Điều hấp dẫn các
nhà dân túy là họ giúp những người bị gạt ra bên lề nói lên tiếng nói của mình.
Có lẽ, điều duy
nhất đáng ngạc nhiên về phản ứng dân túy, điều đã áp đảo nền chính trị của nhiều
nền dân chủ lâu đời, là nó đã xảy đến quá chậm. Thậm chí từ hai thập niên trước,
khá dễ để dự đoán rằng sự miễn cưỡng của các chính trị gia dòng chính trong việc
đề xuất giải pháp cho sự bất ổn và bất bình đẳng trong kỷ nguyên siêu toàn cầu
hóa sẽ tạo nên một không gian chính trị cho các nhà đại dân túy với các giải
pháp dễ dãi. Trước đây, đó là Ross Perot và Patrick Buchaman; ngày nay đó là
Donald Trump, Marine Le Pen và nhiều nhân vật khác.
Lịch sử không
bao giờ lặp lại, nhưng dù sao, bài học của nó vẫn vô cùng quan trọng. Chúng ta
cần gợi nhớ lại rằng thời kỳ đầu tiên của toàn cầu hóa, vốn đạt đến đỉnh điểm
trong vài thập niên trước Thế chiến I, sau cùng đã sản sinh ra một phản ứng
chính trị thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Bằng chứng lịch
sử đã được người đồng nghiệp tại Harvard của tôi là Jeffry Frieden tổng kết sâu
sắc. Frieden cho rằng, trong thời kỳ hoàng kim của chế độ bản vị vàng, các
chính trị gia dòng chính có xu hướng xem nhẹ cải cách xã hội và bản sắc dân tộc
bởi họ đã dành sự ưu tiên cho các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Làn sóng phản ứng
ngày nay hầu như sẽ không đi xa đến thế. Dù tai hại, nhưng sự suy sụp kinh tế của
cuộc đại suy thoái (từ 2008) và khủng hoảng nợ công châu Âu bị lu mờ đáng kể
khi so sánh với cuộc Đại khủng hoảng (1929 – 1933). Các nền dân chủ lâu đời đã
xây dựng – và duy trì (bất chấp những khó khăn gần đây) – một mạng lưới an sinh
xã hội rộng rãi dưới hình thức bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu và trợ cấp gia
đình. Nền kinh tế thế giới hiện có các cơ quan chức năng quốc tế – chẳng hạn
như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – điều chưa
hề có trước Thế chiến II.
Mặc dù vậy, những xung đột giữa một nền kinh tế siêu toàn cầu hóa và sự gắn kết xã hội là có thực, và giới chính trị gia cao cấp phớt lờ chúng bất chấp rủi ro cho chính mình. Như tôi biện luận trong cuốn sách vào năm 1997 Has Globalization Gone Too Far? (Tạm dịch: Liệu toàn cầu hóa có đang đi quá xa?), sự quốc tế hóa các thị trường hàng hóa, dịch vụ và tài chính sẽ gây chia rẽ giữa các nhóm người có kỹ năng cao, chuyên nghiệp, và có xu hướng toàn cầu, những người có thể tận dụng quá trình toàn cầu hóa, với phần còn lại của xã hội.
Mặc dù vậy, những xung đột giữa một nền kinh tế siêu toàn cầu hóa và sự gắn kết xã hội là có thực, và giới chính trị gia cao cấp phớt lờ chúng bất chấp rủi ro cho chính mình. Như tôi biện luận trong cuốn sách vào năm 1997 Has Globalization Gone Too Far? (Tạm dịch: Liệu toàn cầu hóa có đang đi quá xa?), sự quốc tế hóa các thị trường hàng hóa, dịch vụ và tài chính sẽ gây chia rẽ giữa các nhóm người có kỹ năng cao, chuyên nghiệp, và có xu hướng toàn cầu, những người có thể tận dụng quá trình toàn cầu hóa, với phần còn lại của xã hội.
Hai kiểu chia rẽ
chính trị đang trở nên trầm trọng hơn trong quá trình này: sự chia rẽ theo bản
sắc, xoay quanh nguồn gốc quốc gia, sắc tộc, hoặc tôn giáo, và sự chia rẽ theo
thu nhập, xoay quanh các giai cấp xã hội. Các nhà dân túy đã tạo được sự hấp dẫn
cho mình bằng cách khai thác một trong các kiểu chia rẽ đó. Các nhà dân túy
cánh hữu như Trump đánh vào chính trị bản sắc. Còn các nhà dân túy cánh tả như
Bernie Sanders lại nhấn mạnh vào khoảng cách giàu nghèo.
Trong cả hai trường
hợp, sẽ có một “ai đó” mà người ta có thể hướng sự giận dữ của mình vào. Bạn
không kiếm đủ tiền để sống? Đó là vì người Trung Quốc đã cướp hết việc làm của
bạn. Bạn phẫn nộ với tội phạm? Đó là vì người Mexico và những người nhập cư
khác đem các cuộc xung đột băng đảng vào trong nước. Còn chủ nghĩa khủng bố? Dĩ
nhiên là tại một số dòng cực đoan. Còn tham nhũng chính trị? Bạn còn trông đợi
gì hơn khi mà các ngân hàng lớn đang bơm tiền cho hệ thống chính trị của chúng
ta? Không giống như giới tinh hóa chính trị dòng chính, các nhà dân túy có thể
dễ dàng chỉ ra thủ phạm chịu trách nhiệm cho những bất hạnh của quần chúng nhân
dân.
Dĩ nhiên, các
chính trị gia cầm quyền đã bị “nắm thắt lưng” bởi họ đã luôn nắm giữ quyền lực
trong toàn bộ giai đoạn này. Nhưng họ cũng đồng thời bị tê liệt bởi chính luận
điệu chính trị trung tâm của mình vốn đầy sự ì ạch và bất lực.
Luận điệu này đổ
lỗi cho các tác động khoa học công nghệ vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng đã
gây ra sự trì trệ trong tiền lương và bất bình đẳng gia tăng. Nó xem toàn cầu
hóa và các luật lệ để duy trì điều đó là không thể lay chuyển và khó tránh khỏi.
Giải pháp được đề xuất – đầu tư vào giáo dục và các kỹ năng – hứa hẹn sẽ không
mang lại các tác động tích cực tức thời và ít nhất sẽ mất nhiều năm mới gặt hái
được thành quả.
Trên thực tế, nền
kinh tế thế giới ngày nay là sản phẩm của những quyết sách rõ ràng mà các chính
phủ đã đưa ra trong quá khứ. Đó là việc lựa chọn không dừng lại ở Hiệp định
chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) mà tiến hành xây dựng một WTO nhiều tham
vọng và mang tính can thiệp nhiều hơn. Tương tự, đó sẽ là lựa chọn có nên phê
chuẩn các thỏa thuận siêu thương mại trong tương lai như Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại
Tây Dương (TTIP) hay không.
Đó là lựa chọn của
các chính phủ trong việc nới lỏng các quy định về tài chính và hướng đến sự
luân chuyển vốn xuyên biên giới toàn diện, cũng như là lựa chọn duy trì nguyên
vẹn các chính sách đó bất kể một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quy mô lớn.
Và, như Anthony Atkinson nhắc nhở chúng ta trong cuốn sách bậc thầy về bất bình
đẳng của ông, thậm chí sự thay đổi khoa học công nghệ cũng không tránh khỏi tác
động từ chính phủ: có rất nhiều thứ mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm
để ảnh hưởng đến phương hướng thay đổi công nghệ và đảm bảo rằng nó sẽ dẫn đến
gia tăng việc làm và bình đẳng.
Điều hấp dẫn các
nhà dân túy là họ giúp những người bị gạt ra bên lề nói lên tiếng nói của mình.
Họ đề xuất một luận điệu chính trị tổng quát cũng như các giải pháp cụ thể, cho
dù có sai lạc và thường nguy hiểm. Các chính trị gia dòng chính sẽ không thể
giành lại những gì đã mất cho đến khi chính họ cũng phải đề xuất những giải
pháp nghiêm túc, thứ sẽ mang đến hy vọng. Họ không nên tiếp tục ẩn nấp sau lý
do biến đổi công nghệ hay việc toàn cầu hóa là không thể ngăn cản, và họ cần sẵn
sàng liều lĩnh và tiến hành các cải cách trên quy mô lớn cách thức mà nền kinh
tế nội địa và toàn cầu đang được vận hành.
Nếu như một bài
học của lịch sử là sự toàn cầu hóa không được kiểm soát có thể gây ra nguy hiểm,
thì một bài học khác nữa là sự linh hoạt của chủ nghĩa tư bản. Chính Chính sách
Kinh tế mới (của Mỹ thời Đại Suy thoái – NBT), mô hình nhà nước phúc lợi, và
toàn cầu hóa có kiểm soát (thời kỳ Hệ thống tiền tệ Bretton Woods còn vận hành)
đã rốt cuộc giúp các xã hội định hướng thị trường có được sức sống mới và tạo
ra sự bùng nổ sau chiến tranh. Không phải việc chắp vá và điều chỉnh lặt vặt
các chính sách hiện hữu tạo ra những thành tựu trên, mà phải là sự tái thiết
triệt để hệ thống.
Các chính trị
gia ôn hòa hãy lưu ý điều trên.
Dani Rodrik, Project
Syndicate
* Theo từ
điển Cambridge, chủ nghĩa dân túy là "những tư tưởng và hoạt động chính trị
với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường".
Hiện nay, chủ nghĩa dân túy cũng được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị
mang tính chất mị dân nhằm lôi kéo tranh thủ quần chúng.
---------
Dani Rodrik là
Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F.
Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization
Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn
Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bau-cu-ly-giai-thanh-cong-cua-cac-chinh-tri-gia-dan-tuy-297026.html