Dân chủ hóa 6: Trường hợp Nhật Bản

Posted on
  • Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
  • by
  • nguyenminh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh dịch
    Lịch sử Nhật Bản không phải là lịch sử của sự xâm lăng hay chinh phạt, mà là lịch sử của nội chiến và biệt lập quốc tế. Sau khi thiết lập một nhà nước Nhật thống nhất (gọi là nhà nước Yamato) vào khoảng thế kỷ III tới thế kỷ V sau CN, chế độ quân chủ tập trung được áp dụng, cùng với đó Phật Giáo được giới thiệu, và hệ thống chính trị về cơ bản dựa trên mô hình của Trung Quốc. Sau sự sụp đổ của vương quốc Baekje (660 sau CN) thành các vương quốc đối nghịch trên bán đảo Triều Tiên, mà những người cai trị Yamato trước đó duy trì mối quan hệ gần gũi và thông qua nó tiếp xúc với văn hóa và kĩ nghệ của Trung Quốc, thì chính quyền Yamato đã trực tiếp gửi các đại sứ tới triều đình Trung Quốc. Thông qua những sự tiếp xúc này, nhà nước Yamato tiếp thu  lịch, triết học và nhiều thực tiễn tôn giáo của Trung Quốc, bao gồm Khổng giáo và Đạo giáo.
    Giai đoạn Yamato này được theo sau bởi các giai đoạn kế tiếp thúc đẩy hơn nữa sự mở rộng và cố kết nhà nước Nhật như thời kỳ Nara (710-794) và thời kỳ Heian (794-1185), với thời kì sau thể hiện đỉnh cao về văn hóa và chính trị của nhà nước Nhật (thời sơ kỳ). Tuy nhiên, trong thời kỳ Heian, tầng lấp chiến binh (Samurai) ngày càng có ảnh hưởng trong triều đình. Cuối thế kỷ XII sau CN, tướng quân đội Minamoto no Yoritomo tóm lấy quyền lực từ hoàng đế và thiết lập chế độ bakufu, hay chế độ Shogunate (chế độ tướng quân cầm quyền).
    Từ đó cho đến thời kỳ khôi phục Minh trị vào giữa thế kỷ XIX, các hoàng đế chỉ còn là nhân vật tượng trưng, với ít quyền lực chính trị thực tế. Đổi lại, tước vụ Shogunate trở thành đối tượng tranh giành giữa các lãnh chúa phong kiến lớn, những người gây ra nhiều cuộc nội chiến trong nhiều thế kỷ để kiểm soát Shogunate. Vào thế kỷ XVI, Nhật Bản đã bị rơi vào giai đoạn nội chiến lan rộng và kéo dài, lên đến cực điểm là chiến thắng của phe Tokugawa ở phía Đông, và qua đó thiết lập triều đại tướng quân Tokugawa vào đầu thế kỷ XVII.
    Do đó, theo một nghĩa nào đó, tiến trình tập trung của nhà nước Nhật dưới thời Hoàng Đế, và sau đó dưới thời Shogunate, đã bị ngưng lại bởi sự phân rã Nhật thành các phe phái phong kiến đánh chiếm lẫn nhau. Ở mức độ rộng hơn, tiến trình phân rã này được củng cố thêm bởi sự biệt lập của Nhật Bản. Dù Nhật từng bị Mông Cổ xâm lăng vào năm 1274 và một lần nữa vào năm 1281 (cả hai lần bị đẩy lùi với sự hỗ trợ của những cơn bão lớn), và tướng quân Hideyoshi cũng từng có tham vọng bành trước quân sự qua việc xâm chiếm Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI, thì về cơ bản Nhật Bản, trong phần lớn lịch sử của mình, biệt lập với phần còn lại của Thế giới.
    Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khi không mối đe dọa thực sự từ bên ngoài, có ít khuyến khích cho sự phát triển của một nhà nước tập trung và quyền lực. Mọi sự chỉ thay đổi với sự xuất hiện mối đe dọa bên ngoài do người Bồ Đào Nha mang đến vào cuối thế kỷ XVI, khiến cho chính quyền Tokugawa nỗ lực thiết lập một nhà nước Nhật thống nhất (và biệt lập). Tuy nhiên, ngay cả sau đó, nhà nước vẫn không có được sự tập trung, và nó vẫn phụ thuộc nhiều vào sự phục tùng của các lãnh chúa để duy trì sự cai trị của mình.
    Đó là khi hai trong số những lãnh chúa này (Choshu và Satsuma) rời bỏ chính quyền Tokugawa, theo sau đó là sự xuất hiện của “Hạm đội Đen” của tư lệnh Mỹ Matthew Perry ở cảng Edo (nay là Tokyo), hay các phái đoán phương Tây yêu cầu tiếp cận với thương mại và lãnh thổ của Nhật, mới dẫn đến chấm dứt chế độ Tokugawa Shogunate, và “sự khôi phục” lại chế độ Hoàng đế vào năm 1868.
    Bản sắc quốc gia Nhật
    Ở một mức độ nào đó, dù sự biệt lập và sự đồng nhất cao về sắc tộc và ngôn ngữ, sự phát triển bản sắc quốc gia của Nhật là không hoàn chỉnh. Như Anthony Smith nhận xét, về mặt lịch sử, Nhật đối mặt với “các vấn đề về bản sắc, cả ở mức độ văn hóa lẫn chính trị”. Dù Nhật đã tiến hóa thành một nhà nước đồng nhất sắc tộc với chỉ một thiểu số nhỏ người Ainu (ở phía bắc) vào đầu thế kỷ XVII và dù bản sắc này được “bịt kín” bởi chính sách biệt lập của chính quyền Tokugawa, ý niệm về một cộng đồng chính trị chung là hầu như không tồn tại (ở Nhật).
    Việc xây dựng bản sắc quốc gia Nhật được dẫn dắt bởi những người chủ trương khôi phục lại chế độ Hoàng đế thời Minh trị năm 1868, chủ yếu từ phái Choshu và Satsuma, những người thay thế chế độ Shogunate cũ với một trật tự chính trị hoàng đế hiện đại. Để đạt được mục đích này, các lãnh đạo Minh trị sử dụng Khổng giáo, truyền thống nông dân, đặc biệt là sự trung thành với lãnh chúa và gia đình (trong đó Hoàng đế đại diện cho tất cả), cùng cộng đồng làng xã, để biến đổi một cộng đồng phân mảnh về kinh tế, thụ động về chính trị thành một cộng đồng chính trị gắn kết hơn, năng động và tập trung hơn về kinh tế, do đó tạo ra một bản sắc quốc gia cho Nhật Bản. Ở trung tâm của hệ thống này là sự tôn thờ Hoàng đế như biểu trưng của tất cả những gì thuộc về người Nhật. Do đó, trở thành thành viên của cộng đồng chính trị gắn liền với việc trung thành với Hoàng đế.
    Tuy nhiên, sự thất bại của Nhật trước phe Liên minh trong Chiến tranh thế giới II đã làm lung nay các nền tảng của bản sắc quốc gia Nhật. Thời kỳ sau chiến tranh chứng kiến sự quan tâm giữa giới trí thức và doanh nhân Nhật trong việc kiến tạo tính riêng biệt của Nhật cũng như tái định nghĩa bản sắc văn hóa của nó. Tuy nhiên, như Smith chỉ ra, ‘mức độ mà điều này có thể trở thành nền tảng bền vững và nhất quán cho bản sắc quốc gia của Nhật, cả về văn hóa lẫn chính trị, vẫn còn ở phía trước’. 
    Chế độ phong kiến Nhật
    Ở một mức độ nào đó, chế độ phong kiến Nhật khá giống với chế độ phong kiến của phương Tây. Ở đỉnh của trật tự chính trị là Shogun (tướng quân), chứ không phải Hoàng Đế, vốn chỉ một nhân vật tượng trưng. Thẩm quyền của Shogun tương tự với thẩm quyền của các ông vua chuyên chế cùng thời ở phương Tây. Trong giai đoạn Tokugawa, Shogun kiểm soát một phần tư đất nông nghiệp, và là nguồn thu chính để chi trả cho chư hầu.
    Tuy nhiên, chế độ Tokugawa không có sự kiểm soát hoàn toàn đối với trật tự phong kiến phân mảnh ở Nhật. Bên dưới Shogun là 200 lãnh chúa, những người có quyền đáng kể đối với đất đai mà họ quản lý. Bên dưới lãnh chúa là tầng lớp Samurai, những người có tài sản và quyền lợi khác nhau đáng kể. Thường họ được xem là người hầu của lãnh chúa, nhưng cũng có những samurai không có nghĩa vụ với một lãnh chúa nào.
    Tuy nhiên, nhìn chung để ngăn chặn sự bất ổn xảy ra với đất nước trong thời kì Samurai tự do, chế độ Tokugawa yêu cầu Samurai cam kết phục vụ lãnh chúa và nhận lương với tư cách người hầu cận. Tuy nhiên, nền hòa bìn dưới thời Tokugawa lấy đi chức năng thực sự của Samurai trong xã hội Nhật, và khi thời gian trôi đi, tầng lớp chiến binh này trở nên ngày càng bần cùng và cuối cùng trở thành lực lượng đối lập với chế độ Tokugawa trong thế kỷ XIX.
    Cũng như ở phương Tây, đó là sự đi lên của tầng lớp thương nhân đã dẫn đến làm xói mòn xã hội phong kiến. Nhìn chung, các lãnh chúa và Samurai phụ thuộc vào thương nhân để chuyển các sản phẩm nông nghiệp mà nông dân tạo ra thành tiền và cung cấp cho họ tiện nghi cuộc sống. Đổi lại, thương nhân phụ thuộc vào giới quý tộc chiến binh việc bảo vệ và đảm bảo về thương mại. Theo thời gian, cũng như ở phương Tây, giới quý tộc trở nên mắc nợ giới thương nhân, và vào cuối thời kỳ Tokugawa thương nhân trở thành thế lực quyền uy trong quan hệ phong kiến (với lãnh chúa).
    Thực vậy, vào cuối thời kỳ này, sự phát triển ngày càng tăng của thương mại ở Nhật đã dẫn đến việc phá hủy sự phân biệt cứng nhắc giữa Samurai và thương nhân. Nhiều gia đình Samurai quay sang buôn bán và trở thành thương nhân. Vào đầu thế kỷ XIX khoảng 1 trong 5 gia đình thương nhân lớn ở Nhật có nguồn gốc từ tầng lớp Samurai. Kì cùng, như Barrington Moore nhận xét, đó là sự xuất hiện của các mối đe dọa bên ngoài, cùng với “sự xói mòn một phần của kiến trúc phong kiến thông qua sự đi lên của thương mại, vốn một lần nữa do hòa bình và trật tự mang lại” đã dẫn đến việc lật đổ chế độ Tokugawa và sự khôi phục lại chế độ Hoàng Đế năm 1868.
    Tuy nhiên, trật tự cũ không hoàn toàn biến mất. Một phần những người cai trị trong chế độ Minh Trị tìm cách thu nạp tầng lớp lãnh chúa, trước tiên, bằng việc vạch ranh của đơn vị hành chính tương ứng với lãnh địa phong kiến cũ, sau đó, bổ nhiệm lãnh chúa vào các chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương và trung ương, và vào năm 1870 cung cấp lương (cho các lãnh chúa) để đổi lại việc họ từ bỏ lãnh địa.
    Tuy nhiên, chính quyền Minh Trị đối xử với đa số Samurai hoàn toàn khác, với việc cắt lương của họ chỉ còn một phần nhỏ so với thu nhập trước đó, coi thường họ, và cuối cùng đã dẫn đến cuộc nổi dậy của Samurai vào năm 1877. Dù sự đàn áp Samurai, truyền thống quân phiệt phong kiến vẫn được duy trì, tạo cơ sở cho quá trình công nghiệp hóa và quân sự hóa nhanh chóng sau đó.
    Theo cách hiểu này, sự sống sót của các truyền thống phong kiến cùng với một nhà nước quan liêu mạnh hình thành do áp lực từ mối đe dọa bên ngoài là đặc điểm chung của cả lịch sử Đức và Nhật. Nó phân biệt hai nước này với các nước Anh, Pháp, và Mỹ, nơi chế độ phong kiến trở nên lạc hậu, hay không tồn tại, và nơi mà công nghiệp hóa đã xảy ra dưới điều kiện dân chủ. Tương tự như Đức, sau cải cách Minh trị, Nhật nhanh chóng rơi vào chủ nghĩa quân phiệt, và nền dân chủ chỉ xuất hiện trở lại thông qua sự áp đặt bởi liên minh do Mỹ đứng đầu sau Chiến tranh thế giới II.
    (hết phần 6)
    Nguồn: John T. Ishiyama. Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org