Giới thiệu về Hobbes

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • TIỂU SỬ
    THOMAS HOBBES (5/4/1588 – 4/12/1679) là triết gia chính trị lỗi lạc người Anh, lừng danh với tác phẩm Leviathan (1660).
    Hobbes ra đời tại Malmesbury, Wiltshire, Anh. Tương truyền ông bị đẻ non vì mẹ ông kinh động khi hay tin đại hạm đội Armanda của Tây Ban Nha đang tiến vào lãnh thổ nước Anh. ''Mẹ tôi sinh ra tôi và sự hãi sợ cùng lúc'', ông thường nói vậy để ám chỉ tính cách hay băn khoăn, lo lắng của ông. Cha ông - một mục sư quản xứ Charlton và Wesport của Giáo hội Anh - bị buộc phải rời bỏ quê nhà để lại ba người con cho anh trai Francis chăm sóc. Hobbes được giáo dục trong nhà thờ Westport khi lên bốn tuổi, rồi vào học một trường tự do một thanh niên tên là Robert Latimer, tốt nghiệp đại học Oxford làm hiệu trưởng. Hobbes là học trò xuất sắc. Năm 1603, ông được gửi đến Oxford. Tại đây, Hobbes dường như chỉ tuân theo chương trình học tập do mình đề ra, vì ông không mấy thích thú trước lối học kinh viện của nhà trường. Và do đó không hoàn thành chương trình đại học cho đến năm 1608, nhưng ông được tiến cử làm gia sư cho William, con trai của William Cavendish, nam tước xứ Hardwick (và sau này là bá tước xứ Devonshire), khởi đầu một mối quan hệ suốt đời với gia đình đó. Ông trở thành bầu bạn của chàng trai William và hai người cùng tham gia một chuyến du lịch lớn vào năm 1610. Hobbes được tiếp xúc với các phương pháp khoa học và phê phán của châu Âu trong chuyến đi này, chúng trái ngược với triết học kinh viện mà ông đã học tại Oxford. Những nỗ lực học hành kinh viện của ông lúc bấy giờ là nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng các tác gia văn chương Hy Lạp và La Mã cổ đại. Kết quả là vào năm 1628, ông cho ra đời bản dịch xuất sắc tác phẩm Peloponnesian War của sử gia Hy Lạp Thucydides (mất khoảng năm 401 tCN). Hobbes nghĩ rằng, Thucydides đã cho thấy chính quyền dân chủ không thể tồn tại sau chiến tranh hay mang lại ổn định và do đó không đáng ao ước.
    Mặc dù ông kết thân với những khuôn mặt văn chương như Ben Jonson và các tư tưởng gia như Francis Bacon nhưng ông không tận tâm đi vào triết học cho đến sau năm 1629. Ông chủ Cavendish lúc ấy là bá tước xứ Devonshire - chết vì bệnh dịch năm 1628. Bà bá tước goá chồng liền sa thải Hobbes, nhưng ông sớm tìm được việc làm, lại là nghề gia sư, lần này cho con trai của Sir Gervase Clifton ở Paris. Năm 1631, ông lại được gia đình Cavendish gọi trở lại. Ông đi thăm Florence năm 1636 và sau đó trở thành một người tham gia tranh luận thường xuyên trong các nhóm triết học ở Paris, do Marin Mersenne tổ chức. Từ năm 1637, ông tự nhận mình là triết gia.
    Theo bạn bè của Hobbes và nhà viết tiểu sử John Aubrey, những mối quan tâm triết lý của ông phần lớn xuất phát từ nhà hình học Euclid. Hobbes yêu thích những chứng minh của ông ta vì phương cách mà chúng dựa vào là suy luận lôgic để rút ra những kết luận kỳ lạ và đôi khi có vẻ như bất hợp lý từ những tiền đề rất hợp lý và có vẻ như vô hại. Tuy nhiên, bản thảo triết lý toàn diện lần đầu tiên của ông mãi đến năm 1640 mới được phổ biến. Tác phẩm này - nhan đề Những thành tố của luật, tự nhiên, và chính trị - ủng hộ sự ra đời của một quốc chủ quyền lực tuyệt đối để bảo vệ hòa bình và ổn định của cộng đồng. Vì cảm thức phản quân chủ lúc ấy (mà sau cùng đưa đến cuộc nội chiến toàn diện và Vua Charles I bị chém đầu), nhiều người, trong đó có các nghị viên, rất giận dữ trước nội dung của bản thảo, và Hobbes buộc phải trốn khỏi nước Anh sang châu Âu để bảo toàn mạng sống (ông từng khoe ông là ''một trong những người đầu tiên trốn khỏi nước Anh''). Như đa số những người lỗi lạc tán thành chế độ quân chủ, ông trải qua phần còn lại cuộc nội chiến ở Paris, nơi ông vui hưởng những cuộc đàm dạo triết học với các nhà trí thức Pháp (như Gassendi và Mersenne) và các nhà tư tưởng Anh bị lưu đày. Trong thời gian này, ông viết tác phẩm Công dân (1642), một phiên bản bổ sung cho luận chứng của ông trong Những thành tố của luật (được viết bằng tiếng La tinh nhưng về sau, năm 1651, xuất bản bằng tiếng Anh dưới nhan đề Những sơ luận triết lý về chính quyền). Năm 1651, ông cho ra đời kiệt tác của mình – Leviathan - chứa đựng luận chứng chín muồi của ông về quốc vương quyền lực tuyệt dối.
    LEVIATHAN
    Cuốn Leviathan ra đời được quan nhiếp chính Oliver Cromwell lúc bấy giờ hoan nghênh vì phương cách mà luận chứng của nó sử dụng để biện minh cho bất kỳ quyền hành chính trị trong thực tế ngay cả khi quyền hành đó có được bằng sự phản loạn. Do dó, Hobbes được trở về tổ quốc, không như những nhà lưu vong bảo hoàng khác (họ phẫn nộ trước việc Hobbes hồi hương và coi như ông đã bán linh hồn cho chế độ thanh giáo mới. Trở về, ông tiếp tục triết lý trên những lãnh vực khác bên cạnh triết học chính trị, viết các tác phẩm triết học về luật, lịch sử, siêu hình học và tri thức luận (bao gồm bản thể luận, phương pháp khoa học và sự tự ý), và những đề tài trong khoa học và toán học (bao gồm quang học, hình học và sinh lý học con người. Sau khi Vua Charles II trở lại nắm quyền, Hobbes được đặc ân tiếp cận nhà vua thường xuyên vì sự thông minh tài tình của ông. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trên khắp đất nước, một mặt vì chủ nghĩa chuyên chế chính trị và siêu hình học duy vật của ông, mặt khác vì những quan điểm về ý chí tự do và tôn giáo của ông, mà nhiều người cho là có tính “duy mỹ'' và dị giáo.
    Luận chứng của Hobbes về quốc vương quyền lực tuyệt đối trong mọi trước tác chính trị đều sử dụng ý tưởng của một ''khế ước xã hội”, một ý tưởng cũng được các tư tưởng gia khác cùng thời với ông sử dụng nhưng Hobbes đã thay đổi hoàn toàn theo những đường hướng gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên tư tưởng chính trị của những triết gia đến sau như Locke, Rousseau và Kant. Theo Hobbes, hãy tưởng tượng một ''nhà nước tự nhiên'' hiện hữu trước khi hình thành tất cả hình thời chính quyền. Trong nhà nước này, hành vi con người sẽ không bị kiềm chế bởi luật lệ, và bởi vì Hobbes tin rằng, loài người phần lớn đều có tính tư lợi (quan tâm đến sự bảo toàn của riêng mình hơn mọi thứ khác), ông biện luận rằng, con người tất yếu sẽ đi đến chỗ xung đột nhau. Cho nên, ông nói, chẳng bao lâu sau, sẽ xảy ra một cuộc ''chiến tranh của tất cả chống lại tất cả, cho nên cuộc sống của mỗi người trong nhà nước tự nhiên này sẽ cô đơn, nghèo nàn, dơ dáy, vũ phu và thiếu thốn''. Để loại bỏ một cuộc chiến tranh như thế và thỏa mãn ước vọng bảo toàn của mình, Hobbes nói, con người sẽ phải dựa trên lý trí để giao ước với nhau tạo dựng một chính quyền do quốc vương nắm quyền lực tuyệt đối điều hành, bởi vì chỉ có quyền lực tuyệt đối mới đủ khả năng giải quyết những tranh chấp, mà nếu không sẽ dẫn đến xung đột làm tan rã khối thịnh vượng chung và đe dọa mạng sống của tất cả mọi người. Một luận chứng như thế phải cho thấy kiểu chính quyền mà con người đương thời chúng ta sẽ dựa trên lý trí để tạo ra và giữ gìn, đề phòng chúng ta rơi vào tình trạng chiến tranh tương tự như cuộc chiến tranh từng xảy ra trong nhà nước tự nhiên. Lưu ý là Hobbes không đòi hỏi quyền hành tối cao chỉ có dưới chế độ quân chủ chuyên chế: ông còn công nhận rằng, quyền hành tối cao có thể được trao cho một thiểu số người, tạo nên chế độ quả đầu hay tập đoàn trị, hoặc trao cho mọi người, để xây dựng chế độ dân chủ. Hobbes dứt khoát ủng hộ chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng ông cho rằng, hai hình thái chính quyền kia cũng có thể thành công. Theo ông, cái không thể tồn tại là một hình thái chính quyền ''hỗn hợp'' nào đó với những phân nhánh chính quyền khác nhau nắm giữ những quyền hành chính trị khác nhau, hoặc những chính quyền mà quyền lực phải bị giới hạn bởi hiến pháp hay bởi một khế ước giữa chính quyền và nhân dân. Nhưng giới hạn và phân quyền như thế - Hobbes nói - sẽ chỉ dẫn tôi xung đột không thể giải quyết được bởi quần chúng tư lợi, những người cho rằng, để có hoà bình phải có một chủ quyền tối cao thống nhất có khả năng quyết định mọi vấn đề có thể dẫn đến xung đột trong thể chế.
    Cách sử dụng luận chứng khế ước xã hội này của Hobbes phần lớn là do sự phản đối của ông đối với kiểu triết lý kinh viện của nhiều người đương thời và các vị tiền bối của ông, những người mà ông nghĩ rằng, quá thiên về đòi hỏi uy quyền hơn là lý trí, quá thiên về sử dụng các thuật ngữ vô nghĩa và trống rỗng (như “bản thể vô chất'' hay “thuyết đồng thể chất'' [cho rằng, máu và thịt Chúa Jesus có trong bánh mì và rượu thánh]. Do đó, Hobbes chuyển sang khoa học, đặc biệt là hình học, như người chỉ dẫn việc xây dựng một lý thuyết về cuộc sống đạo đức và chính trị của chúng ta. Xuất phát từ điều mà ông cho là những tiền đề vững chắc, Hobbes tìm cách thiết lập một luận chứng khế ước xã hội để rút ra, theo thể thức hình học, những kết luận vững chắc về đạo đức và chính trị theo cách bắt phải tán thành ngay cả đối với những kẻ lưỡng lự trước những kết luận như thế. Sự xác tín của Hobbes vào sức mạnh lý trí đưa chân lý vào những vấn đề đạo đức và chính trị đã biến ông thành một nhà tư tưởng của Thời kỳ ánh sáng, mặc dù, thật nực cười khi ông từng nghĩ rằng, chính vì lý tính trong bất kỳ cộng đồng người nào sẽ thất bại triền miên nên hòa bình phải được đảm bảo bằng cách trao cho nhà cai trị quyền lực tuyệt đối.
    Luận chứng của Hobbes có thể chấp nhận không? Để tạo ra một quốc vương chuyên chế, Hobbes nói rằng, mọi người phải đồng ý với nhau ''chuyển nhượng'' ''quyền hạn đối với mọi thứ'' của mình cho quốc vương, bằng cách ấy, họ ''giao quyền'' cho quốc vương cai trị cộng đồng này. Nhưng liệu những con người vốn hết sức bảo vệ quyền tự tôn của mình trên hết mọi thứ có thể tỉnh trí giao nộp mọi quyền hạn của mình cho người khác không? Không chút ngần ngại, Hobbes so sánh thần dân với nô lệ và quốc vương với chủ. Nhưng một ''tình trạng nô dịch'' chính trị tự nguyện như thế có hiện hữu thậm chí trong tâm lý đối với mọi người như Hobbes mô tả không?
    Tóm lại, đối với Hobbes, con người, về mặt lý trí, muốn được sống cuộc sống tự nhiên của mình trong hòa bình và an ninh. Để đạt được điều đó, họ phải cùng nhau đến những thành phố hay quốc gia có quy mô khả dĩ ngăn chặn được những cuộc tấn công của các cộng đồng người khác. Nhưng khi mọi người tụ họp với nhau trong một cộng đồng lớn như thế luôn luôn sẽ có một số người không thể tin cậy được, do đó cần phải thành lập một chính quyền có quyền lập pháp và thúc đẩy thi hành luật. Chính quyền này vừa có quyền hạn điều hành vừa có sức mạnh để thực thi việc đó từ sự đồng thuận của những người bị trị, phải coi sự an toàn là nhiệm vụ chủ yêu của mình. Chừng nào chính quyền còn đem lại sự an toàn này, các công dân buộc phải tuân thủ luật pháp của nhà nước trong mọi phương diện của đời sống. Như thế, lý tính của việc tìm kiếm sự an toàn lâu dài đòi hỏi tìm kiếm hòa bình; và đến lượt mình, nó đòi hỏi thiết lập một nhà nước có đủ sức mạnh để giữ gìn hoà bình. Bất kỳ điều gì đe dọa sự ổn định của nhà nước đều phải được ngăn chặn.
    Trong vấn đề thực hành, Hobbes rất coi trọng vấn đề Thượng Đế và tôn giáo, vì ông nghĩ rằng, Thượng Đế và tôn giáo đem đến những động cơ mạnh mẽ nhất cho hành động. Phân nửa cuốn Leviathan được dành để cố gắng chỉ ra rằng, những quan điểm đạo đức và chính trị của ông được Kinh thánh hỗ trợ, và để lật đổ những quan điểm tôn giáo có thể đưa đến nội chiến. Nhưng chấp nhận sự trung thực của những quan điểm tôn giáo của Hobbes không đòi hỏi phải nghĩ rằng, Hobbes coi Thượng Đế là nền tảng của đạo đức. Ông dứt khoát phủ nhận rằng, những người theo thuyết vô thần và các nhà hữu thân đều tuân theo những mệnh lệnh của Thượng Đế, nhưng ông không bao giờ phủ nhận rằng, họ đều tuân theo những luật lệ của tự nhiên hay của nhà nước dân sự. Một khi người ta công nhận rằng, đối với Hobbes, bản thân lý trí là người dẫn đường đến hạnh kiểm mà mọi người đều theo, thì tuyệt đối không cần có Thượng Đế. Vì trong lý thuyết đạo đức và chính trị của ông, không có gì Thượng Đế có thể làm mà lý trí không làm trước rồi.
    TÁC PHẨM CHÍNH
    De Cive (1642; Công dân)
    The Philosophical Rudiments of Covernment (1651; Những sơ luận triết lý về chính quyền).
    Leviathan (1660)
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org