Không nên coi thường dân túy mị dân

Posted on
  • Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Phạm Phú Khải
    (từ Úc Châu)
    Trump thắng! Phong trào dân túy tại Mỹ đã đánh bại thành phần ưu tú quyền lực và các thành trì kiên cố đã chi phối và ảnh hưởng quyền lực tại Hoa Thịnh Đốn bấy lâu nay.
    Đại đa số nhận định của học giả, giới chuyên môn, giới truyền thông báo chí cũng như các thăm dò ý kiến chuyên nghiệp về kết quả bầu cử này đều không diễn ra.
    Nó đã gây sốc cho cả nước Mỹ và toàn thế giới.
    Hơn nửa dân số Mỹ, hay chính xác hơn, hơn nửa cử tri Mỹ, thất vọng, ngao ngán, bàng hoàng và lo ngại cho tương lai của quốc gia mình.
    Ngoài Mỹ, dân chúng khắp thế giới cũng bàng hoàng không kém. Họ không thể ngờ một người thiếu những tiêu chuẩn cơ bản nhất – kiến thức, kinh nghiệm, khả năng, tư cách, tầm nhìn, vân vân – lại trở thành tổng thống để lãnh đạo Mỹ và, ở mức độ và phạm vi nào đó, thế giới trong vòng bốn năm tới.
    Với thắng lợi của Trump, nó sẽ thay đổi bộ mặt chính trị của Mỹ, và thế giới, một cách to tát và không lường được trong thời gian tới.
    Vì thế nhiều người quan ngại về nền dân chủ Mỹ suy thoái, và các hệ quả do phong trào dân túy mang lại. Bài này bàn về một số khía cạnh này.

    Nền dân chủ Mỹ suy thoái?
    Nền chính trị của Mỹ suy thoái hay hồi sinh? Đó là một câu hỏi chưa có câu trả lời một cách khoa học và hệ thống.
    Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực nhất qua kết quả bầu cử, khó ai phủ nhận tính dân chủ rất cao của nước Mỹ.
    Một trong những khẩu hiệu của Trump trong lúc tranh cử là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Nghe rất mị dân đối với một số người, nhưng lại rất ăn khách đối với thành phần ủng hộ Trump. Khẩu hiệu trên đã thu hút người da trắng nghèo và tầng lớp lao động. Họ bắt đầu cảm thấy bất hạnh, căng thẳng và mất hy vọng vào thập niên 1970, lúc mà tiến trình phi công nghiệp hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa và sự phát triển của các ngành công nghệ cao và dịch vụ đã chuyển hóa nền kinh tế Mỹ. Bao nhiêu biến đổi trong những thập niên qua đã đẩy họ ra rìa xã hội, làm họ chán nản và phẫn nộ. Các thăm dò sau khi bỏ phiếu cho rằng ông Trump giành được phiếu bầu của 60% đàn ông da trắng và 52% phụ nữ da trắng, và tỉ lệ người da trắng không có bằng đại học ủng hộ ông Trump nhiều hơn bà Clinton 39 điểm (phần trăm). Nói chung, được kích động đúng chỗ, chính họ là thành phần chủ lực giúp Trump thắng cử vừa qua.
    Chính vì tham gia một cách tích cực vào cuộc bầu cử, tiếng nói của họ không thể bị lãng quên nữa, và các yêu sách của họ sẽ trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ Trump.
    Đó là dấu hiệu tích cực nhất của nền dân chủ vững mạnh vì nó có khả năng thay đổi, chuyển hóa để thích nghi với tình huống mới. Người dân, hạng thấp nhất xã hội, người “chân lấm tay bùn,” cũng có khả năng góp phần mang lại sự thay đổi. Nếu sự thay đổi kiểu này xảy ra ở một quốc gia khác, đặc biệt ở quốc gia không có nền tảng và truyền thống dân chủ cao như Mỹ, thì xác suất đưa đến bạo loạn, đổ máu rất cao. Tại Mỹ, tuy có biểu tình phản đối và những lời lẽ hơi quá khích, mọi sự đều diễn ra ở mức độ tự kiềm chế và hoàn toàn không xáo trộn.

    Những thử thách trước mặt
    Làm sao để nước Mỹ vĩ đại trở lại? Mà như thế nào mới là vĩ đại thì không nghe ông Trump định nghĩa. Khó có một định nghĩa khách quan về vấn đề này.
    Tuy nhiên qua tiến trình tranh cử, người ta cũng nắm bắt được một số điều Trump muốn thực hiện, tạm gọi là chính sách ưu tiên của ông. Xây tường ngăn chận di dân bất hợp pháp có khả thi và hiệu quả hay không và còn nằm trong chính sách ưu tiên của Trump không thì chưa biết. Thực hiện thì tốn kém và chắc gì hiệu quả, nhưng không thực hiện thì thất hứa với cử tri ủng hộ mình. Đằng nào cũng khó! Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ là ưu tiên hàng đầu,qua bài phát biểu chiến thắng của Trump.
    Còn làm thế nào để tìm ra giải pháp cho công ăn việc làm của bao triệu người da trắng nghèo và ít học cũng không phải là đơn giản. Kỹ nghệ chế tạo sản xuất ở Mỹ và các quốc gia tiên tiến đã thay đổi quá sâu xa, một tình thế khó có thể đảo ngược được. Nền kinh tế Mỹ và thế giới khác quá xa thời thập niên 1970. Theo học giả Francis Fukuyama thì chính sách thực tiễn khả thi duy nhất là sử dụng mức thuế trừng phạt, nhưng nó cũng có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và làm mất việc trong lãnh vực xuất khẩu cho các công ty như Apple, Boeing và GE.
    Khi va chạm thực tế để giải quyết các nan giải này, và hàng trăm hay hàng ngàn các vấn đề nhức nhối khác mà Mỹ phải đối diện, cả đối nội lẫn đối ngoại, ông Trump có thể học được thêm tính khiêm nhường của một nguyên thủ quốc gia. Càng quyền lực như Mỹ thì càng trách nhiệm nặng nề. Cho dù ông Trump muốn thay đổi chính sách đối ngoại, thu nhỏ tầm hoạt động và ảnh hưởng của Mỹ đi nữa, đó cũng là một trong những quyết định khó khăn. Hủy bỏ Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là chủ trương của Trump, nhưng quyền lợi kinh tế và an ninh của Mỹ trên bình diện địa chính trị, nhất là chiến lược tỏa rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu, là không nhỏ.
    Bao nhiêu thử thách đang chờ đợi chính phủ mới giải quyết, kể cả những hứa hẹn cam kết trước đây trong lúc tranh cử, nhưng không hề là những vấn đề dễ dàng thực hiện. Và trong nền dân chủ như Mỹ, tính mị dân sẽ không dễ dàng gì bị khỏa lấp che đậy. Mọi con mắt sẽ dồn vào hành động của tân tổng thống trong những ngày tháng tới.

    Bài học coi thường dân túy, mị dân
    Qua cuộc bầu cử này có hàng trăm điều đáng bàn và đáng học. Và sẽ cần một thời gian dài để giới nghiên cứu và học thuật chính trị tìm ra căn nguyên của sự chiến thắng của chủ nghĩa dân túy tại Mỹ. Nhưng bài này xin đề cập đến ba bài học về sự coi thường chủ nghĩa dân túy và các nhà mị dân.
    Có thể tóm tắt rằng kết quả của cuộc bầu cử này không chỉ là những khiếm khuyết do phía bà Clinton, mà còn là sự chủ quan và coi thường của nhiều thành phần xã hội đối với Trump nói riêng, và những người ủng hộ ông nói chung.

    Coi thường Trump, coi thường cả người ủng hộ Trump
    Tạp chí the Economist ngày 9 Tháng Mười Một viết về bầu cử Mỹ 2016 như sau: Tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ là một người đàn ông dẫn đầu một chiến dịch phân biệt chủng tộc để làm mất uy tín người đương nhiệm (Tổng Thống Barrack Obama). Trong khi vận động tranh cử, ông miệt thị phụ nữ, người tàn tật, người nói tiếng Tây Ban Nha và người ngoại quốc. Ông chủ trương sử dụng tra tấn, và bom hạt nhân, cho rằng đối thủ của mình (bà Hillary Clinton) là tham nhũng và có thể là một kẻ giết người, và thề rằng, nếu được bầu, ông sẽ nhốt bà…
    Sự nghiệp chính trị của một người, dù gạo cội đến mấy, chỉ cần một xì căng đan cũng đủ để tiêu tàn. Trong khi đó, ngoài những phát biểu chấn động nêu trên, Trump còn bị phanh phui bao nhiêu vụ xì căng đan, nhất là cung cách của ông đối với phụ nữ, thế mà cuối cùng Trump cũng vượt qua được. Điều đáng nói là không phải cử tri không biết, mà thật ra họ biết rất rõ tất cả những cái xấu của Trump, gần kề ngày bầu cử tưởng chừng như không thể bào chữa nổi và ông phải rút lui, nhưng họ vẫn bầu cho ông. Đó là thái độ thách thức nhất của dân Mỹ đối với hệ thống chính trị đương đại. Và đó là điều mà cho đến nay rất nhiều người, trong và ngoài Mỹ, vẫn cứ thắc mắc.
    Vì cung cách hành xử của Trump nằm ngoài mọi khuôn khổ mẫu mực thức đo sẵn có từ trước đến nay nên phần lớn coi thường tất cả những gì ông nói. Tuy nhiên, vô hình chung phía bà Clinton và hệ thống chính trị tại Hoa Thịnh Đốn coi thường lẫn quên lãng những bất mãn và phẫn nộ chồng chất bấy lâu nay của những người ủng hộ Trump.
    Ngay cả bà Clinton ra mặt khinh khi người ủng hộ Trump: “Bạn có thể đặt một nửa những người ủng hộ của Trump vào những gì tôi gọi là rổ xấu hổ. Đúng không? Thành phần phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và đồng tính, bài ngoại, bài Hồi Giáo.” Vô tình bà Clinton càng làm cho một phần lớn giới trung lưu Mỹ xa lánh và kể cả chống lại mình.
    Cho nên bài học quan trọng qua cuộc bầu cử này là không phải nói điều hay điều đúng thì người ta nghe và theo; và cũng chẳng phải nói bổ bã bậy bạ thì người ta không nghe không theo. Khi người ta có định kiến và không còn tin vào một hệ thống chính trị có thể bảo vệ quyền lợi của mình thì người ta sẽ bất chấp những lời biện hộ.

    Coi thường Trump, nhưng không coi thường Mỹ
    Như đã trình bày trên, lúc ông Trump ra tranh cử trong đảng Cộng Hòa, và ngay cả khi được đảng đề cử chính thức, không có mấy người trong và ngoài nước Mỹ coi trọng lời nói của ông. Không những thế, nhiều chính giới gạo cội khắp nơi lên án và khinh bỉ Trump ra mặt. Bao nhiêu những lời miệt thị, từ nhân cách cách đến chính sách, dù không đích danh nêu tên, nhưng ai cũng biết là ám chỉ ông. Thủ lãnh đối lập Úc Bill Shorten đã ví quan điểm của Trump chỉ như “sủa điên trong một số vấn đề.” Có người còn mạnh mẽ kêu gọi không cấp thị thực để Trump vào quốc gia mình vì những phát biểu nặng mùi kỳ thị của ông.
    Tuy nhiên thế cờ bây giờ đã khác.
    Dân Mỹ, những ai không bầu chọn ông, dù có biểu tình phản đối rầm rộ bao nhiêu và bao lâu đi nữa, Trump vẫn là tổng thống trong cương vị cầm trịch ít nhất là bốn năm tới! Về phía các quốc gia khác, dù lãnh đạo hay người dân có khinh thường Trump bao nhiêu đi nữa trước đây, ông vẫn là tổng thống dân cử Mỹ trong những ngày tới. Vì quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu quá sâu rộng, chính quyền và lãnh đạo chính trị của các quốc gia khác không có sự chọn lựa nào ngoài việc chấp nhận làm việc, một cách chuyên nghiệp, với chính quyền Mỹ do ông cầm đầu.Những ai từng phê phán ông Trump nặng nề trước đây, giờ đây phải để các suy nghĩ hay hành động cảm tính sang một bên, và tự thay đổi vị trí và cảm nhận của mình để phù hợp với hoàn cảnh mới.
    Bao nhiêu nguyên thủ quốc gia đã lần lượt gọi chúc mừng Trump sau ngày 8 Tháng Mười Một dù trong lòng có khó chịu mấy đi chăng nữa.
    Đó là quyền lực của nước Mỹ, dù người ta không thích hay không muốn, người ta cũng phải làm, tuy không ai bắt buộc. Tất cả vì tương quan quyền lợi.
    Bài học quan trọng rút ra từ sự kiện này là điều gì cũng có khả năng xảy ra trong nền dân chủ, trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Vì thế người làm chính trị phải thận trọng trong lời nói và hành động của mình vì một ngày nào đó, những gì tưởng chừng bất khả lại xảy ra.

    Không nên coi thường dân túy mị dân
    Trên hết, cuộc bầu cử này cho thấy tầm quan trọng của phong trào dân túy và các nhà mị dân.
    Trump biết lợi dụng phong trào tách Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit). Cả hai phong trào dùng các chiến dịch để thu hút cùng loại cử tri: những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, hoặc thậm chí là nạn nhân, bởi hậu quả của toàn cầu hóa.
    Từ nhiều thập niên nay, cả hai quốc gia Anh và Mỹ có những tương quan ảnh hưởng chính trị mật thiết với nhau: thời đầu 1970 có Richard Nixon và Edward Heath; đầu thập niên 1980 có Ronald Reagan and Margaret Thatcher; đến giữa thập niên 1990 có Bill Clinton and Tony Blair “Cách Thứ Ba” (Third Way). Cả hai quốc gia chia sẻ nhiều xu hướng chính trị khác nhau trước đây: toàn cầu hóa, tự do thương mại, thị trường mở và đa văn hóa. Bây giờ cả hai nước đều bị thách thức bởi các xu hướng trên.
    Xu hướng dân túy tại Anh có lợi dụng kết quả bầu cử tại Mỹ không? Hiển nhiên. Và kỳ bầu cử kế tiếp tại Anh sẽ rất lý thú để theo dõi.
    Tại Úc, bà Pauline Hanson, lãnh tụ đảng Một Quốc Gia (One Nation), người nổi tiếng với những phát biểu ngô nghê và rặt mùi kỳ thị trước đây,rất vui mừng với kết quả bầu cử tại Mỹ. Sau một thời gian ngắn nổi lên rồi chìm xuồng gần hai thập niên qua, bà Hanson và đảng Một Quốc Gia một lần nữa nổi lên trên chính trường Úc, tổng cộng bốn người vào được thượng viện Úc vào kỳ bầu cử năm nay 2016. Cũng giống như ông Trump, bà lên án đạo Hồi, di dân và tìm hậu thuẫn ở người da trắng Úc nghèo và ít học.
    Thay vì đổ lỗi cho người Mexico lấy việc làm, xu hướng dân túy tại Úc có lẽ sẽ biện minh người ngoại quốc mua nhà, mua hãng xưởng, mua trang trại của họ.
    Bài học cho lãnh đạo chính trị tại Úc, từ cuộc bầu cử Mỹ và phong trào dân túy khắp nơi, là không thể coi thường khả năng và sức mạnh trồi dậy của xu hướng dân túy mị dân. Nếu không quan tâm và không có chính sách giải quyết những bất mãn hay quyền lợi thiết thực của họ thì một ngày nào đó chính nó sẽ đến và sẽ lung lây nền tảng chính trị tại đây.

    Tài liệu tham thảo:
    “How it happened” – Election 2016, The Economist, 12 Tháng Mười Một, 2016 (the print edition).
    J.A., “Watch out, world,” The Economist, 9 Tháng Mười Một, 2016.
    Jefferson Cowie, “The Great White Nope,” Foreign Affairs, Volume 95, Number 6, trang 147 đến 152.
    Francis Fukuyama, “Trump and American Political Decay,” Foreign Affairs, 9 Tháng Mười Một, 2016.
    Fergus Hunter, “Election 2016: Bill Shorten’s description of Donald Trump as ‘barking mad’ draws ire of Malcolm Turnbull,” Sydney Morning Herald, 27 Tháng Năm, 2016.
    “Donald Trump, Brexit and the transatlantic echo” – British and American politics often march in lockstep, The Economist, 10 Tháng Mười Một, 2016.
    Editorial, “US election 2016: Donald Trump’s win a lesson for Victoria’s own rust belt,” The Age, 10 Tháng Mười Một, 2016.

    Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/dien-dan/khong-nen-coi-thuong-dan-tuy-mi-dan/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org