Phong trào dân chủ ở Hàn Quốc 1981-1987

Posted on
  • Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • [Tổng thống Chun Doo-hwan thiết lập chính quyền quân sự]
    Vào ngày 3/3/1981, Tư lệnh tình báo Chun Doo-hwan chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 12 của Đại Hàn Dân Quốc. Sau khi tiến hành đảo chính quân sự vào ngày 12/12/1979, thiếu tướng Chun Doo-hwan đã trấn áp đẫm máu những người tham gia cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Gwangju vào ngày 18/5/1980. Rồi ông lên nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc vào ngày 1/9/1980. Bảy tháng sau, ông tiến hành sửa đổi Hiến pháp và lại tiếp tục nhậm chức Tổng thống thứ 12. Chính phủ do thế lực quân sự mới nắm quyền đã dập tắt hy vọng của người dân về một xã hội dân chủ. Song ngọn lửa khao khát tự do dân chủ thì vẫn còn đó, vẫn rực cháy trong trái tim mỗi người dân Hàn Quốc.

     [Chính quyền đàn áp đòi hỏi dân chủ của người dân]
    Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Chun Doo-hwan đã thẳng tay trấn áp các thế lực bất đồng chính kiến với lý do làm trong sạch xã hội. Đồng thời, ông tiến hành hợp nhất các cơ quan ngôn luận để dễ dàng kiểm soát hơn. Tiếp đó, Tổng thống Chun Doo-hwan ban hành Hiến pháp mới về bầu cử tổng thống theo hình thức gián tiếp và cấm việc tái nhiệm kỳ bảy năm đối với chức vụ tổng thống. Ông cũng giải tán Quốc hội và thiết lập một cơ quan lập pháp tạm gọi là “Hội đồng lập pháp bảo vệ quốc gia”. Hội đồng lập pháp bảo vệ quốc gia chỉ tồn tại trong 156 ngày, nhưng đã thông qua tổng cộng 215 luật, trong đó có luật sửa đổi về biểu tình và tụ tập, luật kiểm soát hoạt động chính trị của chính khách đảng đối lập... Dựa trên nền tảng này, Chính phủ mới của Tổng thống Chun Doo-hwan đã cai trị chuyên quyền cũng như đàn áp những đòi hỏi dân chủ của người dân. Giáo sư Lim Hyung-jin của trường Nhân văn thuộc Đại học tổng hợp Kyunghee nói: “Chính phủ ra đời trong bầu không khí đàn áp nghẹt thở, do vậy các phong trào vận động dân chủ thời kỳ này đều bị cấm. Chính phủ đề ra các quy định khống chế các chính trị gia đối lập nên cũng không ai dám lên tiếng công khai chỉ trích Chính quyền nữa. Những người duy nhất có thể chống lại chế độ là tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên nhưng họ đã trở thành mục tiêu bị đàn áp, vì vậy nên việc tổ chức các phong trào vận động dân chủ ở các trường học khi đó là rất khó khăn.”

    Chính quyền lúc bấy giờ đã cử cảnh sát và nhân viên mật vụ tới giám sát triệt để khu vực quanh trường học. Ông Lee Ho-yun, sinh viên Đại học quốc gia Seoul vào năm 1981 và bà Bae Oe-suk từng học tại Đại học nữ Ehwa, nhớ lại tình hình lúc bấy giờ:“Khi tôi nhập học thì đã thấy các nhân viên mật vụ và cảnh sát vận thường phục hiện diện ở trong khuôn viên trường rồi. Mỗi sáng họ theo chúng tôi vào trường và lại đi theo chúng tôi lúc tan học. Cứ chuẩn bị vào tiết học thì sẽ luôn có một dãy học sinh đứng xếp hàng chờ vào lớp, trong khi đó ở phía đối diện là một hàng khác của các nhân viên Chính phủ và cảnh sát mặc thường phục. Cảnh tượng kỳ lạ ấy xảy ra thường ngày ở trường tôi lúc bấy giờ. Tuy trường tôi học là trường nữ nhưng mọi người phàn nàn là trường dành cho cả nam và nữ, vì có cảnh sát và nhân viên mật vụ đóng đô. Họ mặc thường phục ngồi trên bãi cỏ hoặc có mặt ở khắp mọi nơi từ phòng bảo vệ, phòng gác đến các văn phòng khoa. Họ như những con ma xó, cứ ở đâu có rải truyền đơn chống Chính phủ là họ đều biết hết. Bởi vậy, có khi người rải truyền đơn vừa mới bước ra khỏi khuôn viên của trường là đã lập tức bị bắt.”

    Tuy nhiên, sự theo dõi, giám sát ngặt nghèo của cảnh sát cũng không thể dập tắt khát vọng dân chủ trong các sinh viên. Dù những cuộc thảo luận tự do bị cấm đoán, tiếng nói chỉ trích về tính bạo lực, tính phi chính thống của Chính phủ ngày càng tăng. Thậm chí một số sinh viên còn tìm cách qua mặt cơ quan tình báo và cảnh sát để tập hợp nhau cùng thảo luận về hiện thực đen tối và tương lai của đất nước. Ngọn lửa dân chủ được nhen nhóm lại ngay khi buổi lễ tưởng nhớ một năm Phong trào vận động dân chủ 18/5 diễn ra tại một số trường đại học ở thủ đô Seoul. Ông Lee Ho-yun, sinh viên trường Đại học quốc gia Seoul khi đó kể lại: “Vào cuối tháng 5 năm 1981, khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ nhất, lần đầu tiên trong trường đã diễn ra một cuộc biểu tình quy mô lớn. Sự kiện nhằm tưởng nhớ một năm Phong trào dân chủ Gwangju, diễn ra trong suốt ba ngày. Một sinh viên tên là Kim Tae-hun đã tự thiêu khiến cho tình hình càng trở nên căng thẳng. Cuộc biểu tình ngày càng mạnh mẽ. Thay vì cảm thấy sợ hãi, các sinh viên nung nấu suy nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó để tham gia đóng góp.” 

    Chính phủ đã thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình của sinh viên. Lực lượng cảnh sát gồm cả cảnh sát cơ động được huy động để đối phó với điều mà Chính phủ quy kết là một cuộc nổi dậy phản động. Bộ Kế hoạch an toàn quốc gia (nay là Cơ quan tình báo) và Bộ Tư lệnh an ninh quốc phòng, cơ quan thanh tra nội bộ quân đội, cũng được điều động để đàn áp phong trào đòi dân chủ. Trong vòng ba năm đầu của Chính phủ Tổng thống Chun Doo-hwan, tức là từ năm 1981 đến năm 1983, số lượng sinh viên bị bắt và bị xóa tên khỏi trường khoảng đã lên tới 1.400 người. Từ đó có thể thấy được Chính phủ đã đàn áp dữ dội như thế nào. Tháng 12 năm 1983, Chính phủ đã có một cử chỉ mềm dẻo khi đưa vào thực hiện chính sách tự do hóa trường học. Khi mới được thành lập, Chính phủ đề ra khẩu hiệu xây dựng một xã hội chính nghĩa, nhưng một loạt các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến người thân trong gia đình và cấp dưới của Tổng thống Chun Doo-hwan đã làm suy yếu đáng kể tính chính danh của chế độ. Do vậy, Tổng thống Chun Doo-hwan phải tìm cách trấn an dư luận. Đó là lý do Chính phủ buộc phải thông qua chính sách tự do hóa với trọng tâm là các trường học. Giáo sư Lim Hyung-jin của trường Nhân văn thuộc trường Đại học tổng hợp Kyunghee phân tích: “Từ tháng 12 năm 1983, Chính phủ đã để các trường học được tự do. Cảnh sát thường trú giờ phải rút khỏi trường. Các sinh viên bị đuổi học được phép quay trở lại học. Lực lượng quân đội sinh viên bị giải tán và các hội sinh viên được khôi phục lại. Những giảng viên bị sa thải cũng được phép trở lại trường giảng dạy. Việc thực hiện tự do hóa trường học đã đánh dấu sự biến chuyển trong xã hội, và bắt đầu từ năm sau đó, tức là năm 1984, các hoạt động dân chủ đại học đã trở nên sôi nổi hơn.” 

    Cuộc vận động dân chủ trong giới trí thức trường học bắt đầu có khí thế trở lại. Và các thế lực dân chủ, đi đầu là đảng đối lập từng phải im hơi lặng tiếng đã bắt đầu vươn vai đứng dậy để chuẩn bị cho một cuộc phản công vào Chính phủ. Ngày 12/2/1985, cuộc tổng tuyển cử lần thứ 12 để bầu ra nghị sĩ Quốc hội đã được tổ chức. Trong cuộc bầu cử này, đảng Dân chủ công lý, tức đảng cầm quyền đã bị thất bại thảm hại. Còn lực lượng đòi dân chủ đã vạch trần chế độ độc tài bạo lực, lên án nhà cầm quyền đã áp bức nhân quyền đối với những người tham gia cuộc vận động dân chủ dưới thời Chính phủ của Tổng thống Chun Doo-hwan. Thất bại của đảng cầm quyền đã cho thấy sự thất vọng và giận dữ của người dân đối với chính quyền đương nhiệm. 

    [Sự kiện sinh viên Park Jong-cheol đột tử châm ngòi phong trào vận động dân chủ]
    Người dân bắt đầu lên tiếng yêu cầu được trực tiếp bầu tổng thống và các lực lượng đòi dân chủ hoạt động mạnh hơn bao giờ hết. Cảm thấy bất an trước tình hình này, Chính phủ lại tiếp tục đàn áp những sinh viên đòi dân chủ, lấy lý do đây là những “phần tử cánh tả cực đoan”. Ngày 14/1/1987, một sự kiện bi thảm đã xảy ra. Người thanh niên 23 tuổi Park Jong-cheol, sinh viên khoa Ngôn ngữ học trường Đại học quốc gia Seoul, đột tử trong khi bị cảnh sát thẩm vấn. Cảnh sát đã đánh đập khi tra khảo Park Jong-cheol về tung tích những người bạn khóa trên tham gia đấu tranh dân chủ. Ban đầu, cảnh sát công bố nguyên nhân cái chết của Park Jong-cheol là do bị sốc. Nhưng sự dối trá này đã bị vạch trần chỉ trong một ngày. Kết quả xét nghiệm tử thi của Park cho thấy có dấu vết đánh đập, tra tấn bằng nước và điện. Sự quanh co trốn tội của cảnh sát đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong nhân dân. Các cuộc biểu tình, hội họp yêu cầu điều tra vụ việc rõ ràng, nổ ra khắp các con phố. Dư luận cũng lên tiếng mạnh mẽ phê phán Chính phủ. Trước tình thế đó, Chính phủ buộc phải gấp rút thừa nhận việc tra khảo và bắt hai viên cảnh sát thí tốt để xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, lòng dân lúc này đã quay ngược lại với Chính phủ. Ngày 13/4/1987, Tổng thống Chun Doo-hwan có bài phát biểu quan trọng trước công luận. 

    [Tổng thống Chun Doo-hwan đề ra “Biện pháp bảo vệ Hiến pháp 13/4”]
    Đó chính là tuyên bố chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm khi tổng thống mãn nhiệm vào đầu năm sau. Bài phát biểu đó sau này được gọi là “Biện pháp bảo vệ Hiến pháp 13/4”. Thông qua đó, Tổng thống Chun Doo-hwan tỏ ý không hề có ý định sửa đổi Hiến pháp hiện hành là tiến hành bầu cử gián tiếp để bầu chọn tổng thống. Thái độ đó của Chính phủ đã đẩy sự thất vọng và giận dữ của dân chúng lên đỉnh điểm. Các tầng lớp xã hội đồng loạt kêu gọi ký tên phản đối cái gọi là “Biện pháp bảo vệ Hiến pháp”. Đại diện cho sinh viên, các tổ chức tôn giáo và các đoàn thể phi chính phủ bấy giờ đã tập hợp lại với nhau để thành lập một liên minh vận động toàn dân đấu tranh vì một hiến pháp dân chủ.

    [Cuộc đấu tranh dân chủ 10/6]
    Giữa lúc đó, sinh viên Lee Han-yeol của trường Đại học Yonsei, một người từng tham gia biểu tình vào ngày 9/6, đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu sau khi bị quăng lựu đạn cay vào người. Sự kiện này lan truyền ra ngoài đã trở thành ngòi nổ cho “Cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6” bắt đầu từ ngày 10/6. Người dân kéo nhau đi theo ủng hộ đoàn người biểu tình đòi dân chủ. Những chiếc xe hướng về đoàn người biểu tình rú còi inh ỏi và nhân viên văn phòng trong các tòa nhà thì vẫy khăn để biểu thị sự tán đồng. Bà Bae Oe-suk lúc đó là sinh viên Đại học nữ Ehwa kể lại: “Lúc ấy, chúng tôi đã biểu tình từ khu Sinchon đến Tòa thị chính, lúc đi ngang qua các tòa nhà lớn, tôi thấy giấy vệ sinh được ném xuống. Tôi đã cảm thấy rùng mình. Khi nhìn lên thì hóa ra đó là những nhân viên công sở đang vẫy tay. Rồi thậm chí một người phụ nữ còn tiến đến nhét vào tay tôi 10.000 won. Khi chúng tôi tới quảng trường Tòa thị chính thì đã có rất đông người ở đấy rồi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy có nhiều người đến như vậy. Lúc đó, không hiểu sao nước mắt tôi bỗng dưng tuôn trào. Thời thế đã thay đổi như thế đó. Dẫu chúng tôi chỉ góp chút phần sức lực nhỏ nhoi thôi nhưng cũng đủ để đưa đến một sự thay đổi. Điều đấy đã khiến tôi cảm thấy hào hứng vô cùng, cứ vừa đi diễu hành mà mắt đẫm lệ.” 

    Chính phủ đã phải huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát và ném lựu đạn cay vào đoàn biểu tình. Hành động vẫn không thể dập tắt được đám đông khổng lồ đang vô cùng phẫn nộ. Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra toàn quốc và đến ngày 26/6 thì làn sóng biểu tình đã vượt qua con số 1,5 triệu người. Họ đổ tràn ra các con đường và hô vang đòi dân chủ. 

    [“Tuyên bố 29/6”]
    Cuối cùng thì ngày 29/6, Roh Tae-woo, Chủ tịch đảng Dân chủ công lý, người được Tổng thống Chun Doo-hwan chọn để kế nhiệm mình, đã ra tuyên bố hứa hẹn cải cách hiến pháp, thực hiện bầu cử tổng thống trực tiếp, phóng thích những người bị bắt và ân xá lãnh tụ đảng đối lập Kim Dae-jung.

    [Toàn dân lật đổ chế độ độc tài, mở trang sử mới của chủ nghĩa dân chủ]
    Tuyên bố 29/6 chính là sự đáp ứng yêu cầu bức bách của nhân dân về một nền dân chủ trong những năm 1980 và là sự phán xét nghiêm khắc đối với chính quyền Tổng thống Chun Doo-hwan. Có thể coi cuộc đấu tranh tháng 6 là sự kiện mang tính lịch sử cho thấy sức mạnh của toàn dân Hàn Quốc. Bà Kim Mi-kyung, người đã từng tham gia hàng ngũ biểu tình năm đó, kể lại:“Tôi và nhiều người cùng thời tôi đã trải qua cuộc đấu tranh tháng 6 năm 1987. Nhờ đó, Chính phủ đã phải chấp nhận hình thức bầu cử tổng thống trực tiếp. Sau sự việc này, tôi cảm thấy rõ hơn bao giờ hết, rằng lịch sử là do chúng ta tạo nên, và muốn thay đổi lịch sử thì cần nỗ lực vô cùng to lớn.”

    Sự hy sinh của rất nhiều người đã đưa tới thành công cho cuộc đấu tranh dân chủ 10/6, buộc phải Chính phủ độc tài phải đầu hàng và mở ra một trang sử mới cho chủ nghĩa dân chủ ở Hàn Quốc. Giáo sư Lim Hyung-jin thuộc Đại học Kyunghee nói: “Có thể nói rằng cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6 là cao trào, đỉnh điểm của tất cả các phong trào dân chủ trước đó. Đây cũng là biểu hiện cho thắng lợi của toàn dân đang khao khát chủ nghĩa dân chủ. Cũng chính sự kiện đã khiến chính quyền của Tổng thống Chun Doo-hwan bị sụp đổ, đồng nghĩa với sự chấm dứt chế độ chính trị độc tài tồn tại trong thời gian dài ở Hàn Quốc. Quan trọng hơn, cuộc đấu tranh tháng 6 còn trở thành đầu tàu dẫn dắt phong trào vận động người dân hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh.” 

    Phong trào vận động dân chủ tháng 6 năm 1987 là chiến thắng vĩ đại, kết quả của sự hy sinh và chiến đấu không mệt mỏi của người dân Hàn Quốc chống lại chế độ độc tài và bất công. Chiến thắng này đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước dân chủ thực sự và cũng chứng minh rằng cuộc đấu tranh vì tự do, nhân quyền và dân chủ sẽ luôn được lịch sử ủng hộ. Và cho đến nay, nối tiếp tinh thần bất khuất đó, người dân Hàn Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực để hướng tới một tương lai tự do và thịnh vượng hơn.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org