XÃ HỘI DÂN SỰ

Posted on
  • Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • 1. Xã hội dân sự là gì
    Xã hội dân sự là một lĩnh vực của đời sống xã hội mang tính tự nguyện, tự chủ, tự trị, và tuân thủ trật tự pháp lý.
    -         Các hoạt động xã hội dân sự đến từ sự tự nguyện của người dân. Nếu người dân bị buộc tham gia vào các tổ chức hay các hoạt động không theo ý nguyện của họ, hoặc không dựa trên sự cân nhắc độc lập của họ, thì các hoạt động như vậy không thuộc về xã hội dân sự.
    -         Tự chủ thể hiện ở sự độc lập về tài chính, thông qua việc các tổ chức xã hội dân sự huy động nguồn lực của mình từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như đảm bảo nguyên tắc rằng người cung cấp tài chính không can thiệp vào chính sách của tổ chức.
    -         Tự trị thể hiện ở việc các tổ chức xã hội dân sự tự thiết lập chương trình của chính mình; không bị kiểm soát, chi phối hoặc bị huy động bởi nhà nước hay đảng phái chính trị.
    -         Hoạt động của xã hội dân sự tuân thủ trật tự pháp lý. Đôi khi các hoạt động xã hội dân sự có thể bất tuân luật pháp khi thấy rằng luật pháp đó bất công. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tôn trọng tinh thần dân chủ và pháp quyền.

    2. Các đặc điểm của xã hội dân sự
    Sau đây là một số đặc điểm của xã hội dân sự:
    -         Liên quan đến các mục đích công hơn là các mục đích tư.
    o   Một nhóm hình thành vì các mục đích như thể thao, cầu nguyện sẽ không được xếp vào xã hội dân sự; tuy nhiên nếu chúng hướng đến các hoạt động nhằm giả quyết các vấn đề xã hội như môi trường, nghèo đói thì được coi thuộc về xã hội dân sự.
    -         Liên quan với nhà nước, song không theo đổi quyền lực nhà nước.
    o   Các tổ chức xã hội dân sự có thể theo dõi, giám sát nhà nước, và yêu cầu nó giải trình, nhưng không tìm cách giành lấy quyền lực nhà nước. Nếu nó làm như vậy thì nó đang thuộc về một lĩnh vực khác, giống như đảng chính trị thuộc về, đó là xã hội chính trị
    -         Tôn trọng sự đa nguyên và đa dạng
    o   Đa nguyên và đa dạng về chính trị và xã hội là nền tảng của xã hội tự do; mọi phong trào, tổ chức được quyền theo đuổi các ý tưởng của mình.
    -         Chấp nhận vai trò bộ phận
    o   Không nhóm nào trong xã hội dân sự tìm cách đại diện cho toàn bộ lợi ích của cộng đồng. Thay vào đó, các nhóm đại diện cho các lợi ích khác nhau.

    3. Các tổ chức xã hội dân sự trong các lĩnh vực khác nhau
    -         Kinh tế: (các hiệp hội và mạng lưới sản suất, thương mại)
    -         Văn hóa (các thiết chế và hội đoàn về tôn giáo, sắc tộc..bảo vệ các quyền, giá trị, niềm tin, và biểu tượng chung)
    -         Thông tin và giáo dục (sản suất và phổ biến tri thức, ý tưởng, tin tức..)
    -         Phát triển(các tổ chức kết hợp các nguồn lực cá nhân để cải thiện đời sống cộng đồng)
    -         Hướng đến các vấn đề cụ thể (phong trào bảo vệ môi trường, các quyền phụ nữ, cách cách đất đai, hay bảo vệ người tiêu dùng)
    -         Dân sự (tìm cách cải tiến hệ thống chính trị, làm cho nó trở nên dân chủ hơn thông qua giám sát nhân quyền, giáo dục cử tri, huy động, giám sát bầu cử, chống tham nhũng...).

    4. Các mô hình quan hệ giữa xã hội – nhà nước
    a. Hệ thống dân chủ
    -         Nhà nước (state)
    o   Nhà nước trong hệ thống dân chủ có thể có quy mô và phạm vi khác nhau, tuy nhiên nhìn chung đó là một nhà nước giới hạn (trong một số chức năng và quyền hạn nhất định).
    o   Nhà nước không kiểm soát hoặc hợp nhất vào trong mình một số lượng lớn các tổ chức xã hội khác nhau.
    -         Xã hội chính trị (Political Society)
    o   Xung quanh nhà nước là một lĩnh vực của các hoạt động có tổ chức được gọi là xã hội chính trị; bao gồm các đảng chính trị, các tổ chức chiến dịch, các nhóm hỗ trợ chính trị cho các ứng viên và các cá nhân.
    o   Đặc trưng chung của các tổ chức và hoạt động trong xã hội chính trị là tìm cách kiểm soát nhà nước. Các đảng và tổ chức khác nhau sẽ cạnh tranh định kì qua các cuộc bầu cử để kiểm soát nhà nước.
    -         Xã hội dân sự (Civil Society)
    o   Ngoài xã hội chính trị là xã hội dân sự, đây là lĩnh vực đời sống đa nguyên và có tổ chức, tìm cách đại diện cho các lợi ích khác nhau, buộc chính quyền chịu trách nhiệm, thực hiện các hoạt động chung nhằm cải thiện đời sống của cộng đồng.
    o   Xã hội dân sự bao gồm không chỉ các tổ chức, mà còn cả truyền thông đại chúng (mass media), các hoạt động văn hóa (cultural activities), đời sống tư tưởng (intellectual life), cũng như các NGOs, các nhóm lợi ích.
    -         Đời sống cá nhân (Parochial Society)
    o   Có một lĩnh vực đời sống rộng hơn (xã hội dân sự), nơi cá nhân rút lui khỏi chính trị và các hoạt đông chính trị, nơi mà mọi người gắn kết với nhau trong gia đình, trong các hoạt động riêng tư hướng nội, trong các câu lại bộ thể thao, giải trí.
    -         Đời sống kinh tế (Economic Society)
    o   Đó là lĩnh vực trong đó các công ty, các doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích kinh doanh; tương tự như vậy với các nghiệp đoàn, vốn là các nhóm không phải tìm cách cải thiện xã hội nhưng chỉ tìm cách đòi hỏi lương cao hơn và điều kiện lao đông tốt hơn cho các thành viên của họ.
    Nhìn chung, các tổ chức trong thực tế có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ nghiệp đoàn.
    -         Nếu nó đơn thuần hoạt động bảo vệ quyền lợi của công nhân thông qua đối thoại với các công ty, thì nó đang hoạt động trong lĩnh vực đời sống kinh tế.
    -         Nếu nó vận động cho những bộ luật mà có thể cải thiện điều kiện lao động, nâng lương tối thiểu, thì nó đang hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự.
    -         Nếu nó ủng hộ cho một đảng chính trị, và sử dụng nguồn lực của mình để huy động các thành viên bỏ phiếu cho một đảng hay một ứng viên, thì nó đang hoạt động trong lĩnh vực xã hội chính trị.
    Có một số nhóm hoạt động tương tự như các nhóm xã hội dân sự, song không được xếp vào xã hội dân sự, đó là các nhóm phản dân sự; chẳng hạn các nhóm khủng bố, các nhóm cực đoan, hay các nhóm bất dung.
    Tương tự như vậy, có một số nhóm trong lĩnh vực kinh tế, song không chấp nhận các chuẩn mực của một nền kinh tế mở và minh bạch; và luôn tìm cách vi phạm các nguyên tắc dân chủ pháp quyền, đó là các tổ chức mafia.

    b. Hệ thống độc tài
    Đây là hệ thống phổ biến trên thế giới hiện nay, là mô hình chung cho các dạng độc tài khác nhau.

    Trong hệ thống độc tài, một đảng kiểm soát nhà nước, và đảng và nhà nước hợp làm một. Không có một xã hội chính trị như trong hệ thống dân chủ, nơi mà đa dạng các đảng phái cạnh tranh cho quyền lực nhà nước. Xung quanh nhà nước – đảng (Party - State), là đa dạng các tổ chức do nhà nước kiểm soát.


    Trong hệ thống độc tài, không hẳn xã hội dân sự hoàn toàn bị cấm đoán; xã hội dân sự vẫn được phép tồn tại, dù tương đối nhỏ. Các tổ chức dân sự thuộc nhóm được phép hoạt động, đa phần hoạt động trong các lĩnh vực không nhạy cảm, không thách thức quyền lực của nhà nước.

    Bên cạnh đó, thường có một khu vực xã hội dân sự ngầm (underground), gồm các nhóm phê phán chính quyền. Họ phải hoạt động ngầm bởi nhà nước có thể đàn áp, bỏ tù họ.


    Trong nhiều chế độ độc tài, hệ thống kinh tế bị chi phối và kiểm soát bởi nhà nước. Điều này thể hiện ở tỷ lệ lớn của các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trong nền kinh tế.

    c. Hệ thống toàn trị
    Hệ thống này từng tồn tại ở các nước Phát xít và Cộng sản, song ngày nay còn tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Một số nước cộng sản khác tiếp tục tồn tại như Trung Quốc hiện có mức độ cởi mở hơn, do đó phù hợp hơn với hệ thống độc tài.


    Trong hệ thống này, đảng – nhà nước rất lớn, bao gồm một lượng lớn người dân trong nhà nước, kiểm soát hầu hết các nguồn lực trong xã hội.


    Xung quanh đảng là một lĩnh vực đời sống có tổ chức song hoàn toàn không có chút độc lập nào, đều do nhà nước kiểm soát:
    -         Thương mại không tự trị, mà do nhà nước sở hữu và kiểm soát, và phụ vụ nhà nước.
    -         Nhà thờ phải chấp nhận bị kiểm soát bởi nhà nước nếu muốn tồn tại.
    -         Truyền thông đại chúng, truyền hình, đài báo hoàn toàn do nhà nước kiểm soát và kiểm duyêt.
    -         Các trường đại học, đời sống tư tưởng, bị chi phối bởi ý thức hệ và phụ vụ cho việc tuyên truyền ý thức hệ.


    Trong một hệ thống với sự kiểm soát bằng nỗi sợ hãi trên diện rộng của nhà nước – đảng, mọi người phải tuân phục, không được hoài nghi, và thậm chi không được biểu lộ tình cảm thực của mình do sợ bị phát hiện và trừng phạt. Đời sống tư như đời sống gia đình, giải trí cũng bị chi phối và kiểm soát bởi nhà nước.

    5. Các chức năng của xã hội dân sự
    Sau đây là 11 chức năng cơ bản của xã hội dân sự theo Larry Diamond:
    -         Vai trò đầu tiên và cơ bản nhất của xã hội dân sự là để hạn chế và kiểm soát quyền lực của nhà nước. Khi một quốc gia đang nổi lên từ nhiều thập kỷ của chế độ độc tài, thì cần phải tìm cách để kiểm tra, theo dõi, và kiềm chế quyền lực của các lãnh đạo chính trị và quan chức nhà nước.
    Xã hội dân sự giám sát cách thức các quan chức nhà nước sử dụng quyền hạn của mình, nâng cao mối quan tâm của công chúng về sự lạm dụng quyền lực; vận động hành lang cho việc truy cập thông tin, bao gồm cả quyền tự do về pháp luật thông tin và các quy tắc và thiết chế kiểm soát tham nhũng.
    -         Chức năng quan trọng thứ hai của xã hội dân sự: phơi bày các hành vi tham nhũng của các quan chức công cộng và vận động hành lang cho các cải cách quản trị tốt. Ngay cả khi luật pháp và các cơ quan chống tham nhũng tồn tại, họ không thể hoạt động hiệu quả mà không có sự hỗ trợ tích cực và sự tham gia của xã hội dân sự.
    -         Một chức năng thứ ba của xã hội dân sự là thúc đẩy sự tham gia chính trị. Các tổ chức phi chính phủ có thể làm điều này bằng cách giáo dục người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là những công dân dân chủ, và khuyến khích họ lắng nghe các chiến dịch vận động bầu cử và bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể giúp phát triển các kỹ năng của công dân về làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề chung, để thảo luận các vấn đề công cộng, và bày tỏ quan điểm của họ.
    -         Thứ tư, các tổ chức xã hội dân sự có thể giúp phát triển các giá trị khác của cuộc sống dân chủ: khoan dung, hòa giải, thỏa hiệp, và tôn trọng các quan điểm đối lập. Nếu không có một văn hóa sâu sắc về hòa giải thì nền dân chủ không thể ổn định được. Những giá trị này không thể đơn giản chỉ được giảng dạy là xong, chúng còn phải được trải nghiệm thông qua thực hành. Chúng tôi có các tấm gương xuất sắc về các tổ chức phi chính phủ từ các nước khác, đặc biệt là các nhóm phụ nữ đã gieo trồng các giá trị này trong thanh niên và người lớn thông qua nhiều chương trình thực hành tham gia và tranh luận khác nhau.
    -         Thứ năm, tổ chức xã hội dân sự cũng có thể giúp phát triển các chương trình giáo dục công dân dân chủ trong các trường học. Sau chế độ độc tài, cải cách toàn diện là cần thiết để sửa đổi chương trình giảng dạy, viết lại sách giáo khoa, và đào tạo lại giáo viên để giáo dục giới trẻ về tội ác của quá khứ và dạy cho họ các nguyên tắc và các giá trị của nền dân chủ. Đây là một nhiệm vụ quá quan trọng nên không thể chỉ dành cho các quan chức trong Bộ Giáo dục. Xã hội dân sự phải được tham gia như một đối tác xây dựng và ủng hộ việc đào tạo về dân chủ và nhân quyền.
    -         Thứ sáu, xã hội dân sự là một diễn đàn để thể hiện các lợi ích đa dạng, và một vai trò của các tổ chức xã hội dân sự là vận động nhằm phục vụ cho các nhu cầu và mối quan tâm của các thành viên của mình, phụ nữ, sinh viên, nông dân, người bảo vệ môi trường, công đoàn viên, luật sư, bác sĩ, v.v. Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm lợi ích có thể trình bày quan điểm của họ với quốc hội và hội đồng tỉnh, bằng cách liên lạc với các thành viên đơn lẻ và điều trần trước các ủy ban của quốc hội. Họ cũng có thể thiết lập một cuộc đối thoại với các Bộ của chính phủ và các cơ quan có liên quan để vận động cho lợi ích và mối quan tâm của họ. Và không chỉ những nhóm tháo vát và có tổ chức tốt, thì tiếng nói của họ mới được lắng nghe. Theo thời gian, các nhóm có lịch sử bị áp bức và đẩy ra ngoài rìa xã hội có thể tổ chức để khẳng định các quyền và bảo vệ lợi ích của họ nữa.
    -         Cách thứ bảy mà xã hội dân sự có thể củng cố dân chủ là cung cấp các hình thức mới về mối quan tâm và tình đoàn kết mà liên kết các hình thức cũ của các mối quan hệ về bộ tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, và các bản sắc khác. Dân chủ không thể ổn định nếu người ta liên kết với những người khác trong cùng một tôn giáo hoặc bản sắc. Khi những người thuộc các tôn giáo và bản sắc dân tộc khác nhau đến với nhau trên cơ sở lợi ích chung của họ với tư cách là phụ nữ, nghệ sĩ, bác sĩ, sinh viên, công nhân, nông dân, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền, nhà hoạt động môi trường, v.v., thì sinh hoạt dân sự trở nên phong phú hơn, đa tạp hơn, và khoan dung hơn.
    -         Thứ tám, xã hội dân sự có thể cung cấp sự đào tạo cho các nhà lãnh đạo chính trị trong tương lai. Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm khác có thể giúp xác định và đào tạo các kiểu lãnh đạo mới mà sẽ giải quyết các vấn đề cộng đồng quan trọng và có thể được tuyển chọn để ứng cử vào các chức vụ chính trị ở tất cả các cấp và phục vụ trong chính quyền tỉnh hay nội các quốc gia. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy xã hội dân sự là một vũ đài đặc biệt quan trọng để từ đó tuyển dụng và đào tạo các nữ lãnh đạo tương lai.
    -         Thứ chín, xã hội dân sự có thể giúp thông tin cho công chúng về các vấn đề công cộng quan trọng. Đây không chỉ là vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn là của các tổ chức phi chính phủ mà có thể cung cấp diễn đàn để tranh luận về chính sách công và phổ biến thông tin về các vấn đề trước Quốc hội mà có ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm khác nhau, hoặc của xã hội nói chung.
    -         Thứ mười, các tổ chức xã hội dân sự có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian và giúp đỡ để giải quyết xung đột. Ở các nước khác, các tổ chức phi chính phủ đã phát triển các chương trình chính thức để đào tạo các huấn luyện viên nhằm làm giảm xung đột chính trị và sắc tộc và dạy cho các nhóm về giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và hòa giải.
    -         Thứ mười một, các tổ chức xã hội dân sự có một vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động bầu cử. Điều này đòi hỏi một liên minh rộng rãi của các tổ chức, không có liên quan đến các đảng phái chính trị hoặc ứng cử viên, mà sẽ triển khai theo dõi, giám sát trung lập ở tất cả các điểm bỏ phiếu khác nhau để đảm bảo rằng bỏ phiếu và kiểm phiếu là hoàn toàn tự do, công bằng, hòa bình, và minh bạch. Rất khó để có được các cuộc bầu cử đáng tin cậy và công bằng trong một nền dân chủ mới, trừ khi các nhóm xã hội dân sự đóng vai trò này.
    Nguồn:
    -         Larry Diamond. In Search of Democracy
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org