VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC

Posted on
  • Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Nhà nước là thiết chế nắm giữ độc quyền quyền lực của xã hội và sử dụng nó để thực thi các công việc chung của xã hội. Tuy nhiên, cụ thể thì nhà nước được làm những gì, hay đâu là những gì nhà nước nên làm, những gì nhà nước nên để lại cho xã hội và người dân tự làm? Đây là những câu hỏi cực kì gây tranh cãi.
    Ngoại trừ những người vô chính phủ, vốn bác bỏ hoàn toàn nhà nước vì coi nó là một thiết chế xấu xa, thì tất cả các nhà tư tưởng chính trị đều coi nhà nước là cần thiết. Ngay cả các nhà xã hội chủ nghĩa cách mạng, vốn được truyền cảm hứng bởi Lê nin với khẩu hiệu ‘hãy đập bỏ nhà nước’, cũng chấp nhận sự cần thiết của một nhà nước vô sản tạm thời để có thể thúc đẩy quá trình chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản, dưới hình thức ‘độc tài của giai cấp vô sản’. Tuy nhiên, giữa họ có một sự bất đồng rất lớn về vai trò chính xác của nhà nước, và vì vậy về tương quan thích hợp giữa nhà nước và xã hội.
    Dưới đây chúng ta lần lượt đi tìm hiểu sáu quan điểm sau về vai trò của nhà nước:
    -         Nhà nước tối thiểu
    -         Nhà nước phát triển
    -         Nhà nước dân chủ xã hội
    -         Nhà nước tập thể
    -         Nhà nước toàn trị
    -         Nhà nước tôn giáo

    Nhà nước tối thiểu
    Nhà nước tối thiểu là ý tưởng của các nhà tự do cổ điển, mà mục đích của họ là nhằm đảm bảo cho người dân được tự do nhất có thể. Quan điểm này bắt nguồn từ lý thuyết khế ước xã hội, nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc giới hạn hành vi của con người, qua đó ngăn không có người này xâm phạm đến quyền và tự do của người khác. Nhà nước đơn thuần là một thiết chế bảo vệ, với chức năng cốt lõi là cung cấp một khuân khổ cho hòa bình và trật tự mà qua đó người dân có thể sống nhưng mình mong muốn.
    Trong hình ảnh ẩn dụ của Locke, nhà nước (tối thiểu) làm việc như một người gác đêm, chỉ được nhờ đến khi trật tự bị đe dọa. Nhìn chung, nhà nước ‘tối thiểu’ hay nhà nước ‘gác đêm’ có ba chức năng cơ bản.
    -         Thứ nhất, duy trì trật tự trong nước.
    -         Thứ hai, củng cố các khế ước hay thỏa thuận tự nguyện giữa người dân với nhau.
    -         Thứ ba, bảo vệ chống lại sự tấn công từ bên ngoài.
    Do đó, bộ máy của nhà nước tối thiểu chỉ bao gồm một lực lượng cảnh sát, một hệ thống tòa án, và một lực lượng quân đội. Các trách nhiệm khác về kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức .. thuộc về cá nhân, và do đó được để lại cho cá nhân và xã hội dân sự.
    Nhà nước tối thiểu được những người theo trường phái Cánh hữu Mới ủng hộ. Dựa trên các ý tưởng tự do thời kì đầu, đặc biệt là lý thuyết thị trường tự do, phái Cánh hữu Mới kêu gọi ‘thu hẹp phạm vi của nhà nước’. Trong trường hợp của nhà triết học chính trị Rober Nozick, thì điều này đồng nghĩa với việc quay trở lại với chủ nghĩa tự do của Locke, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ cho các quyền cá nhân, đặc biệt là quyền tư hữu. Còn đối với các nhà kinh tế học thị trường tự do như Friedrich von Hayek và Milton Friedman, sự can thiệp của nhà nước được xem như một ‘bàn tay chết chóc’ khi sẽ làm giảm bớt cạnh tranh, hiệu quả, và năng xuất. Vai trò của nhà nước chỉ là bảo vệ các quy tắc của thị trường tự do, và thúc đẩy cạnh tranh.

    Nhà nước phát triển
    Ví dụ nổi tiếng nhất về nhà nước tối thiểu là các nhà nước ở như Anh, Mỹ trong giai đoạn công nghiệp hóa thời kì đầu giữa thế kỉ 19.  Tuy nhiên, như một quy luật chung, với các nước tiến hành công nghiệp hóa sau đó, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế trở nên được mở rộng hơn rất nhiều. Chẳng hạn, ở Nhật và Đức, nhà nước đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy ‘phát triển’ ngay từ đầu, và hình thành cái gọi là nhà nước phát triển. Đó là một nhà nước can thiệp vào đời sống kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế. Điều này không có nghĩa là sẽ thay thế vai trò của thị trường bằng một hệ thống kế hoạch hóa ‘xã hội chủ nghĩa’, mà đúng hơn ở đây là đi xây dựng một mối quan hệ cộng tác giữa nhà nước và các thế lực kinh tế lớn, như các tập đoàn, và điều này thường được củng cố hơn nữa bởi các mục tiêu quốc gia.
    Ví dụ cổ điển về nhà nước phát triển là Nhật Bản. Trong thời kì Minh Trị (1868-1912), nhà nước Nhật thúc đẩy một quan hệ gần gũi với zaibutsu, các đế chế kinh doanh tư nhân do các gia đình kiểm soát, vốn chi phối nền kinh tế Nhật cho đến Chiến tranh Thế giới II. Từ năm 1945, vai trò phát triển của nhà nước Nhật được giao cho Bộ Công nghiệp và Thương mại (MITI), cơ quan mà, cùng với Ngân hàng Nhật Bản, chi phối các quyết định đầu tư tư nhân, cũng như định hướng cho nền kinh tế Nhật hướng tới trở thành một thế lực cạnh tranh toàn cầu.
    Một mô hình tương tự về can thiệp để thúc đẩy phát triển cũng xuất hiện ở Pháp, nơi mà các chính phủ từ cả cánh tả lẫn cánh hữu có xu hướng thừa nhận nhu cầu về kế hoạch kinh tế, và bộ máy hành chính thì được coi như người chăm nom cho các lợi ích quốc gia. Trong các nước như Áo, và ở một mức độ nào đó là Đức, sự phát triển kinh tế đạt được thông qua việc xây dựng một ‘nhà nước cộng tác’, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi giữa nhà nước và các thế lực kinh tế, như các doanh nghiệp lớn.

    Nhà nước dân chủ xã hội
    Trong khi nhà nước phát triển tiến hành can thiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế, thì nhà nước dân chủ xã hội can thiệp để mang về một cấu trúc xã hội phù hợp với các nguyên tắc như bình đẳng, công bằng xã hội. Trong các nước như Áo, Thụy Điển, sự can thiệp của nhà nược được hướng dẫn bởi cả các ưu tiên phát triển lẫn dân chủ xã hội.
    Cần lưu ý một điều, chủ nghĩa phát triển và dân chủ xã hội không luôn đi cùng nhau. Như Marquand chỉ ra, dù nhà nước Anh đã mở rộng rất nhiều vai trò của nó trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới II theo hướng dân chủ xã hội, như nó không phát triển theo hướng trở thành một nhà nước phát triển. Điều mấu chốt để hiểu nhà nước dân chủ xã hội là sự chuyển đổi từ một quan điểm ‘tiêu cực’ về nhà nước, với việc xem nhà nước chỉ như thiết chế bảo vệ, sang một quan điểm ‘tích cực’ về nhà nước, với việc xem nhà nước như một công cụ thúc đẩy tự do và công bằng. Nhà nước dân chủ xã hội là sự kết hợp lý tưởng của các nhà tự do hiện đại và các nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ.
    Thay vì đơn thuần bảo vệ trật tự, nhà nước dân chủ xã hội có vai trò tích cực hơn; đặc biệt trong việc điều chỉnh những bất công mà nền kinh tế thị trường tạo ra. Do đó, nó có xu hướng ít tập trung vào việc tạo ra sự thịnh vượng về của cải, mà tập trung nhiều hơn vào sự phân phối tài sản sao cho công bằng. Trong thực tế, điều này bao gồm nỗ lực giảm bớt nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Hai đặc trung của nhà nước dân chủ xã hội là chủ thuyết Keynes (trong kinh tế) và phúc lợi xã hội. Mục đích của các chính sách kinh tế theo trường phái Keynes là ‘quản lý’ hay ‘điều tiết’ chủ nghĩa tư bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng và công ăn việc làm đầy đủ. Dù điều này có thể bao gồm một bộ phận kế hoạch hóa, song chiến lược chính của chính sách kinh tế Keynes liên quan đến việc ‘quản lý cầu’ thông qua điều chỉnh chính sách tài chính, như chi tiêu công và thuế. Việc áp dụng các chính sách phúc lợi đã dẫn đến cái gọi là ‘nhà nước phúc lợi’, trong đó trách nhiệm của nhà nước được mở rộng để đảm bảo thịnh vượng cho người dân.

    Nhà nước tập thể
    Trong khi nhà nước phát triển và nhà nước dân chủ xã hội can thiệp vào đời sống kinh tế nhằm hướng dẫn hoặc hỗ trợ cho nền kinh tế tư nhân, thì nhà nước tập thể mang toàn bộ đời sống kinh tế vào dưới sự kiểm soát của nhà nước. Ví dụ nổi bật nhất về nhà nước này là các nhà nước cộng sản chính ở Liên Xô, Đông Âu. Những nhà nước này tìm cách loại bỏ hoàn toàn kinh doanh tư nhân, và thiết lập các ủy ban kế hoạch hóa để kế hoạch nền kinh tế. Cái gọi là ‘nền kinh tế mệnh lệnh’ được thiết lập, và được tổ chức thông qua một hệ thống ‘chỉ đạo’ nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan cao nhất của Đảng Cộng sản. Sự biện minh việc tập thể hóa đến từ việc chủ nghĩa xã hội đề cao công hữu hơn sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà nước để đạt được mục tiêu này cho thấy một quan điểm tích cực về vai trò của nhà nước so với quan điểm được trình bày trong các tác phẩm của Marx và Engels.
    Marx và Engels không loại trừ việc quốc hữu hóa; chẳng hạn, Engels thừa nhận rằng, trong ‘nền độc tài của giai cấp vô sản’, sự kiểm soát của nhà nước có thể được mở rộng để bao gồm các nhà máy, ngân hàng, giao thông...Tuy nhiên, họ cho rằng nhà nước vô sản chỉ là tạm thời, và nó sẽ tiêu biến khi đấu tranh giai cấp kết thúc. Trái lại, nhà nước tập thể ở Liên Xô trở nên lâu dài, và ngày càng trở nên quan liêu và quyền lực. Dưới thời Stalin, chủ nghĩa xã hội tương đương với chủ nghĩa nhà nước, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội được thể hiện ở việc mở rộng trách nhiệm và quyền lực của bộ máy nhà nước. Thực vậy, sau khi Khrushchev thông báo vào năm 1962 rằng nền độc tài của giai cấp vô sản đã kết thúc, giờ đây (sự mở rộng của) nhà nước được đồng nhất với chính lợi ích của ‘toàn thể người dân Liên Xô’.

    Nhà nước toàn trị
    Dạng mở rộng và cực đoan nhất của chính sách can thiệp được thể hiện trong nhà nước toàn trị. Bản chất của chủ nghĩa toàn trị nằm ở việc xây dựng một nhà nước bao gồm tất cả, ảnh hưởng của nó thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống con người. Nhà nước kiểm soát không chỉ nền kinh tế, mà còn giáo dục, văn hóa, tôn giáo, đời sống gia đình. Ví dụ nổi tiếng nhất về nhà nước toàn trị là nhà nước Đức thời Hitler, nhà nước Liên Xô thời Stalin, dù các nhà nước hiện đại như nhà nước Iraq thời Saddam Hussein có nhiều đặc điểm tương tự (hai nhà nước trên). Các trụ cột chính của các chế độ này là giám sát, khủng bố toàn diện, và một hệ thống nhằm kiểm soát và thao túng về ý thức hệ. Theo nghĩa này, nhà nước toàn trị xóa bỏ xã hội dân sự và loại bỏ ‘đời sống tư’ hoàn toàn. Đây là một mục tiêu mà chỉ những người phát xít, vốn muốn hòa tan bản sắc cá nhân vào trong xã hội, ủng hộ công khai. Đôi khi người ta cho rằng ý tưởng về nhà nước toàn trị của Mussolini đến từ niềm tin của Hegel về nhà nước như ‘cộng đồng đạo đức’; nó phản ánh chủ nghĩa vị tha và đồng cảm lẫn nhau của các thành viên. Từ viễn cảnh này, thúc đẩy văn minh rõ ràng liên quan với việc mở rộng nhà nước và các trách nhiệm của nó.

    Nhà nước tôn giáo
    Về mặt hình thức, nhà nước tôn giáo là một cái gì đó mâu thuẫn về mặt thuật ngữ. Nhà nước hiện đại ra đời chủ yếu thông qua chiến thắng của quyền lực dân sự đối với quyền lực tôn giáo; và tôn giáo ngày càng bị giới hạn trong lĩnh vực tư, với sự tách rời giữa nhà nước và giáo hội. Sự phát triển của chủ quyền nhà nước thường đi cùng với xu hướng thế tục hóa. Ở Mỹ, bản chất thế tục của nhà nước được quy định trong điều sửa đổi thứ nhất của hiến pháp, trong đó đảm bảo sự tự do tôn giáo của người dân.
    Tuy nhiên, giai đoạn từ những năm 1980 đã chứng kiến sự nổi lên của nhà nước tôn giáo, được thúc đẩy bởi trào lưu chính thống, bác bỏ sự phân chia công/tư và xem tôn giáo như cơ sở của chính trị. Thay vì xem chính trị như một cái gì đó suy đồi, thì các phong trào chính thống giáo tìm cách kiểm soát nhà nước và sử dụng nó như một công cụ để theo đuổi các mục tiêu tôn giáo, đạo đức, hay tinh thần. Điều này dễ thấy trong tiến trình ‘Hồi giáo hóa’ được giới thiệu ở Pakistan dưới thời tướng Zia-ul-Haq sau năm 1978, hay việc thiết lập ‘nhà nước Hồi giáo’ ở Iran sau cuộc cách mạng 1979. Dù, theo nghĩa chặt, các nhà nước tôn giáo được thành lập trên các nguyên tắc tôn giáo, hay trong mô hình của Iran, nhà nước chứa đựng các đặc trưng thần học rõ ràng, song trong phần đa các trường hợp khác, các chính phủ có khuynh hướng tôn giáo vận hành trong nền tảng của chủ nghĩa thế tục hợp hiến. Điều này dễ thấy cho trường hợp chính phủ của đảng AKP ở Thổ Nhĩ Kỳ, và từ năm 2012, chính phủ của Đảng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.

    Nguồn
    -         Andrew heywood. Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org