Giới thiệu về Dân chủ xã hội

Posted on
  • Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Tqvn2004 dịch
    Dân chủ xã hội (Social democracy) là một ý thức hệ chính trị xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 từ chủ nghĩa xã hội (Socialism). Không giống như chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu thay thế toàn bộ chủ nghĩa tư bản (Capitalism), chủ nghĩa dân chủ xã hội nhắm tới cải tạo chủ nghĩa tư bản để loại bỏ những bất bình đẳng của chủ nghĩa này.
    Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International hay SI) -- một tổ chức toàn cầu của các đảng dân chủ xã hội (social democracy) và xã hội dân chủ (democratic socialist) -- định nghĩa chủ nghĩa dân chủ xã hội như một hình thức lý tưởng của nền dân chủ, với khả năng giải quyết những vấn đề xảy ra trong chủ nghĩa tư bản không có sự điều chỉnh. Quốc tế Xã hội nhấn mạnh các nguyên tắc sau đây: Thứ nhất, Sự tự do -- không chỉ có tự do cá nhân, mà cả tự do khỏi sự phân biệt đối xử và tự do khỏi sự phụ thuộc vào chủ sở hữu tư liệu sản xuất và những người lãnh đạo độc đoán. Thứ hai, Sự bình đẳng và công bằng xã hội -- không chỉ trước pháp luật mà còn bình đẳng về kinh tế và văn hóa nữa, và bình đẳng về cơ hội cho mọi người, kể cả những người có khuyết tật về thân thể, tinh thần hay khả năng hòa nhập xã hội. Cuối cùng, Sự đoàn kết -- đoàn kết và có tình thương đối với những nạn nhân của sự bất công và bất bình đẳng.
    Các đảng dân chủ xã hội có nguồn gốc ban đầu từ những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialists) và những người theo chủ nghĩa xã hội cách mạng (revolutionary socialists) như Rosa Luxemburg và Vladimir Lenin. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và cuộc cách mạng Nga, dân chủ xã hội trở nên gắn bó trực tiếp với con đường không-sử-dụng-cách-mạng.
    Thuật ngữ "Dân chủ xã hội" còn có thể hiểu như một loại xã hội đặc biệt mà những nhà dân chủ xã hội ủng hộ.
    Các đảng chính trị dân chủ xã hội
    Các đảng chính trị dân chủ xã hội tồn tại ở nhiều quốc gia dân chủ, và được tìm thấy ở Châu Âu, Canada, Úc, New Zealand và các nơi khác. Trong nửa đầu thế kỷ 20, các đảng như Đảng Lao Động (Anh), Đảng SPD (Đức) và Đảng Lao Động (Úc) đã từng cổ vũ cho cách chính sách như luật lao động mạnh hơn, công hữu hóa các ngành công nghiệp chủ yếu, và hỗ trợ phúc lợi xã hội lớn. Đa số các đảng dân chủ xã hội Châu Âu là thành viên của Đảng Xã hội Châu Âu, đây là một trong những đảng chính trị ở tầm châu lục, và hầu hết các đảng dân chủ xã hội là thành viên của tổ chức Quốc tế Xã hội (SI) - là hậu thân lịch sử của Quốc tế Thứ Hai (Second International).
    Trong nửa sau của thế kỷ 20, đa số đảng dân chủ xã hội từ bỏ các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, và chủ nghĩa xã hội nói chung. Nhiều nhà dân chủ xã hội hiện đại còn mở rộng mục tiêu của mình để bao gồm các khía cạnh như bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc và chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism).
    Kể từ những năm 1980, một số đảng dân chủ xã hội đã tiếp nhận các chính sách ủng hộ một nền kinh tế được điều tiết nhẹ và nhấn mạnh vào bình đẳng cơ hội (equality of opportunity) thay vì bình đẳng thu nhập (equality of outcome) như một chỉ dấu cho bình đẳng xã hội. Xu hướng này, được biết tới dưới cái tên "Con đường Thứ ba" (Third Way), gây ra rất nhiều tranh cãi trong nhóm cánh tả, nhiều người trong đó cho rằng các đảng theo Con đường Thứ ba (như đảng Lao Động Mới ở Anh) đã "bán rẻ" mình cho hệ tư tưởng bảo thủ, và không còn là dân chủ xã hội - hoặc thậm chí không còn là cánh tả nữa.
    "Xã hội dân chủ" khác với "Dân chủ xã hội"
    Dân chủ xã hội thường được phân biệt với chủ nghĩa xã hội dân chủ trên cơ sở rằng phần lớn những người theo Dân chủ Xã hội sẽ bằng lòng với một xã hội có sự pha trộn giữa các thành tố của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; trong khi các nhà Xã hội Dân chủ sẽ đặt mục tiêu thiết lập, bằng phương pháp dân chủ, một xã hội XHCN với nền kinh tế XHCN đầy đủ. Một số nhà quan sát cho rằng, các nhà xã hội dân chủ chẳng qua là các nhà dân chủ xã hội cánh tả (cấp tiến), và ngược lại, nhiều nhà dân chủ xã hội công khai công nhận rằng mình chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, và tranh luận chính trị trên cơ sở mà nhiều người theo chủ nghĩa Marx chân chính có thể nhận ra.
    Một số đảng và cá nhân thuộc xã hội dân chủ có thể được xếp vào hạng dân chủ xã hội; và ngược lại. Cách dùng từ sai lầm này được sử dụng vì lý do lịch sử.
    Nhiều đảng dân chủ xã hội đã tìm cách tách mình ra khỏi đảng xã hội dân chủ, đặc biệt với sự xuất hiện của phong trào Con đường Thứ ba. Một số nhà xã hội dân chủ vẫn còn liên hệ mình với các đảng dân chủ xã hội.
    Lịch sử
    Trước chiến tranh - Dân chủ xã hội và chủ nghĩa Marx
    Nhiều đảng trong nửa sau của thế kỷ 19 tự nhận mình là dân chủ xã hội, ví dụ như Liên đoàn Dân chủ Xã hội (SDF) của Anh, và Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga. Trong hầu hết các trường hợp, những tổ chức này là các nhóm xã hội cách mạng (revolutionary socialist) hoặc theo chủ nghĩa Marx, những người không chỉ tìm cách giới thiệu chủ nghĩa xã hội, mà còn cả dân chủ cho các quốc gia không có dân chủ.
    Dòng chảy dân chủ xã hội hiện đại xuất hiện qua sự đổ vỡ bên trong phong trào xã hội chủ nghĩa vào đầu thế kỷ 20, giữa hai nhóm có hai cách nhìn khác nhau về lý tưởng của Karl Marx. Nhiều phong trào có liên quan khác, bao gồm chủ nghĩa hòa bình (pacifism), chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) và phong trào công đoàn (syndicalism), xuất hiện đồng thời vào lúc đó (thường là tách ra từ những phong trào xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng có cái bắt đầu từ những lý thuyết mới) và có những lý do phản đối khác nhau đối với chủ nghĩa Marx. Những nhà dân chủ xã hội, chiếm đa số những người theo xã hội chủ nghĩa lúc đó, đã không phản đối Marx (trên thực tế họ cho rằng mình đang đi theo con đường của Marx), nhưng muốn thay đổi nó theo một cách nào đó và giảm bớt sự phê phán của mình với chủ nghĩa tư bản. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội cần đạt được thông qua "tiến hóa" hơn là "cách mạng". Quan điểm này gặp phải sự phản đối dữ dội từ phía những người theo chủ nghĩa xã hội cách mạng, người cho rằng mọi cố gắng thay đổi chủ nghĩa tư bản sẽ thất bại, bởi chính người có tư tưởng thay đổi sẽ dần dần bị hư hỏng và trở thành tư bản bóc lột.
    Bất chấp quan điểm khác biệt, những nhà cải cách và cách mạng vẫn giữ đoàn kết cho tới khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Cuộc chiến trở thành cọng rơm cuối cùng đưa căng thẳng giữa hai bên lên đến điểm tan vỡ. Những nhà xã hội cải cách hỗ trợ chính quyền quốc gia của mình trong cuộc chiến, một điều được coi là "sự phản bội giai cấp lao động" đối với các nhà xã hội cách mạng (bởi vì nó phản bội nguyên tắc rằng các công nhân của mọi quốc gia cần phải đoàn kết lật đổ chủ nghĩa tư bản, và trên thực tế thường những tầng lớp thấp là người bị gửi vào cuộc chiến, để chết - làm trì hoãn sự nghiệp vĩ đại). Những tranh luận dữ dội xảy ra trong các đảng xã hội chủ nghĩa, ví dụ giữa Eduard Bernstein (xã hội cải cách) và Rosa Luxemburg (xã hội cách mạng) nổ ra trong đảng SPD ở Đức. Cuối cùng, sau cuộc cách mạng Nga năm 1917, hầu hết các đảng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đều rạn nứt. Những nhà xã hội cải cách thường giữ tên "dân chủ xã hội", trong khi các nhà xã hội cách mạng bắt đầu gọi mình là "cộng sản" (Communism), và ngay sau đó tạo ra phong trào cộng sản hiện đại.
    Kể từ những năm 1920, sự khác biệt về học thuyết giữa hai nhóm dân chủ xã hội và cộng sản ngày càng tăng (và ngay cả những người cộng sản cũng không thống nhất được con đường nào sẽ dẫn họ tới xã hội cộng sản).
    Sau chiến tranh - dân chủ xã hội và xã hội dân chủ
    Theo sau sự phân đôi của dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dân chủ xã hội tiếp tục phân chia, giữa những người vẫn còn tin rằng cần phải xóa bỏ chủ nghĩa tư bản (mà không qua bạo lực cách mạng) và thay thế nó bằng một hệ thống xã hội chủ nghĩa thông qua biện pháp dân chủ; và những người tin rằng chủ nghĩa tư bản có thể duy trì nhưng cần có những điều chỉnh và nâng cao, ví dụ như công hữu hóa những lĩnh vực kinh doanh lớn, thực hiện các chương trình xã hội (như giáo dục và ý tế công cộng...) và tái phân phối thu nhập qua hệ thống phúc lợi quốc gia (welfare state) và đánh thuế lũy tiến. Cuối cùng đa số các đảng dân chủ xã hội đi theo hướng thứ hai, và trong thời kỳ tiền thế chiến thứ hai, đã từ bỏ những lời hứa hẹn xóa bỏ tư bản chủ nghĩa. Lấy ví dụ, năm 1959, đảng SDP của Đức đưa ra chương trình Godesberg, từ bỏ đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa Marx.
    Ở Italy, có đảng Dân chủ Xã hội khá đặc biệt, trên thực tế nó đại diện cho làn sóng cực tả trong ý thức hệ dân chủ xã hội quốc tế. Đảng Dân chủ Xã hội Italy trên thưc tế được thành lập vào năm 1947 và từ năm 1948 vị trí của đảng là "liên minh trung lập". Kể từ sau cuối những năm 1980, các đảng dân chủ xã hội khác đã chấp nhận "Con đường Thứ ba", -- trên lý thuyết hoặc thực tiễn. Những nhà dân chủ xã hội hiện đại thường thích một nền kinh tế pha trộn (mixed economy), trong đó đa phần là tư bản nhưng với chính phủ đóng vai trò cung cấp một số dịch vụ xã hội. Nhiều đảng dân chủ xã hội đã chuyển điểm nhấn của mình từ mục tiêu ban đầu là công bằng xã hội sang quyền con người và các vấn đề môi trường. Trong vấn đề này, họ đang gặp những thách thức ngày càng tăng từ Greens, những người coi hệ sinh thái là cơ sở quan trọng của hòa bình, và yêu cầu thay đổi các biện pháp cung cấp tiền tệ và trao đổi hàng hóa an toàn nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Đặc biệt ở Đức, những người theo Green, Dân chủ xã hội và các đảng cánh tả khác đã hợp tác tạo thành "Liên minh Đỏ-Xanh" (Red-Green Alliances). Điều này cũng không phải là lạ ở Nauy, mặc dù đảng "green" thường là đảng trung lập hoặc được che chở bởi đảng trung lập.
    Con đường Thứ ba (The Third Way)
    Trong những năm gần đây, một số đảng và chính quyền dân chủ xã hội đã chuyển dịch một cách đáng tranh cãi khỏi những thành tố truyền thống của dân chủ xã hội -- ủng hộ, ví dụ như, sự tư hữu hóa các ngành công nghiệp và dịch vụ nhà nước điều hành và giảm sự điều tiết của nhà nước đối với thị trường. Những thay đổi này được thấy trong các chính sách của Bob Hawke và Paul Keating ở Úc, Tony Blair ở Anh, Gerhard Schöder ở Đức, Göran Persson ở Thụy Điển, David Lange, Roger Douglas ở New Zealand, Wim Kok ở Hà Lan và Ricardo Lagos ở Chile. Nhìn chung, những sự thay đổi rõ ràng trong chính sách này đã gặp phải sự phản đối đáng kể trong số các đảng viên và người bỏ phiếu: Nhiều người bỏ phiếu, trên thực tế, đã tuyên bố rằng lãnh đạo đảng đã phản bội các nguyên tắc truyền thống.
    Các nhà dân chủ xã hội "hiện đại hóa" phản biện rằng các chính sách của họ thuần túy thể hiện sự thích nghi cần thiết và thực dụng cho chủ nghĩa dân chủ xã hội trước hiện thực của thế giới mới: hệ thống dân chủ xã hội "truyền thống" giờ đây được đánh giá là đã trở thành hiện thực vì nó gặp được môi trường quốc tế phù hợp — Đồng thuận thời hậu chiến ở Bretton Woods, cái đã sụp đổ vào thập niên 1970 (bao giờ và như thế nào để một đồng thuận tương tự được tái dựng vẫn còn là mối quan tâm của các nhà dân chủ xã hội). Thêm nữa, hiện nay các đảng chính trị ở các quốc gia phát triển ngày càng khó thắng trong các cuộc bầu cử dựa trên nền tảng cánh tả một cách rõ rệt, bởi vì những cử tri hiện nay phần đông là "trung lưu", nhiều tham vọng và hướng tới tiêu dùng (consumeristic). Ở Anh, nơi những cử tri này đã từ chối Đảng Lao Động 4 lần liên tiếp từ năm 1979 tới năm 1992, Tony Blair và đồng nghiệp đã phải đưa ra quyết định chiến lược để công khai tách họ khỏi thiên hướng dân chủ xã hội mạnh mẽ của đảng mình trong quá khứ. Những thách thức của việc xây dựng các chính sách dân chủ xã hội mới trong môi trường này là đối tượng tranh luận sâu rộng trong nhóm trung-tả (centre-left). Một số trung tâm nghiên cứu chính trị, như Policy Network và Wiardi Beckman Stichting, đã và đang hoạt động tích cực nhằm tạo điều kiện và xúc tiến cuộc tranh luận này.
    Những quan điểm của dân chủ xã hội ngày nay
    Nhìn chung, các nhà dân chủ xã hội đương đại ủng hộ:
    • Những hệ thống điều tiết của nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích của công nhân, người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng.
    • Một nền kinh tế pha trộn (mixed economy) thay vì để thị trường hoàn toàn tự do (free market) hoặc một thị trường bị kế hoạch hóa (planned economy).
    • Ủng hộ trao đổi buôn bán bình đẳng (fair trade) thay vì trao đổi buôn bán tự do (free trade)
    • Một hệ thống an ninh xã hội rộng lớn (mặc dù không rộng tới mức mà các nhà xã hội dân chủ hay xã hội chủ nghĩa hướng tới), với mục đích chống lại nghèo đói và đảm bảo cho người dân có thu nhập khi ốm đau hoặc thất nghiệp.
    • Các chương trình giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ... do chính phủ nắm hoặc tài trợ cho mọi công dân.
    • Chính sách thuế trung bình tới cao để bù đắp chi tiêu của chính phủ, và một hệ thống thuế lũy tiến (progressive taxation system).
    • Luật bảo vệ môi trường (mặc dù không tới mức như các đảng Greens yêu cầu).
    • Chấp nhận nhập cư và chủ nghĩa đa văn hóa
    • Một chính sách xã hội tiến bộ và ổn định, mặc dù các nhà dân chủ xã hội có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này. Một số người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội ủng hộ quyền làm đám cưới của người đồng tính, hoặc quyền phá thai, cũng như một chính sách sử dụng thuốc phiện khá tự do, trong khi một số khác không có ý kiến - hoặc công khai phản đối các chính sách trên, cho dù sự đối lập giả tạo có thể được dùng để tìm kiếm lợi ích chính trị.
    • Chính sách đối ngoại ủng hộ thể chế dân chủ, bảo vệ quyền con người và, ở những nơi có thể, ủng hộ chủ nghĩa đa văn hóa.
    • Không giống với chủ nghĩa tự do, những người dân chủ xã hội ủng hộ các quyền xã hội (social rights), thay vì quyền con người (human rights).
    Những ví dụ về dân chủ xã hội
    Ví dụ cơ bản của dân chủ xã hội là Thụy Điển, nước đã phát triển rất nhanh trong nhiệm kỳ của Olof Palme. Thụy Điển đã tạo ra một nền kinh tế mạnh từ loại hình doanh nghiệp một chủ (sole proprietorship) cho tới các công ty đa quốc gia (như Saab, Ikea hay Ericsson), trong khi đạt được tuổi thọ trung bình dài nhất thế giới; tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, nợ quốc gia và chi phí cuộc sống thấp, cùng lúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn.
    Một số người chỉ ra Nauy là một ví dụ về quốc gia dân chủ xã hội, nơi mà Đảng Lao Động Nauy đóng vai trò quan trọng trong lịch sử chính trị cận đại thông qua những thay đổi mang tính dân chủ xã sau Thế chiến lần thứ hai. Ở Nauy, hệ thống thuế lũy tiến được đưa ra và lĩnh vực kinh tế quốc doanh giảm xuống đáng kể. Gần đây, nền kinh tế Nauy chứng kiến sự tăng trưởng ngày càng tăng (nhiều người tin rằng đó là do trữ lượng dầu lửa của quốc gia này).
    Một ví dụ nối bật khác là tỉnh Saskatchewan của Canada, nơi mà Liên Đoàn Phúc Lợi Chung (Cooperative Commonwealth Federation) và hậu thân của nó là Đảng Dân chủ Mới dành thế thượng phong kể từ năm 1944. Khi tại nhiệm, CCF và NDP đã quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chính, khởi động hàng loạt các công việc công cộng, và đưa ra dịch vụ xã hội hào phóng như dịch vụ y tế cho mọi người (sau này dịch vụ này được thực hiện trên toàn lãnh thổ Canada) và bảo hiểm xe ôtô công cộng. Tuy nhiên ngày nay, mặc dù vẫn duy trì triết lý dân chủ xã hội, Đảng NDP của Saskatchewan không còn cực tả như ngày xưa. Dưới cách nhìn hẹp hơn, tỉnh Manitoba của Canada cũng được coi là dân chủ xã hội, với các doanh nghiệp quốc doanh như Manitoba Hydro. Tuy nhiên đảng NDP ở Manitoba cũng ôn hòa hơn so với CCF của Saskatchewan. Nhìn chung, các đảng phái địa phuơng của NDP đóng vai trò đối trọng chính với chính quyền (British Columbia, Saskatchewan, Manitoba & Nova Scotia) có xu hướng theo Con đường Thứ ba, trong khi các đảng liên bang và địa phương nhỏ hơn vẫn theo trường phái chủ nghĩa xã hội dân chủ (giống với CCF).
    Những phê phán chủ nghĩa dân chủ xã hôi
    Dân chủ xã hội chịu phê phán từ cả phía cánh tả, bởi những nhà tự do kinh tế và bảo thủ, và cánh hữu, bởi những nhà xã hội chủ nghĩa và cộng sản. Đa số chỉ trích tới từ các nhà tự do kinh tế và xã hội, người đưa ra những lý luận sau:
    • Hệ thống dân chủ xã hội hạn chế quyền của cá nhân, đặc biệt là tự do kinh tế, tới mức quá đáng (đây là lý luận đưa ra bởi Friedrich von Hayek, người được cho là đã gây ảnh hưởng tới Margaret Thatcher).
    • Sự điều tiết đặt lên thị trường bởi các nhà dân chủ xã hội hạn chế tính hiệu quả và sự tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn tới sự suy giảm GDP ở quốc gia đó. Mặc dù lý thuyết ám chỉ mức sống của mọi người đều bị ảnh hưởng, nhưng trên thực tế chỉ có nhà tư bản là nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực, còn những người vô sản, do được bảo vệ chặt chẽ, lại hưởng lợi.
    • Dân chủ xã hội khuyến khích thâm hụt ngân sách chính phủ lớn (Các nhà dân chủ xã hội đáp trả rằng các chính quyền bảo thủ ở Mỹ và Anh cũng phải chịu trách nhiệm về thâm hụt ngân sách lớn).
    • Sự cung cấp giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ và các dịch vụ khác của Nhà nước dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn của cá nhân.
    Những nhà dân chủ xã hội đáp lại rằng các chính sách của họ trên thực tế làm tăng quyền cá nhân thông qua việc nâng cao mức sống của phần lớn dân số, tăng sự chuyển động xã hội và giảm những mối đe dọa đói nghèo. Quyền cá nhân cũng được đảm bảo, bởi ở nhiều nơi tồn tại các cơ sở cá nhân thay thế. Người ta cũng cho rằng, bằng cách hạn chế một số quyền kinh tế, dân chủ xã hội làm cho thị trường trở nên công bằng hơn - và tự do hơn - cho các doanh nghiệp nhỏ.
    Cũng có những chỉ trích về dân chủ xã hội từ phía cánh tả. Nhiều nhà dân chủ xã hội chối bỏ nhãn hiệu "xã hội chủ nghĩa" và mục tiêu đạt tới "chủ nghĩa xã hội". Về phần họ, những nhà xã hội chủ nghĩa coi dân chủ xã hội là rào cản đối với những thay đổi xã hội mạnh mẽ. Họ cho rằng dân chủ xã hội chỉ có thể hoạt động trong vòng cương tỏa của hệ thống kinh tế tư bản, hạn chế rất nhiều cải cách xã hội, và hòa mình vào hệ thống tư bản tới mức không còn có thể nhận ra các nhà dân chủ xã hội trong đám bảo thủ. Những chỉ trích của cánh tả cáo buộc rằng một số nhà dân chủ xã hội chuyên nghiệp như Tony Blair (Anh), Gerhard Schröder (Đức), và hẹp hơn là Göran Persson (Thụy Điển), đã vi phạm những nguyên tắc bình đẳng và công bằng xã hội thông qua việc giảm thuế, cắt giảm chi tiêu xã hội và bớt phúc lợi xã hội, cũng như tư hữu hóa và bỏ điều tiết các ngành công nghiệp. Tony Blair cũng nhân được nhiều chỉ trích bởi sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Bush và cuộc chiến ở Iraq
    Lịch sử và tương lai của dân chủ xã hội
    Nhiều chính sách đề ra bởi các nhà dân chủ xã hội ở đầu thế kỷ 20 đã được đưa vào thực tế bởi các chính quyền dân chủ xã hội trên toàn thế giới. Những vụ quốc hữu hóa lớn đã diễn ra, và vai trò của nhà nước cung cấp các dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí hoặc được trợ cấp tăng lên rất nhiều, và hệ thống tái phân phối thông qua thuế và phúc lợi đã giảm rất lớn sự bất bình đẳng tài sản. Liệu các chính sách trên có đem lại lợi ích cho xã hội, tất nhiên, còn là câu hỏi đáng tranh cãi, và các nhà bảo thủ vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào việc loại bỏ những rào cản tới thị trường hoạt động tự do, với lý luận rằng đây là cách tốt nhất để đem lại tiến bộ xã hội trong khi mở rộng tối đa tự do cá nhân.
    Nhiều người nhìn nhận rằng dân chủ xã hội đã lùi bước kể từ những năm 1980, với chiến thắng của Ronald Reagan ở Mỹ và Margaret Thatcher ở Anh và sự thích nghi sau đó của các nhà dân chủ xã hội với tư tưởng Con đường Thứ ba. Ví dụ ở Anh, đa số các ngành công nghiệp được quốc hữu hóa trước đây đã được bán trong những năm 1980-1990, và chính phủ của Tony Blair, thay vì đảo ngược tiến trình này, lại không ngần ngại tiếp tục nó. Bất bình đẳng về của cải đã tăng ở một số quốc gia. Mặt khác, người ta thấy có những cải cách dân chủ xã hội khó có khả năng bị đảo ngược trong tương lai. Ví dụ, sẽ khó lòng thấy mức thuế quay trở lại như hồi thế kỷ 19. Ngay cả ở quốc gia tương đối bảo thủ như Mỹ, cũng có một sự điều tiết đáng kể về y tế công cộng và bảo vệ môi trường, và những chương trình như Medicare và Medicaid vẫn tồn tại, bất chấp sự phản đối của khá nhiều nhà bảo thủ.
    Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20120630/gioi-thieu-ve-dan-chu-xa-hoi-social-democracy-phan-1
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org