Phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn quốc 1980

Posted on
  • Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • [Thế lực quân sự lên nắm quyền sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát]
    Vào lúc 10 giờ sáng ngày 18/5, tại Nghĩa trang quốc gia Phong trào dân chủ 18/5 tại quận Buk, thành phố Gwangju. Một buổi lễ tưởng niệm được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã hi sinh vì nền dân chủ 35 năm về trước. Những người tham gia Phong trào vận động dân chủ 18/5 thách thức đội quân giới nghiêm. Phong trào này không chỉ đánh dấu sự khởi đầu mới của nền dân chủ tại Hàn Quốc mà còn trở thành một vết thương chưa lành trong lịch sử quốc gia. 

    Vào ngày 26/10/1979, một sự kiện động trời đã xảy ra. Đó là việc Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát ngay tại phường Goongjeong gần Phủ tổng thống ở Seoul. Cái chết của Tổng thống đã đánh dấu chấm hết cho chế độ độc tài kéo dài 18 năm mà ông nắm quyền, đồng thời cũng đem tới cho dân chúng niềm hy vọng về chủ nghĩa dân chủ. Song niềm hy vọng này đã nhanh chóng bị dập tắt khi Tư lệnh tình báo Chun Doo-hwan - người đứng đầu nhóm điều tra vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee - thực hiện đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời của Tổng thống Choi Kyu-ha vào ngày 12/12. Ngay sau khi lên cầm quyền, tướng Chun Doo-hwan đã ban bố tình trạng thiết quân luật. Tin rằng sự xuất hiện của thế lực quân sự mới trên chính trường là một bước lùi trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nên người dân cả nước đã nổi dậy chống lại chính quyền mới.

    [Biểu tình đòi dân chủ nổi lên ở thành phố Gwangju]
    Tình hình ở thành phố Gwangju vào tháng 5 năm 1980 cũng không khác gì. Giáo sư Kim Hee-song của Viện nghiên cứu Phong trào 18/5 thuộc Trường Đại học quốc gia Chonnam nói về không khí ở Gwangju thời đó: “Tháng 5 năm 1980, các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra ở khắp nơi trong thành phố Gwangju. Tại cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 14/5, một đoàn gồm khoảng 200 giáo sư thuộc Đại học quốc gia Chonnam thậm chí còn đứng trên hàng đầu để bảo vệ cho các sinh viên ở phía sau trước cuộc tấn công của cảnh sát có vũ trang. Họ dẫn các em đi từ Văn phòng tỉnh đến trước cổng trường đại học. Số lượng sinh viên tham gia biểu tình trong ngày 15/5 còn tăng nhiều hơn so với ngày trước đó. Và đến ngày 16/5, những người biểu tình đã đồng lòng rằng nếu chính quyền mới áp đặt lệnh giới nghiêm ra toàn quốc thì tất cả họ sẽ tập trung trước cổng các trường đại học của mình để cùng phản đối.”

    Trong đêm 17/5, lực lượng quân đội mới lên nắm quyền đã quyết định mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc. Lệnh này đã được ban hành vào ngày 26/10, ngày Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát. Quân đội cũng ban hành lệnh giới nghiêm số 10 để cấm hoạt động chính trị, đóng cửa trường đại học, cấm tụ tập biểu tình và tăng cường kiểm duyệt báo chí. 

    [Quân giới nghiêm trấn áp dã man dân thường]
    Vào khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 18/5, ở trước cổng trường Đại học quốc gia Chonnam của thành phố Gwangju.... Đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa sinh viên với đội quân giới nghiêm được thành lập từ Lực lượng đổ bộ đường không số 7, một lực lượng đặc nhiệm lính dù. Đội quân này đã ngăn không cho các sinh viên vào trường và sử dụng bạo lực rất tàn bạo đối với những ai phản kháng lại. Bất bình trước những hành vi bạo lực này, các sinh viên đã dồn ra trục đường chính Geumnam để thông báo sự việc cho những người khác. Tuy nhiên, tình hình ở đường Geumnam cũng không khá hơn. Đội quân giới nghiêm đóng ngay tại khu trung tâm đã đánh cả những người dân thường không liên quan đến biểu tình và tất nhiên là với các học sinh sinh viên. Ông Kim Yang-rae, Chủ tịch Hội tưởng niệm Phong trào 18/5, một sinh viên trường Đại học Chonnam hồi đó, kể lại: “Người dân Gwangju đã nghĩ rằng quân đội sẽ đứng về phía mình nhưng họ đã phải chứng kiến điều ngược lại. Lực lượng đặc nhiệm này tấn công vào dân thường bất kể già trẻ trai gái. Thật là kinh khủng, người dân ai cũng căm phẫn trước hành động ấy của quân đội.”

    Vào lúc 3 giờ sáng ngày 19/5… Chính phủ đã quyết định gửi thêm Lực lượng đổ bộ đường không số 11 để hỗ trợ cho đội quân giới nghiêm, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ông Jang Seon-ho - Tổng thư ký Hiệp hội những người bị thương trong Phong trào vận động dân chủ ngày 18/5 – khi đó mới chỉ là một chàng trai 25 tuổi đã chứng kiến sự đàn áp của đội giới nghiêm.“Ngày 19/5, vì quá tò mò nên tôi đã quyết định ra đường Geumnam để xem. Lúc đó, tại Trung tâm Công giáo mà hiện nay là Trung tâm lưu trữ các tài liệu ngày 18/5, chúng tôi và quân đội giới nghiêm đang nhìn về phía nhau thì đột nhiên ở đâu đó có xe tải quân đội đâm thẳng về phía chúng tôi. Chiếc xe lao đến với tốc độ rất nhanh, giống như muốn quét chúng tôi đi ngay lập tức. Mọi người đều sợ hãi tránh sang một bên. Quân đội được lập ra để bảo vệ đất nước, tại sao lại có hành động như thế với người dân của mình? Bởi vậy sau đó, những người tập trung ở đó đã ném đá vào họ, thậm chí còn dùng nhiều thứ làm chướng ngại để đối đầu với quân đội giới nghiêm.”

    Lực lượng đổ bộ đường không đã dùng cả báng súng chống lại người dân. Hành động trấn áp này đã đẩy sự việc lên đến đỉnh điểm. Tin tức về việc quân đội tấn công dân thường càng lan rộng, thì số lượng người gia nhập lực lượng biểu tình ngày càng tăng. Đến chiều ngày 19/5, đã có hơn 3.000 người tập trung tại đường Geumnam. Giữa lúc đó, lan truyền tin ông Kim Gyeong-cheol, một người khiếm thịnh bị quân giới nghiêm tấn công ngày trước đó, đã tử vong. Đó là người hy sinh đầu tiên trong Phong trào vận động dân chủ 18/5.

    [Dân thường phản kháng quyết liệt quân giới nghiêm]
    Ngày 20/5, Chính phủ đã điều thêm Lữ đoàn đổ bộ đường không số 3 đến Gwangju. Dù tình thế ngày càng khó khăn hơn cho đoàn biểu tình nhưng mọi người vẫn tràn ra đường. Khắp nơi, từ người già đến các em học sinh, thậm chí các bà mẹ đang bồng con cũng tham gia biểu tình tại đường Geumnam. Người biểu tình ngày càng đông thì đội quân giới nghiêm càng trấn áp tàn bạo hơn. Trên các con đường, ở đâu có đụng độ giữa quân đội và đoàn biểu tình là ở đó có máu chảy. Số lượng người bị thương ngày càng nhiều, các bệnh viện trong nội thành Gwangju chật kín những người nhập viện. Các phương tiện truyền thông đã gọi cuộc biểu tình ở Gwangju là cuộc bạo loạn và liên tục đăng tải những bài phát biểu, những tuyên bố của các quan chức Chính phủ khi đó.

    Vào đêm 20/5, tại quảng trường ga Gwangju, hai người dân bị tử vong do cuộc nã súng của quân đội giới nghiêm. Tin tức này được lan rộng, lập tức số lượng biểu tình đã tăng vọt lên hơn 20.000 người và tất cả đã giận dữ đồng thanh hô vang đến tận sáng hôm sau. Ngày 21/5, ngày thứ tư của cuộc biểu tình, quân đội giới nghiêm đã kiểm soát không cho xe ra vào thành phố. 2 giờ sáng cùng ngày, chúng cắt đứt đường dây điện thoại để ngăn người dân liên lạc với bên ngoài. Bắt đầu từ sáng sớm, đoàn người biểu tình đã đổ ra chật đường, không để chỗ trống nào cho xe đi lại trên tám làn của đường Geumnam. Họ cùng nhau hát vang bài quốc ca Aegukga (Ái quốc ca) để tăng thêm sức mạnh, thách thức bi kịch đang diễn ra. Vào sáng ngày đó, đại diện của người dân đã cố gắng đàm phán với quân giới nghiêm nhưng không đạt kết quả. Vào 1 giờ chiều, trước cửa Văn phòng tỉnh Nam Jeolla, quân giới nghiêm đã nã súng vào đoàn biểu tình gồm 20.000 người đang tập trung một cách hoà bình ở phía đối diện. Ông Jang Seon-ho, Tổng thư ký Hiệp hội những người bị thương trong Phong trào vận động dân chủ ngày 18/5, kể lại:“Lưu đạn cay được ném vào đám đông, mọi người phải chạy tản ra xung quanh Văn phòng tỉnh. Người thì trốn vào các con hẻm, người thì chạy vào toà nhà. Tôi bị trúng đạn đúng thời điểm cuộc nổ súng vừa bắt đầu. Khi đó, quân đội đã nhắm bắn vào những người biểu tình. Sau này, họ biện minh rằng đã chỉ bắn vào thân dưới, nhưng tôi chắc là họ đã nhắm bắn vào phần thân trên. Lúc đó, tôi bị bắn vào phần vai vì tôi vừa quay lại.”

    Các bệnh viện trong nội thành Gwangju bị quá tải bệnh nhân và thậm chí có cả người chết nữa. Người dân quyết định tự trang bị vũ khí để bảo vệ mình. Dân quân tràn ra các khu vực đường Geumnam, Chungjang, quyết một trận ác liệt với quân giới nghiêm. 5 giờ chiều cùng ngày, quân giới nghiêm theo chỉ thị của cấp trên đã rút lui và dân quân tràn vào chiếm Văn phòng tỉnh Nam Jeolla. Trong vòng năm ngày bắt đầu từ ngày 22/5, dù thành phố Gwangju bị quân đội và cảnh sát phong tỏa, nhưng người dân đã tự đảm trách việc bảo vệ trị an và tự tổ chức điều hành thành phố này. Ông Jang Seon-ho nói: “Vào thời điểm ấy, bắt đầu có tập san chiến sĩ do các sinh viên in ấn và được phân phát cho mọi người. Người dân đã mang xe của mình đến, ngồi lên trên xe jeep để tự phát sóng và kêu gọi đến toàn thể cộng đồng rằng phải bảo vệ Gwangju. Phụ nữ thì tự nguyện nấu và mang cơm cùng nước tiếp tế cho đoàn người. Phần đông số phụ nữ này là những tiểu thương ở chợ Yangdong, số còn lại là các bà nội trợ tham gia tự phát. Kể cả khi đã hết đồ dùng sinh hoạt nhưng mọi người vẫn giữ trật tự, không hề gây lộn xộn, tuyệt đối không có hiện tượng cướp giật. Ngược lại, càng thiếu thốn mọi người lại càng san sẻ cho nhau đồ ăn và mọi thứ khác. Ai cũng nhận thức được những gì cần làm, không cần ai bảo ai cả.”

    Mọi người bất kể là học sinh, sinh viên hay người dân đều cùng nhau dọn vệ sinh hoặc đi gom các khẩu súng lại. Một bộ phận khác thì đi hiến máu để cứu chữa những người bị thương. 

    [Ý nghĩa Phong trào vận động dân chủ 18/5/1980]
    Tình hình như vậy chỉ kéo dài trong năm ngày. Vào 4 giờ sáng ngày 27/5, quân giới nghiêm lại một lần nữa hướng về Văn phòng tỉnh Nam Jeolla. Tiếng loa cảnh cáo ồn ào như trên được phát tại trung tâm Gwangju. Đội quân giới nghiêm lên tới 25.000 người lần này đã xả hơn 10.000 viên đạn và tiến vào bên trong Văn phòng chính quyền. Quân đội chỉ mất có bốn tiếng đồng hồ để trấn áp người trong trụ sở và chiếm lại toàn bộ khu vực. Thiếu tướng So Jun-yeol, người đứng đầu đội quân giới nghiêm, ra tuyên bố kêu gọi người dân không phản kháng lại. 10 ngày đối đầu nảy lửa tại Gwangju cuối cùng cũng đã kết thúc. Theo số liệu thống kê của thành phố Gwangju về Phong trào vận động dân chủ 18/5 thì có 155 người đã hi sinh, 81 người mất tích, 110 người tử vong sau khi bị thương, và có tới 3.328 người bị thương. Trong số những người bị tử vong, có 8 em nhỏ dưới 14 tuổi, 36 thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi, và cả những phụ nữ mới kết hôn đang mang thai đi ra ngoài tìm chồng. Sau đây là cuộc phỏng vấn những người trong đoàn kỷ niệm Phong trào 18/5.“Sau khi cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Gwangju bị đàn áp một cách dã man vào ngày 27/5/1980, hầu hết những người còn sống ở đây đều xấu hổ và cảm thấy có lỗi với những người đã khuất. Trái tim tôi đau nhói, cảm thấy như có gì mắc nghẹn trong lòng mỗi khi nhớ về ngày này. Không chỉ có mình tôi, mà những nạn nhân, những người liên quan đều không thể quên được nỗi đau này. Nỗi đau đó cứ âm ỉ qua ngày tháng và vĩnh viễn không thể xóa mờ được. Những ngày sau đó thậm chí còn khó khăn hơn. Thậm chí tôi nghĩ rằng giá như mình chết đi ngay trong lúc biểu tình thì có khi lại tốt hơn. Tại sao sống lại phải đau khổ đến thế này? Mỗi khi nhớ về lúc ấy, tôi không cầm được nước mắt và thầm ước nguyện trở lại cái tuổi 20 đó. Tôi muốn có thể sống trọn vẹn thời thanh niên của mình. Nếu có ai đưa tôi trở lại thời gian đó thì tốt biết mấy. Tôi muốn sống một lần nữa với tuổi 20, thì dù có chết cũng không oán hận gì.”

    Phong trào vận động dân chủ 18/5 đã diễn ra trong 10 ngày từ 18/5 đến 27/5. Một khoảng thời gian sau đó, dù đã tiến hành bồi thường và hồi phục danh dự cho những anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh này, nhưng đối với những người còn sống và đã trải qua các cuộc biểu tình ở Gwangju thì đó vĩnh viễn là vết thương không liền lại được. Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là người đầu tiên ra lệnh nã súng vào dân thường hoặc có chính xác bao nhiêu người đã thiệt mạng. Dẫu vậy, sự hy sinh anh dũng của những người tham gia Phong trào đấu tranh 18/5 mãi ghi dấu ấn vào lịch sử và được coi như một cột mốc đặc biệt của chủ nghĩa dân chủ tại Hàn Quốc.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org