Tác giả: Shashi
Tharoor | Biên dịch: Nguyễn Phương Tú
Nền dân chủ ở
châu Á gần đây đã tỏ ra dày dặn hơn nhiều người từng mong đợi, với các cuộc bầu
cử công bằng và tự do đã cho phép những xã hội lớn và chia rẽ như Ấn Độ và
Indonesia xoay xở vượt qua những cuộc chuyển giao chính trị quan trọng. Nhưng một
số nền dân chủ châu Á – điển hình là Thái Lan và Pakistan – lại dường như đang
đi lạc hướng.
Người Ấn Độ có
nhiều kinh nghiệm với việc thay đổi chính phủ qua thùng phiếu bầu, và cuộc bầu
cử năm nay – lần bầu cử thứ 16 của nước này kể từ sau độc lập năm 1947 – cũng
không có gì khác. Trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu dân chủ lớn nhất thế giới
này, cử tri Ấn Độ đã bác bỏ Liên minh Tiến bộ Thống nhất, đảng đã cầm quyền qua
hai nhiệm kỳ, và đưa phần thắng về cho Đảng Bharatiya Janata do Narendra Modi dẫn
dắt.
Cuộc bầu cử phổ
thông đầu phiếu lớn thứ hai diễn ra sau đó ở Indonesia. Trong cuộc bầu cử tổng
thống lần thứ ba ở nước này, các cử tri – những người đã quen với chế độ cai trị
khắt khe của quân đội và một hệ thống quản lý dân sự yếu ớt – đã chọn vị thị
trưởng dân túy (của Jarkatar – NBT) Joko Widodo hơn là cựu tướng Prabowo
Subianto.
Ngay cả một
Afghanistan bị chiến tranh tàn phá cũng tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống để dẫn
dắt tiến trình chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên của mình. Mặc dù người hiển
nhiên thua cuộc là Abdullah Abdullah đang kịch liệt thách thức các kết quả bầu
cử nghiêng về phía Ashraf Ghani, vụ tranh chấp này vẫn chưa trở thành bạo lực.
Thay vào đó, cả hai phe đang tham gia vào những cuộc đàm phán do Mỹ hòa giải để
bàn về khả năng thành lập một chính phủ dân tộc thống nhất. Có một điều đáng
khích lệ là trên vùng đất bị tàn phá bởi nội chiến và chủ nghĩa khủng bố này,
không ai trong cả hai người đang có ý định cầm súng.
Những nước này
cuối cùng dường như nhận ra rằng, theo những mức độ khác nhau, cách thức tiến
hành cuộc bầu cử cũng quan trọng không kém kết quả của nó. Một cuộc bầu cử thể
hiện những hy vọng, lời hứa, trách nhiệm và sự thỏa hiệp làm nền tảng cho khế ước
thiêng liêng giữa chính phủ và người dân. Chấp nhận kết quả (bầu cử) là một phần
tất yếu của nền dân chủ. Anh tranh cử để chiến thắng, nhưng anh chấp nhận sự thất
bại một cách mực thước.
Một điều không
may là xu hướng này không đồng đều trên khắp châu Á. Vua Thái Lan Bhumibol
Adulyadej trên thực tế đã ký giấy khai tử cho nền dân chủ Thái khi thông qua một
hiến pháp mới tạm thời – bản hiến pháp thứ 18 kể từ năm 1932 – trao quyền lực
tuyệt đối cho Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), chính quyền quân sự
được dẫn dắt bởi Tư lệnh lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha. Prayuth nay có thể
“ngăn chặn, trì hoãn, hoặc đàn áp bất cứ hành động nào gây nguy hại đến hòa
bình và trật tự, an ninh quốc gia và hoàng tộc, nền kinh tế và việc quản lý đất
nước.”
Ngay cả khi các
cuộc bầu cử được diễn ra vào năm sau, như chính quyền quân sự đã hứa, thì cũng
không có khả năng là chúng sẽ công bằng hay tự do. Thái Lan – nơi đã từng trải
qua hơn một tá cuộc đảo chính quân sự trong vòng 82 năm nay – giờ đang có một
hiến pháp mà trên thực tế là một bản hiến chương cho sự cai trị vô thời hạn của
quân đội.
Trong khi đó,
Pakistan cũng đang bị tê liệt bởi sự đối đầu kéo dài giữa chính phủ đắc cử của
Thủ tướng Nawaz Sharif và những người chỉ trích. Cựu ngôi sao môn cricket có sức
lôi cuốn đặc biệt, Imran Khan, và là người dẫn dắt đảng Phong trào vì Công lý về
đích thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, cùng với lãnh đạo tôn giáo sống
tại Canada Tahirul Qadri, đang dẫn đầu những cuộc biểu tình rộng khắp và làm
cho Islamabad tê liệt. Đây là tình trạng mà Khan và Qadri đã thề là sẽ duy trì
cho đến khi Sharif từ chức.
Một hy vọng le
lói đến từ phản ứng của phe đối lập chính, Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), những
người đã bị chính quyền Sharif thay thế. Thay vì tham gia vào những cuộc phản đối,
PPP đã ủng hộ việc Sharif từ chối cho phép những áp lực bên ngoài khuôn khổ hiến
pháp buộc ông phải từ chức.
Nhưng ở
Pakistan, cũng như ở Thái Lan, cái bóng của quân đội vẫn còn lớn. Thực tế là
quân đội của Pakistan đã trực tiếp cai trị đất nước trong vòng một nửa giai đoạn
nước này tồn tại, và gián tiếp trong suốt thời gian còn lại. Tuy nhiên, quân đội
cho đến giờ vẫn chưa trực tiếp can thiệp vào tình trạng bất ổn hiện nay, cho thấy
rằng những thành phần quan trọng hàng đầu quân đội đã bỏ qua sự kích động.
Trên thực tế, có
một sự khác nhau cơ bản trong mối quan hệ hiện thời giữa quân đội với nền dân
chủ ở hai nước này. Mối quan hệ này đang là điềm lành cho Pakistan. Ở Thái Lan,
giới tinh hoa, bao gồm quân đội, đã liên tiếp chống đối những chính quyền dân cử,
với lý do là cử tri đã gây hại khi bầu cho những chính trị gia dân túy – điển
hình là Thaksin Shinawatra và em gái của ông Yingluck – để dẫn dắt họ. Sau một
vài cố gắng không thành công để sắp đặt những kết quả chính trị khác nhau bằng
cách thao túng quá trình dân chủ, những nhóm quyền lực này đã quyết định rằng sẽ
dễ dàng hơn nếu họ loại trừ hoàn toàn lý do của các cuộc bầu cử dân chủ.
Trái lại, ở
Pakistan, vấn đề chỉ bắt đầu khi chính quyền dân sự chống lại quyền lực tối cao
của quân đội. Với sự kiểm soát rộng khắp đối với những tổ chức then chốt về
kinh tế, chính trị và tình báo của Pakistan, quân đội có nhiều công cụ để thoải
mái hạn chế một cách công khai hoặc bí mật khả năng của chính phủ trong việc
hành động trái với lợi ích của quân đội.
Có lẽ không phải
là trùng hợp khi mà một Sharif ngày càng cứng đầu tỏ vẻ như đang thử thách những
giới hạn của quyền lực quân đội thì các cuộc biểu tình nổ ra. Nếu ông ta cho
quân đội thấy rằng ông hiểu ai là chủ, và rằng ông sẽ nghiêm khắc tuân theo bất
cứ làn ranh đỏ nào được vạch ra cho mình, thì những người phản đối sẽ không được
phép lật đổ ông; rồi quân đội sẽ nhanh chóng dẹp họ ra khỏi đường phố.
Vì vậy vẫn còn
quá sớm để thương tiếc cho cái chết của nền dân chủ Pakistan. Nó có thể sẽ tiếp
tục tồn tại dưới hình thức một “nền dân chủ được dẫn dắt” trong thời gian tới.
Nhưng để bảo tồn và củng cố nền dân chủ, tất cả các đảng phái chính trị của
Pakistan sẽ phải học cách tiến hành những cuộc bầu cử tự do, công bằng và đúng
luật – và tuân theo kết quả bầu cử.
Đó chính xác là
thứ mà Pakistan đang cần từ Khan, khi đảng của ông chỉ có 35 ghế trong Quốc hội,
ít hơn so với 45 ghế của PPP và ít hơn nhiều so với 166 ghế cửa Liên minh Hồi
giáo Pakistan của Sharif. Một cầu thủ cricket chắc chắn sẽ hiểu rằng với những
“tỉ số” như thế, anh ta không thể được chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu”.
Nhưng tiếc thay, Khan tỏ vẻ đang mong đợi những trọng tài diện đồ ka-ki sẽ xoay
chuyển cuộc chơi về phía ông ta.
Nền dân chủ ở
châu Á đã có những thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây. Trong thế hệ trước,
một nửa chính phủ ở châu Á đã giành chính quyền bằng bạo lực. Ngày nay, sự trở
lại của chế độ quân sự dường như là không tưởng ở Hàn Quốc và Philippines, và
ít có khả năng xảy ra ở Bangladesh. Ngay cả Myanmar, với tất cả những vấn đề của
nó, cuối cùng cũng đã dứt ra khỏi nền quân trị chuyên chế. Nhưng Thái Lan và
Pakistan cần đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trước khi cả châu lục sẽ thật sự vượt
qua được một khúc quanh dân chủ.
Shashi Tharoor
là cựu Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nhân lực
và về Đối ngoại, hiện là nghị sĩ của Đảng Quốc Đại Ấn Độ (INC), và là Chủ tịch Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Pax
Indica: India and the World of the 21st Century.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2014/09/25/nhung-khoang-toi-dan-chu-o-chau-a/