tổng thống sẽ có quyền “với ý kiến và sự thỏa thuận của Thượng Nghị viện, ký hết các hiệp ước với điều kiện là hai phần ba Thượng Nghị sĩ có mặt chấp thuận”.
    Tuy đoạn này đã bị công kích rất dữ dội vì nhiều lý do khác nhau nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đoạn này là một đoạn đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất và tinh vi nhất trong dự thảo Hiến pháp. Một lý do của những người công kích đoạn này là sự hợp tác của nhiều ngành quyền trong việc ký kết hiệp ước quốc tế. Có nhiều người cho rằng chỉ nên để cho riêng Tổng thống quyền ký kết hiệp ước. Lại có nhiều người khác chủ trương là chỉ nên để riêng cho Thượng Nghị viện quyền này. Lại có những người khác chỉ trích vì họ cho là số người tham gia quyết định ký kết hiệp ước ít quá. Trong số những người này, có những người muốn rằng Hạ Nghị viện có quyền tham gia việc quyết định ký kết hiệp ước và có những người muốn rằng phải có hai phần ba tổng số thượng nghị sĩ chấp thuận chứ không phải hai phần ba số thượng nghị sẽ có mặt chấp thuận. Vì tôi đã nói rằng, đối với một người hiểu biết, những lý lẽ mà tôi đã từng trình bày trong một bài trước  đã đủ để dẫn chứng cho tính chất hợp lý của đoạn điều khoản này trong dự thảo Hiến pháp, cho nên trong bài này tôi chỉ xin đưa thêm một vài nhận xét bổ sung để trả lời những lý lẽ công kích vừa kể trên.
    Về vấn đề hợp tác của nhiều ngành quyền trong việc quyết định ký kết hiệp ước, tôi hy vọng rằng những lý lẽ mà tôi đã từng trình bày có thể coi là đầy đủ để biểu lộ ý nghĩa của đoạn điều khoản này trong dự thảo Hiến pháp. Tôi xin nói thêm ở đây rằng, sự hợp tác giữa ngành quyền hành pháp và ngành quyền lập pháp trong việc quyết định ký kết hiệp ước có một tính chất rất đặc biệt. Tuy có nhiều người viết về vấn đề chính trị cho rằng quyền lực này thuộc phạm vi quyền hành pháp nhưng nhận xét này quả là chủ quan, độc đoán, bởi vì nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng việc sử dụng quyền này, chúng ta sẽ thấy rằng nó thuộc phạm vi ngành lập pháp nhiều hơn là ngành hành pháp tuy nó không hoàn toàn thuộc phạm vi một trong hai ngành quyền hành pháp hoặc lập pháp. Nhiệm vụ cốt yếu của ngành lập pháp là dự thảo và quyết định những đạo luật, tức là, nói một cách khác, quy định những luật lệ để quản trị xã hội. Nhiệm vụ cốt yếu của ngành hành pháp là thi hành những đạo luật, sử dụng tất cả những lực lượng toàn quốc để thi hành các đạo luật, hoặc cho công cuộc bảo vệ quốc gia. Quyền lực ký các hiệp ước rõ ràng là không hoàn toàn nằm trong phạm vi của hai nhiệm vụ trên. Quyền lực này không liên quan tới nhiệm vụ thi hành những đạo luật đã được làm ra, không liên quan tới nhiệm vụ dự thảo những đạo luật mới và cũng không liên quan tới việc sử dụng những lực lượng của quốc gia. Nhiệm vụ của quyền lực này là ký kết những hợp đồng cùng ngoại quốc và những hợp đồng này sẽ có hiệu lực như những đạo luật nhưng hiệu lực của các hiệp ước dựa trên thiện chí của đôi bên. Hiệp ước không phải là những luật lệ bắt buộc công dân phải tuân theo mà là một sự thỏa thuận giữa hai chính quyền có chủ quyền. Như vậy, quyền lực ký kết hiệp ước đáng lẽ phải thuộc một ngành quyền khác, không thuộc phạm vi ngành hành pháp mà cũng không thuộc phạm vi ngành lập pháp. Những điều kiện cần thiết để quản trị công việc giao thiệp cùng ngoại quốc chứng tỏ rằng ngành hành pháp là thích hợp nhất để đảm nhiệm những công việc ngoại giao, còn tính chất quan trọng của nhiệm vụ và hiệu lực của hiệp ước tương đương với hiệu lực của luật pháp lại chứng tỏ rằng cần phải có sự tham gia của toàn thể các cơ quan hoặc một phần các cơ quan của ngành lập pháp trong nhiệm vụ quyết định ký kết các hiệp ước.
    Trong một chế độ mà vị nguyên thủ chính phủ là một vị hoàng đế nối dõi chức vị của cha ông, sự đảm nhiệm toàn bộ quyền lực ký kết hiệp ước do vị hoàng đế là một điều dĩ nhiên và an toàn. Nhưng trong một chính thể cộng hòa dân chủ, sự giao phó quyền lực này vào tay một vị nguyên thủ Chính phủ do dân chúng bầu cử với một nhiệm kỳ bốn năm là một điều không những không thích hợp mà còn không an toàn nữa. Nhưng chúng ta đã từng nhận xét, và nhận xét này quả thực là chính đáng, là tuy một vị hoàng đế thông thường là một người uy hiếp dân nhưng vị hoàng đế đó có rất nhiều quyền lợi trong chính phủ của nước ông cho nên trên phương tiện thực tế không cần phải lo ngại là ông ta sẽ bị ngoại quốc mua chuộc để ký kết những hiệp ước có kết quả tai hại cho chính phủ và nước của ông. Nhưng trái lại, một người công dân bình thường của một nước cộng hòa, khi được lựa chọn và đưa lên địa vị cao quý của một vị nguyên thủ quốc gia, trong khi người đó chỉ có một tài sản bậc trung hoặc nhỏ bé và nhận thức rõ ràng được rằng trong ít lâu nữa ông ta sẽ mất chức vị cao quý này, sẽ phải trở lại với địa vị cũ có thể bị cám dỗ, có thể hy sinh nhiệm vụ của mình vì lợi lộc cá nhân, trừ phi người đó có một đạo đức phi thường thì mới có thể chống lại được sự cám dỗ mãnh liệt đó. Một người tham lam rất có thể sẽ phản bội quyền lợi quốc gia để gây dựng tài sản cho riêng mình. Một người có nhiều tham vọng công danh có thể sẽ bán mình cho ngoại quốc để tự tạo một địa vị phú quý bằng cách bội phản những người đã bầu cử và ủy nhiệm trọng trách cho mình. Lịch sử loài người không cho phép chúng ta quá tin tưởng ở đạo đức của con người, và một quốc gia sẽ không tinh khôn chút nào nếu giao phó trọn vẹn quyền lợi quan trọng nhất của quốc gia là liên lạc cùng với quốc tế vào tay của một nguyên thủ mà chức vụ sẽ được tạo ra và ấn định như là vị Tổng thống sau này của Hợp chúng quốc châu Mỹ.
    Giao phó trọn quyền ký kết hiệp ước riêng cho Thượng Nghị viện tức là tước bỏ hết tất cả những quyền lực mà Hiến pháp đã giao phó cho Tổng thống trong việc điều khiển các công cuộc ngoại giao. Cố nhiên là trong trường hợp Thượng Nghị viện có toàn quyền, Thượng Nghị viện có thể đề cử Tổng thống làm đại diện cho Thượng Nghị viện hoặc đề cử những vị Bộ trưởng đại diện trực tiếp Thượng nghị viện. Nếu Tổng thống đại diện cho Thượng Nghị viện thì e là sẽ có những sự đố kỵ làm cho công việc thêm khó khăn. Trái lại, nếu Thượng Nghị viện tự bổ nhiệm một Bộ trưởng làm đại diện thì những vị Bộ trưởng này có thể sẽ không được ngoại quốc kính trọng như Tổng thống hoặc Ngoại trưởng của Tổng thống và sẽ không hoạt động thật đắc lực. Như vậy thì về đối ngoại, quốc gia sẽ mất uy tín, còn về đối nội thì quốc gia bị thiệt thòi do thiếu sự hợp tác của ngành hành pháp. Nếu giao phó trọn quyền cho ngành hành pháp là một nguy cơ thì sự thiếu hợp tác của ngành này cũng là một điểm bất lợi. Tóm lại, sự hợp tác của ngành hành pháp và ngành lập pháp trong việc quyết định ký kết hiệp ước là một điều thuận lợi cho công việc lẫn an ninh của quốc gia. Hơn nữa, nếu chúng ta xem lại cách thức lựa chọn Tổng thống, chúng ta sẽ nhận thấy Tổng thống là một người vừa có tài vừa có đức và như thế thì không thể lạm dụng quyền lực này được.
    Trong một bài khác, tôi đã từng đưa ra những lý do tại sao không nên để cho Hạ Nghị viện tham gia vào việc quyết định ký kết hiệp ước. Hạ nghị viện là một viện mà một số hội viên luôn luôn đổi mới, và hơn nữa, nếu nhìn về tương lai, số nghị sĩ tại viện này càng ngày càng tăng thêm, cho nên không có đủ điền kiện để tham gia vào việc quyết định ký kết hiệp ước. Những điều kiện tham gia vào việc đó là một sự hiểu biết cặn kẽ và xác đáng về chính trị, ngoại giao, một hệ thống quan niệm vững chắc và cương quyết, một sự hiểu biết đồng nhất về đặc tính của quốc gia, ý chí cương quyết, tính chất bí mật kín đáo và quyết định mau chóng. Đó là những điều kiện mà một viện có quá nhiều thành viên và những thành viên đó đổi mới quá mau chóng không thể có được. Hơn nữa, khi phải tiến tới một quyết định mà lại cần có sự thỏa thuận của quá nhiều cơ quan thì sẽ gây ra nhiều khó khăn, phiền phức. Hơn nữa, việc triệu tập Hạ nghị viện thường xuyên để được thông tin về tiến bộ trong công việc ngoại giao sẽ gặp nhiều điều bất tiện.
    Quan điểm cuối cùng của những người chỉ trích điều khoản quyền lực ký kết hiệp ước là họ chủ trương thay thế hai phần ba số Thượng Nghị sĩ có mặt bằng hai phần ba Tổng số thượng nghị sĩ của Nghị viện. Trong một đoạn trên, chúng ta đã từng nhận xét rằng nếu đòi hỏi sự chấp thuận của một số hội viên nhiều hơn đa số hội viên thì sự đòi hỏi quá nhiều đó chỉ làm cho sự thỏa thuận thêm khó khăn, làm cho đa số bị thiểu số chi phối. Nhận xét đó chứng tỏ rằng Hội nghị lập hiến đã chọn lựa một con số thích hợp để quyết định việc ký kết hiệp ước. Vì trong các phiên họp của Thượng Nghị viện lúc nào cũng có những nghị sĩ vắng mặt cho nên việc đòi hỏi sự chấp thuận của hai phần ba tổng số nghị sĩ của Thượng Nghị viện chẳng khác gì đòi hỏi sự chấp thuận của toàn thể các nghị sĩ vậy. Lịch sử chính trị đã cho chúng ta nhiều thí dụ để nhận thấy là nếu dân chúng đòi hỏi sự chấp thuận của toàn thể thành viên của một nghị viện thì nghị viện đó chỉ là một cơ quan bất lực, hỗn độn, không bao giờ quyết định được việc gì hết. Chúng ta có thể tìm thấy những thí dụ đó trong Nghị viện La Mã, Ba Lan và trong Liên bang Hà Lan, và dù không cần dựa trên lịch sử thế giới, chúng ta chỉ việc tìm tòi trong lịch sử nước nhà cũng có thể đi tới nhận xét trên…
    3. Quyền bổ nhiệm nhân viên
    HAMILTON
    …Tổng thống sẽ có quyền
    “đề cử, và, với ý kiến cùng sự thỏa thuận của Thượng Nghị viện, bổ nhiệm các vị đại sứ, các vị công sứ cùng các vị lãnh sự, các vị thẩm phán của Toà án Tối cao, và tất cả các nhân viên chính quyền khác mà thể thức sự bổ nhiệm không có ghi rõ trong Hiến pháp. Nhưng Quốc hội có quyền giao phó quyền lực bổ nhiệm những nhân viên cấp dưới cho riêng Tổng thống Toà án, hoặc cho Bộ trưởng của các bộ. Tổng thống sẽ có quyền lực bổ nhiệm nhân viên trong các chức vụ mà sự thiếu nhân viên xảy ra trong khi Thượng Nghị viện nghỉ họp, bằng cách cấp những ủy trạng thư chỉ có hiệu lực cho tới khi mãn khóa họp tới” (Điều 2, khoản 2, đoạn 2 và 3).
    Trong một bài trước, chúng ta đã từng nhận thấy rằng “muốn biết một chính phủ có phải là một chỉnh phủ tốt hay không, chỉ việc xem các cơ quan hành chánh của chính phủ đó làm việc có đắc lực không”. Nếu nhận xét đó là một nhận xét xác đáng thì đoạn, điều, khoản trên nói về việc bổ nhiệm nhân viên chính quyền nên được coi là một đoạn đã được dự thảo rất chặt chẽ. Chúng ta không thể tìm được một thể thức bổ nhiệm nào hợp lý hơn thể thức do dự thảo Hiến pháp đưa ra để chọn lựa các nhân viên chính quyền.
    Nhưng tại sao lại cần phải có sự hợp tác của Thượng Nghị viện? Tôi xin trả lời ngay rằng sự hợp tác đó là một yếu tố đắc lực tuy kín đáo. Yếu tố đó là để kiềm chế tinh thần thiên vị hoặc tham nhũng của Tổng thống, ngăn cản Tổng thống không thể bổ nhiệm những nhân viên bất tài, vô đức vào những chức vụ cần phải có người có tài có đức vì những lý do nể họ hàng, bạn bè hoặc để đề cao cá nhân của mình. Hơn nữa, sự hợp tác của Thượng nghị viện sẽ đem tới một yếu tố ổn định, liên tục cho các cơ quan hành chính.
    Chắc ai cũng đều rằng một người nếu có toàn quyền bổ nhiệm nhân viên thì sẽ quyết định theo ý muốn riêng của mình hay có lợi cho quyền lợi của riêng mình. Nhưng người đó sẽ không dám quyết định như vậy nếu cần phải có sự thỏa thuận của một cơ quan khác, không ở dưới quyền của mình. Viễn cảnh cơ quan độc lập đó có thể bác bỏ việc đề cử của mình sẽ làm cho người đó phải nghĩ chín chắn trước khi đề cử. Nếu ý kiến của mình bị bác bỏ thì sẽ có ảnh hưởng tới thanh danh của người đề cử, và nếu người đó có một chức vụ do dân chúng bầu cử thì tương lai chính trị của người đó cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Như vậy, người đó sẽ không dám đề cử vào những chức vụ có quyền cao, có lợi nhiều, những người mà vỏn vẹn chỉ có một ưu điểm là cùng một tiểu bang với người đó, hoặc có một dây liên lạc nào đó cùng với người đó khiến cho người đó có thể lợi dụng tùy theo ý muốn của mình, bảo sao nghe vậy…
    HAMILTON
    … Đến đây, chúng ta đã nghiên cứu xong về hệ thống tổ chức và quyền lực của ngành hành pháp, và tôi hy vọng là tôi đã trình bày được rõ ràng tất cả những yếu tố khiến cho ngành này đủ uy quyền cương quyết và đồng thời không vượt qua phạm vi của một chính thể cộng hòa. Câu hỏi cuối cùng là: ngành hành pháp đó có chứa đựng tất cả những yếu tố để duy trì nguyên tắc tự do cộng hòa hay không? Tức là ngành đó có luôn luôn phụ thuộc vào ý chí của nhân dân và có một tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân hay không? Câu trả lời cho câu hỏi trên đã được nêu ra từ trước, khi chúng ta xem xét về những đặc điểm của nghành hành pháp, và chúng ta có thể nhắc lại một lần nữa như sau: Chúng ta có thể tin bởi những lý do sau: Tổng thống bốn năm lại được bầu cử một lần, do những người mà dân đã bầu để đại diện cho dân trong việc bầu cử Tổng thống; Tổng thống bất cứ lúc nào cũng có thể bị xét xử nếu phạm tội lạm dụng công quyền, và nếu bị kết tội, sẽ bị cách chức, không có quyền giữ một chức vụ khác, và sau một vụ xử thứ hai theo thường luật sẽ có thể bị mất cả tính mạng lẫn tài sản. Những phương tiện đề phòng đó tuy đã kỹ lưỡng, nhưng không phải là những phương tiện độc nhất mà dự thảo Hiến pháp đã trù liệu là tổng thống sẽ bị một cơ quan của ngành lập pháp kiểm soát khiến cho không thể lạm dụng công quyền được. Như vậy, chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa ở một nhân dân sáng suốt và luôn biết lẽ phải.
    VI. NGÀNH TƯ PHÁP
    1. Bản tính và quyền lực của ngành tư pháp liên bang
    HAMILTON
    Bây giờ, chúng ta hãy nghiên cứu tới phần dự thảo Hiến pháp nói về ngành tư pháp.
    Khi chúng ta vạch rõ những nhược điểm của liên hiệp hiện hữu, chúng ta đã từng nhận thấy tính chất cần thiết và ích lợi của ngành tư pháp liên bang, và vì vậy, bây giờ chúng ta không cần phải nhắc lại tất cả những nhận xét cũ hay thảo luận một cách trừu tượng về những vấn đề liên quan tới ngành này. Ở đây, chúng ta chỉ nên nêu ra những vấn đề liên quan tới sự thành lập và phạm vi của ngành tư pháp mà thôi. Vì vậy, chúng ta chỉ nên hạn chế những nhận xét về hai điểm vừa kể trên.
    Việc thành lập ngành tư pháp liên quan tới những điểm sau đây: Thứ nhất, thể thức bổ nhiệm các thẩm phán. Thứ hai, chức vụ của các vị thẩm phán. Thứ ba, sự phân định thẩm quyền tư pháp giữa các tòa án khác nhau và sự liên quan giữa các tòa án đó.
    Thứ nhất: Thể thức bổ nhiệm các vị thẩm phán cũng giống như thể thức bổ nhiệm các nhân viên khác trong chính quyền, và vấn đề này đã được thảo luận đầy đủ trong hai bài trước, nếu chúng ta nhắc lại thì cũng chẳng thêm ích lợi gì.
    Thứ hai: Về chức vụ của các vị thẩm phán: những điểm có liên quan tới vấn đề này là nhiệm kỳ của các vị thẩm phán, những khoản dự liệu về lương bổng và các phương tiện sinh sống, những thủ tục đề phòng khiến cho các vị thẩm phán phải luôn có một tinh thần trách nhiệm.
    Theo dự thảo Hiến pháp do Hội nghị Lập hiến đã thảo ra, tất cả các vị thẩm phán do chính phủ liên bang Hợp chúng quốc  bổ nhiệm đều giữ chức vụ vĩnh viễn. Khoản này giống như điều khoản trong hiến pháp của tất cả các tiểu bang, kể cả tiểu bang New York của chúng ta. Đây là một khoản rất hợp lý, thế mà những người chỉ trích dự thảo Hiến pháp lại cũng từng đã chỉ trích riêng khoản này. Điều đó chứng tỏ rằng họ thật điên cuồng với khả năng xét đoán và trí tưởng lệch lạc.
    Dùng một hành vi chính đáng để làm một tiêu chuẩn quy đinh nhiệm kỳ của các vị thẩm phán là một sự tiến bộ rất lớn của khoa chính trị thời cận đại. Trong một chính thể quân chủ, những tiêu chuẩn đó là chướng ngại vật để ngăn cản sự chuyên chế của  vua chúa. Trong một chính thể cộng hòa, những tiêu chuẩn đó sẽ là một thanh trì của nghị viện đại diện nhân dân để ngăn cản sự lạm quyền và sự ức hiếp. Hơn nữa, những tiêu chuẩn đó là một phương sách hay nhất của chính phủ để duy trì được sự thi hành luật pháp mang tính cương quyết, cao cả và không thiên vị.
    Những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các ngành quyền đều nhận thấy rằng trong một chính phủ mà các ngành quyền được phân định rõ ràng, ngành tư pháp, do bản chất và nhiệm vụ của nó, luôn là ngành quyền ít nguy hiểm nhất với sự tự do chính trị được ghi trong Hiến pháp nếu so sánh với các ngành quyền khác, bởi vì nó là ngành ít có khả năng nhất trong việc ngăn cản hoặc xâm phạm tới quyền tự do hiến định đó. Ngành hành pháp không những có quyền phân phối các vinh dự mà còn có quyền sử dụng vũ lực. Ngành lập pháp không những kiểm soát tài chính mà còn có quyền quy định các luật lệ chi phối sự sinh hoạt của cá nhân công dân. Ngành tư pháp, trái lại, không có quyền sử dụng võ lực hoặc quyền kiểm soát tài chính, không có quyền chi phối tài sản lẫn sức mạnh của xã hội và cũng không có một quyền quyết định tích cực nào cả. Có thể nói rằng, ngành tư pháp chỉ có trí phán đoán, và cần phải dựa vào sự trợ giúp của ngành hành pháp mới có thể thi hành được quyết định mang tính phán đoán của mình.
    Nhận xét đó cho thấy ngành tư pháp, nếu so sánh với các ngành quyền khác, là ngành quyền mềm yếu nhất trong ba ngành quyền, rằng ngành tư pháp không thể xâm lăng phạm vi quyền hạn của hai ngành hành pháp và lập pháp, và chúng ta cần phải tìm cách để giúp cho ngành tư pháp có thể tự bảo vệ chống đỡ những sự xâm phạm của hai ngành quyền kia. Không chỉ vậy, nó còn chứng tỏ rằng, tuy trong một vài trường hợp nhất định, ngành tư pháp có thể uy hiếp các cá nhân qua toà án nhưng quyền tự do của cá nhân sẽ không bao giờ bị ngành tư pháp xâm phạm tới được. Cố nhiên là muốn như vậy thì ngành tư pháp cần phải hoàn toàn cách biệt khỏi hai ngành lập pháp và hành pháp, bởi vì tôi cũng đồng ý với Montesquieu rằng “sẽ không thể có tự do được nếu quyền tư pháp không tách biệt khỏi ngành lập pháp và ngành hành pháp”. Cuối cùng, nhận xét đó chứng tỏ rằng các quyền tự do không sợ bị xâm phạm bởi ngành tư pháp nhưng trái lại sẽ lâm nguy nếu ngành tư pháp liên kết cùng một trong hai ngành hành pháp hoặc lập pháp. Nếu có một sự liên kết giữa ngành tư pháp cùng một ngành khác thì ngành tư pháp sẽ phải phụ thuộc vào ngành đó. Trong tất cả các yếu tố khiến cho ngành tư pháp có thể duy trì được tính chất độc lập và cương quyết của mình, nhiệm kỳ thường trực của các vị thẩm phán là yếu tố quan trọng nhất, và chúng ta có thể coi yếu tố đó là một thành trì để bảo vệ công lý và an ninh cho công chúng.
    Sự độc lập hoàn toàn của các tòa án là một yếu tố cốt yếu cho một hiến pháp có hạn định. Vậy thế nào là một hiến pháp có hạn định? Theo tôi, một hiến pháp có hạn định là một hiến pháp có chứa đựng một vài khoản rõ ràng để hạn chế quyền lập pháp, thí dụ như ngành lập pháp không có quyền ban hành những đạo luật trưng dụng để trả thù, những đạo luật hồi tốv.v… Về phương diện thực hành, chỉ toà án mới có thể thi hành những khoản hạn chế quyền lập pháp, vì các tòa án có nhiệm vụ tuyên bố những đạo luật mà ý nghĩa trái ngược với tinh thần hiến pháp là những đạo luật không có hiệu lực. Nếu các tòa án mà không có thẩm quyền đó thì tất cả các quyền tự do và các đặc quyền của công dân sẽ không còn ý nghĩa nữa.
    Có những người khi thấy các tòa án có quyền tuyên bố những đạo luật trái ngược với tinh thần hiến pháp là những đạo luật vô hiệu lực, lại tưởng tượng rằng như vậy thì ngành tư pháp phải ở một cấp cao hơn ngành lập pháp. Họ cho rằng nếu một ngành có thẩm quyền quyết định rằng những quyết định của ngành khác vô hiệu lực thì ngành đó phải ở trên ngành kia. Vì điều này có ảnh hưởng quan trọng trong các hiến pháp tại Mỹ nên chúng ta cũng nên bàn luận thêm về nó.
    Có một nguyên tắc rất rõ ràng là quyền lực ủy nhiệm nếu thi hành trái ngược với nhiệm vụ thì sẽ coi như là vô hiệu lực. Như vậy không một đạo luật nào do ngành lập pháp làm ra mà trái ngược với hiến pháp lại có thể coi là hợp pháp và có hiệu lực được. Nếu không công nhận nguyên tắc trên thì tức là xác nhận rằng người phụ tá có nhiều quyền lợi hơn người quyền trưởng, rằng người đầy tớ có quyền hơn người chủ, rằng người đại diện dân chúng có nhiều quyền hơn dân chúng, rằng người có ủy quyền lại có quyền làm những điều mà người ủy quyền cấm đoán làm.
    Nếu nói rằng nhân viên cơ quan lập pháp cũng là người xét đoán về tính cách hợp hiến của quyền lực của mình thì cần phải hỏi là họ căn bản dựa trên dự liệu nào của hiến pháp. Chẳng lẽ Hiến pháp nhờ đó mà có nghị viện lập pháp lại cho phép những người đại diện nhân dân được quyền thay thế ý chí của nhân dân bằng ý chí riêng của họ hay sao? Như vậy thì chúng ta nhận thấy là hiến pháp đã thành lập ra các tòa án để đứng giữa nghị viện lập pháp và nhân dân, để ngăn cản nghị viện lập pháp không vượt qua phạm vi quyền lực mà nghị viện được giao. Tìm hiểu ý nghĩa của các đạo luật chính là nhiệm vụ nằm trong phạm vi quyền lực của các toà án. Nhưng toà án lúc nào cũng phải coi hiến pháp là văn bản pháp luật căn bản. Như vậy, tòa án lúc nào cũng cần phải định nghĩa rõ ràng ý nghĩa của hiến pháp và ý nghĩa của từng đạo luật mà nghị viện lập pháp đã làm ra. Trong trường hợp hiến pháp và một đạo luật có hai ý nghĩa không giống nhau, tòa án cần phải căn bản hướng định nghĩa của mình theo ý nghĩa của hiến pháp hơn là ý nghĩa của một đạo luật của nghị viện lập pháp, phải trọng ý chí của nhân dân hơn là ý chí của những người đại diện nhân dân.
    Kết luận này không có nghĩa là ngành tư pháp ở một cấp cao hơn ngành lập pháp mà nó có nghĩa là ý chí của nhân dân ở một cấp cao hơn cả ngành tư pháp lẫn lập pháp và nếu ý chí của ngành lập pháp mà được cụ thể hóa qua các đạo luật của quốc hội trái ngược với ý chí của nhân dân đã được cụ thể hóa qua bản Hiến pháp, thì các vị thẩm phán sẽ phải dựa trên hiến pháp chứ không phải trên các đạo luật. Họ phải quyết định theo tinh thần của một văn bản pháp luật căn bản chứ không phải theo một văn bản pháp luật không căn bản.
    Có thể tìm thấy rất nhiều thí dụ thông thường về quyền quyết định của các vị thẩm phán khi phải chọn lựa giữa hai văn bản luật trái ngược nhau. Không thiếu những trường hợp có hai đạo luật cùng liên quan tới một vấn đề lại trái ngược nhau, hoặc trong một vài điều khoản hoặc trong toàn thể các khoản, và không đạo luật nào có ghi khoản bãi bỏ đạo luật kia. Trong trường hợp đó, các vị thẩm phán có nhiệm vụ định đoạt ý nghĩa và sự áp dụng của mỗi đạo luật. Nếu có thể dung hòa hai đạo luật đó thì các vị thẩm phán sẽ dung hòa, nhưng nếu không thể dung hòa được và cần phải chọn lựa một trong hai đạo luật và gạt bỏ đạo luật kia thì các vị thẩm phán bắt buộc phải chọn lựa. Thủ tục cần được áp dụng trong các trường hợp thông thường là đạo luật ban bố sau sẽ có hiệu lực cao hơn đạo luật ban bố trước. Nhưng điều quan trọng là chỉ áp dụng thủ tục này khi hai đạo luật đều có thẩm quyền ngang nhau.
    Trái lại, nếu hai đạo luật trái ngược nhau ở hai cấp khác nhau, một đạo luật thuộc nguyên quyền và một đạo luật thuộc ủy quyền, thì căn cứ vào tính chất của các đạo luật để quyết định, tức là đạo luật thuộc nguyên quyền có giá trị và hiệu lực hơn đạo luật ủy quyền. Như vậy, mỗi khi một đạo luật do nghị viện lập pháp ban hành mà trái ngược với tinh thần hiến pháp thì các vị thẩm phán phải căn bản dựa trên hiến pháp mà quyết định, nghĩa là chỉ công nhận có hiến pháp mà thôi và tuyên bố đạo luật kia là vô hiệu lực.
    Nhưng, sau khi nhận xét như trên, chúng ta không có quyền nói như một số người rằng nếu các vị thẩm phán có quyền tuyên bố một đạo luật trái ngược với tinh thần hiến pháp là một đạo luật vô hiệu lực, các vị thẩm phán sẽ có quyền quyết định theo ý nghĩ riêng của họ thay thế quyết định của đạo luật do nghị viện lập pháp ban hành bằng một quyết định dựa trên ý kiến riêng của họ. Dù có hai đạo luật trái ngược nhau, các vị thẩm phán vẫn chỉ có quyền chọn lựa một trong hai đạo luật, như vậy tức là họ chỉ có quyền sử dụng trí phán đoán của họ chứ không phải ý chí riêng của họ. Nói ngành tư pháp là một cơ quan bảo vệ một hiến pháp có hạn định để chống lại những sự lạm dụng quyền lực của ngành lập pháp là như vậy. Chính vì những trường hợp này mà chúng ta cần phải giữ cho ngành tư pháp được độc lập không bị ngành lập pháp uy hiếp và xâm lấn, và vì vậy, các vị thẩm phán trong ngành tư pháp cần phải có một nhiệm kỳ lâu dài, có hiệu lực trong suốt thời gian mà các vị đó vẫn giữ được một hành vi đứng đắn.
    Sự độc lập của ngành tư pháp là một yếu tố thiết yếu hơn nữa để bảo vệ hiến pháp và các quyền tự do của nhân dân trong những trường hợp mà nghị viện lập pháp có thể sử dụng ý xấu thông qua những đạo luật có ảnh hưởng tai hại cho quyền lợi của quốc gia hoặc cho quyền lợi của một thiểu số bị uy hiếp. Tuy tôi lúc nào cũng sẵn lòng công nhận nguyên tắc cộng hòa trong đó chủ trương rằng nhân dân có quyền thay đổi hay sửa đổi hiến pháp khi họ nhận thấy bản hiến pháp đó không thích hợp để thúc đẩy nền hạnh phúc của mình nhưng chúng ta không thể công nhận trường hợp các vị dân biểu lợi dụng dư luận nhất thời của đa số nhân dân để phản đối một điều khoản trong hiến pháp hoặc để thông qua một đạo luật sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp lúc nào cũng có hiệu lực đối với toàn thể nhân dân trên cả phương diện tập thể lẫn phương diện cá nhân, và chỉ có nhân dân mới có quyền thay đổi hoặc sửa đổi hiến pháp qua một phương thức trang nghiêm và đầy đủ thẩm quyền. Còn trong khi dân chúng chưa phát biểu ý kiến của họ qua những phương thức đó thì các vị dân biểu vẫn phải tôn trọng bản hiến pháp cũ mà không có quyền vượt qua giới hạn của mình. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng cần công nhận là các vị thẩm phán phải có một tinh thần vô cùng mạnh mẽ mới có thể hy vọng ngăn chặn những sự xâm phạm của ngành lập pháp, nhất là trong trường hợp các vị dân biểu biết lợi dụng ý kiến nhất thời của đa số dân chúng.
    Các vị thẩm phán trong ngành tư pháp cần phải độc lập thì mới có thể bảo vệ được hiến pháp, và hơn nữa là bảo vệ được quyền lợi của một giai cấp công dân thiểu số khỏi bị thiệt hại vì những đạo luật thiếu công bằng hoặc có tính chất thiên vị, đảng phái. Các vị thẩm phán cần phải có một thái độ hết sức cương quyết thì mới có thể hạn chế phạm vi áp dụng những đạo luật thiếu công bằng đó. Như vậy, các vị thẩm phán có thể thu hẹp ảnh hưởng của những đạo luật có hại và làm giảm thiểu tác hại của những đạo luật đó. Chính vì vai trò này của họ mà chúng ta có thể nói rằng ngành tư pháp chính là một yếu tố ngăn cản ngành lập pháp những đạo luật thiếu công bằng và có ảnh hưởng tai hại viết ra. Đây là một trường hợp có rất nhiều ảnh hưởng tới toàn thể tính chất của chính phủ chúng ta, và vì ảnh hưởng đó rất kín đáo cho nên ít người nhận thấy rõ ràng sức mạnh của nó. Sự thanh liêm và ôn hòa của các thẩm phán trong ngành tư pháp đã đem lại rất nhiều kết quả hữu ích tại các tiểu bang mà chỉ những người thâm độc và điêu ngoa mới phủ nhận những kết quả đó, còn những người có đạo đức thì không ai là không hoan nghênh và tán thành điều này. Vì vậy, tất cả những người biết nghĩ nên khuyến khích các vị thẩm phán duy trì tính chất độc lập và cương quyết của họ, bởi nếu nhờ một đạo luật thiếu công bằng mà ngày nay ta hưởng lợi thì biết đâu lại chính vì đạo luật đó làm chúng ta bị thiệt thòi và uất ức? Hơn nữa, nếu không có các vị thẩm phán thanh liêm và rộng lượng hạn chế ảnh hưởng tai hại của những đạo luật thiên vị và thiếu công bằng thì dân chúng sẽ mất niềm tin luật pháp và vì vậy sẽ trở nên đa nghi và chán nản.
    Chúng ta không thể hy vọng các vị thẩm phán có một thái độ trung thành với hiến pháp và với quyền tự do căn bản của nhân dân nếu nhiệm kỳ và chức vụ của các thẩm phán chỉ có tính tạm thời, ngắn ngủi. Nếu các vị thẩm phán chỉ được bổ nhiệm trong những nhiệm kỳ ngắn, dù theo bất cứ một thể thức nào hoặc do bất cứ một ngành quyền nào cũng vậy, họ sẽ không thể có được một tinh thần độc lập và cương quyết. Nếu quyền bổ nhiệm các vị thẩm phán được giao phó cho ngành hành pháp hoặc ngành lập pháp thì cố nhiên là họ sẽ phải lụy thuộc một trong hai ngành này vì họ cần phải lấy lòng những người có quyền bổ nhiệm họ. Nếu quyền bổ nhiệm lại giao phó cho dân chúng, tức là chức vụ thẩm phán phải do dân chúng bầu cử, thì lại e ngại rằng các vị thẩm phán muốn đắc cử sẽ phải thi nhau làm cho mình nổi tiếng, càng nổi tiếng càng hay, chứ không cần để ý gì tới hiến pháp hoặc luật pháp.
    Ngoài những lý do kể trên còn một lý do khác rất quan trọng để chủ trương các vị thẩm phán cần phải có một nhiệm kỳ lâu dài là những điều kiện chuyên môn mà một vị thẩm phán phải có. Chúng ta vẫn thường nghe nhiều người than phiền là một chính phủ tự do bao giờ cũng đi đôi với một bộ luật pháp rắc rối và tỉ mỉ. Để tránh nguy cơ các vị thẩm phán làm theo ý muốn riêng của mình trong các vụ xét xử, cần phải bắt buộc các vị đó tuân thủ những lệ luật rõ ràng, những quyết định đưa ra về những vụ tương tự đã từng xảy ra, có vậy thì trong bất cứ một vụ việc nào nhiệm vụ của các vị thẩm phán cũng đã được quy định rõ ràng chứ không còn mơ hồ, khiến cho họ không thể theo ý riêng của mình. Qua thời gian, các vụ án càng ngày càng nhiều, các ý kiến tranh tụng mỗi ngày mỗi dồi dào hơn, kho tàng kiến thức về luật pháp áp dụng trong những vụ xét xử cố nhiên là càng ngày càng đồ sộ thêm, vì thế, muốn trau dồi được những kiến thức đó một cách đầy đủ thì các vị thẩm phán cần phải là những người có chuyên môn, phải bỏ nhiều công sức và thời gian để tích luỹ được một sự hiểu biết thích hợp. Vì vậy, trong xã hội chỉ có một số rất ít người có đủ tài cán và hiểu biết để đảm nhiệm chức vụ của các vị thẩm phán. Hơn nữa, trên đời này những người có đạo đức, thanh liêm và trung trực không phải là nhiều nên số người vừa có tài lại vừa có đức quả là rất hiếm. Như vậy, trong khi chính phủ cần phải chọn lựa những người vừa có tài lại vừa có đức để bổ nhiệm vào những chức vụ thẩm phán, nếu nhiệm kỳ của họ chỉ mang tính chất lâm thời, ngắn ngủi thì làm thế nào có thể tìm được những người tài đức sẵn lòng từ bỏ những chức nghiệp nhiều quyền lực, nhiều danh lợi khác để chấp nhận một chức nghiệp thiếu vững chắc như chức nghiệp thẩm phán? Nếu như vậy thì chức nghiệp này, trong khi cần những người vừa có đức, sau này sẽ chỉ có những người thiếu tài, thiếu đức, khiến cho ngành tư pháp vì vậy mà mất uy tín, mất lợi ích đối với nhân dân hay không? Trong tình trạng hiện tại của quốc gia và nhất là sau này, nguy cơ đó thật là lớn lao tuy ít người nhận thức được rõ ràng.
    Xét về tất cả mọi phương diện, chúng ta không có một lý do nào để nghi ngờ là Hội nghị Lập hiến đã quyết định một cách thiếu khôn ngoan khi quyết định dùng hành vi chính đáng làm một tiêu chuẩn để quy định nhiệm kỳ và chức vụ của các vị thẩm phán trong ngành tư pháp. Hơn nữa, chúng ta sẽ có quyền chê trách Hội nghị nếu hội nghị đã không ghi vào dự thảo Hiến pháp điều khoản quan trọng này để làm căn bản cho một chính thể đắc lực, một ngành tư pháp đắc lực. Kinh nghiệm của nước Anh về điểm này là một dẫn chứng sáng láng về tính chất hợp lý và ích lợi của quyết định đã nêu trong dự thảo Hiến pháp.
    HAMILTON
    Ngoài nhiệm kỳ vĩnh viễn của các vị thẩm phán, có lẽ không có yếu tố nào lại thuận tiện hơn để duy trì tính chất độc lập của các vị thẩm phán bằng điều khoản quy định những phương tiện rõ rệt để giúp cho sự sinh sống của các vị thẩm phán. Những nhận xét mà chúng ta đã từng nêu ra khi bàn tới mục nói về Tổng thống đều có thể áp dụng trong trường hợp này. Như chúng ta đã từng nhận xét về bản tính con người, khi chúng ta có thể kiểm soát được sự sinh sống của một người thì chúng ta sẽ có thể kiểm soát được ý chí của người đó. Như vậy tức là chúng ta không thể hy vọng ở một sự phân định hoàn toàn giữa ngành lập pháp và ngành tư pháp nếu ngành tư pháp phải tùy thuộc ngành lập pháp về những khoản lương bổng để sinh sống. Những người sáng suốt khi nhận xét về hiến pháp của nhiều tiểu bang thường vẫn than phiền rằng hiến pháp của nhiều tiểu bang không ghi rõ khoản này. Hiến pháp của một vài tiểu bang có ghi rằng các vị thẩm phán được nhận một số lương bổng thường trực, nhưng như vậy vẫn chưa đủ rõ ràng. Vì vậy, dự thảo Hiến pháp liên bang đã quy định rằng các vị thẩm phán của Hợp chúng quốc, “trong những thời gian định rõ, sẽ được nhận một số lương bổng để bù đắp cho công lao của mình, và số lương bổng đó sẽ không bị sụt giảm suốt trong nhiệm kỳ của họ”.
    Điều khoản này rất hợp lý. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng giá trị đồng tiền có khi lên xuống và tình trạng sinh hoạt xã hội có khi thay đổi nên không thể quy định một số lương bổng nhất định mà không bao giờ thay đổi. Một số lương bổng ngày nay có thể coi là lớn nhưng biết đâu trong nửa thế kỷ nữa, số lương bổng đó chỉ là một số tiền rất nhỏ. Vì vậy, hiến pháp không quy định số lương bổng cụ thể mà để quyền đó cho Quốc hội quy định sao cho thích hợp với hoàn cảnh của từng thời kỳ, còn hiến pháp ghi là không được làm sụt giảm số lương bổng đó mà thôi. Khi một người đã được chắc chắn về cách sinh sống của mình, thì người đó có thể vững tâm để làm tròn nhiệm vụ của mình.
    Chúng ta có thể nhận thấy một sự phân biệt giữa khoản quy định về lương bổng của tổng thống và khoản quy định về lương bổng của các vị thẩm phán. Lương bổng của tổng thống không được tăng và cũng không được giảm còn lương bổng của các vị thẩm phán thì chỉ không được giảm mà thôi. Vì nhiệm kỳ của tổng thống là bốn năm, cho nên số lương bổng được định đoạt khi mới bắt đầu nhiệm kỳ chẳng lẽ lại không thích hợp khi gần mãn nhiệm kỳ, nghĩa là trong vòng có bốn năm hay sao? Trái lại, các vị thẩm phán, nếu họ có hành vi đứng đắn, sẽ được giữ chức vụ vĩnh viễn suốt đời, cho nên số lương bổng mà họ có quyền lãnh khi mới bắt đầu nhận chức có thể rất lớn nhưng về sau số lương đó có thể trở thành rất nhỏ, không có giá trị như trước.
    Điều khoản trong hiến pháp nói về số lương bổng của các vị thẩm phán quả là đã biểu lộ một tính chất thận trọng và thiết thực. Chúng ta có thể tin chắc rằng điều khoản này và điều khoản nói về nhiệm kỳ vĩnh viễn của các vị thẩm phán là hai điều khoản rất thuận tiện cho tính chất độc lập của ngành tư pháp, rõ ràng hơn các điều khoản của hiến pháp các tiểu bang khi quy định chức vụ thẩm phán tiểu bang.
    Về những điều đề phòng để làm cho các vị thẩm phán luôn luôn có một tinh thần trách nhiệm thì những điều đó đã được gồm trong điều khoản liên quan tới sự lạm dụng công quyền của các nhân viên chính quyền. Các vị thẩm phán có thể bị Hạ Nghị viện tố cáo lạm dụng công quyền và sẽ do Thượng Nghị viện xét xử. Nếu bị kết án, các vị thẩm phán sẽ bị cách chức và sẽ không có quyền giữ một chức vụ nào khác.
    HAMILTON
    Không một ai trong chúng ta có thể chối cãi được rằng thẩm quyền của ngành tư pháp liên bang cần phải có một phạm vi hiệu lực bao gồm tất cả những trường hợp như sau: Thứ nhất, những trường hợp liên quan tới phạm vi hiệu lực của những đạo luật của liên bang Hợp chúng quốc mà đã được ban hành theo đúng tinh thần công lý và hiến pháp bởi quốc hội lập pháp của liên bang; Thứ hai, những trường hợp liên quan tới sự thi hành những điều khoản trong hiến pháp liên bang; Thứ ba, những trường hợp liên quan tới những vụ tranh chấp mà liên bang Hợp chúng quốc là một trong hai thành phần tranh chấp; Thứ tư, những trường hợp liên quan tới nền hòa bình của liên bang, dù liên quan tới sự bang giao giữa Hợp chúng quốc và ngoại quốc hoặc liên quan tới sự liên lạc giữa các tiểu bang trong Hiệp Chủng Quốc; Thứ năm, những trường hợp liên quan tới lĩnh vực các biển cả và thuộc thẩm quyền của luật pháp hàng hải hoặc hải quân; và cuối cùng, những trường hợp mà các tòa án tiểu bang không có đầy đủ một tính chất không thiên vị và hoàn toàn trung lập để có thể xét xử.
    Điểm thứ nhất rất rõ ràng nếu chúng ta công nhận rằng cần phải có một phương sách để thi hành những điều khoản mà hiến pháp đã quy định. Chẳng hạn, về điều khoản hạn chế quyền lực của các tiểu bang, nếu không có một phương sách để thi hành sự hạn chế đó thì điều khoản hạn chế đó có giá trị gì hay không ? Theo dự thảo Hiến pháp, các tiểu bang không có quyền làm nhiều điều, hoặc vì những điều đó trái ngược với quyền lợi của toàn quốc, hoặc vì những điều đó trái ngược với nguyên tắc một chính phủ chân chính. Chẳng hạn, các tiểu bang không có quyền thu thuế về các hàng hóa nhập cảng hoặc in tiền giấy. Cố nhiên là không ai tin tưởng chắc chắn rằng các tiểu bang sẽ tuân theo những sự cấm đoán ràng buộc đó nếu chính phủ liên bang không có một phương sách để thi hành những sự cam đoan đó. Có hai cách để thi hành sự cấm đoán đó. Một là nói rõ các tiểu bang không có quyền làm một điều gì đó. Hai là nói rõ các tòa án liên bang có quyền xét xử những hành động của tiểu bang vi phạm tới luật pháp liên bang. Ngoài hai cách trên, tôi không còn thấy một cách nào khác nữa. Hội nghị Lập hiến đã tỏ ra chuộng cách thứ hai và tôi cũng tin là cách thứ hai tiện lợi cho các tiểu bang hơn.
    Về điểm thứ hai, có lẽ không cần giảng giải dài dòng mà ai cũng đều đã hiểu rõ. Vì phạm vi quyền lực của ngành tư pháp ngang với phạm vi quyền lực của ngành lập pháp cho nên cần phải có một sự đồng nhất toàn quốc trong sự định nghĩa các đạo luật của liên bang. Nếu cùng một đạo luật mà tòa án của mỗi tiểu bang trong 13 tiểu bang lại định nghĩa khác nhau, tức là có tới 13 tòa án khác nhau cùng quyết định về ý nghĩa của một đạo luật, thì các quyết định sẽ trái ngược với nhau và không sao tránh được sự hỗn độn.
    Điểm thứ ba lại càng ít cần giảng giải hơn nữa. Khi có một cuộc tranh chấp giữa một bên là quốc gia và một bên là một tiểu bang của quốc gia hoặc một công dân của quốc gia, thì sự tranh chấp đó chỉ có thể xét xử do một tòa án liên bang mà thôi. Bất cứ một giải pháp nào khác giải pháp trên cũng đều trái ngược với lẽ phải, với công thức từ xưa tới nay vậy.
    Điềm thứ tư căn bản trên nhận xét sau đây: nền hòa bình của toàn quốc là trách nhiệm của toàn quốc chứ không thể là trách nhiệm của một thành phần của quốc gia. Chính phủ liên bang phải có trách nhiệm đứng trước ngoại quốc về hành vi của mọi thành phần của liên bang. Trách nhiệm về một lỗi lầm chỉ có thể đảm nhiệm được khi đồng thời cơ quan đảm nhiệm có phương tiện để ngăn ngừa lỗi lầm đó. Vì vậy cho nên các tòa án liên bang cần phải có thẩm quyền xét xử về tất cả các vụ tranh chấp liên quan tới công dân của ngoại quốc. Người ta có thể chủ trương phân chia ranh giới giữa những vụ liên quan tới các hiệp ước hoặc luật pháp quốc tế và những vụ chỉ liên quan tới luật pháp địa phương. Những vụ trước sẽ thuộc thẩm quyền của luật pháp liên bang, còn những vụ sau sẽ thuộc thẩm quyền của luật pháp tiểu bang. Nhưng những người chủ trương như vậy đã quên rằng nếu một tòa án địa phương mà kết tội một cách thiếu công lý một công dân ngoại quốc thì sự kết tội đó có thể xâm phạm tới những điều khoản hiệp ước giữa hai nước hoặc những điều khoản trong luật pháp quốc tế. Phần lớn những vụ tranh chấp liên quan tới một công dân ngoại quốc đều có ảnh hưởng tới toàn quốc, cho nên những vụ tranh chấp đó cần phải giao phó cho các tòa án liên bang chứ không phải cho các tòa án tiểu bang.
    Quyền quyết định về những vụ tranh chấp giữa hai tiểu bang hoặc giữa một tiểu bang và công dân của một tiểu bang khác, hoặc giữa công dân của nhiều tiểu bang khác nhau là một quyền cần thiết không kém cho nền hòa bình chung của toàn quốc.
    Lịch sử đã cho ta thấy một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp về những sự tranh chấp và những cuộc chiến tranh đã tàn phá nước Đức trước khi hoàng đế Maximilien thành lập một Hội đồng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XV để xét xử những vụ tranh chấp giữa các địa phương và đem lại nền hòa bình cho toàn quốc. Hội đồng đó là một hội đồng tối cao có thẩm quyền phân định về những mâu thuẩn giữa các tiểu bang trong đế quốc Đức.
    Chỉ có thẩm quyền của chính phủ liên bang mới có thể chấm dứt những vụ tranh chấp về đất đai giữa các tiểu bang. Những vụ tranh chấp về đất đai có thể do rất nhiều nguyên nhân, kể cả nguyên nhân định đoạt ranh giới của các tiểu bang, và những cuộc tranh chấp đó có thể đưa tới việc thù oán, gây hấn giữa các tiểu bang. Chúng ta đã từng được chứng kiến nhiều vụ tranh chấp như vậy từ trước tới nay. Tuy dự thảo Hiến pháp quy định những thủ tục đề phòng để cho những vụ tranh chấp như vậy sẽ không xảy ra nữa nhưng những nguyên nhân sinh ra những cuộc tranh chấp đó vẫn có thể tồn tại và tái hiện một cách bất ngờ. Vì vậy, nhiệm vụ dung hòa giữa các tiểu bang và ngăn ngừa tất cả những điều gì có thể đem lại sự bất hòa giữa các tiểu bang cần phải là một nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản trị và kiểm soát của chính quyền liên bang.
    Một trong những nguyên tắc căn bản để thành lập Liên bang Hiệp Chủng Quốc là “công dân của mỗi tiểu bang có quyền hưởng tất cả những đặc quyền của công dân của tất cả các tiểu bang khác”. Và nếu chúng ta lại công nhận nguyên tắc “là bất cứ một chính phủ nào cũng phải có những phương tiện để thi hành những quyết định thuộc thẩm quyền của mình” thì chúng ta phải kết luận một cách hợp lý là, để duy trì sự bình đẳng của công dân toàn quốc trong việc hưởng những quyền tự do và những đặc quyền, cần phải giao phó cho ngành tư pháp của liên bang thẩm quyền phán định những vụ tranh chấp giữa một tiểu bang hoặc công dân của một tiểu bang khác. Vì những tòa án liên bang không có cảm tình riêng biệt với mỗi địa phương nên có thể có được một thái độ trung lập, không thiên vị đối với bất cứ một tiểu bang nào hoặc công dân của một tiểu bang nào. Hơn nữa, vì tòa án liên bang được thành lập là nhờ ở liên bang toàn quốc cho nên tòa án liên bang không thể có những thành kiến trái ngược với những nguyên tắc căn bản cho sự thành lập của liên bang.
    Điểm thứ năm cũng rất rõ ràng và không cần giải thích dài dòng. Chỉ có những người quá khích chủ trương tiểu bang có toàn quyền mới phủ nhận thẩm quyền của các tòa án liên bang trong các vụ liên quan tới các vấn đề hàng hải. Những vụ này phần lớn đều liên quan tới thẩm quyền của pháp luật quốc tế và đụng chạm tới quyền lợi của ngoại quốc, cho nên những vụ này phải coi như những vụ liên quan tới nền hòa bình chung. Vì vậy, dự thảo Hiến pháp giao phó quyền xét xử những vụ này cho các tòa án liên bang.
    Trong trường hợp mà người ta nghi ngờ là các tòa án tiểu bang không thể có được một thái độ hoàn toàn không thiên vị, thì cố nhiên là thẩm quyền phải giao phó cho các tòa án liên bang. Điều đó rất rõ ràng và có lý. Như chúng ta đã từng nhận xét, không có người nào lại có quyền vừa làm quan tòa lại vừa là một người dính líu trong một vụ tranh chấp hay có một quyền lợi trong vụ tranh chấp đó. Đó là nguyên lắc đã khiến cho Hiến pháp quy định các tòa án liên bang có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp giữa các tiểu bang. Và cũng có trường hợp tòa án liên bang lại có thẩm quyền xét xử những vụ tranh chấp giữa các công dân cùng thuộc một tiểu bang. Chẳng hạn, trong những vụ tranh chấp về đất đai do nhiều tiểu bang cùng cấp phát cho dân chúng và cùng thuộc tiểu bang của mình. Trong trường hợp này, tòa án của tiểu bang đã cấp phát đất đai sẽ không thể có một thái độ không thiên vị và sẽ đi tới những quyết định có lợi cho tiểu bang của mình. Hơn nữa, các vị thẩm phán của các tòa án tiểu bang dù sao cũng có cảm tình với tiểu bang của mình hơn là đối với tiểu bang khác.
    HAMILTON
    Những nhận xét trong đoạn này nói về thẩm quyền của ngành tư pháp: phạm vi của ngành này đã được hạn định cẩn thận để chỉ liên quan tới những vụ việc thuộc phạm vi thẩm quyền liên bang; trong việc phân định thẩm quyền, chỉ dành một phần rất nhỏ thẩm quyền phán định cho Toà án Tối cao, còn dành phần lớn thẩm quyền phán định cho các tòa án phụ thuộc; Toà án Tối cao sẽ có thẩm quyền quyết định các vụ kháng cáo nhưng thẩm quyền xét xử kháng cáo này không có nghĩa là hủy bỏ các cuộc xét xử với một bồi thẩm đoàn. Sự thận trọng và tính thanh liêm của các hội đồng quốc gia sẽ duy trì được những điều có lợi cho chúng ta nhờ vào việc sự thành lập ngành tư pháp liên bang và đồng thời sẽ không mang lại cho chúng ta những điều phiền phức mà người ta tiên đoán là ngành tư pháp sẽ mang tới.
    2. Các toà án liên bang và các toà án tiểu bang
    HAMILTON
    Sự thành lập một chính phủ mới, dù cẩn thận và khôn ngoan đến thế nào cũng vẫn không thể dẹp hết tất cả những thắc mắc,  nghi vấn phức tạp. Những nghi vấn đó nhất định đã được nêu lên rất nhiều, nhất là về hiến pháp của một quốc gia đã được thành lập trên căn bản của sự liên kết vừa toàn diện vừa từng phần của nhiều quốc gia có đầy đủ chủ quyền. Lần này, sự liên kết của những quốc gia đó trong một hệ thống liên bang đã được đưa lên một trình độ rất cao khiến cho các thành phần đã được ăn khớp cùng nhau và kết tụ thành một khối dung hòa cùng nhau.
    Nhiều nghi vấn đã được nêu lên về dự thảo Hiến pháp của liên bang và nhất là về ngành tư pháp của chính phủ liên bang. Những nghi vấn quan trọng đều liên quan tới trường hợp của các tòa án tiểu bang trong những vụ phải áp dụng luật pháp liên bang. Những tòa án tiểu bang bị mất hết quyền lực vì các tòa án tiểu bang, hay là cả hai loại tòa án đều cùng có hiệu lực? Nếu cả hai loại đều có hiệu lực, vậy hiệu lực của tòa án tiểu bang là như thế nào đối với các tòa án liên bang? Đó là những câu hỏi đã có rất nhiều người thắc mắc và đáng để cho chúng ta chú ý tới.
    Liên quan đến những nguyên tắc mà chúng ta đã từng thảo luận trong một bài trên, các tiểu bang được giữ tất cả những quyền lực mà trước kia các tiểu bang vẫn có, nếu trong hiến pháp không ghi rõ là phải ủy lại cho chính phủ liên bang. Những quyền lực mà các tiểu bang phải ủy lại cho chỉnh phủ liên bang đã được ghi rõ trong hiến pháp bằng ba cách. Cách thứ nhất là khi hiến pháp ghi rõ ràng rằng quyền lực đó hoàn toàn thuộc chính quyền liên bang. Cách thứ hai là quyền lực đó thuộc chính quyền liên bang và các tiểu bang bị cấm không được sử dụng quyền lực đó. Cách thứ ba là khi quyền lực đó thuộc chính quyền liên bang và nếu tiểu bang sử dụng quyền lực đó thì không thích hợp. Tuy những nguyên tắc trên không thể áp dụng riêng cho ngành tư pháp một cách mạnh mẽ như khi áp dụng cho toàn thể chính quyền liên bang nhưng theo ý kiến riêng của tôi, tôi chủ trương rằng phải áp dụng những nguyên tắc đó chung cho chính quyền liên bang lẫn cho ngành tư pháp liên bang một cách như nhau. Và vì vậy cho nên tôi chủ trương rằng các tòa án tiểu bang sẽ giữ tất cả các quyền lực cũ trừ những quyền lực mà hiến pháp ghi rõ là ủy lại cho tòa án liên bang, theo một trong ba cách đã kể trên.
    Có một đoạn trong hiến pháp ghi về vấn đề định đoạt hiệu lực của các tòa án liên bang như sau:
    “Quyền lực tư pháp của Hợp chúng quốc sẽ được giao phó cho một Toà án Tối cao và những toà án cấp dưới mà Quốc hội sẽ quyết định chuẩn chi và thiết lập” (Điều 3, khoản 1).
    Đoạn trên có thể hiểu như sau: Hoặc là, chỉ riêng Toà án Tối cao và các toà án cấp dưới của liên bang là có quyền quyết định về những vụ việc trong phạm vi quyền hạn của tòa án liên bang. Hoặc là, những cơ quan của ngành tư pháp liên bang gồm có một Toà án Tối cao và những toà án liên bang cấp dưới mà Quốc hội sẽ quyết định thành lập, hay nói theo một cách khác, Hợp chúng quốc sẽ thi hành quyền lực tư pháp qua Toà án Tối cao và một số toà án cấp dưới mà chính phủ liên bang sẽ thành lập. Hiểu theo lối thứ nhất thì tức là quyền lực của các tòa án tiểu bang bị gạt bỏ, còn hiểu theo lối thứ hai thì các tòa án liên bang lẫn các tòa án tiểu bang đều cùng có quyền xét xử. Định nghĩa theo lối thứ nhất tức là hủy bỏ tất cả các quyền của các tiểu bang, vì vậy tôi cho là định nghĩa theo lối thứ hai thì hợp lý hơn.
    Sự chia sẻ quyền lực của cả hai loại tòa án chỉ áp dụng cho những trường hợp mà trước kia thuộc phạm vi quyền hạn của các tòa án tiểu bang. Nhưng sự đồng quyền lực đó không thể áp dụng cho những trường hợp mà Hiến pháp đã ghi rõ là thuộc phạm vi quyền hạn của tòa án liên bang. Như vậy có nghĩa là các tòa án tiểu bang sẽ vẫn giữ được các quyền hạn cũ trừ phi Quốc hội quy định rõ ràng những trường hợp thuộc thẩm quyền của các tòa án liên bang.
    Nhưng trong trường hợp mà cả tòa án liên bang lẫn tòa án tiểu bang đều cùng có thẩm quyền, thì phạm vi quyền hạn của hai loại tòa án đó thế nào? Tôi xin trả lời ngay là các tòa án tiểu bang có quyền kháng cáo lên Toà án Tối cao bởi vì Hiến pháp đã giao phó cho Toà án Tối cao quyền xét xử các vụ kháng cáo đồng thời với quyền xét xử các vụ chỉ thuộc phạm vi quyền hạn của Toà án Tối cao và không nói rõ dành riêng quyền kháng cáo cho các tòa án liên bang cấp dưới. Như vậy tức là các tòa án tiểu bang cũng có quyền kháng cáo. Nếu không hiểu theo nghĩa này thì tức là các tòa án tiểu bang sẽ không còn quyền được ngang hiệu lực với các tòa án liên bang nữa. Trong ngành tư pháp, hệ thống liên bang và hệ thống tiểu bang phải được coi là một hệ thống chung, một hệ thống toàn diện, cùng một khối, nghĩa là phải coi những tòa án tiểu bang là những tòa án phụ thuộc của hệ thống liên bang để thi hành các luật pháp liên bang. Hội nghị lập hiến rõ ràng là đã quy định rằng tất cả các vụ việc thuộc phạm vi quyền lực luật pháp liên bang sẽ được quyết định lần cuối cùng do Toà án Tối cao của liên bang, và như vậy, không những chỉ các tòa án liên bang cấp dưới mới có quyền kháng cáo mà cả những tòa án tiểu bang cũng phải có quyền kháng cáo lên Toà án Tối cao của liên bang.
    Người ta lại cũng có thể hỏi rằng: tòa án tiểu bang có quyền kháng cáo lên các tòa án liên bang cấp dưới hay không? Tôi xin trả lời là có vì những lý do sau đây. Trước hết, Hiến pháp cho phép chính quyền liên bang “thành lập những tòa án liên bang ở cấp dưới Toà án Tối cao”. Sau nữa, Hiến pháp lại tuyên bố rằng “quyền lực tư pháp của Hợp chúng quốc sẽ được giao phó cho một Toà án Tối cao và những toà án cấp dưới mà Quốc hội sẽ chuẩn chi và thành lập”. Hiến pháp cũng ghi những trường hợp thuộc phạm vi quyền lực của luật pháp liên bang. Sau nữa, Hiến pháp phân chia quyền lực của Toà án Tối cao thành hai quyền lực, quyền lực phán định và quyền lực quyết định trong các vụ kháng cáo, nhưng Hiến pháp không phân chia rõ ràng quyền lực của các tòa án liên bang cấp dưới mà chỉ ghi rằng “các tòa án này ở cấp dưới Toà án Tối cao” và sẽ không được vượt ra ngoài phạm vi đã định của luật pháp liên bang. Như vậy tức là Hiến pháp không nói rõ các tòa án liên bang cấp dưới có quyền xét xử các vụ kháng cáo hay không. Việc đó để cho Quốc hội quyết định. Trong trường hợp này, tôi cho rằng không có lý do nào cấm đoán các tòa án liên bang cấp dưới không được xét xử các vụ việc mà các tòa án tiểu bang kháng cáo lên. Nếu quyền này được giao phó cho các tòa án liên bang cấp dưới thì sẽ có nhiều điều tiện lợi. Trước hết là để khỏi phải thành lập quá nhiều các tòa án liên bang cho đủ mục đích, và sau nữa là để giải quyết giúp cho Toà án Tối cao một phần những vụ kháng cáo. Như vậy, nhiều vụ đáng lẽ cần phải đưa lên Toà án Tối cao thì chỉ cần phải đưa từ tòa án tiểu bang lên các tòa án liên bang của từng khu vực mà thôi.
    HAMILTON
    Quyền thành lập tòa án cũng có nghĩa là quyền quy định thể thức xét xử. Như vậy, nếu trong Hiến pháp không nói đến thể thức xét xử bằng các bồi thẩm đoàn thì các tòa án có quyền tự do áp dụng thể thức này hoặc không áp dụng cũng được. Trong các vụ hình sự, hiến pháp quy định bắt buộc phải áp dụng thể thức có bồi thẩm đoàn nhưng trong các vụ dân sự thì không ghi như vậy, tức là toà án có thể áp dụng hay không áp dụng thể thức xét xử bằng bồi thẩm đoàn với các vụ dân sự cũng được. Nhưng ghi rõ bắt buộc trong các vụ hình sự không có nghĩa là trong các vụ dân sự sẽ không bắt buộc. Điều đó chỉ có nghĩa là tòa án vẫn có quyền áp dụng thể thức xét xử bằng bồi thẩm đoàn nếu tòa án nhận thấy thể thức này thích hợp. Như vậy, những lời đồn rằng các tòa án liên bang không có quyền áp dụng thể thức xét xử bằng bồi thẩm đoàn chỉ là những lời đồn vô căn cứ.
    Chúng ta có thể kết luận rằng: thể thức xét xử bằng bồi thẩm đoàn trong các vụ dân sự sẽ không bị bãi bỏ…
    VII. NHỮNG NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
    1 – Bản dân quyền
    HAMILTON
    Trong những bài nhận xét và phê bình về dự thảo Hiến pháp mà tôi đã viết, tôi đã gắng trả lời phần lớn những lý lẽ chỉ trích bản dự thảo Hiến pháp. Tuy vậy, vẫn còn một số lý lẽ mà chúng ta không thể xếp vào một mục nhất định nào hoặc chúng ta  quên chưa nói tới. Bây giờ, tôi xin bàn tới những lý lẽ còn lại đó, nhưng vì cuộc thảo luận này đã kéo dài quá nhiều nên tôi sẽ thu gọn tất cả các nhận xét vào trong một bài mà thôi.
    Những lý lẽ chỉ trích đáng chú ý nhất là dự thảo Hiến pháp của Hội nghị lập hiến không gồm một bản dân quyền. Để trả lời quan điểm này chúng ta đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là hiến pháp nhiều tiểu bang cũng không gồm một một bản bân quyền. Tôi xin nói thêm là chính bản Hiến pháp của tiểu bang New York của chúng ta cũng không có một bản dân quyền. Thế mà những người chỉ trích dự thảo Hiến pháp liên bang ở tiểu bang này, trong khi tuyên bố là họ vô cùng ngưỡng mộ bản hiến pháp của tiểu bang chúng ta, lại là những người lớn tiếng nhất đòi hỏi dự thảo Hiến pháp phải gồm có một bản dân quyền. Để tự bào chữa, họ hỏi rằng: Thứ nhất, tuy bản Hiến pháp của tiểu bang New York không gồm có một bản dân quyền nhưng các điều khoản của Hiến pháp có bao gồm nhiều đoạn nói tới những đặc quyền của người dân, và như vậy tức là bản Hiến pháp New York đã chứa trong lòng nó một bản dân quyền; Thứ hai, bản hiến pháp New York đã hoàn toàn phỏng theo bản luật pháp của nước Anh và bản này công nhận một số quyền tự do của công dân tuy những quyền này không có ghi trong hiến pháp đó.
    Để trả lời lý lẽ thứ nhất, tôi xin nói là dự thảo Hiến pháp liên bang – cũng như hiến pháp New York – có chứa đựng nhiều khoản trù liệu về dân quyền.
    Không kể những điều khoản nói về cơ cấu chính phủ, chúng ta tìm thấy những khoản sau đây:
    Điều 1, khoản 3, đoạn 7 nói rằng: “Bản án trong những vụ xét xử về tội lạm dụng công quyền sẽ không thể quyết định việc cách chức, truất quyền giữ một chức vụ danh dự, tín nhiệm hay lợi lộc trong chính phủ Hợp chúng quốc; nhưng người bị kết tội, tuy vậy, vẫn có thể bị cáo tội, bị xét xử, kết tội và bị trừng trị theo thường luật”.
    Điều 1, khoản 2, đoạn 9, nói rằng: “Đặc quyền hưởng sắc lệnh “habeas corpus” sẽ không thể bị truất, ngoại trừ trường hợp phản loạn hoặc xâm lăng khi nền an ninh công cộng bắt buộc phải hành động như vậy”.
    Đoạn 3, nói rằng: “Không một đạo luật nào tổn hại tới quyền tự do của công dân, không một đạo luật hồi tố nào sẽ có thể được ban hành”.
    Đoạn 7 nói rằng: “Không một tước vị nào sẽ do Hợp chúng quốc phong tặng và không một người nào của Hợp chúng quốc đảm nhận một chức vụ có lợi lộc hoặc có tín nhiệm của chính phủ nếu không có sự thỏa thuận của Quốc hội, được nhận bất cứ một tặng vật, một lượng vật, một lương bổng, một chức vụ hoặc một tước vị nào của bất cứ một vị hoàng đế, vương chúa hoặc một chính phủ ngoại quốc nào”.
    Điều 3, khoản 2, đoạn 3, nói rằng: “Mọi trọng tội, trừ trường hợp lạm dụng công quyền, sẽ được xét xử bằng thể thức có bồi thẩm đoàn và những vụ án đó sẽ được xét xử tại tiểu bang mà tội đã xảy ra; còn khi tội xảy ra không thuộc bất cứ một tiểu bang nào, án sẽ được xử tại một nơi hoặc những nơi mà Quốc hội sẽ định đoạt bằng một đạo luật”.
    Khoản 3 nói rằng: “Sẽ bị coi như là phản bội đối với Hợp chúng quốc mọi hành vi tuyên chiến với Hợp chúng quốc, hoặc mọi hành vi liên minh hay uý lạo kẻ thù của Hợp chúng quốc. Không một người nào có thể bị kết án phản bội nếu không phải là do sự tố cáo của hai chứng nhân chứng kiến hành vi công khai đó, hay do chính đương sự thú nhận trong một phiên thẩm vấn công khai”.
    Đoạn 3 của khoản trên nói tiếp : “Quốc hội sẽ có quyền xác định hình phạt thuộc về tội phản bội, nhưng không một sự phản quyết nào về tội trạng ấy đưa tới hình phạt hoặc tịch thu tài sản, trừ khi tội nhân còn sống”.
    Chúng ta có thể hỏi rằng những khoản đó, nếu cộng lại, lại không quan trọng ngang với tất cả những khoản tương tự mà chúng ta có thể tìm thấy trong hiến pháp của tiểu bang chúng ta hay sao? Sự thành lập sắc lệnh habeas corpus, sự cấm đoán ban hành những đạo luật hồi tố và những tước vị, đó là những khoản mà chúng ta nhận thấy không ghi trong hiến pháp tiểu bang của chúng ta và những khoản đó là những khoản bảo đảm tự do và chính thể cộng hòa vững chắc hơn những khoản khác trong hiến pháp tiểu bang chúng ta. Sự định đoạt một hành động là một trọng tội sau khi hành động đó đã xảy ra, hay nói một cách khác, trừng phạt một người vì những hành động mà khi họ làm thì không coi là tội, và sau đó mới cho là tội, hay những sự bắt giam độc đoán, đó đều là những điều mà từ xưa tới nay các chính thể chuyên chế thích dùng. Những nhận xét của ông Blackstone về vấn đề này đáng để cho chúng ta nhắc lại:
    “Làm đau khổ đời sống của một người hay bạo động, tịch thu tài sản của người đó mà không cần buộc tội hoặc xét xử, đó là những hành động chuyên chế tàn bạo và trắng trợn, đáng để báo động cho toàn quốc nhận thức về sự chuyên chế đó. Nhưng bắt giữ một người một cách bí mật và vội vàng đưa người đó vào nhà tù, nơi mà sự đau khổ của người này sẽ không được ai biết tới hoặc bị quên đi, là những hành động ít công khai hơn, ít người biết tới hơn, và vì vậy chính là những hành động nguy hiểm hơn của những chính phủ chuyên chế”.
    Để chống lại hiểm họa đó, ông Blackstone, trong các bài viết của mình, đã luôn luôn đòi hỏi ban hành sắc lệnh habeas corpus, và trong một bài, ông đã từng gọi sắc lệnh đó là “một thành trì của Hiến pháp Anh”.
    Còn về vấn đề cấm đoán ban hành những tước vị thì chúng ta không cần phải giải thích thêm nữa. Khoản này có thể gọi là một khoản căn bản của một chính thể cộng hòa, bởi vì còn duy trì được sự cấm đoán này thì tức là vẫn chưa phải lo ngại rằng chính phủ không phải là chính phủ của nhân dân.
    Còn về quan điểm thứ hai của những người yêu cầu dự thảo Hiến pháp phải có một bản dân quyền, cho rằng bản Hiến pháp New York phỏng theo luật pháp Anh, tôi xin trả lời rằng nếu bản dân quyền cần phải được xây dựng giống như một bản thường luật riêng biệt, thì bản đó “có thể bị thay đổi bởi Quốc hội lập pháp khi cần”. Như vậy tức là, bản luật pháp đó có thể bị bãi bỏ bằng một thủ tục rất giản dị của quyền lập pháp và không thể có một hiệu lực rộng lớn như hiệu lực của Hiến pháp. Còn nếu cần phải ghi bản dân quyền vào Hiến pháp thì như vậy chỉ có nghĩa là công nhận một bản luật pháp cũ như của Anh mà thôi và bản dân quyền đó sẽ trái ngược với tinh thần của bản Hiến pháp mà chúng ta hiện đang muốn có vì mục đích của bản Hiến pháp mới là hạn chế quyền lực của chính phủ, chứ không phải là một bản danh sách dân quyền.
    Chúng ta đã có nhiều dịp nhận xét rằng những bản dân quyền chỉ là những hợp đồng giữa các vị vua chúa và dân chúng, hạn chế quyền lực của vua chúa để bảo vệ đặc quyền của thần dân tức là kể rõ những quyền mà thần dân không giao phó cho vua chúa. Chẳng hạn, bản Đại hiến chương “Magna Charta” là một bản dân quyền mà các bá tước đã giành được từ vua John (Jean) bằng gươm giáo. Chẳng hạn, bản “Petition of Rights” (Yêu sách về quyền) cũng là một bản dân quyền mà vua Charles Đệ Nhất đã phải thỏa thuận ký kết. Hay chẳng hạn như bản “Tuyên Ngôn Dân Quyền” mà Nguyên lão Nghị viện và Dân biểu Nghị viện đã đệ lên Hoàng tử Prince of Orange năm 1688, và sau đó đã được ban hành với hình thức một đạo luật của Nghị viện gọi là Đạo luật Dân quyền. Như vậy, những bản dân quyền, theo như ý nghĩa nguyên khởi của nó, không thể được coi là những bản hiến pháp, thành lập nhờ ở quyền lực của nhân dân và quyền lực đó sẽ được đem áp dụng bởi đại diện của nhân dân, tức là bởi công bộc của nhân dân. Trong bản Hiến pháp, nhân dân không bỏ mất một phần quyền lực nào của mình và vẫn giữ được hết các quyền lực của nhân dân, vậy thì tại sao lại cần phải hạn chế quyền lực đó làm gì? Ngay trong đoạn đầu của Hiến pháp đã có câu: “Chúng tôi, nhân dân của Liên bang Hợp chúng quốc mục đích đảm bảo những lợi ích của sự tự do cho chúng tôi và cho hậu thế của chúng tôi, quyết định và thiết lập Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc châu Mỹ”. Câu này công nhận một cách rõ ràng những quyền tự do của nhân dân gấp trăm vạn lần những câu văn bóng bảy trong các bản dân quyền của một vài tiểu bang mà đáng lẽ chỉ nên đem sử dụng trong các cuốn khái luận về đạo lý hơn là trong một bản hiến pháp về chính quyền.
    Một bản danh sách dân quyền, nếu cần phải kê khai tỉ mỉ, sẽ không thể đem ghi được vào trong một bản Hiến pháp như bản Hiến pháp của chúng ta vì bản Hiến pháp của chúng ta chỉ có mục đích quy định những quyền lực chính trị tổng quát của quốc gia chứ không phải là để quy định từng loại quyền lợi cá nhân và tư nhân. Như vậy, nếu chúng ta công nhận những người chỉ trích bản dự thảo Hiến pháp là không kê khai rõ ràng những dân quyền là có lý thì chúng ta cần phải chỉ trích ngay bản Hiến pháp tiểu bang New York của chúng ta, bởi vì cả hai bản Hiến pháp đều chứa đựng những khoản như nhau về dân quyền.
    Bây giờ, tôi xin nhấn mạnh hơn nữa và nói rằng thêm bản dân quyền vào trong bản Hiến pháp là một điều thừa, vô ích và còn là một điều nguy hiểm nữa. Một bản dân quyền dù cặn kẽ thế nào cũng vẫn không kê khai đủ các quyền tự do của dân chúng, và vì vậy chính quyền có thể đòi hỏi nhiều quyền mà thật sự chúng ta không hề giao phó cho chính quyền. Tại sao chúng ta lại cần phải kê khai tất cả những quyền mà chúng ta không muốn giao phó cho chính phủ? Tại sao, chẳng hạn, chúng ta lại cần phải tuyên bố là quyền tự do báo chí sẽ không bị hạn chế trong khi chúng ta không giao phó cho chính phủ quyền lực hạn chế báo chí?
    Như vậy, nếu trong chính phủ có những người muốn cưỡng đoạt quyền hành, họ sẽ có dịp để dựa trên khoản này trong bản dân quyền mà đòi hỏi quyền lực hạn chế báo chí. Họ có thể biện luận rằng chính quyền không có quyền hạn chế báo chí hàm ý rằng chính quyền phải có quyền quy định những luật lệ để duy trì sự tự do báo chí.
    Về vấn đề tự do báo chí, tôi xin đưa ra một vài nhận xét. Trước hết, tôi nhận thấy hiến pháp tiểu bang New York không có khoản nào nói tới quyền tự do báo chí. Thứ hai, trong hiến pháp của những tiểu bang có nói tới quyền tự do báo chí, không có điều gì thật là đặc biệt. Chúng ta có thể tự hỏi câu tuyên bố “quyền tự do báo chí sẽ được bảo vệ một cách bất khả xâm phạm”, có ý nghĩa gì? Và tự do báo chí là gì? Ai là người có thể định nghĩa tự do báo chí một cách thật rộng rãi, minh bạch khiến cho không có một cách nào để xâm phạm tới phạm vi quyền tự do? Vì vậy, tôi cho là những câu tuyên bố về quyền tự do báo chí đều thiếu thiết phục. Tôi chủ trương là dù có những câu rất hay trong hiến pháp tuyên bố về quyền tự do báo chí, quyền tự do báo chí sẽ được bảo vệ hay không vẫn là còn tùy ở dư luận công chúng, ở tinh thần của nhân dân và của chính phủ. Chỉ có dựa vào điều này chúng ta mới có thể xây dựng một cách tất cả các quyền tự do của chúng ta vững chãi.
    Cuối cùng, còn một điểm nữa mà chúng ta cần phải bàn tới trước khi kết luận là dù mỗi người tuyên bố một lối, chúng ta vận phải công nhận là bản Hiến pháp, do ý nghĩa và công dụng của nó, chính là một bản dân quyền. Tất cả các bản dân quyền của Anh sau này đã kết thành bản Hiến pháp của Anh và ngược lại, các bản Hiến pháp của mỗi tiểu bang chính là những bản dân quyền của tiểu bang đó. Bằng Hiến pháp của liên bang Hợp chúng quốc đã được dự thảo một cách thận trọng để bảo vệ nền an ninh của dân chúng và sự thật trong đó đã biểu lộ rõ ràng hơn cả các bản hiến pháp của các tiểu bang. Mục đích của một bản dân quyền có phải là để định nghĩa rõ ràng những đặc quyền của cá nhân và tư nhân hay không? Nếu vậy thì trong dự thảo Hiến pháp liên bang cũng đã có ghi nhiều khoản về các đặc quyền cá nhân rồi. Chúng ta không thể chối cãi được rằng dự thảo Hiến pháp không ghi những điều đó. Chúng ta chỉ có thể nói rằng dự thảo đã không ghi những điều đó tỉ mỉ hơn, cặn kẽ hơn, nhưng chúng ta phải nhận là dự thảo Hiến pháp có ghi những điều đó.
    2.  Các tu chính án và vấn đề phê chuẩn
    HAMILTON
    Bây giờ chúng ta hay dừng cuộc thảo luận và tự hỏi xem, sau khi đã đọc những bài nghị luận, dự thảo Hiến pháp có đáng để cho dân chúng tán thành hay không? Có đáng coi là cần thiết cho nền an ninh và thịnh vượng chung hay không? Bất cứ người nào rồi cũng phải tự mình trả lời câu hỏi này tùy theo sự hiểu biết, theo lương tâm của mình và sẽ hành động theo trí phán đoán của mình. Đó là một bổn phận mà không ai có thể tránh được. Đó là một bổn phận mà người nào cũng phải làm vì nghĩa vụ của mình đối với xã hội và phải làm một cách thành thật và chu đáo. Nếu một người vì những lý do riêng tư, những quyền lợi riêng tư, vì lòng kiêu hãnh hay vì một dục vọng nhất thời mà có một hành động không chính đáng trong cuộc bầu cử tới mà mình phải tham gia thì người đó sẽ không còn có một lý do chính đáng nào để tự bào chữa đối với lương tâm của mình, đối với quốc gia và đối với hậu thế. Người đó hãy nên nghĩ ngợi thận trọng rằng quyết định của mình không những có ảnh hưởng tới tiểu bang của mình mà sẽ có ảnh hưởng tới sự sống còn của toàn quốc và người đó hãy nên nhớ rằng đa số Hợp chúng quốc châu Mỹ đã chấp thuận dự thảo Hiến pháp mà ngày nay đến lượt chúng ta sắp phải quyết định tán thành hay bác bỏ.
    Tôi không giấu diếm là tôi tin tưởng ở những lý lẽ mà tôi đã đưa ra để đồng bào hãy chấp thuận dự thảo Hiến pháp và tôi không nhận thấy một thực lực nào trong những lý lẽ của những người chỉ trích dự thảo Hiến pháp. Tôi cương quyết tin tưởng rằng dự thảo Hiến pháp này là một hiến pháp hay nhất cho tình trạng chính trị, tập quán và ý kiến của chúng ta, và hay hơn bất cứ một dự thảo Hiến pháp nào khác mà cuộc Cách mạng của chúng ta đã từng thảo ra.
    Những người bênh vực dự thảo Hiến pháp cũng đã có lúc từng thú nhận rằng dự thảo Hiến pháp này không phải là một hiến pháp hoàn toàn và sự nhân nhượng này đã bị những kẻ thù của dự thảo Hiến pháp lợi dụng để chỉ trích. Họ nói: “Tại sao chúng ta lại cần phải chấp thuận một hiến pháp không hoàn hảo? Tại sao lại không sửa đổi nó đi và làm cho nó hoàn hảo trước khi chúng ta chấp thuận nó?” Quan điểm này mới nghe thì kể cũng có lý nhưng chỉ có thế thôi. Tôi xin nói ngay là những lời nhân nhượng của những người bênh vực dự thảo Hiến pháp, khi thú nhận là dự thảo Hiến pháp không phải là hoàn hảo, đã bị người ta phóng đại quá nhiều. Những người chỉ trích đã dựa trên lời nhân nhượng đó mà nói rằng dự thảo Hiến pháp hoàn toàn sai lầm và nếu không sửa đổi thật nhiều thì các quyền lợi của nhân dân sẽ không được bảo toàn. Thật là xuyên tạc hẳn ý nghĩa lời nói của những người tán thành Hiến pháp. Tôi tin là không có người nào tán thành hiến pháp lại không sẵn sàng công nhận là hiến pháp tuy không được hoàn hảo, nhưng dù sao thì cũng là một hiến pháp hay nhất trong tình trạng hiện tại của quốc gia và hy vọng đã có thể bảo vệ tất cả các quyền tự do mà những người biết lẽ phải đều mong muốn.
    Sau nữa, tôi xin trả lời rằng tôi tưởng rằng chúng ta không thận trọng chút nào nếu chúng ta kéo dài tình trạng mỏng manh của quốc gia chúng ta đặt quốc gia vào nhưng cuộc thí nghiệm liên tiếp để đeo đuổi một giấc mộng mơ hồ tức là một biện pháp hoàn toàn. Tôi không bao giờ hy vọng một công trình hoàn hảo nào lại có thể tạo thành bởi những con người mà chúng ta biết là không hoàn hảo. Kết quả của những cuộc thảo luận của những hội đồng do dân chúng bầu cử cố nhiên phải là một kế hoạch bao gồm cả những cái sai lầm và những thành kiến lẫn những cái hay và cái khôn của tất cả con người đã kết hợp trong hội đồng đó. Hiệp ước thắt chặt mười ba tiểu bang khác nhau trong một vòng dây thân ái và liên hiệp chúng cho cả mọi tiểu bang. Có nhiều phải là một thỏa hiệp về những quyền lợi và những khuynh hướng khác nhau. Chẳng lẽ một kết quả hoàn hảo lại có thể xuất phát từ những thành phần khác nhau như vậy hay sao?
    Gần đây, tại thành phố này có xuất bản một cuốn sách rất hay, trong đó đưa ra nhiều lý do để chứng tỏ rằng chúng ta không thể nào lại có thể triệu tập một hội nghị mới mà hy vọng có được những kết quả khả quan như Hội nghị Lập hiến vừa qua. Tôi không muốn nhắc lại những lý lẽ trong cuốn sách đó vì tôi tin là cuốn sách đó đã được truyền bá một cách rộng rãi rồi.
    Tuy vậy, còn một điều mà chúng ta cần phải xét tới, tức là vấn đề các tu chính án.
    Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể sửa đổi hiến pháp một cách dễ dàng sau khi đã chấp thuận hiến pháp hơn là trước khi chấp thuận hiến pháp. Nếu bây giờ mà chúng ta sửa đổi dự thảo Hiến pháp thì dự thảo sẽ trở thành một dự thảo mới và vì vậy sẽ cần có sự phê chuẩn lại của các tiểu bang đã phê chuẩn rồi. Hiến pháp mà muốn được áp dụng trên toàn quốc cần phải có sự phê chuẩn của tất cả 13 tiểu bang. Trái lại, nếu dự thảo Hiến pháp đã được phê chuẩn rồi thì sau đó các tu chính án chỉ cầu có 9 tiểu bang phê chuẩn cũng đủ để được chấp thuận. Như vậy tức là những sự sửa đổi sau này sẽ có hy vọng được chấp thuận dễ dàng hơn, theo tỷ lệ 9 phần 13 mà thôi.
    Bất cứ một bản hiến pháp nào của Hợp chúng quốc cũng phải bao gồm một số điều khoản khác nhau mà 13 tiểu bang sẽ tán thành hay không tùy theo quyền lợi và dư luận của mỗi tiểu bang. Trong sự liên hiệp của nhiều thành phần, các thành phần có thể kết thành các khối khác nhau. Một thành phần có thể đứng vào khối đa số về một vấn đề, nhưng đến vấn đề khác, thành phần đó có thể sẽ đứng vào khối thiểu số. Vì vậy, cần phải có một kế hoạch liên hiệp thích hợp để thỏa mãn ý muốn của từng thành phần và của tất cả các thành phần trong liên hiệp. Nếu chúng ta cứ tăng thêm vấn đề thì sự thỏa mãn sẽ càng khó khăn thêm.
    Hiến pháp một khi đã được chấp thuận mà nếu cần phải sửa đổi thì mỗi lần sửa đổi chỉ nêu lên một vấn đề độc nhất mà thôi. Như vậy thì tức là sự thỏa hiệp sẽ dễ dàng vì không cần phải tính toán thiệt điểm này, lợi điểm nọ mà chỉ cần chăm chú vào một điểm chính mà thôi. Sự biểu quyết với một đa số cần thiết sẽ giải quyết vấn đề một cách rõ ràng. Như vậy, mỗi khi đa số 9 hoặc 10 tiểu bang muốn đề nghị một tu chính án, tu chính án đó chắc chắn sẽ được chấp thuận dễ dàng.
    Có nhiều người lo ngại là sau này sửa đổi hiến pháp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vì những người đã được bổ nhiệm vào chính quyền sẽ không muốn mất một phần những quyền lực mà các tu chính án có thể đòi hỏi họ phải trả lại. Tôi cho là nhận xét đó không đúng, bởi vì tôi tin tưởng là những người có trách nhiệm quản trị liên bang 13 tiểu bang phải là những người có tài có đức, có tinh thần phục vụ dân chúng và họ sẽ phải nhận thức được sự cần thiết phải chiều theo ý chí của những người đã bầu cử cho họ. Hơn nữa, một khi chính phủ 9 tiểu bang đã đồng ý kiến về một vấn đề thì các nhà lãnh đạo trong chính phủ liên bang sẽ không còn quyền định đoạt theo ý muốn của họ về vấn đề đó nữa. Theo điều thứ 5 của Hiến pháp, Quốc hội có nhiệm vụ, “khi chính phủ tiểu bang của hai phần ba các tiểu bang (hiện nay tức là chỉ cần có 9 tiểu bang trong số 13 tiểu bang) đề nghị, triệu tập một hội nghị để đề nghị tu chỉnh hiến pháp và tu chính án đó sẽ có hiệu lực như một phần của Hiến pháp khi tu chính án đó được phê chuẩn bởi quốc hội tiểu bang của ba phần tư các tiểu bang, hay do những hội nghị tiểu bang của ba phần tư các tiểu bang”. Khoản này trong hiến pháp rất rõ ràng. Quốc hội sẽ “phải triệu tập một hội nghị”. Như vậy tức là Quốc hội liên bang không có quyền tự do làm theo ý muốn của mình được. Như vậy có đúng là sự phản đối của những người chỉ trích hoàn toàn vô căn cứ hay không?
    Hơn nữa, nếu chúng ta có thể nghi ngờ là liên kết hai phần ba hoặc ba phần tư các chính phủ tiểu bang để chấp thuận những quyền lợi địa phương là một điều khó khăn. Chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ sự liên kết đó sẽ là một công cuộc khó khăn khi cần phải đề nghị và chấp nhận những tu chính án liên quan tới nền tự do hay nền an ninh của toàn thể nhân dân. Chúng ta có quyền tin tưởng các chính phủ tiểu bang khi cần thiết phải xây dựng những thành trì để ngăn ngừa sự lạm dụng công quyền của chính phủ liên bang.
    Sự mong muốn sửa đổi một bản hiến pháp trước khi bản hiến pháp đó được phê chuẩn sẽ không còn nữa đối với những người sẵn sàng công nhận sự thực trong những nhận xét vừa thiết thực vừa uyên bác sau đây của một triết gia:
    “Điều hành một quốc gia lớn hoặc một xã hội lớn, dù thuộc chính thể quân chủ hoặc cộng hòa cũng vậy, bằng những luật pháp khái quát, là một công việc vô cùng khó khăn, đến nỗi không một người có thiên tài nào, dù thấu triệt tới bực nào lại có thể chỉ dùng lý trí và suy luận mà thành công được, cần phải có sự kết hợp trí phán đoán của nhiều người trong một công việc như vậy. Kinh nghiệm sẽ dìu dắt cố gắng của họ; thời gian sẽ giúp cho công việc của họ mỗi ngày mỗi hoàn thiện, và sự nhận định được các kết quả bất lợi sẽ giúp họ sửa chữa các sai lầm mà dĩ nhiên họ không thể tránh khỏi trong những cuộc thí nghiệm đầu tiên của họ”.
    Những nhận xét thâm thúy trên là một bài học ôn hòa cho tất cả những người thành thật yêu nước và cảnh cáo họ chớ nên liều lĩnh làm cho quốc gia có thể lâm vào một tình trạng hỗn độn vô chính phủ, nội chiến, tiểu bang này gây chiến chống tiểu bang nọ, hay lâm vào một chính thể quân phiệt tạo bởi một chính trị gia khéo mị dân đã hứa hão huyền cho nhân dân những điều  mà nhân dân hoàn toàn không thể có được nếu không phải là nhờ ở thời gian và kinh nghiệm. Có lẽ tôi vẫn còn nhiều thiếu sót về phương diện chính trị nhưng tôi xin thú thực là tôi không dám yên tâm như những người vẫn cho rằng việc kéo dài tình trạng hiện tại của quốc gia sẽ không có gì là nguy hiểm. Một quốc gia mà không có một chính phủ toàn quốc, theo ý tôi, là một cảnh thật đáng lo. Sự thành lập một hiến pháp trong một thời buổi thái bình, do sự thỏa thuận tình nguyện của toàn thể một dân tộc, là một kỳ công mà tôi hồi hộp hy vọng được trông thấy thành hiện thực. Chúng ta phải thận trọng đừng để thất bại một công trình gian nan đã được 7 trong số 13 tiểu bang tán thành, và sau khi đã thành công đến đây tại phải quay trở lại bước đầu. Tôi rất lo sợ cho những kết quả tai hại sẽ xảy ra nếu chúng ta xóa bỏ hết để lại bắt đầu một công trình dự thảo mới, bởi vì tôi biết rằng, tại tiểu bang này và những tiểu bang khác, có nhiều cá nhân có quyền thế thù ghét việc thành lập một chính phủ toàn quốc, dù theo bất cứ một chính thể nào cũng vậy.


    1 Trong cuốn “Tinh thần pháp luật“, phần IX, chương I.
    (1) Ý tôi muốn nói tới Chính phủ đại diện cho Liên hiệp của các tiểu bang
    (1) Điều I, khoản 10, đoạn 1 trong Bản Hiến pháp Mỹ.
    1 Tức là ông “Cato”. “Cato” là bút hiệu của ông George Clinton (1739 – 1812), Thống đốc tiểu bang Nữu ước (177 – 1795) và là Phó Tổng thống Liên bang Hiệp Chủng Quốc (1805 – 1812). Ông Clinton, dưới bút hiệu “Cato” đã viết nhiều bài chống lại lập trường Liên bang và ông Hamilton đã viết nhiều bài trả lời dưới bút hiệu “Ceasar”.
    1 Tu chính án XXII ngày 1 tháng 3-1951, ngày nay dự liệu rằng “không người nào được bầu cử giữ chức vụ Tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ” (Khoản 1).
    Nguồn:https://cungviethienphap.wordpress.com
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org