Bầu cử 4: Phương pháp lá phiếu duy nhất không chuyển phiếu (SNTV)

Posted on
  • Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018
  • by
  • Nặc danh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh
    Phương pháp này về cơ bản tương tự phương pháp SMDP, song áp dụng cho đơn vị bầu cử nhiều đại diện. Cử tri cũng chỉ có một lá phiếu và bỏ cho một ứng viên duy nhất. Sự khác biệt nằm ở chỗ là trong phương pháp SMDP, cử tri chỉ bầu ra một người đại diện cho đơn vị bầu cử của mình, còn trong phương pháp SNTV thì cử tri sẽ bầu ra nhiều người đại diện.
    Mỗi đảng cạnh tranh trong một đơn vị bầu cử sẽ đưa ra một danh sách các ứng viên, và mỗi cử tri sẽ chỉ được quyền bầu cho một người trong số đó. Các ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất thì chiến thắng.
    Điều thú vị là các ứng viên trong phương pháp SNTV biết chính xác bao nhiêu phiếu họ cần để chiến thắng. Ví dụ, nếu đơn vị bầu cử có n ghế, thì bất cứ ứng viên A nào giành được hơn 1/(n+1)% số phiếu thì chắc chắn giành chiến thắng. Điều này là vì không thể có khả năng là tất cả n ứng viên còn lại sẽ giành được nhiều hơn số phiếu so với ứng viên A. Ví dụ, trong một đơn vị bầu cử với bốn người đại diện, ứng viên nào giành được hơn 1/(4+1) = 20% số phiếu thì chắc chắn chiến thắng.
    Phương pháp này từng được áp dụng cho bầu cử hạ viện Nhật Bản cho đến năm 1994, và Đài Loan cho đến năm 2005. Nó hiện cũng được sử dụng cho các cuộc bầu cử quốc hội ở Afghanistan, Jordan và Vanuatu.

    Ưu điểm
    Phương pháp này có ưu điểm sau:
    -       So với phương pháp SMDP thì nó tạo ra kết quả mang tính tỉ lệ hơn và qua đó giúp gia tăng sự hiện diện của các đảng nhỏ và các nhóm thiểu số trong quốc hội. Điều này là vì ứng viên từ các đảng nhỏ và các nhóm thiểu số có thể được bầu ngay cả khi họ không phải là lực lượng giành được nhiều phiếu nhất trong đơn vị bầu cử.
    Trong thực tế, một số nước áp dụng phương pháp này nhằm cải thiện tỉ lệ đại diện trong quốc hội của các nhóm thiểu số, và nhìn chung nó tạo ra kết quả có tính tỉ lệ hơn so với các phương pháp đa số khác, một điều mà khiến các học giả đi đến phân loại phương pháp này vào nhóm ‘bán tỉ lệ’ hơn là nhóm ‘đa số’.

    Nhược điểm
    Phương pháp này có một số nhược điểm sau:
    -       Thứ nhất, làm suy yếu đảng chính trị thông qua việc khuyến khích cho cạnh tranh và phe phái trong đảng. Đó là vì các ứng viên trong một đảng cạnh tranh không chỉ với các ứng viên từ các đảng khác trong đơn vị bầu cử mà còn cạnh tranh với chính ứng viên từ đảng của mình. Kết quả là các chiến dịch bầu cử thường tập trung vào chính ứng viên (đặc điểm cá nhân) hơn là vào sự khác biệt về chính sách, và các ứng viên dành nhiều thời gian hơn để phát triển danh tiếng cá nhân của mình (hơn là của đảng mà mình đại diện).
    -       Thứ hai, các ứng viên muốn đảm bảo đủ phần trăm số phiếu để tiếp tục thắng cử trong kì bầu cử kế tiếp sẽ có xu hướng phát triển các hệ thống bảo trợ, trong đó ứng viên sẽ mua chuộc cử tri bằng một số lợi ích nào đó. Hệ thống bảo trợ trở nên đặc biệt phổ biến khi ứng viên không cần giành nhiều phiếu để đảm bảo có ghế. Điều này đúng khi SNTV được dùng cho đơn vị bầu cử lớn với nhiều đại biểu.
    -       Thứ ba, có xu hướng làm lợi cho các đảng đương quyền và các đảng được tổ chức tốt. Như đã nói, SNTV khuyến khích sự phát triển hệ thống chính trị dựa trên các quan hệ bảo trợ và cá nhân. Các đảng đương quyền có ưu thế bởi vì họ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận với các nguồn lực nhà nước cũng như phân bổ các nguồn lực đó cho những người ủng hộ của mình.
    Còn các đảng được tổ chức tốt không chỉ sẽ chuẩn bị tốt hơn trong việc đảm bảo rằng các lợi ích được phân phối cho cử tri của mình, mà còn có thể đối phó tốt hơn với những tình thế nan giải mà các đảng và cử tri phải đối mặt trong hệ thống bầu cử SNTV. Dù mọi đảng trong hệ thống SNTV muốn giành nhiều ghế nhất có thể trong các đơn vị bầu cử nhiều đại biểu, song họ không muốn đưa quá nhiều ứng viên khiến cho cử tri của họ phân tán lá phiếu cho các ứng viên đến mức mà không ứng viên nào, hoặc chỉ một vài ứng viên của đảng có thể thắng cử. Điều này khiến cho các đảng chính trị phải thận trọng trong việc lựa chọn số lượng ứng viên chạy đua cho mỗi đơn vị bầu cử.
    Tương tự, cử tri của mỗi đảng rất khó để biết ứng viên nào của đảng cần lá phiếu của họ nhất để mà bỏ cho anh ta; nếu họ bỏ lá phiếu của mình cho ứng viên mà đã đủ số phiếu để thắng cử, thì lá phiếu của họ bị lãng phí. Các đảng được tổ chức tốt thường có thể giải quyết những vấn đề này tốt hơn bởi vì họ có thể phối hợp giữ việc chỉ định và phân phối số phiếu của cử tri ủng hộ sao cho tối đa số ứng viên của đảng sẽ được bầu trong mỗi đơn vị bầu cử.
    -       Thứ tư, các ứng viên ít có khuyến khích để xây dựng liên minh rộng rãi bởi vì ứng viên trong phương pháp này có thể chiến thắng với chỉ một phần nhỏ số phiếu; và điều này cũng dẫn đến một hệ quả khác là các ứng viên không cần phải chừng mực trong thông điệp chính trị của mình, mà có thể đưa ra các tu từ cực đoan để thu hút một nhóm cử tri nào đó. Và điều này khiến cho nhiều người đi đến tin rằng hệ thống SNTV làm gia tăng khả năng bầu chọn lên những ứng viên cực đoan, điều có thể dẫn đến bất ổn cho hệ thống chính trị.

    Tài liệu tham khảo:
    -       Principles of Comparative Politics, Matt Golder và các tác giả.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org