Đôi nét về Hiến pháp

Posted on
  • Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018
  • by
  • Nặc danh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh


    1. Hiến pháp là gì
    Hiểu một cách đơn giản, hiến pháp là một tập hợp luật nền tảng (tối cao) quy định hình thức và tổ chức quyền lực của nhà nước, cũng như quan hệ giữa nhà nước với người dân.
    Nhìn chung, mọi quốc gia đều có một hiến pháp, mà từ đó mọi luật lệ khác phục tùng theo. Nếu một luật không phù hợp với hiến pháp, thì nó có thể bị tòa án tuyên bố là vi hiến và bị bãi bỏ.

    2. Phân loại hiến pháp
    Có nhiều cách phân chia hiến pháp, ở đây chúng ta tìm hiểu hai cách chính:
    -       Hiến pháp thành văn và hiến pháp bất thành văn
    o  Hiến pháp thành văn là hiến pháp được chứa đựng trong một văn bản cụ thể, như Hiến pháp Mỹ.
    o  Hiến pháp không thành văn là hiến pháp không được chưa đựng trong các văn bản như vậy, mà các tập tục truyền thống, thông lệ, án lệ..., như Hiến pháp Anh, vốn được hình thành từ Đại hiến chương Magna Carta 1215, Đạo luật về Quyền 1688/9; Đạo luật Quốc hội 1911, Đạo luật về sự thoái vị 1935, và các Đạo luật của Cộng đồng Châu Âu.
    -       Hiến pháp cương tính và hiến pháp nhu tính
    o  Hiến pháp cương tính là hiến pháp được sửa đổi, bổ sung theo một trình tự, thủ tục đặc biệt và khác hẳn với trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung các đạo luật thông thường. Ví dụ, để sửa đổi Hiến pháp Mỹ, thì đòi hỏi sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ trong cả hai viện Quốc hội cùng sự phê chuẩn 3/4 số bang của Mỹ.
    o  Hiến pháp nhu tính là hiến pháp có thể được sửa đổi, bổ sung theo thủ tục thông thường giống như các đạo luật khác.

    3. Về mặt hình thức, hiến pháp có bốn phần:
    -       Lời mở đầu: thường là tuyên bố về lịch sử, các sự kiện quan trọng của quốc gia, nguyện vọng của người dân.
    -       Các thiết chế của chính quyền: các thiết chế/cấu trúc chính của chính quyền, cùng với quyền lực và bổn phận của chúng. Thông thường bao gồm các thiết chế chính như hành pháp, lập pháp, tư pháp, và có thể bao gồm các thiết chế chính quyền địa phương.
    -       Các quyền căn bản: một danh sách các quyền dân sự và chính trị cùng các giới hạn đối với quyền lực của chính quyền. Đôi khi hiến pháp có thể bao gồm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
    -       Sửa đổi: quy định thủ tục sửa đổi hiến pháp.

    4. Bởi hiến pháp có vai trò rất quan trọng, nó cần được thiết kế làm sao để đảm bảo tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các phe nhóm, đảng phái trong xã hội. Nhìn chung, để đạt được điều này, hiến pháp thường phải bao gồm các nguyên tắc sau:
    a.    Pháp quyền: hiến pháp đảm bảo sự tối thượng của luật pháp, không ai đứng trên luật, đây là một trong những trụ cột của dân chủ.
    b.   Chuyển giao quyền lực: hiến pháp thiết kế cơ chế để đảm bảo sao cho quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình từ lãnh đạo/đảng này sang lãnh đạo/đảng kia.
    c.    Phân chia và đối trọng: hiến pháp quy định rõ việc phân chia quyền lực thành các nhánh khác nhau, cũng như sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh, để ngăn chặn việc lạm quyền.
    d.   Quan hệ giữa chính quyền và người dân: hiến pháp thường bao gồm một Tuyên ngôn về các quyền, quy định rõ các quyền và trách nhiệm của người dân cùng giới hạn đối với quyền lực của chính quyền.
    e.    Trách nhiệm giải trình: chính phủ dân chủ chịu trách nhiệm với người dân, và hiến pháp thường quy định rõ cơ chế giải trình này – ai giải trình với ai, và giải trình như thế nào và khi nào.
    f.     Người phân xử cuối cùng: hiến pháp quy định ai là người phân xử cuối cùng về ý nghĩa của nó cùng cách nó được thay đổi.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org