Địa chính trị của chủ nghĩa dân túy

Posted on
  • Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Danny Quah và Kishore Mahbubani
    Phạm Nguyên Trường dịch
    Câu hỏi lớn trong các nước châu Á hiện nay là có thể rút ra được bài học gì từ chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mĩ và từ cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi đi hay ở lại EU của Vương quốc Anh, trong đó cử tri Anh chọn phương án ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Đáng tiếc là người ta đã không tập trung chú ý vào chỗ cần phải chú ý: Sự thay đổi của địa chính trị.

    Không những thế, nói chung, những bài viết về kinh tế đã giữ thế thượng phong: toàn cầu hóa, mà vẫn cải thiện được phúc lợi cho tất cả mọi người, dịch chuyển người lao động và các ngành công nghiệp tới những địa điểm khác, và tạo ra chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn hơn, làm cho các cử tri lo lắng, đấy chính là những người ủng hộ Brexit và Trump. Một câu chuyện khác khẳng định rằng những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ - hơn là toàn cầu hóa - đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, tạo ra sự đổ vỡ về chính trị trong các nước đã phát triển.

    Trong cả hai trường hợp, các nhà hoạch định chính sách trong các nước mới nổi nhận định rằng bất bình đẳng là vấn đề lớn, và cố gắng cải thiện tính di động xã hội (social mobility), vì sợ rằng toàn cầu hóa và công nghệ mới sẽ đẩy tầng lớp trung lưu và giai cấp công nhân của họ ra rìa, và dọn đường cho những lời giải thích của họ về Trump và Brexit. Đối với các nước châu Á, các chính sách rõ ràng là: Quan tâm tới những nhóm dân cư bị thiệt thòi, đào tạo lại và cơ hội làm việc mới cho những người lao động bị đẩy ra ngoài.

    Tất nhiên, toàn xã hội cần quan tâm tới những thành viên nghèo khổ nhất và tối đa hóa tính di động xã hội, trong khi tưởng thưởng cho các doanh nghiệp và khuyến khích người dân cải thiện số phận của chính họ. Nhưng tập trung vào các chính sách như thế sẽ không giải quyết được sự bất mãn của xã hội, là nguyên nhân của những vụ bùng lên của chủ nghĩa dân túy, vì bất bình đẳng không phải là nguyên nhân căn bản của nó. Tình cảm bị mất kiểm soát mới là nguyên nhân căn bản.

    Kể cả nếu như các nước xóa bỏ được khoảng cách trong thu nhập và của cải giữa các công dân trong nước họ và đảm bảo được tính di động xã hội cho tất cả các công dân của mình, thì những lực lượng châm ngòi cho sự bất mãn của công chúng trên toàn thế giới cũng sẽ vẫn còn. Xin xem xét nước Mĩ, ở đấy, những tấm áp phích vẽ những đứa trẻ cần được trợ giúp trong câu chuyện về bất bình đẳng đã được thay thế bằng người lao động da trắng, già hơn, ít học và bị mất việc làm. Nhiều người tin rằng những cử tri đó đã làm nên chiến thắng của Trump, nhưng những tấm áp phích với những đứa trẻ như thế trên thực tế không có tác động lớn nhất đối với kết quả của cuộc bầu cử này.

    Theo kết qủa cuộc thăm dò cử tri khi họ ra khỏi phòng phiếu, Trump đã giành được 53% phiếu của những người da trắng có bằng đại học, và 52% phiếu của phụ nữ da trắng có bằng đại học (chỉ có 43% phụ nữ ủng hộ Clinton mà thôi); Trump giành được 47% phiếu bầu của người Mĩ da trắng ở độ tuổi từ 18 đến 29, trong khi Clinton chỉ được 43% số cử tri trong độ tuổi này ủng hộ; và tổng cộng, ông ta được 48% người da trắng tốt nghiệp đại học ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ được 45% ủng hộ mà thôi. Những người ủng hộ Trump không nhét vừa khuôn mẫu nằm ở trung tâm câu chuyện kinh tế.

    Trong khi đó, hơn một nửa trong số 36% người Mĩ có thu nhập chưa tới 50.000 USD/năm lại bầu cho Clinton, và trong số 64% cử tri cử tri còn lại, 49% bầu cho Trump, 47% bầu cho Clinton. Như vậy là, người nghèo ủng hộ Clinton nhiều hơn, còn người giàu thì lại đứng về phía Trump. Trái ngược với những câu chuyện đang lưu hành rộng rãi, Trump chiến thắng không phải là do những người đang lo lắng nhất về việc chiếc thang kinh tế bị đổ.

    Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Vương quốc Anh, nơi mà chiến dịch “Ra đi” khẳng định rằng các quy định được cho là nặng nề của EU và phí thành viên quá cao cản trở nền kinh tế của Anh quốc. Điều này khó có thể được coi là chương trình nghị sự nhằm chống lại bất bình đẳng về kinh tế và đẩy một số người ra, không cho họ được chia sẻ thành quả kinh tế và nó cho thấy rằng các doanh nhân giàu có đã chi những khoản tiền lớn nhất nhằm ủng hộ cho việc “Ra đi”.

    Hơn nữa, cảm xúc của những người bình thường, tức là cái giúp Ra đi chiến thắng không có xuất xứ từ sự bất bình đẳng về thu nhập hay “1% phiều bầu”: những cử tri nghèo, vong thân hướng sự giận dữ của họ vào những người nghèo, vong thân khác - đặc biệt là người nhập cư – chứ không phải là hướng vào những người giàu có. Văn phòng Thị trưởng London báo cáo rằng so với sáu tuần trước đó, sáu tuần sau vụ trưng cầu dân ý, tội ác vì lòng hận thù gia tăng tới 64%. Vì vậy, trong khi bình đẳng thu nhập có thể là một phần của sự ồn ào xung quanh chiến dịch Brexit, nó không phải là vấn đầu tiên trong đầu óc những cử tri ủng hộ Ra đi.

    Cái liên kết những người ủng hộ Trump và Ra đi không phải là sự tức giận vì bị loại ra, không được hưởng những lợi ích của toàn cầu hóa, mà là cảm giác khó chịu mà họ cùng chia sẻ, đấy là không còn kiểm soát được số phận của mình. Gia tăng bất bình đẳng về thu nhập có thể làm cho người ta tức giận thêm, nhưng những yếu tố khác cũng có thể gây ra hậu quả như vậy, điều này giải thích vì sao người dân nằm ở toàn bộ phổ phân phối thu nhập đều tỏ ra lo lắng. Thật vậy, nhiều người Đông Âu có cảm giác mất kiểm soát trong giai đoạn tiến hành những cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa khắc nghiệt thời hậu chiến, cũng như trong Các mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhiều người cũng có cảm giác mất kiểm soát như thế, mặc dù trong các xã hội này người ta gần như không thấy có bất bình đẳng về thu nhập.

    Ngược đời là, những người ủng hộ Brexit và ủng hộ Trump có thể cảm thấy ảnh hưởng của toàn cầu hoá vì trên thực tế bất bình đẳng đã giảm. Tác động lớn nhất của toàn cầu hóa là đã đưa hàng trăm triệu người trong các nền kinh tế mới nổi thoát khỏi đói nghèo. Trong suốt những năm 1990, GDP của các nước mới nổi (theo tỉ giá thị trường) chỉ bằng một phần ba GDP của các nước G7. Đến năm 2016, khoảng cách về cơ bản là không còn.


    Hình: GDP của các nền kinh tế mới nổi so với GDP của các nước G-7
    Ghi chú: GDP được tính bằng USD không đổi
    Nguồn: Tính toán của các tác giả, IMF World Economic Outlook (tháng 10 năm 2015, đã cập nhật)

    Bất bình đẳng thu nhập trên bình diện quốc tế thấp, chứ không phải là bất bình đẳng thu nhập ở từng nước đang gia tăng, đang gây những căng thẳng chưa từng có lên trật tự toàn cầu. Sự bất tương xứng giữa những thứ mà các nước phương Tây có thể cung cấp và những thứ mà các nền kinh tế mới nổi đòi hỏi đang ngày càng gia tăng. Sức mạnh của trục xuyên Đại Tây Dương, từng được sử dụng để vận hành thế giới đang tuột khỏi tay, và cảm giác mất kiểm soát được cả giới tinh hoa chính trị cũng như những người công dân bình thường của những nước đó cảm nhận được.

    Chiến dịch của Trump và chiến dịch Ra đi kêu gọi cử tri bằng cách đưa ra khả năng là sức mạnh của trục xuyên Đại Tây Dương có thể giành lại được quyền kiểm soát trong trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng này. Nhưng, cùng với sự gia tăng về địa chính trị của các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở châu Á, trật tự đó sẽ phải đạt được trạng thái cân bằng mới, hoặc thế giới sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bất ổn. Thu hẹp khoảng cách về thu nhập có thể có ích cho người nghèo; nhưng, ở các nước đã phát triển, nó sẽ không làm cho người dân bớt lo lắng hơn.

    Danny Quah Kishore Mahbubani là Giáo sư kinh tế học ở Trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ông là tác giả cuốn The Global Economy's Shifting Centre of Gravity.

    Kishore Mahbubani là trưởng khoa và là tác giả cuốn ở Trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore và là tác giả cuốn The Great Convergence: Asia, the West, and the Logic of One World. Năm 2014, ông được tạp chí Prospect liệt vào danh sách 50 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới.

    Nguồn: http://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/12/ia-chinh-tri-cua-chu-nghia-dan-tuy.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org