Dân chủ hóa 7: Trường hợp Nga

Posted on
  • Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
  • by
  • nguyenminh
  • in
  • Nhãn:

  • Minh Anh dịch
    Lịch sử thời kỳ đầu của Nga với đầy các cuộc xâm lăng và thống trị từ các thế lực nước ngoài. Các bộ tộc Slavic nông nghiệp cư trú ở vùng thảo nguyên phía nam nước Nga liên tục bị các dân tộc Châu Á và Châu Âu xâm chiếm, khiến cho người Slavic bị phân chia thành ba nhánh, phía tây (Czechs, Slovaks và Poles), phía đông (Russians, Byelorussians and Ukrainians) và phía nam (Serbs, Croats, Bulgars).

    Nhà nước Slavic phía đông đầu tiên được thiết lập năm 862 bởi Rurik, người đã dẫn dắt một nhóm người Viking và thiết lập một khu định cư gần Moscow ngày nay, nơi mà ông tuyên bố mình là công tước. Sau đó con trai ông dời thủ đô của công quốc xuống phía nam tới thành phố Kiev. Dười thời vua Vladimir (980 – 1015), nhà nước Kiev thiết lập quan hệ với Đế chế Đông La Mã (Byzantium) và sử dụng Chính thống giáo là tôn giáo quốc gia, cũng như chữ viết Hilap làm cơ sở cho ngôn ngữ Đông Slavic.
    Sau khi công tước Yaroslavl (1054 – 1236) chết, nhà nước Kiev thống nhất được chia thành nhiều công quốc do các công tước khác nhau cai trị. Nổi tiếng nhất có lẽ là Alexander Nevsky, công tước của Novgorod, người trong một giai đoạn ngay trước khi Mông Cổ thôn tính Nga vào năm 1242 đã chiến thắng các công tước Đức vùng Baltic, những người đang muốn mở rộng ảnh hưởng của Công giáo La Mã sang Nga. Cùng năm đó Mông Cổ xâm lược và phá hủy nhà nước Kiev và khuất phục các công quốc Nga. Dưới sự thống trị của người Mông cổ (1242 – 1480), các nhà nước kiểu thành bang đơn lẻ bắt đầu phát triển.
    Hai nhà nước đáng chú ý nhất trong số đó là Moscow và Novgorod, với cái sau là trung tâm thương mại do một hội đồng được bầu chọn quản lý. Trong khi đó, Moscow nắm dưới sự cai trị của độc đoán của các Đại công tước. Vào năm 1380, Đại công tước của Moscow là Dmitri đã đánh bại người Mông cổ. Từ đó, quyền lực của Mông cổ dần suy yếu. Năm 1480, Ivan III tuyên bố ông là Tsar (Nga hoàng), tước hiệu Nga biểu tượng cho sự thống nhất của giáo hội và nhà nước, và phản ánh yêu sách của Đại công tước rằng Moscow là “Rome Thứ ba” (Sau Rome và Constantinople). Ông bao vây Novgorod và cuối cùng trục xuất người Mông cổ khỏi Moscow.
    Chiến thắng của Moscow đánh dấu bước khởi đầu của chế độ cai trị chuyên chế của Tsar. Tuy nhiên, cũng như ở Tây Âu, có một cuộc đấu tranh liên tục giữa giới quý tộc đất đai và Vua. Cuộc đấu tranh đó lên đến đỉnh điểm với sự kế vị của Ivan IV  - “Kẻ gây khiếp sợ” - vào năm 1547 ở tuổi 16. Lúc đầu, Ivan dựa chủ yếu vào một hội đồng địa chủ (Zemsky Sobor) trong việc đưa ra chính sách. Tuy nhiên, sau đó ông phá hủy Hội đồng và tuyên bố nhà nước Nga thuộc thẩm quyền của chính cá nhân ông. Từ năm 1565-1584, Tsar tiến hành cuộc thành lọc giới quý tộc, bắt giữ, trục xuất và tịch thu tài sản của họ, do đó vô hiệu hóa các mối đe dọa mà giới quý tộc có thể gây ra cho quyền lực cá nhân của ông.
    Sau một giai đoạn bất ổn sau cái chết của Fedor (người kế tục Ivan) từ năm 1598-1613, quyền lực tuyệt đối lại một lần nữa được cố kết vào trong tay một triều đại mới, Romanovs. Một trong những người nổi tiếng nhất trong các Tsar Romanovs là Peter I (1672 – 1725) người tuyên bố mình là Hoàng Đế, chinh phục các vùng đất mới ở phía tây và phía nam, cũng như tìm cách hiện đại hóa nước Nga. Peter giới thiệu nhiều cải cách chính trị và xã hội; thiết lập một bộ máy quan liêu dựa trên tài năng, cũng như giới thiệu việc treo thưởng địa vị quý tộc cho các cá nhân đã đóng góp phục vụ nhà nước. Chính sách này đã làm xói mòn hơn nữa địa vị của giới quý tộc và về cơ bản khiến giới quý tộc phục thuộc vào Vua. Ngoài ra, các cải cách của Peter không đến được với mọi bộ phận của nước Nga. Sau khi chết, Peter để lại một nước Nga chia rẽ giữa giữa một giới tinh hoa tây hóa, thường nói tiếng Pháp, với một giai cấp nông dân truyền thống.
    Sự củng cố của chế độ độc đoán và sự mở rộng của Đế chế Nga đã tạo ra những hệ quả đối với sự phát triển của bản sắc dân tộc Nga. Chất kết dính mà qua đó giữ đế chế lại với nhau, từ Balan ở phía Tây, Caucasus ở phía Nam, cho tới Siberia ở phía Đông, là lòng trung thành với Tsar, chứ không phải lòng trung thành với một cộng đồng quốc gia cụ thể nào. Chế độ Tsar phủ nhận dân tộc Nga có một bản sắc, thông qua sự phụ thuộc của nó với chế độ chuyên chế, một hình thức chính quyền trong đó xã hội không có vài trò gì, cũng như không được đại diện (cho việc cai trị).
    Về sự phát triển kinh tế xã hội của Đế chế Nga vào đầu thế kỷ XIX, xã hội Nga được tổ chức tương tự chế độ phong kiến phổ biến ở Tây Âu thời Trung cổ. Gần 80% người dân là nông nô, hay nông dân song bị ràng buộc về mặt pháp lý với đất đai và có thể bị mua bán cùng với đất đai. Nông nô có địa vị không khá hơn nô lệ là mấy. Dù tồn tại từ lâu trước đó, song chế độ nông nô đã được chính thức hóa bởi sắc lệnh của nhà nước vào năm 1649, ràng buộc nông dân vào đất để ngăn chặn khả năng di cư của nông dân phía đông tới Siberia khi đế chế chinh phục những vùng đất mới.
    Do đó, vào đầu thế kỷ XIX, Nga chưa phát triển một cảm quan mạnh về bản sắc dân tộc. Hơn nữa, chế độ phong kiến hầu như không có nhiều biến đổi, với việc người nông dân chiếm phần lớn dân số. Với sự phục thuộc của giới quý tộc vào nhà nước, không có xã hội dân sự hay lực lượng nào xuất hiện để có thể kiểm soát lại các hành động tùy tiện của vua, và vì vậy bản chất của nhà nước (lúc này) bác bỏ quan niệm về giải trình trách nhiệm (của người cai trị với người dân). Nhìn chung, Nga đại diện cho một cực đối lập với hoàn cảnh đã phát triển ở Anh.
    Tuy nhiên, hiện đại hóa đã đến với Nga. Quân đội Nga là một bộ phận quan trọng trong việc đánh bại Napoleon, và các thành viên chủ chốt của nó tham gia chiếm đóng Pháp sau thất bại của Napoleon. Nhiều quan chức trẻ được tiếp xúc với các nguyên tắc của Cách mạng Pháp, và khi trở lại Nga, đã tiến hành âm mưu lật đổ chế độ chuyên chế. Tháng 12/1825, ngay sau cái chế của Alexander I, một nhóm quan chức Nga đã nỗ lực đảo chính chống lại Tsar mới là Nicholas I (1825 –1855). Cuộc cách mạng nhanh chóng bị đàn áp và những người cầm đầu bị xử tử hoặc trục xuất tới Siberia. Tuy nhiên, dù sự đàn áp gia tăng sau cách mạng, các ý tưởng cách mạng vẫn được phổ biến rộng rãi.
    Hệ quả của Chiến tranh Crimean (1835-1856) thấy rõ trên toàn bộ đất Nga, và sự thất bại sau đó của nó trước Anh, Pháp và Thổ, đã thúc đẩy nhu cầu cải cách và hiện đại hóa Nga. Đối với nhiều người trong chính quyền Alexander II, người kế nhiệm Nicholas I vào năm 1855, thì sự thất bại là do sự lạc hậu về kinh tế và quân sự của Nga. Để thúc đẩy hiện đại hóa kinh tế, Alexander II đề ra một sắc lệnh giải phóng nông nô vào năm 1861, và tiến hành các cải cách chính trị giới hạn. Dù Alexander bị ám sát vào năm 1881, dẫn tới sự đàn áp những người bất đồng bởi Alexander III, trong những năm 1880, Nga bắt đầu một chương trình công nghiệp hóa nhanh chóng thông qua việc sử dụng tư bản nhà nước. Kiến trúc sư của chương trình công nghiệp hóa Nga là bộ trưởng tài chính Sergei Witte, người tiến hành mở rộng mạng lưới đường sắt và xây dựng công nghiệp nặng.
    Công nghiệp hóa cũng tạo ra các tầng lớp xã hội mới vào cuối thế kỷ XIX, giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản, dù số lượng của họ vẫn còn hạn chế. Công nghiệp hóa cũng góp phần làm suy yếu cơ sở giai cấp của chế độ độc tài Nga và tạo ra sự nhấn mạnh lớn hơn vào xã hội Nga. Gánh nặng thuế đối với nông dân tạo ra sự bất mãn lớn hơn chống lại trật tự hiện hành ở vùng quê; trong khi đó, giai cấp vô sản sống và làm việc trong điều kiện bẩn thỉu ở thành phố. Hoàn cảnh lên đến đỉnh điểm khi vào 9/01/1905 (ngày chủ nhật đẫm máu), các binh sĩ đã bắn vào cuộc tuần hành của công nhân khi họ mang một danh sách yêu cầu tới cho Tsar Nicholas II ở St Petersburg. Hàng trăm người bị giết. Sự kiện này khởi đầu cho một cuộc cách mạng, mà Tsar phải rất khó khăn mới có thể dập tắt. Cách mạng 1905 buộc Nicholas II chấp nhận cải cách, bao gồm thiết lập một nghị viện (Duma), cũng như hứa hẹn về một hiến pháp, các cuộc bầu cử tự do và bảo vệ các quyền dân sự. Tuy nhiên, Tsar giữ quyền lực tuyệt đối có thể phủ quyết Duma và bãi bỏ Duma tùy ý, và khi giận giữ cách mạng chìm xuống, ông cũng chối bỏ lời hứa về một hiến pháp cùng sự bảo vệ các quyền dân sự.
    Cho rằng có quá nhiều thành phần cách mạng đại diện trong Duma đầu tiên (1906), Tsar giải tán nó vào tháng 7. Duma thứ hai được bầu vào tháng 3/1907, song thậm chí còn cấp tiến hơn Duma đầu và bị giải tán ngay sau khi đó. Năm 1907, chính quyền Tsar thay đổi luật bầu cử có lợi cho tầng lớp giàu có. Duma thứ ba, vốn được bầu vào cuối năm 1907, và phục vụ trọn nhiệm kì cho đến năm 1912, gồm các thành phần bảo thủ hơn về chính trị.
    Chiến tranh thế giới I đã tạo ra một thảm họa cho Đế chế Nga. Các lực lượng Nga chịu một loạt các thất bại nặng nề trên chiến trường, và vào cuối năm1916, do tác động của chiến tranh, nền kinh tế hoàn toàn sụp đổ. Vào tháng 2/1917, Tsar bị buộc thoái vị và được thay thế sau đó bởi em ông là Mikhail. Mikhail cũng bị buộc  thoái vị và được thay thế bởi một chính phủ lâm thời bao gồm một liên minh các đảng dân chủ trung tâm trong Duma. Chính phủ lâm thời này một lần nữa bị lật đổ trong một cuộc đảo chính được lãnh đạo bởi Vladimir Ilych Lenin vào tháng 10, Lenin tuyên bố sự độc tài của giai cấp vô sản và công nhân. Sau nội chiến kéo dài (1917-1922), Lãnh đạo Đảng Cộng sản tuyên bố thiết lập Liên Xô và giai đoạn cai trị của cộng sản bắt đầu (1917-1990).
     (hết phần 7)
    Nguồn: John T. Ishiyama. Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org