Biên dịch: Nguyễn
Thùy Dương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tháng trước, tôi
đã viết một bài bình
luận về vấn đề tại sao các cử tri ở Anh Quốc ủng hộ việc rời khỏi Liên
minh Châu Âu, bất chấp sức mạnh áp đảo của ý kiến chuyên gia cảnh báo về các
chi phí kinh tế lớn gây ra bởi Brexit. Tôi đã quan sát thấy rất nhiều cử tri ở
Anh và nhiều nơi khác tức giận với các chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng các
chuyên gia đã không lường trước được khủng hoảng tài chính năm 2008, đặt hiệu
quả lên hàng đầu trong việc tư vấn chính sách của họ, và mù quáng cho rằng những
người chịu thua thiệt từ các kiến nghị chính sách của họ có thể được đền bù bằng
cách này hay cách khác. Tôi cho rằng các nhà chuyên gia nên khiêm tốn và lưu
tâm hơn đối với các vấn đề phân phối thu nhập.
Bài viết ngắn
thu hút nhiều lời bình luận từ phía độc giả hơn bất cứ các bài viết nào khác của
tôi. Phản ứng của độc giả hầu hết thừa nhận sự tức giận tôi đã từng nhắc tới. Họ
cho rằng các nhà kinh tế học cũng như các học giả của các lĩnh vực khác là những
người sống trong tháp ngà và thờ ơ với những vấn đề người thường quan tâm; có mục
đích khác với dân chúng; thường sai rành rành và bị coi là không có năng lực;
hay thiên vị hoặc cơ bản là bị chi phối bởi những doanh nghiệp lớn và thị trường
tài chính; và khá ngây thơ – không nhận ra rằng nhà chức trách thường chỉ chọn
nghe theo các nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của họ chứ không quan tâm tới những
yếu tố khác. Một số người cho rằng các chuyên gia cũng gây ra rạn nứt xã hội bằng
việc phân mảnh cuộc tranh luận này thành vô số các cuộc thảo luận chuyên ngành
nhỏ hẹp.
Đáng chú ý, tôi
cũng nhận được các phản hồi từ các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
nói rằng việc mất lòng tin vào chuyên gia của người dân ngày càng tăng cũng tràn
lan trong lĩnh vực của họ. Những quan điểm khoa học trong các lĩnh vực như năng
lượng, khí hậu, di truyền học và y học đối mặt với việc bị số đông chối bỏ. Ví
dụ, tại Mỹ một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra 67% người trưởng
thành nghĩ rằng các nhà khoa học thiếu một sự nhận thức rõ ràng về những ảnh hưởng
tới sức khỏe của sản phẩm sinh học biến đổi gen (GMO). Sự nghi ngờ về GMO thậm
chí còn cao hơn ở châu Âu. Cho dù xu hướng ủng hộ vẫn còn mạnh mẽ, rất nhiều
người dân tin rằng khoa học bị điều khiển bởi những nhóm lợi ích đặc biệt và đối
với một số vấn đề, quan điểm chung (của dân chúng) khác hẳn với chứng cứ đã được
xác lập chắc chắn.
Sự chia rẽ giữa
chuyên gia và dân chúng này là điều đáng lo ngại sâu sắc. Nền dân chủ đại diện
không chỉ dựa trên phổ thông đầu phiếu mà còn dựa trên lý trí. Một cách lý tưởng
thì các thảo luận và việc bỏ phiếu sẽ dẫn đến quyết định vận dụng tri thức hiện
thời để tiến hành các chính sách thúc đẩy phúc lợi của người dân. Điều này đòi
hỏi một quy trình mà trong đó các chuyên gia – những người được tín nhiệm về
năng lực và độ trung thực – thông báo cho những người ra quyết định về những lựa
chọn có sẵn để đáp ứng mong muốn của cử tri. Người dân sẽ khó mà hài lòng nếu họ
tin rằng các chuyên gia đang áp đặt nghị trình của riêng họ, hay bị chi phối bởi
các nhóm lợi ích đặc biệt. Mất niềm tin đối với các chuyên gia gây ra việc mất
lòng tin vào chính phủ được bầu một cách dân chủ, nếu như không nói là bản thân
nền dân chủ.
Tại sao lại có sự
chia rẽ giữa chuyên gia và xã hội như vậy? Mọi quốc gia đều có hàng loạt vụ bê
bối về y tế hoặc sự an toàn công cộng gây chú ý. Các chuyên gia vẫn thường mang
tiếng tuỳ tiện và có xung đột lợi ích. Danh tiếng khó khăn lắm mới giành được
nhưng nhanh chóng bị mất đi.
Thế nhưng các nhà
phê bình thường không nhận ra rằng nghiên cứu khoa học chịu sự giám sát kỹ lưỡng
hơn – và nghiêm ngặt hơn – việc kinh doanh hay điều hành nhà nước. Khoa học
thực sự là người xác lập tiêu chuẩn cho các thực tiễn tốt liên quan đến việc kiểm
định các phân tích và thảo luận về các đề xuất chính sách. Các lỗi sai thường
xuyên xảy ra ở giới học thuật, nhưng chúng được sửa lại nhanh chóng hơn và có hệ
thống hơn so với các lĩnh vực khác. Tính chất chung của việc kiểm định khoa học
là nhằm đảm bảo chống lại các nhóm lợi ích đặc biệt.
Trên thực tế, vấn
đề có thể sâu sắc hơn so với những gì mà các lời phàn nàn thông thường chống lại
các chuyên gia có thể cho thấy. Một vài thập niên trước,một giả định rộng rãi
cho rằng tiến bộ trong giáo dục đại chúng sẽ dần dần thu hẹp khoảng cách giữa
kiến thức khoa học và niềm tin của dân chúng, qua đó đóng góp cho một nền dân
chủ sáng lạn hơn và lý trí hơn.
Bằng chứng cho
thấy không phải như vậy. Gerald Bronner, một nhà xã hội học người Pháp, đã chỉ
ra một cách thuyết phục rằng giáo dục không làm tăng niềm tin vào khoa học cũng
không làm giảm sức hấp dẫn của những niềm tin hay học thuyết mà các nhà khoa học
coi là vô lý. Ngược lại, càng được giáo dục thì công dân càng thường xuyên phẫn
nộ khi nghe các chuyên gia nói về những gì khoa học coi là sự thật. Được tiếp cận
với tri thức, họ cảm thấy đủ khả năng để chỉ trích các chuyên gia và phát triển
quan điểm của riêng mình.
Biến đổi khí hậu
– điều mà cộng đồng khoa học phần lớn coi là một mối đe dọa lớn – là một trường
hợp điển hình. Theo một khảo sát của Pew năm 2015, ba quốc gia nơi mối lo ngại
ít được quan tâm nhất là Mỹ, Úc, và Canada, trong khi ba nước quan tâm nhiều nhất
là Brazil, Peru, và Burkina Faso. Tuy nhiên, số năm đi học bình quân cho nhóm
các nước đầu tiên là 12,5 năm và 6 năm cho nhóm nước thứ hai. Rõ ràng, chỉ
riêng giáo dục thôi thì không phải là lý do cho sự khác biệt về nhận thức này.
Nếu vấn đề còn tồn
tại, chúng ta nên nỗ lực hơn để giải quyết nó. Đầu tiên, chúng ta cần phải
nghiêm khắc hơn đối với một phần cộng đồng các chuyên gia. Những nguyên tắc kỷ
luật khoa học liên quan chặt chẽ tới nghiên cứu lại thường xuyên vắng bóng
trong các cuộc thảo luận chính sách. Sự khiêm tốn, quy trình nghiêm ngặt, ngăn
ngừa xung đột lợi ích, khả năng thừa nhận sai lầm và, vâng, trừng phạt hành vi
gian lận, là cần thiết để lấy lại lòng tin của người dân.
Thứ hai, cần sửa
đổi chương trình giảng dạy để trang bị cho công dân tương lai các công cụ tri
thức cần thiết để phân biệt giữa thực tế và giả tưởng. Xã hội sẽ rất có lợi khi
người dân vừa ít ngờ vực hơn và có tư duy phản biện hơn.
Cuối cùng, chúng
ta cần những môi trường thuận lợi hơn để đối thoại và thảo luận nghiêm
túc. Các tạp chí nghiêm túc, tạp chí phổ thông và báo chí trước nay giúp lấp đầy
khoảng trống giữa các tạp chí hàn lâm và những tin tức lá cải; nhưng tất cả đều
đang vật lộn để tồn tại trước cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cần có những phương
tiện khác, có thể là các tổ chức mới, để lấp đầy khoảng trống đó. Rõ ràng là nền
dân chủ không thể phát triển mạnh nếu khoảng trống này vẫn còn đó.
Jean
Pisani-Ferry là giáo sư tại Trường Quản trị Hertie tại Berlin, và hiện đang là
Tổng Giám đốc của France Stratégie, một cơ quan tư vấn chính sách tại Paris.
Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2016/09/30/tai-sao-nen-dan-chu-can-cac-chuyen-gia-uy-tin/