Trò chơi Dân chủ hóa

Posted on
  • Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Samuel P. Huntington
    Phạm Hồng Sơn dịch

    Các thành phần chính tham dự vào dân chủ hóa
    Qua khảo sát làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba, Huntington nhận thấy tham dự vào các tiến trình chuyển đổi chính trị phức tạp đó là rất nhiều các thành phần khác nhau với các mục tiêu khác nhau, vì quyền lực, vì dân chủ hay chống dân chủ và cả vì nhiều mục đích khác. Căn cứ vào thái độ của các thành phần đó trong tiến trình dân chủ hóa, Huntington đã khái quát thành năm (05) nhóm chính thuộc hai phía:
    1. Phía chính quyền độc tài: gồm ba (03) nhóm:
    -         Nhóm cứng đầu (standpatter) (1a);
    -         Nhóm cải cách theo hướng tự do (liberal refomer) (1b);
    -         Nhóm cải cách theo hướng dân chủ (democratic reformer) (1c).
    2. Phía đối lập với chính quyền độc tài: gồm hai (02) nhóm:
    -         Nhóm cực đoan kiểu cách mạng (revolutionary extremist) (2a);
    -         Nhóm dân chủ ôn hòa (democratic moderate) (2b).
    XU HƯỚNG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI DÂN CHỦ
    CHỐNG
    THUẬN LỢI
    CHỐNG
    Chính quyền độc tài
    Nhóm cải cách
    Nhóm cứng đầu (1a)
    Tự do hóa (1b)
    Dân chủ hóa (1c)
    Đối lập
    Nhóm cực đoan (2a)
    Nhóm dân chủ ôn hòa (2b)
    Các thành phần tham dự chính yếu đó, nói chung, có cả hai loại mục tiêu giống nhau và đối kháng lẫn nhau.
    -         Nhóm (1a) mâu thuẫn với cả (1b) và (1c) về vấn đề tự do hóa hoặc dân chủ hóa, nhưng cả ba đều có chung một mục tiêu là: chống, kìm giữ đối lập.
    -         Nhóm (2a) và (2b) cùng có mục tiêu là phản kháng chính quyền hiện tại, giành quyền lực nhưng bất đồng về cách thức tiến hành và mô hình chính quyền tương lai.
    -         Nhóm (1c) và (2a) có chung mục đích tạo dựng dân chủ nhưng chia rẽ về cách tiến hành, phí tổn và cơ cấu phân bổ quyền lực.
    -         Nhóm (1a) và (2a) đối kháng tuyệt đối về quyền lực nhưng lại có cùng thiên hướng muốn gây suy yếu các nhóm dân chủ và duy trì tình trạng đối đầu thái cực trong chính trị.
    Nhưng, thái độ và mục đích của các thành phần và cá nhân tham dự đều có thể biến đổi trong tiến trình, có thể tốt lên hay xấu đi cho dân chủ.
    Ba dạng chuyển đổi
    Tương quan sức mạnh giữa 05 nhóm kể trên sẽ quyết định tới dạng thức tiến trình dân chủ hóa.
    -         Nếu nhóm cứng đầu (1a) áp đảo trong chính quyền độc tài và nhóm cực đoan (2a) áp đảo phía đối lập, dân chủ hóa không thể xảy ra.
    -         Đương nhiên, khi nhóm dân chủ có lực lượng vượt trội cả trong chính quyền độc tài (1c) và phía đối lập (2b) thì dân chủ hóa sẽ rất thuận lợi.
    -         Khi nhóm dân chủ (2b) chỉ mạnh ở phía đối lập thì dân chủ hóa phụ thuộc vào các hoạt động gây tổn hại cho chính quyền độc tài và tăng cường sức mạnh của phía đối lập.
    -         Nếu nhóm dân chủ (1c) chỉ mạnh ở phía chính quyền thì tiến trình dân chủ hóa có khả năng phải đối mặt với các hoạt động nổi loạn có vũ trang và sẽ bị thụt lùi do nhóm cứng đầu (1a) trong chính quyền độc tài tiến hành lật đổ để khống chế toàn bộ chính quyền.
    Qua phân tích và quan sát sự tương tác giữa các nhóm kể trên, Huntington khái quát thành ba dạng thức dân chủ hóa sau đây:

    1. CHUYỂN HÓA (TRANSFORMATION
    Điểm cơ bản của dạng thức này là những người nằm trong chính quyền độc tài nắm vai trò điều khiển và quyết định tiến trình dân chủ hóa. Ba điều kiện cần cho dạng thức này:
    1.    Nhóm cải cách (1b và 1c) mạnh hơn nhóm cứng đầu (1a) trong nội bộ chính quyền.
    2.    Chính quyền độc tài mạnh hơn phía đối lập.
    3.    Nhóm ôn hòa (2b) mạnh hơn nhóm cực đoan (2a) ở phía đối lập.
    Dạng chuyển đổi chuyển hóa chiếm 16 trong số 35 chuyển đổi chế độ trong làn sóng dân chủ hóa lần ba. Các trường hợp điển hình: Tây Ban Nha, Brazil và Hungary.
    Chuyển hóa trong làn sóng dân chủ hóa lần ba thường diễn tiến qua năm (05) giai đoạn:
    1.1. Xuất hiện nhóm cải cách 
    Có 05 loại lãnh đạo (chính trị gia) có nhận thức cho rằng cần (hoặc tất yếu) phải chuyển động theo hướng dân chủ.
    -         Loại 1: Những lãnh đạo có nhận định rằng những phí tổn, thiệt hại để duy trì quyền lực – như khống chế, chính trị hóa quân đội, duy trì các liên minh ủng hộ, vật lộn với các nan đề (thường là kinh tế) và gia tăng trấn áp đối lập – đã đạt đến điểm cần phải tìm một lối thoát trong danh dự (Chile, Peru).
    -         Loại 2: Những lãnh đạo muốn giảm các nguy cơ, rủi ro cho bản thân một khi bị mất quyền lực. Tư tưởng chính của những người này là thà mất quyền còn hơn mất mạng.
    -         Loại 3: Những lãnh đạo dự đoán nhầm về thực thi dân chủ. Họ tin tưởng nếu tiến hành một số những cải cách theo hướng thực hiện (hoặc phục hồi) một số thủ tục dân chủ thực sự (như bầu cử tự do, công bằng) thì tính chính đáng và quyền lực (độc đoán) sẽ được củng cố. Nhưng thực tế không diễn ra như thế (Ấn Độ, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ).
    -         Loại 4: Những lãnh đạo tin rằng dân chủ hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước họ như tăng vị thế quốc tế cho quốc gia, giảm trừng phạt từ Hoa Kỳ hay từ quốc tế, tiếp cận được với các định chế tài chính quốc tế, được tham gia vào các tổ chức quốc tế, được tới Hoa Kỳ, vân vân.
    -         Loại 5: Những lãnh đạo tin rằng dân chủ là một dạng thức cầm quyền đúng đắn và đất nước họ đã tới lúc phải có một hệ thống chính trị dân chủ như các quốc gia dân chủ và được kính trọng khác trên thế giới (Tây Ban Nha, Brazil, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ).
    1.2. Nhóm cải cách nắm quyền 
    Đương nhiên, xuất hiện tư tưởng cải cách dân chủ hóa trong chính quyền chưa đủ, nhóm này cần phải có được thực quyền trong chính quyền độc tài. Bốn (4) cơ hội thường đưa tới việc nắm quyền của nhóm cải cách trong làn sóng thứ ba:
    -         Cơ hội 1: Chính các nhà độc tài khởi xướng bầu cử dân chủ thực sự và chấp nhận kết quả mà phần thắng thuộc về nhóm cải cách (Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile).
    -         Cơ hội 2: Cái chết của nhà độc tài sáng lập (hay kỳ cựu) vào đúng thời điểm thuận lợi cho nhóm cải cách lên nắm quyền. (Tây Ban Nha, Đài Loan, Liên Xô). Riêng Trung Quốc đã rất không may ở điểm này: Đặng Tiểu Bình chết quá muộn (năm 1997, chín năm sau sự kiện biểu tình đòi dân chủ kéo dài ở Thiên An Môn năm 1989.)
    -         Cơ hội 3: Bản thân hệ thống chính trị độc tài đã thiết lập cơ chế thay đổi quyền lực thường kỳ. Và một thay đổi thường lệ, hội thêm những điều kiện khác, đã đưa các nhà lãnh đạo cải cách lên nắm quyền áp đảo (Brazil, Mexico).
    -         Cơ hội 4: Các nhà cải cách hợp nhau lại để phế truất, bằng đảo chính hoặc qua kỹ thuật chính trị, nhà lãnh đạo cứng đầu để thế bằng người có tư tưởng vị dân chủ (Peru, Ecuador, Guatemala, Nigeria, Hungary, Bulgaria, Nam Phi).
    1.3. Sự thất bại của tự do hóa 
    Huntington nhận thấy một vấn đề cốt tử trong làn sóng dân chủ hóa lần ba là vai trò của những nhà cải cách (theo xu hướng) tự do và tính ổn định của thể chế độc tài đã được tự do hóa.
    -         Những nhà cải cách tự do đầu tiên thay thế những lãnh đạo cứng đầu thường chỉ tại vị ngắn ngủi và tiếp tục được thay thế bằng những nhà cải cách khác có thiên hướng mạnh hơn về dân chủ.
    -         Đa phần những nhà cải cách tự do chỉ muốn thay đổi chứ không muốn chấm dứt chế độ mà họ đã tham gia, cống hiến gần hết sự nghiệp vào đó. Họ thường chỉ muốn làm cho chế độ độc tài dễ được xã hội chấp nhận hơn và tiếp tục duy trì bản chất độc đoán.
    -         Quá trình tự do hóa đưa đến điểm, có thể gọi là điểm bế tắc vàng: Kích thích ước muốn dân chủ hóa mạnh hơn của xã hội và gia tăng ý muốn trấn áp tự do của một số thành phần có quyền. Bế tắc thường thể hiện bằng sự đụng độ, va chạm giữa một phía gia tăng các đòi hỏi, yêu cầu, yêu sách, phản kháng chính quyền và phía kia, các phản ứng đe dọa, sách nhiễu, gây hấn, trấn áp.
    -         Giai đoạn này có những tiến triển xấu đi và tốt lên (cho dân chủ) xen kẽ nhau.
    1.4. Khống chế nhóm cứng đầu 
    Bản thân nhóm cứng đầu trong chính quyền (1a) luôn có xu hướng bẻ gãy hoặc làm chậm quá trình chuyển đổi về phía dân chủ. Khi điểm bế tắc vàng xảy ra, xu hướng chống cải cách của nhóm cứng đầu càng mạnh hơn. Trước thách thức thoái lui này, nhóm cải cách thường phải thực hiện được các điểm sau:
    -         Tập trung quyền lực cho bộ phận lãnh đạo cao cấp có xu hướng cải cách.
    -         Thanh tẩy – đưa – các yếu tố cứng đầu ra khỏi các khu vực quan trọng (như chính phủ, quân đội, đảng cầm quyền,…) và thay thế ngay bằng những người ủng hộ cải cách. Việc thanh tẩy này được thực hiện qua nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm tinh tế: gây trung lập, trấn an, vận động, thỏa hiệp… sao cho không khích động ra những phản ứng thái quá, cũng như có thể gây được thêm rạn nứt trong giới cứng đầu.
    -         Một chiến thuật thường thấy trong các chế độ độc tài phi quân sự: các nhà cải cách tạo ra một tính “chính đáng hồi cố” (backward legitimacy) gần gũi với tính chính đáng trước đó để tạo ra cảm giác kế tục quá khứ nhằm đạt được sự đồng thuận từ mọi giới, ngoại trừ duy nhất nhóm đối lập cực đoan (2a), nhằm trấn an và bất hoạt nhóm cứng đầu trong chính quyền (1a).
    -         Những lãnh đạo cải cách thành công ở giai đoạn này thường là những người nhạy bén về chính trị, linh hoạt về đối pháp, vững vàng về dân chủ.
    1.5. Thu nạp đối lập 
    Một khi đã nắm được quyền và khống chế được nhóm cứng đầu, những lãnh đạo cải cách phải tăng tốc ngay tiến trình dân chủ hóa bằng việc tiếp xúc, tham vấn các lãnh đạo đối lập và các nhóm xã hội quan trọng để tiếp tục gia tăng sự đồng thuận, tôn tạo thêm cơ sở chính trị cũng như mở rộng thêm sự tham gia chính quyền cho phía đối lập.
    -         Các tiếp xúc, bàn thảo với phía đối lập (nói chung) có thể diễn ra dưới hình thức: công khai-ngầm (kín), chính thức-không chính thức.
    -         Những lãnh đạo cải cách thành công thường dùng áp lực gia tăng của các nhóm dân chủ (2b) để gây suy yếu nhóm cứng đầu (1a); dùng các đòi hỏi mạnh tay của nhóm cứng đầu (1a) và kỳ vọng được chia sẻ quyền lực để gia tăng sự ôn hòa ở phía đối lập.
    -         Tính ôn hòa và sự hợp tác của các nhóm đối lập dân chủ với nhóm lãnh đạo cải cách trong chính quyền có vai trò rất quan trọng cho chuyển hóa thành công.

    2. THAY THẾ-LẬT ĐỔ (REPLACEMENT)
    Điểm cơ bản của dạng chuyển đổi này là chính quyền độc tài không có các nhân tố cải cách hoặc họ hoàn toàn bị áp đảo bởi nhóm cứng đầu nhất quyết chống lại mọi thay đổi chế độ. Dân chủ hóa do đối lập xúc tiến, chính quyền suy yếu dẫn đến sụp đổ hoặc bị lật đổ. 
    Điều kiện cần cho thay thế-lật đổ xảy ra:
    1.    Phía đối lập tăng cường được sức mạnh.
    2.    Đồng thời, chính quyền độc tài bị suy yếu dần.
    Thay thế-lật đổ là dạng chuyển đổi ít thấy nhất trong làn sóng dân chủ hóa lần ba (tổng số có 06: Bồ Đào Nha, Philippines, Rumani, Đông Đức, Argentina, Hy Lạp). Càng hiếm thấy đối với các chế độ độc tài độc đảng (có 1/11) hay độc tài quân sự (2/16). Nhưng nhiều hơn đối với độc tài cá nhân (3/7).
    Thay thế-lật đổ thường có ba giai đoạn:
    1.    Xúc tiến các hoạt động để thay thế-lật đổ.
    2.    Thay thế-lật đổ.
    3.    Cạnh tranh giữa các nhóm đối lập hậu độc tài.
    Thay thế-lật đổ trong làn sóng dân chủ hóa lần ba có một số điểm quan trọng:
    -         Quân đội đóng vai trò chính yếu (5/6 trường hợp): khi quân đội rút sự ủng hộ, khi quân đội tiến hành chống đối chính quyền hoặc khi quân đội từ chối dùng vũ lực chống phe đối lập, chế độ độc tài đều sụp đổ.
    -         Các trường hợp quân đội không bắn vào người biểu tình chống chính quyền là những trường hợp quốc gia đã có độ phát triển kinh tế khá cao và phía đối lập đã huy động được sự ủng hộ rộng rãi thuộc nhiều thành phần xã hội.
    -         Điểm sụp đổ của chế độ độc tài thường là đỉnh điểm gặp nhau của sự bất hợp tác hoặc biến thành chống đối chính quyền, tham gia vào đối lập của rất nhiều yếu tố, thành phần (giới trung lưu, cộng đồng tôn giáo, sinh viên, giới doanh nhân cao cấp, trí thức tinh hoa, đối tác nước ngoài như Hoa Kỳ,…)
    -         Các lãnh đạo độc tài bị lật đổ thường có kết cục không có hậu.
    -         Thường có một khoảng trống quyền lực, ngắn dài tùy thuộc tình trạng riêng từng bối cảnh, sau khi chế độ độc tài sụp đổ.
    -         Không xuất hiện tính “chính đáng hồi cố” như trong chuyển hóa, thay vào đó là sự áp đảo của chủ trương dứt bỏ hoàn toàn với quá khứ.
    -         Số phận của dân chủ được định đoạt bởi tương quan sức mạnh giữa nhóm đối lập dân chủ ôn hòa với nhóm đối lập cực đoan phi dân chủ.

    HÓA THẾ (TRANSPLACEMENT) 
    Đặc trưng cơ bản của dạng chuyển đổi hóa thế là sự tương tác, phối hợp giữa nhóm cải cách (1b, 1c) phía chính quyền độc tài và nhóm ôn hòa phía đối lập (2b).
    Điều kiện cần cho hóa thế xảy ra:
    1.    Tương quan lực lượng giữa nhóm cải cách (1b, 1c) và nhóm cứng đầu (1a) trong chính quyền độc tài ở thế đưa tới khả năng chấp nhận đàm phán nhưng không chấp nhận chuyển đổi.
    2.    Nhóm ôn hòa (2b) chiếm thế áp đảo ở phía đối lập nhưng không đủ mạnh để lật đổ chính quyền.
    Đã có 11 hóa thế xảy ra trong tổng số 35 chuyển đổi của làn sóng dân chủ hóa lần ba. Các trường hợp điển hình: Ba Lan, Cộng hòa Tiệp Khắc, Nam Hàn, Nam Phi.
    Hóa thế thường trải qua một loạt gồm 04 giai đoạn liên tiếp và khác biệt:
    1.    Chính quyền độc tài thực hiện một số tự do hóa và bắt đầu bị mất dần quyền lực, quyền uy.
    2.    Đối lập tận dụng cơ hội kể trên để mở rộng sự ủng hộ và gia tăng hoạt động gây áp lực với kỳ vọng sớm thay thế-lật đổ được chính quyền.
    3.    Chính quyền phản ứng mạnh nhằm hạn chế, triệt hạ sự phát triển của đối lập. Căng thẳng, đụng độ giữa hai phía bùng nổ.
    4.    Cả hai phía, chính quyền độc tài và đối lập, đều nhận ra tình trạng bế tắc và bắt đầu thăm dò những khả năng chuyển đổi bằng đối thoại, đàm phán. (giai đoạn này có thể không xảy ra, khi: Sau một thay đổi về lãnh đạo, phía chính quyền đột ngột dùng cảnh sát và quân đội trấn áp tàn bạo đối lập; hoặc phía đối lập gia tăng được sức mạnh khiến chính quyền sụp đổ.
    Một số lưu ý khác trong hóa thế:
    -         Tương quan sức mạnh giữa đối lập và chính quyền ở mức khá tương đương tới mức khiến cho nguy cơ đụng độ, thảm họa dễ xảy ra hơn là khả năng đàm phán, thỏa hiệp.
    -         Trong chính quyền thường có những yếu tố vận động, gây áp lực giới lãnh đạo cao nhất hướng tới đối thoại với đối lập.
    -         Nhóm ôn hòa phía đối lập phải đủ mạnh để gây tin tưởng trong đàm phán.
    -         Đối lập dễ chấp nhận đàm phán hơn khi chính quyền không quá bạo lực và trong chính quyền có các nhân vật ủng hộ việc chia sẻ quyền lực. Phía chính quyền dễ đi đến đối thoại hơn nếu phía đối lập không dùng bạo lực và có các thành phần đã từng tham dự chính thức trong chính quyền.
    -         Các chiến dịch của đối lập trên đường phố, thực địa (biểu tình, bãi công, bãi khóa, tuần hành,…) có diễn tiến lên xuống, trồi sụt lặp lại và kéo dài tương ứng với các đối phó, trấn áp của chính quyền (phong tỏa, bạo hành, bắt bớ, thiết quân luật,…).
    -         Giai đoạn tiền đối thoại (đàm phán) gần như là bắt buộc phải xảy ra: đối lập chấp nhận thuyên giảm hoặc hứa từ bỏ một số loại hoạt động áp lực,…; chính quyền thả tù chính trị, công nhận tính chính đáng của một số nhóm (cá nhân) đối lập,…
    -         Đàm phán luôn có tính mong manh và cả hai bên đều gặp cùng một khó khăn: bị các nhóm khác trong phe mình phản đối đàm phán hoặc bác bỏ kết quả đám phán.
    -         Đàm phán thất bại sẽ là cơ hội cho nhóm cứng đầu (1a) và cực đoan (2a) giành lại quyền kiểm soát tình hình (trong chính quyền và đối lập).
    -         Các đàm phán thành công thường được dựa trên nền tảng đảm bảo để không ai bị mất tất cả (phía chính quyền được đảm bảo không bị truy tố, trừng phạt vì những bạo hành trong quá khứ,…; phía đối lập được đảm bảo chia sẻ quyền lực,…)
    (Ranh giới giữa chuyển hóa và hóa thế thường không rõ ràng, trong một số trường hợp có thể xếp lẫn sang nhau.)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org